Truyện

Truyện (258)

Lorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipiscing elit. Sed id auctor orci. Morbi gravida, nisl eu bibendum viverra, nunc lectus.

CHIẾC LÁ TÌNH MÙA THU- Nguyễn Thị Thanh Dương

CHIẾC LÁ TÌNH MÙA THU

Nguyễn Thị Thanh Dương

Mùa Thu có hàng triệu lá vàng, lá đỏ,
 
             Nhưng em chỉ thương một chiếc lá của anh,
 
             Anh đã trao em lần tình cờ gặp gỡ,
 
             Em sẽ giữ hoài làm kỷ niệm trăm năm.
 
 
 
Tôi thức dậy, trời đã sáng từ lâu. Đêm, trước khi ngủ, tôi thích cuốn blind lên  khung cửa, vì phòng ngủ trên lầu, để khi thức dậy tôi có thể nhìn ra thấy núi và mây xa xa.
 
Tôi vẫn còn cảm giác mệt, đầu hơi choáng váng dù cả ngày hôm qua đã uống mấy lần thuốc cảm. Thời tiết xứ núi lạ lùng, mỗi lần chuyển mùa hay đổi gío tôi hay bị cảm. Mẹ tôi bảo con gái 17 tuổi bẻ gẫy sừng trâu, mà tôi thì yếu đuối nhỏ nhoi .
 
 Ngày xưa, hồi còn ở Việt Nam nhà có nuôi một con mèo cái, nó đã sinh ra ba con mèo con. Một buổi sáng thức dậy mẹ thấy ba con mèo nhỏ non nớt, nằm trong đống tro bếp, ba khuôn mặt xinh xinh và sáu con mắt long lanh như sáu viên bi. Tôi giống như một trong ba con mèo ấy.
 
Mùa Thu đã về, gió hiu hiu lạnh, bầu trời nhiều khi xanh vời vợi không một bóng mây, lá đã bắt đầu chuyển màu và lác đác rơi. Tôi thích một mảnh rừng nhỏ nơi đầu đường nhà tôi trước khi đi ra đường lớn để lên highway, ở đấy có một cái ao nhỏ, mùa hè nước trong xanh mát rượi, mùa Thu mặt ao phủ kín bằng những cánh bèo nhỏ lấm tấm tròn trịa, đến nỗi nếu ai đó vô tình hay không biết, tưởng đó là đất liền, có thể bước xuống ao, cái ao âm u dưới bóng cây ấy. Bên cạnh ao bèo mùa Thu là một cây lê gìa, không biết ai trồng từ bao giờ? Trái chín vàng, to bằng nắm tay, rơi rụng đầy trên thảm cỏ xanh.
 
Những buổi sáng cuối tuần nếu dậy sớm tôi hay chạy bộ qua đây để nhìn những hình ảnh nên thơ này.
 
Tôi chợt ngồi nhỏm dậy, không nghĩ ngợi lan man nữa khi nhớ ra hôm nay là “Thứ bẩy của anh ấy”, một ám hiệu tôi tự đặt cho một người đàn ông mà tôi không quen, không biết tên. Cứ mỗi hai tuần là có một ngày thứ bảy anh đến chợ để mua sắm. Bây giờ là 10 giờ sáng, mẹ tôi đã đến chợ từ trước 9 giờ để mở cửa và sắp xếp những công việc, cũng như để các bà, các cô bỏ mối bánh trái, xôi, chè, những thức ăn nhanh , và bày bán trong chợ của mẹ.
 
Mỗi cuối tuần tôi ra chợ phụ với mẹ, vì cuối tuần bao giờ khách cũng đông hơn ngày thường. Giá như không vì anh ấy thì hôm nay tôi đã ở nhà và gọi chị Duyên đến phụ, chị tôi đã lập gia đình và ở cùng thành phố. Người đang mệt mà được nằm nhà trùm mền nhìn mùa Thu ngoài khung cửa thì ai chẳng thích?
 
Tôi đi thay quần áo và ngắm mình trong gương, không biết anh có để ý đến tôi như tôi đã để ý đến anh? Chỉ biết rằng lần đầu tiên nhìn thấy anh vào chợ, cái dáng cao gầy và khuôn mặt hiền lành sau cặp kính cận, tôi đã mến anh, và bỗng dưng tôi cứ mong chờ anh vào mỗi cuối tuần.
 
Nhưng đều đặn mỗi hai tuần anh mới đến và mua những món đồ bao giờ cũng giống nhau, hầu như không thay đổi như mấy bó rau, miếng thịt, hộp đậu hũ….Nhìn số lượng và các món đơn giản anh đã mua, tôi đoán anh là người độc thân.
 
Từ ngày gặp anh, tôi yêu thích công việc ra chợ đứng trong quầy tính tiền phụ mẹ. Cha tôi mất năm tôi lên 10 tuổi, để kiếm sống mẹ tôi đã sang ngôi chợ này và đảm đang nuôi hai chị em tôi. Chị Duyên vẫn hay đùa ngôi chợ sẽ là của hồi môn cho tôi mai sau khi lấy chồng, tha hồ ấm thân, và chị khuyên tôi đừng có lười biếng mà không ra chợ phụ mẹ mỗi khi rảnh rỗi.
 
Ngẫu nhiên một lần tôi đã biết thêm chút ít về anh, khi anh đang đứng xếp hàng chờ đến lượt tính tiền thì một phụ nữ đã nhận ra anh. Họ vui vẻ chuyện trò, tôi vừa tính tiền cho những người khác vừa lắng tai nghe, dù biết nghe chuyện của người khác chẳng hay ho gì, nhưng tôi tò mò muốn biết về anh. Thì ra chị này từng làm chung một department với anh trước kia ở Hill Base, thuộc thành phố Ogden , họ đều là kỹ sư gì đó.
 
Tôi bước ra hành lang trước hiên nhà và đi xuống những bậc thang gỗ, cả dãy phố này nhà nào cũng có basement và có lầu. Những loài hoa mùa Thu nở đầy sân, bên cạnh cầu thang tôi vừa đi xuống. Hoa đủ loại, đủ màu, vàng, xanh, tím , đỏ…mọc chen bên những tảng đá, được xắp xếp hờ hững một cách nghệ thuật. Tôi lãng mạn và phung phí thì giờ như thế đấy, không thích lấy xe từ trong garage đi thẳng ra ngoài sân, mà ngược lại đi từ ngoài sân mở cửa garage, vì tôi muốn được hít thở  không khí mùa Thu êm dịu trong lành, muốn được nhìn những cánh hoa mỏng manh kia khoe sắc trước khi bị mùa Đông dập vùi trong gío lạnh và tuyết rơi.
 
Lái xe ra tới đầu đường, trước khi quẹo về hướng West để lên highway tôi lại được nhìn khu rừng nhỏ với ao bèo phẳng lặng như còn đang say ngủ, có một chú sóc đang chạy trên bãi cỏ, chắc chú vừa ăn một bữa trái chín no nê trên cành cây lê kia rồi?
 
Ngôi chợ Việt Nam của mẹ tôi nằm ở thành phố West Valley , chỉ nhìn xe đậu bên ngoài, tôi biết chợ đã đông người. Chợ khá rộng rãi, hàng hóa tươi ngon, giá cả lại phải chăng hơn các chợ khác nên càng ngày càng có uy tín và thêm khách. Mẹ tôi nói buôn bán là kiếm lời, nhưng trên hết buôn bán phải thật thà, tôn trọng khách hàng, thì công việc mới bền lâu.
 
Vừa thấy tôi, mẹ đã ái ngại:
 
-         Con đang cảm mà ra đây làm gì! mẹ vừa gọi chị Duyên ra phụ rồi.
 
-         Thôi, đừng làm phiền chị ấy, có ngày cuối tuần ở nhà với chồng con. Chỉ khi nào thật cần thôi mẹ ạ, bây giờ con đã khỏe rồi.
 
Tôi gọi phone nói chị Duyên khỏi cần đến chợ nữa, xong tôi vào chỗ tính tiền để mẹ lăng xăng chạy vòng ngoài, kiểm tra quầy thịt cá, quầy rau, hay trò chuyện với những khách hàng quen biết.
 
Còn tôi, lòng đang phơi phới chờ đợi anh, mỗi khi cánh cửa mở ra có người khách bước vào tôi lại quay ra nhìn và mong là anh vói cái dáng cao cao gầy và ánh mắt hiền hòa sau kính cận.
 
Tôi đã chóng mặt vì nhìn ra cửa nhiều lần. Buổi sáng qua đi, buổi trưa rồi đến buổi chiều, lòng tôi đã mỏi mòn thất vọng. Tôi hoang mang và băn khoăn, anh không đến chợ vì bận rộn hay ốm đau?. Cách đây ba hôm trời bỗng dưng đổ tuyết suốt cả ngày, mùa Đông nhanh nhẩu vô duyên phủ tuyết trắng trên cỏ, thổi gío lạnh qua phố phường. Nhưng hôm sau gío đã thôi không lạnh nữa, tuyết đã tan đi, để trả lại cho mùa Thu không gian của nó. Thế đấy, nên tôi mới bị cảm, và biết đâu anh cũng bị cảm và đang nằm ở nhà quên cả đi chợ như thường lệ?
 
Nhìn gương mặt thẫn thờ của tôi, mẹ tôi ngạc nhiên:
 
-         Con làm sao thế? nếu thấy mệt thì về nghỉ sớm đi.
 
Tôi gượng cười:
 
-         Vâng, con sẽ về bây giờ đây.
 
Chiều nay tôi phải về sớm vì cần đến nhà một đứa bạn. Đúng lúc tôi sắp sửa ra về thì anh đến, bóng dáng quen thuộc của anh lướt qua cửa đã làm tôi đứng khựng lại, không bước ra về ngay được, trái tim tôi rộn rã lên, tôi tiếp tục tính tiền và đợi chờ anh. Anh mua nhanh, hình như cũng đang vội? chỉ một lát sau đã ra chỗ tôi, nghiêm trang và lịch sự trả tiền, bước ra khỏi chợ.
 
Chỉ nhìn thấy anh chốc lát tôi như đã được hồi sinh, lòng nhẹ nhỏm tôi cũng ra về cho kịp giờ hẹn với bạn.
 
Khi tôi ra tới chỗ đậu xe, vô tình mà xe tôi và xe anh nằm cạnh nhau, anh đã xếp xong những món hàng vào trunk xe. Tôi nhìn thấy vài chiếc lá vàng  tươi đang vướng mắc  nơi hai cái gạt nước trên mặt kính xe anh. Tôi buộc miệng nói đùa:
 
-         Anh đi chợ mà mang theo cả mùa Thu nữa kìa.
 
Anh hơi ngạc nhiên khi thấy tôi lên tiếng trước, nhưng anh mau chóng vui vẻ đùa lại:
 
-         Mùa Thu đi theo tôi, chứ tôi không mang theo mùa Thu đâu. Cái xe này đậu ở khu apartment của tôi, dưới những hàng cây, nên lá mùa Thu tha hồ rơi lên xe, có hôm tôi quên không quay đóng cửa kính xe, lá vàng bay cả vào trong ghế ngồi cùng với tôi nữa đấy.
 
-         Những chiếc lá vàng màu thật đẹp anh ạ. Chắc mới vừa rơi rụng sáng nay?
 
-         Có lẽ, vì thành phố Ogden của tôi nổi tiếng là có những con đường mùa Thu lá vàng tuyệt đẹp cho du khách thưởng ngoạn mà. Nào, cô bé xòe bàn tay ra.
 
Vẻ trang nghiêm thường lệ của anh đã biến mất, khi tôi ngỡ ngàng xòe bàn tay ra thì anh đã gỡ từ trên mặt kính xe một chiếc lá vàng nguyên vẹn nhất, tươi nhất, đặt vào bàn tay tôi. Tôi run người lên vì sự đụng chạm ấy. Anh giơ tay thay cho lời chào rồi lên xe ra về mà tôi vẫn còn ngẩn ngơ với chiếc lá kỳ diệu trong tay, kỳ diệu vì chiếc lá đến từ thành phố Ogden của anh, vì nằm trên mặt kính xe anh, vượt đường xa gió lộng đến đây, và vì từ tay anh trao cho tôi trong một tình cờ  như an bài sẵn của định mệnh.
 
Về đến nhà tôi để chiếc lá vàng Thu ấy vào một trang sách, điều bí mật tuyệt vời này chỉ một mình tôi biết, nhìn chiếc lá vàng tôi như nhìn thấy anh. Anh đang sống bên cạnh tôi trong căn phòng , trong từng giấc ngủ.
 
Thì ra anh ở thành phố Ogden đúng như tôi đã dự đóan, vì anh làm ở Hill Base. Từ đấy xuống chợ tôi cũng mất 45 phút hay một tiếng, những người Việt Nam ở Ogden nói rằng ở đó chỉ có một ngôi chợ Việt Nam nhỏ, hàng hóa ít và đắt, nên họ vẫn thích cuối tuần đi chợ xa, xuống thành phố West Valley để mua sắm, và ai đó cũng có thân nhân hay bè bạn ở Salt Lake City nên một công đôi ba chuyện vừa đi chợ vừa đi thăm thân nhân. Chắc anh cũng có lý do tương tự, nên dù độc thân anh vẫn  thường xuyên đi chợ xa như thế?
 
Tôi có đến căn cứ Hill Base một lần, cách đây 2 năm, theo một đứa bạn. Chị nó chở chúng tôi đến Salt Lake   tắm hồ, coi như tắm biển vì hồ rộng và nước hồ mặn như nước biển. Dân xứ núi Utah  vẫn tự hào Hồ Muối là biển. Hồ Salt Lake dài thăm thẳm, dường như đứng ở nơi đâu quanh những thành phố lân cận hồ, đều có thể nhìn thấy hồ là một dải dài xanh mờ chân mây, chân núi.
 
Tắm xong chúng tôi vào gặp bố mẹ nó trong Hill Base rộng mênh mông, ngoài cửa có lính gác, trong base đường xá xe cộ như ngoài phố, làm con bé 15 tuổi là tôi  hoa mắt ngơ ngác, cứ tưởng công sở là một building cao ngất là đủ to lớn lắm rồi.
 
Không biết anh làm khu nào trong Hill? Trong cái thành phố quân sự riêng tư ấy? nếu tôi được vào đấy lần nữa chắc gì đã tìm thấy anh? Những đêm chưa ngủ tôi nằm mơ ước một tương lai, sau này sẽ học kỹ sư và xin vào làm ở Hill Base, chắc tôi sẽ có nhiều cơ hội và thời gian gặp anh, ước mơ ấy không có gì cao xa. Anh ơi hãy đợi!
 
Bây giờ mùa Thu đã chín, mùa Thu rực rỡ khắp Utah . Thành phố nào chả có những con đường lá vàng lá đỏ, nhưng những con đường của thành phố Ogden chắc đẹp hơn? huyền bí hơn? vì hàng cây cao hai bên đường giao nhau, đan kín nhau, rợp trời lá vàng, rợp đất lá vàng, thành một màu u uẩn, đẹp đến rưng rưng. Những người yêu nhau thích hẹn hò vào mùa Thu để cùng đi trên con đường đầy lá vàng. Nếu một ngày nào tôi đi trên con đường đó, thì người hẹn hò đi bên tôi sẽ chỉ là anh.
 
Từ hôm anh tình cờ  trao cho tôi chiếc lá vàng, tôi không gặp anh nữa, anh biến mất thật lạ lùng suốt mấy tuần nay. Người ta vẫn từ thành phố Ogden về đây mua sắm nhưng không có anh. Anh đâu rồi? Tôi ra chợ làm việc mà như kẻ không hồn.
 
Tôi, con mèo nhỏ yếu đuối lại ốm nữa rồi, nhưng tôi không thích nằm ở tro bếp như những con mèo nhỏ tội nghiệp ấy. Tôi không thích nằm nhà quấn mình trong chăn gối ấm êm đợi chờ bình phục. Tôi vẫn ra chợ, mang tiếng là phụ giúp mẹ, nhưng trong lòng tôi chỉ mục đích duy nhất là chờ đợi anh, nếu qủa thật anh bận rộn hay ốm đau rồi anh sẽ khỏi, và anh sẽ đến, như hôm nào đó anh đã đến trễ, trừ khi anh đã đổi đi nơi khác. Tim tôi đau nhói khi nghĩ sẽ không bao giờ gặp anh nữa, nhưng đồng thời tim tôi vẫn kêu lên: “ Không, anh ấy vẫn sống ở Ogden, vẫn đi làm ở Hill Base, mình sẽ gặp anh ấy và sau này mình sẽ vào Hill làm cùng với anh ấy”.
 
Hôm nay tôi sụt sùi mặc chiếc áo len màu tím, đứng trong quầy tính tiền. Mùa Thu phố núi có những ngày lạnh như sắp vào Đông. Sáng nay cái ao bèo nơi khu rừng nhỏ đã phủ đầy lá vàng. Cả khu rừng rũ lá, gió mang lá tới mặt ao, hình ảnh buồn hiu hắt ấy theo tôi trên suốt highway đến ngôi chợ.
 
Cuối cùng anh đã đến sau hơn một tháng trời bặt tăm. Trời ơi, nét mặt anh vui tươi thế kia. Hay anh cũng đang mừng vì đã gặp lại tôi?. Hôm nay anh đẩy xe, chứ không xách cái giỏ gọn nhẹ như mọi khi, chắc anh cần mua nhiều thứ sau  những tuần lễ không đến
 
chợ?.
 
Người tôi nóng bừng lên, chắc chắn không phải vì cơn sốt trong người đang trở mình vì gió. Ôi, chốc nữa anh ra tính tiền, tôi sẽ có lý do để hỏi thăm anh, dù gì chúng tôi cũng đã quen nhau ở bãi đậu xe hôm ấy, và anh đã tặng tôi chiếc lá vàng mùa Thu của thành phố anh. Nhất định tôi sẽ không quên hỏi anh con đường nào đẹp nhất vào mùa Thu của thành phố Ogden , để trong giấc mơ kế tiếp tôi sẽ thấy anh và tôi cùng đi trên con đường đó.
 
Tôi luống cuống tính tiền, chỉ mong mọi người ra về cho nhanh, trả khoảng không gian và thơì gian này cho tôi và anh.
 
Khi rảnh tay được đôi chút tôi mới dáo dác tìm anh, dễ dàng nhận ra dáng anh giữa bộn bề hàng hóa và kẻ qua người lại. Nhưng tôi không tin vào mắt mình nữa khi thấy bên cạnh anh là một phụ nữ trẻ đẹp, anh đẩy xe đi theo cô ấy, hoặc cùng đứng lại chọn hàng, cả hai nói cười vui vẻ, có vẻ như là đôi vợ chồng mới cưới.
 
Tôi tuyệt vọng não nề, chỉ muốn bỏ chạy ra ngoài, ngay lúc này nếu được nằm trong phòng riêng mà khóc chắc sẽ đỡ đau khổ hơn, nhưng tôi cố ngăn cho nước mắt mình đừng rơi ra vì vợ chồng anh đã đến bên tôi. Cô gái móc bóp trả tiền, đúng là tính cách của một người vợ, quán xuyến gia đình. Anh và cô tươi cười quấn quýt, đứng đối diện tôi, anh nhìn tôi thản nhiên, bình thường. Trong ánh mắt anh tôi biết là anh chẳng cần nhớ làm gì cái hôm đã trao tôi chiếc lá vàng tươi ấy, có lẽ anh chỉ coi tôi như một con bé chưa trưởng thành, hay chỉ là sự trao đổi chuyện trò xã giao giữa cô bé bán hàng và người mua, trong lúc tình cờ gặp gỡ . Vậy mà tôi đã coi đó là một kỷ niệm nên thơ đẹp đẽ, tôi đã giữ gìn chiếc lá như một ân tình, một kỷ vật.
 
                                  ************
 
Trận ốm này cả tuần lễ sau tôi mới khỏi, có lẽ vì tâm bệnh nên mới lâu như thế. Tôi không hi vọng chờ mong gì ở anh nữa, và cho tới bây giờ tôi cũng chưa biết tên anh.
 
Mùa Thu có hàng ngàn, hàng triệu chiếc lá vàng, nhưng chiếc lá vàng của anh cho tôi, là mối tình đầu mong manh của tôi, sẽ mãi mãi là chiếc lá mùa Thu đẹp nhất.
 
                           Nguyễn thị Thanh Dương

Xem thêm...

Thư Gửi Người Em Saigon - Yên Sơn

 Thư Gửi Người Em Saigon

Yên Sơn

ngày 13.08.15

Để hồi đáp bức thư “Lâu Ghê Mới Gặp!” (*)

Còn có khi nào mình gặp lại
Chút tình miên viễn trả hư không

Kingwood, ngày… tháng… năm…

Mình đã gặp lại nhau, đi với nhau trọn một tuần lễ đầy – dù hầu hết đi với đại gia đình của anh ngoài một vài lần riêng lẽ, nhất là lần cuối cùng ngồi đối diện nhau trong quán café quen thuộc – mà vẫn không thể nói được tất cả điều thầm kín trong cùng tận đáy lòng. Nay, nhân dịp hồi đáp thư em gửi, anh mượn nó để nói hết những gì cần nói một lần rồi thôi.

Anh không biết là em vô ý viết lộn hay cố tình viết lộn con số thời gian? 40 năm chứ đâu phải 20 năm hả em! Rất có thể em cố tình để nghe nó nhẹ bớt những trải nghiệm đau thương trong đời sống của mỗi chúng ta; hay là để nghe cho có lý về một cuộc tình dang dở của đôi tình nhân sau một thời gian dài biệt tăm, mất bóng. Phải rồi, đâu có ai phải đau thương trong hoài vọng suốt hơn nửa đời người phải không em? Sẽ rất khó cho người ta tin một người con gái có dư điều kiện, có thừa bản lãnh, thông minh, xinh đẹp như em mà vẫn sống như một loại chùm gởi trên thân cây Việt Nam ruỗng mục 40 năm dài!

Vâng, chúng mình đã không gặp nhau 40 năm dài; thời gian có thể đã dài cho một số phận nhỏ nhoi nào đó. Nhìn chung quanh quán café anh cũng thấy hoàn toàn khác lạ so với khung cảnh ấm cúng, riêng tư thuở nọ. Dĩ nhiên 40 năm mọi việc đã đổi khác hơn nhiều, nhưng có quá nhiều cái đổi khác làm cho người Saigon cũ nhức nhối, làm cho anh trở thành lạc lõng, xa lạ trên chính quê hương mình. Anh có cảm tưởng mình đang ở một đất nước nào đó ở thế giới thứ ba chứ không phải chính giữa Saigon, Hòn Ngọc Viễn Đông của thời trước 1975. Cảm tạ ơn trên em không quá thay đổi theo cái xã hội bát nháo, vô cùng rối loạn này mặc dù chúng ta có già hơn xưa rất nhiều. Chúng ta đã gần đi trọn một cuộc đời; tóc anh đã bạc gần trắng đầu và tóc em cũng đã lốm đốm màu sương… dù anh có vẻ ngạc nhiên khi nhận ra em không có quá nhiều thay đổi như những người đàn bà trang lứa.

Anh thật sự rất ngạc nhiên đến ngỡ ngàng để biết, để nghe em kể về đời sống của riêng em. Anh dù có nằm mơ cũng không thể tưởng tượng được một người con gái giỏi giang, đầy kiêu hãnh đến cao ngạo như em lại có một cuộc đời thật lạ. Đâu có ai có thể tưởng tượng sau bao nhiêu thăng trầm, lăn lộn trong cuộc sống mà em vẫn là một người con gái trinh bạch!

Anh xin lỗi đã xỉ vả, mắng mỏ cái thằng đàn bà – Lã Quới Vỹ – đã làm hỏng đời em. Nó là ai mà dám đối xử thậm tệ với em như vậy? Anh bất cần nó là ai, nếu nó còn thô bạo như vậy anh sẽ không tha nó đâu nếu anh gặp lại. Thấy em chống đỡ yếu ớt rồi ngồi im không nói anh càng nổi giận. Anh không biết tại sao anh giận dữ như vậy nếu không phải vì tình yêu em còn sâu đậm nhường ấy. Vâng, anh còn yêu em nhiều lắm nhưng… yêu để mà yêu, để mà tiếc một thời đã qua chứ anh bây giờ đang có một gia đình hạnh phúc, một người vợ tuyệt vời, anh không đòi hỏi gì hơn và anh cũng biết em rất vui khi biết như thế.

Mặc dù em đã hai lần lắc đầu khi anh ngỏ lời cầu hôn với em năm xưa. Cho tới bây giờ anh vẫn không biết tại sao em lại làm như vậy trong khi em đã làm tất cả những gì của một người đang yêu chứ đâu phải riêng anh tự biên tự diễn, yêu đương một chiều. Bằng chứng cho đến bây giờ em vẫn còn yêu anh mới nhận lời gặp anh, đi chơi chung với đại gia đình cả một tuần lễ; nói với anh những lời tử tế, chia sẻ với anh những vui buồn của cuộc sống mà nhất quyết không nhận ở anh bất cứ một thứ gì dù anh tha thiết ước muốn giữa lúc em có bao nhiêu khó khăn giăng mắc. Em vẫn kiêu kỳ, em vẫn là em.

Vâng, anh yêu em hơn là anh tưởng. Vài lần nắm được tay em cũng đã làm anh rung động chơn chất, giống như thưở ban đầu. Chúng ta đã cùng bật cười thành tiếng lần nắm tay nhau dưới gầm bàn trong một nhà hàng đông khách nọ. Nói đến đây anh lại nhớ những ngày xưa thân ái quá chừng. Ba Mẹ hai bên đã coi chúng ta như chồng vợ sắp cưới mà cũng chỉ được vài lần lén lút hôn nhau khi xe lửa qua hầm Đèo Cả trong lần anh xin phép đưa em về thăm quê hương Miền Trung của anh. Những nụ hôn vụng trộm để lại men say chất ngất giữa lòng trời đêm đầy trăng sao vời vợi. Em nói đúng, em là hiện thân của một dĩ vãng tuyệt vời của chúng ta, là đại diện của một Saigon dấu yêu đã thất lạc trong anh, trong lòng những người Sagon xưa cũ. Kể từ hôm em dứt khoát lắc đầu khi anh nói với em sẽ không có lần nữa; anh cay đắng rời khỏi sân trường, rủi dong chinh chiến, rồi vận nước điêu linh đưa đến suy tàn, anh đã theo dòng người vượt thoát làn sóng đỏ bắc phương.

Người phương bắc như em đã chứng kiến 40 năm qua, đâu có ai tin vào sự hoang đường giả tưởng mỵ dân của những kẻ rao giảng giải phóng ngoài những tên đồ tể lợi dụng lớp bọc để mưu cầu lợi ích riêng tư. Ai giải phóng ai tự nó đã trả lời. Chiếm miền Nam để đưa toàn dân đến thiên đường xã hội chủ nghĩa!? Thiên đường mù đó đã chứng minh là một bánh vẽ vô duyên, trâng tráo khi dân quân miền Bắc tiến vào thủ đô Saigon. Thế giới đại đồng của họ là một bình phong cho những cướp giựt trắng trợn; tình đồng chí của họ là những bao che cho nhau giữa những lục lọi, chiếm đoạt, giết chóc, hà hiếp miền Nam. Họ hô hào Độc Lập, Tự Do, Hạnh Phúc cho ai nếu không chỉ dành riêng cho chính họ – những người miền Bắc đói kém và gia đình cách mạng điên cuồng ăn bánh vẽ! 40 năm! Một đất nước đầy tài nguyên, không có chiến tranh; một dân tộc cần cù chịu khó, thông minh… lại đứng gần áp chót của nghèo khổ, chậm tiến. Chưa kể tới một xã hội Việt Nam càng ngày càng băng hoại; từ tình cảm con người với con người, tới học đường, văn hóa, chính trị; đến tất cả cơ quan công quyền từ anh công an đứng đường cho đến quan chức ở thượng tầng lãnh đạo!

Thôi em nhé, dẹp hết đi, mình nói chuyện hiện tại, kẻo không máu của anh lại trào ra mắt, niềm tức giận làm nghẹn cả cổ, đầu óc mụ mị, u tối thêm.

Em hỏi anh gia đình vợ con ra sao, hạnh phúc không? Anh chưa kịp trả lời thì em đã rào đón trước, “đừng có than vợ khen con như hầu hết quý vị đàn ông mà em thường gặp. Và em chỉ muốn nghe chuyện của cá nhân anh thôi.” Em à, trước nhất anh không phải những người đàn ông em đã gặp; em biết tính anh mà, nếu không thể tốt hơn thì chẳng thể nào tệ hơn so với những ngày xa em. Một tuần đi chơi chung với gia đình chắc em cũng đã cảm nhận điều đó. Dù chúng ta cũng đã có lúc ngồi riêng với nhau nhưng sao vẫn không nói được điều muốn nói đang cháy bỏng trong lòng. Cá nhân anh không có thành tích gì đặc biệt và đáng hãnh diện cho lắm. Nhưng hãy xem như chúng mình là hai người bạn thân lâu ngày gặp lại; em hỏi anh trả lời thật thà, đứng đắn để biết về nhau thôi chứ không nhằm khoe cái hạnh phúc của riêng anh trước một cuộc đời em cay nghiệt.

Theo em biết đó, ngày cuối tháng tư 1975 anh đã phải chạy mất dép, bỏ lại cả gia đình cha mẹ anh chị em. Được bà Mẹ nuôi người Mỹ bảo trợ anh ra khỏi trại tỵ nạn sau vài tuần lăn lóc mất định hướng. Ra khỏi trại tỵ nạn ngày Thứ Bảy, sáng Chủ Nhật bà dắt đi nhà thờ để cảm tạ Chúa, Thứ Hai đi làm bán thời gian với một người bạn nhà thờ của Bà ấy… Kể từ đó, cuộc đời anh với bao nhiêu thăng trầm, nghiệt ngã… vì anh có nghề ngỗng gì đâu ngoài nghề học trò và nghề làm lính chiến! Anh đã cố gắng tối đa trở lại trường, vùi đầu vào sách vở, vừa đi làm vừa đi học, để không có thì giờ trống nghĩ ngợi, thương nhớ và lo lắng về gia đình vốn không có một tin tức nào, không biết trôi nổi ở đâu. Ba năm sau anh lập gia đình với một cô bạn học chung trường, chung lớp khi được tin Ba Mẹ anh chị em vẫn được bình an, chỉ tội cho anh Ba đã bị chúng nó đày ải trong các trại tù gọi tên cải tạo lâu dài.

Mãỉ tới năm 1980, vợ chồng anh mới xong đại học và cùng lúc chào đón đứa con trai đầu lòng; ba năm sau thêm một cô nương xinh xắn. Hai vợ chồng lại lao đầu vào thương mại nhưng không thành công cho lắm sau sáu năm xoay trở đủ chiều. Anh muốn có bốn đứa con cho vui nhà vui cửa nhưng trời chỉ cho có ba đứa. Cậu con trai út cách chị nó 6 tuổi. Hiện tại lũ nhỏ đã khôn lớn, đứa nào cũng đã học xong bốn năm đại học, riêng con bé học lên tới Cao học về Quản trị Tài chánh và cũng là đứa duy nhất đã an bề gia thất. Riêng anh đã nghỉ hưu vài năm rồi trong khi bà xã còn vài năm nữa mới chịu nghỉ.

Em nhắc lại bài thơ của em anh đã đọc thuộc lòng cho em nghe hôm sum họp. Em biết tại sao anh thuộc lòng bài thơ không có gì đặc sắc đó so với vô số bài viết giá trị của em không? Chắc em đã biết nhưng anh muốn một lần nói ra cho nhẹ lòng. Đó là vì anh ghen, anh tức, anh tự ái. Em từ chối lời cầu hôn của anh để rồi làm thơ cho mấy thằng Mi, thằng Thức! Thằng Mi dở dở ươn ươn sao sánh bằng anh được; còn thằng Thức thì hết bồ này tới bồ khác, đâu phải túyp người của em! Cho đến sau này anh mới nghiệm ra rằng em chỉ cố tình trêu chọc anh một cách vô tâm, hoặc cố ý thử lòng anh vậy thôi… ai ngờ sự thiếu chín chắn, thiếu kiên nhẫn của anh đã làm nên cảnh chia ly lâu dài. Suy đi nghĩ lại chỉ có anh mới xứng đáng làm người yêu, làm chồng của em thôi – không phải anh hợm mình như em biết đó – nhưng tại sao em cương quyết chối từ? Nếu em nói còn ham chơi, còn tiếc thời con gái, muốn tự do thêm một thời gian nữa sao em không thẳng thắn nói với anh? Anh sợ mất em chứ anh cũng đâu có gấp muốn lập gia đình! Lứa tuổi đôi mươi lo thân chưa được thì làm sao nuôi vợ nuôi con hả em? Tất cả chỉ vì anh quá yêu em và sợ mất em. Anh sợ mất em, đơn giản chỉ có thế thôi!

Hôm gặp em lần cuối trước khi rời Việt Nam, anh ao ước em có thể tới phi trường tiễn anh đi; vậy mà em lắc đầu. Lại lắc đầu! Anh cũng biết sự chia tay nào cũng buồn bã nhưng kinh nghiệm cái lắc đầu của em lần đó, anh sợ mình không đủ thời gian để chờ đợi thêm 40 năm nữa. Anh cố nài nỉ để nghe em nói “nếu có bao giờ anh thong dong tự tại một mình, anh thu dọn về đây sống với em những ngày tháng cuối đời.” Anh nói, “em chọc anh thôi chứ em cũng thừa biết là anh yêu vợ thương con đến nhường nào.” Em cười mỉm rồi cúi mặt để cho nước mắt lã chã rơi.

Em kể anh nghe giai thoại hài của bạn Ngọc nào đó của em – Chuyện “Lâu ghê mới gặp”. Mới đầu nghĩ lại anh bật cười khan một mình. Nhưng rồi, từ từ anh mới nghiệm ra… giai thoại cười của em kể dường như đầy ẩn dụ cay đắng đối với hoàn cảnh của chúng mình, của em. Thôi em à! Chuyện chúng mình đã là như thế, dù muốn dù không cũng nên chấp nhận thôi. Tình cảm anh với em cũng giống như tình cảnh Ba Má Ngọc. Họ cãi nhau, ly dị, nhưng trong lòng vẫn còn yêu nhau. Kịp đến khi nhận biết thì mọi chuyện đã muộn màng. Anh biết em vẫn còn yêu anh lắm và anh cũng đã nói với em “anh còn yêu em nhiều hơn anh tưởng”, nhưng số phận đã an bài cho mỗi chúng ta có riêng một lối về.

Xin hãy xem nhau như là một người bạn thân mến hơn bất cứ một người bạn thân mến nào. Mai sau – nếu không là 40 năm kế tiếp – chúng ta lại có dịp hạnh ngộ nhau lần nữa, dù chỉ để ngồi bên nhau, ngó nghiêng mà giải bày những u uất trong đời nhau như chúng ta đã làm trong mấy lần riêng lẽ vừa qua. Hãy nói với nhau bằng tất cả chân tình câu “Lâu ghê mới gặp” mà không cần phải tủi buồn, cay đắng gì thêm, em nhé.
Thương quý,

Thương quý,
Yên Sơn

(*) Chú thích: Trích đoạn bài viết “Lâu Ghê Mới Gặp” của Nguyễn Thị Minh Ngọc:

“Bạn đồng nghiệp tấu hài của Ngọc gặp nhau cứ chào: “Chà! Lâu ghê mới gặp!” rồi ré lên cười từng cơn trước khuôn mặt bẽn lẽn với một chút gì hạnh phúc của má nó. Thấy em ngơ ngác, tụi nó kể:

– Cô Ngân biết không, đêm qua lúc nhắc tụi em nhớ đến dự lễ 49 ngày của Ba nó, Ngọc có kể hai giai thoại trong ngày ba nó mất.

Giai thoại một, ai cũng biết ba má nó ly dị nhau đã lâu. Hình như ba nó bị một tình địch hành hung lén, nặng tới độ phải đưa vào bệnh viện cấp cứu trong trạng thái hôn mê. Chỗ ông nằm tấp nập các cô vô thăm. Khi má đưa tay lên mũi của ông xem hơi thơ, ba nó bỗng cắn chặt ngón tay bà như muốn nói một điều gì rồi… ông tịch luôn. Các cô khóc rộ lên, bị má nó trừng mắt: “Câm ngay mấy con đĩ chó kia, chồng tao phải để tao khóc trước!” Khi các bà kia tạnh im phăng phắc xong, má nó mới bung người ra khóc như một người lĩnh xướng, các bà Hai, bà Ba, bà Tư mới nỉ non làm dàn đệm đồng khóc bè theo.

Giai thoại hai, má nó lãnh phần tắm rửa thi thể cho ba nó. Xong phần tay chân mặt mũi, xong đến cổ, thân mình, bụng… tới chỗ “đàn ông” nhất, bà khựng lại vài giây rồi thở ra, có lẽ với một chút ngậm ngùi: – “Chà! Lâu ghê mới gặp!”

 

Xem thêm...

Sài Gòn và tuổi thơ tôi Trần Mộng Tú

Sài Gòn và tuổi thơ tôi

Trần Mộng Tú

Tôi xa quê hương ở vào tuổi không quá trẻ dại để dễ quên và cũng không quá già để chỉ dành toàn thời giờ cho một điều mất mát, rồi đau đớn.

Tôi ở vào tuổi mà khi bước đến vùng đất mới, đời sống đã như lôi tôi đi trong một cơn lốc trên những con đường khác nhau trước mặt, hầu như không ngưng nghỉ. Tôi chóng mặt, nhưng tôi vẫn biết tôi là ai và tôi ở đâu trên quê người, nên những lúc tôi phải ngưng lại để thở là những lúc hồn quê nôn nao thức dậy trong tôi.

Tôi lớn lên, sống cả một thời niên thiếu ở Sài Gòn. Đi học, dậy thì, yêu đương, mơ mộng, làm việc, lấy chồng, khóc, cười rồi chia ly với Sài Gòn.

 Tôi nhớ lại hồi bé theo bố mẹ di cư vào Sài Gòn. Ba tôi làm việc ở Nha Địa Chánh, nên từ những căn lều bạt trong trại tiếp cư Tân Sơn Nhất, gia đình tôi được dọn vào ở tạm một khu nhà ngang trong sở của Ba ở số 68 đường Paul Blancy (Hai Bà Trưng) sau lưng Bưu Điện. Tôi đi học, đi bộ băng qua hai con đường là tới trường Hòa Bình, bên hông nhà thờ Đức Bà. Tôi vào lớp Ba. Ngày đầu tiên cắp sách đến lớp, ma sơ dĩ nhiên là người Nam, hồi đó còn mặc áo dòng trắng, đội lúp đen. Sơ đọc chính (chánh) tả:

Hoa hường phết (phết là dấu phẩy)…

Cái tai của con bé con Bắc kỳ không quen với phát âm miền Nam nên “hoa hường” thành “qua tường” và phết thành một chữ nữa. Tôi viết: Qua tường phết

Bài chính tả dài một trang của tôi chắc chắn là ăn một con số 0 mầu đỏ to tướng vì nguyên bài bị gạch xóa bằng mực đỏ lè. Tôi như một người ngoại quốc nghe tiếng Việt. Nhưng tôi học thuộc lòng trong sách thì giỏi và thuộc nhanh lắm. Khi khảo bài tôi được điểm tốt, mặc dù bạn học chung lớp khó hiểu con nhỏ Bắc kỳ đọc cái gì. Ma sơ cứ nhìn sách, nghe tôi đọc làu làu, biết là tôi có thuộc bài. Tôi nhớ một bài học thuộc lòng về thành phố Sài Gòn như thế này:

Sài Gòn vòi nước bùng binh
Này bảng báo hiệu này vòng chỉ tên
Trụ đèn, giây thép, tượng hình
Lính canh, cảnh sát giữ gìn công an
Mặc dầu đường rộng thênh thang
Ngựa xe đi lại luật hành phải thông
Mặc dầu đường rộng mênh mông
Mũi tên chỉ rõ bảng trông dễ tìm
Trần Hưng, Lê Lợi, Chu Trinh…

Trần Hưng là đường Trần Hưng Đạo, Chu Trinh là đường Phan Chu Trinh, viết tắt trong bài học thuộc lòng. Từ bài học đó, tôi hiểu được hai chữ “bùng binh” là gì.

(Saigon Heritage)

Ngôi trường đó tôi chỉ học hết lớp ba, sau đó Ba Mẹ tôi tìm được nhà ở bên Thị Nghè, tôi được đi học lớp nhì, lớp nhất ở trường Thạnh Mỹ Tây, có rất nhiều bạn cũng Bắc kỳ di cư như tôi.

Kỷ niệm về Sài Gòn tôi nhớ nhất là lần đầu tiên con bé Bắc kỳ tròn xoe mắt, nhìn thấy đồng bạc xé làm hai, nếu chỉ muốn tiêu một nửa. Mua cái bánh, gói kẹo nào cũng chỉ xé hai đồng bạc.

Xé rất tự nhiên, tiền mới hay tiền cũ gì cũng xé. Người mua xé, mua; người bán xé để trả (thối) lại. Tôi đã biết bao lần, vào những buổi tối mùa hè, mẹ cho một đồng, hai chị em mua ngô (bắp) nướng của người đàn bà, ngồi dưới chân cột đèn điện trước cửa sở Địa Chánh với cái lò than nhỏ xíu, bán bắp nướng quẹt hành mỡ.

Dưới ánh sáng hắt lờ mờ của bóng đèn từ trên cao xuống, cái lò than nhỏ xíu, thơm lừng mùi bắp non. Gọi là lò, thực sự chỉ có mấy cục than hồng để trong một miếng sắt cong cong, bên trên có cái vỉ bằng giây thép, rối tung, những cái bắp được xếp lên đó, bà bán hàng trở qua, lật lại. Đôi khi cũng là một cái lò gạch nhỏ đã vỡ, mẻ mất mấy miếng rồi, không thể kê nồi trên đó, bà hàng mang ra để nướng bắp. Hai chị em đứng líu ríu vào nhau (anh và chị lớn không có tham dự vào những sinh hoạt của hai đứa em nhỏ này), cầm tờ giấy bạc một đồng, đưa ra. Tôi luôn luôn ngần ngừ không dám xé, đưa cho bà bán hàng; bà cầm lấy, xé toạc làm hai, khi tôi chỉ mua một cái bắp. Bà đưa phần nửa tiền còn lại để chúng tôi có thể cất đi, tối mai lại ra mua bắp nữa.

 

Mỗi lần thấy đồng bạc bị xé, tuy không phát ra tiếng động, tôi cũng giật mình đánh thót một cái như nghe thấy đồng bạc của mình bị bể hay bị gẫy. Cảm tưởng như mất luôn cả phần tiền đưa ra và phần giữ lại. Phải mất bao nhiêu lần nhìn đồng tiền bị xé mới quen mắt cái hình ảnh “Đồng bạc xé hai” này và tin là nửa kia vẫn dùng mua bán được.

Bẻ cái bắp làm đôi, tôi với em tôi chia nhau. Ngon ơi là ngon! Bắp dẻo, thơm mùi lửa than, thơm mùi hành mỡ. Chị em tôi ăn dè xẻn từng hạt bắp một. Ăn xong chúng tôi dắt nhau đi tìm ve sầu ở những thân cây me trong bóng tối. Buổi tối ve sầu mùa hạ, chui ở đất lên, bò lên các thân me, lột xác.

Chúng tôi bắt những con chưa kịp lột cho vào cái hộp (không) bánh bích quy đã mang theo sẵn, đó là những con ve mới ngơ ngác bò lên khỏi mặt đất, mang về nhà. Thuở thơ dại những trò chơi này là cả một thế giới thơ mộng và đầy hấp dẫn.

Chị em tôi mang hộp ve sầu vào giường ngủ, ban đêm những con ve này sẽ chui ra bò lên màn, lột xác. Đêm chúng tôi đi vào giấc ngủ, thì ve chui ra, lột xác xong bỏ lại những vệt dài nhựa thâm đen trên những cánh màn tuyn trắng toát. Khi chúng tôi thức dậy nhìn thấy, chưa kịp dụi mắt tìm mấy con ve, đã thấy mẹ đứng ở ngoài màn với cái chổi phất trần trên tay. Chúng tôi chưa bị roi nào thì đã có bố đứng bên, gỡ cái chổi ở tay mẹ mang đi, trong lúc những cái lông gà trên chổi còn đang ngơ ngác.

(Saigon Heritage)

Sài Gòn còn cho tuổi thơ của chúng tôi biết thế nào là cái ngọt ngào, thơm, mát của nước đá nhận. Trong sân trường tiểu học của trường Thạnh Mỹ Tây, tôi được ăn cái đá nhận đầy mầu sắc đầu tiên.

Một khối nước đá nhỏ, đặt trên một lưỡi dao bào, bào vào cái ly bên dưới, khi đầy ly, ông bán hàng ấn (nhận) nước đá ép xuống, đổ ngược ly lại, lấy cái khối nước đá xôm xốp, có hình dáng cái ly ra. Rắc si-rô xanh đỏ, có khi còn có mầu vàng và mầu xanh lá cây với vị bạc hà nữa. Gọi là nước đá nhận. Học trò trẻ con, bạn thân, sung sướng chia nhau ở sân trường, mỗi đứa mút một cái, chuyền tay nhau. Nước đá nhận, bánh kẹo ở sân trường trong những giờ ra chơi đều được mua bằng đồng bạc xé hai này.

Ba tôi bảo cầm đồng tiền xé hai một cách tự nhiên như thế quả là một điều rất dung dị, xuề xòa, dễ dãi mà chỉ người miền Nam mới có được. Xé tiền mà như xé một tờ giấy gói hàng, giấy gói bánh, như xé một tờ báo. Mảnh xé ra có giá trị lúc đó, mảnh còn lại cũng vẫn còn giá trị sau này. Người Hà Nội cầm tờ giấy bạc rách, thì vuốt cho thẳng thắn lại, có khi lấy hạt cơm dẻo miết lên chỗ rách cho dính vào nhau, rồi cẩn thận gấp lại trước khi cho vào túi. Một thời gian sau, tiền không xé nữa, được thay bằng đồng bạc 50 su bằng nhôm, hình tròn, một mặt có hình tổng thống Ngô Đình Diệm, mặt sau là hình khóm trúc. (Biểu hiệu cho: Tiết Trực Tâm Hư)

Cuộc di cư 1954 đó giúp cho người Việt hai miền Nam, Bắc hiểu nhau hơn. Người Bắc sống và lớn lên ở Sài Gòn ở thế hệ chúng tôi học được cái đơn sơ, chân phương của người miền Nam và ngược lại những bạn học người Nam của tôi cũng học được cách ý tứ, lễ phép (đôi khi đến cầu kỳ) của người miền Bắc. Tôi đã được nghe một người miền Nam nói: Sau 1975 thì chỉ có những người Bắc di cư 54 là đồng bào của người miền Nam mà thôi. Hóa ra những người Bắc sau này ở ngoài cái bọc (đồng bào) của bà Âu Cơ hay sao? Nếu thật sự như thế thì thật đáng buồn!

Sài Gòn đầu thập niên sáu mươi vẫn còn có xe ngựa, đưa những bà mẹ đi chợ. Người xà ích lúc đó chưa biết sợ hãi trên những con đường còn mù sương buổi sáng. Tiếng lóc cóc của móng ngựa chạm xuống mặt đường như đánh thức một bình minh. Tôi nhớ có chỗ gọi là Bến Tắm Ngựa, mỗi lần đi qua, hôi lắm. Sau vài mươi năm xe thổ mộ ở Sài Gòn không còn nữa, chỉ còn ở lục tỉnh.

Sài Gòn với xích lô đạp, xích lô máy, taxi, vespa, lambreta, velo, mobilette là những phương tiện di chuyển mang theo đầy nỗi nhớ. Kỷ niệm thơ mộng của một thời trẻ dại, hương hoa và nước mắt. Sài gòn với những cơn mưa ập xuống thình lình vào tháng năm tháng sáu, tiếng mưa khua vang trên những mái tôn, tắm đẫm những hàng me già, ướt sũng những lối đi vào ngõ nhà ai, Sài Gòn với mùa hè đỏ rực hoa phượng vĩ in xuống vạt áo học trò, với những hoa nắng loang loang trên vai áo bà ba của những bà mẹ là những mảng ký ức ngọt ngào trong tâm của chúng tôi.

Mỗi tuổi đời của tôi đi qua như những hạt nắng vàng rắc xuống trên những hàng me bên đường, như mưa đầu mùa rụng xuống trên những chùm hoa bông giấy. Những tên đường quen thuộc, mỗi con phố đều nhắc nhở một kỷ niệm với người thân, với bạn bè. Chỉ cần cái tên phố gọi lên ta đã thấy ngay một hình ảnh đi cùng với nó, thấy một khuôn mặt, nghe được tiếng cười, hay một mẩu chuyện rất cũ, kể lại đã nhiều lần vẫn mới. Ngay cả vệ đường, chỉ một cái bước hụt cũng nhắc ta nhớ đến một bàn tay đã đưa ra cho ta níu lại.

Âm thanh của những tiếng động hàng ngày, như tiếng chuông nhà thờ buổi sáng, tiếng xe rồ của một chiếc xích lô máy, tiếng rao của người bán hàng rong, tiếng chuông leng keng của người bán cà rem, tiếng gọi nhau ơi ới trong những con hẻm, tiếng mua bán xôn xao khi đi qua cửa chợ, vẻ im ắng thơ mộng của một con đường vắng sau cơn mưa… Làm lên một Sài Gòn bềnh bồng trong nỗi nhớ.

Sài Gòn mỗi tháng, mỗi năm, dần dần đổi khác. Chúng tôi lớn lên, đi qua thời kỳ tiểu học, vào trung học thì chiến tranh bắt đầu thấp thoáng sau cánh cửa nhà trường. Đã có những bạn trai thi rớt Tú Tài phải nhập ngũ. Những giọt nước mắt đã rơi xuống sân trường. Sau đó, với ngày biểu tình, với đêm giới nghiêm, với vòng kẽm gai,với hỏa châu vụt bay lên, vụt rơi xuống, tắt nhanh, như tương lai của cả một thế hệ lớn lên giữa chiến tranh.

Sài Gòn như một người tình đầu đời, để cho ta bất cứ ở tuổi nào, bất cứ đi về đâu, khi ngồi nhớ lại, vẫn hiện ra như một vệt son còn chói đỏ. Sài Gòn như một mảnh trầm còn nguyên vẹn hương thơm, như một vết thương trên ngực chưa lành, đang chờ một nụ hôn dịu dàng đặt xuống. Sài Gòn khi đổi chủ chẳng khác nào như một bức tranh bị lật ngược, muốn xem cứ phải cong người, uốn cổ ngược với thân, nên không còn đoán ra được hình ảnh trung thực nguyên thủy của bức tranh.
Sài Gòn bây giờ trở lại, thấy mình trở thành một du khách trên một xứ sở hoàn toàn lạ lẫm. Tôi thương Sài Gòn và thương cho chính mình, đã hư hao một chốn để về.

 

Trần Mộng Tú

Nam Mai sưu tầm

Xem thêm...