⭐TRẦN KIM PHƯỢNG (Moderator)

⭐TRẦN KIM PHƯỢNG (Moderator)

Những giọt nước - Quyên Di

Những giọt nước

Quyên Di

(Minh họa: Dustin Humes/Unsplash)

Đêm qua trời mưa. Cơn mưa trái mùa khiến tôi trăn trở, thao thức. Tôi ngồi dậy, kéo màn cửa sổ nhìn ra bên ngoài.

Mưa không lớn, nhưng đủ cho tôi thấy qua ánh đèn đường, những sợi tơ trời lóng lánh. Mưa ân cần thấm ướt mềm mặt đất. Mưa dịu dàng tưới gội cỏ cây. Mưa lặng lẽ, khe khẽ như không muốn làm xáo động giấc ngủ của con người, và chỉ những ai ngóng chờ mưa, mong đợi mưa, ước ao mưa mới biết là mưa đã đến. Mưa đến, nhẹ nhàng, kín đáo như bước chân êm của người tình muôn đời chung thuỷ.

Những giọt nước mưa âm thầm rơi xuống khiến tôi liên tưởng đến những giọt nước của đất trời và những giọt nước của con người.

Những giọt nước mưa! Đó quả là những giọt nước cần thiết. Trái đất này sẽ ra sao nếu không có mưa! Mọi sự đều khô cằn, héo úa. Đất sẽ nứt nẻ, cây sẽ tàn lụi, chim muông cầm thú và cả con người sẽ mất dần sinh lực.

Tôi hình dung đến những cuộc lễ cầu đảo của con người thuở bán khai.

Tôi hình dung đến niềm vui điên cuồng của những người dân quê khi cơn mưa đổ xuống sau cơn hạn hán.

Tôi hình dung đến những cánh đồng lênh láng nước, đến những tàu lá cau hứng nước mưa chảy vào chum, vại, đến những ngụm nước mưa ngọt ngào, trong lành, mát mẻ người ta uống trong những buổi trưa hè.

(minh họa: mrjn Photography/Unsplash

Và tôi hình dung ra tôi thời niên thiếu, cùng chúng bạn tắm mưa ngoài trời một cách hồn nhiên, thoả thích. Nước mưa khiến tôi nghĩ đến những nguồn nước khác: nước giếng, nước sông, nước biển, nước suối, nước thác…

Nước giếng thẳm sâu như người có cuộc sống nội tâm ẩn chìm mà phong phú. Người ta không thể biết được dưới lòng giếng sâu hun hút có chứa đựng bao nhiêu lượng nước. Lòng giếng sâu mà miệng giếng hẹp. Giếng không ồn ào khoe mẽ, giếng không phô trương thanh thế. Nhưng những khi các nguồn nước đều khô cạn, người ta tìm đến giếng, và giếng sẵn sàng cung cấp cho con người bao nhiêu nước mà con người muốn. Tôi nghĩ cách sống hữu ích cho người có đời sống nội tâm là cũng biết âm thầm nhưng đại lượng như giếng.

Nước sông cuốn phù sa vào bờ, bồi đắp cho đất đai con người thêm màu mỡ, đem cá tôm làm thực phẩm nuôi sống con người. Con người không đòi hỏi, và cũng không có quyền đòi hỏi dòng sông cung hiến cho mình phẩm vật nào, phù sa cũng như tôm cá, người ta chỉ ước ao mong muốn; và dòng sông đã ân cần làm thoả mãn con người những điều ước ao, mong muốn ấy.

Dòng sông có khả năng dẫn dắt, đưa con người từ nơi này tới nơi khác. Khi dòng sông di chuyển, dòng sông không ngại giúp người khác cũng di chuyển với mình, dòng sông không ghen tương, không ích kỷ, sẵn sàng chia sẻ và nâng đỡ. Dòng sông như người khôn ngoan và nhân ái, dạy cho tôi sống yêu thương và dạy nhiều bài học khác về cuộc đời.

Nước biển bao trùm ba phần tư diện tích trái đất, chứa đựng trong nó bao nhiêu điều bí mật của đại dương. Hiền hoà và đại lượng nhất cũng là biển; cuồng nộ dữ dội nhất cũng là biển. Biển luôn luôn mang một vẻ quyến rũ khiến người ta say mê. Bao nhiêu người yêu thích cuộc sống hải hồ cũng vì vẻ quyến rũ của biển.

Cũng như sông, và có thể còn hơn sông, biển có nhiều tặng vật dành cho con người. Những quà tặng vật chất và những quà tặng tinh thần. Có lẽ không một người nào sống trên trái đất này lại chưa từng hưởng dùng những quà tặng vật chất của biển. Nhưng những quà tặng tinh thần, biển chỉ dành tặng cho riêng ai biết nghĩ đến biển, tìm hiểu về biển, học hỏi với biển, soi lòng mình trong lòng biển. Và trên hết, lòng biển mở rộng như lòng người Mẹ Việt Nam với tình mẫu tử mênh mang không bờ bến.

Nước còn là những dòng suối trong vắt, thanh thản chảy trong rừng sâu, bình an và tươi mát. Chính sự bình an, trong trẻo, tươi mát đó khiến cho người ta có thể nhìn được khuôn mặt mình dưới dòng suối. Người nào có được sự bình an, trong trẻo, tươi mát của dòng suối, người đó có khả năng làm cho người khác nhận chân được họ khi họ đối diện và đối thoại với mình. Người có được sự bình an, trong trẻo, tươi mát của dòng suối sẽ giữ được những hình ảnh đẹp đẽ nhất của cuộc đời. Bạn tôi nói rằng “nào ai giữ được ánh trăng trong mái tóc của mình,” nhưng suối, suối giữ được ánh trăng trong lòng nó.

Nước còn là những ngọn thác mạnh mẽ và hùng vĩ. Thác nước là một phản ảnh rõ nét về sức mạnh của thiên nhiên. Thác nước không những chỉ phô trương sức mạnh, thác nước còn biết dùng sức mạnh của mình cung ứng cho con người năng lượng. Người mạnh mẽ mà không biết dùng sức mạnh của mình vào việc hữu ích thì người đó chưa thể có được vẻ đẹp của một thác nước.

Nước cũng còn khiến tôi nghĩ đến bao nhiêu con kênh, bao nhiêu ao, hồ, chuôm, rạch; tôi nghĩ đến những mạch nước ngầm âm thầm trong lòng đất, làm tươi mát cỏ cây, làm xanh tươi trù phú cả những bình nguyên rộng lớn mà không cần được ai biết đến. Những mạch nước ngầm, đẹp âm thầm và hữu ích, nhưng có mấy ai trong cuộc đời thích sống như những mạch nước ngầm.

(minh họa: Komarov Egor/Unsplash)

Những giọt nước mưa khiến tôi liên tướng đến những giọt nước mắt. Trời mưa tức là trời khóc! Có thể là khóc vì vui mừng, khóc vì thương xót, khóc vì buồn tủi, khóc vì đau khổ… Trí tưởng tượng khiến tôi mỗi lúc nhìn mưa rơi, thường tự hỏi Trời đang nghĩ gì về tôi, đang buồn hay đang vui vì tôi mà khóc?

Riêng những giọt nước mắt của con người, tôi cho đó là ngôn ngữ âm thầm nhất mà cũng mãnh liệt nhất, hiển hiện nhất mà cũng sâu kín nhất, con người dùng để bày tỏ tình cảm của mình. Phạm Duy khi viết tâm ca ”Giọt Mưa Trên Lá” đã nhắc đến ”nước mắt mẹ già lã chã đầm đìa trên xác con lạnh giá,” “nước mắt mặn mà thiếu nữ mừng vì tan chiến tranh chồng về.”

Phạm Duy còn nhắc tới nhiều giọt nước mắt khác, những giọt nước mắt biểu lộ niềm vui và nỗi buồn, khổ đau và hạnh phúc của kiếp người. Riêng tôi, nhiều khi tôi cũng khóc. Mỗi khi xúc động vì tình cảm người nào đó dành cho tôi, tôi khóc. Mỗi khi cảm thấy thương một người nhiều quá, không biết diễn tả thế nào bằng lời cho đủ, tôi khóc.

Dự đám tang, tôi cũng dễ khóc, khóc vì nhớ người đã khuất với những kỷ niệm người đó đã ghi lại trong trái tim tôi, khóc vì thương những người còn sống. Tôi cho rằng giọt nước mắt là những hạt ngọc quý giá, khi mình thương ai thì lấy ra tặng cho họ.

Nhưng thực ra không phải bao giờ nước mắt cũng là những hạt ngọc. Đó là khi nước mắt đổ ra vì nỗi tủi hờn của một kiếp người cực nhục, bị đè nén, khinh khi, bóc lột. Đó là khi nước mắt đổ ra vì những thất bại ê chề, đắng cay, chua xót. Đó là lúc nước mắt đổ ra vì quá đau đớn về thể xác, tinh thần hay tình cảm. Những lúc đó, nước mắt quả thực là những giọt lệ mặn chát vị khổ đau. Thật đáng trách cho những aì làm cho đồng loại phải đổ những giọt nước mắt đắng cay như thế.

Những giọt nước còn khiến tôi nghĩ đến những giọt mồ hôi cần lao con người đã đổ ra để kiến tạo và làm thăng tiến bộ mặt trái đất. Những giọt mồ hôi đổ xuống luống cày. Những giọt mồ hôi rịn ra trên thân thể người công nhân trong xưởng máy. Những giọt mồ hôi đầm đìa trên trán người cha lao nhọc, đổi sức lao động lấy tiền nuôi vợ nuôi con. Những giọt mồ hôi đọng trên má người mẹ tảo tần khuya sớm… Những giọt mồ hôi tạo nên của cải vật chất và hạnh phúc tinh thần.

Những giọt nước…

Tôi nghĩ đến những giọt máu Chúa Kitô đã đổ ra để cứu tôi khỏi chết đời đời. Tôi nghĩ đến dòng nước tuôn đổ ra từ vết thương nơi cạnh sườn Ngài như một dòng suối Tình Yêu. Dòng suối ấy chảy mãi không ngừng, từ thế hệ này sang thế hệ khác, để cho Tình Yêu Cứu Chuộc tràn trề khắp mặt đất, đem lại nguồn ơn cứu thoát cho những thế hệ con người nối tiếp nhau.

Những giọt nước…

Tôi nghĩ đến dòng nước Rửa Tội vị linh mục đổ trên đấu em bé sơ sinh và những người tái sinh trong nguồn ơn Cứu chuộc. Mỗi khi chứng kiến hình ảnh cảm động ấy, tôi thường có ý nghĩ nước đó chính là Thiên Chúa. Ngài lấy chính Ngài để xoá sạch tội lỗi con người.

Mưa vẫn lặng lẽ rơi, và tôi chìm trong suy tư về những giọt nước.

(Trích trong Nhìn Xuống Cuộc Đời, xuất bản năm 1995)

 

Quyên Di.

Kim Phượng sưu tầm

Nền Giọt Nước Màu Xanh Với Mô Hình Bong Bóng Kết Cấu Trừu Tượng Của Những  Giọt Mưa ướt Trên Kính Giống Như | Nền JPG Tải xuống miễn phí - Pikbest

 

 

Tháng Tư Nghe Những Bài Nhạc Về Sài Gòn Xưa - Huỳnh Công Ân

Tháng Tư Nghe Những Bài Nhạc Về Sài Gòn Xưa

  Huỳnh Công Ân

Sài Gòn trước 1975 được mệnh danh là Hòn Ngọc Viễn Đông. Sài Gòn lúc đó không thua kém gì Singapore và Hồng Kông. Nếu Singapore và Hồng Kông thừa kế văn minh Anh thì Sài Gòn chịu ảnh hưởng văn hoá Pháp. Ngay khi ở lớp năm (lớp 1 bây giờ), lứa tuổi của tôi đã học tiếng Pháp. Tôi còn nhớ bài học tiếng Pháp vỡ lòng là:
 
“Voici ma main, elle a cinq doigts
“En voici deux, en voici trois”
(Đây là bàn tay của tôi, nó có năm ngón
Đây này hai ngón, đây này ba ngón)
 
Thành phố Sài Gòn văn minh và thanh lịch đó đã được ghi nhớ trong kho tàng âm nhạc phong phú của miền Nam qua thời kỳ cực thịnh của nền văn hoá miền này sau khi tiếp nhận sự đóng góp của các văn, nghệ sĩ di cư đến từ miền Bắc năm 1954 và sau 1975 được nhắc đến trong tiếc nuối của các nhạc sĩ ra được hải ngoại.
 
Mô tả vẻ xinh đẹp, nhộn nhip, vui tươi của Sài Gòn , nhạc sĩ Y Vân đã viết bản nhạc Sài Gòn:
 
“Dừng chân trên bến khi chiều nắng chưa phai
Từ xa thấp thoáng muôn tà áo tung bay
Nếp sống vui tươi nối chân nhau đến nơi này
Sài Gòn đẹp lắm, Sài Gòn ơi! Sài Gòn ơi!”
 
 
Cũng nhạc sĩ Y Vân mô tả một “Saigon by night” không kém gì một “Paris by night” với muôn ánh đèn màu qua bản nhạc Đêm Đô Thị:
 
“Màn đêm xuống dần, muôn ánh đèn đột nhiên như ngời sáng.
Kìa bao phố phường, bao mái lầu chìm trong bóng đêm”
 
 
Sau khi ra trường tôi về dạy học ở tỉnh Vĩnh Bình (Trà Vinh) cách xa Sài Gòn khoảng 200 cây số. Đêm đêm nhờ về Sài Gòn hoa lệ tôi mở bản nhạc Nhớ Thành Đô của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ:
 
“Tôi xa đô thành một đêm trăng mông mênh.
Tuy ra đi rồi mà vẫn nhớ vẫn thương hình bóng ấy,
Người em thơ đang từng giờ đợi chờ.”
 
Rồi, thân trai trong thời chinh chiến, tôi nhập ngũ và lao mình trong lửa đạn. Những đêm nằm ngoài chiến tuyến mở nho nhỏ chiếc Radio Transistor nghe bản nhạc Chiều Thương Đô Thị của nhạc sĩ Song Ngọc, lòng tôi hướng về Sài Gòn nơi có người em gái hậu phương đang chờ mình từng phút từng giây:
 
“Đêm nay tôi nhớ đến em mơ về kinh thành
Những chiều gió lộng ta đi trong lòng phố vắng
Tâm tư qua làn khói trắng mưa rơi ướt hai mái đầu”
 
Nhạc sĩ Anh Bằng ví thành phố Sài Gòn chiều cuối tuần như một vườn hoa của mùa xuân tình yêu trong bản nhạc Sài Gòn Thứ Bảy:
 
“Ѕài Gòn thứ Bảу ngàn hoa trên đường...
Lòng mình cứ tưởng mùa xuân уêu đương”
 
Người lính chiến miệt mài chiến đấu nên đôi khi lo rằng người yêu mình có thể sa ngã vì sự xa hoa của Sài Gòn như trong bản nhạc Thư Về Em Gái Thành Đô của ca nhạc sĩ Duy Khánh:
 
“Giờ đây, nghe nói em đang vui say
Chiều hoa lệ thành đô
Vòng tay ngà đua mở
Cùng hoa đèn sáng dở
Dìu em vào giấc ngủ
Quay cuồng tiếng hát đam mê”
 
Nhạc sĩ Đỗ Kim Bảng nhớ Sài Gòn qua Những Bước Chân Chiều Chủ Nhật:
 
 
“Ðêm vẫn chưa buông nhưng chiều dần tàn
Mây tím giăng ngang trên trời Sài Gòn“
 
Nhà thơ của tuổi học trò Nguyên Sa đã gợi cảm hứng cho nhạc sĩ Ngô Thuỵ Miên phổ bản nhạc Áo Lụa Hà Đồng trong nắng Sài Gòn:
 
“Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng”
 
 
Nhạc sĩ Văn Phụng ca tụng Sài Gòn ngày xưa là bến bờ mà du khách thế giới muốn tới trong bản nhạc Ghé Bến Sài Gòn:
 
“Cùng nhau đi tới Saigon
Là nơi du khách dập dồn
Từ năm châu tới viếng thăm Thủ Đô"
 
Sài Gòn là nơi đô hội quyến rũ nên Lê Uyên Phương đã phổ nhạc của Kim Tuấn thành bản Khi Xa Sài Gòn để diễn tả nỗi bâng khuâng của người Sài Gòn khi phải rời xa nó:
 
“Sài Gòn bây giờ trời mưa hay nắng
Sài Gòn bây giờ ai khóc thương ai
Sài Gòn giới nghiêm che kín đêm dài
Sài Gòn khói bay, Sài Gòn nắng đổ
Sài Gòn đã buồn như trời sớm mai“
 
Nhưng biến cố 30/4/75 đã làm Sài Gòn mất tên và người Sài Gòn mất những thời gian tuyệt vời trước đó như trong bản nhạc Sài Gòn Ơi Vĩnh Biệt của Nam Lộc:
 
“Sài Gòn ơi, tôi đã mất người trong cuộc đời
Sài Gòn ơi, thôi đã hết thời gian tuyệt vời“
 
 
Và từ đó những người tha hương luôn nhớ về Sài Gòn qua những kỷ niệm còn đọng trong ký ức như những lời ca bùi ngùi tiếc nhớ trong bản nhạc Sài Gòn Niềm Nhớ Không Tên của Nguyễn Đình Toàn:
 
“Sài Gòn ơi!
Thôi hết rồi những ngày hát nhớ nhau
Nhớ Phạm Duy với tình ca sầu
mắt lệ rơi khóc thuở ban đầu
Còn gì đâu“
 
Trong tận cùng của tuyệt vọng, Nguyệt Ánh sáng tác bản Một Lần Đi như là một lời trối trăng của người vong quốc:
 
“Sài Gòn ơi, ta có ngờ đâu rằng
Một lần đi là một lần vĩnh biệt
Một lần đi là mất lối quay về
Một lần đi là mãi mãi thương đau.”
 
Năm nay, tháng Tư lại về, những thương đau của quá khứ gần nửa thế kỷ một lần nữa lại ùa về, chúng ta nhớ Sài Gòn da diết. Ai cũng tự trách mình sao để mất một viên ngọc quý của đời mình vào tay những kẻ không đáng hưởng.
 
Còn gì đâu!
 
Montréal, 19/4/2022
Huỳnh Công Ân
 
Kim Phượng sưu tầm

TÌNH YÊU TRONG NHẠC KHÊ KINH KHA

TÌNH YÊU TRONG NHẠC KHÊ KINH KHA

Nghe nhạc đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của tôi.

Đã từ lâu, tôi vẫn thường thích nghe nhạc của các nhạc sĩ Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Từ Công Phụng…và tôi nghĩ không riêng gì tôi mà rất nhiều người cũng vậy.

Điều này cũng dễ hiểu vì nhạc của các nhạc sĩ trên đã đi vào lòng công chúng qua bao thế hệ, những nhạc phẩm này đã thuyết phục chúng ta không những bằng âm nhạc mà còn do ca từ hay, khi thì quyến rũ lãng mạn, khi thì mộc mạc chân quê, khi thì từ bi thánh thiện để rồi có lúc vụt trở nên lộng lẫy, kiêu sa…

Và việc yêu thích những dòng nhạc trên của tôi đã trở nên bảo thủ, đã hình thành trong tôi một thói quen bất khả xâm phạm và cứ thế tôi luôn muốn bảo vệ thành trì nghe nhạc của mình một cách cố chấp, bằng chứng là tôi vẫn tìm đến những nhạc phẩm của những nhạc sĩ trên mỗi khi muốn nghe và cả những khi nghêu ngao một mình cũng thế.

Một chiều lang thang trên mạng, tình cờ trang FB của tôi nhận được một bài hát (chuyện này vẫn thường xảy ra trên mạng xã hội), nhạc phẩm mang tên 20 NĂM TÌNH SẦU của Khê Kinh Kha( thật ra tới thời điểm đó tôi vẫn chưa biết KKK là nhạc sĩ nổi tiếng ở hải ngoại, điều này cũng dễ hiểu vì tôi thì hiện đang sống tại Việt Nam)

Mạng xã hội FB thật gần gũi và không biên giới, bởi vậy khi được bạn post cho một bài gì thì tôi xem và comment lại cho bạn và thế là tôi nghe bài hát 20 NĂM TÌNH SẦU của KKK với mục đích là để comment cho bạn mà thôi ,nhưng không ngờ tôi đã nghe bài này với cả tâm tình. Sức hút vô cùng mãnh liệt của tiếng hát Ánh Tuyết khi thể hiện cùng với lời ca khúc như tiếng lòng của chính tác giả đã thật sự giữ chân tôi lại, phá vỡ thành trì cố hữu trong tôi và chị đưa tôi về câu chuyện tình đẩm lệ thật buồn …

Tôi đã khóc, khóc thật sự với 20 NĂM TÌNH SẦU, mặc dù tôi đang sống rất hạnh phúc bên gia đình mà sao khi nghe Ánh Tuyết hát tôi cứ ngỡ mình là người trong cuộc, dù số phận trong 20 NĂM TÌNH SẦU là của một người đàn ông mà sao vẫn chạm đến tim tôi, một phụ nữ đang sống đầy yêu thương. Bài hát đã cho tôi một cảm xúc rất thật và tôi đã đê mê, lặng người với cảm xúc đó, cho dù đó là một cảm xúc đau khổ đến tột cùng…Tiếng hát Ánh Tuyết đã lột tả hêt được những gì lời bài hát muốn nói.

Để rồi từ đó tôi bắt đầu cuộc hành trình tìm thêm các ca khúc khác của nhạc sĩ Khê KInh Kha do ca sĩ Ánh tuyết trình bày để thưởng thức qua CD TÌNH PHỤ, gồm 13 cakhúc của nhạc sĩ Khê Kinh Kha.

Những hình ảnh mặc nhiên và vĩnh cửu của thiên nhiên như: sương khướt núi đồi, cơn gió ngàn đời lang thang, làm sao đong được mưa rơi, làm sao đo được ánh mặt trời, vì sao mặt trời vẫn lên, vì sao cơn gió ngàn đời lang thang, hoa nở rồi tàn, đã được nhạc sĩ Khê Kinh Kha đưa vào nhạc phẩm ĐỪNG HỎI VÌ SAO để thấy rằng tôi yêu em đến độ nào, tình tôi yêu em ngàn đời mãi mãi như mây trôi và cũng để thấy rằng vì sao tình nồng chỉ có trăm năm. Tiếng hát Ánh Tuyết đã thuyết phục tôi nghe đi nghe lại bài này nhiều lần đến nỗi giờ tôi đã hát được bài hát này và lẩm nhẩm hát theo chị.

Em còn nhớ những chiều mưa giăng trên phố, chúng mình đã từng cùng nhau môi hôn nồng ấm, những lời thề xưa em hứa, em còn nhớ hay đã cố quên, thì tiếc thương làm gì em hỡi, hãy để tôi sống ơ hờ với những tháng ngày còn lại không em. Em đi mang hết tình nồng cứ ngỡ trăm năm của chúng mình, em đi mang cả mặn nồng trong tôi, để tình mình giờ như những chiếc lá thu không bờ bến, rã mục nơi phương trời vô định. Bàn chân em quên lối mang theo cả hương tình một thuở mình yêu nhau, còn lại tôi nụ cười buốt giá với thương yêu em vẫn còn ăp đầy. Làm sao mà quên được vòng tay em từng xiết chặt tình chúng mình, để giờ đây em đi bỏ mặc lại tôi.

Đó là những gì Ánh Tuyết kể lại cho chúng ta, một câu chuyện tình bằng ca khúc VỀ ĐI EM.

Em về đi, thoạt nghe như lời tôi phụ phàng em nhưng thật ra tôi đã không giữ được em rồi, em đã phụ tôi..phụ tôi và đó cũng là những gì mà nhạc sĩ KKK muốn gởi gắm qua nhạc phẩm VỀ ĐI EM.

Mượn hình ảnh con gió ngàn năm vẫn rong chơi, cánh mây lãng đãng muôn đời, chiếc lá lạc giữa núi rừng, con suối reo trong đá trên ghềnh….để nói đến phận người hiện hữu ở thế gian này, rồi hôm nào chợt bâng khuâng bởi một mái tóc mềm và LẠC BƯỚC đi tìm trái tim.

Thành phố mộng mơ này, công viên những lần mình hẹn hò, vạt áo dài lang thang trên phố với giòng tóc em buông lả lơi trong những chiều mùa hạ mưa rơi, đã làm tim tôi thổn thức đợi chờ với những ước mơ dại khờ cho cuộc tình sỏi đá ngây ngô. Bao nhiêu tình nồng của tuổi ngọc đam mê cùng với lời thề tôi đã trao em. Giờ đây, cuộc tình đã vỡ em làm sao có thể TRẢ LẠI TÔI. (Live Show-Ngoc Ha.)

Đời như bóng đêm kể từ ngày em xa tôi, còn ai để đón đưa, lòng phố hoang vu quanh chốn này và ngày trở nên dài vô biên. Tình như mây khói với năm tháng mịt mù, xin em một lần gọi tình yêu đến cho nồng nàn về giữa tim em. Bao đêm dài tình biết say cùng ai dù hương người chưa phai kể từ EM XA RỒI.

Một chiều về thăm phố nhỏ, lòng đầy thương nhớ về người của một thuở xa xưa, thầm gọi tên ai , chỉ hàng cây lặng im buồn cúi mặt, mưa ướt lạnh cho phố nhỏ buồn xác xơ. Tình vẫn vẫn ngậm ngùi trong tôi và còn đầy theo năm tháng. Giòng sông cứ trôi mãi, người ơi tình vẫn đợi, đợi NGƯỜI VỀ TƯƠNG TƯ.

Một mình trong đêm khuya với một hồn đầy mưa gió khi tình vừa hư hao để nhớ bóng ai ngồi nghiêng tóc. Biết tìm lại đâu con tim nồng ru hồn nằm êm ái, tóc ai đầy cứ ngỡ mây bay. Đời đã nắng tắt, biết tìm đâu, tìm đâu khi TÌNH CÒN BƠ VƠ.

Người đi để lại những năm tháng dài, bao đêm lệ uống tràn mắt môi. Mộng tuổi xuân cạn héo cho tim úa dần.Rồi chiều nay mưa gió cho buồng tim thổn thức trong mắt buồn. Nhớ thương người xưa, đã xa bao năm tháng mà tình vẫn cứ như mây theo gió về, để từng đêm tình vẫn làm lệ xót xa, lệ xót xa nên LỆ NỒNG MÔI KHÔ.

Chút nắng reo trong gió thu, mùa thu đã về, cho tôi nhớ lại từng thu cũ, bước em về cùng áo lụa dài bay giữa trời thu lạnh, mưa phùn lất phất ướt bờ vai em. Đường xưa không em giờ hoang vắng, tôi nhặt lá vàng mà mắt tràn mưa bay trông ngóng đợi chờ em. Không em thu vẫn về, giữa phố xưa tôi âm thầm trong nỗi nhớ, em đã quên rồi mùa thu, mùa thu của chúng mình để lại mình tôi ngậm ngùi với từng GIỌT LỆ THU khóc cho tình mình đã chết.

Rồi mùa thu qua và mùa đông

cũng bỏ đi, tình anh như gió lướt qua đời em, như mây trời bay xa mãi

Từng mùa trăng đã phôi pha và dòng sông cũng đã xa ngàn khơi mà vẫn không anh đến trong đời em. Bao mùa hoa cúc vàng rơi, bao mùa heo may đến tình anh vẫn biền biệt chân trời bỏ lại mình em trông ngóng ngậm ngùi dù anh đã TÌNH PHỤ. Phụ em anh đã phụ rồi anh ơi.

Lời hứa trăm năm anh đã quên cho tim em thấm lệ, còn lại em nhạt nhòa phấn son, giòng tóc khô cằn, bờ môi tê lạnh và ngày trở nên dài hoang vắng vì ANH ĐÃ PHỤ EM.

Với những ca từ sâu lắng thật tình tứ, thật lãng mạn, gợi nhớ những kỷ niệm trong cuộc đời mỗi người của chúng ta, trên đây là những nỗi niềm mà nhạc sĩ Khê Kinh Kha đã đưa vào các ca khúc trong CD TÌNH PHỤ do ca sĩ Ánh Tuyết thể hiện. Từng nỗi niềm đã được tác giả thổi hồn vào để từ đó nỗi niềm thăng hoa mang vào mình một hoàn cảnh, một số phận và ca sĩ Ánh Tuyết đã mang hoàn cảnh đó, số phận đó đến với chúng ta bằng một cảm xúc rất thật, rất gần gũi như hơi thở, như nắng sớm, như mưa chiều………

Giờ đây nỗi niềm không còn là của riêng ai (kể cả tác giả) mà là của MỌI NGƯỜI để có thể BẠN, có thể TÔI bắt gặp mình trong đó.

Sau này, tôi được biết ca khúc 20 NĂM TÌNH SẦU nhạc sĩ KKK đã viết lại từ tâm sự có thật.

Hai Mươi Năm Tình Sầu

Hai mươi năm trở lại
Giòng sông còn trôi mãi
kỷ niệm như dao cắt
ngọt ngào giữa tim tôi

hai mươi năm trở lạI
lòng xưa vẫn mộng nhiều
hương tình đầy trên lốI
hương người đâu nữa hỡi em yêu

hai mươi năm đi giữa đời
một đời đầy sóng nổi
hai mươi năm ôm mối tinh
mà hồn rách tả tơi

hình như tôi khóc đây em
hai mươi năm em theo chồng
bỏ lại đời tôi
những tháng ngày tăm tốI
và đường trần đầy quạnh hiu
và lòng sầu lắm cô liêu

hai mươi năm trở lại
mộ em đầy cỏ dại
hai mươi năm góp lại
nén nhan buồn chiều nay

hai mươi năm còn gì cho nhau
tình xưa như áo rách
làm sao ai vá được
mảnh hồn đã xác xơ
hai mươi năm tình sầu
hẹn người đến kiếp sau

LÊ THANH BÌNH

 

 

Khê Kinh Kha

Khê Kinh Kha là bút hiệu của Nguyễn Xuân Hùng, sinh tại làng Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Năm '68 đi du học tại Hoa Kỳ, và tốt nghiệp Thạc Sĩ Kỹ Sư Hóa Học (Master in Chemical Engineering) và Thạc Sĩ Thần Học ( Master of Theology). Hiện cư ngụ tại bang Virginia và cũng là Deacon (Phó Tế) giúp họ đạo nhà thờ và những người khốn khó. KKKha bắt đầu sáng tác thơ từ lúc học Đệ Tứ. Tự học nhạc và sáng tác đầu tiên vào năm 1971. Chủ biên của trang nhà VĂN HỌC NGUỒN CỘI

Kim Phượng sưu tầm

Theo dõi RSS này