Sahra Nguyễn, Cô Gái Gốc Việt Mang Cà Phê ‘Phin’ Việt Nam Ra Thế Giới - Cát Linh

Sahra Nguyễn, Cô Gái Gốc Việt

Mang Cà Phê ‘Phin’ Việt Nam Ra Thế Giới

 *******

 

nguyencaphe
Sahra V. Nguyễn bên cạnh các sản phẩm cà phê 'phin' Việt Nam. (Hình: Cát Linh/Người Việt)
 
Sahra V. Nguyễn, 34 tuổi, sinh ra và lớn lên ở Boston, Hoa Kỳ, con gái của người thợ chà nhám sàn nhà, đã và đang thực hiện ước mơ mang văn hóa cà phê “phin” của Việt Nam ra thế giới.
 
Bằng chất giọng “Mỹ pha Việt,” Sahra nói về một trong những động lực giúp cho cô biến ước mơ thành hiện thực: “Có một lần Daddy nói với tụi em, khi tụi em có gia đình, rồi có con, thì coi như họ (Nguyễn) của Daddy bị ‘bay’ rồi, vì Daddy không có con trai. Ôi em…so sad…”
 
Từ một tình yêu và niềm tự hào
 
Thành phố New York giữa Tháng Bảy không còn là thành phố chết của những tháng đầu đại dịch. Nhịp sinh hoạt đã trở lại, ồn ào, sinh động, và “rất New York.”
 
Khác với hình dung ban đầu, “đại bản doanh” Nguyen Coffee Supply không phải là một công ty với cửa kính sáng loáng, trang trí lộng lẫy giữa lòng New York hoa lệ. Cánh cửa cuốn bằng sắt cũ kỹ, nặng nề, nằm lẫn trong một dãy các nhà xưởng trên con phố, là ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi dừng chân trước Shared Roasting, nơi có một câu chuyện thú vị đang chờ.
nguyencaphe1
Sahra V. Nguyễn không xa lạ với các diễn đàn sáng tạo của thế hệ trẻ Mỹ. (Hình: Sahra Nguyễn cung cấp)
 
Sahra Nguyễn, người sáng lập Nguyen Coffee Supply đứng chờ sẵn ngay cánh cổng sắt với mái tóc dài đen tuyền rẽ ngôi giữa kiểu “cô gái Sài Gòn xưa,” quần jean, áo thun, giày thể thao trắng đúng chất “hippy.” Dường như tất cả sự năng động, nhiệt huyết của tuổi trẻ “chúng ta chỉ có một đời để sống” đều tập trung vào cô gái này.
 
“Em rất yêu cafe và em yêu Việt Nam, văn hóa Việt Nam và người Việt Nam. Em thấy rằng ở Mỹ, nhiều người thích uống cà phê mà họ không hiểu văn hóa Việt Nam.” Cô gái bắt đầu câu chuyện về sự ra đời của Nguyen Coffee Supply.
 
Đặc biệt, cô nói khi bước vào những quán cà phê, nhà hàng ở New York, chỉ nhìn thấy trên thực đơn có ghi “Vietnamese ice coffee” – nghĩa là cafe sữa đá Việt Nam, thì cô nghĩ “ồ, người Mỹ cũng thích Vietnamese Ice Coffee.”
 
“Em kêu uống thử, thì em thấy rằng những nơi đó họ không dùng cafe Việt Nam thật. Họ đang dùng cafe từ Africa hoặc South America. Xong họ để sữa ngọt trong đó, rồi họ gọi là Vietnamese Ice Coffee. Em thấy như vậy là không có được vì cà phê Việt Nam có vị rất đặc trưng.”
 
Tinh tế hơn, Sahra nhận thấy thêm một điều theo cô là “không có được,” đó là những nhà kinh doanh đó muốn hưởng lợi từ trào lưu uống cà phê theo phong cách văn hóa Việt Nam.
 
“Nhưng họ lại không dùng cà phê Việt Nam thật. Vấn đề chính từ ở đây. Các vườn cà phê, nhà sản xuất cà phê Việt Nam không được lợi ích gì từ trào lưu này. Do đó, em đã cố gắng nghĩ làm sao để mình mang cà phê Việt Nam vào Mỹ,” Sahra kể lại.
 
Xét ở một góc nhìn nào đó, thì trong tâm hồn cô gái gốc Việt này đang chất chứa nỗi niềm tự hào dân tộc vô cùng lớn. Vì tự hào cho một thị trường sản xuất cà phê lớn thứ nhì của thế giới (theo nghiên cứu của chính cô) nên cô tự đặt câu hỏi: “Tại sao một sự thật như thế này mà mình và nhiều người không hiểu?”
 
Câu hỏi ấy được đặt ra vào năm 2016. Đó cũng là thời gian khởi nguồn cho ý tưởng về Nguyen Coffee Supply.
 
Mọi sự khởi đầu từ một cái tên
 
Lúc đó, Sahra nghĩ đến hai cái tên và “phân vân khách hàng người Mỹ sẽ thích tên nào hơn. Tiger Coffee hay Nguyen Coffee Supply? Tiger thì họ sẽ dễ nói hơn, em lại sinh năm 1986.”
 
nguyencaphe2
Sahra Nguyễn bên cạnh chiếc máy xay cà phê của mình. (Hình: Cát Linh/Người Việt)
 
Thế nhưng, có một chi tiết làm cho cô quyết định được ngay, cô kể.
 
“Có một lần Daddy nói với tụi em, khi tụi em có gia đình, rồi có con, thì coi như họ (Nguyễn) của Daddy bị ‘bay’ rồi, vì Daddy không có con trai. Ôi em so sad, em rất buồn… Lúc đó, em nghĩ, mình sẽ làm cho Nguyen Coffee Supply trở thành một thương hiệu nổi tiếng.”
 
Thêm nữa, cô gái này quyết định “bắt” người tiêu dùng Mỹ phải quen dần với cách gọi Nguyen, nếu không biết thì phải học, lâu dần sẽ quen.
 
“Đó là lý do em đã quyết định dùng tên Nguyen Coffee Supply,” cô nói trong niềm hạnh phúc vẫn còn hiện rõ trên gương mặt.
 
Cùng với niềm tự hào và quyết tâm, cô con gái út sinh năm 1986 cầm tinh con hổ của gia đình thuyền nhân Việt Nam quyết định làm rạng danh dòng họ Nguyễn.
 
Ngày 28 Tháng Mười Một, năm 2018, Nguyen Coffee Supply chính thức ra đời.
 
Tôn vinh văn hóa cà phê “phin” của Việt Nam
 
Như đã nói, ở cô gái nhỏ này là cả một bầu trời nhiệt huyết của tuổi trẻ, của đam mê và của sự táo bạo. Năm 2019, cô thực hiện một chuyến “Việt Nam thẳng tiến.” Cô đi Đà Lạt, Buôn Mê Thuột, Hà Nội để tìm gặp những người biết về cà phê, học hỏi thật nhiều những hương vị cà phê khác nhau. Quan trọng nhất là cô tìm hiểu cả về văn hóa uống cà phê của người Việt Nam.
 
“Một khi chúng ta yêu thích sản phẩm cà phê Việt Nam, em tin rằng chúng ta phải tôn vinh văn hóa Việt Nam và những người làm ra cà phê ở Việt Nam. Đó là sứ mệnh của em, của Nguyen Coffee Supply,” cô chủ nhỏ say mê nói về “nhiệm vụ” của mình.
 
nguyencaphe3
Một trong những nhiệm vụ mà cô rất tự hào khi nói đến, đó là chiếc phin cà phê quen thuộc của người Việt Nam. (Hình: Cát Linh/Người Việt)
 
Một trong những nhiệm vụ mà cô rất tự hào khi nói đến, đó là chiếc phin cà phê quen thuộc của người Việt Nam.
 
“Đây chính là văn hóa số một khi nói đến cà phê Việt Nam. Cái phin đã có mấy chục năm rồi nhưng ở Mỹ chưa ai biết về cái phin,” cô vừa nói vừa cho chúng tôi thấy chiếc phin có khắc chữ Nguyễn Coffe Supply.
 
Sarah Nguyen - cô gái gốc Việt và tham vọng làm giàu cho nông dân Việt Nam  từ hạt cà phê
 
Theo cô Sahra, chiếc phin cà phê truyền thống của người Việt Nam rất xa lạ với người Mỹ vì chưa ai muốn giới thiệu nó. Những người khác họ chỉ nhập cảng cà phê hột vào Mỹ, nhưng với cô, cô muốn chia sẻ cho người Mỹ và cả thế giới về văn hóa của người Việt.
 
“Điều này rất quan trọng vì nó không chỉ làm cho người Mỹ hiểu về cà phê Việt Nam mà còn hiểu về văn hóa, truyền thống và con người Việt Nam, mang chúng ta đến với thế giới nhiều hơn,” Sahra nói.
 
Cô gái nhỏ tự học hỏi, nghiên cứu về lịch sử cà phê, về các nhãn hiệu cà phê nổi tiếng đang thống lĩnh thị trường Mỹ. Cô nghiên cứu cả về vùng miền nào ở Việt Nam nổi tiếng nhất về sản xuất cà phê. Chưa một lần về Việt Nam, nhưng Sahra đã tìm hiểu để biết được Buôn Mê Thuột là thành phố trồng và sản xuất cà phê lớn nhất.
 
Tuy nhiên, cũng từ học hỏi, tìm hiểu, Sahra đưa ra một quyết định khác thông minh hơn.
 
“Thật ra ở Việt Nam, Buôn Mê Thuột là chỗ nổi tiếng nhất cho cà phê Robusta (còn gọi là cà phê vối), còn Đà Lạt nổi tiếng về cà phê Arabia và cả Robusta (còn gọi là cà phê chè). Và ở Mỹ, rất nhiều người biết về Đà Lạt của Việt Nam.”
 
Thông minh ở chỗ, chính vì biết Đà Lạt là một địa danh nổi tiếng, nhiều người Mỹ biết đến cho nên cô quyết định chọn Đà Lạt là nơi  nhập cảng cà phê về Mỹ.
 
nguyencaphe4
Sahra Nguyen và ba của cô, hình chụp năm 1989 ở Houston. (Hình: Sahra Nguyễn cung cấp)
 
“Khi em đang bắt đầu xây dựng Nguyen Coffee Supply, em nghĩ phải giới thiệu cà phê Việt Nam như thế nào để kết nối được với khách hàng người Mỹ. Và xu hướng thịnh hành nhất của họ bây giờ là thích uống Arabia Coffee. Và trong tương lai em muốn giới thiệu cho người Mỹ sự đa dạng của cà phê từ Việt Nam,” Sahra nói thêm về “sứ mệnh” của Nguyen Coffee Supply.
 
“Chim bay về tổ” hay “nước chảy về nguồn, lá rụng về cội” hiển hiện thật rõ ở câu chuyện của cô gái nhỏ gốc Việt Sahra Nguyễn.
 
Càng rõ hơn nếu chúng ta biết được cô gái này không xa lạ với các diễn đàn sáng tạo của thế hệ trẻ Mỹ. Cô từng là diễn giả của các trường Đại Học (University of California, Los Angeles; Northwestern University, Chicago; University of Florida…) đặc biệt về các đề tài di dân, tỵ nạn.
 
Công ty viễn thông Verizon đã từng mời cô đến trụ sở chính của họ để nói chuyện với nhân viên, quản lý cấp trên và các sáng kiến đa dạng của họ cho sự kiện “Asian Pacific American Heritage Month” (tạm dịch là Tháng Di Sản Người Mỹ Châu Á Thái Bình Dương).
 
Với tất cả câu chuyện ký ức của ba mẹ cô, thuyền nhân Việt Nam năm 1980, cùng với niềm tự hào về văn hóa, con người Việt Nam, Sahra Nguyễn đã dùng tất cả nhiệt huyết tuổi trẻ của mình để viết lên một sứ mệnh, đó là “rạng danh dòng họ Nguyễn và văn hóa Việt.”
 
“Ba mẹ Sahra làm gì và có thích uống cà phê không?” Trả lời câu hỏi cuối cùng trước khi kết thúc buổi gặp gỡ, cô gái nhỏ nói: “Em yêu cà phê phin Việt Nam cũng do thấy ba em uống mỗi sáng. Ba em vẫn còn làm việc, ông là thợ chà nhám sàn nhà.”
 
Cát Linh
 
Nguyên Thy sưu tầm
 
Cô gái gốc Việt với sứ mệnh mang cà phê quê nhà sang tận Mỹ: Quyết đòi công  bằng cho nông dân Việt Nam trên con đường vươn ra thế giới
Chỉnh sửa lần cuối vào %PM, %11 %917 %2024 %17:%03
back to top