NHỮNG NGÔI TRƯỜNG TRUNG HỌC TIÊU BIỂU CỦA MIỀN NAM TRƯỚC 1975

 

 

Chỉ tồn tại có 21 năm, từ di sản của nền giáo dục thuộc địa của Pháp chế độ Việt Nam Cộng Hoà đã khai sinh một nền giáo dục Dân tộc, Nhân bản và Khai phóng mà giá trị đến ngày nay không ai có thể phủ nhận được. Là một người từng ở trong ngành giáo dục của miền Nam, nhìn thấy sự vong thân của hệ thống trường học xà hội chủ nghĩa ngày nay ở Việt Nam, tôi không thể nào không luyến tiếc những ngôi trường của miền Nam trước 1975 đã đi đúng ba mục tiêu trên. Trong phạm vi bài này xin chỉ nhắc đến một số trường Trung Học tiêu biểu ở các đô thị lớn như Sài Gòn, Huế, Cần Thơ, Mỹ Tho. Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt, Tuy nhiên các trường Trung Học ở các địa phương khác cũng hoàn thành nhiệm vụ không thua kém các trường được nêu tên.
 
Phần 3: Những trường chương trình Pháp giao lại cho Việt Nam (Các trung tâm giáo dục)
 
Hệ thống Trung tâm giáo dục (TTGD) của miền Nam trước năm 1975 gồm có năm cơ sở trên toàn quốc. Về mặt hành chính, tất cả các TTGD đều trực thuộc Bộ Giáo Đục quản lý mà không chịu sự điều khiển của các ty giáo dục địa phương. Các TTGD này trước kia là trường theo chương trình Pháp, do Bộ Giáo Dục Pháp điều hành, được chuyển giao cho Bộ Giáo Dục Việt Nam vào năm 1967, gồm có:
 
1) TTGD Nguyễn Hiền ở Ðà Nẵng, trước kia là Lycée Blaise Pascal
2) TTGD Hàn Thuyên ở Nha Trang, trước kia là Collège Français de Nha Trang
3) TTGD Lê Quý Ðôn ở Sài Gòn, trước kia là trường Jean Jacques Rousseau
4) TTGD Hồng Bàng ở Chợ Lớn, trước kia là École francaise de Cholon
5) TTGD Hùng Vương Ðà Lạt, trước kia là Lycée Yersin
 
- Trung Tâm Giáo Dục Lê Quý Đôn, quận 3, Sài Gòn
 
lequydon
 
Trường được khởi công năm 1874 và hoàn tất năm 1877, giảng dạy từ Tiểu Học đến Tú Tài theo chương trình Pháp. Ngày đầu thành lập, trường có tên Collège Indigène (trung học bản xứ), không lâu sau được đổi tên thành Collège Chasseloup Laubat, theo tên Bộ trưởng Pháp quốc hải ngoại (còn gọi là Bộ Thuộc địa) lúc bấy giờ là Francois Marquis de Chasseloup Laubat (1754-1833).
 
Ban đầu, trường chỉ nhận các học sinh người Pháp, đến đầu thế kỷ 20 thì mở rộng để nhận thêm học sinh người Việt, tuy nhiên phải có quốc tịch Pháp. Trường chia thành hai khu riêng biệt: khu dành cho học sinh Pháp, gọi là Quartier Européen và khu học trò Việt gọi là khu bản xứ, nhưng hai nơi đều học chung chương trình Pháp và thi Tú Tài Pháp.
 
Năm 1954 Trường tiếp tục đổi tên một lần nữa thành Jean Jacques Rousseau (tên một nhà trí thức Pháp trong phong trào "Ánh Sáng" thế kỷ XVIII) nhằm tránh gợi nhớ thời thuộc địa, nhưng vẫn do người Pháp quản lý, chủ yếu dạy học sinh người Việt.
 
Tới năm 1967, trường được giao trả cho người Việt và đổi tên là Trung Tâm Giáo Dục Lê Quý Đôn, học từ lớp 1 đến lớp 12.
 
Hiệu Trưởng đầu tiên của Trung Tâm là thầy Phan Văn Huấn.
 
Những học sinh nổi tiếng của thế hệ trước: ông Hoàng của Lào Phetsarath (1890-1959) ông Hoàng của Cao Miên Sihanouk, Nữ Sĩ Marguerite Duras (1914-1996) tác giả tiểu thuyết Amant, nhà cách mạng Nguyễn An Ninh, Học Giả Vương Hồng Sển, Kỹ Sư Lưu Văn Lang, Học Giả Trần Văn Ân, Đại Tướng Dương Văn Minh, Trung Tướng Trần Văn Đôn, Hoàng Tử Vĩnh San con Vua Duy Tân…
 
Những học sinh nổi tiếng thế hệ sau: nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, ca sĩ Elvis Phương, nhạc sĩ Lê Hựu Hà, kịch sĩ Hồng Vân…
 
- Trung Tâm Giáo Dục Hồng Bàng, quận 5, Sài Gòn
 
trungtamgdhongbang
 
Trung Tâm Giáo Dục Hồng Bàng được người Pháp xây dựng từ năm 1933 làm trường học nội trú cho trẻ em là con của những người Pháp đến Việt Nam làm việc và lập gia đình với người bản xứ.
 
Sau đó, trường trở thành một chi nhánh của Trường Jean - Jacques Rousseau tại Chợ Lớn. Đến năm 1967, người Pháp giao trường lại cho Chính phủ Việt Nam lúc bấy giờ thành lập Trung Tâm Giáo Dục Hồng Bàng.
 
TTGD Hồng Bàng được quản lý bởi Ban Giám Đốc cùng các Giáo Sư và Giáo Viên người Viêt phụ trách dạy Việt ngữ và các Giáo Viên và Giáo Sư người Pháp do Trung Tâm Văn Hóa Pháp cung cấp, dạy Pháp ngữ.
 
Giám Đốc đầu tiên là Ông Nguyễn Khánh Hải, sau đó lần lượt thay đổi các Giám Đốc Nguyễn Ngọc Quang, Từ Chấn Sâm và Lâm Võ Huỳnh là vị Giám Đốc cuối cùng cho đến ngày 30/4/75.
 
Đầu năm học 74-75, tôi đang dạy trường Ngô Quyền ở Biên Hoà thì anh Lâm Võ Huỳnh, Giám Đốc Trung Tâm Giáo Dục Hồng Bàng ở quận 5, Chợ Lớn gặp tôi hỏi tôi có muốn về dạy ở trường anh không? Gần mười năm dạy từ miền Tây đến miền Đông, đây là cơ hội để tôi dạy gần nhà. Tôi nhận lời. Anh nói tạm thời tôi dạy một số giờ Toán lớp 12 của một đồng nghiệp môn Toán ở trường anh đã lên đường tu nghiệp ở Pháp, rồi anh sẽ làm thủ tục cho tôi thuyên chuyển về đó.
 
Tới khoảng giữa niên học tôi mới nhận được Sự Vụ Lệnh thuyên chuyển về Trung Tâm Giáo Dục Hồng Bàng. Ngoài lớp 12 duy nhất của trường, tôi phụ trách Toán cho lớp 10 và 11. Lớp 12 của trường chỉ vỏn vẹn có mười mấy em, toàn là con những nhà tai mắt ở thủ đô.
 
- Trung Tâm Giáo Dục Nguyễn Hiền, Đà Nẵng
 
blaisepascal
 
Khi TTGD NH được thành lập, vị Giám Đốc đầu tiên là Cô Nguyễn Thị Liêu, có thêm thầy Phục (?) làm phụ tá. Từ 1973 – 1975, Giám Đốc là thầy Sanh (?) thay thế cô Liêu nghỉ hưu. Ngoài ra còn có các Ban Giảng Huấn, Giám Thị và nhân viên Văn Phòng.
 
Tương tự các TTGD khác, TTGD Nguyễn Hiền Đà Nẵng có một chương trình giảng dạy đặc biệt, trong đó học sinh phải thi tuyển vào ngay từ lớp 1 và được học miễn phí đến lớp 12. Học sinh được dạy hoàn toàn bằng chương trình Việt ngữ, nhưng song song đó Pháp ngữ được dạy ngay từ lớp 1 với những Giáo Sư được chính phủ Pháp gởi sang. Ngoài ra học sinh TTGD Nguyễn Hiền còn được học Anh ngữ ngay từ bậc Trung Học Đệ Nhất Cấp.
 
Ðội ngũ giáo chức được TTGD tuyển chọn về giảng dạy là các thầy-cô giáo đã chứng tỏ năng lực và sự tận tâm của mình ở các nơi khác. Thêm vào ưu điểm đó, nhờ sĩ số hạn chế (25 – 30) học sinh ở mỗi lớp nên học lực của học sinh của trường rất khá và đều.
 
So với các ngôi trường khác của Đà Nẵng, nếu tính mốc thời gian cuối là 1975 thì TTGD NH được thành lập trể nhất, và có tuổi đời ngắn nhất. Từ niên khóa 1967-1968 đến 1974-1975, nếu tính chẵn thì chỉ vỏn vẹn 8 năm. Từ chương trình trường Tây chuyển sang chương trình Việt, khóa các anh chị lớn nhất cũng chỉ dừng ở lớp 12. Chưa có niên khóa nào của trường được “lèo chỏng” đi thi mảnh bằng Tú Tài cả! Đó cũng là điều đáng tiếc. Tiếc cho ngôi trường đã có một chương trình đào tạo thật tốt, và tiếc cho chúng ta đã chịu thiệt thòi khi bị cuốn phăng theo buổi giao thời của lịch sử.
 
- Trung tâm giáo dục Hàn Thuyên, Nha Trang
 hxdiep 2
 
Năm 1920, chính quyền Pháp tại Nha Trang mở một trường chuyên dạy tiếng Pháp cho con em quan chức người Pháp và một số con em những quan chức Việt gọi là Trường Tiểu Học Pháp (Collège Francais de Nha Trang), dạy theo chương trình chính quốc, thường gọi là trường Tây.
 
Các Hiệu Trưởng College francais de Nha Trang từ 1948-1966:  Faure Jean, Hartmann Pierre.
 
Năm 1967 khi được bàn giao cho chính phủ VNCH thì trường lấy tên là Trung tâm giáo dục Hàn Thuyên.
 
- Trung Tâm Giáo Dục Hùng Vương, Đà Lạt
 
lyceeyersin 3
 
Trường được xây dựng trong vòng 8 năm, hoàn thành năm 1927 và mở cửa đón học sinh nội trú từ ngày 7 tháng 1 năm 1928. Tên gọi đầu tiên của trường là Petit Lycée Dalat, đây là nơi chuyên dành cho việc giảng dạy con em người Pháp và Châu Âu ở cấp bậc Tiểu Học và Trung Học.
 
Tuy nhiên sau đó Đà Lạt đã thu hút rất nhiều gia đình trong giới thượng lưu người Việt đến sinh sống. Từ đó trường cũng nhận luôn việc giảng dạy con em người Việt. Hoàng Đế Bảo Đại hoặc Quốc Vương Kampuchea Norodom Sihanouk cũng đã từng có một thời gian học tại đây.
 
Năm 1932 trường được đổi tên thành Grand Lycée de Dalat và đến năm 1935 trường mang tên là Lycée Yersin. Tên gọi với mục đích để tưởng nhớ tới Bác Sĩ Alexandre Yersin - người đã có công tìm ra cao nguyên Lâm Viên để rồi sau đó khai sinh ra Đà Lạt.
 
Điểm nhấn của trường là dãy lớp học hình vòng cung và tháp chuông cao. Gạch xây trường là gạch trần đỏ được chở từ Châu Âu sang, còn mái được lợp bằng ngói cũng của Pháp (nhưng sau đó đã được trùng tu lại nên mái ngói hiện giờ không còn là nguyên thủy).
 
Sau năm 1967, trường Lycée Yersin được giao cho chính phủ Việt Nam Cộng Hoà và đổi tên thành Trung tâm Giáo dục Hùng Vương đến ngày 30/4/1975.
 
Các cựu học sinh nổi tiếng của trường này là Hoàng Đế Bảo Đại, Quốc Vương Sihanouk, Tổng Trưởng Dân Vận Chiêu Hồi Hoàng Đức Nhã, Chuẩn Tướng Dương Mộng Bảo…
 
GS Huỳnh Công Ân
 
Tài liệu tham khảo:
-Lịch sử Trường THPT Lê Quý Đôn
-Wikipedia tiếng Việt
-Blog: Lê Quý Đôn Khung Trời Kỷ Niệm
Trung Tâm giáo dục Nguyễn Hiền
Trung Tâm giáo dục Hàn Thuyên
Facebook: Nha Trang ngày xưa
Facebook: Sài Gòn Xưa
Blog Văn Thơ Nhạc: Những trường học tại Nha Trang Xưa và Nay
College de Nhatrang
Trang nhà: Đà Lạt 360
(Còn tiếp)
 
Chỉ tồn tại có 21 năm, từ di sản của nền giáo dục thuộc địa của Pháp chế độ Việt Nam Cộng Hoà đã khai sinh một nền giáo dục Dân tộc, Nhân bản và Khai phóng mà giá trị đến ngày nay không ai có thể phủ nhận được. Là một người từng ở trong ngành giáo dục của miền Nam, nhìn thấy sự vong thân của hệ thống trường học xã hội chủ nghĩa ngày nay ở Việt Nam, tôi không thể nào không luyến tiếc những ngôi trường của miền Nam trước 1975 đã đi đúng ba mục tiêu trên. Trong phạm vi bài này xin chỉ nhắc đến một số trường Trung Học tiêu biểu ở các đô thị lớn như Sài Gòn, Huế, Cần Thơ, Mỹ Tho. Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt, Tuy nhiên các trường Trung Học ở các địa phương khác cũng hoàn thành nhiệm vụ không thua kém các trường được nêu tên.
 
Phần 4: Những trường của các giáo hội
 
Tuy các trường của các giáo hội là các tư thục nhưng cũng đã có nhiều đóng góp to lớn vào nền giáo dục của VNCH.
 
1) Hệ thống trường Bồ Đề của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất
 
Sau ngày 2/11/1963, chính quyền Đệ Nhất Cộng Hoà của Tổng Thống Ngô Đình Diệm bị lật đổ, phong trào Phật Giáo phát triển và Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất được thành lập. Song song với việc truyền bá đạo pháp và xây dựng các chùa chiền, Giáo hội còn mở các trường học lấy tên là Bồ Đề trong nhiều địa phương ở miền Nam.
 
- Trường Trung Học Bồ Đề, Sài Gòn
 
trunghocbode
 
Ngay từ những ngày đầu thành lập, trường  mang tên Nguyễn Văn Khuê vào năm 1940 là một trong những trường tư thục lớn ở Nam Kỳ.
 
Lycéum (tiếng Latin nghĩa là trường Trung Học) Nguyễn Văn Khuê nằm ở quận Nhì (nay đổi thành quận 1) trên đại lộ Nguyễn Thái Học, gần chợ Cầu Muối. Tên trường cũng là tên của ông Hiệu Trưởng, ông có bằng Cử Nhân văn chương của trường Đại Học Sorbonne nổi tiếng của Pháp. Trường có hai hệ: chương trình Pháp và chương trình Việt. Ai theo chương trình Pháp thì học bằng tiếng Pháp theo giáo trình như bên Pháp, thi cử do Mission Culturelle của Tòa Đại Sứ Pháp đưa ra. Lớp nhỏ nhất của chương trình này là sixièm moderne tương đương bên chương trình Việt là lớp Đệ Thất (lớp 6 bây giờ),
 
Niên khoá 1955-1956 tôi học lớp Đệ Thất C của chương trình Việt, lớp con trai. Tôi còn nhớ lớp Đệ Thất A gồm toàn con gái trong đó có Lý Thị Quỳnh Nga, một hoa khôi của trường, sau này là vợ Dân Biểu đối lập Lý Quý Chung của thời Đệ Nhị Công Hòa ở miền Nam.
 
Tôi học ở trường Nguyễn Văn Khuê từ năm 1955 đến năm 1961 mới rời trường sau khi đậu bằng Tú Tài 1 để xin vào học trường Chu Văn An.
 
Đến năm 1963, ông Nguyễn Văn Khuê đã nhượng lại nhà trường cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất do Hòa Thượng Thích Quảng Liên đặc trách Hiệu Trưởng kiêm Giám Đốc. Ngày 15.5.1967, trường chính thức được thành lập với tên gọi: trường tư thục Bồ Đề.
 
2) Các trường trung học của Giáo Hội Công Giáo
 
- Trường La San Taberd, Sài Gòn
 
LasanTabertSaiGon4
 
Trường La San Taberd là một trường học tại Sài Gòn, được thành lập từ thời Pháp thuộc, hoạt động từ năm 1873 đến năm 1975. Trường này vốn là sản nghiệp riêng của Hội truyền giáo Công giáo, có công và thanh danh lớn trong việc đào tạo nhân tài trong xứ thời bấy giờ.
 
Khoảng cuối năm 1865 có sáu sư huynh dòng La San (một dòng tu Công giáo với mục đích giáo dục cho trẻ em nghèo) rời ToulonPháp sang Việt Nam. Khi đến Sài Gòn vào đầu năm 1866 các sư huynh tham gia quản giáo trường Trung học Adran (Collège d'Adran) vốn đã được các Linh Mục thuộc Hội Thừa sai Paris mở ở Sài Gòn từ năm 1861. Vì có tiếng dạy giỏi, các sư huynh được nhiều nơi như Chợ LớnMỹ Tho lần lượt xin mở trường vào năm 1867, rồi đến Vĩnh Long và Sóc Trăng, vào năm 1869. Nhưng đến năm 1879, chính quyền ở Pháp thay đổi chính sách, ngưng cấp học bổng và không tài trợ nữa. Trường Adran buộc phải đóng cửa vào khoảng năm 1887.
 
Vào năm 1873, Linh Mục Kerlan (1844-1877) quyết định mở một trường nghĩa thục dạy các trẻ bị bỏ rơi, trong số đó có nhiều trẻ em lai. Trường được gọi theo tên của Jean-Louis TaberdGiám Mục địa phận Nam Kỳ từ 1830 đến 1840. Khi trường Adran đóng cửa, những học trò của trường này được đem gửi đến theo học trường Taberd. Do gặp khó khăn về tài chính, Linh Mục Kerlan mời các sư huynh Dòng La San (Les frères des Ecoles Chrétiennes Jean Baptiste de La Salle) trở qua giúp ông. Năm 1889 có 9 sư huynh từ Marseille qua. Năm sau đó, các sư huynh tiếp nhận trường tư Taberd, lúc đó có khoảng 160 học sinh mà một nửa ở nội trú. Số học trò theo học tăng nhanh, nên năm 1891 có thêm 5 sư huynh theo qua, mở thêm một trường nghĩa thục nằm ngay cạnh trường Taberd. Các sư huynh lại mở thêm một chi nhánh ở Vũng Tàu và sau này ở nhiều nơi khác. Do sự sắp xếp của Linh Mục Kerlan, Hội Thừa sai gánh chịu trách nhiệm tài chánh đối với những trường do các sư huynh điều hành và giảng dạy. Năm 1897, trường Taberd được mở rộng thêm.
 
Vào niên khóa 1973-1974, trường có 115 lớp và 7464 học sinh từ lớp 2 đến lớp 12.
 
Trường tọa lạc ở số 53 đường Nguyễn Du, Sài Gòn, gần góc đường Tự Do. Ngoài trường La San Taberd tại Sài Gòn, còn có các phân hiệu trường Taberd tại những nơi khác.
 
Nhữnɡ nɡhệ sĩ đã từnɡ họᴄ ở trườnɡ Tabеrd ᴄó thể kể đến là Jᴏ Marᴄеl, Nɡuyễn Ánh 9, Mai Châu, Trần Trịnh…, thế hệ sau này ᴄó Dᴏn Hồ. Nhạᴄ sĩ Nɡhiêm Phú Phi ᴄũnɡ từnɡ ᴄó thời ɡian dạy nhạᴄ ở trườnɡ Tabеrd.
 
Các tuyển thủ bóng bàn danh tiếng như Lê Văn Tiết, Trần Cảnh Được cũng xuất thân từ trường Taberd.
 
Hiệu Trưởng cuối cùng là Sư Huynh Felicien Huỳnh Công Lương.
 
- Trường Saint Paul, quận 1, Sài Gòn
 
nXyGwdcb
 
Theo các tài liệu lịch sử truyền giáo, vào ngày 20/5/1860, các nữ tu dòng Thánh Phaolô gốc ở thành Chartres (Soeurs de Saint Paul de Chartres) từ Hong Kong đặt chân đến Sài Gòn. Họ cùng tạm định cư tại một căn nhà nhỏ vùng chợ cũ cùng các nữ tu dòng kín (đến Sài Gòn năm 1861). Vào tháng 9/1862, mẹ bề trên dòng thánh Phaolô Benjamin khởi công xây cất nhà giám tỉnh tại khu đất Đường Thành (Rue de la Citadelle). Toàn bộ công trình này hoàn thành vào ngày 10/8/1864. Trong bản thảo viết tay của mẹ Benjamin chỉ ghi lại tên kiến trúc sư là Thầy Học. Lúc ấy các bà phước chẳng biết kiến trúc sư “Thầy Học” là ai. Không biết trước đây đã có tài liệu nào xác định Thầy Học là ai chưa.
 
Trường Saint Paul được đặt trong một khu vực tu viện tọa lạc ở số 4 Boulevard Luro (sau là đường Cường Để, quận 1, Sàigòn).
 
Tên gọi ban đầu của tu viện là La Sainte Enfance (Thánh Hài Đồng), được xây và làm chủ bởi những nữ tu nhà dòng Saint Paul de Chartres (Thánh Phaolô thành Chartres). Tu viện được khánh thành vào tháng 5 năm 1864.
 
Trường này còn được gọi là trường Nhà Trắng không phải là vì trường được sơn màu trắng mà bởi vì các Sơ này “trinh bạch từ linh hồn đến những chiếc áo dòng trắng toát”.
 
Giáo dục các trẻ em gái được giao cho các Sơ nhà dòng Saint Paul de Chartres ở Sàigòn.Năm 1870, 5 học bổng 900 quan Pháp được cấp cho con gái những công chức Pháp. Năm 1874, một nội trú thứ hai được mở ra để đón nhận các trẻ em gia đình trung lưu. Năm 1880 , tổng cộng số tiền của nhiều học bổng khác nhau được thuộc địa cấp cho trường học này là 60.000 quan tây.
 
Vào năm 1874, trường École de La Sainte Enfance có 113 học sinh.
 
Trường École de La Sainte Enfance nhận học sinh nội trú, bán nội trú và ngoại trú. Ngân quỹ của trường được trợ cấp từ ngân quỹ địa phương và các học bổng.
 
Trước năm 1975, trường Saint Paul là một trường tư thục phổ thông chỉ nhận nữ sinh, gồm có các lớp từ mẫu giáo tới tú tài với số lượng 1.600 học sinh (có ký túc xá cho học sinh nội trú).
 
Một cựu nữ sinh xuất sắc của trường là bà Henriette Bùi Quang Chiêu (1906-2012) con của ông Bùi Quang Chiêu, Viện trưởng Hội đồng Quản hạt Nam Kỳ (1939) bị Việt Minh xử tử năm 1975. Bà là nữ Bác Sĩ đầu tiên của Việt Nam, vợ của Luật Sư Vương Qusng Nhường, thủ lãnh Luật Sư đoàn Sài Gòn.
 
Bà xã tôi là nữ sinh trường Saint Paul từ lớp 1 đến lớp 12.
 
- Trường Nguyễn Bá Tòng, Sài Gòn
 nguyen ba tong 22
 
Trường Nguyễn Bá Tòng là trường Trung Học tư thục công giáo Đệ Nhị Cấp. Trường được đặt theo tên của vị Giám Mục đầu tiên của Việt Nam: GM Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng.
 
Trường này đã có từ lâu do một số Cha công giáo hợp tác với Cha sở nhà thờ Huyện Sĩ đứng tổ chức. Ban đầu, trường chỉ xử dụng có 5 phòng học.
 
Từ niên khóa 1955-56, mới xây thêm dãy nhà 3 tầng, Cha Nguyễn Quang Lãm làm Hiệu Trưởng, rồi Cha Nguyễn Khánh Tường, sau cùng là Cha Ðỗ Ðình Tiệm làm Hiệu Trưởng cho tới năm 1975.
 
Trường Nguyễn Bá Tòng là tổ hợp phát triển giáo dục, trong đó Bùi Chu có 33%, địa phận Sàigòn 33% và nhà thờ Huyện Sĩ 34% cổ phần. (Phụ chú: Giáo xứ Bùi Chu là chủ nhà in Nguyễn Bá Tòng nằm gần Trường).
 
Trường Nguyễn Bá Tòng được xây cất từ năm 1956 (1955?) với sự trợ giúp đặc biệt của cơ quan Caritas Germanica Đức Quốc và cơ quan NCWC, Công Giáo Hoa Kỳ. Trường nằm trên một khu đất rộng trên đường Bùi Thị Xuân với những lớp học trên hai tầng lầu của hai tòa nhà lớn, có đến 38 lớp với 47 thầy cô giáo, dạy dỗ cho trên 2 ngàn nữ sinh.
 
Vào năm 1963, trường có nhiều cấp lớp từ Đệ Thất đến Đệ Nhất đủ các ban A, B, C đặt dưới quyền điều khiển của 8 vị Linh Mục cùng với sự giảng dạy của 160 vị Giáo Sư và 30 nhân viên văn phòng.
 
Những năm kế tiếp, để đáp ứng số lượng ghi danh học càng ngày càng tăng và cũng để tăng phẩm chất giảng dạy, trường Nguyễn Bá Tòng đã xây thêm nhiều cơ sở mới trong khuôn viên trường.
 
Từ thuở thành lập, trường Nguyễn Bá Tòng ở đường Bùi Thị Xuân, quận 1, Sàigòn là một trường Trung Học hỗn hợp nam và nữ sinh, nhưng vào khoảng năm 1970, sau khi ban quản trị trường Nguyễn Bá Tòng mở thêm một phân hiệu mới ở đường Hoàng Hoa Thám-Gia Định có cùng tên là trường Nguyễn Bá Tòng, các nam học sinh trường Nguyễn Bá Tòng-Sàigòn được chuyển về trường bên Gia Định . Để phân biệt hai trường, đề nghị tạm gọi trường thứ nhứt là trường Nguyễn Bá Tòng (Sàigòn), trường thứ hai là trường Nguyễn Bá Tòng (Gia Định).
 
Vì không còn nam sinh học tại trường bên Sàigòn, ban Giám Thị cũng như nhân viên văn phòng nhà trường đều do các nữ tu Mân Côi đảm nhiệm.
 
Trong số, các trường tư thục ở miền Nam được trang bị phòng thí nghiệm để cho học sinh học môn khoa học có thể nghiên cứu, chỉ có Nguyễn Bá Tòng và Hưng Đạo là hai trường được trang bị đầy đủ nhất, đến nỗi người ta nói rằng hai trường này có thể so sánh với trường Đại Học Khoa Học tại Sàigòn.”
 
Tuy là một trường Trung Học tư thục nhưng kỷ luật trong trường rất nghiêm minh. Ngoài chương trình học, nhà trường rất chú trọng về đức dục. Mỗi tuần một lần, khi nghe tiếng chuông điện reo lên, sau đó là tiếng loa phát ra trong từng lớp học: ‘’Kính thưa quí vị Giáo Sư, xin quí vị ngưng giảng bài, cho phép các em học sinh bỏ bút xuống, im lặng để nghe bài giáo dục trong tuần…’’. Bài giáo dục trong tuần thường là một câu truyện ngắn hay ngụ ngôn với những nhận xét giúp học sinh thành người lịch sự và có trách nhiệm. Đầu mỗi buổi học, học sinh đọc lời tâm niệm.
 
Trường Nguyễn Bá Tòng được đánh gíá cao trong việc giáo dục vì vậy đạt được nhiều uy tín ở Sàigòn.
 
Trường Nguyễn Bá Tòng là nơi đào tạo nhiều người nổi tiếng: các ca sĩ Mai Hương, Phương Hoài Tâm, Ý Lan, MC Nguyễn Ngọc Ngạn. Đây cũng là nơi nhạc sĩ Thu Hồ (cha của ca sĩ Mỹ Huyền) dạy nhạc, Thượng Nghị Sĩ Nguyễn Văn Kỷ Cương dạy Toán, nhà văn Bùi Nhật Tiến dạy Lý Hóa.
 
Em gái tôi học ở trường Nguyễn Bá Tòng từ lớp 6 đến lớp 12.
 
- Trường Thánh Thomas (Nhà thờ Ba Chuông). Phú Nhuận
 
75 thomas1
 
Trường Thánh Thomas là trường Trung Tiểu Học tư thục công giáo được thành lập vào năm 1959 bởi dòng Daminh Việt Nam.
 
Niên khóa đầu tiên của trường được khai giảng năm 1952. Trường là hậu thân của trường Saint Thomas mở tại Nam Định năm 1950 và Vũng Tàu năm 1958.
 
Sau đây là danh sách các tu sĩ từng phục vụ tại trường đã qua đời:
 
Hiệu Trưởng:
 
1. Lm Giu Se Hoang Kim Thao (22.07.2028)
2. Lm Phan Xi Cô Mai Bảo Thư (17.09.2002)
3. Lm Giu Se Phạm Văn Vàng (29.12.1986)
 
Giám Học, Giám Thị:
 
1. Lm An Rê Đinh Dưỡng Thiệm (11.07.1993)
2. Lm Angelo Nguyễn Ngọc Thụy (11.07.1992)
3. Lm Phêrô Nguyễn Doãn Quang (16.08.1988),
4. Lm Vinhsơn Nguyễn Hữu Dụ (12.01.2009), (Tổng Giám Thị niên khóa cuối 1974- 1975) 
5. Thầy Phêrô Mai Văn Tộ (10.04.2008)
6. Thầy Đaminh Trần Thanh Khiết (06.06.1980).
 
Trường Thánh Thomas còn có Hiệu Trưởng Linh Mục Nguyễn Ngọc Thành và Giám Học Linh Mục Nguyễn Đức Hòa.
 
Chỉ có tám năm sau khi thành lập, vào ngày 17 tháng 3 năm 1967 trong chương trình Lễ Ngày thành lập Tỉnh Dòng Đa Minh tại Việt Nam với thánh hiệu “Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo”, các học sinh trường Thánh Thomas được vinh dự chào đón Cha Bề Trên Tổng Quyền Aniceto Fernandez và phái đoàn, sau khi ra khỏi phi trường Tân Sơn Nhứt, về tới Tu viện Alberto, Phú Nhuận. (Tu viện này được xây cùng năm với trường Thánh Thomas bởi các tu sĩ Dòng Đa Minh Việt Nam).
 
Niên khoá 1974-1975, qua sự giới thiệu của một người bạn, tôi được trường Saint Thomas mời phụ trách môn Toán lớp 12 ở đây.
 
Tôi còn nhớ ngày 28 tháng 4 năm 1975, vào buổi sáng, tôi đang dạy một lớp 12 của trường Saint-Thomas, ở Phú Nhuận, nhìn lên bầu trời qua cửa sổ lớp học tôi thấy từng đàn trực thăng bay ngang thật thấp: người Mỹ đang di tản khỏi Việt Nam. Tôi tự hỏi rồi mình sẽ ra sao? Lúc ở phòng Giáo Sư, Cha Hiệu Trưởng nói với tôi: sắp có giải pháp, thầy cứ yên chí mình sẽ tiếp tục dạy học như thường. Sự lạc quan của Cha Hiệu Trưởng không đủ sức trấn tĩnh tôi trước một tương lai mình không đoán được!
 
GS Huỳnh Công Ân
 
Tài liệu tham khảo:
 
THCS Đồng Khởi
Trung học La San Taberd
Những ngôi trường nổi tiếng nhất Sài Gòn xưa – Phần 1: Trường Lasan Taberd
TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG và TỔNG HỢP ở SÀIGÒN-CHỢ LỚN và GIA ĐỊNH trước năm 1975: Trường Saint Paul
TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG và TỔNG HỢP ở SÀIGÒN-CHỢ LỚN và GIA ĐỊNH trước năm 1975
Trường Thánh Thomas
(Hết)
 
Giáo sư Nguyễn Nhân
Sưu tầm và tổng hợp
back to top