Những Bản Tình Ca - Kỷ niệm của đời tôi

Những bản Tình ca - Kỷ niệm của đời tôi

Tùy bút của Hương Huyền

+++

Trong cuộc đời của mỗi người chúng ta, chắc chắn là ai cũng biết hát, hát hay hoặc là hát dở cũng được, nhưng nhìn chung thì âm nhạc đã luôn hiện hữu trong đời sống của chúng ta. Thông qua âm nhạc, mỗi người đều có những kỷ niệm, những ký ức thân thương của từng bài hát trôi theo dòng thời gian trong mỗi bước chân của cuộc đời mình thật khó phai mờ. Thời gian dần trôi, dường như những kỷ niệm ấy đã có lúc bị cuốn theo dòng chảy của thời gian rồi cũng từ từ nhạt nhòa và có lúc tưởng chừng như tan biến. Nhưng rồi đôi khi những giai điệu, những ca từ chợt hiện về trong tâm trí, hay không ít lần những giai điệu, những lời ca vô tình lọt qua tai mình .... Trong khoảnh khắc ấy, những kỷ niệm của tuổi thơ, tuổi thanh xuân, những hoài niệm về quá khứ, hoài niệm về quê hương đất nước qua những bản tình ca từ từ hiện về… thật lung linh và đẹp đẽ. Một chút dư âm và thương nhớ của từng câu hát lời ca là một kỷ niệm ấp ủ đáng trân quý, là khoảnh khắc của một thời để yêu và một thời để nhớ.

Trong mỗi người Việt Nam chúng ta, ngay từ khi mới bước chân vào ngưởng cửa học đường thì chúng ta ai cũng được dạy và phải học thuộc lòng một bài hát ... đó là Quốc Ca của nước Việt Nam Cộng Hòa. Trường Tiểu học của tôi là Trường Nữ Tiểu Học Chợ Lớn, tôi không còn nhớ trường nằm tại đường nào, nhưng vẫn nhớ là phải đi bộ khoảng nửa tiếng thì mới đến trường. Mỗi buổi sáng thứ hai đầu tuần là học sinh toàn trường sẽ mặc đồng phục và phải sắp hàng ở ngoài sân, ngay trước cửa lớp học của mình bao vòng chung quanh dưới chân cột cờ ở giửa sân trường, sau đó thì cả trường sẽ cùng nhau hát Quốc ca và kéo Quốc kỳ lên. Mỗi chiều thứ sáu cũng hát Quốc ca để hạ cờ xuống nhưng lần này thì học sinh chỉ đứng lên ngay tại chỗ ngồi trong lớp mình mà thôi. Về sau này cứ mỗi lần nghe hát hay là cất tiếng ca bài hát này thì bao giờ trong đầu của tôi cũng hiện ra những hình ảnh của cái trường Tiểu Học đầu đời này. Thuở đó, ngày hai lần tôi cắp sách đi bộ tới trường Tiểu Học này cùng với Đào thị Ngọc, một cô bạn cùng tuổi mới di cư từ miền Bắc vào Nam, khi gia đình Ngọc vừa dọn đến một căn nhà sát bên cạnh căn nhà mướn của chúng tôi ngay tại góc đường Sư Vạn Hạnh và Minh Mạng. Rồi lại nhớ đến kỷ niệm của mỗi chiều thứ sáu đã hãnh diện được bà Hiệu Trưởng cho vời lên văn phòng, rồi tôi sẽ dùng cái microphone của bà để đơn ca những bài mà tôi biết hát, cho cả toàn trường nghe. Bài hát đơn ca lần đầu tiên tôi vẫn còn nhớ tên của nó là bài "Đây Phương Nam". Sau khi đơn ca xong bài hát này thì tôi sẽ là người hát dẫn đầu cho toàn trường cùng hát theo bài Quốc Ca để hạ cờ xuống.

Và cũng với bài Quốc Ca này, vào lúc 8:00 giờ sáng ngày 6 tháng 5 năm 1975, tôi cùng với chồng, con và hơn mấy ngàn người Việt Nam đồng hương đang ở trên một Chiến Hạm của Hải Quân Việt Nam đã cùng nhau cất tiếng hát để "chào và hạ Quốc Kỳ Việt Nam Cộng Hòa lần cuối cùng" trong nước mắt với sự tủi nhục, và đau đớn của những con người đã không còn tổ quốc và quốc tịch Việt Nam nửa. Tại sao họ lại bắt phải kéo Quốc Kỳ Việt Nam xuống khỏi cột cờ trên Chiến hạm của Hải Quân Việt Nam nước tôi? Vì nếu muốn tàu được cập vào bến cảng của nước họ (Subic Bay, Philipine) thì lá cờ Vàng Ba Sọc đỏ thân yêu của miền Nam Việt Nam Cộng Hòa bắt buộc phải bị hạ xuống để không xác định được con tàu là của quốc gia nào. Vì trên nguyên tắc ngoại giao quốc tế, lá cờ này bây giờ đã không còn được công nhận để đại diện cho chúng tôi là những con người vô tổ quốc, vô quốc tịch ...bắt buộc phải hạ cờ xuống thì tàu của chúng tôi mới được phép cập vào bến của họ, sau đó mới được bước lên bờ tạm đặt chân lên đất của họ với danh nghĩa là những người đi tị nạn, làm như thế chúng tôi mới mong có cơ hội tìm được tự do.

Lần đầu tiên trong đời vào lúc 5 tuổi, tôi đã được học và hát bài Quốc Ca này. Lần cuối cùng ở tuổi 26 đúng vào lúc 8:00 giờ sáng của ngày 6 tháng 5 năm 1975, tôi cũng đã hát nó, nhưng là hát trong nước mắt với sự tiếc nuối và tủi nhục. Những tưởng là mãi mãi sẽ không bao giờ còn có cơ hội được hát lại bài Quốc Ca và nhìn lại lá Quốc Kỳ của Việt Nam Cộng Hòa năm xưa nữa, nhưng Hoa Kỳ là xứ tự do cho nên chúng tôi vẫn có cơ hội và có quyền để chào cờ và hát Quốc Ca của nước Việt Nam Cộng Hòa vào những dịp Tết, những dịp Lễ lớn được Cộng đồng tổ chức .... và vẫn như thế, mỗi khi bài Quốc Ca được hát lên thì những hình ảnh lúc còn bé lại hiện ra, và nhất là hình ảnh lúc hạ cờ trên tàu và cái cảm giác tủi nhục, mất mát của ngày 6 tháng 5 năm 1975 lúc 8:00 giờ sáng hôm đó thật sự không bao giờ tôi có thễ quên được. Thật khổ thân cho tôi, hôm đó cũng chính là ngày Sinh Nhật thứ 26 của tôi, ngày mà chúng tôi vừa khóc vừa hạ lá cờ Vàng Ba Sọc đỏ đó, mãi mãi trong đời tôi sẽ không bao giờ quên .....

Quốc Kỳ của miền Nam Việt Nam Cộng Hòa

Đây là bản nhạc với lời của bài Quốc Ca. Tấm hình được in trên bài hát là Cờ của miền Nam nước Việt Nam Cộng Hòa

Hương Huyền của năm xưa ....

Hình ảnh nhạc và lời của bản nhạc Cánh Buồm Chuyển Bến năm xưa