Gia chánh

Gia chánh (109)

Bò bía: Món ăn hoài niệm tuổi thơ

Bò bía: Món ăn hoài niệm tuổi thơ

image

Ban đầu, cứ ngỡ chỉ là suy nghĩ của riêng mình tôi. Nhưng khi có dịp trò chuyện với nhiều người bạn, tôi ngạc nhiên khi mọi người đều có suy nghĩ tương đồng. Chúng tôi thường gọi đùa với nhau cách thưởng thức ấy là việc “ăn ký ức”. Ngẫm lại thì rất đúng vì người ta không chỉ nhung nhớ một món ăn nào đó bởi hương vị nó mang đến mà còn là do rất nhiều hoài niệm trong tâm trí. Một trong những món ăn vặt gợi nên nhiều hoài niệm nhất trong tôi chính là bò bía.

Bò bía vốn là món ăn vặt yêu thích của nhiều người Sài Gòn. Cha tôi, khi còn sinh thời, thường có câu nói vui:

 

“Bò bía là món “đánh bật” mọi lứa tuổi”.

 

image

Cũng bởi, bất kể là trẻ em hay người già, giới lao động bình dân hay giàu sang quyền quý, đã từng nếm thử một cuốn bò bía, đều không thể cưỡng lại. Thậm chí, đôi khi ăn hết cả dĩa mà lắm lúc vẫn còn thòm thèm, cảm thấy chưa “đã”.

 

Theo lời bà tôi kể lại, bò bía vốn là món cuốn theo phong cách ẩm thực Triều Châu (Quảng Đông), Trung cộng du nhập vào Việt Nam. Tên “bò bía" cũng là từ mượn của tiếng Hoa vùng Phúc Kiến để gọi tên món ăn đặc trưng này.

 

Ở Sài Gòn, bò bía là món ăn vặt giá rẻ, dễ tìm kiếm, dễ ăn nên được nhiều người ưa chuộng.

 

Sau này, có dịp đi nhiều nước, tôi nhận thấy bò bía là thức ăn rất phổ biến trong các nước Đông và Đông Nam Á như Trung Hoa, Đài Loan, Thái Lan…

 

image

Lúc còn nhỏ, khi nghe người bán hàng rao món bò bía, đứa trẻ ham ăn là tôi cứ thèm thuồng vô kể.

 

Cũng bởi, thịt bò khi đó vốn là thức ăn rất đắt đỏ nên nghe rao bò bía, tôi lai tưởng lầm là cuốn thịt bò. Mãi đến lần đầu khi thưởng thức món bò bía, tôi mới ngỡ ngàng nhận ra phần nhân bên trong chỉ có tôm khô, củ sắn và lạp xưởng. Dẫu đơn sơ là thế nhưng hương vị của bò bia vẫn ngon khó tả, đặc biệt là lúc chấm cuốn bò bía ngập vô tương đen có ít ớt xay hòa cùng hành phi vàng ươm.

 

Bò bía ở Sài Gòn cũng thường phân biệt thành bò bía ngọt và bò bía mặn.

 

Với món bò bía ngọt, người bán sẽ cuốn bánh tráng với dừa nạo và kẹo mạch nha, rắc thêm chút mè hoặc đậu phộng nữa là xong. Món này tuy gây ấn tượng bởi vị ngon ngọt nhưng ăn mau ngán. Đa số người thưởng thức thường là trẻ con ưa chuộng, chứ hiếm khi thấy thực khách người lớn yêu cầu món này.

 

image

Cá nhân tôi dẫu yêu thích hương vị ngọt ngào của món bò bía ngọt nhưng tôi vẫn là “tín đồ” trung thành của món bò bía mặn. Biết tính cháu thích nên bà ngoại tôi thường xuyên chế biến món ăn này tại nhà, để dành cho bọn nhỏ nhâm nhi. Cách chế biến bò bía mặn của bà khá đơn giản. Tuy nhiên, bước đầu tiên phải chuẩn bị một số nguyên liệu như củ sắn, cà rốt, rau sống, trứng, lạp xưởng, tôm khô, đậu phộng, tương đen, tương ớt, bánh tráng để cuốn.

 

Nhà tôi ở vùng ngoại ô Sài Gòn khi đó có trồng một vườn củ sắn và rau sống nên mỗi khi cần chị em tôi lại hân hoan cắp rổ ra vườn tìm hái đủ nguyên liệu cho bà. Như những người nội trợ khác, bà tôi cũng thường tích trữ sẵn một ít đồ khô như mớ ruốc sông, vài quả trứng, mớ đậu phộng… Trong gian bếp đơn sơ, nhìn ra đường phố ồn ào tiếng xe, bà tôi ngồi tỉ mỉ sơ chế từng loại nguyên liệu.

 

Bà thường bảo:

“Làm bò bía không khó nhưng đòi hỏi việc chế biến nhiều loại nguyên liệu, gói ghém chúng lại với nhau cho hài hoà. Người thiếu tính kiên nhẫn sẽ khó lòng hoàn thành món này, các con à”.

 

image

Chắc đó cũng là lý do khiến bà tôi chế biến các nguyên liệu cực kỳ tỉ mỉ. Thậm chí, có nhiều hôm cuốn xong một đĩa bò bia cho chị em tôi thì lưng áo bà cũng ướt đẫm mồ hôi. Nhiều năm về sau, khi bà đã theo mây trắng về trời, ký ức về món bò bía đầy dư vị yêu thương của bà vẫn mãi trong tâm trí chúng tôi.

 

Thông thường, bà tôi sẽ xắt sợi củ sắn và cà rốt rồi đem xào, nêm thêm chút muối và tiêu là được. Trứng gà chị tôi sẽ đem tráng rồi nhẹ nhàng cắt thành sợi. Trong lúc đó, bà cũng tranh thủ nướng sơ qua món lạp xưởng rồi cắt thành lát mỏng. Sau khi chế biến xong, bà sẽ đem mỗi thứ một ít cuộn lại với bánh tráng thành những cuốn nhỏ lớn hơn ngón tay cái một chút, dài cỡ 8-10 phân là được.

 

Theo bà tôi, món bò bía mặn muốn ngon thì phải hội tụ nhiều yếu tố.

 

Củ sắn phải vừa chín tới, thấm đều gia vị. Các nguyên liệu phải được sắp xếp theo trình tự nhất định, để người ăn cảm nhận được tất cả hương vị trong một lần nhai. Ngoài ra, cuốn bò bía phải thật tròn trịa, đều đặn ở hai góc bẻ.

 

Chị tôi sẽ nhanh tay trộn tương đỏ, tương đen với đậu phộng giã nhỏ tạo thành một hỗn hợp nước chấm đặc sệt, thơm ngon. Sau khi hoàn thành món nước chấm, chị em tôi cứ thế cho từng cuốn bò bía chấm tương đậu phộng đưa vào miệng mà nhai, rồi hít hà xuýt xoa, cảm nhận từng vị mặn, ngọt, bùi, béo, cay, thơm, ngon của các nguyên liệu hoà quyện với nhau. Những trưa hè oi ả, ngồi cạnh nhau bên góc nhà cũ, chị em tôi ngồi nhấm nháp món ăn quen thuộc, thấy lòng ấm áp đến vô bờ.

 

image

Thỉnh thoảng, đôi lần quay trở về Sài Gòn, tôi hay dừng chân ghé ngang một quán bò bía ven đường, gọi thử vài cuốn, để ngồi nhấm nháp ăn thử món ăn hoài niệm của tuổi thơ. Rồi thẫn thờ, bùi ngùi nhớ lại những khoảnh khắc đã qua, tự dưng thấy sao khoé mắt mình lại cay cay, ươn ướt vị nhớ thương.

 

Bao Mai

 
Xem thêm...

MÓN VỊT ÉP PHẢI ĐẶT TRƯỚC HAI THÁNG Ở NHÀ HÀNG HƠN 400 TUỔI

MÓN VỊT ÉP PHẢI ĐẶT TRƯỚC HAI THÁNG

Ở NHÀ HÀNG HƠN 400 TUỔI

Món vịt với nước sốt được ép từ các bộ phận của con vịt là đại diện cho đẳng cấp của ẩm thực Pháp, rất khó để có cơ hội thưởng thức ở Paris.

Vịt ép (canard à la presse)

Vịt ép (canard à la presse) là món ăn di sản, được chế biến cầu kỳ và thuộc hàng xa xỉ của ẩm thực Pháp. Vịt ép được cho là xuất phát từ một chủ quán trọ ở vùng Duclair, miền nam Pháp. Từ thế kỷ XIX, món ăn gắn liền với nhà hàng Tour d'Argent hơn 440 năm tuổi nằm bên bờ sông Seine ở Paris. Đây là một trong những nhà hàng lâu đời và nổi tiếng nhất thế giới, được trao một sao Michelin, cũng là nguyên mẫu nhà hàng trong bộ phim hoạt hình nổi tiếng Ratatouille (Chú chuột đầu bếp), theo đại diện nhà hàng.

Vịt ép được đặt tên theo vua hề Charlie Chaplin, người từng thưởng thức món ăn ở nhà hàng, để tưởng nhớ ông. Theo các đầu bếp của Tour d'Argent, vịt để chế biến món ăn này được nuôi riêng trong trang trại của nhà hàng nhằm đảm bảo yêu cầu về chất lượng thịt và được đánh số thứ tự cho từng con, số lượng hạn chế.

Nhà hàng Tour d'Argent bên bờ sông Seine. Ảnh tư liệu nhà hàng

Thịt vịt được chọn từ con non và béo, sẽ được quay tái, lọc lấy thịt ức và đùi. Phần thịt vịt được phục vụ bằng cách cắt trên không thay vì trên thớt, sau đó chế biến thành hai món là lườn vịt quay và đùi vịt nướng.

Phần còn lại của con vịt được ép lấy tiết và nước để làm thành sốt, hòa với một số nguyên liệu đặc biệt theo bí quyết riêng, trong đó có bơ và rượu cognac. Phần sốt này được đun nhỏ lửa đến khi cô đặc, rồi rưới lên phần vịt quay khi mang ra phục vụ thực khách.

Để chế biến phần sốt, không thể thiếu một chiếc máy ép vịt bằng kim loại, có vòi phía dưới để máu và tủy xương chảy ra. Chiếc máy có hai hoặc bốn chân nặng để toàn bộ máy khi ép luôn ổn định. Món vịt ép không thể thành công nếu thiếu máy ép vịt.

Chiếc máy ép vịt.

Các tạp chí ẩm thực Pháp đánh giá món ăn "rất tinh tế". Một thực khách đến từ Tây Ban Nha từng được thưởng thức vịt ép ở Paris nhận xét món có vị huyết hơi nồng nhưng "đó là món ăn thật ngoạn mục".

Mở cửa lần đầu năm 1582, La Tour d'Argent từng phục vụ các thành viên Hoàng gia và giới quý tộc, các nguyên thủ, quan chức cấp cao trên thế giới cùng nhiều nhà văn và diễn viên nổi tiếng như Vua Pháp Henry III, Nga hoàng Alexander II, Nữ hoàng Anh Elizabeth II và phu quân, Thủ tướng Anh Winston Churchill, Tổng thống Mỹ Roosevelt và Kennedy, vua hề Charlie Chaplin, minh tinh Elizabeth Taylor và Humphrey Bogart.

Vịt quay kiểu Charlie Chaplin với hạt tiêu Tiên Phước, rau cải chip, chanh và gừng được chế biến ở Việt Nam. Ảnh: Le Beaulieu

Từ năm 1890, thực khách tới thưởng thức món ăn của nhà hàng sẽ nhận được một tấm thiệp chứng nhận số thứ tự con vịt mình được phục vụ. Số thứ tự này được cấp cho thực khách dùng từ nửa con trở lên. Qua nhiều thế kỷ, hiện có gần 1,2 triệu con vịt được đánh số. Theo đại diện nhà hàng, nhiều vị khách nổi tiếng đã sở hữu chứng nhận, ví dụ số 112.151 thuộc về cựu Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt hay số 253.652 thuộc về vua hề Charlie Chaplin.

Tour d'Argent là nhà hàng khó đặt bàn tại Paris. Thông thường, để thưởng thức món vịt ép, thực khách phải đặt trước ít nhất hai tháng. Một set menu có giá dao động từ 400 đến 1.000 euro (từ 10 triệu đến 28 triệu đồng). Bếp trưởng hiện nay Yannick Franques của Tour d'Argent từng được trao giải Meilleurs Ouvriers de France dành cho những người thợ có tay nghề giỏi ở nhiều lĩnh vực. Ông đã duy trì cách chế biến vịt ép truyền thống.

Vịt pha lê, biểu tượng của nhà hàng được mang từ Pháp sang Việt Nam. Ảnh: Esheep

Việt Nam là quốc gia thứ hai sau Thái Lan nhà hàng Tour d'Argent đưa nhân sự chính, trong đó có Bếp trưởng Yannick Franques sang giới thiệu món vịt ép, từ 23 đến 27/10, tại một nhà hàng trong khách sạn 5 sao ở Hà Nội. Những đồ trang trí trên bàn ăn, trong đó có con vịt pha lê biểu tượng của nhà hàng, cũng được mang sang Việt Nam.

Bếp trưởng Yannick Franques đã thực hiện một menu trưa 5 món và menu tối 8 món, trong đó có hai món vịt (nướng và quay kể trên).

Bếp trưởng Yannick Franques. Ảnh: Tour d'Argent

Tuấn Anh, admin của một diễn đàn ẩm thực với trên 2,5 triệu thành viên, thưởng thức bữa ăn ngày 24/10 tại Hà Nội, nhận xét món ăn thực sự hoàn hảo. "Thịt có vị thơm, mềm mọng, sốt ăn kèm béo ngậy. Phần thịt ức vẫn giữ được màu hồng tươi, chỉ cần dùng dao cắt nhẹ", anh nói và cho biết thêm chưa từng thử món ăn nào tương tự.
 
 
 
 
 
 

Linh Hương / Theo: VNExpres
Xem thêm...

NHỮNG MÓN ĂN TỪ HOA ĐỘC ĐÁO CỦA VIỆT NAM

NHỮNG MÓN ĂN TỪ HOA ĐỘC ĐÁO CỦA VIỆT NAM

Không chỉ phô sắc vẻ đẹp, nhiều loài hoa còn hóa thân vào ẩm thực, tạo nên những món ăn tinh tế và bổ dưỡng. Nhờ vậy mà ẩm thực Việt vốn đã giàu bản sắc, nay lại trở nên vô cùng phong phú và mang đậm nét tinh túy.



Hoa dùng để chế biến trong các món ăn của Việt Nam có rất nhiều loài, tùy vào khu vực địa lý và tập quán canh tác của từng vùng miền. Hoa nuôi trồng, hoa mọc dại, hoa có ở khắp ba miền Bắc Trung Nam. Miền Bắc gọi bằng hoa, miền Trung, miền Nam gọi bằng bông. Hoa súng, hoa thiên lý, hoa bí, hoa mướp, hoa chuối, bông hẹ, bông điên điển, bông so đũa, bông sầu đâu...

Dưới đây là một số loại hoa/bông phổ biến trong ẩm thực Việt Nam:

Hoa ban Tây Bắc

Ở vùng núi Tây Bắc, vào mỗi dịp tháng 2, 3, hoa ban thi nhau nở trắng rừng. Người phụ nữ thường hái hoa đem bán ở chợ như một thứ rau sạch hay mang về nhà chế biến thành những món ăn độc đáo. Với sự sáng tạo, khéo léo của con người, đã có nhiều món ăn từ hoa ban được sáng tạo rất hấp dẫn.

Để có những món ăn từ hoa ban phải qua rất nhiều công đoạn. Hoa ban sau khi hái về nhặt lấy cánh và nhụy hoa đem rửa nhẹ rồi chần qua nước nóng, sau đó mới chế biến thành nhiều món ăn khác nhau.

Nộm hoa ban cũng là một món ăn truyền thống của người Tây Bắc.

Hoa ban có thể dùng làm nộm rau, nộm giềng hay măng nộm hoa ban đều rất ngon và lôi cuốn. Ngoài ra, hoa ban còn có thể vò nát trộn thịt băm, nhồi cá, gà nướng…làm thành món ăn ngon và rất hấp dẫn thực khách.

Với món xôi (thường được gọi là ban đồ), người ta thường chọn những bông hoa mới nở, rửa sạch, sau đó cho vào chõ đồ xôi đã chín. Ban đồ khi ăn được chấm kèm với chẩm chéo (một gia vị truyền thống của dân tộc Thái). Lá và hoa ban có vị bùi, ngọt, thoang thoảng mùi thơm dịu, hòa quyện vào mùi nếp thơm quả là một trải nghiệm cực kì thú vị.

Nộm hoa ban không giống nộm vùng miền khác, thường có lạc, chanh và vị chua. Gia vị trộn nộm hoa ban "chuẩn" nhất thiết phải là loại tương ủ lên men của dân tộc Thái và giềng giã nhỏ. Với cách chế biến cầu kì, nộm hoa ban thường được làm khi nhà có khách quý.

Hoa tam giác mạch

Hoa tam giác mạch có nhiều ở Lào Cai, Cao Bằng và đặc biệt là Hà Giang. Ở mảnh đất địa đầu phía Bắc của Việt Nam, cứ vào cuối thu, lúc trời bắt đầu chuyển lạnh, đó cũng là thời gian để loài tam giác mạch hẹn hò trổ hoa.

Say mê với những sắc hoa muôn hồng nghìn tía, ít ai biết rằng, hạt của hoa có thể dùng làm nguyên liệu chế biến món ăn. Vào cuối mùa, người dân thu hoạch hạt tam giác mạch đem phơi khô, một phần dùng ủ tạo thành loại men hồng mi nổi tiếng, một phần có thể xay bột làm thành món bánh tam giác mạch nổi tiếng.

Bánh tam giác mạch ngon cần được làm tỉ mỉ, cẩn thận.

Từ những hạt tam giác mạch nhỏ hơn hạt đậu, người dân xay thành thứ bột thật mịn màng, sau đó cho bột hòa lẫn với nước lã thành bột dẻo, rồi cho vào khuôn truyền thống đúc thành từng miếng bánh tròn xoe. Nghe qua có vẻ dễ làm, nhưng xay bột tam giác mạch rất khó, phải là những hạt tam giác mạch được phơi khô một tuần lễ dưới nắng thì mới dễ xay. Người ta xay hạt tam giác mạch bằng tay nên phải xay rất kĩ mới cho ra thứ bột mịn, làm bánh không bị sạn khi ăn.

Bánh tam giác mạch thoáng vị bùi bùi, phảng phất chút hăng hăng đặc trưng của cây rừng. Những sắc tím nổi trên nền bánh như gợi nhớ về một mùa hoa ngọt ngào. Chỉ có những ai đã từng đến Hà Giang, và gặp người dân bản địa mới có cơ hội dùng qua loại bánh tam giác mạch hiền hòa này.

Hoa thiên lý

Hoa thiên lý từ lâu là món ăn đã được "biến tấu" thành nhiều món dùng trong bữa cơm gia đình và cả trong nhà hàng. Giữa cái nắng hè oi bức, nếu được thưởng thức các món ngon từ hoa thiên lý, đó sẽ là một cảm giác thú vị không gì sáng bằng.

Hoa thiên lý xào với thịt bò là món ăn quen thuộc trong mâm cơm người Việt.

Người chế biến chọn ra những chùm hoa lớn. Sau khi rửa sạch, ngâm nước thì đem tỉa cụm nhỏ, vừa miệng rồi chế biến nhiều món ăn như canh hoa thiên lý nấu xương, thịt băm hay nấu cua. Ngoài ra, hoa thiên lý xào thịt bò hay dùng chung với các món lẩu cũng rất đặc sắc. Không chỉ là thực phẩm bổ dưỡng, loại hoa này còn mang tác dụng giải nhiệt, giúp ngon giấc.

Hoa chuối

Hoa chuối là loài dân dã, gần gũi trong tâm thức người Việt. Hoa chuối đồng bằng có màu tím, được sinh ra để gắn với những món ăn bình dị mà không kém phần ngon miệng.

Món nộm hoa chuối dân dã.

Phổ biến nhất có lẽ phải kể tới nộm hoa chuối ở miền Bắc, còn miền Nam lại gọi là gỏi bắp chuối. Món nộm là sự tổng hòa của đủ vị chua, cay, ngọt, mặn, với vị hơi chát của hoa chuối, hòa cùng cái giòn béo của tai heo, bùi nhậy của lạc, thanh mát của rau thơm.

Ngoài ra, hoa chuối còn được tận dụng trong các món ăn gia đình như canh hoa chuối, bún bung, hoa chuối hầm chân giò… hoặc làm rau ăn kèm đều rất ngon.

Hoa cúc vàng (kim cúc)

Hoa cúc vàng thường được chưng trong những ngày lễ hoặc rằm. Đây là loại hoa khá phổ biến và có giá rất rẻ nên nếu dùng để chế biến món ăn cũng rất tốt. Đông y cho rằng, hoa cúc có vị đắng – cay, tính ôn, tác dụng thanh nhiệt, giải độc, chữa mụn nhọt sung viêm, đau nhức, mắt đỏ, đau đầu chóng mặt.

Chè hoa cúc.

Hoa cúc thường được chưng với đường phèn ăn như chè hoặc nấu canh, làm súp ăn cũng rất lạ vị. Món ăn độc đáo này sẽ giúp bạn phòng được chứng cảm cúm, viêm não nhẹ, viêm mũi, viêm da mũ, huyết áp cao, viêm gan…

Hoa hiên (hoa kim châm)

Mang vẻ đẹp bình dị nhưng hoa hiên có chứa nhiều protein, chất béo, tinh bột, vitamin A, vitamin C… rất có lợi cho sức khỏe. Hoa hiên vừa được trồng để làm cảnh, vừa để làm nguyên liệu trong nấu nướng.

Hoa hiên xào nghêu là một món không chỉ ngon mà còn rất bổ dưỡng.

Ở nước ta, hoa hiên được trồng nhiều ở những khu vực có khí hậu mát mẻ, ẩm ướt như Sapa, Tam Đảo, Đà Lạt… Hoa hiên dùng để ăn sẽ có vị ngọt, thanh nhiệt, tiêu đờm, cầm máu, sáng mắt, an thai… Hoa thường được nấu chung với thịt gà, ăn kèm với các loại rau lẩu hay nấu chung với lươn đều ngon miệng. Lấy bột hoa hiên cho một ít vào nồi canh cá hay canh cua sẽ làm tăng mùi vị thơm ngon và bổ dưỡng cho món ăn hơn.

Ngoài hoa, lá thì rễ của hoa hiên cũng được sử dụng khá phổ biến để làm thuốc. Rễ hoa hiên có vị ngọt, tính mát, lợi thủy nên được sử dụng để làm thuốc giảm đau, chữa sốt, viêm gan, vàng da, viêm tai giữa, đau răng…

Hoa sen

Trong khi những loại hoa khác có thể chế biến thành các món ăn dân dã, thì hoa sen chỉ thích hợp với món ăn tinh tế, vương giả. Hầu hết các bộ phận của cây sen như hạt sen, nhụy sen, tim sen, củ sen hay ngó sen đều ăn được.

Chè hạt sen long nhãn rất thơm ngon, bổ dưỡng.

Hoa sen có sẵn vị ngọt, lại lành tính rất tốt cho sức khỏe. Có một món ngon từ hoa sen thuộc hàng cao lương mĩ vị chốn cung đình là vịt hấp hoa sen. Bên cạnh đó, rất nhiều món ăn có sự kết hợp của hương sen như cơm sen, nộm sen hay chè sen… tất cả đều mang hương vị đặc trưng của ẩm thực Việt Nam.

Bông súng

Bông súng có rất nhiều ở đồng bằng sông Cửu Long, nơi nào có ao hồ, kênh rạch là nơi đó có bông súng. Bông súng rất đẹp, thường có hai loài: Súng sen trồng làm cảnh, bông to, màu tím đỏ, rất đẹp.

Súng dại, bông màu trắng hoặc tím. Nhụy bông súng màu vàng, cả hoa và nhụy đều có thể ăn được, nhưng người ta chỉ ăn phần cuống (cọng) vì thế cứ gọi luôn là bông súng. Bông súng tước vỏ, cắt khúc hai đốt ngón tay, làm rau sống cho móm lẩu mắm; trộn gỏi với bồn bồn, thịt ba dọi và tôm bóc nõn; nấu canh chua với cá đồng; ngâm giấm làm dưa… món nào cũng tuyệt hảo cả.

Ngày xuân người Bắc thường kiêng ăn mắm, nhưng người Nam thì không vì thế bông súng rất đắc dụng trong các món mắn đậ đà. Bông súng thân thuộc làm nên câu ca: “Miền tây nước lũ tràn đồng/Canh chua bông súng nấu xong chờ chàng”.

Bông so đũa

Ở phía Nam, ta dễ dàng bắt gặp các món ăn từ bông so đũa. So đũa là loài hoa trắng xóa hoặc tím, thường chỉ nở từ tháng 10 đến tháng 12 vừa có thể làm cây cảnh, nhưng lại vừa có giá trị dinh dưỡng rất cao.

Canh chua cá rô nấu bông so đũa.

Bông so đũa có vị hơi đắng nhưng lạ miệng. Vào mùa so đũa, người ta thường hái những bông tươi từ sáng sớm, nhặt bỏ cuống và vị đắng, bỏ đài, sau đó rửa nhẹ rồi chế biến thành những món canh chua cá rô, canh chua với khế, cá lóc, cá linh, tôm sống hoặc làm lẩu chua cùng một số loài ra khác đều rất ngon.

Đơn giản hơn, người ta thường luộc bông so đũa chấm với nước mắm kho quẹt hoặc luộc chung với các loài rau khác ăn giải nhiệt trong mùa hè oi bức. Đây cũng là món khoái khẩu của nhiều người.

Bông điên điển

Ở vùng đồng bằng Sông Cửu Long, mùa nước nổi cũng là mùa của những bông điên điển nở rộ. Bông nở xanh tươi, rợp bóng cả bờ sông, bờ rạch… tạo nên một khung cảnh sông nước hữu tình và thơ mộng.

Bông điên điển nấu cá linh.

Bông điên điển là một món ăn mang đậm hương vị miền quê, được coi là đặc sản sông nước miền Tây. Hiếm có loài hoa nào vừa có thể để ngắm và vừa có thể ăn như bông điên điển. Người ta thường nấu điên điển thành các món ăn ngon như gỏi chua bông điên điển, điên điển xào tép, nộm bông điên điển… Nhưng ngon nhất phải kể đến món canh chua bông điên điển nấu cá linh.

Chỉ duy nhất ở miền Tây mới có thể thưởng thức được cái món ngon độc đáo này. Vẫn công thức canh chua lâu nay, nhưng người dân nơi đây khéo léo cho thêm bông điên điển tạo nên một mùi vị vô cùng hấp dẫn và lạ lùng. Cái chua chua của me, cái ngọt của cá và cái thơm của bông điên điển có thể làm dịu mát đi cơ thể giữa cái nóng trưa hè oi bức.

Người dân miền Tây còn có món mắm cá linh muối ăn kèm bông điên điển. Mắm cá linh muốn ngon nhất định phải ăn kèm với bông điên điển và các loại cá tươi vừa mới bắt lên. Như vậy mới có thể cảm nhận được hết hương vị giản dị nhưng không kém phần quyến rũ của món ngon này.

Bông sầu đâu

Nếu điên điển đại trà bao nhiêu thì bông sầu đâu lại hiểm bấy nhiêu. Cây sầu đâu có nhiều ở vùng Thất sơn, Châu Đốc, An Giang. Sầu đâu thân gỗ, cao to, lá giống xoan ở ngoài Bắc.

Gỏi khô sặc lá sầu đâu.

Bông sầu đâu màu trắng, ra hoa vào mùa xuân, mọc thành từng chùm nhỏ, dùng làm gỏi (miền Bắc gọi là mộm). Bông và lá non, rửa sạch, trần sơ qua nước nóng, trộn đều với khô cá sặc, hoặc cá lóc nướng, xé nhỏ. Thêm chút rau thơm, hành tây, xoài ương thái sợi, nêm nếm vừa ăn. Gỏi sầu đâu nhận nhận đắng, nhưng ngọt hậu và rất bắt mồi.

Bông hẹ

Gắn với những bông ở Đồng bằng sông Cửu Long không thể không kể đến bông hẹ. Lá hẹ ăn sống. Hoa hẹ mà xào với lòng mề gà, hoặc tim, gan, huyết heo thì nhớ làm nhiều nhiều, kẻo ăn một, đòi ăn hai. Canh hẹ nấu với nghêu sò, đậu hũ có tác dụng giải nhiệt, chị em ăn đẹp da. Bông hẹ ở Nam Bộ không hăng như hẹ miền Bắc, vì thế câu thành ngữ "rành rành như nấu canh hẹ" là không đúng với vùng đất này.


Bông bí vàng

Chế biến lẩu mắm hay lẩu nấm thì không thể thiếu món bông bí dân dã miền Tây này. Bông bí còn được dùng để nấu canh, xào tỏi, đặc biệt món thịt nhồi bông bí cũng hết sức lạ miệng. Thơm ngon nhưng bông bí cũng không kém phần bổ dưỡng. Trong thành phần của bông bí có rất nhiều chất dinh dưỡng như canxi, sắt, magie, kali, photpho cùng nhiều vitamin.

Bông được cắt cả cuống, thường là các bông bí đực. Khi cắt hoa bí về, người ta thường bỏ nhụy bên trong vì đắng, sau đó dùng luộc, xào hấp hay nấu canh với tôm khô, canh ngao, canh hến, canh cua hoặc xào chung cùng với thịt bò, thịt lợn. Đơn giản nhất là đem luộc. Bông bí chỉ cần luộc qua trong nồi nước sôi là đủ chín, vớt ra để nguội, vắt bớt nước, chấm cùng với nước kho thịt hay nước kho cá đều rất tuyệt.

Canh bông bí nhồi thịt.

Những món ăn từ bông bí có tác dụng chống lão hóa, kháng ung thư do có nhiều beta carotene. Đây là chất chống oxy hóa tế bào, giúp loại bỏ các gốc tự do có nguy cơ dẫn đến ung thư. Chất này khi vào cơ thể sẽ chuyển hóa thành vitamin A, tăng cường hoạt động của hệ miễn dịch. Ngoài ra, bông bí còn hỗ trợ phòng bệnh tim mạch, huyết áp cao, tốt cho phụ nữ mang thai, ngừa bệnh loãng xương, tăng cường thị lực…

Bông mướp

Đã kể đến bông bí, không thể quên bông mướp. Bông mướp khi nở màu vàng rực. Dân câu lành nghề thường hay dùng để mắc cùng với mồi dụ mấy con ếch cụ “thành tinh”. Bị trêu ngươi, ếch nhảy ra vồ mồi, thế là chui… vào chảo.

Bông mướp xào tỏi.

Bông mướp chúm chím hàm tiếu, cùng với nụ mướp xào lòng gà thì hết chê bởi vị đăc trưng bùi bùi, ngậy ngậy. Hoa mướp dễ tính, nấu với thứ gì cũng được. Xào với tép đồng nhỏ, át mùi tanh; với da và dạ dày ếch hết nhớt, ăn dòn váng tai…

Ngày xưa hoa mướp là thức ăn của ngươi nghèo, dễ kiếm, mọc đầy hàng rào. Hàng xóm muốn ăn, chỉ cần dóng tiếng xin là hái thoải mái. Bây giờ nụ hoa mướp là đặc sản. Một đĩa nụ mướp chừng ba gắp có giá hai ba chục ngàn như chơi.

Bông lục bình

Nếu có dịp về các tỉnh miền Tây bạn sẽ được thưởng thức món bông lục bình xào tỏi vô cùng thơm ngon và đậm đà. Phần bông của lục bình có vị giòn ngọt, thanh mát rất dễ bắt cơm và đỡ ngán.

Canh chua cá ngát bông lục bình.

Theo Đông y, bông lục bình có vị hơi ngọt, tính mát có tác dụng lợi tiểu, giải độc, trừ phong nhiệt. Nếu bạn có vấn đề về các chứng ho hen, ho gió thì chỉ cần chưng bông lục bình với đường phèn ăn là thấy ngay công dụng tức thời.


C.M (tổng hợp)
 
Ngọc Lan sưu tầm
 

 

Xem thêm...

Bánh Trung Thu - Tinh Hoa Văn Hóa Ẩm Thực Việt

Bánh Trung Thu -

Tinh Hoa Văn Hóa Ẩm Thực Việt

 

Bánh Trung Thu - Tinh Hoa Văn Hóa Ẩm Thực Việt

Bánh Trung Thu không chỉ là một món ăn truyền thống mà còn là biểu tượng tinh thần và giá trị văn hóa sâu sắc của người Việt. Nhắc đến mùa Thu, không thể thiếu hình ảnh những hộp bánh trung thu đa dạng về hình thức và hương vị, đang chờ đợi để trở thành món quà ý nghĩa trong các dịp lễ. Với sự kết hợp tinh tế giữa truyền thống và sự sáng tạo, bánh Trung Thu không chỉ là món ăn ngon mà còn là một phần quan trọng trong việc thể hiện tình cảm và tri ân.

Tinh Hoa Văn Hóa Trong Mỗi Chiếc Bánh

Bánh Trung Thu không chỉ là sự kết hợp giữa các nguyên liệu đơn giản mà còn là một tác phẩm nghệ thuật được truyền tải từ thế hệ này sang thế hệ khác. Những chiếc bánh truyền thống như bánh dẻo, bánh nướng được chế biến và trang trí một cách tỉ mỉ và tinh tế. Mỗi hình thức, mẫu mã và hương vị đều mang theo những giá trị văn hóa và ý nghĩa riêng, tạo nên sự đa dạng và phong phú cho mùa Trung Thu.

Bánh Trung Thu - Tinh Hoa Văn Hóa Ẩm Thực Việt

Bánh Trung Thu - Biểu Tượng Tương Thân Tương Ái

Mùa Trung Thu không chỉ là dịp để thưởng thức hương vị đặc biệt của bánh, mà còn là thời khắc để chia sẻ tình cảm và tương thân tương ái. Việc tặng bánh Trung Thu cho người thân, bạn bè, đối tác và những người mà bạn quý trọng là cách thể hiện lòng biết ơn và tri ân. Bánh Trung Thu không chỉ mang trong mình hương vị ngọt ngào mà còn chứa đựng ý nghĩa sâu xa về tình thân, tình bạn và tình đồng nghiệp.

Sự Lựa Chọn Sáng Tạo Với Bánh Trung Thu

Ngoài những loại bánh truyền thống, ngày nay còn xuất hiện nhiều loại bánh Trung Thu mang hương vị và thiết kế sáng tạo. Những chiếc bánh nghệ thuật được làm thủ công, trang trí bắt mắt, những loại bánh nhân trái cây thơm ngon, hay thậm chí là bánh Trung Thu dành riêng cho người ưa thích hương vị quốc tế - tất cả đều là những sự lựa chọn sáng tạo để mang đến trải nghiệm mới mẻ và độc đáo trong mùa lễ này.

Kết Luận

Bánh Trung Thu không chỉ là một món ăn truyền thống mà còn là biểu tượng tinh thần và giá trị văn hóa của người Việt. Với sự đa dạng về hình thức và hương vị, bánh Trung Thu trở thành món quà ý nghĩa trong các dịp lễ, thể hiện sự tri ân và tương thân tương ái. Hãy thử những sự lựa chọn sáng tạo với bánh Trung Thu để mang đến trải nghiệm mới mẻ và độc đáo cho mùa lễ đặc biệt này.

 

*********

Bánh trung thu dành cho ai?

 

Bánh trung thu dành cho con nít có cần phải sang trọng, đắt tiền như thế này không?

Chỉ còn vài ngày nữa thôi là Tết Trung Thu rồi. Tầm này ở Việt Nam, đường phố khắp nơi (nhất là ở Sài Gòn) hẳn rực rỡ, rộn ràng với không khí chộn rộn chuẩn bị đón Tết Trung Thu.

Các quầy bánh trung thu đã tràn ngập trên khắp các nẻo đường với nhiều loại bánh từ các thương hiệu khác nhau, giá nào cũng có. Thực ra năm nào cũng vậy, từ trước tết trung thu hai-ba tháng đã thấy người ta rục rịch làm bánh bán rồi. Như Tết Trung Thu năm nay rơi vào giữa Tháng Chín, nhưng đâu đó từ cuối Tháng Sáu, cô em tôi đã mua được bánh trung thu từ Việt Nam gửi qua rồi.

Năm nay không biết sự suy giảm của nền kinh tế cùng với cơn bão Yagi vừa quét qua để lại không ít hậu quả chẳng biết có làm không khí trung thu khắp nơi hạ nhiệt bớt không. Trên các nền tảng mạng xã hội, người ta vẫn chào bán bánh trung thu tấp nập. Cứ như mạng và đời là hai thế giới tách biệt nhau vậy.

Cô bạn nhắn tin bảo, giá mà tôi còn ở quê nhà như mọi khi hẳn cô đã đem qua cho tôi vài hộp bánh trung thu, món ưa thích của tôi nhưng nay tôi đi vắng, cô ấy đang loay hoay với mấy hộp bánh mà chưa biết cho ai.

Chồng của bạn làm quản lý trong một công ty của nước ngoài. Công việc của anh tiếp xúc với nhiều nhà cung cấp nên lễ tết hay các dịp đặc biệt trong năm thường được các đối tác tặng quà, mùa nào thức nấy. Năm nào cũng vậy, đến mùa trung thu là chồng bạn khệ nệ đem về mấy hộp bánh trung thu cao cấp sau khi đã chia bớt cho nhân viên, đồng nghiệp ở công ty. Khổ nỗi chồng bạn chẳng bao giờ ăn bánh ngọt, bạn thì đang theo chế độ ăn kiêng để giảm cân, các con bạn thì không hảo bánh trung thu. Dù đã đem biếu bớt cho nội, ngoại và các thầy cô giáo của con nhưng vẫn chưa hết. Hỏi đến ai cũng lắc đầu nguầy nguậy, người sợ ngọt, người đang bị tiểu đường, người sợ tăng cân…

Trẻ em bây giờ dường như chẳng mấy đứa thích bánh trung thu như bọn tôi ngày xưa. Có khi vì cuộc sống “ngày xưa” ấy quá thiếu thốn, nghèo nàn nên ăn gì cũng thấy ngon, nhìn món gì cũng thấy thèm.

Bánh trung thu dành cho con nít có cần phải sang trọng, đắt tiền như thế này không?

Bánh trung thu xịn và đẳng cấp phải kể đến các loại bánh mang thương hiệu là tên của những khách sạn năm sao được thực hiện với số lượng có giới hạn chứ không bán đại trà như các hiệu bánh công nghiệp được bán tràn lan trên thị trường. Và do tiêu chí “limited edition” nên giá các loại bánh này cũng cao ngất ngưỡng và thường được dùng để tặng khách VIP. Chỉ cần nhìn cái tên thương hiệu nằm chình ình ở những vị trí dễ nhìn thấy nhất trên hộp bánh như Sheraton, Park Hyatt, Equatorial… là đủ biết “level” của người tặng, người được tặng cũng như mức độ mối quan hệ giữa họ với nhau.

Lướt một vòng trên mạng, tôi bắt gặp giá riêng của một chiếc hộp đựng bánh trung thu nhãn hiệu Givral thôi là 350,000 đồng VN, bằng giá trị của một hộp bánh nhãn hiệu trung bình khác là đủ biết người ta làm ra những hộp bánh đắt tiền như thế là để phục vụ cho đối tượng khách hàng như thế nào. Và dĩ nhiên là một đứa bé ngoài thưởng thức miếng bánh trung thu, chúng đâu cần một chiếc vỏ hộp sang trọng, cầu kỳ nhưng đắt đỏ đến thế.

Nếu như thời con nít của tụi tôi, bánh trung thu chỉ là một dấu chỉ điểm báo một thời khắc của năm như bánh ú lá tre báo tết Đoan ngọ, bánh chưng bánh tét thì báo tết nguyên đán vậy… thì nay, sự xuất hiện của bánh trung thu báo hiệu một mùa làm ăn sôi động liên quan đến nhiều người, nhiều lĩnh vực khác nhau. Và do đối tượng tiêu thụ bánh trung thu ngày nay không chỉ là đám trẻ con vô tư, ngây thơ như trước nữa nên thành phẩm bánh trung thu cũng cầu kỳ, phức tạp hơn trước. Không kể đến chiếc bánh được làm bởi các thợ bánh chuyên nghiệp, các thành phần khác liên quan đến chiếc bánh cũng kéo theo một dây chuyền sản xuất, kinh doanh đáng kể như vỏ hộp bánh, túi (nhựa hoặc giấy) đựng hộp bánh, dao nhựa để cắt bánh, túi (hay hộp) trà đi kèm… Dù chỉ mang tính thời vụ nhưng việc sản xuất và kinh doanh bánh trung thu cũng đem lại cơ hội kinh doanh đáng kể cho nhiều người, từ các công ty chế biến thực phẩm đến những người kinh doanh online, làm bánh “homemade”. Thậm chí giới làm bánh còn truyền tai nhau chuyện có người làm bánh giỏi sau một mùa trung thu có thể sắm vài miếng đất là bình thường.

Nếu như ngày xưa, khách hàng mua bánh vào mùa trung thu là những ông bố bà mẹ nghèo như ba mẹ chúng tôi, cắc ca cắc củm dành dụm được chút ít tiền chỉ đủ mua cho lũ con lít nhít của mình vài chiếc bánh con heo (vỏ bánh nướng giống như bánh trung thu nhưng nhân đậu xanh). Nhà nào khá khẩm hơn chút đỉnh thì mua được mấy chiếc bánh trung thu nhân thập cẩm hẳn hòi bỏ trong bao bì bằng nylon trong suốt, ngoài là chiếc hộp giấy đơn giản có in hình mấy con rồng, phụng màu sắc loè loẹt.

Ngày nay, người ta mua bánh trung thu cho con mình ăn không nhiều bằng phụ huynh mua tặng cho thầy cô giáo của con, nhân viên mua tặng sếp, đối tác mua biếu nhau, công ty đặt bánh để biếu khách hàng hoặc tưởng thưởng cho công nhân viên của mình… nên hình thức, mẫu mã, giá tiền, kể cả cách người ta tặng bánh cũng đa dạng hơn. Có công ty in hẳn tên lên hộp hay túi đựng bánh như một hình thức quảng cáo. Có người mượn cớ tặng hộp bánh để gửi kèm cho sếp hay đối tác quan trọng những thứ quà khác “chất lượng,” “nặng ký” hơn để đổi lấy bổng lộc hay một thương vụ nào đó. Có người nhờ hộp bánh “thay lời muốn nói” để gửi gắm giáo viên, để con mình xin được vào trường điểm, trường xịn…

Nhưng dù gì đi nữa thì việc tặng bánh bây giờ không chỉ đơn thuần để bày tỏ sự quý mến, trân trọng và tấm lòng của người tặng mà đôi khi còn là gánh nặng, là trách nhiệm “phải trả ơn” của người được tặng nữa. Cho nên giá trị những hộp bánh trung thu (lẽ ra chỉ dành cho thiếu nhi) có khi lên đến cả chục triệu đồng cũng chẳng có gì khó hiểu.

Nếu như Tết Trung Thu ngày trước là ngày hội dành cho thiếu nhi hay là dịp để các bậc ông bà, cha mẹ bày tỏ tình yêu thương dành cho con cháu trong nhà qua những món quà giản dị và phù hợp với lứa tuổi là những chiếc lồng đèn nhiều màu sắc, hình dạng đáng yêu hay những chiếc bánh nướng, bánh dẻo giá trị chẳng đáng là bao thì tết trung thu ngày nay là hoạt động vui chơi của mọi lứa tuổi. Thanh niên thì đưa nhau đi chụp hình check-in ở những khu phố chuyên bán đồ trung thu như Hàng Mã (Hà Nội), Lương Nhữ Học (quận 5, Sài Gòn)… Người lớn thì có người than thở khi mùa trung thu tới đồng nghĩa với việc biếu tặng, tốn kém. Cũng có người lớn khoe những hộp bánh sang, xịn được tặng nhờ quyền hành, vị thế của mình. Cũng có người khoe giàu bằng những hộp bánh đắt tiền, thừa mứa trong khi xã hội luôn bất công theo kiểu “kẻ ăn không hết, người lần không ra”…

Những người định cư ở Mỹ đã lâu không còn được biết đến không khí ồn ào, náo nhiệt của mùa trung thu nơi quê nhà. Những đứa trẻ Việt Nam lớn lên bằng thức ăn Mỹ không ăn bánh trung thu đã đành. Những đứa trẻ vẫn ăn thức ăn Việt Nam từ bà, từ mẹ mỗi ngày mà đưa bánh trung thu có khi cũng lắc đầu quầy quậy. Trung thu với những người con xa xứ có lẽ cũng như những ngày bình thường khác trong tháng hay như những mùa khác trong năm, chẳng có gì đặc biệt. Có khác chăng là những chiếc bánh trung thu người ta tự mua về ăn để nhớ một thứ món ăn theo mùa, để thấy như quê nhà vẫn đâu đây, để có cảm giác như mình vẫn đang sống cùng một nhịp với những người thân bên kia nửa vòng trái đất. Nếu không có các cộng đồng người Việt với các hoạt động lễ hội nhân mùa trung thu để gìn giữ, bảo tồn các hoạt động văn hoá của dân tộc, những đứa trẻ lớn lên ở nước ngoài có lẽ rồi sẽ quên mất một sự kiện quan trọng trong năm đã từng là một phần đáng nhớ trong ký ức tuổi thơ êm đềm, đẹp đẽ của ba mẹ chúng.

Bánh trung thu dành cho con nít có cần phải sang trọng, đắt tiền như thế này không?

Bây giờ chẳng cần đợi đến trung thu mới được ăn bánh nướng hay bánh dẻo. Có những cửa hiệu bán bánh trung thu quanh năm. Với các công thức làm bánh đầy đủ chi tiết trên mạng, ai cũng có thể tự làm bánh để ăn nếu muốn. Nên trung thu dần mất đi ý nghĩa khi nó không còn khiến người ta háo hức chờ đợi vì chỉ đến một lần trong năm như ngày xưa.

Nhiều người nói khi còn nhỏ ăn gì cũng thấy ngon, giờ nhìn gì cũng ngán. Có lẽ do hoàn cảnh cuộc sống thay đổi, vật chất đủ đầy khiến niềm vui ngày cũ giờ trở nên bình thường. Âu cũng là quy luật tự nhiên của sự thay đổi và thích nghi. Chỉ tiếc khi người lớn, vì những mục đích cá nhân đã làm cho một dịp lễ hội tinh khôi như ngày tết trung thu của trẻ con mất dần ý nghĩa của một nếp sinh hoạt văn hoá truyền thống, biến nó thành ngày hội của người lớn chứ không còn là của trẻ thơ nữa. Chứ đã lâu rồi, có ai còn nghe mấy đứa con nít kêu thèm ăn bánh trung thu hay đòi ba mẹ mua cho nữa đâu?

(Bài và Hình: Thuỵ Vũ)

Ngọc Lan sưu tầm

Xem thêm...
Theo dõi RSS này