Truyện

Truyện (249)

Lorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipiscing elit. Sed id auctor orci. Morbi gravida, nisl eu bibendum viverra, nunc lectus.

Xin Chào Nhau Giữa Con Đường

 

    Thương Mái Trường Xưa    
Gia Long, Sài Gòn

Hình ảnh: chùa Xá Lợi, Sài Gòn trước 1975


  Xin Chào Nhau Giữa Con Đường  

Rồi mùa đông cũng chầm chậm đi qua, mang theo những cơn gió lạnh sắt se thấu thịt da người. Có buổi sáng đầy nắng, trời hanh hanh mùi cành non chồi lộc. Những ngày đầu mùa xuân thành phố tôi ở cũng e ấp, bẽn lẽn như người con gái mới lớn. Bốn mùa cứ tuần hoàn quy luật, nhưng mùa xuân năm nay đâu còn hương vị của mùa xuân năm trước. Những cơn gió cuối đông trở ngọn, khiến lòng chúng ta chùng lại với bao ý niệm của sự sống và cái chết thật vô thường. Ở một lứa tuổi nào đó, ngày mai chỉ là sự nối tiếp của hôm nay và trừ đi khoảng thời gian vật lý. Hầu hết trên các trang Blogs có nhiều phân ưu, có nhiều hình ảnh tiếc thương cho những người thân yêu ra đi vĩnh viễn? Đề cập đến không phải là tiêu cực, bi quan mà để nhận được lẽ vô thường, quy luật tất nhiên của kiếp người. Mùa xuân tiếp nối một mùa đông gió rét qua đi và đưa tay đón mùa hè trước mặt. Vài hôm trước có cô bạn năm xưa, "rất xưa" gửi điện thư nhắc tôi một nơi chốn, một kỷ niệm tươi đẹp của tuổi đôi mươi. Trường nữ trung học Gia Long, mấy xe bán bò bía ở chùa Xá Lợi và một nhà thơ: Bùi Giáng.


"Xin chào nhau giữa con đường
Mùa xuân phía trước miên trường phía sau
Tóc xanh dù có phai màu
Thì cây xanh vẫn cùng nhau hẹn rằng..." (*)
 

 
Trường nữ trung học Gia Long, Sài Gòn (1913 - 1975)
Hình ảnh Trường Nữ Trung học Gia Long Sài Gòn trước 1975

Có thể nói khi nhắc đến trường nữ trung học Gia Long, mà không nhắc đến dãy xe bán bò bía dọc theo phía trước và bên hông chùa Xá Lợi là một thiếu xót lớn. Ngọc Nhung là em gái của Phạm Chí Trung, người bạn thời đại học của tôi. Trung học khoa sử địa và có giọng hát thật trầm ấm, ngọt ngào trong những ca khúc trữ tình của Phạm Duy và Vũ Thành An. Mái tóc bồng bềnh, nụ cười thật tươi cùng giọng hát trời phú, Trung luôn thu hút các người đẹp quanh mình. Quen nhau trong các đêm văn nghệ không ngủ, trình diễn liên trường tôi thường ghé nhà Trung để nghe tập hát. Nhiều lần Trung nhờ tôi đi đón cô em gái đang học lớp 12 trường nữ trung học Gia Long. Nhà hai anh em Trung ở đường Yên Đỗ, góc cuối Trương Minh Giảng, nên Nhung đạp xe đến trường cũng khá xa.
 
Đi trong mưa xứ Huế - Nét lãng mạn chỉ có riêng ở Huế
 
Có lúc trời mưa, dậy trễ cô nàng phải lặn lội đón chuyến xe lam đi học. Và đây chính là lý do tôi được thay Trung đi đón cô em gái của bạn. Ngày đó không có điện thoại di động, nên cũng hên xui may rủi, khi đi đón được khi về không. Ngọc Nhung dáng người hơi ốm và rất cao. "Nhất dáng, nhì da", Nhung có đủ hai thứ. Với một chiều cao vượt trội nên rất dễ dàng nhận ra Nhung trong đám đông những trưa tan học. Không như anh mình, Trung hơi ngâm ngâm còn Nhung thì ngược lại, nước da trắng mịn đến thấy cả chỉ máu trên má. Tôi vốn đã nhát gái nay lại càng có nhiều mặc cảm khi đi bên cạnh nàng, cứ như hình ảnh một "chàng ngốc bán than".
 
Tại sao Trường Nữ Trung học Gia Long… tên là Gia Long? – Miền Nam Việt Nam  Trước 1975
 
 
Năm đó Ngọc Nhung được chọn làm "đoàn quân nữ vương" diễn hành trong dịp lễ Hai Bà Trưng (do hai trường nữ trung học Gia Long và Trưng Vương Sài Gòn tổ chức).
 
Những nơi bán bò bía ở Sài Gòn dành cho dân "ăn hàng" nhâm nhí đỡ buồn miệng
 
Bò bía, tôi nhớ chỉ là củ sắm xào, lạp xưởng cắt mỏng, đậu phộng rang giả nhỏ rồi cuốn với bánh tráng rau râm, ăn với tương ngọt và tương ớt. Vậy mà không hiểu sao các cô nữ sinh Gia Long và mấy chàng "đứng cổng trồng cây si" ghiền đến như vậy? Dĩ nhiên là trong đó có cả tôi. Khối lớp 11, 12 hoc buổi sáng và khối lớp 10 buổi chiều. Nên trưa nào, nhất là có mưa lâm râm đói bụng mà gặp mấy cuốn bò bía, ăn với người đẹp thì ngon, hương vị để đời. Các bạn đừng tưởng người đẹp là "thực như miêu" đâu nghen. Nhung ăn uống tự nhiên như người Sài Gòn. Hai dĩa bò bía, dĩa 2 cuốn, nàng chỉ liếm môi là hết sạch và còn chê tôi "con trai gì mà ăn như mèo, thua cả con gái!". Vậy đã xong đâu, sau hai dĩa bò bía nàng còn gọi thêm ly chè đậu đỏ bánh lọt nước đá bàu, trước khi từ giã cổng chùa Xá Lợi! Mãi những mai sau, tôi vẫn chưa quen ăn vặt, nhưng gặp toàn là những tay ăn vặt có hạng. Đi chơi hay ở nhà bà xã có thể vặt vãnh mọi thứ trừ cơm, đến cả mấy ngày. Thuộc dòng "hai lúa", tôi thiếu cơm một ngày là tinh thần xuống cấp, phải mau chóng tìm cho bằng được chén cơm.
 
ĐIÊN như Bùi Giáng – Song Thao – dòng sông cũ

Có một buổi trưa, hai đứa đang thưởng thức bò bía, đậu đỏ bánh lọt ở chùa Xá Lợi, góc Bà Huyện Thanh Quan và Ngô Thời Nhiệm (?), thì gặp một "cái bang". Đầu đội khăn rằn, đeo mắt kiếng cận nặng, cổ quấn vài ba chiếc khăn đủ màu và ông còn dẫn theo hai con chó, vừa đi vừa múa tay múa chân như người say rượu. Chừng như ông không cần thấy ai, chung quanh chỉ có ông và hai con chó. Người đàn ông "cái bang" đó là nhà thơ, nhà văn, nhà biên khảo nổi tiếng của Việt Nam: Bùi Giáng. Hai con chó vừa đi vừa sủa vang, khiến một số nữ sinh Gia Long đang đứng quanh xe bò bía, vội vã chạy né qua bên kia đường. Tôi đã nhiều lần gặp Bùi Giáng đi lang thang trong thành phố, như một hành khất giang hồ với vài ba chú chó. Nhưng chỉ biết kính trọng, thương cảm nhìn ngắm từ xa. Và chừng như cả nhân viên công lực, dân chúng thành phố Sài Gòn đều biết đó là Bùi Giáng. Không ai trêu ghẹo, cũng không ai làm khó dễ gì ông. Nhưng lần này lại khác, ông cầm gậy kéo hai con chó đi thẳng đến chiếc bàn thấp của Nhung và tôi. Hai đứa vội đứng dậy, ông ngồi xuống ghế và nói với Nhung:
- "Thưa ái khanh, trẫm đói bụng...", rồi ông cầm mấy cuốn bò bía còn lại, chấm tương ăn ngon lành.

Chuyện ngàn năm một thuở, tôi vội mua thêm hai dĩa bò bía, một ly chè đậu đỏ bánh lọt và cùng Nhung ngồi xuống ăn với ông. Vừa ăn, ông vừa xé cuốn bò bía cho hai con chó cùng ăn. Đôi mắt sáng, tinh anh của ông phía sau chiếc kiếng cận dày cộm, buột dây thung đủ màu tạo một thần sắc thật đặc biệt, dị thường. Không thể nói ông già, cũng không thể nói ông trẻ, chỉ có thể nói đó là thi sĩ Bùi Giáng. Một Bùi Giáng ở giữa chúng ta. Một trích tiên ha xuống đời thường để thành Bùi Giáng. Lúc ăn uống ông không hề nói câu nào. Cho đến lúc ăn xong, ông ngước nhìn Nhung:
- "Ái khanh có thuốc hút không, cho trẫm xin một điếu"!
 
Bản mệnh thơ Bùi Giáng - Văn Học Sài Gòn
 
Tôi móc gói thuốc Marlboro trong túi mời ông. Quả thật, ông chẳng hề để ý đến sự có mặt của tôi mà chỉ nhìn Nhung chờ đợi. Tôi đưa gói thuốc cho nàng. Rõ ràng chỉ có Nhung là gây được sự chú ý và khiến nhà thơ đầm thắm, tỉnh táo lại. Nàng đưa gói thuốc, ông lắc đầu và chỉ lấy một điếu. Ông hút thuốc thật chậm rãi, trầm tư và dường như có thần sắc hơn? Có nhiều nữ sinh, người đi đường hiếu kỳ đứng vây chung quanh chúng tôi. Sau khi hút hết điếu thuốc, ông đứng lên chấp hai tay xá tạ Ngọc Nhung:
- "Cảm tạ... cảm tạ ái khanh! Trẫm xin chào, xin chào..."!

Rồi ông ngẩng cao đầu, kéo hai con chó vừa đi vừa vẫy tay không nhìn lại. Hình như ông nói lẩm bẩm gì đó, cả tôi và Nhung đều nghe không rõ. Nhìn dáng dấp gầy ốm, liêu xiêu của ông với hai con chó, tôi chợt chạnh lòng như có gì nghèn nghẹn trong cổ. Còn Nhung thì cũng không khác gì hơn, đứng ngẩn người nhìn theo dáng ông khuất dần ở cuối con đường Bà Huyện Thanh Quan. Đó là nhà thơ, nhà văn, nhà biên khảo, dịch giả nổi tiếng: Bùi Giáng, người đã cống hiến cho nền văn học Việt Nam những bài thơ tuyệt tác, những tác phẩm dịch thuật từ tiếng Anh, Pháp, Đức... và cả Hán ngữ thật công phu, giá trị và thật tài hoa. Đến lúc hai đứa tỉnh hồn, tôi nói với Ngọc Nhung, nhờ hôm nay đi với người đẹp tôi mới có dịp hiếm hoi trong đời, ngồi ăn bò bía chung với nhà thơ Bùi Giáng.
 
Bò bía ngọt và bò bía mặn khác nhau thế nào? - Món ngon
 
Năm tháng trôi qua, có mấy lần hội ngộ? Đời người vạn nẻo chia xa, mỗi chúng ta chỉ là hạt cát nhỏ nhoi trong lòng sa mạc, là hạt muối mong manh giữa biển đời bát ngát, bao la. Gặp đã là duyên, đã là kỳ ngộ. Ngọc Nhung đậu tú tài II, cũng vào đại học sư phạm Sài Gòn khoa Anh ngữ. Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, Nhung lấy chồng là một dược sĩ có tiệm thuốc ở tỉnh Đồng Nai. Dạy học hơn 30 năm, Ngọc Nhung nay đã về hưu và đang sống cùng con cháu ở quê chồng...
 
Một thời để nhớ by Ngọc Bảo on Amazon Music - Amazon.com
 
Tưởng đã không còn nhớ, đã biệt mờ tâm cảnh vậy mà có lần tình cờ nhận được tin nhau. Ngọc Nhung nhắc lại những buổi trưa ở trường nữ trung học Gia Long, những dĩa bò bía chia nhau trước cổng chùa Xá Lợi và lần gặp gỡ hy hữu nhà thơ Bùi Giáng...

"Thời gian tựa cánh chim bay,
Qua dần những tháng cùng ngày
Còn đâu mùa cũ êm vui?
Nhớ thương biết bao giờ nguôi?..."
 
(Hoài Cảm - Cung Tiến)
 
Tìm hiểu ý nghĩa trong những bài hát bất tử của nhạc sĩ Cung Tiến: Hương  Xưa, Hoài Cảm, Thu Vàng
 
Mong thời gian không phụ những tấm lòng. Dù bất cứ ở đâu, bất cứ hoàn cảnh nào, đôi khi bạn cần có lần chợt nhớ về một người, một nơi chốn, một kỷ niệm dù mờ nhạt chìm sâu. Đó chính là hạt trân châu, viên đá quý mà bạn có được trong suốt cả một kiếp người thoáng chốc, rồi vĩnh viễn trôi xa..!

Durham, North Carolina USA
March 16, 2023
Thầy Nguyễn Ngọc Hoàng
 
 

  Cúc Bạch email 

Xem thêm...

Cô Bé Trong Nhà Thờ - Điệp Mỹ Linh

 Cô Bé Trong Nhà Thờ

 Điệp Mỹ Linh

Nha tho Chinh Toa Dang Nang. Anh cua manhhai.jpg

Ba chữ Ga Hải Phòng vừa khuất, Đông khép mắt, muốn giữ lại trong lòng hình ảnh của Hải Phòng. Bất ngờ, tiếng violon nỉ non từ Iphone của Ngân Hà – vợ của Đông – rồi tổng hợp âm thanh của piano và nhiều nhạc cụ nhẹ cùng hòa vào, tạo nên dòng nhạc thiết tha, mượt mà như từng lượn sóng rạc rào ve vuốt giải cát vàng. Chỉ vài tích tắc thôi, giọng soprano vút cao: “Lìa xa thành đô yêu dấu, một sớm khi heo may về… Nhìn em mờ trong mây khói, bước đi nhưng chưa nỡ rời…”(1). Đông chợt cảm thấy bồi hồi, xót xa như ai đó vừa khơi dậy từ tâm thức sâu thẩm của chàng hình ảnh chàng đang bịn rịn chia tay với Yến, tại Hải Phòng, khi chàng theo gia đình xuống tàu “há mồm”, di cư vào Nam, năm 1954

Gia đình cố ý giữ kín chuyện di cư, thế mà, sáng hôm sau, trong khi cùng gia đình sắp hàng để chờ xuống chiếc tàu to kinh khiếp mà “mồm thì há ra”, Đông chợt nghe tiếng gọi “Anh Đông!” từ những người đứng phía sau rào cảng bằng gỗ. Đông quay sang. Nhận ra Yến, Đông vội rời hàng chạy nhanh đến: “Yến! Em làm gì ở đây?” Yến chẳng biết nói gì, chỉ quẹt nước mắt. Đông cầm tay Yến: “Yến đi với gia đình anh, nhé!” Yến lắc đầu. Chưa biết phải làm thế nào để an ủi hoặc thuyết phục Yến, Đông chợt nghe tiếng Bố: “Đông!” Đông vội thả tay Yến ra. Yến khóc lớn: “Anh ở lại với em, đừng đi!”. Đông chưa kịp tỏ thái độ thì Bố đến, nắm tay, kéo Đông trở lại với gia đình!

Sau này, nhiều khi nhớ lại mối tình thơ và hình ảnh Yến trong buổi chia xa năm xưa, Đông thường tự hỏi không biết cuộc đời của Yến bây giờ ra sao? Nàng có trở thành “nữ hộ lý” hoặc “cán bộ gái” trong đoàn quân xâm lấn miền Nam hay không? Những khi chiến hạm công tác dài hạn, đêm đến, từ đài chỉ huy nhìn về phương Bắc, Đông nhận biết lòng chàng gợn lên nhiều nỗi luyến thương! Sau phiên trực, trên cầu thang trở về phòng ngủ sĩ quan, đôi khi nghe tiếng hát từ radio của “đứa nào” văng vẳng trong không gian tràn ngập ánh trăng: “…Rồi đây dù lạc ngàn nơi, ta hướng về chốn xa vời… Nghẹn ngào thương nhớ ‘em’, Hà Nội ơi!…”(2)Đông đứng lặng trên cầu thang; vì niềm thương nhớ dâng lên ngập lòng!

Dường như niềm thương nhớ gậm nhấm tâm hồn Đông nhiều nhất là những chiều cuối năm. Từ biển khơi nhìn vào bờ, thấy ánh đèn rực rỡ, lung linh, Đông chỉ ước mơ được nắm tay một thiếu nữ, bước chầm chậm trong vùng không gian huyền diệu đó.

 

Truc loi ham Bach Dang II HQ.116.jpg

Đông ước mơ như thế, nhưng khi Trục Lôi Hạm Bạch Đằng II – HQ 116 – được lệnh cập hải cảng Đà Nẵng vào chiều cuối năm, Đông lại lưỡng lự, không biết chàng nên “đi bờ” (Động từ Hải Quân thường dùng, có nghĩa là rời chiến hạm, chiến đỉnh hoặc đơn vị để đi phố) hay không; bởi vì Đông không có một thiếu nữ nào để nắm tay! Vừa khi đó, Hoàng rủ Đông “đi bờ”.

Lang thang trong thành phố nhộn nhịp, khi đi ngang nhà thờ, nghe tiếng organ và tiếng hát vọng ra, Đông bảo:

Trời lành lạnh, nghe Thánh ca “moa” chịu không được! “Moa” muốn vào xin lễ.

Thì vào, có gì đâu, Hạm Phó!

Vào đến cửa bên hông nhà thờ, Đông và Hoàng đều lấy “nón kết” kẹp vào tay trái, đưa tay phải làm dấu thánh giá.

 

Thấy hai “chàng” Hải Quân mặc quân phục tiểu lễ trắng, áo dạ màu xanh đậm, làm dấu thánh giá, nhiều người đứng hàng đầu tiên xích sát vào nhau, ra hiệu mời Đông và Hoàng đứng vào. Đông và Hoàng vừa đứng vào, bản thánh ca do cả hội trường đồng ca cũng vừa dứt. Mọi người ngồi xuống.

Nam nữ học sinh từ phía sau bước ra, sắp hàng dưới bục giảng của Đức Cha. Một nữ sinh bước ra, đứng phía sau ca đoàn nhưng trên một bục gỗ cao. Đông nghĩ có lẽ cô này là giọng nữ chính.

Tiếng organ vang lên trầm trầm, uyển chuyển rồi chậm dần để ca đoàn “bắt” vào: Silent Night. Holy Night. All is calm. All is bright. Round yon virgin. Mother and child. Holy infant so tender and mild. Sleep in heavenly peace…” (3). Cô gái đứng phía sau ca đoàn thường ngẩng mặt lên mỗi khi cô hát những chữ ở âm vực cao. Nhìn sóng mũi cao, ánh mắt rực sáng và khuôn mặt diễm kiều của cô gái, Đông xúc động bồi hồi và tưởng như vẻ đẹp thánh thiện của cô gái chờn vờn trong ánh nến lung linh.

Vẻ đẹp thánh thiện của cô gái, tiếng organ ngân dài và tiếng ca trong vắt của các nam nữ sinh làm cho tâm hồn của Đông bềnh bồng, tưởng như thoát khỏi thế giới loạn lạc, đảo điên trên mảnh đất đầy máu và nước mắt này! Đông quên nỗi cô đơn vô tận trên những chuyến hải hành dài hạn! Đông quên tiếng B40/B41 của Việt Cộng, từ những khúc quanh ngặt, xé không gian, rơi quanh đoàn chiến đỉnh! Đông quên gương mặt non choẹt của tù binh Việt Cộng – khoảng 15, 16 tuổi – nhìn chàng như sợ hãi, như van lơn! Đông quên luôn khuôn mặt thơ ngây và buổi chia xa với Yến tại bến cảng Hải Phòng. Nhưng Đông lại không thể quên được pháo thủ Phi! Khi đoàn chiến đỉnh bị phục kích tại Gia Rai, Đông vẫn đứng thẳng, gần mũi chiếc Command, tay trái cầm ống liên hợp để chỉ huy. Bất ngờ Đông bị trúng đạn, ngã xuống. Phi vội vàng rời pháo tháp, chạy đến bên Đông. Đông gào lên: “Nằm xuống! Nó bắn ra tàu!” Phi cũng gào to, vì tiếng đại pháo và tiếng nước đổ chụp lên sàn tàu: “Chỉ Huy Trưởng bị thương rồi!” Đông lại hét lên: “Kệ tao! Mày nằm xuống!” Phi khom người, muốn bế Đông xuống lòng chiến đỉnh, nhưng một trái B40 xẹt ngang. Phi gục xuống!

 

Khi nào hình ảnh Phi hiện về Đông cũng cảm thấy mủi lòng. Đông kín đáo làm dấu thánh giá, thầm cầu nguyện cho linh hồn Phi thì nghe Hoàng nói khẻ:

Khuôn mặt của “cô bé đứng một mình” phản phất nét đẹp quý phái của Grace Kelly, phải không, Hạm Phó?

Đông gật đầu. Nhìn “cô bé” Đông chợt nhận biết tình cảm của chàng giao động rộn ràng chẳng khác chi tình cảm chàng dành cho Yến năm xưa.

Bài hợp ca chấm dứt. “Cô bé” bước thẳng đến người đàn ông cao tuổi ngồi cạnh Hoàng và Đông, cúi đầu:

Dạ, con xin chào Bác.

-Cháu hát hay lắm!

Dạ, con cảm ơn Bác. Thưa Bác, con xin phép Bác, con đến ngồi với Ba Má con.

Nhìn dáng đi thướt tha của “cô bé”, Đông tưởng như đôi chân của chàng muốn bước theo; nhưng chợt nhớ cương vị của chàng, Đông đành ngồi yên. Hoàng quay sang cụ ông, hỏi rất nhỏ:

-Thưa bác, cô cháu của bác học trường nào ạ?

Cụ ông kề vào tai Hoàng, đáp:

Cháu nó học trường Phan Chu Trinh.

Tối hôm đó, sau khi trở về chiến hạm, Đông ôm trong lòng hình bóng “cô bé” và tự hứa sẽ cố tìm nàng sau khi chàng đi phép thường niên.

 

Trong khi Đông đi phép, những khi chiến hạm vào bến sau mỗi chuyến công tác, Hoàng đều tìm cách “đi bờ”. Hoàng thường ngồi nơi quán nước đối diện trường Phan Chu Trinh. Khi học sinh tan học, Hoàng đi tới đi lui trước trường, với mục đích tìm “cô bé”. Thấy cô nào cũng đội nón lá, Hoàng hơi khó chịu, vì chiếc nón lá khiến chàng khó thấy mặt để nhận diện!

Một hôm, nản lòng, Hoàng nhìn quanh, có ý muốn đón xích-lô để trở về chiến hạm, chợt thấy một thanh niên lái Vespa chầm chậm từ trong trường ra cổng. Nhận ra người bạn xưa, Hoàng gọi:

Trịnh! Trịnh ơi!

Trịnh dừng Vespa, ngạc nhiên:

Ủa, Hoàng, mi làm chi đây?

Vừa bắt tay Trịnh, Hoàng vừa đáp:

Tau tìm một người mà tau không biết tên. Còn mi?

-Tau dạy ở đây. Mi tìm người mà không biết tên! Chán mi quá! Chắc ‘mết’ con bé nào rồi, phải không? Tả rõ hình dáng, mặt mày của cô nàng cho tau nghe, may ra tau sẽ giúp mi.

Mi vào quán uống nước, nói chuyện.

Không được! Tau phải kiếm tý chi ăn tạm rồi trở lại trường ngay; vì tụi hắn đang tập chung kết cho buổi văn nghệ Giáng Sinh.

-Tau sẽ bao mày ăn trưa. Còn về “cô bé” thì tau chỉ thấy và nghe cô ấy hát có một lần tại nhà thờ thôi. Cô ấy đẹp như lai và giọng soprano của cô nàng ít ai sánh bằng.

 

Thốt nhiên Trịnh cảm thấy tim chàng lỗi nhịp! Trịnh thầm để ý “cô bé” này từ đầu niên khóa, nhưng vì hai tiếng “mô phạm”, Trịnh phải giữ mình, giữ lời. Không ngờ bây giờ chàng lại rơi vào tình cảnh khó xử; vì Hoàng là người bạn thân thiết nhất suốt bao nhiêu năm dài cùng học tại trường Quốc Học, Huế. Trịnh không có ý nghĩ cao thượng, sẽ “hy sinh” “mối tình câm” của chàng; nhưng Trịnh nghĩ, phải Duyên phải Nghiệp thì thôi. Nếu “cô bé” nên duyên với Hoàng thì sau này, khi về già, cả Hoàng, “cô bé” và Trịnh đều có chung kỷ niệm để kể cho nhau nghe; ngược lại, nếu Trịnh ích kỷ, Trịnh tự nghĩ, chàng không xứng đáng là bạn của Hoàng. Bằng lòng với quyết định của mình, Trịnh cười:

-Rứa thì tau biết rồi. Cô nàng là học trò của tau, đệ Nhị C, tên là Trúc Uyên. Cô nàng là “thỏi nam châm” của Đà Nẵng đó. Mi là Hải Quân, lang thang hoài mần răng…

-Mi đừng lo, cứ giới thiệu cho tau, mọi việc khác để tau lo!

Trong bữa ăn trưa vội vàng tại một nhà hàng, gần trường, Trịnh căn dặn:

-Người ta con nhà gia giáo, nề nếp, mi đừng “ẩu tả”, tội nghiệp con người ta, nha, mi!

-Mi biết tính tau “ba gai”, xem đời như…củ khoai; rứa mà không hiểu tại răng từ hôm thấy “cô bé” đến chừ tau nghĩ rằng tau không thể sống mà thiếu cô nàng!

-Vừa thôi! Răng giống cải lương rứa, mi?

-Tau nói rất thật lòng.

 

-Được rồi, ăn xong tau chở mi tới trường. Mi quan sát tụi hắn tập dượt, có nhận xét chi thì cho tau hay.

Khi ngồi cạnh Trịnh quan sát nhạc cảnh Hòn Vọng Phu, Hoàng nghiêng sang, nói với Trịnh:

-Mi chọn Trúc Uyên vào vai ni rất tuyệt. Giọng hát của nàng sẽ làm khán giả xúc động nhiều.

Sau màn nhạc cảnh, trong khi Trúc Uyên cùng nhóm học sinh rời “sân khấu giả”, Hoàng nhìn nàng không rời. Không hiểu vì trực giác bén nhạy hay là vì bộ quân phục Hải Quân của Hoàng, Trúc Uyên quay nhanh lại, nhìn Hoàng. Bốn mắt giao nhau!

Cử chỉ của Hoàng và Trúc Uyên không thể nào thoát được ánh mắt của Trịnh. Trịnh cảm thấy se lòng! Vừa khi đó, một nam sinh đến cho Trịnh biết chỉ còn mục hợp ca Con Đường Vui nữa thì buổi tổng dượt sẽ chấm dứt. Trịnh gật đầu, quay sang Hoàng:

-Hoàng! Chỉ còn một mục nữa thôi. Mi muốn đi ăn với tau rồi tối mai trở lại xem văn nghệ hay không?

-Không được! Tau phải trở lại tàu; vì tàu sẽ rời bến tối ni.

-Khi mô mi trở lại?

-Chưa biết, vì tau nhận được lệnh đổi đi Giang Đoàn rồi.

-Giang Đoàn là mấy đơn vị chuyên “wuýnh” nhau, phải không?

Hoàng vừa “ừ” vừa cười vì Trịnh dùng chữ “wuýnh”. Nhìn nụ cười rất vô tư của Hoàng, Trịnh chợt thấy thương “thằng” bạn thân từ thời cùng đi Hướng Đạo, mặc quần “short” “khoe” đôi chân khẳng khiu; vậy mà bây giờ “nó” “ngon lành”, sắp thuyên chuyển đi đơn vị tác chiến mà “nó” vẫn tỉnh bơ! Trịnh bảo:

 

-Hoàng! Mi muốn hát một bài để lấy cảm tình của “cô bé” không?

-Mi “đi guốc trong bụng tau”! Cảm ơn mi.

Trịnh đến sau micro:

-Tôi thành thật cảm ơn các em đã chịu khó rất nhiều. Tôi nghĩ rằng đêm văn nghệ Giáng Sinh năm nay sẽ thành công mỹ mãn. Nhân đây, tôi muốn giới thiệu với các em người bạn thân của tôi, trung úy Hoàng. Vì lý do đặc biệt, Hoàng không thể tham dự văn nghệ tối mai. Hoàng có một kỹ thuật trình diễn rất đặc biệt. Tôi yêu cầu Hoàng hát tặng chúng ta một bài trước khi các em rời trường để chuẩn bị cho tối mai.

Tiếng vỗ tay vang lên. Hoàng tươi cười, choàng guitar qua cổ, đến sau micro. Muốn nhân cơ hội này gián tiếp tỏ tình với “cô bé”, Hoàng nói:

-Xin cảm ơn “thầy” Trịnh, người bạn thân thiết nhất của tôi và cảm ơn các bạn. Tôi sẽ hát tình khúc bất tuyệt của Elvis Presley: It’s Now or Never.

Mọi người lại vỗ tay. Hoàng dạo Cha Cha Cha rồi “bắt” vào: “It’s now or never, come hold me tight. Kiss me my darling, be mine tonight. Tomorrow will be too late, it’s now or never. My love won’t wait…”

Thấy Hoàng vừa đàn vừa hát vừa lắc vai vừa gật đầu và đôi chân như đang khiêu vũ,  nhóm học sinh tròn mắt nhìn nhau. Trúc Uyên nhìn Hoàng không chớp mắt và môi nàng như mỉm cười. Trịnh cúi mặt, thở dài!…

 

********

Suốt ngày đi thăm nhiều nơi quanh Vũng Áng, Đông không thấy nụ cười nào trên môi người dân. Nhưng khi vợ chồng Đông bước vào nhà hàng trong khách sạn mà vợ chồng Đông ngụ lại sau khi rời Hải Phòng thì tiếng nói cười rộn ràng lại vang lên tại đây!

Đông và Ngân Hà được đưa đến chiếc bàn nhỏ vừa khi một nhóm khách mặc quân phục màu cứt ngựa bước vào và cười nói oang oang. Đông cứ trầm ngâm, cố nén vẻ khó chịu vì sự tương phản quá lộ liễu giữa vấn nạn của người dân và từng tràn cười hô hố của nhóm thực khách này.

Nhóm đàn ông ngồi vào chiếc bàn lớn. Bà chủ khách sạn từ đâu bước vào. Nhận ra nhóm khách quen, bà chủ vội bước về chiếc bàn có nhiều người mặc quân phục để chào hỏi. Theo cách thăm hỏi, Đông hiểu rằng những người này là khách thường xuyên. Bà chủ, nhờ kỹ thuật thẩm mỹ, trông bà trẻ hơn tuổi thật rất nhiều. Một người hỏi bà:

-Chị Yến! Càng ngày trông chị càng đẹp, càng trẻ ra, lại ăn mặc như mấy “em chân dài”, mai mốt đi thi hoa hậu phu nhân, phải không?

-Úi giời! Các anh mà thấy tôi lúc trẻ, các anh đi không đành đâu.

Một tên lả lơi:

-Bây giờ tôi cũng đi không đành chứ nói gì lúc chị còn trẻ.

-Không, thật đấy! Lúc trẻ tôi đẹp lắm cơ. Vì Bố Mẹ tôi không chịu trốn vào Nam cho nên tôi mới cơ cực, phải tham gia đánh Mỹ “kíu” nước chứ nếu Bố Mẹ tôi di cư thì tôi đã là phu nhân của một “thuyền trưởng” V.N.C.H. rồi đấy.

 

-Ôi giời! Lại có chuyện tình đẹp thế cơ?

-Không bịa đâu. Thằng láng giềng của tôi mê tôi lắm, muốn tôi theo gia đình hắn vào Nam nhưng tôi không dám bỏ Bố Mẹ. Sau này nghe tin hắn mang đến “quân hàm” trung tá và là “thuyền trưởng” chiếc tàu “há mồm” đấy.

Đông giật mình, nhìn Yến, nhưng không thể thấy được dấu vết nào của cô láng giềng hiền dịu năm xưa! Một tên khác chuyển đề tài:

-Chị Yến! Ai làm gì phía sau mà nghe ồn ào thế, chị?

-Ô, mấy thằng đui, mù, cụt, què í mà!

-Chúng nó làm gì sau “nhà nghỉ” của chị?

-Cứ lâu lâu có vài người nước ngoài về, gọi chúng đến, thuê sân sau của tôi và cho chúng ăn một bữa để giàn cảnh quay phim, quay video đem về bên ấy khoe là đi làm từ thiện! Nghe nói mấy nhóm ấy bảo chúng làm hồ sơ có hình, giấy chứng thương, giấy giải ngũ, v. v…rồi gửi sang bên đó để họ cứu xét xem hồ sơ thật hay giả rồi mới gửi tiền về cho. Làm hồ sơ, chụp hình, tiền cước phí, v. v…cái gì cũng tốn tiền nhiều quá nhưng gửi đi rồi chờ mãi chả thấy xu teng nào gửi về!

Mặt Đông nóng bừng. Đông bậm môi, cố giằn cơn giận. Ngân Hà nắm tay Đông:

-Anh! Mình đang ở Việt Nam…

Ngân Hà chưa dứt lời thì một người đàn ông mù mắt cõng một người đàn ông không có chân, bước vào. Mọi người quay sang nhìn. Đông đứng bật dậy, bước nhanh đến bên người đàn ông mù, vừa đưa tay đỡ người cụt hai chân vừa nói:

 

-Anh thả anh này ra. Tôi giúp hai anh. Hai anh cần gì? Cần đi đâu?

-Thằng này có mắt, tôi có chân, giúp nhau đến đây vì được biết có người trợ giúp Thương Binh V.N.C.H. tại đây.

Yến bước nhanh đến, lớn tiếng trong khi Đông “ẳm” gọn anh Thương Binh trên tay:

-Lại cũng… trò khỉ nữa! Cổng sau mở để cho vào tại sao không vào, lại đi cửa chính, hả? Mấy người có biết khách của chúng tôi toàn là những người có quyền cao chức trọng hay không, hả?

Đông nhìn Yến, cố lấy giọng trầm tĩnh:

-Không có lý do gì chị phải nặng lời với hai anh này. Chị chỉ tôi ngõ sau, tôi sẽ đưa hai anh này đi ngõ sau.

-Ra cửa, rẻ phải, cổng màu xanh đấy.

Đông chẳng thèm lịch sự cảm ơn người đàn bà – mà chàng nghĩ rằng đó là “người xưa” của chàng – chỉ quay sang người bị mù, bảo:

-Anh vịn vai tôi, đi theo tôi.

Ngân Hà vội bước đến:

-Để em giúp anh ấy đi theo anh.

Thấy vợ chồng Đông như sắp bỏ đi, Yến quay sang, tru tréo:

-Này! Này! Thức ăn đã gọi rồi, bỏ đi cũng phải trả tiền. Biết chưa?

 

Đông bảo vợ:

-Em bảo họ cho room service. Anh trở lại đón em ngay.

Khi Đông trở lại, Ngân Hà bảo:

-Họ bảo không có room service.

-Thế thì càng tốt.

Đông bảo người hầu bàn:

-Em cho thức ăn của chúng tôi vào hộp để đem đi.

Sau khi trả tiền, cầm thức ăn bước ra cửa, Đông thầm nghĩ, ngôn ngữ và tư cách của “Yến bây giờ” đốt cháy hình bóng của “Yến ngày xưa”, bên bến cảng Hải Phòng!

Qua khỏi cổng màu xanh, Đông và Ngân Hà chợt nghe tiếng hát não nùng: “…Con có hay chăng cha về. Lời ca hồn nhiên líu lo ngoài kia. Chinh chiến đã qua một thì. Tuổi thơ nở trên biết bao ê chề…”(4) và thấy nhiều Thương Binh ngồi dọc chiếc bàn dài. Ngân Hà chưa hiểu chuyện gì cả thì Đông bảo:

-Mình sẽ cùng ngồi ăn với họ.

Thấy Đông trở lại, Châu – anh Thương Binh cụt chân mà lúc nãy Đông đã bế từ phòng khách đến đây – vui mừng:

-Mời anh chị ngồi đây.

Để thức ăn lên bàn, gật đầu chào mọi người xong, vợ chồng Đông ngồi cạnh Châu. Trong khi nhà bếp dọn thức ăn, Châu nói với Đông:

 

-Anh biết không, tụi em khổ lắm, vậy mà vẫn có người “phe mình” lợi dụng tụi em cho mục đích bần tiện của họ!

Chợt nhớ câu Yến nói lúc nãy, Đông hỏi:

-Tôi có nghe như thế, nhưng không biết có đúng là “phe mình” không?

-Nghe ngôn ngữ họ, tụi em biết. Tụi em bị Cộng Sản Việt Nam hất ra khỏi xã hội cho nên tụi em thương nhau lắm, vui buồn gì cũng chia xẻ với nhau. Anh cứ hỏi tất cả mấy đứa này xem có đứa nào không từng là nạn nhân của trò Việt kiều về kêu gọi, cho ăn một bữa, quay phim, video, bảo làm hồ sơ gửi qua bển, khi họ nhận được thì họ sẽ gửi tiền về cho. Tốn tiền chụp hình, làm copy, gửi bưu điện, v.v… Chờ dài cổ chẳng đứa nào nhận được đồng xu nào hết. Bị mấy lần như vậy, tụi em “tởn”, ai mời cho ăn tụi em cũng chẳng thèm tới…

-Thế sao hôm nay…

-Hôm nay là trường hợp rất đặc biệt; vì đây là lần đầu tiên tụi em sẽ được gặp người ơn mà suốt mấy năm qua người ơn này cứ âm thầm gửi về cho tụi em, mỗi năm một lần, mỗi “đứa” $100.00 U.S. đô la.

-Ở ngoại quốc làm ăn rất cực nhọc mà ai làm được những việc như thế thật là quý. Nhưng làm thế nào người ấy biết các anh mà liên lạc?

-Dạ, lúc đầu, người đó được một tờ báo chuyên lo yểm trợ Thương Binh V.N.C.H. giao một hồ sơ để giúp trực tiếp mỗi năm. “Thằng” này cho “thằng” bạn cùng cảnh ngộ với nó địa chỉ của người đó thì “thằng” bạn của nó cũng được người đó cho tiền. Cứ vậy, bây giờ Thương Binh V.N.C.H. cả huyện đều được quà mà không “đứa” nào biết mặt người đó cả.

 

-Thế hôm nay ai trả phí tổn này?

-Hôm nay là ngày đầu tiên người đó trở về thăm Quê Hương; vì động lòng vụ tụi Tàu Formosa thải chất độc dọc bờ biển, gây tác hại khôn lường cho ngư dân mình.

-Thế anh gặp người ơn của các anh chưa?

-Chưa, tý nữa. Nghe nói ông đang đem nước ngọt đến cho từng người là chồng của bà ấy.

Nghe Châu nói đến đây, Ngân Hà nói nhỏ với Đông:

-Em về phòng, tý em trở lại.

Đông “okay” rồi nhìn người đang phân phát nước ngọt và thấy khuôn mặt quen quen. Vừa khi đó người phát nước ngọt ngẩng lên, nhíu mày nhìn Đông rồi vừa reo “Commandant” vừa vội vàng đến bên Đông:

-Commandant làm gì đây?

Đông hoàng toàn ngạc nhiên:

-Hoàng! Ngày xưa “toi” “ba gai” lắm mà sao bây giờ “toi” làm được những việc như thế này?

-Việc như thế này là việc như thế nào, Commandant?

-Giúp anh em Thương Binh.

-Ô, không! Đó là bà xã của Hoàng âm thầm làm chứ Hoàng không biết. Ngày nay đi thăm Vũng Áng, thấy thiên hạ khổ quá, bà ấy khóc rồi mua bánh mì thịt cho trẻ em. Cách đây mấy tiếng đồng hồ, bà ấy nhờ Hoàng đi thuê micro và guitar để anh em Thương Binh ca hát cho vui. Hoàng cật vấn hoài bà ấy mới “bật mí” chuyện Thương Binh.

 

Hoàng vừa dứt câu, Đông thấy một thiếu phụ cao tuổi từ khách sạn bước ra. Hoàng vừa gọi vừa đưa tay ngoắt:

-Trúc Uyên, lại đây!

Thấy người phụ nữ bước về phía Hoàng, Đông nghi ngờ, quay nhìn Hoàng bằng ánh mắt khó hiểu. Hoàng cười thật tươi, giới thiệu:

-Đây là vị cựu chỉ huy của anh; đây là Trúc Uyên, bà xã của Hoàng.

Nhìn nụ cười của Hoàng rồi thấy cung cách Trúc Uyên cúi đầu chào, Đông biết chàng không thể nào nhầm phụ nữ này với “cô bé trong nhà thờ”! Đông thở dài, chưa kịp thăm hỏi Trúc Uyên thì Hoàng xin lỗi, đến giờ chàng giúp Trúc Uyên phân phát quà cho Thương Binh trước khi họ ăn tối và “hát cho nhau nghe”. Đông thấy Trúc Uyên và Hoàng trao mỗi Thương Binh một phong bì.

Ngân Hà từ khách sạn bước ra. Ngồi cạnh Đông, Ngân Hà trao cho Đông một xấp bì thư:

-Đây, em đếm đủ cả rồi. Tý nữa anh phát cho mỗi ông Thương Binh một phong thư, nhá!

-Em làm cái gì anh chả hiểu?

-Lúc nãy nghe anh Châu nói về việc làm âm thầm của bà nào đó em cảm thấy áy náy là từ trước đến giờ em không biết gì về Thương Binh V.N.C.H. Bây giờ mình có tý quà, anh đem tặng mấy ông ấy hộ em.

 

Nhìn bì thư, thấy bên góc trái in tên và địa chỉ của khách sạn, Đông chợt hiểu. Từ nãy giờ Ngân Hà vào văn phòng khách sạn xin bì thư, cho tiền vào từng bì thư. Đông nắm tay vợ:

-Em quả thật là người vợ tuyệt vời! Em tặng mỗi người bao nhiêu?

-Dạ, $100.00 Mỹ kim.

-Anh sẽ đi với em. Nhưng công khó của em, em nên trao tận tay từng người.

Khi trao bì thư cho mỗi Thương Binh, giọng Ngân Hà xúc động:

-Chúng tôi biết ơn các anh.

Tặng quà xong, Hoàng và Trúc Uyên đến ngồi cạnh vợ chồng Đông, cùng vui vẻ ăn uống với Thương Binh. Ăn xong, Đông cáo từ để về phòng, nghỉ – dù Hoàng hết lời năn nỉ Đông ở lại.

Cùng Ngân Hà buớc lên bậc cấp để về phòng, Đông chợt cảm thấy có lỗi với vợ; vì hình ảnh và tiếng hát cao vút của “cô bé trong nhà thờ” năm xưa đang bừng sống trong lòng chàng. Đông bồng bột thương vợ, vội nắm tay vợ, thủ thỉ:

-Anh cảm ơn em. Mấy mươi năm qua em đã tận tụy và hết lòng với anh.

-Ơ, cái gì thế?

-Lòng tốt của em đã giúp anh đỡ bị “quê” với Hoàng.

 

-Có thế mà cũng…bày đặc!

Đông mở cửa, kéo vai vợ sát vào chàng:

-Em thay đồ, anh ra lang cang nhìn biển một chốc.

-Lại mơ mộng nữa rồi! Anh thì thôi!

Đông tựa vào lang cang, tự hỏi, không hiểu làm thế nào Hoàng có thể chinh phục được “cô bé”?  Nhìn mây nước chập chùng, Đông tưởng như có thể thấy khuôn mặt yêu kiều của “cô bé” đang chờn vờn trong những áng mây bàn bạc; và cuối chân trời xa, Trục Lôi Hạm Bạch Đằng II – HQ 116 – đang từ từ hải hành về phía chàng…

Vừa khi ấy, tiếng hát của một Thương Binh từ sân sau vọng ra: “… Người ngỡ đã xa xưa nhưng người bỗng lại về. Tình ngỡ sóng xa đưa nhưng còn quá bao la…Ôi! Trái tim phiền muộn…”(5). Đông thở dài, cảm nhận được từng bước nặng nề của một dĩ vãng tươi đẹp đang dẫm nát tim chàng!

1 và 2.- Giấc Mơ Hồi Hương của Vũ Thành.

3.- Silent Night của Kelly Clarkson.

4.- Ngày về của Phạm Duy.

5.- Tình Nhớ của Trịnh Công Sơn.

Nguồn: https://www.diepmylinh.com/co-be-trong-nha-tho

 

Posted by Kim Phượng

 

Xem thêm...

Xuân Về Vắng Cha - Điệp Mỹ Linh

 Xuân Về Vắng Cha 

Điệp-Mỹ-Linh

forever in my heart dad

Bà Năm đưa 3 cây nhan gần chạm trán, khấn: “Lạy thổ thần đất đai và cô hồn các bác, hôm nay là 30 Tết, con cầu xin thổ thần đất đai và cô hồn các đẳng phù hộ cho con của con – tên Cúc – làm ăn phát đạt, gặp được người xứng đáng. Nếu lời nguyện của con được linh ứng, con sẽ xin cúng một con gà.” 

Cắm nhan xong, quay lại, thấy Bảo và Thảo đang nhìn Bà chăm chăm, vì chưa bao giờ thấy ai cúng và lạy, Bà Năm nạt:

-Nhìn cái gì? Bộ lạ lắm sao?

Hai đứa bé sợ, vừa nhìn nhau vừa bước lui vào phòng, đóng cửa lại. Mẹ của Bảo và Thảo từ trên lầu đi xuống, bà Năm bảo:

-Cúc! Từ ngày tụi mày bảo lãnh tao qua đây tới giờ, đã mấy tháng rồi, mà hai đứa nhỏ cũng “ì” cái mặt tụi nó ra. Tao là bà Ngoại của tụi nó “chớ bộ” tao là... “cứt” sao! 

Nhờ sống ở Mỹ khá lâu, ngôn từ và suy nghĩ của Cúc không còn như thời Cúc mới được sang Mỹ theo diện hôn phối, sau khi thành hôn với Đạm. Cúc đáp:

-Tụi nó mới bốn năm tuổi, biết gì đâu mà Má nói thấy ghê!

-Ghê gì! Mày không dạy tụi nó tiếng Việt thì tụi nó đâu biết Ông Bà của tụi nó là ai; bởi vậy, tụi nó cứ gọi tao là you rồi “trơ mắt” nhìn, coi tao như... “cứt”!

-Tụi con đi làm suốt ngày, thì giờ đâu mà dạy tụi nó tiếng Việt. Tụi nó không hiểu tiếng Việt; Má không biết tiếng Anh thì chịu thôi.

-Thằng Đạm lấy mày thì nó phải “cung phụng” mày; “mắc mớ gì” mày phải đi làm?

-Nếu con không đi làm, ai gửi tiền về cho Má và họ hàng suốt bao nhiêu năm qua?

-Mỗi tháng mày “thí” cho tao có mấy trăm đô “chớ mấy”! Bà con xin, mày cũng “thí” mỗi “hộ” 100 đô “chớ mấy”; trong khi đó vợ chồng mày sống trong cái nhà “chần dần”!

-Bao nhiêu cũng “chớ mấy”, vậy tiền đâu tụi con trả tiền nhà, tiền xe, tiền bảo hiểm và nuôi hai đứa nhỏ?

Bà Năm trở lại đề tài mà Bà lập đi lập lại với Cúc không biết bao nhiêu lần kể từ khi Bà đến Mỹ:

-Nuôi con thì phải nghĩ đến tương lai cho con. Mày muốn hai đứa nó lớn lên học hành để làm ông kia bà nọ hay là mày muốn tụi nó làm thợ bạc như “thằng” Đạm? 

-Con nói với Má hoài. “Nó” đem con qua đây, cho con đi học tiếng Anh rồi học nghề và tụi con có hai đứa con. Bây giờ Má biểu con “đá nó cái rột”, ai nuôi con của con?

-Mày học được chữ nào là công khó của mày chớ “dính dấp” gì tới nó

-“Nó” phải mua xe cho con, trả tiền học, tiền sách vở, tiền xăng, áo quần v.v. chớ sao không “dính dấp”?

Bà Năm nạt lớn:

-Đi học thì mượn hoặc xin tiền của chính phủ. Mua nhà, mua xe trả góp chớ đâu phải như bên mình, mua, trả “cái rột”. Mày qua đây chỉ có bổn phận ở nhà, đi chợ nấu ăn cho nó thôi. Nó phải có bổn phận chu cấp mọi thứ cho mày. Còn con, mày nuôi không nổi thì xin tiền chính phủ Mỹ mà nuôi. Ăn học như mày mà sao dốt quá vậy?

-Tùy theo income chứ không phải ai cũng mượn hoặc xin được tiền của chính phủ để đi học hoặc nuôi con.

-“In côm” là cái gì? 

-Lợi tức cá nhân hằng năm.

-Mày là “kỹ sư dược sĩ”. Mấy “thằng” dược sĩ cùng làm với mày sao mày không “chôm” một “thằng” mà mày cứ sống với “thằng” thợ bạc? Lương của “thằng” thợ bạc so với lương của “kỹ sư dược sĩ” như mày thì thấm vào đâu? 

-Con nói với Má hoài. Con chỉ là người trợ giúp dược sĩ (pharmacy technician) chứ con không phải dược sĩ; vì con không có căn bản học vấn, làm sao học đến dược sĩ được! Hơn nữa, ở đây không có nghề nào là “kỹ sư dược sĩ” cả.

-Mày phụ giúp dược sĩ thì gọi là “kỹ sư dược sĩ” chớ còn gì nữa. Chỗ mày làm có nhiều dược sĩ, sao mày không “củm đại” một “thằng” để trở thành “bà dược sĩ”? “Bà dược sĩ” không danh giá hơn “bà thợ bạc” sao? Đồ ngu!

Vì mộng được làm “bà dược sĩ”, Cúc đã “tấn công” và tự “hiến thân” cho một dược sĩ làm cùng công ty CVS. Cúc hy vọng dược sĩ này sẽ ly dị vợ để sống với Cúc. 

Không ngờ, chuyện ngoại tình của Cúc và dược sĩ bị “đổ bể”. Vợ của dược sĩ đã khôn ngoan, dùng tình cảm chinh phục chồng, thuyết phục chồng dời đi tiểu bang khác. 

Riêng Đạm, khi hay tin Cúc ngoại tình, Đạm âm thầm đau khổ, lên facebook tìm bạn gái.

Sau thời gian “lăng nhăn ảo” với vài cô bên Việt Nam, Đạm nhận ra đa số phụ nữ bên Việt Nam chỉ muốn tìm cuộc sống “đổi đời” – như Cúc – chứ không có tình yêu, Đạm thất vọng. Và, điều quan trọng hơn cả là, càng lớn Bảo càng giống Đạm và càng quyến luyến Đạm một cách rất thiết tha, đậm đà; vì thế Đạm quyết định tha thứ và vẫn sống với Cúc.

Sự thật là như thế. Nhưng, Cúc chỉ nói với mọi người về sự phản bội của Đạm trong chuyện “tình ảo” trên facebook; còn chuyện ngoại tình giữa Cúc và dược sĩ, Cúc “giấu biệt”. 

Vì không hiểu rõ sự việc, bà Năm kể công:

-Mày là con một. Vì thương mày, Ba mày phải buôn lậu để gây dựng tương lai cho mày; “không dè” ổng bị đồng bọn thanh toán vì “chia chác” không đều! Tao phải bán nhà, bán đất để tìm mai mối cho mày đổi đời. Bây giờ mày lỡ gặp thằng chồng “cà chớn” mà mày còn tiếc “cái nỗi gì”?

-Má để từ từ, được không?

-Từ từ? Bộ mày tưởng mày trẻ đẹp “woài” sao?

-Con biết, nhưng “kẹt” hai đứa nhỏ.

-“Kẹt” cái gì! Tao đã hỏi người Việt quanh đây. Họ nói, tại tiểu bang này, nếu ly dị, Mẹ được nuôi con; hằng tháng Cha phải chu cấp tiền nuôi con cho đến khi con 18 tuổi; tài sản chia hai.

******

Sáng chủ nhật, dậy trễ, thấy Đạm, với nét mặt rất buồn, đang đem va-ly và nhiều vật dụng của Đạm chất vào xe truck màu đỏ, Bảo ngạc nhiên:

-Daddy đem va-ly và mấy thứ đó đi đâu?

Đạm bế Bảo lên, giọng nghẹn ngào:

-Daddy phải đi.

-Khi nào daddy về?

-Daddy sẽ không về.

Bảo tròn mắt nhìn Đạm:

-Cái gì?

Đạm lập lại. Bảo vùng vằn:

-Tại sao? Con muốn daddy trở về.

Đạm siết chặt Bảo vào lòng. Vừa khi đó, hình ảnh những buổi chiều Đạm dẫn Bảo và Thảo đi bộ vòng quanh khu vực gia đình cư ngụ, nhiều người láng giềng vẫy tay, nói “hi!” và khen hai đứa bé dễ thương, hiện về trong cõi lòng tan nát của Đạm. Một trong những người thương hai đứa bé như cháu ruột là bà Hồng; nhưng Bảo không biết Bà tên gì. Nghe Bà và Đạm thường nói chuyện bằng tiếng Việt, Bảo tự ý đặt tên cho Bà là “bà Việt Nam”. Nhớ đến đây, Đạm thở dài:

-Daddy đâu muốn đi, con! 

-Nếu daddy không muốn đi, ai bắt daddy đi được?

-Quan tòa! Nhưng Cha con mình vẫn sẽ gặp nhau.

-Bằng cách nào?

-Thỉnh thoảng, daddy sẽ đón hai đứa về sống với daddy.

-Tại sao lại thỉnh thoảng?

-Quan tòa đã phán quyết như vậy.

-Quan tòa là ai mà ác vậy?

-Lớn lên con sẽ hiểu. Bây giờ con nghe lời daddy, gắng học giỏi. Hè, daddy sẽ đưa con và Thảo đi Disney World chơi. 

Bảo ôm cổ Đạm. Đạm dặn:

-Lúc nào daddy cũng thương nhớ các con. Con và Thảo phải gắng học và vâng lời Mẹ dạy, nha!

Đạm dặn Bảo phải vâng lời Mẹ dạy. Nhưng suốt thời gian dài sống với Cúc, Ngoại và Thảo, lúc nào Bảo cũng chỉ nghe Cúc nói Đạm là “thằng” đàn ông xấu xa, tồi tệ, đáng ghê tởm nhất thế giới; vì đã bỏ vợ con để theo mấy bà bên Việt Nam. Cúc bán nhà – Đạm đã ký giấy thỏa thuận tặng Cúc, Bảo và Thảo “nữa ngôi nhà” Đạm được hưởng khi ly dị – dời đến khu vực khác. Cúc đổi số điện thoại; cấm Bảo và Thảo liên lạc hoặc nhắc đến Đạm. Đứa nào cãi lời, Cúc sẽ đuổi ra khỏi nhà để mấy người homeless bắt đi. 

Như thế tưởng chưa đủ, bà Năm còn lo xa:

-Mày dọn nhà đi mà mày đã cho thằng Đạm địa chỉ mới để hằng tháng nó gửi tiền nuôi hai đứa nhỏ chưa?

-Hằng tháng “nó” gửi check đến luật sư của con; luật sư của con sẽ chuyển đến con.

****** 

Điện thoại reng, bà Hồng nhất lên, allo và nghe:

-Hi, “bà Việt Nam”!

-Bảo! Trời ơi! Bà phải “ở trên điện thoại” từ sáng sớm đến chiều nay mới tìm được con!

-Con xin lỗi Bà. Nhưng làm thế nào Ba của con biết con đi lính mà nhờ Bà tìm? 

-Ba của con kể rằng: Hector – ngày trước cùng làm tại tiệm kim hoàng với Ba con – gặp con tại phi trường. Thấy con giống Ba con “như đúc”, Hector hỏi thăm. Con xác nhận và cho Hector biết con lén gia đình, sang California trình diện, nhập ngũ. Sau khi con lên máy bay, Hector tìm trong điện thoại của Hector, thấy số điện thoại cũ của Ba con. Hector nghĩ, cứ gọi thử xem, nếu đúng, Hector sẽ báo cho Ba con biết tin con đi lính; nếu không đúng thì Hector cũng đã hết lòng với người bạn cũ. Không ngờ Ba của con không đổi số điện thoại. Thế là Ba của con điện thoại, nhờ Bà tìm con; vì Ba con và Hector không đủ khả năng sinh ngữ cũng như sự hiểu biết về các cơ quan công quyền.

-Hector quả là người tốt! Con xin lỗi đã làm phiền Bà. 

-Tìm được con, Bà vui chứ sao lại phiền. Con khỏe không? Con đang ở đâu? 

-Con khỏe. Con đang ở trung tâm huấn luyện Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ.

-Cái gì? Trời! Ba của con nói với Bà rằng con cho Heator biết con sắp xong năm thứ hai đại học; nhưng vì buồn gia đình nên đi lính. Tại sao con không gắng thêm vài năm nữa cho xong đại học rồi xin vào trường sĩ quan?

-Sĩ quan hoặc lính cũng chỉ đánh giặc thôi, đâu khác biệt gì. Sự khác biệt quan trọng nhất trong đời người là một đứa có Cha và một đứa có Cha mà không được gặp, không được liên lạc với Cha!

-Bà hiểu. 

-Biết bao nhiêu năm rồi con không được hug, không được nghe tiếng nói của Ba con, Bà biết không?

Dù đã nghe người Việt quanh khu vực này nói về việc Cúc ngoại tình với dược sĩ làm cùng công ty, bà Hồng cũng nói khác đi; vì Bà không muốn làm cho Bảo đau lòng thêm:

-Là phụ nữ, Bà hiểu tâm trạng của Mẹ con. Con đừng trách Mẹ con.

-Con không trách Mẹ con. Con hiểu Mẹ con có lý lẽ của Mẹ con. Nhưng trái tim của con cũng có lý lẽ của nó.

Ngưng một chốc để nén xúc động, Bảo tiếp:

-Làm thế nào Bà tìm ra con?

-Sau khi hứa với Ba con, Bà vào Google, tìm, rồi điện thoại đến các nơi tuyển mộ tại Houston. Không ai có thể giúp Bà; vì Bà không có tư liệu cá nhân của con. Bà gọi các văn phòng tuyển mộ tại Dallas và Austin cũng bị từ chối vì cùng lý do. Bà khóc, giải thích với nhân viên phòng tuyển mộ tại Austin rằng Bà không biết số điện thoại của Mẹ con. Lúc sáng Ba con gọi Bà trên số desk phone của Bà – mà desk phone của Bà không có máy để ghi lại số điện thoại hoặc lời nhắn – và Bà cũng quên hỏi Ba con số điện thoại của Ba con; do đó Bà không thể gọi lại Ba con để lấy tư liệu cá nhân của con. Bà nhờ văn phòng tuyển mộ tại Austin ghi tên họ, địa chỉ và hai số điện thoại của Bà rồi chuyển đến con với lời nhắn: Nếu con nhận ra Bà là “bà Việt Nam”, hãy gọi Bà ngay; vì Ba con rất khổ tâm và lo lắng cho con! 

-Cảm ơn Bà đã tìm con. Tụi con thương nhớ Ba con nhiều lắm. Nhưng Mẹ con cũng vẫn cấm tụi con liên lạc với Ba của tụi con! Mẹ con bảo, nếu tụi con liên lạc với Ba con thì Mẹ của con sẽ... tự tử chết! 

******

Trong khung cảnh nhộn nhịp, vui tươi, nhìn Thảo rạng rỡ với chiếc áo cưới màu trắng, vương miệng cũng màu trắng và bó hoa hồng trên tay, Bảo vẫn cảm nhận được sự trống vắng trong hồn chàng. Bảo thở dài, nhìn sang bạn gái, tự hỏi: Nếu sau này, con mình lập gia đình mà mình không được tham dự, mình sẽ nghĩ như thế nào? Con của mình sẽ nghĩ gì? Nếu con gái của mình phải cầm tay một người đàn ông khác trong những bước first dance – vì mình không được nhận vinh dự đó – thì con gái của mình sẽ cảm nhận như thế nào? Mình có đủ can đảm để vượt qua nỗi đau quá lớn đó hay không? Nỗi buồn trong lòng mình sẽ sâu đến độ nào?... Đang suy tư, Bảo chợt nghe giọng bạn gái:

-Bảo, đứng lên! Đứng lên, đi ra với cô dâu.

Bảo nắm tay Thảo bước vào sân khấu trong tiếng vỗ tay rộn rã. Nhìn nụ cười rạng rỡ của Thảo, Bảo cảm thấy thương em vô cùng và cũng nhớ Ba vô vàn! 

Ban nhạc dạo hết phân đoạn đầu tình khúc She Walks With Me của Michael W. Smith, ca sĩ “bắt” vào: 

From the first breath of her life 
She flew straight into my arms 
I used to catch her from the swings 
When she was five... 
... And she walks with me 
And she talks with me...” 

Lời ca gợi lại trong hồn Bảo hình ảnh những buổi chiều hạnh phúc xưa, khi Bảo và Thảo cùng Ba đi bộ quanh xóm... Kỷ niệm vừa sống lại trong hồn, Bảo đưa tay quẹt nước mắt. Thảo vừa bước theo vòng tay đưa đẩy của Bảo vừa nhìn Bảo, khẽ nói: 

-Bảo! Anh gắng vui trong ngày trọng đại của đời em. Em thương anh.

Bảo tự hỏi: Ngày trọng đại của đời em mà Ba của em không được phép hiện diện! Có bất công cho em hay không? Sự bất hòa giữa Cha Mẹ là chuyện của Cha Mẹ, tại sao bắt con phải nhận lãnh hậu quả? Với hai hàng nước mắt tuôn dài, Bảo quay nhanh về phía bàn gia đình và thấy “bà Việt Nam” đang nhìn chàng với ánh mắt đầy xót thương! Mủi lòng quá, Bảo rời sân khấu, bước vội ra cửa trong sự bàng hoàng và xúc động của mọi người!

Bước chầm chậm trong khung trời rực rỡ của lồng đèn màu đỏ, chữ vàng, treo trước mỗi nhà hàng và tiếng trống của đoàn múa Lân, Bảo chợt nhớ những mùa xuân xưa, khi Bảo và Thảo được mặc quần áo mới, được Ba Mẹ đưa đi chúc Tết bà con và bạn hữu. Bảo và Thảo được “lì xì” tiền mới. Khi về nhà, Ba bày Bảo, Thảo và mấy đứa bé cùng xóm chơi “bầu, cua, cá, cọp”... Nhớ đến đây, Bảo tủi thân, tựa vào trụ đèn, gục đầu vào lòng bàn tay, dáng vẻ rất khổ sở. 

Bất ngờ, một bàn tay nhẹ nhàng đặt lên vai của Bảo, giọng dịu dàng:

-Hi, Bảo! 

Quay sang, nhận ra bà Hồng, Bảo hơi khom xuống, vừa hug Bà vừa thì thầm:

-“Bà Việt Nam”! Con buồn quá!

-Bà hiểu. Nhưng, con gắng vượt qua để niềm vui của em con được trọn vẹn

-Con phải làm gì bây giờ?

Bà Hồng chưa kịp đáp thì chiếc truck màu đỏ của nhân viên an ninh tuần tiễu chạy chầm chậm ngang qua. Nhìn theo chiếc truck, niềm thương nhớ Ba lại cuồn cuộn trở về rồi òa vỡ trong lòng, Bảo không thể tự chủ được, gọi lớn: “Truck! Bring my daddy back! I want my daddy to be here for my sister’s wedding!  

 

Điệp Mỹ Linh 

https://www.diepmylinh.com/

Pin on dad I love and miss you so much

 

Điệp-Mỹ-Linh là bút hiệu của Nguyễn Thị Thanh-Điệp, được sinh ra tại Dalat.

Điệp-Mỹ-Linh được thân phụ - cụ Nguyễn Văn Ngữ - dạy nhạc ngay từ khi còn bé. Khởi đầu Điệp-Mỹ-Linh học đàn Mandoline; lớn hơn một tý Điệp-Mỹ-Linh học đàn Accordion.

Học hết bậc tiểu học tại trường Domain de Marie, Điệp-Mỹ-Linh theo gia đình về quê Nội, Nha-Trang. Tại Nha-Trang, Điệp-Mỹ-Linh theo học trường trung học Võ-Tánh.

Cũng tại Nha-Trang, cụ Nguyễn Văn Ngữ thành lập ban Ca Nhạc Bình-Minh để phụ trách phần văn nghệ cho Đài Phát Thanh Nha-Trang, vào tối thứ Năm và tối Chủ Nhật. Điệp-Mỹ-Linh đàn Accordion và hát, dùng tên thật, Thanh-Điệp.

Thời gian này cụ Nguyễn Văn Ngữ viết cho báo Đuốc Thiêng, dùng bút hiệu Điệp-Linh. Điệp-Mỹ-Linh cũng được thân phụ khuyến khích cầm bút.


Điệp-Mỹ-Linh bắt đầu viết từ năm 1961 và có bài đăng trên Đuốc-Thiêng, Tin-Sáng và Tia-Sáng với vài bút hiệu khác nhau như: Nguyễn Thị Kiều-Lam, Thanh-Điệp, Thủy-Điện và Điệp-Mỹ-Linh.

Sau bậc trung học, Điệp-Mỹ-Linh theo học Luật tại Đại Học Luật Khoa Saigon.

Sau khi định cư tại Hoa-Kỳ, năm 1975, Điệp-Mỹ-Linh không còn dùng những bút hiệu khác nữa.

 

Những tác phẩm đã xuất bản của Điệp-Mỹ-Linh:

 

Quý vị có thể liên lạc với Điệp-Mỹ-Linh tại:

diepmylinh@rocketmail.com
P.O. Box 401

Alief, Texas 77411  U.S.A.

 

Xem thêm...

Một thuở homeless - Yên Sơn

MỘT THUỞ HOMELESS

Yên Sơn

Một Thuở Homeless - VVNM 2022 - Việt Báo Viết Về Nước Mỹ

Buổi sáng vào sở hắn được người Giám đốc cho biết hôm nay hắn sẽ đem giao xe ở Uvalde City Dealership, lấy một chiếc khác ở đó mang đi giao ở San Antonio, xong sẽ có một chiếc cho hắn mang về. Nhưng khi đến Uvalde thì được chủ gọi về ngay. Hắn bồn chồn hỏi lý do nhưng người chủ hãng chỉ nói, “Mầy lấy chiếc xe dự định đem đi San Antonio mang về đây để ngày mai sẽ giao. Mầy lái xe về cẩn thận, dù không có gì nghiêm trọng lắm nhưng mầy cần phải về ngay.”

Trên đường về, đầu óc hắn suy nghĩ lung tung. Không biết chuyện gì xảy ra mà bị gọi về ngay như vậy! Hai chú em có vấn đề gì không. Trong đầu hắn tư tưởng lộn xộn – Công việc của hai chú em nhàn nhã, không nguy hiểm gì; từ lúc vào làm việc đến giờ, anh em hắn vẫn được khen ngợi siêng năng… Hay là…. hay là có tin tức gia đình?! Cái ý nghĩ này thoáng lên cũng làm hắn choáng ngợp vì hồi hộp.

Chẳng qua là từ lúc rời trại tỵ nạn đến nay, anh em hắn đi tới đâu, làm với ai đều được những nơi liên hệ khai báo với Hội USCC (United States Catholic Charity) một cách đầy đủ. Cơ quan nầy là một trong nhiều hội thiện nguyện bảo trợ người tỵ nạn lúc ban đầu. Mặc dù “bà già” trực tiếp bảo trợ anh em hắn ra khỏi trại, bảo đảm lo nơi ăn chốn ở cho anh em hắn lúc ban đầu; dù vậy, trên giấy tờ vẫn phải qua một hội từ thiện. Điều nầy đã được giải thích rõ ràng cho anh em hắn trước khi rời trại. Sở dĩ họ làm vậy cũng chỉ để thông báo kịp thời nếu có tin tức liên quan đến thân nhân, gia đình bên nhà.

Con đường từ Uvalde về lại Pearshall là một con đường nhỏ, tráng nhựa phẳng phiu và ít xe qua lại. Con đường buổi sáng thật êm đềm, thật tĩnh lặng, hắn một xe một người giong ruổi đi. Phóng tầm mắt mải mê nhìn ngắm, tai nghe nhạc du dương; cây hai bên đường xanh mượt lá nối liền nhau như một dải lụa xanh biếc, dài vô tận. Lâu lâu có những khúc quanh co, lên đồi xuống dốc trông rất ngoạn mục. Bỗng chốc hắn quên mất mình là ai, đang ở đâu, làm gì. Hắn vô tâm quên đi quá khứ, quên luôn hiện tại…

Thế nhưng, cũng con đường nầy mà giờ đây hắn không còn tâm trí, lòng dạ nào để thưởng ngoạn. Hình ảnh gia đình, bóng dáng của những người thân yêu ngập tràn tim óc làm cay xè trên mắt.

Vừa qua một khúc cua, hắn giật mình khi thấy chiếc xe cảnh sát chớp đèn xanh đỏ rượt theo. Liếc nhanh kính chiếu hậu, liếc qua đồng hồ tốc độ thấy kim chỉ vượt con số 100! Hắn buông ngay chân ga, rà thắng chậm lại trong lúc xe cảnh sát hụ còi inh ỏi phía sau. Hắn tấp xe vào lề dừng lại ngồi đợi và than khổ, “Chắc không tránh khỏi bị giấy phạt nặng!” Viên cảnh sát đến bên hông, ra dấu cho hắn mở kính xuống. Ông ta từ tốn hỏi hắn có việc gì nghiêm trọng mà chạy quá sức nhanh vậy. Hắn nói không có gì, chỉ là đang miên man suy nghĩ nên không để ý. Cảnh sát lại hỏi, “Bạn có biết tốc độ của bạn bao nhiêu không?” Hắn nói thấy khoảng một trăm. Viên cảnh sát bật cười, “Trời đất ơi OMG! Bạn đã chạy gần gấp đôi tốc độ giới hạn 65m/hr; cho xem bằng lái xe và bảo hiểm!”

Tay run run lục bóp tìm bằng lái. Trong lúc đưa bằng lái xe cho viên cảnh sát, hắn buột miệng, “Ông có thể tha cho tôi lần nầy không, vì tôi đang nóng lòng nghĩ tới gia đình tôi ở VN bây giờ không biết họ có an toàn hay không nên quên mất tốc độ!” Viên cảnh sát nói, “À bạn là người tỵ nạn VN mới tới phải không?” Hắn vừa gật đâu vừa nói yes yes. Viên cảnh sát biểu hắn tắt máy và ngồi đợi trong lúc ông ta mang giấy tờ của hắn trở lại xe của mình.

Sau một lúc lúi cúi trong xe, viên cảnh sát trở lại với cuốn sổ phạt trên tay; ông ta nói, “Tôi chắc là bạn rất mong muốn gặp lại gia đình và những người thân yêu, nhưng nếu cứ lái xe với tốc độ nầy thì có ngày sẽ không còn cơ hội gặp lại họ. Tôi thông cảm hoàn cảnh và sẽ chỉ viết giấy cảnh cáo lần nầy, cố gắng bình tĩnh trong mọi trường hợp; nhiều khi với sự bất cẩn của bạn không những mất mạng mà còn gây tai hại cho người khác nữa.” Nói xong ông trả lại giấy tờ và đưa cuốn sổ biểu hắn ký vào tờ giấy. Hắn cám ơn lia lịa và hứa sẽ chạy rất cẩn thận sau nầy. Nói xong, hắn cắm cúi ký vào tờ giấy màu vàng, đưa trả lại và nhận một bản sao. Hắn cám ơn ông ta lần nữa trước khi viên cảnh sát quay lưng với câu chúc may mắn.

Hắn ngồi thêm một lúc nữa để niềm vui lắng xuống và lấy lại bình tĩnh. Thấy xe cảnh sát vẫn chớp đèn phía sau như chờ đợi hắn lái đi. Hắn nổ máy rời đi. Xe cảnh sát chạy theo hắn một quãng đường nữa rồi đi vòng lại phía ngược chiều. Hú hồn, hắn thầm nghĩ.

 

Về đến nơi hắn vào ngay văn phòng Giám đốc. Sau khi ký vào sổ sách giao nhận, ông Giám đốc mời hắn ngồi trước bàn làm việc. Hắn thấy vẻ nghiêm trọng của ông ấy đâm ra áy náy. Có lẽ thấy sự lo lắng của hắn hiện ra mặt hay sao đó, ông Giám đốc từ tốn nói, “Mầy yên tâm, không có gì nghiêm trọng lắm đâu. Chỉ là mầy về nói với hai thằng em mầy từ nay trở đi chúng nó đừng làm như vậy nữa.” Chưa kịp mở miệng hỏi việc gì xảy ra thì ông ta nói tiếp:

– Sáng nay sau khi mầy đi, tao giao cho hai anh em chúng nó rửa lô xe mới phía bên phải, rửa được nửa lô thì cả hai biến mất với chiếc Cadilac mới toanh. Chúng tao lo quá cho người tìm kiếm. Cũng may chưa báo cảnh sát. Cả tiếng sau thì chúng nó trở về, nói là thấy xe đẹp quá nên chạy thử một vòng ra nông trại. Tao bực mình quá nên cho chúng nó về nghỉ hôm nay rồi!

Về tới nhà thấy hai chú em đang ngồi học tiếng Anh. Thấy tôi bước vào hai chú giật mình. Chú lớn hỏi:
– Anh cũng bị đuổi việc như tụi em hả?
– Không, chỉ được về sớm thôi. Hai chú làm gì mà bị đuổi?
– Bộ người ta không nói với anh sao?
– Có chứ! Các chú thiệt hết chỗ nói. Chưa có bằng lái xe mà dám lén xách xe mới của người ta chạy đi chơi. May không xảy ra tai nạn và cũng may họ không báo cảnh sát.
– Mình chỉ chạy đi chơi một vòng rồi về thôi mà, làm gì phải gọi cảnh sát?
– Nếu người ta nghĩ các chú ăn cắp xe thì đã báo cảnh sát rồi ông ơi!
– Ghê vậy sao?
– Tôi mắng yêu:
– Đứa nào cũng to đầu rồi mà suy nghĩ như con nít.
– Nhưng họ cũng đuổi tụi em rồi!
– Tại ông chủ giận hai chú thiếu suy nghĩ nên cho về để dằn mặt thôi. Ông ấy nói với anh ngày mai các chú trở lại làm việc bình thường; chỉ là phải hứa với họ từ nay trở đi đừng làm những chuyện không được phép nữa.
– Ôi mừng quá anh Tư! Hứa thì hứa. Người ta tốt quá anh Tư héng. Tụi em xin lỗi đã làm anh Tư buồn.
– Anh em mình nên cố gắng làm tốt công việc của mình; dành dụm thêm ít tiền nữa để trở lại San Antonio tìm một công việc khá hơn và các em cần phải trở lại trường nữa. Ngoài ra, ở thành phố dễ tìm cách liên lạc với gia đình hơn.

Hôm sau, cả ba anh em hắn trở lại sở, vẫn thấy mọi người vui vẻ, đối xử bình thường, không ai nói gì về chuyện xảy ra hôm qua. Hai chú nhỏ vẫn giúp việc lặt vặt ngoài việc chính là rửa các lô xe cũ mới bày bán. Hắn vẫn ngày ngày chuyển xe đi, đưa xe về từ các làng mạc, phố xá lân cận. Ông Quản Đốc tốt bụng đã giúp hai em hắn học thi đậu bằng lái xe dù anh em hắn vẫn chưa nghĩ đến việc mua xe riêng, vì nhà trọ chỉ cách chỗ làm vài dặm đường. Ngày ngày đi bộ đến sở làm.

Một hôm, anh em đang trên đường lội bộ đến hãng, gặp ông Quản đốc đi ngang, ông ta dừng lại chở ba anh em về hãng. Chiều sắp về, ông ta gọi hắn vào văn phòng đưa chìa khoá nói cho mượn chiếc xe để anh em làm phương tiện di chuyển. Chiếc Chrysler sedan 6 chỗ ngồi, màu trắng, đời ’68, mới chạy hơn 5 ngàn đặm nằm trong khu xe cũ để giá bán $1,000.00.

Một thuở homeless

Thế rồi “ngày qua ngày lại qua ngày,” tin tức gia đình vẫn bặt vô âm tín. Khi thu đã về ngang, cảnh nhộn nhịp của mùa thu hoạch ở nông trại đã hết, phố xá trở nên quạnh quẽ hơn, hơi lạnh cũng bắt đầu ùa về. Hai chú em có lẽ không kham nổi sự khó nhọc và cô đơn nên cứ bệnh lai rai cộng với nỗi nhớ nhà làm cho hai chú nhỏ kém vui, biếng ăn, biếng ngủ. Nhìn hai chú em, tuy đã ở tuổi trưởng thành nhưng tâm hồn vẫn đơn sơ, mộc mạc, bé thơ. Hai chú nhỏ như cây non bị bứng gốc đem rồng nơi xứ lạ, lòng hắn xót xa đắng chát. Hắn nhủ thầm, “Chắc phải một sớm một chiều cho các chú trở lại trường học, trở lại phố phường để còn có tương lai.”

Một ngày Thứ Sáu, khi hắn đi giao xe ở San Antonio, ghé thăm Phát, người bạn thân từ lúc vào lính đến giờ, cũng là người cùng xuất trại một lúc với hắn. Hắn kể tình cảnh của anh em hắn và tỏ ý muốn tìm cách về lại phố mà chưa có giải pháp. Phát tâm tình:

– Tụi mình đã mất tất cả chỉ còn cái mạng may mắn đến được chốn nầy. Hoàn cảnh hiện tại chỉ có mình tự cứu mình thôi. Hãy can đảm lên, chúng ta đã từng cận kề sinh tử, vượt qua bao thử thách để vươn lên thì hoàn cảnh hiện tại cũng chỉ là một thử thách khác. Như một câu nói mình thường nghe, “Nếu đã đủ quyết tâm nhất định sẽ có cách” (There is a will there is a way).

Chia tay Phát mà câu nói cuối cùng của nó vẫn lảng vảng trong đầu hắn trên suốt chặng đường về. Tự nhiên hắn nhớ lại những lần mà hắn nghĩ là không thể… như tập “bay hợp đoàn lần đầu tiên trên chiếc khu trục T-28B,” “ngồi trên ghế phải trong phòng lái trên chiếc C.123K lần đầu để tập làm pilot của loại vận tải cơ lớn nhất nước,” “mời một người đẹp không quen biết ra sàn nhảy Tango trong buổi tiệc cuối khoá khi vừa học xong khoá nhảy đầm;” và nhiều cái “lần đầu” khác… trong đời. Nghĩ tới đó lòng hắn đã quyết.

Về tới nơi, hắn bàn với hai chú em chuyện xin nghỉ việc về phố. Hai chú nhỏ reo mừng. Chúng nó làm như chuyện rời khỏi nơi nầy là một ân huệ! Thế là chờ đến Thứ Hai tới, buổi chiều chuẩn bị ra về, hắn lên văn phòng Quản Đốc, ngập ngừng, ấp úng một hồi rồi nói:

– Anh em chúng tôi vô cùng biết ơn ông đã giúp đỡ và thương mến chúng tôi trong thời gian qua. Nhưng như ông thấy đó, hai đứa em tôi lúc nào chúng nó cũng buồn lo, nhớ nhà. Chúng tôi phải về phố để dễ tìm kiếm tin tức thân nhân, gia đình chúng tôi còn kẹt ở Việt Nam và tôi rất muốn cho hai chú em trở lại trường để còn có tương lai. Dù rất buồn phải xa ông và mọi người ở đây nhưng không thể có một tương lai bất định như bây giờ. Hôm nay xin được báo ông biết, hai tuần nữa chúng tôi xin nghỉ việc!

Người Quản Đốc tỏ vẻ bất ngờ và cử chỉ có nhiều băn khoăn:
– Tụi mầy đã tìm được chỗ ở chưa mà đi? Về phố rồi sinh sống thế nào? Hay là chịu khó làm tới cuối năm để dành thêm ít tiền nữa rồi hãy đi?

Thấy ông ta quá quan tâm nhưng lòng hắn đã quyết nên đành nói dối:
– Xin cám ơn sự quan tâm của ông nhưng bạn tôi vừa cho biết đã mướn được nhà ở cho chúng tôi rồi.
– Chúng mầy đã quyết định như thế thì cứ làm như thế. Chúc anh em chúng mầy may mắn. Chúng mầy không cần phải theo tôn chỉ xin nghỉ việc, vì thế có thể ra đi bất cứ khi nào đã sẵn sàng. Nhưng nên nhớ, nếu vì lý do nào đó muốn trở lại đây làm việc, chúng tôi cũng sẽ đón nhận.
– Dạ thưa ông, ông đối xử quá đặc biệt với chúng tôi. Rất khó tìm ra người thứ hai. Xin chân thành cảm tạ ông. Dù gì hai tuần nữa chúng tôi sẽ nghỉ việc.
– OK, chúc may mắn!

Quả quyết là thế, nhưng khi ra khỏi văn phòng lòng hắn bâng khuâng, xao xuyến quá chừng. Một tương lai bất định đang chờ đợi anh em hắn phía trước. Hắn chưa tìm ra cầu trả lời đơn giản nhất, “Về phố rồi sẽ ở đâu, làm gì?” Hắn không dám thông báo cho bà già bão trợ, chỉ nói cho Phát biết. Thằng bạn cũng lơ tơ mơ không thua gì hắn ngoài câu xúi giục, “…thì mầy cứ về tới nơi rồi tính.” Nó làm như anh em hắn về ở nhà nó luôn không bằng, trong khi nó đang ở housing của thành phố chỉ đủ chỗ cho hai vợ chồng và đứa con gái nhỏ tá túc.

Những ngày kế tiếp anh em hắn thu xếp đồ đạt cho vào thùng. Thật ra cũng chẳng có gì nhiều ngoài những bộ quần áo cũ và một ít vật dụng hàng ngày đựng đầy cốp xe.

Tuần lễ kế tiếp, ông Quản Đốc gọi hắn vào văn phòng, đề nghị là ông ấy bán rẻ cho anh em hắn chiếc xe cũ mà họ vẫn cho hắn mượn chạy mỗi ngày với giá tượng trưng để làm phương tiện. Ông nói chỉ lấy giá tượng trưng thôi vì biết anh em hắn không có bao nhiêu tiền. Hắn chỉ cần trả $500 và hãng sẽ giúp sang tên giấy tờ tại chỗ (vì họ là hãng mua bán xe nên không khó khăn gì mấy.) Họ cũng bao luôn tiền bảo hiểm xe 6 tháng. Hắn mừng ơi là mừng. Chiếc xe hơi đầu đời mà hắn được làm chủ. Hắn hết lời cám ơn tấm lòng nhân ái của họ.

Trong lúc nghỉ trưa, hắn biểu hai em ngồi lên xe chạy một vòng nông trại và nói sự tình cho chúng biết. Ôi! Anh em hắn mừng quá là mừng. Chú lớn phát ngôn:
– Vậy là mình có sẵn phương tiện chạy xe về phố tìm việc rồi anh Tư héng?
– Mấy hôm nay tụi em lo quá, không biết anh Tư tính sao mà lặng yên. Chú nhỏ nói vào.

Hắn cười toe:
– Chưa tính được thì đâu có gì để nói!

Những ngày còn lại, vừa làm việc vừa thăm dò nơi ăn chốn ở sắp tới; thế nhưng tới ngày Thứ Sáu cuối cùng vẫn chưa thấy ánh sáng… Dù vậy, trong thâm tâm vẫn tin tưởng thế nào cũng có phương cách giải quyết, vì từ lúc rời trại tỵ nạn tới giờ toàn gặp những người tốt bụng luôn sẵn lòng giúp đỡ. Từ ấy đến nay mọi việc vẫn được suôn sẻ.

 

Buổi trưa ông Quản Đốc gọi anh em hắn vào văn phòng để chào từ biệt. Ông hỏi mấy anh em có thay đổi ý định không. Hắn xác định với ông ta hôm nay là ngày cuối cùng, mọi việc xếp đặt xong hết rồi, mai sẽ lên đường. Ông bùi ngùi nói lời chia tay và cầu chúc mọi việc may mắn. Ông cho ba anh em về sớm để sửa soạn; đưa chi phiếu tiền lương cuối cùng, tặng thêm mỗi người $100 tiền mặt để làm lộ phí, bắt tay nồng nhiệt và chúc may mắn. Trước khi kịp quay đi, ông lặp lại câu đề nghị, “Anh em muốn trở lại làm việc bất cứ lúc nào.” Anh em hắn cảm động đến ứa nước mắt trước tấm lòng cao thượng của họ. Ba anh em làm việc cật lực ngày 8 tiếng và mỗi tuần lãnh về chỉ có hơn một trăm, vậy mà được tặng tới $300 sau khi vừa bán vừa cho chiếc xe khá tốt, trả luôn bảo hiểm… không cảm động sao được!

Anh em hắn chào tất cả mọi người. Ai cũng bùi ngùi nói lời từ biệt và chúc lành. Hắn lái xe ra về, trực nghĩ đến David – người bạn Mễ mới quen vài tháng qua là công nhân viên của sở thất nghiệp Pearsall đã giúp anh em hắn tìm được công việc nầy khi vừa nghỉ việc nông trại. Cũng là người tìm giúp anh em hắn tìm được nơi cư trú hôm nay; biết anh em hắn thích đàn hát nên cho mượn chiếc đàn guitar làm phương tiện giải trí. Và khi vô làm mới biết công việc hãng không cần phải mướn thêm người làm, chỉ là sau khi nghe hoàn cảnh của anh em hắn nên đồng ý mướn với lương tối thiểu chỉ để làm việc lặt vặt mà cũng không hỏi gì thêm.

Về tới nhà, hắn bỗng nảy ra quyết định đi ngay hôm nay thay vì sáng mai như dự định. Hai chú em nghe thế vui ra mặt, đồng ý liền. Hắn qua mượn điện thoại ông chủ nhà gọi cho David biết rằng anh em hắn sẽ đến từ giã về phố. David rất bất ngờ, im lặng một lúc mới hỏi:

– Tụi mầy không đùa với tao đấy chứ?
– Chuyện quan trọng mà đùa sao được David. Hắn trả lời.
– Vậy mầy lo cách nào để có thể thuê nhà dưới phố? Rồi việc làm nữa?
– Để tao tới đó gặp nhau rồi nói chuyện thêm.

Anh em hắn khuân đồ đạc chất vào xe, mang theo chiếc đàn trả cho David, rồi qua từ biệt ông bà chủ nhà, trả chìa khoá. Ông bà cũng giật mình hỏi sao đã nói sáng mai mới lên đường? Hắn nói được cho về sớm nên đi luôn cũng tiện. Lưu luyến cám ơn và chia tay ông bà. Ông bảo chờ ông một chút, xong đi tới bàn viết hý hoáy viết trên một mẩu giấy nhỏ rồi trở lại đưa cho hắn với lời dặn:

– Đây là tên, địa chỉ và điện thoại nhà của gia đình con trai chúng tôi ở Houston, là gia đình mà các cháu đã gặp mấy tuần trước đó. Chúng nó cũng nói tốt về các cháu sau lần gặp gỡ đó. Về Houston nếu có cơ hội cứ tới thăm chúng nó. Chúng tôi sẽ báo trước.

Cầm tờ địa chỉ trong tay, hắn bỗng thấy hình bóng của cô bé Deana hiện đầy trong nỗi nhớ:

– Cám ơn ông bà, tôi sẽ thăm họ khi có cơ hội. Ông bà giữ gìn sức khoẻ. Chúng tôi xin tạm biệt. Nếu có lần trở lại nơi đây nhất định sẽ đến thăm ông bà.

Anh em hắn bước ra khỏi nhà, nhìn thêm lần cuối nơi đã dung dưỡng anh em hắn mấy tháng qua; lòng buồn buồn nhìn những cụm hoa cúc trước sân mà anh em hắn giúp bà cụ săn sóc mỗi chiều đi làm về nay đã đầy nụ vàng chuẩn bị rực rỡ vài tuần nữa đón mùa thu mới. Họ lên xe chạy tới sở thất nghiệp. Tới nơi đã thấy David đứng chờ trước cửa. Thấy chú em cầm chiếc đàn đi tới, David khoát tay lia lịa, “Tụi mầy giữ lại đi, quà tặng của tao cho anh em mầy đấy. Giữ làm kỷ niệm.” Thấy David có vẻ dứt khoát, hắn cám ơn và bảo chú em mang đàn trở lại để vào xe. Hắn nói thật với David về hoàn cảnh hiện tại. David giật mình, ngó hắn chăm chăm, “Mầy thật là điên! Tao không nghĩ ai điên hơn mầy với quyết định như vậy.”

– Tao biết – Hắn gãi đầu nói tiếp – nhưng hai đứa em tao nó không thích nghi được với cuộc sống nầy và tao có bổn phận phải thay cha mẹ tao lo cho chúng nó. Tụi tao đã quyết định phải đi thôi.

David lắc đầu lia lịa:
– Tao chưa thấy ai liều lĩnh hơn chúng mầy. Đành vậy, vào văn phòng, tao viết cho mầy một thư giới thiệu với sở thất nghiệp ở San Antonio.

David vừa nói vừa ngồi vào bàn giấy gõ máy chữ lọc cọc. Trong khi đó hắn bảo hai chú em ra ngoài đợi. Ngồi ngó nó chăm chú làm việc với cái mặt buồn thiu lòng hắn cũng nặng trĩu một nỗi buồn và cảm động. Khoảng 5 phút sau, David đưa hắn một phong bì và dặn đi dặn lại.

– Sáng Thứ Hai chúng mầy đến ngay văn phòng ở địa chỉ trong thư và trao thư nầy cho ông Robertson, giám đốc của sở. Tao chắc ông ta sẽ tìm được việc cho anh em mầy ngay. Thôi tụi mầy đi ngay đi kẻo tối. Nhưng tối nay mầy có chỗ ở rồi chứ?

– Có lẽ về ngủ tạm với bạn tao rồi Thứ Hai sẽ xoay trở.

Nói xong hắn mới sực nhớ là mấy hôm nay chưa gọi cho Phát xác nhận ngày về. Hắn mượn điện thoại trên bàn David gọi.

Điện thoại reng rất lâu mà không thấy ai bắt. David ngó thẳng vào mặt hắn khi hắn buông điện thoại:
– Không ai trả lời thì mầy tính sao?
– Chắc nó loanh quanh đâu đó. Tao đã nói nó mấy tuần trước rồi. Thôi tụi tao vọt nha. Tao sẽ tìm cách liên lạc nó sau.

David với vẻ mặt buồn xo, lắc đầu chán nản:
– Trong đời tao chưa từng biết có người liều lĩnh như chúng mầy đây! Chúc may mắn.

Khoảng đường gần 60 dặm nhưng vì là chiều Thứ Sáu nên trên đường có lắm xe qua lại. Phải mất hơn hai tiếng mới về tới nhà Phát. Nhà cửa vắng tanh. Gõ cửa hồi lâu không thấy tăm dạng. Hắn nghĩ có lẽ Phát không biết anh em hắn về chiều nay nên đi chơi đâu rồi. Lỗi của hắn thì đâu có trách ai được. Kiên nhẫn chờ thêm một tiếng cũng chẳng thấy ai trong khi hoàng hôn đã bao phủ chung quanh. Nhìn hai chú em co ro vì hơi lạnh hắn cảm thấy xót ruột quá chừng, chắc phải tìm chỗ trọ qua đêm. Chưa biết hỏi thăm ai, chợt thấy chiếc xe cảnh sát sắp đi ngang, trong đầu hắn bỗng loé lên hình ảnh anh cảnh sát công lộ lần chạy quá tốc độ tháng trước… Cảm tình đó khiến hắn giơ tay ra dấu chặn xe lại. Đợi xe tấp vào lề, hắn đến bên cửa nói:

– Chào anh cảnh sát. Anh em chúng tôi là dân tỵ nạn Việt Nam, vừa ở Pearsall về không rành đường sá ở đây, tính tới ở tạm với người bạn qua đêm mà họ không có ở nhà. Bây giờ chưa biết làm sao, anh giúp chỉ giùm quán trọ nào rẻ tiền, an toàn gần đây để ngủ qua đêm được chứ?

Thấy anh cảnh sát nhướng mắt có vẻ ngạc nhiên. Ông ta bước xuống lề:
– Ồ, các anh là người Việt tỵ nạn huh? Tôi tên Jack, cựu Thuỷ Quân Lục Chiến Hoa Kỳ, từng đóng ở Khe Sanh từ ’70 tới ‘72. Rất vui gặp lại người Việt.

– Oh! Hân hạnh gặp anh, tôi là T., hai em của tôi tên B. và C. Tôi cũng là cựu phi công KQVNCH, chạy thoát khỏi VN cuối ngày 29 tháng Tư. Tôi và nhân dân Miền Nam chân thành cảm tạ anh, cảm tạ những quân nhân Hoa Kỳ đã hy sinh cho lý tưởng tự do trên quê hương đất nước khốn khó của chúng tôi.

Anh cảnh sát thân thiện đưa tay ra bắt cả ba anh em hắn rồi quay qua hỏi hắn:
– Bộ anh không liên lạc trước với bạn sao mà về không gặp?
– Tiếc là tôi quên xác nhận ngày về với nó, mãi tới sáng nay mới nhớ thì gọi không gặp. Tôi tưởng nó không đi đâu nên nghĩ về cũng sẽ gặp. Ai ngờ!
– Các anh cần chỗ ngủ tối nay phải không? Được rồi, tôi có đề nghị như vầy nhưng anh đừng nghĩ tôi xúc phạm các anh nghen.
– Anh nói đi!
– Tôi biết các anh mới đến chắc không có nhiều tiền, anh chạy xe theo tôi. Tôi đưa các anh tới một chỗ tôi quen biết để ở đỡ tối nay mà không phải tốn tiền.
– …
– Rất tiếc tôi phải đi tuần suốt đêm nay nên không trực tiếp giúp các bạn được; tuy nhiên, tôi biết có một chỗ tử tế cho các bạn trú ngụ qua đêm.

Hắn không biết Jack sẽ đưa đi đâu nhưng có lòng tin vào anh cảnh sát. Có được chỗ trú ngụ qua đêm là ổn rồi. Mai tính tiếp.

– Tôi tin lời và cám ơn anh rất nhiều. Tôi sẽ chạy theo xe anh.

Jack móc túi đưa cho hắn tấm danh thiếp, dặn nếu gặp khó khăn gì gọi cho anh ấy, rồi lên xe chạy dẫn đường. Chạy quanh quẹo khoảng 15 phút đến một nơi, thấy trước cửa có nhiều người sắp hàng. Jack đậu xe, ra hiệu cho anh em hắn đợi trong xe, rồi anh đi thẳng vào văn phòng. Một lúc, anh ra ngoắt tay ra hiệu anh em hắn đi vào. Jack đưa anh em tới trước mặt một người đứng tuổi rồi giới thiệu:

– Đây là ông Tom, quản lý khu nhà tạm trú nầy. Ông ấy sẽ giúp ba anh em có chỗ ở tối nay.

Ông Tom đưa tay ra bắt tay ba anh em hắn:

– Chào đón các bạn. Tôi nghe ông Jack nói hoàn cảnh của các bạn rồi. Ở đây là khu tập thể của những người vô gia cư ngủ qua đêm. Tôi sẽ lo chỗ ngủ cho các bạn đêm nay. Yên tâm nhé. Nhớ là 6g sáng thì mọi người đều phải thức dậy, dọn dẹp sách sẽ chung quanh chỗ nằm của mình, đến phòng ăn lãnh phần ăn sáng xong là rời khỏi đây.

Nghe ba chữ “vô gia cư” hắn mủi lòng muốn trào nước mắt. Nhưng Jack ngó hắn gật đầu:
– Ở đây dù là nơi ngủ qua đêm của những người vô gia cư nhưng tôi biết chưa từng xảy ra việc gì đáng tiếc. Ông Tom là một người rất tử tế, đối xử đồng đều với tất cả mọi người. Tin tôi đi, nếu không an toàn tôi đã không mang các anh đến đây. Bây giờ tôi phải đi làm việc, chúc may mắn. Gọi tôi bất cứ lúc nào anh cần.

– Cám ơn Jack. Chúng tôi sẽ ngủ tạm đêm nay ở đây.

Sau khi chia tay với Jack. Ông Tom biểu ba anh em theo ông ta vào khu nhà ngủ. Ông chỉ một chiếc giường tầng và tầng dưới một giường bên cạnh trông cũng tươm tất:

– Ba anh em tạm nghỉ chỗ đó, tôi sẽ mang thêm mền gối sạch tới. Yên tâm, ở đây rất an ninh, dù vậy nên giữ đồ riêng tư cẩn thận. À mà ba anh em ăn tối chưa?

Hắn ngập ngừng nói:
– Dạ chưa có cơ hội.
– Ăn Pizza nhé?
– Dạ vâng!

Ông Tom quay đi, anh em hắn tới giường ngồi nhìn nhau buồn bã, cười gượng gạo. Hai chú em từ đầu đến cuối không nói một câu nào, cứ tò tò đi theo làm theo. Hai chú đứa 17, đứa 19 mà vô tư như trẻ thơ. Có lẽ ở đất lạ quê người, ngôn ngữ không thông thạo nên hành xử như vậy chứ ở VN lanh hết biết. Chú lớn bây giờ mới mở miệng:

– Đúng mà! Anh em mình đúng là vô gia cư!
Ông Tom trở lại với mền gối và một hộp Pizza lớn với 3 chai nước lạnh.

– Dùng tối đi rồi đi ngủ. 6g sáng thức dậy tới phòng ăn lấy phần ăn sáng trước khi rời khỏi đây nhé. Vâng ai cũng phải rời đây 6g chứ không riêng gì các bạn.

– Cám ơn ông Tom rất nhiều. Chúng tôi may mắn được chỗ ngủ tối nay nên mừng lắm.

Ông Tom quay lưng chúc ngủ ngon. Còn lại anh em hắn cố nuốt pizza mà nuốt không vô. Chú nhỏ nói với giọng sũng nước mắt:

– Không biết Ba Mẹ và anh chị em bây giờ ra sao!
– Để từ từ ổn định rồi anh sẽ tìm hỏi. Hắn an ủi.

Một đêm ngủ đầy mộng mỵ. Ngủ ít mà lo toan cho ngày mai thì nhiều. Chú nhỏ có lẽ nỗi nhớ nhà luôn đè nặng tâm tư nên đêm ngủ thấy mấy lần khóc gọi mẹ ơi! Hắn cũng ứa nước mắt nhớ nhà nhưng vì là anh lớn nên phải luôn chứng tỏ bình thản với hiện tại. Giấc ngủ chập chờn đến rạng đông, thấy mọi người chung quanh xôn xao gọi nhau thức dậy. Hắn không có đồng hồ nhưng chắc đã đến giờ phải rời khỏi đây. Gọi hai chú nhỏ uể oải lầu bầu nhưng cũng phải thức dậy, xếp giường gối ngay ngắn, tìm nơi làm vệ sinh xong đến văn phòng chào từ giã ông Tom. Ông Tom biểu lấy thức ăn sáng trước khi đi nhưng hắn nói lời cám ơn và từ biệt. Ông Tom chúc may mắn rồi dặn thêm:

– Nếu tối nay các bạn còn cần chỗ ngủ cứ trở lại.
– Cám ơn ông, chúng tôi hy vọng người bạn trở về nhà hôm nay, nếu vẫn không tìm được chỗ ngủ thì chắc sẽ đến nhờ ông giúp nữa.

Ba anh em lên xe, nhắm hướng nhà Phát chạy tới.

Nhà Phát vẫn đóng cửa im lìm. Chắc là dịp cuối tuần nên nó đưa vợ con đi chơi đâu đó rồi. Anh em hắn chạy vòng vòng tìm một quán ăn nhỏ ăn sáng rồi ngồi đồng gần hơn tiếng đồng hồ. Cuối cùng vẫn không biết làm sao, bàn tính với nhau chạy về thăm bà già bão trợ rồi tính sau. Dặn với nhau đừng nói gì với bà về tình cảnh hiện tại.

Bà Perrin mừng đón. Bà nói thằng John – con trai bà – vừa đi thăm nông trại, có lẽ chiều mới về. Vào nhà ngồi chơi, bà hỏi thăm “việc ăn ở hiện tại ra sao, công việc nông trại chắc chắn là vất vả lắm.” Bà tỏ vẻ hối tiếc là không thể giúp gì hơn được. Bà hỏi đủ thứ chuyện nhưng anh em hắn cố ậm ừ cho qua; vậy mà bà nói, “Mới có mấy tháng mà hai thanh niên nầy đã nói và hiểu được khá nhiều tiếng Mỹ rồi đó.” Bà có biết đâu từ ngày rời vòng tay cưu mang của bà để theo ông chủ nông trại về làm ruộng rẫy, rồi mưa nắng chịu không nổi phải bỏ việc qua làm cho hãng mua bán xe khá lớn trong vùng. Rồi bây giờ đang làm một việc liều lĩnh gần như điên rồ mà dẫu bà có nằm mơ cũng không thể tưởng tượng nỗi. Trong câu chuyện, bà khuyên anh em cố gắng làm việc chăm chỉ, để dành thêm ít tiền, nên tính chuyện đầu năm tới trở lại phố lo việc học hành. Anh em hắn cố tỏ ra vui vẻ cho bà yên lòng; hắn khoe với bà đã mua được chiếc xe với giá rẻ mạt. Bà hơi bất ngờ nghe giá mua, gật đầu, cảm tạ Chúa, tấm tắc khen người tốt.

Nói chuyện được một lúc lâu, hắn nói với bà là hôm nay về thăm bà và John nhưng rất tiếc John không có ở nhà. Buổi trưa anh em hắn muốn mời bà dùng bữa ở một nhà hàng nào bà ưa thích nhất. Bà không chịu đi nếu không để bà trả tiền. Hắn cũng không muốn bà phải tốn kém thêm trong khi bà sống với đồng lương hưu ít ỏi. Hắn xin phép cho anh em qua thăm ông bà Johnson, ông bà hàng xóm tốt bụng – người đã mua cho anh em hắn bộ nồi niêu soong chão rồi đánh xe đưa anh em hắn tới nông trại dạo nọ.

Nhà ông bà Johnson chỉ cách bà Perrin mấy căn, anh em vừa đi bộ vừa dặn nhau đừng tiết lộ hoàn cảnh mình cho ông ấy biết. Ông bà Johnson cũng vui mừng chào đón, nhất là ông. Ông tỏ vẻ đặc biệt quan tâm đến đời sống hiện tại của anh em hắn. Thấy người ta ai cũng quan tâm đến mình, lòng hắn vô cùng xúc động nên chỉ muốn cho họ yên lòng, đành phải giấu biến chuyện riêng tư. Hắn chỉ nói nhân cuối tuần chạy về thăm bà Perrin, thăm ông bà rồi trở lại.

Từ giã ông bà Johnson và bà Perrin, hắn đề nghị với hai chú em, đi chợ mua bánh mì, thịt, và nước uống rồi ra ngoài công viên ăn trưa, đi dạo, chờ Phát về. Dù sao cũng yên tâm chỗ ngủ tối nay nếu Phát đi chơi chưa về tới. Hắn cố gắng làm tỉnh để hai chú nhỏ yên tâm.

Không bao lâu đã tới 5g chiều. Ba anh em chạy tới nhà Phát gõ cửa. Vẫn không thấy tăm hơi gì cả. Hắn nghĩ dù Phát có đi đâu thì tối Chủ Nhật cũng sẽ về để hôm sau còn đi làm. Hắn quyết định anh em phải trở lại chốn “vô gia cư” thêm một đêm nữa.

Ông Tom vui đón anh em hắn trở lại. Cũng như chiều hôm qua, ông ân cần chỉ chỗ ngủ, mền gối và nhắc lại quy định. Cũng đề nghị cho ăn tối, nhưng anh em hắn nói đã ăn rồi, chỉ xin ba chai nước và nói chắc rằng, chiều mai thì bạn hắn nhất định sẽ về.

Trằn trọc mãi đến gần sáng, chợp mắt được một lúc thì mọi người đã lao xao thức dậy. Và cũng như hôm qua, anh em hắn nói lời tạ từ với ông Tom sau khi vệ sinh cá nhân. Hắn chạy thẳng tới chợ mua cà phê và bánh ngọt, và những thức cần dùng cho nguyên ngày rồi anh em trở lại công viên ăn sáng và tìm băng ghế nằm ngủ gà ngủ gật. Hai chú em hỏi nếu anh chị Phát không về hôm nay thì mình làm sao. Hắn tỉnh bơ nói, “Chắc thế nào anh chị cũng về để mai còn đi làm chứ. Trong trường hợp không về thì mình lại… “vô gia cư!” Ba anh em cùng cười méo xẹo sau câu nói nửa đùa nửa thật của hắn.

4g chiều chạy tới nhà Phát. Vũ như cẩn là vẫn như cũ”, cửa đóng then cài. Ba anh em ngồi trong xe trước nhà chờ đợi…

Đang ngon giấc thì choàng tỉnh vì tiếng đập cửa. Mở mắt ra thấy Phát đứng đó. Mừng ơi là mừng. Hai chú em nhảy xuống xe ôm chầm ông anh bạn.
– Sao mấy anh em về mà không báo trước? Phát ngó hắn hỏi.
– Tao đâu có biết mầy đi chơi nơi khác!
– Về từ lúc nào mà ngủ ở đây?
– Về từ chiều Thứ Sáu…
– Ôi trời ơi! Rồi tụi mầy ở đâu mấy hôm nay?
– Ôi chuyện dài, vào nhà rồi kể.

Khi mọi người an vị, hắn kể đầu đuôi, vợ Phát ngồi khóc ngon lành. Hắn xin ngủ nhờ, ngày mai chắc mọi việc rồi sẽ ổn.

Sau cùng Phát nói:
– Thôi được rồi, đừng lo lắng nữa. Anh em đùm bọc với nhau. Tụi mầy yên tâm ở tạm với gia đình tao. Nhà có hai phòng, anh em mầy ở tạm phòng bé Thảo.

Nói xong hắn quay qua nói với vợ lo việc ăn tối. Lan, vợ Phát nói phở đã nấu sẵn, chỉ hâm nóng lại thôi. Lan đi vào bếp, Phát mở tủ lạnh mang ra bốn chai bia chia cho mỗi người. Hai chú em vui quá. Chú nhỏ vui với bé Thảo con gái của Phát, còn chú lớn theo hai anh ra ngoài hiên uống bia, hút thuốc bàn chuyện sắp tới…

Ôi chai bia thật ngọt ngào, điếu thuốc cũng rất thơm tho. Lòng hắn ấm lại, bồi hồi giống như cảm giác ngày xưa sau mỗi lần xung trận trở về căn cứ. Phát luôn miệng nói, “Cứ bình tâm mà ngủ cho lại sức. Trời sanh trời dưỡng, hy vọng mọi chuyện sẽ tốt đẹp.” Được một lúc thì Lan gọi vào ăn tối. Lan ngồi nhìn mấy anh em ăn uống ngon lành mà cứ ứa nước mắt. Sau khi ăn uống no nê, anh em hắn ngồi nói chuyện thêm một lúc rồi đi ngủ sớm. Nằm xuống không bao lâu thì cả ba đã mau chóng chìm sâu vào giấc ngủ – một giấc ngủ thật bình an và phó mặc.

7g sáng hôm sau, Phát dậy đi làm. Anh em hắn cũng dậy theo. Sau khi cà phê thuốc lá Phát rời nhà. Anh em hắn chuẩn bị tinh thần một lúc rồi lên xe chạy tới sở thất nghiệp theo địa chỉ của David cho.

Khi cửa mở, hắn vào xin gặp ông Robertson. Cô thư ký biểu anh em hắn ngồi đợi. Khoảng nửa tiếng sau cô ta mời anh em hắn vào phòng. Hắn chào hỏi và trình thư của David. Thấy ông Robertson vừa đọc thư vừa chau mày liếc nhìn hắn. Thêm vài phút nữa, ông đặt thư xuống bàn giấy rồi ngẩng mặt hỏi hắn:
– Mấy hôm nay các anh ổn chứ?

Hắn nghĩ phải nói thiệt hoàn cảnh hiện tại để may ra ông ta tìm cách giúp nhanh chóng hơn.
– Thưa ông, chúng tôi về tới San Antonio chiều tối Thứ Sáu gặp lúc gia đình người bạn duy nhất đi vắng nên chúng tôi đã phải ngủ tạm hai đêm tại trung tâm vô gia cư. Đêm qua ngủ nhà bạn nhưng nhà chỉ có hai phòng nhỏ cho ba người, chắc không thể ở lâu được. Chúng tôi hy vọng ông giúp được việc làm ngay để tìm cách thuê nhà ở.
Nghe xong ông “kêu trời” (Oh my God”):

– Theo David nói các bạn đã làm nông trại, chịu không nổi nghỉ, xin làm cho hãng mua bán xe hơi, tổng cộng hơn 3 tháng và không có kinh nghiệm gì khác. Vậy thì tôi biết kiếm việc gì cho bạn đây?

Hắn sôi nổi nói:
– Dạ thưa ông, cá nhân tôi đã học bay nhiều loại máy bay khác nhau mà không gặp trở ngại nào, bây giờ ông kiếm được việc gì tôi cũng có thể làm và bảo đảm học hỏi mau chóng.

– Tôi cũng tin như thế. Tôi có nhiều bạn bè tham chiến ở VN về, giải ngũ tìm việc cao lương cũng rất khó khăn. Rất tiếc tôi không thể tìm việc bay bổng cho bạn được mà chỉ có thể tìm cho các bạn những việc chân tay, lương thấp vì không kinh nghiệm.

– Vâng được, miễn lo được chỗ ăn chỗ ở tốt rồi chúng tôi sẽ tìm cách tiến thân sau.

– Ừ nhỉ! Lại tứ cố vô thân, không có chỗ ở nữa!

Nghe nhắc tới chỗ đau hắn xụ mặt nói không nên lời. Ông Rabertson ngó anh em hắn một lúc rồi nói:

– Bây giờ thì các bạn ra phòng ngoài đợi tôi một lúc. Để tôi gọi điện thoại một vài nơi xem sao. Tôi rất thông cảm hoàn cảnh các bạn. Tin tôi đi, tôi sẽ cố gắng.

Ngồi chờ cả tiếng đồng hồ sốt ruột quá chừng. Hai chú em hết đi loanh quanh lại ngồi xuống than:

– Lâu như vậy không biết ông ta có giúp được anh em mình không nữa!

Hắn giả vờ vững lòng tin:
– Lâu như vậy chắc là sắp có tin tốt.

Đợi thêm một lúc nữa thì được cô thư ký mời anh em hắn trở lại phòng ông Robertson. Thấy ông vẫn đang cười nói với ai đó qua điện thoại. Chỉ nghe ông nói “Tuyệt vời” rồi gác điện thoại, ngả lưng vào ghế với nụ cười rất tươi:

– Ơi những người bạn trẻ của tôi, thật là may mắn, Chúa đã giúp các bạn. Chuyện của các bạn coi như đã giải quyết xong! Chúc mừng!

Nghe và thấy phản ứng của ông Robertson, anh em hắn cũng vui mừng ra mặt. Chưa kịp nói gì thì nghe ông ấy tiếp.

– Tôi nghĩ đây là tin rất vui. Ngay hôm nay, anh em bạn có thể dọn vào một căn chung cư 2 phòng ngủ trong khu chung cư thuộc thành phố, ngay đường Durango sát phố nên rất tiện cho mọi sinh hoạt; giá thuê $125/tháng bao luôn điện nước. Bất cứ ngày nào ổn định chỗ ăn ở, ba anh em được mướn phụ việc sửa chữa trong khu chung cư nầy. Ngày làm 8 tiếng. Trả lương mỗi hai tuần. Vì không ai có kinh nghiệm nên sẽ bắt đầu với số lương tối thiểu, sau sáu tháng làm việc, người ta sẽ xem xét lại. Các bạn nghĩ sao?

– Chúng tôi vô cùng biết ơn ông Robertson. Thật bất ngờ ông có thể giúp chúng tôi mọi thứ cùng lúc như vậy. Chúng tôi hứa sẽ cố gắng hết sức để không phụ lòng ông.

– Bạn cầm danh thiếp của tôi tới gặp ông Lucas Wright trước buổi trưa. Cứ đưa danh thiếp tự khắc ông ta biết sẽ làm gì. Còn nữa. Làm cho thành phố 8 tiếng một ngày, các bạn sẽ có dư giờ để ghi tên đi học vào buổi tối trong mùa xuân tới. Tôi tin các bạn sẽ thành công.

Từ biệt ông Robertson, anh em hắn đi ngay qua khu housing. Gặp ông Wright và mọi thứ suôn sẻ giống như lời ông Robertson đã nói.

– Chào các bạn, tôi đã nói chuyện nhiều với ông Robertson về trường hợp các cậu. Tôi rất vui giúp được các cậu ổn định cuộc sống. Làm việc với chúng tôi dù lương thấp nhưng cũng được thành phố tài trợ phần nào chi phí nhà ở và điện nước. Các cậu có thể dọn vào ngay hôm nay, tôi sẽ nói chuyện với Doug và hắn sẽ là người hướng dẫn mọi việc cần thiết cho các cậu từ lúc nầy. Doug là Giám thị của đội sửa chữa vì vậy các cậu sẽ làm việc theo sự chỉ dẫn của hắn. Các cậu sẽ học hỏi rất nhiều điều hay ở Doug. Đừng bận tâm gì cả. Chúc mừng!

Nói xong ông gọi thư ký bảo giúp anh em hắn điền và ký vào những giấy tờ cần thiết. Ông cũng bảo thư ký liên lạc gọi Doug về văn phòng gặp ông ta.

Khoảng nửa tiếng sau, Doug ra khỏi văn phòng ông Wright, đến bắt tay và tự giới thiệu với anh em hắn. Bảo anh em theo hắn về phòng trọ.

Phòng trọ chỉ cách văn phòng chính khoảng 5 phút lái xe. Đến nơi, Doug đưa anh em hắn lên lầu hai của một khu chung cư, mở cửa và giới thiệu căn phòng. Nhà trống trơn, thảm mới thay. Mùi sơn mới còn nồng nặc. Tủ lạnh đang chạy nhưng chẳng có gì bên trong. Tất cả cửa sổ đều mở toang như để cho mùi nước sơn bay ra. Điện nước đã có đầy đủ. Doug giao chìa khoá với lời dặn:

– Đây là phòng trọ của các bạn. Bây giờ tôi trở lại làm việc, sẵn xem trong các kho chứa tìm giường nệm cũ còn tốt sẽ mang lại biếu các bạn. Các bạn tìm mua chăn mền gối để dùng. Mùa lạnh sắp đến rồi đấy. Và khi nào các bạn sẵn sàng đi làm thì lên văn phòng thông báo, họ sẽ gọi cho tôi và tôi sẽ đến đó hướng dẫn các bạn đến nơi làm việc. Làm việc cũng chỉ vòng vòng mấy khu chung cư nầy thôi, tổng số khoảng một ngàn căn và một đội ngũ sửa chữa thêm các bạn nữa là 30 người. Làm việc tương đối khoẻ chứ không quá sức các bạn đâu.

– Vậy thì sáng ngày mai chúng tôi có thể đi làm được rồi. Gia sản chúng tôi nằm hết trong cốp xe nên sẽ chẳng tốn bao nhiêu thì giờ để dọn. Có lẽ chỉ nội trong ngày nay chúng tôi sẽ đi chợ mua được hết những đồ gia dụng cần thiết. Sáng mai 7:45AM, ông đến đây rồi chúng tôi chạy theo ông tới chỗ làm.

– Vậy thì tốt thôi. Tôi sẽ báo văn phòng biết để làm sổ lương cho các bạn. Hẹn sáng mai đi làm nhé. Trễ nhất 8g tôi có mặt dưới bãi đậu xe.

Doug rời đi và ba anh em hắn vui sướng, nằm lăn trên thảm giữa nhà, nhìn nhau như không tin mọi chuyện lại có thể dễ dàng đến như vậy. Từ lúc bất thình lình rời Pearsall đến giờ toàn gặp người tốt bũng. Hắn nghĩ có lẽ thân phận tỵ nạn VN và cái mác “cựu phi công” đã giúp hắn tìm gặp được sự cảm thông sâu xa của những tấm lòng nhân ái. Dù muốn dù không thì số phận “vô gia cư” của anh em hắn cũng đã tạm chấm dứt từ lúc nầy; lại có công việc làm rất thích hợp cho cả ba anh em cùng lúc. Hắn thầm cảm tạ Trời Phật đã phò hộ cho anh em hắn vượt qua những khó khăn tưởng rằng khó để vượt qua.

Anh em hắn vừa sắp xếp đồ đạc xong thì thấy Doug và hai người giúp việc khiêng lên phòng hai khung giường và hai bộ nệm cũ nhưng không tệ lắm. Xong họ từ giã ra đi. Doug lặp lại, “Sáng mai 8g nhé.”

Thời gian còn lại trong ngày, anh em hắn vui vẻ đi mua sắm những vật dụng cần thiết, đi chợ mua một ít thức ăn cho những ngày sắp tới, kể cả một thùng bia Texas Lone Star để ăn mừng. Chỉ 3 ngày thôi mà anh em hắn đã vượt qua một đoạn đường rất xa, rất khác biệt. Bây giờ thì gánh lo âu, niềm bất an đã thật sự được để xuống.

Buổi chiều liên lạc với Phát. Vợ chồng và bé Thảo qua, mọi người cùng nấu nướng, ăn uống với nhau trong niềm vui sum họp và đón chào cuộc đời mới của anh em hắn. /-

 

Yên Sơn

Ảnh minh họa

Một thuở homeless

 

Xem thêm...
Theo dõi RSS này