Thế giới quanh ta

Thế giới quanh ta (676)

10 SỰ THẬT THÚ VỊ VỀ VÀNG

10 SỰ THẬT THÚ VỊ VỀ VÀNG

*******

Vàng là một loại kim loại quý giá có màu sáng bóng. Trong lịch sử loài người, vàng đóng vai trò quan trọng, là biểu tượng của tiền tệ, đồ trang sức, nghệ thuật và công nghệ. Còn có rất nhiều sự thật thú vị khác về vàng, chúng ta hãy cùng khám phá nhé.


10 sự thật thú vị về vàng (Nguồn: pixabay)

1. Vàng là kim loại duy nhất có màu vàng

Vàng là kim loại duy nhất có màu vàng tự nhiên (còn gọi là sắc kim). Các kim loại khác chỉ có màu vàng khi bị oxy hóa hoặc phản ứng với các hợp chất hóa học khác. Ký hiệu nguyên tố của vàng là “Au”, xuất phát từ tiếng Latinh “aurum”, có nghĩa là “bình minh sáng chói” hoặc “ánh sáng của mặt trời mọc”.

2. Toàn bộ vàng trên Trái Đất đến từ thiên thạch

Có thể bạn sẽ không tin nhưng hầu hết vàng trên Trái Đất đều xuất phát từ bên ngoài không gian vũ trụ. Các nhà khoa học ước tính rằng, trong 200 triệu năm sau khi Trái Đất hình thành, đã có nhiều thiên thạch va chạm vào Trái Đất, chúng mang theo vàng và các kim loại quý giá khác. Với sự chuyển động của vỏ Trái Đất, lượng vàng này dần dần tụ lại ở một số nơi, tạo thành các mỏ vàng.

Vàng (Nguồn: pixabay)

3. Vàng là kim loại dẻo nhất

Vàng có thể được kéo thành sợi mỏng mà không bị gãy. 30g vàng có thể được kéo thành sợi vàng dài tới 580km. Sợi chỉ vàng thậm chí còn được sử dụng để thêu lên trang phục, ví dụ như một số trang phục truyền thống ở Ấn Độ cũng được trang trí bằng sợi vàng.Vàng 

4. Vàng là kim loại dễ dát mỏng nhất

Ngoài tính dẻo, vàng còn có một đặc tính khác, đó là tính dát mỏng, nghĩa là nó có thể bị dát thành lớp cực mỏng mà không gãy. 30g vàng có thể được dát mỏng thành một lá vàng có diện tích 28m2. Một lá vàng có thể được dát mỏng đến mức ánh sáng có thể xuyên qua nó, khiến chúng có thể có màu xanh lục hoặc xanh lam vì vàng phản chiếu ánh sáng màu đỏ và vàng rất mạnh.

Vàng (Nguồn: pixabay)

5. Vàng là một nguyên tố rất ổn định

Vàng là một nguyên tố rất ổn định, chúng gần như không phản ứng hóa học với các chất khác. Điều này cũng giải thích tại sao vàng không bị gỉ như sắt và thép, cũng không bị oxi hóa như đồng. Đặc tính này của vàng làm cho nó trở thành một loại tài sản lưu giữ giá trị tốt, vì nó không bị mất giá trị hoặc bị hỏng theo thời gian.

6. Vàng là một chất liệu không độc hại

Có thể bạn đã nghe nói về việc một số người ăn vàng lá hoặc uống đồ uống có chứa bột vàng, điều này là vì vàng là một chất liệu không độc hại, nó không gây hại cho cơ thể con người. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là bạn có thể ăn vàng một cách tuỳ tiện, vì suy cho cùng vàng vẫn là một kim loại nặng, việc tiêu thụ quá nhiều vàng có thể gây ra vấn đề về tiêu hóa hoặc dị ứng, thời kỳ cổ đại cũng có người tự tử bằng cách nuốt vàng. Hơn nữa, vàng tự nhiên chưa qua tôi luyện cũng có thể có chất độc.

Vàng (Nguồn: pixabay)

7. Độ tinh khiết của vàng được đo bằng đơn vị carat

Carat là một đơn vị biểu thị tỷ lệ giữa vàng và các kim loại khác. Vàng nguyên chất là 24 carat, tức là 100% vàng. Vàng 18 carat chứa 75% vàng; vàng 14 carat chứa 58,5% vàng; vàng 10 carat chứa 41,7% vàng. Phần còn lại của vàng thường là bạc, nhưng cũng có thể là các kim loại khác hoặc hợp kim, chẳng hạn như bạch kim, đồng, palladium, kẽm, niken, sắt và cadmium.

8. Vàng có nhiều công dụng

Vàng có nhiều công dụng, ngoài việc được sử dụng làm tiền tệ và đồ trang sức, nó còn đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực điện tử, điện khí, nha khoa, y học, phòng hộ phóng xạ và tạo màu cho thuỷ tinh.

Đầu tiên, vàng là một vật liệu dẫn điện và dẫn nhiệt tốt, có thể được sử dụng để sản xuất mạch điện, dây điện, công tắc và đầu nối. Thứ hai, vàng cũng là một vật liệu tương thích sinh học rất tốt, có thể được sử dụng để sản xuất răng giả, khớp nhân tạo và máy trợ tim. Thêm vào đó, vàng cũng có thể được sử dụng để sản xuất trang phục bảo hộ, ngăn chặn tổn thương từ bức xạ, ví dụ như mũ bảo hộ của phi hành gia được phủ một lớp vàng. Cuối cùng, vàng cũng có thể được sử dụng để tạo màu cho thuỷ tinh, ví dụ như kính màu của nhà thờ, được sản xuất từ các tấm vàng để tạo ra các màu sắc khác nhau.

Vàng (Nguồn: pixabay)

9. Vàng không mùi không vị

Vàng là một nguyên tố rất ít phản ứng hoá học, nó không giải phóng bất kỳ ion kim loại nào để ảnh hưởng đến vị giác hoặc khứu giác của bạn. Vàng nguyên chất có độ tinh khiết cao và không có mùi vị gì cả. Nếu bạn cảm thấy vàng có một hương vị hoặc mùi đặc biệt nào đó, có thể là do nó đã được pha trộn với các kim loại hoặc vật liệu khác, hoặc có thể là do ảnh hưởng tâm lý của bạn.

10. Vàng là một vật liệu rất hiếm

Bạn có thể cảm thấy rằng vàng rất phổ biến, vì bạn đã thấy nhiều sản phẩm làm từ vàng trong các cửa hàng, ngân hàng hoặc viện bảo tàng. Nhưng bạn biết không, nếu những lượng vàng đã được khai thác trên Trái Đất được thu thập lại, chúng chỉ đủ để tạo thành một khối lập phương có chiều dài, chiều rộng và chiều cao khoảng 25m. Điều này có nghĩa là mỗi người trung bình chỉ có thể sở hữu khoảng 4g vàng. Độ hiếm của vàng cũng khiến nó trở thành một vật liệu rất quý hiếm và có giá trị, đồng thời cũng là biểu tượng quan trọng cho sự giàu có của con người.


Nguồn: Soundofhope (Lý Trí)
Lan Chi biên dịch / Theo: vandieuhay
 
*******
 

Điều thú vị về vàng có thể bạn chưa biết

Dịp cưới hỏi, ngày kỷ niệm đặc biệt... món quà được ưa chuộng nhất là vàng. Cầu may đầu năm, nhiều người chọn mua vàng. Bạn biết gì về kim loại này?

Vàng là gì?

Vàng là một kim loại quý hiếm, màu vàng sẫm với ánh đỏ có tên la tinh là Aurum (ký hiệu trong bảng tuần hoàn hóa học là Au). Vàng nguyên chất là một kim loại tương đối mềm, dễ dàng dát mỏng và kéo dài, dẫn điện, dẫn nhiệt tốt (nhưng do giá thành cao nên ít được sử dụng).

Nói đến vàng ta không thể không nhắc đến tính chất phản xạ tuyệt vời này nếu phủ lên bề mặt vật thể một lớp vàng mỏng nó có thể phản xạ tới 90% sự phóng xạ có mật độ cao hay bức xạ nhiệt.

Vàng là một kim loại chuyển tiếp có tính mềm, dẻo, dễ dát mỏng và không phản ứng với hầu hết các hóa chất. Nó là một trong những kim loại quý trên thế giới, đằng sau vẻ đẹp lấp lánh của nó là nhiều điều thú vị không phải ai cũng biết.

Vàng trắng

Đầu tiên khi nói đến vàng trắng bạn cần biết đây là một kim loại khác với bạch kim, nhiều bạn hay nhầm lẫn hiểu bạch kim chính là vàng trắng.

Vàng trắng là một hợp kim của vàng và có ít nhất một loại kim loại có màu trắng, được tạo ra bằng công nghệ luyện kim đặc biệt với nhiều quy trình nghiêm ngặt. Trong đó có vàng là nguyên tố chính chiếm hàm lượng cao trong hợp kim, thường là 58,3% Au (14k) đến 75% Au (18k).

Đằng sau kim loại vàng là nhiều điều thú vị
Đằng sau kim loại vàng là nhiều điều thú vị - (Ảnh: The Glamourai).

80% lượng vàng trên Trái đất vẫn chưa được tìm thấy

Vàng có thể được tìm thấy ở cả 7 lục địa. Tổng cộng 166.500 tấn vàng đã được khai thác trong lịch sử thế giới, nếu đúc chúng thành một khối lập phương sẽ có cạnh dài 20,5m. Nếu nấu chảy số vàng trên, nó sẽ lấp đầy một bể bơi tiêu chuẩn Olympic.

166.500 tấn vàng cho đến nay được chia thành 4 thành phần chính theo ứng dụng, trong đó phổ biến nhất vàng được dùng làm đồ trang sức (50,5%).

Tiếp đến dùng làm đầu tư tư nhân (18,7%), rồi dùng cho dự trữ cho chính phủ trên thế giới (17,4%), và cuối cùng vàng sử dụng trong công nghiệp (13,4%).

Kỹ thuật viên xử lý vàng lỏng thành vàng miếng
Kỹ thuật viên xử lý vàng lỏng thành vàng miếng - (Ảnh: REUTERS).

75% lượng vàng mà con người đang sở hữu được khai thác từ năm 1910 trở lại đây. Trong suốt nhiều thiên niên kỷ trước đó, người ta chỉ tìm ra 25% tổng số vàng hiện có.

Các nhà khảo cổ học cho rằng nhân loại bắt đầu phát hiện và sử dụng vàng từ năm 5.000 TCN. Các nhà khoa học cho biết theo ước tính 80% lượng vàng trên Trái đất vẫn chưa được tìm thấy.

Nhiều ý kiến cho rằng vàng có khả năng nằm rất sâu dưới mặt đất nên con người không thể khai thác chúng trong tương lai gần.

Đồng tiền vàng đầu tiên được những người sống ở Lydia (một phần của Thổ Nhĩ Kỳ) sử dụng vào khoảng 560 năm TCN. Truyền thuyết kể rằng vàng đến từ sông Pactolus, nơi vua Midas mất đi khả năng biến đồ vật thành vàng.

Sự thật bất ngờ về vàng

1. Với 1 gram vàng, người ta có thể dát mỏng thành một sợi dây dài 165m với đường kính bằng một sợi tóc người.

2. Do vàng là chất dẫn điện hoàn hảo nên nó được dùng trong nhiều ứng dụng công nghiệp. Nhiều mẩu chuyện lưu truyền trong dân gian rằng các bậc đế vương Trung Quốc còn dùng vàng dát mỏng làm chỉ thêu trong những tấm thảm sang trọng hoặc may áo cho hoàng cung.

3. Thể thao cũng sử dụng vàng. Trong quá khứ, người ta sử dụng vàng thật để chế tác huy chương vàng tặng các vận động viên vô địch. Từ năm 1912, Ủy ban Olympic ngưng dùng vàng 24K làm huy chương. Huy chương vàng ngày nay chỉ có khoảng 6 gram vàng.

Vàng còn được sử dụng trong kính mũ của các phi hành gia
Vàng còn được sử dụng trong kính mũ của các phi hành gia - (Ảnh: NASA).

4. Vàng ngày nay còn được sử dụng trong kính và mũ trùm đầu của các phi hành gia. Vàng đóng vai trò hữu ích trong việc phản xạ tia hồng ngoại từ ánh nắng mặt trời, giúp mũ phi hành gia không bị tăng nhiệt.

5. Khoảng 13% vàng được dùng làm tiền xu đưa vào các ngân hàng trung ương quốc gia hoặc được thu mua từ các nhà đầu tư. Số còn lại được sử dụng cho mục đích khác như ứng dụng trong công nghiệp và nha khoa.

6. Thống kê trữ lượng vàng của chính phủ và tổ chức tiền tệ trên toàn thế giới vào năm 2012 cho thấy Mỹ giữ nhiều nhất, kế đó là tổ chức tiền tệ IMF, sau đến Đức, Ý, Pháp. Cho đến tháng 5-2016, thứ tự này vẫn không thay đổi.

7. Theo trang Business Insider, năm 2016 Trung Quốc mua nhiều trang sức vàng nhất thế giới. Theo một báo cáo, các quốc gia Nam Á nhập khẩu khoảng 800 tấn vàng mỗi năm và sử dụng khoảng 600 tấn trong số đó để làm đồ trang sức.

8. Nam Phi là quốc gia có trữ lượng vàng lớn nhất thế giới. Trong 130 năm qua, trung bình 40% lượng vàng trên thế giới được khai thác ở quốc gia này.

Quặng vàng lớn nhất còn tồn tại đến ngày nay đang được bảo quản tại Las Vegas
Quặng vàng lớn nhất còn tồn tại đến ngày nay đang được bảo quản tại Las Vegas - (Ảnh: REUTERS).

9. Quặng vàng lớn nhất thế giới từng được tìm thấy là "Welcome Stranger", được tìm thấy ở Victoria, Úc vào năm 1869, nặng 71kg trong đó có 65kg là vàng nguyên chất.

10. Khối quặng lớn nhất còn tồn tại có tên "Hand of Faith" được tìm thấy năm 1980 ở Úc nặng 27kg hiện đang được trưng bày ở Golden Nugget Cassino tại Las Vegas.

11. Theo số liệu của Hội đồng vàng thế giới (WGC), tính đến cuối năm 2019 loài người đã khai thác gần 200.000 tấn vàng. Khoảng 47% trong số đó được dùng để làm trang sức, trong khi chỉ 21,6% mới được dùng để đầu tư.

12. Vàng đã được tìm thấy ở tất cả 7 lục địa trên toàn thế giới. Ước tính có tổng cộng 10 tỷ tấn vàng trong các đại dương. Tuy nhiên, nó loãng đến mức không thể khai thác được.

13. Vật thể bằng vàng lâu đời nhất được phát hiện ở Bulgaria. Nghiên cứu cho thấy con người đã gia công kim loại bằng vàng từ 6.500 năm trước.

14. Gần như không thể phá hủy nên vàng thường được nấu chảy, tinh chế và tái sử dụng. Điều này có nghĩa là chiếc nhẫn vàng của bạn có thể chứa hạt từ thời La Mã cổ đại.

15. Trong số 92 nguyên tố tự nhiên, vàng chỉ đứng thứ 58 về độ hiếm. Các nguyên tố hiếm nhất trên trái đất là các kim loại gốc bạch kim như osmi, rhodi và iridi.

16. Ít ai biết, vàng nguyên chất mềm đến mức có thể dùng tay nặn được.

17. Vàng đã được các nha sĩ sử dụng từ ít nhất hàng trăm năm trước. Trong cuốn sách cổ về nha khoa lần đầu được xuất bản vào năm 1530 có miêu tả việc các nha sĩ đổ vàng lá vào các lỗ răng sâu của bệnh nhân.

18. Một số trường hợp viêm khớp dạng thấp còn được tiêm vàng lỏng để giảm viêm.

19. Vàng nguyên chất không kích ứng sinh học, nghĩa là nó an toàn khi tiếp xúc với làn da cơ thể người cũng như không gây nguy hiểm cho sức khỏe. Bởi vậy chúng thường được dùng để mạ lên các sản phẩm, kiến trúc và là nguyên liệu ưa thích cho những đồ dùng quý giá.

 
Nguyên Thy sưu tầm
Xem thêm...

HOA ĐÀO NGÀY TẾT

HOA ĐÀO NGÀY TẾT

 
Người Việt Nam, nhất là miền Bắc, mỗi dịp Xuân về, Tết đến, thường có hoa đào trong nhà. Hoa đào được mang bán khắp phố từ khá sớm trước Tết Âm lịch, sẽ trước Rằm tháng Chạp vài hôm, nhiều gia đình mua về cắm trên bàn thờ ngày Rằm. Cũng có nhà khang trang, khá giả, có thể mua cây đào Tết về từ thời gian này để trưng bày trong nhà hay ngoài cửa suốt tháng Tết ta.


Hoa đào, người chơi hoa có thể trưng bày nhiều cách. Ví dụ, nhẹ nhàng mà tinh tế của các bà, các chị Hà nội, chỉ một ít cành tỉa nho nhỏ, loại cành có chi chít nụ hoa (cành đào dăm), được chọn lựa về cắm trong lọ gốm sứ. Bình hoa đào này có thể để trên bàn thờ, gọn nhẹ hay cũng có thể cắm nhiều hơn, trong bình lớn hơn chút để trên bàn như chơi hoa thường nhật. Cành đào dăm được bán từ Rằm tháng Chạp tới tận tháng Ba luôn, chơi suốt mùa Xuân lúc nào cũng đẹp. Cành đào dăm có thể từ các nhà vườn tỉa mang đi bán, cũng có thể từ chính các gia đình, sau khi chơi cành, cây lớn, tỉa ra để cắm. Với mật độ hoa đào, điểm tô những búp xanh của lá, những tay đào thẳng tắp tạo cho bình hoa đào đầy sắc Xuân.

Bình đào dăm – Ảnh mạng Internet

Bình đào dăm không chỉ đơn giản, tinh tế, nó còn gọn nhẹ có thể đặt bất cứ đâu trong nhà, từ phòng ngủ, phòng khách, bàn làm việc. Thậm chỉ một cảnh nho nhỏ trong một cái cốc, chai hay lọ gốm xinh xinh, cũng làm cho góc phòng ấp áp tươi vui. Với mùa Xuân, hoa đào dần chiếm chỗ nhiều hoa khác.

“Xuân về có đủ thứ hoa
Nhưng mà nổi nhất vẫn là đào kia…”
 
(Hoa đào – Nguyên Hữu)

Những người đi xa xứ mỗi dịp Tết về lại khắc khoải nhớ:

“Sài Gòn thoáng gặp hoa đào đỏ
Chao ôi nhớ rét toát mồ hôi
Ơn hoa thương nỗi người xa xứ
Thèm chút mưa phùn đón Tết thôi…”
 
(Thoáng gặp hoa đào – Trần Mạnh Hảo)

Tĩnh vật Bình hoa đào – Họa sĩ Nguyễn Thị Dung

Cách nữa là chơi hoa đào từ nguyên cành đào. Cành đào là cách chơi từ xa xưa, nhưng chúng ta có thể thấy gần nhất từ phim ảnh, báo chí thời Pháp thuộc, Hà Nội sau năm 1954, với hình ảnh cô gái mặc áo dài, khăn quàng cổ, tay cầm cành đào nhỏ tròn. Cành đào với tạo hình tròn thể hiện sự trọn vẹn, sung túc. Dễ cắm, bình cắm đào có thể lục bình, bình tròn hay bầu đều đẹp. Cành đào phù hợp với những căn nhà nhỏ của Hà Nội, những căn gác trong phố, những căn hộ đơn giản nhỏ sẽ ấm cúng hẳn lên với cành đào hoa sắc thắm.

Tranh Mùa Xuân – Họa sĩ Tuấn Đạt

Thời mở cửa hội nhập, kinh tế khá giả, người ta thích những thứ lạ mắt và to dần hơn, cành đào cũng bị ảnh hưởng, Tết về, nhiều nhà mang cả cành to chiếm cả căn phòng. Thay vì cành Đào thế, bó tròn cổ điển, hình dáng đa dạng hơn, thậm chí nhiều trào lưu giữ nguyên tự nhiên của cành đào. Và hơn chục năm qua, một trào lưu mới về phố, người ta chuộng chơi đào rừng. Từng xe tải chở ùn ùn đào từ các núi rừng Tây bắc về phố, từ trước Tết cả tháng, các dãy phố có vỉa hè rộng được xếp kín các cành đào rừng như củi khô, chờ ngày bật mắt nở những bông hoa xinh xắn.

Đào thế Bonsai – Ảnh mạng Internet

Không chỉ đào dăm, đào cành, thú chơi đào còn chơi nguyên cả cây. Cây đào thật đa dạng, thế tròn, thế bon sai, các kiểu tạo dáng. Cũng khoảng hơn chục năm gần đây, nhà vườn còn thực hiện lên miền núi mua hoặc thuê trồng đào rừng để lấy gốc đào. Từ gốc đào rất to, thậm chí to đường kính 20 – 30 phân, họ ghép với đào cảnh và chăm sóc để ra hoa đúng dịp Tết với những thế đồ sộ bắt mắt.

Cây Đào ghép khổng lồ chuẩn bị Tết – Ảnh mạng Internet

Các gia đình, nhà dù giàu hay nghèo, to hay nhỏ, Tết đến cũng luôn muốn có hoa đào trong nhà, nhưng ngoài việc vì thói quen, vì yêu thích, ít người hiểu tại sao hay ý nghĩa như nào với hoa đào ngày Tết. Chúng ta thấy, hoa đào, có mật độ dày đặc, có màu hồng, đỏ hay trắng tinh khôi, đặc điểm mà những cây có tính chất tương tự như Quất, Bưởi, Mai… được chọn, thể hiện cho ước muốn sung túc, sum vầy, ấm no hạnh phúc, ngoài ra, hoa đào còn nhiều ý nghĩa sâu xa hơn.

Tranh Kết nghĩa Vườn Đào – Tranh từ mạng Internet

Đào có nhiều loại và được ghi nhận khoảng 7500 năm trước, bắt nguồn từ nước Ba Tư, sau đó được đem trồng tại nhiều nơi trên thế giới như: Trung Quốc, Lào, Mông Cổ, với tên khoa học là Prunus persica, Stokes, thuộc vào họ hoa hồng. Đào có 03 loại phổ biến là bích đào, bạch đào, và đào phai, riêng ở Việt Nam, đào được trồng nhiều ở vùng miền núi phía bắc như: Yên Bái, Lạng Sơn, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng và ở Đà Lạt tỉnh Lâm Đồng, hoa thường nở rộ vào dịp Tết Nguyên đán. Tục truyền, trong cây đào khổng lồ ở trên đỉnh núi Sóc Sơn có hai thần Uất Lũy và thần Trà, hai thần này giúp dân trừ tà ma quanh năm, nhưng đến dịp cuối năm Ngọc Hoàng lại triệu tập thần Uất Lũy và thần Trà về chầu trời, chính là lúc ma quỷ thường chờ để quấy phá. Tuy nhiên, vẫn sợ cây hoa đào đỏ rực của 2 vị Thần nên quỷ dữ không dám làm hại con người. Vì thế, người dân liền bẻ cành đào đem cắm trong nhà mỗi dịp cuối năm và đầu năm mới nhằm mục đích tránh quỷ, xua đuổi tà ma.

Tranh Khắc gỗ Mùa Xuân – Họa sĩ Nguyễn Thụ

Ý nghĩa tiếp theo của cây hoa đào đó chính là tượng trưng cho sự sinh sôi, nảy nở. Mỗi cành đào đều mọc nhiều hoa, hoa đan xen và quấn lấy nhau. Khi trưng bày đào trong ngày đầu xuân năm mới sẽ mang đến nhiều điều may mắn cho gia đình.

Một ý nghĩa khác của cây hoa đào đó chính là biểu tượng của sự thuận hòa, gắn kết. Đây là loài hoa của sự thủy chung như tình nghĩa của Quan Vũ, Lưu Bị và Trương Phi. Họ từng kết nghĩa huynh đệ trong vườn đào với lời thề về sinh mệnh “Không sinh cùng ngày cùng tháng cùng năm nhưng nguyện chết cùng năm cùng tháng cùng ngày”. Cũng bởi lý do này mà hoa đào còn được mệnh danh là loài hoa của những đức tính tốt đẹp nhất.

Hoa Tết trong nhà – Ảnh mạng Internet

Hoa mang sắc hồng rạng rỡ. Theo dân gian, đây là màu sắc của sự may mắn, nhẹ nhàng và mộng mơ. Mỗi gia đình sẽ luôn cảm thấy ấm cúng trong ngày đầu năm mới. Niềm vui, niềm hy vọng về một tương lai tốt đẹp với biết bao điều may mắn. Một cuộc sống an yên, ấm áp và thịnh vượng chuẩn bị đến với gia đình chúng ta.

Ngày nay, với trình độ khoa học và kỹ thuật, nhiều loại đào, không chỉ Hồng, Phai, hay Thất thốn, Đào rừng… không chỉ cành dăm, cành tự nhiên, cây rừng, ghép,… mà còn có rất nhiều kiểu, nhiều loại lạ mắt từ bé vài bông hoa đến khổng lồ chiếm trọn góc sân. Tất cả đều cùng chung ước muốn một năm mới an lành, đoàn tụ. Hoa đào được đưa vào thơ, ca, hội họa, điện ảnh… nhưng với người Việt, hoa đào in đậm trong ký ức, nó là quê hương, nguồn cội. Tết là thời gian để mọi người nhớ về nhau, nhớ về quá khứ, hiện tại và hướng tương lai…


Đặng Văn Phúc / Theo: ĐKN
 
 
Nguyên Thy sưu tầm
 
Xem thêm...

24 loài hoa mai

24 loài hoa mai


 

Trên đất nước Việt Nam, người ta thường biết đến hoa mai qua loại hoa mai vàng năm cánh đặc trưng xưa nay mà người ta còn gọi là mai rừng, mai tự nhiên hay mai thiên nhiên chỉ có năm cánh, hoa nhỏ và thân cao to có khi đạt đến chiều cao hơn chục mét, hương thơm thoang thoảng, lây lất mùi gỗ rất dễ chịu và mát, không nồng và đậm như một số loài hoa khác. Nhưng thật ra trên thế giới có tất cả hai mươi bốn loài mai thuộc họ mai, tức là chi họ Ochna (Ochnaceae) khác với loài mai mơ gần giống như hoa đào của Trung cộng có màu trắng hoặc trắng hồng, cánh nhỏ, nhụy rậm và dày thường mọc thành chùm và hoa rậm, thân giống cây hoa đào, đoạn xù xì, đoạn trơn láng, màu xanh, da bóng và mọc cao to như cổ thụ.

Hoa mai tại Việt Nam mọc phổ biến ở miền Trung và miền Nam, đa phần là mai rừng tự nhiên. Sau này người ta sử dụng một số loại mai ghép lại với nhau và cho ra đời một loại mai nhân tạo đó chính là mai giảo nhiều cánh, số lượng cánh có thể lên đến hàng chục cho đến hàng trăm cánh xếp chồng lên nhau thành một đóa hoa dày và lớn. Nhưng thật ra hoa mai vàng trong tự nhiên cũng có loài đạt đến số lượng cánh rất cao (từ 12 cho đến 18 cánh). Mai tự nhiên có mùi hương tự nhiên rất thơm và thường nực nồng vào buổi sáng và dần dần mất mùi vào những khoảng thời gian còn lại trong ngày. Có lẽ vì buổi sáng sớm, nhiệt độ còn thấp, sương chưa tan nên hương thơm còn  giữ lại trong không khí, đến khi mặt trời lên, nhiệt độ tăng dần, sương tan hết cũng là lúc hương hoa cũng tản ra trong không khí nên chúng ta nghĩ là hoa mất mùi sau khi mặt trời lên cao.

Bạch Mai 

 

Hoa mai tại Việt Nam có 19 loại như sau:

 1 - Mai năm cánh

Loại mai vàng mọc phổ biến tại miền Trung (Từ Đà Nẵng, Quảng Nam cho đến Khánh Hòa) và trên dãy trường Sơn, trong những khu rừng già. Đây là loại mai năm cánh tự nhiên, hoa nhỏ, thân vừa và nở hoa không nhiều và rậm như một số loài mai khác mà nở thưa thớt. Nhưng nếu lạc vào rừng mai này vào mùa xuân thì chúng ta sẽ thấy sắc hoa vàng rực rỡ cả một khu rừng, cả một triền núi và xác hoa rơi có khi vàng cả một dòng suối. Hương thơm ngập tràn và lan tỏa cả một vùng rộng lớn. Ở một số ngọn núi thuộc đồng bằng sông Cửu Long như tại vùng Thất sơn (bảy núi) cũng có loại mai này nhưng ít hơn và rải rác không tập trung.

2 - Mai núi

Cũng là một loại mai rừng nhưng có số lượng cánh nhiều hơn từ 12 cho đến 18 cánh, có khi còn hơn thế nữa. Mai này mọc trên những núi đá khô khốc và sống chủ yếu bằng hơi sương, nước mưa và nước ngầm trong lòng đất cộng với khí hậu ẩm thấp của miền núi. Loài mai này thường xuất hiện nhiều tại các vùng núi thuộc Tây Nguyên và nước bạn Campuchia.

3 - Mai chủy

Cũng là một loại mai rừng nhưng thân cây rất to, hoa nhiều, lá rộng, xanh bóng và có hình răng cưa. Loại mai này có hoa mọc thành chùm rất đẹp nên gọi là mai chủy (chủy có nghĩa là chùm, quần thể, quây quần lại, đặc nghẹt).

4 - Mai động, mai sẻ

Là một loại mai chuyên mọc ở những vùng cát trắng gần biển. Loại mai này có thân suôn thẳng và tròn và trổ bông thưa thớt. Nếu chúng trổ năm cánh thì gọi là mai sẻ, còn nếu có hơn năm cánh thì đúng là loa mai động. Mai động và mai sẻ mọc rải rác từ các tỉnh từ Quảng Bình, Quàng Trị vào tận các vùng duyên hải thuộc miền trung và có khi thấy chúng ở các vùng đồi cát trắng thuộc miền nam như Tây Ninh, Đồng Nai, Biên Hòa v..v..

5 - Mai chùm gửi, mai Tỳ bà, mai vương

Là một loại mai sống nhờ trên thân cây khác, nhất là các loại cây cổ thụ to lớn, chúng sống bám vào thân cây, một phần hút chất dinh dưỡng từ đất, một phần hút chất dinh dưỡng từ cây mà chúng bám vào. Không giống các loại chùm gửi khác chỉ bám trên thân cây khác, mai chùm gửi sống phân nửa dựa vào bộ rễ bám vào lòng đất của nó. Mai chùm gửi có thân ghồ ghề, cứng và xù xì cùng với những khối u kì dị. Chồi và tược cũng như hoa đâm ra từ những khối u đó. Hoa trổ khá dày và khít thành từng chùm đặc nghẹt. Có nơi còn gọi nó là mai tỳ bà hay mai vương.

6 - Mai hương, mai thơm hay mai ngự

Là một loại mai vàng có mùi hương rất thơm, thơm hơn tất cả các loài mai khác. Mùi hương của nó rất đặc biệt và có lẽ là nồng nàn hơn tất cả các loài mai nên nó được gọi là mai hương cho đúng với tính chất đặc biệt của loài mai vàng năm cánh này. Ở Bến Tre cũng có rất nhiều loại mai này mà người dân ở đây gọi nó bằng một cái tên rất miệt vườn là "Mai thơm" vì nó rất thơm, thơm hơn những loại mai thông thường mà người dân Nam bộ thường gặp. Ở Huế, loại mai này còn được gọi là "Mai ngự" vì nó được trồng trong cung và rất được Hoàng tộc mến chuộng dùng làm quà biếu cao cấp nên nó gọi là "Mai ngự".

7 - Mai châu (Mai trâu)

Là một loại mai trổ hoa rất lớn, hoa của loài mai này lớn một cách lạ thường, cánh to và rộng, màu vàng rực. Mỗi đóa hoa có đường kính hơn 5cm nên người ta gọi nó là mai trâu mà người Nam bộ thường đọc trại ra thành "mai châu".

8 - Mai liễu

Là một loại mai có cành rất mềm và rũ xuống như cây liễu, hoa trổ rất ít. Lá mai nhọn và nhỏ, thon dài như lá liểu nên được gọi là mai liễu.

9 - Mai nhọn

Là một loại mai có lá dài và nhọn, nụ hoa và cánh hoa cũng có hình dạng tương tự.

10 - Mai Cà Ná

Là loại mai đặc trưng mọc tại vùng biển Cà Ná thuộc tỉnh Ninh Thuận. Loài mai này có thân nhỏ, èo uột, cành rất giòn, dễ gẫy, lá hình bầu dục, trơn láng và có răng cưa quang rìa lá. Người dân ở đây gọi nó là mai rừng Cà Ná.

11 - Mai Vĩnh Hảo

Vào địa phận của tỉnh Bình Thuận, thuộc huyện Tuy Phong, xã Vĩnh Hảo, nơi có nguồn nước khoáng thiên nhiên nổi tiếng nhất Việt Nam là "Nước khoáng Vĩnh Hảo" thì có một loại mai vàng nữa cũng là loài đặc trưng của vùng này, không khác gì mấy so với mai Cà Ná nhưng nó lại được người dân ở đây đặt cho cái tên theo địa danh nơi nó đang sống là "Mai Vĩnh Hảo". Mai Vĩnh Hảo có thân cứng, lá nhỏ, hoa to và phẳng, đặc biệt rất lâu tàn.

12 - Mai tứ quý

Loài mai đặc trưng của vùng Nam bộ. Mai này cũng trổ hoa vàng nhưng sau khi cánh hoa rụng đi thì đài hoa còn lại năm cánh màu đỏ với nhụy hoa và ba hạt màu đen như hạt đậu. Năm cánh hoa màu đỏ cũng tròn trịa và giống hình một đóa hoa mai. Do tính chất nở hai lần trên cùng một đóa nên người ta còn gọi mai tứ quý là nhị độ mai. Mai này trổ bông lác đác quanh năm nên mới gọi là mai tứ quý (xuân, hạ, thu, đông đều trổ hoa). Mai tứ quý thân sần sùi và đen. Có cây phát triển rất to và cao nhưng đa số là những cây lâu năm. Càng lâu năm nhìn nó càng cổ kính và chắc chắn.

13 - Mai giảo

Là loại mai có rất nhiều cánh được ghép lại từ nhiều loại mai khác nhau trên cùng một cây mai. Mai giảo lấy gốc mai vàng làm chủ đạo sau đó ghép nhánh của các loại mai khác vào để cho ra đời một loại mai có rất nhiều cánh, rất nhiều màu sắc trên cùng một cây mai. Loại này là loại mai nhân tạo mà chúng ta thấy rất nhiều hiện nay trên thị trường mai Tết.

 

Sáu loại mai trên thế giới:

1 - Mai vàng Campuchia (Mai Cao Miên)

Tên khoa học là Ochna integerrima. Hoa mai có từ 5 đến 9 cánh, khi nở ra thì úp ngược về phía cuống hoa chứ không xòe rộng như các loại mai Việt Nam, hoa có màu vàng tái (sậm gần như cam đậm). Loại mai này cũng có thấy ở Việt Nam, phần nhiều mọc trong những khu rừng thuộc miền Nam và miền Trung. Chúng là loài cây hoang dã cũng có phân bố ở một số nơi có cồn cát nóng và ven những bờ sông râm mát. Mai vàng Campuchia thuộc dạng thân gỗ, nhánh gầy, mảnh và dài. Lá đơn màu xanh nhạt và bóng mọc thưa trên cành, mép lá có răng cưa nhỏ. Hoa mọc ra từ nách lá thành chùm, cuống hoa ngắn, đài hoa xanh bóng và không che kín nụ. Ở Việt nam người ta thường dùng loại mai này để ghép thành mai giảo vì nó có khả năng tăng số lượng cánh lên rất cao. Không những thế mà hiện nay nó còn có ba màu do lai ghép là đỏ, vàng và trắng.

2 - Mai vàng Nam Phi

Ochna pretoriensis 

Có khoảng 12 loài mai thuộc chi họ mai Ochna bao gồm dạng cây lẽ và cây mọc thành bụi. trong đó có hai loài phổ biến là Ochna pretoriensis và Ochna pulchra. Hai loài này xuất hiện rất nhiều tại vùng Koppie. Loài Ochna pulchra cao khoảng 3 7m, vỏ cây thường có hiện tượng tróc ra, lá dễ rụng. Chúng mọc hoang dã ở rừng, vỏ cây màu xám, xù xì ở gốc, nhánh thân cây bị tróc vỏ màu kem nhạt. Mai Châu Phi có hai màu vàng và hồng. Ngoài ra ở Nam Phi còn có các loại mai rất giống với mai tứ quý tại Việt Nam.

Ochna pulchra

3 - Mai vàng Myanmar (Miến Điện)

Ở đất nước Phật giáo này có một loài mai mang tên khoa học là Ochna serrulata gần giống với loại mai Nam Phi. Tuy nhiên hình thức của hoa mai có khác đôi chút ở chổ cánh hoa bẹt hoặc có bầu noãn đỏ như mai tứ quý, tồn tại rất lâu trước khi rụng hoàn toàn.

4 - Mai vàng Indonesia

Có tên khoa học là Ochna kirkii Oliv, Ochna serrulata. Tất cả đều có nguồn gốc từ Châu Phi, tuy nhiên do địa chất khác nhau nên chúng có ngoại hình lớn hơn mai Châu Phi. Có loài nở hoa vào mùa xuân, mùa hè hoặc nở cả bốn mùa như mai tứ quý.

5 - Mai vàng Madagascar

Là loại mai có tên khoa học là Ochna greveanum với năm cánh tròn trịa, dúm bèo theo rìa cánh giống như mai cánh dúm ở Việt Nam, lá mai dài và rũ xuống từng chùm.

6 - Mai vàng Châu Phi

Khác với mai vàng Nam Phi vì nó giống mai vàng năm cánh của Việt Nam nhưng có tên khoa học khác là Ochna thomasiana thuộc dạng cây bụi, lá hình oval, đầu lá nhọn và bén dài khoảng 10cm. Hoa rộ trên cành vào mùa xuân, nhưng đôi khi lại bất chợt nở hoa vào mùa hè nhưng số lượng ít hơn. Cánh hoa thon dài khoảng 2cm, đài hoa bung ra rộng và trở thành màu đỏ tía, bên trong có trái non màu xanh giống như mai tứ quý của Việt Nam.

Đó là 19 loại mai của Việt Nam và thế giới, trong đó có loài thứ 4, thứ 6 và thứ 7 đã mang bảy cái tên khác nhau theo cách gọi của dân gian Việt Nam. Nếu tính tổng cộng là có 24 loài mai trên khắp thế giới hoặc có thể còn nhiều hơn nữa. Đúng là hoa mai rất đa dạng và phong phú chủng loại. Ở Trung cộng họ vẫn gọi cây đào là cây mai vì có nhiều loại rất giống hoa mai nhất là hồng đào và bạch đào mà họ hay gọi là hồng mai và bạch mai, nhưng cánh mai tròn và nhỏ như cánh đào, nhụy hoa rậm và dày, thân cây giống hệt như cây đào nên thường gọi là đào chứ không gọi là mai.

Ngày Tết nói chuyện về sự phong phú của cây mai để chúng ta cùng nhau tìm hiểu về loại hoa đặc trưng của mùa xuân này. Hoa mai là biểu tượng của sự may mắn, tốt đẹp, một sự khởi đầu hoàn hảo và thịnh vượng cho một năm mới. Hoa mai còn có ý nghĩa xua đuổi những điều xấu xa, không tốt đẹp cho một năm luôn được bình an, hanh thông và phát đạt. 

 

Hồng Anh sưu tầm

 

 

Xem thêm...

THẮC MẮC CÙNG TÁO QUÂN

 THẮC MẮC CÙNG TÁO QUÂN

Hôm nay là hăm ba tháng chạp, tôi lâm râm khấn vái trước mâm cúng Ông Táo trên bàn bếp: “Dạ con có mấy điều muốn hỏi Ông Táo, xin Ông Táo chỉ đường.” Ngay tối hôm đó, tôi vừa mơ màng ngủ đã thấy ba ông bà phương phi, mặt mũi phúc hậu hiện ra. Bà cụ đứng giữa hiền từ hỏi: “Con muốn hỏi Táo Quân chúng ta điều gì?” Trời ơi, linh quá, tôi mừng rỡ nói: “Dạ có mấy chuyện con thắc mắc về Táo Quân lâu nay mà không biết hỏi ai, giờ con hỏi được không thưa Cụ?” Ba ông bà liền thong thả ngồi xếp bằng trước mặt tôi, rồi Bà Táo cười: “Con hỏi đi.”



Tôi: Con thấy người ta nói sự tích Táo Quân hai ông một bà của Việt Nam bắt nguồn từ ba vị thần Thổ Công – Thổ Địa – Thổ Kỳ của Lão Giáo bên Trung Quốc, không biết đúng không?

Bà Táo: Từ khi có lửa thì con người luôn thờ Thần Lửa, người Việt cổ cũng vậy. Chúng ta chính là Thần Lửa, còn sự tích ra sao thì do con người tự đặt ra thôi. Có lẽ người Việt xưa thấy bếp có ba chân nên mới nghĩ ra chuyện có ba vị Táo Quân. Nhờ vậy chúng ta mới được vui vẻ như vầy (cười).

Ông Táo: Mà ta thấy Thổ Công cũng là Thổ Địa thì phải, sao lại là hai người được? Con người hay thích làm mọi thứ thêm phức tạp à?

Tôi: Dạ, mà sao lại là “hai ông một bà” chớ không phải “hai bà một ông”?

Bà Táo: Con quên là ngày xưa người Việt cổ theo chế độ mẫu hệ à? Cho nên một phụ nữ có thể có hai chồng, chứ đàn ông đâu thể có hai vợ. (Hai ông Táo lén lút thở dài)

Tôi: Con hiểu rồi, vì Trung Quốc có chế độ phụ hệ từ ngàn xưa, nên truyền thuyết Táo Quân bên đó là một ông một bà, hay một ông quan và hai tùy tùng, khác với truyền thuyết của người Việt.

Bà Táo: Học một biết hai, giỏi đa con!

Tôi (cười lỏn lẻn): Dạ con hỏi cái này xin các cụ bỏ quá cho. Sao con thấy người ta cúng Táo Quân áo, mão, hia mà không cúng quần?


Bà Táo: Thiệt ra chúng ta ngồi suốt ngày trong bếp, ở gần lửa nên nóng muốn chết thì mặc quần áo làm gì. Sau này người Việt chịu ảnh hưởng cả ngàn năm đô hộ của Trung Hoa nên mới trang bị thêm áo, mão, hia để chúng ta nhìn cho giống “quan” đó. Con nhìn mấy bức tranh xưa mà coi, người ta chỉ chú ý tô vẽ ba thứ này, chớ có ai chú ý tới quần đâu, nên quần bị lược bỏ là vì vậy.

Ông Táo: Chúng còn mượn tích này mà làm thơ nữa chớ. Ta không nhớ tác giả là ai nhưng con có nghe bài này chưa:

“Hăm ba, ông Táo dạo chơi xuân
Đội mão, đi hia, chẳng mặc quần
Giời hỏi: làm sao ăn mặc thế?
Thưa rằng: hạ giới nó… duy tân!” (1)

Ông Táo (khác): Chúng còn bảo chúng ta “ít mặc” nên “ít làm”:

“Ông Cả ngồi trên sạp vàng,
Cả ăn, cả mặc, lại càng cả lo.
Ông Bếp ngồi trong đống tro,
Ít ăn, ít mặc, ít lo, ít làm.” (2)

Bà Táo: Con cháu nó dại dột, hai ông trách làm gì.


Tôi: Con thấy người miền Bắc cúng cá chép, người miền Trung cúng cỗ ngựa giấy, còn người miền Nam cúng “cò bay ngựa chạy”, cho con hỏi vậy Táo Quân thích cưỡi con nào nhứt?

Ông Táo: Ta thích cưỡi ngựa, nhìn oai phong đa.

Ông Táo (khác): Còn ta thích đổi xe, nên đường bộ đi ngựa, đường hàng không đi…cò.

Bà Táo: Con đừng nghe mấy ổng, thời buổi tự động hóa này chúng ta chỉ cần nhấn nút là trong chớp mắt xuất hiện trên thiên đình, bận tâm cưỡi cái gì cho mệt.

Tôi: Dạ, thiên đình cũng hiện đại ghê, mà sao có con vật cưỡi mà người ta cũng cúng khác nhau thưa Cụ?

Bà Táo: Chắc do truyền thuyết cá chép vượt Vũ môn hóa rồng nên dân gian nghĩ chúng ta phải cưỡi cá chép mới bay về trời được. Ta coi trên mạng thì thấy Vũ môn nằm trên sông Dương Tử, thuộc tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc, ta không rõ truyền thuyết này thuần Việt hay có gốc từ Trung Quốc. Có người còn nói cá chép là biểu tượng của Lạc Long Quân, để kỳ này lên trời gặp ổng, ta sẽ hỏi coi trước khi thành rồng có phải ổng là cá chép không.


Ông Táo: Bà hỏi làm gì cho mất công. Người ta là rồng mà lại đi nhận mình là cá chép à?

Tôi: Dạ còn “cò bay ngựa chạy” là sao? Chớ con ngựa thì con hiểu, hồi xưa muốn nhanh toàn đi ngựa không hà, ngựa còn biết bay như ngựa của Thánh Gióng nữa, sao còn cần tới con cò?

Ông Táo: Không phải cò mà là hạc. Đây là theo nghi thức “xá mã, xá hạc” của Đạo giáo và Phật giáo (3) đó con. Sau khi cúng, người ta bỏ sớ vô đốt chung với giấy in hình cò bay ngựa chạy để nhờ ngựa và hạc (cò) đem sớ tới thần phật.

Bà Táo: Ông giỏi hen!

Ông Táo: Bà biết lên mạng, tui cũng biết lên mạng chớ bộ!


Tôi: Con thấy có khi người ta thờ ông Táo trên bàn thờ giữa nhà, nhứt là ở kiểu nhà ba gian Nam Bộ xưa, còn đa số thờ ông Táo trong bếp. Con không biết thờ ở đâu thì đúng?

Ông Táo (khác): Lần này để ta giảng cho con nghe. Cái ông thờ trên bàn thờ giữa nhà kêu là Định Phước Táo Quân, thờ chung với Quan Thánh và Thổ Địa. Còn ông thờ trong bếp kêu là Hỏa Đức Táo Quân. (4) Tục thờ ba ông trên bàn thờ chính bắt nguồn từ ảnh hưởng của người Hoa ở Nam Bộ, minh chứng rõ ràng nhứt là ông Quan Thánh. Sau này người ta thấy thờ ông Táo hai nơi bất tiện, nên dời Ông Táo vô bếp luôn. Ông Quan Thánh cũng đi về nước, còn ông Thổ Địa thì xuống đất ngồi chung với ông Thần Tài.

Tôi: Ủa, đơn giản vậy thôi hả Ông? Tiện cho tụi con, chớ có tiện cho các thần không?

Bà Táo: Chúng ta ở đâu mà không được con, miễn con người sống đàng hoàng nhơn đức là chúng ta vui. Con cháu cứ sợ chúng ta lên “méc” Ngọc Hoàng, thiệt ra chúng ta đâu cần nói gì. Từ xưa đã có câu “ở hiền gặp lành”, “ác giả ác báo”, đúng không con?

Tôi: Dạ đúng, nên người ta có cúng đồ ngọt cách mấy mà sống không đàng hoàng cũng không hối lộ nổi Táo Quân ha Cụ. Nhân nói chuyện đồ ngọt, con thấy ở miền Nam cúng cái thứ ngộ lắm, kêu là “kẹo thèo lèo cứt chuột”. Kẹo “thèo lèo” do người Việt đọc trại từ “trà liệu” tiếng Triều Châu, nghĩa là đồ ngọt để uống trà. (5) Con thấy người ta hay bán kẹo đậu phộng và kẹo mè đen xắt thỏi cỡ bằng ngón tay, và hột đậu phộng áo một lớp đường nhuộm trắng hay hồng, rồi kêu chung là kẹo thèo lèo. Con không biết trong ba loại này, loại nào là “kẹo cứt chuột”? Người thì nói là kẹo mè đen vì hột mè đen coi giống cứt chuột, con nghe cũng có lý, nhưng Cụ Vương Hồng Sển lại nói đó là hột đậu phộng áo đường. (6) Ai đúng thưa Cụ?

Bà Táo (nhìn hai ông Táo): Hồi giờ tui sợ mập nên hổng ăn ngọt. Hai Ông hay ăn ngọt thì chắc rành hen.


Ông Táo: Con cháu cúng gì tui thời đó chớ để ý cái tên làm chi. Chắc mấy người lớn tuổi nói đúng đa con. Mà bây giờ tụi bây toàn thích tên hay, ai dùng tên “kẹo cứt chuột” nữa đâu mà bây thắc mắc.

Bà Táo: Tới giờ rồi, chúng ta phải đi nghen con. Con ở nhà nhớ ăn ở đàng hoàng, siêng năng làm công chuyện, đừng lười biếng. Chúng ta ở trên Thiên đình chớ vẫn có gương thần 4G để theo dõi việc ở nhà đa.

Ông Táo: Bà lạc hậu rồi nghen. Năm nay gương thần lên 5G rồi.

Tôi: Dạ, con nhớ mà. Con chúc các Cụ đi đường bình an, nghỉ lễ vui vẻ.

Cả ba Ông Bà Táo nhìn tôi cười, rồi vù một cái, cả ba biến mất. Tôi sực tỉnh, lật đật lấy giấy ra ghi lại kẻo quên. Ghi xong, gà cũng vừa gáy sáng. Tôi định ngủ thêm chút nữa, nhưng nhớ lời dặn dò của Bà Táo, đành chui ra khỏi giường. Một ngày mới bắt đầu!

Minh Lê 
 

Cách Chuẩn Bị Mâm Cúng Ông Táo Đơn Giản,

Đầy Đủ Và Ấm Cúng Cho 3 Miền

Tết Nguyên Đán luôn là dịp có nhiều nghi lễ được thực hiện với mong muốn cảm tạ các vị thần linh đã phù hộ cho gia đình trong năm qua, trong đó không thể thiếu lễ cúng ông táo vào 23 tháng Chạp. Vậy mâm cúng ông Táo đơn giản gồm những gì? Nên lưu ý những việc gì khi cúng? Nếu bạn cũng đang băn khoăn những vấn đề trên thì chúng ta cùng khám phá tại bài viết này nhé.

        Lễ vật cần thiết để cúng ông Công ông Táo

Một mâm cúng ông táo đơn giản không đòi hỏi quá nhiều đồ vật đắt đỏ hay cầu kỳ, bạn chỉ cần đảm bảo có đầy đủ những lễ vật sau đây:

  • 3 mũ cho Táo quân: Trong đó có 2 mũ của Táo ông được thiết kế với hai cánh chuồn và 1 mũ của Táo bà không có cánh chuồn. Tuy nhiên, vẫn có vài nơi chỉ cúng 1 mũ ông có hai cánh chuồn để tượng trưng cùng 1 áo và 1 đôi hia giấy
  • Cá chép: Loài vật này được xem là “phương tiện” để đưa Táo quân về chầu trời. Các gia đình tại khu vực miền Bắc thường sẽ cúng cá chép sống và được thả trong chậu nước, sau đó mang ra ao hoặc hồ để phóng sinh. Tại miền Trung thường sẽ cúng ngựa giấy có đầy đủ yên và cương. Trong khi đó, người miền Nam thường sẽ chỉ cúng áo, mũ và đôi hia giấy.
  • Những lễ vật cần thiết cho mâm cúng ông công ông táo                                                

Mâm cúng ông Táo đơn giản 3 miền

Mâm cúng ông Táo miền Bắc đơn giản

Để chuẩn bị một mâm cúng ông công ông táo theo truyền thống của khu vực miền Bắc bạn cần chuẩn bị những điều sau:

  • 1 con gà luộc có ớt tỉa hoa buộc chéo cánh và ngậm hoa hồng
  • 1 đĩa chân giò hoặc thịt lợn luộc
  • 1 đĩa giò lợn
  • 1 cái bánh chưng hoặc 1 đĩa xôi vò
  • 1 đĩa rau thập cẩm
  • 1 bát canh măng hầm giò lợn
  • 1 đĩa chè, có thể chọn chè trôi nước, chè bà cốt hoặc chè đậu kho
  • 1 lọ hoa cúc
  • 1 lá trầu 1 quả cau
  • 1 đĩa hoa quả có từ 3 đến 5 loại quả khác nhau
  • 1 đĩa muối
  • 1 đĩa gạo
  • 1 bình trà sen cùng 1 chai rượu nếp
  • 1 lọ hoa đào

Trong thời buổi hiện đại, tùy thuộc vào điều kiện cũng như khẩu vị mà nhiều gia đình có thể điều chỉnh một số món ăn và lễ vật để tiết kiệm thời gian, tuy nhiên mâm cúng vẫn được giữ những món ăn đặc trưng để giữ được không khí quen thuộc, gần gũi cho ngày Tết.

Mâm cúng ông Táo miền Trung 

Mâm cơm cúng ông công ông táo của người miền Trung mang sự kết hợp hài hòa của hai miền Nam Bắc. Mâm cỗ thường bao gồm những món ăn tương tự của miền Bắc như cơm, gà luộc, canh, thịt luộc, ram và đặc sắc hơn với các món xôi chè đặc trưng của miền Nam.

Một điểm đặc biệt của mâm cơm cúng ông Táo khu vực miền Trung không có áo mũ vàng mã, lễ thả cá chép như ở miền Bắc hay cò bay ngựa chạy như người miền Nam. Thay vào đó, họ thường dâng lên một con ngựa giấy với đầy đủ yên cương cũng như đốt vàng mã để cúng lễ cho các vị thần linh, tạo nên nét đặc trưng độc đáo và truyền thống của vùng miền này.

Mâm cúng ông táo mỗi miền có đặc trưng khác nhau

Mâm cúng ông Táo ở miền Nam

Mâm cúng ông Táo của người miền Nam thường mang những đặc trưng riêng biệt của truyền thống văn hóa, mâm cỗ có thể khá đơn giản nhưng vẫn đủ đầy và được bày biện một cách tinh tế. Người miền Nam thường bổ sung thêm một món ăn khá độc đáo như kẹo thèo lèo, đĩa đậu phộng cùng với bộ cò bay ngựa chạy. Bên cạnh đó, họ còn thường thêm xôi chè vào mâm cúng hoặc đơn giản chỉ cần mâm trái cây tươi cũng đủ để làm nên một mâm cúng ông công ông táo truyền thống tươm tất.

Dưới đây là những điều cần chuẩn bị cho một mâm cỗ của người miền Nam:

  • Gà quay hoặc gà luộc
  • Thịt heo luộc
  • Đĩa rau xào
  • Giò heo
  • Xôi gấc
  • Củ cải muối hoặc củ kiệu
  • Canh mọc
  • Trái cây tươi
  • Đĩa trầu cau
  • Chung trà, chung rượu

Mâm cúng ông Công ông Táo chay

Bên cạnh những mâm cỗ mặn thì nhiều gia đình cũng có thể thực hiện mâm cúng ông Công ông Táo đơn giản bằng các món chay để hạn chế sát sanh, tiêu trừ nghiệp chướng. Đây cũng là lựa chọn phù hợp cho những người ăn chay trường hoặc muốn tạo lễ cúng linh thiêng, thanh tịnh.

Dưới đây là một số món ăn chay phổ biến mà nhiều gia đình lựa chọn để làm mâm cúng:

  • Nấm đùi gà sốt bơ
  • Sườn chay xào chua ngọt
  • Xôi gấc
  • Canh chay, canh nấm
  • Nem chay, giò chay
  • Chè
  • Đĩa hoa quả
  • Đĩa trầu cau
  • Chung rượu và trà
  • Vàng mã, giấy tiền
  • Bạn cũng có thể chuẩn bị mâm cúng chay để cúng ông công ông táo

Thời gian và cách làm lễ cúng ông Công ông Táo

Thời gian thực hiện cúng ông Công ông Táo

Bên cạnh chuẩn bị mâm cúng ông táo đơn giản thì thời gian cúng cũng là vấn đề được nhiều người quan tâm. Và nếu bạn cũng đang tìm hiểu về việc này thì hãy tham khảo phần dưới đây.

Thời gian cúng ông Táo thường khá linh hoạt, bạn có thể linh hoạt thực hiện lễ cúng vào thời điểm phù hợp với gia đình mình. Tuy nhiên, theo các chuyên gia phong thủy thì lễ cúng nên được tiến hành trước khi ông công ông táo bay về chầu trời, tức là trước 12h trưa ngày 23 tháng Chạp. Vậy nên, bạn có thể cúng vào buổi trưa và tối của ngày 22 hoặc sáng sớm ngày 23 tháng Chạp.

Cách cúng ông Công ông Táo

Nghi thức cúng ông Công ông Táo thường bao gồm các bước sau:

  • Bày lễ: Gia đình chuẩn bị bàn thờ với đầy đủ lễ vật như vàng mã, trái cây, bánh chưng, rượu, thức ăn
  • Thắp hương và khấn vái: Thắp hương lên bàn thờ rồi thực hiện khấn vái
  • Thắp thêm hương: Khi hương đã tàn thì đốt thêm một nén hương để tạ lễ ông Công ông Táo
  • Hóa vàng mã và thả cá chép: Đốt giấy tiền vàng mã và thực hiện lễ thả cá chép như biểu tượng đưa ông Táo trở về trời

    Bạn có thể thực hiện cúng ông táo theo các bước đơn giản được hướng dẫn trên

Những điều kiêng kỵ khi làm lễ cúng ông Công ông Táo

Bên cạnh việc chuẩn bị mâm cúng ông táo đơn giản thì bạn vẫn nên lưu ý đến một số kiêng kị sau khi thực hiện cúng kiếng để nghi lễ diễn ra trang nghiêm hơn:

  • Gia chủ hay người làm lễ chính cần phải tắm rửa sạch sẽ, ăn mặc nghiêm trang, kín đáo và lịch sự khi cúng để thể hiện sự tôn kính đối với các vị quan thần
  • Nên đọc văn khấn với thái độ nghiêm túc và thành tâm
  • Thay vì cầu xin về tiền tài thì bạn nên cầu khấn ông Táo về những điều may mắn và tốt đẹp trong năm mới
  • Theo quan điểm truyền thống thì bạn không nên cúng sau 12 giờ trưa ngày 23 tháng Chạp
  • Không nên thả cá chép từ trên cao xuống nước mà nên thả nhẹ nhàng từ sát mặt nước, và tuyệt đối không thả cả bịch ni-lông đựng cá
  • Không nên đặt mâm cúng ông công ông táo dưới bếp

Những điều cần kiêng kỵ mà bạn lưu ý khi cúng ông công ông táo            

 FAQ – Một số câu hỏi thường gặp về mâm cúng ông táo đơn giản

Bên cạnh câu hỏi mâm cúng ông táo gồm những gì cũng như điều cần lưu ý thì nhiều người cũng thắc mắc những vấn đề dưới đây.

Nên đặt mâm cúng ông táo ở đâu?

Mặc dù bàn thờ ông Táo thường được đặt ở bếp, tuy nhiên mâm cúng ông táo đơn giản nhân dịp Tết nên được đặt ở bàn thờ gia tiên theo chuyên gia phong thủy Mai Văn Sinh và Phạm Cương.

Lịch cúng ông Táo 2024 vào ngày nào?

Theo lịch cúng ông Táo chuẩn thì ngày 23 tháng Chạp năm nay sẽ rơi vào thứ Sáu ngày 2/2/2024, bạn có thể thực hiện lễ cúng vào buổi sáng và trưa vào ngày này.

Có thể cúng ông công ông Táo sớm hơn không?

Ngày cúng ông công ông táo tốt nhất vẫn nên được thực hiện vào ngày 23 tháng Chạp, tuy nhiên tùy vào điều kiện của gia đình thì bạn vẫn có thể cúng sớm hơn. Thế nhưng, gia đình cũng nên lưu ý không nên cúng ông công ông táo quá sớm trước ngày 20 tháng Chạp tức 30/1/2024.

Việc chuẩn bị mâm cúng ông táo đơn giản có thể sẽ không tốn quá nhiều thời gian của bạn mà nó còn mang ý nghĩa về tâm linh, nhằm cảm tạ vị thần đã bên cạnh và hỗ trợ gia đình trong suốt năm qua. Hy vọng những thông tin trên sẽ giúp ích được bạn cho việc chuẩn bị mâm cúng ông táo vào Tết nguyên đán năm nay.

Ngọc Lan sưu tầm
Xem thêm...
Theo dõi RSS này