Truyện

Truyện (249)

Lorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipiscing elit. Sed id auctor orci. Morbi gravida, nisl eu bibendum viverra, nunc lectus.

Ước nguyện đêm Giáng Sinh - Nguyễn Thị Thanh Dương

Ước nguyện đêm Giáng Sinh 

Nguyễn Thị Thanh Dương

Tôi sửa soạn và mặc áo dài xong mới thông báo với mẹ:
– Con đi lễ nhà thờ với Cẩm Vân và dự tiệc nhà nó nha mẹ.
Mẹ tôi mắng:
– Con sắp đi rồi mới xin phép mẹ thế hả!
Nhưng mẹ không cấm cản vì biết tôi và Cẩm Vân chơi thân nhau như thế nào. Những dịp lễ lớn như Phật Ðản, lễ Vu Lan, Cẩm Vân cũng theo gia đình tôi đi chùa và ăn oản, ăn xôi.
Tôi không đi nhà thờ trong xóm mình với Cẩm Vân mà… lén đi nhà thờ xóm khác, cách xóm tôi chừng nửa cây số. Ðó là nhà thờ Xóm Thuốc của anh.
 
Tôi và anh Phượng yêu nhau hai năm nay, Giáng sinh năm trước tôi cùng anh đi lễ, cùng ước nguyện hai đứa sẽ thành đôi và nhất là tôi muốn tập tành thành người công giáo đi lễ nhà thờ cho quen.
 
Nhà thờ Xóm Thuốc, đêm Giáng sinh thật lộng lẫy, những lồng đèn sao trên cao lấp lánh, hang đá xây bằng đá thật bên ngoài nhà thờ cũng được trang hoàng, giăng mắc những ngọn đèn xanh đỏ. Hình Chúa Hài Ðồng nằm trong máng lừa phủ lớp rơm khô, có những vị thiên thần xung quanh.
 
Nhà thờ Xóm Thuốc rộng lớn hơn nhà thờ xóm tôi, đông giáo dân hơn nhưng tôi là người lạ, họ đạo Xóm Thuốc sẽ nhận ra ngay khi tôi đi bên anh sẽ làm tôi ngại ngùng mắc cỡ.
 
Anh Phượng và tôi dự lễ bên ngoài nhà thờ, gần khu hang đá ngoài trời cho thoải mái. Tôi chẳng thuộc một câu kinh, chỉ biết lắng nghe và anh Phượng làm gì tôi làm theo là đủ.
 
Chúng tôi dự tính sau lễ Giáng sinh, dịp gần Tết không khí gia đình vui vẻ hai đứa sẽ thông báo cha mẹ mình về tình yêu của mình để cha mẹ lo liệu chuyện hôn nhân đôi trẻ.
 
Anh Phượng nói:
– Ðêm Giáng sinh này chúng ta sẽ cầu khấn và ước nguyện nhiều em nhé. Cầu mong sao hai bà mẹ chúng mình đều biết điều để Giáng sinh sau chúng ta đã thành chồng vợ, đi lễ nửa đêm tại nhà thờ xóm anh hay nhà thờ xóm em mà không phải giấu giếm mẹ cha, tránh mặt hàng xóm nữa.
– Vâng, em cũng mong thế. Nhưng em vẫn lo lắm. Hai đứa mình khác tôn giáo, liệu gia đình hai bên có đồng ý không?
 
Mẹ anh đã “ra giá” với anh muốn lấy ai thì lấy, miễn là con nhà tử tế và có đạo. Nếu cô gái là người ngoại đạo thì cô phải học đạo, theo đạo nhà anh. Còn mẹ tôi thì cũng quá quắt không vừa, khó tính lắm cơ, chắc gì mẹ chịu gả tôi cho người khác đạo?
 
Lựa lúc chỉ có hai mẹ con ở nhà, tôi lân la bên mẹ. Mẹ đang vui vẻ chuẩn bị cho những ngày Tết đến, thế mà tôi vẫn lo ngại khi lên tiếng đề cập chuyện tình yêu của mình. Tôi e dè:
– Mẹ ơi, con có….
 
Nhìn vẻ mặt lấm lét của tôi xong, mẹ… nhìn xuống bụng tôi. Mặt mẹ đang vui bỗng biến sắc như người bị trúng gió:
– Cái gì? Con có…
– Vâng ạ! Con có chuyện muốn thưa cùng mẹ…
 
Mẹ tôi càng tái mét:
– Chuyện gì? Mấy tháng rồi hả con?
 
Tôi hiểu ra, vội thanh minh:
– Con không có mang bầu. Con chỉ muốn báo với mẹ con có… người yêu rồi và anh ấy muốn hỏi cưới con.
 
Mẹ thở phào và đanh đá như thường ngày:
– Nó là thằng nào? Con cái nhà ai? Cha mẹ nó làm gì?
– Anh tên Phượng…
 
Mẹ tôi ngắt lời:
– Con trai gì mà tên như con gái thế hả?
– Mẹ khó tính thế, đến cái tên mẹ cũng bắt bẻ!
– Thôi được, con nói tiếp đi, nhà nó ở đâu?
 
Tôi cố lựa lời và vẽ vời thêm để mẹ khỏi chê:
– Nhà anh Phượng ở Xóm Thuốc. Cha anh làm trong sở Hỏa xa thâm niên được nhiều đồng nghiệp… vô cùng quý mến. Mẹ anh ở nhà đảm đang kiếm thêm tiền bằng… gánh xôi bán ngoài chợ Xóm Thuốc. Xôi bác ấy… ngon nổi tiếng và đắt hàng lắm.
 
Mẹ tôi trề môi thất vọng:
– Tưởng gì! Gánh xôi ngoài chợ.
 
Tôi bênh vực cho mẹ anh Phượng:
– Gánh xôi ấy phụ với chồng nuôi đàn con đông. Anh Phượng và các em học hành ngoan ngoãn lắm mẹ. Anh Phượng sắp ra trường làm thầy giáo.
 
Xong phần nghề nghiệp đến phần… tôn giáo. Mẹ tôi hỏi tiếp:
– Thế nhà này đạo gì?
 
Tôi lại càng lựa lời rào trước đón sau để trình bày:
– Tôn giáo nào cũng đều tốt cả mẹ nhỉ? Con yêu đạo Phật nhà mình lắm nhưng con sẽ… theo đạo công giáo nhà anh ấy.
 
Mẹ tôi nhảy dựng lên:
– Không, không đời nào mẹ gả con cho người khác tôn giáo, lại còn phải… lép vế theo đạo nhà họ nữa!
 
Lập trường của mẹ anh Phượng con dâu phải theo đạo chồng. Người công giáo nào cũng chỉ muốn thêm người theo đạo họ, chứ hầu như không ai bỏ đạo công giáo để theo đạo bên vợ, bên chồng cả. Lập trường của mẹ tôi không gả con cho người ngoại đạo. Thế thì cả kiếp này tôi và anh mong gì sum họp. Tôi yêu anh nên muốn theo đạo anh chứ không phải tôi “lép vế” như mẹ đã nghĩ:
– Con tự nguyện mà mẹ. Bác Chu nhà mình lấy vợ đạo công giáo cũng theo đạo vợ, giỗ Tết bên vợ bên chồng đề huề đầy đủ mẹ thấy rồi đó.
 
Mẹ tôi vẫn khăng khăng:
– Thứ nhất là bất đồng tôn giáo, thứ hai là mẹ nó… bán xôi. Mẹ không chấp thuận gả con cho họ đâu.
 
Tôi rơi vào buồn lo thất vọng. Chẳng lẽ khuyên anh bảo mẹ anh… nghỉ bán xôi? Chẳng lẽ bắt anh phải theo đạo Phật của gia đình tôi? Chuyện nào cũng khó cả.
 
Tôi chỉ biết nói với Phượng chờ đợi tôi thuyết phục mẹ vì lý do tôn giáo chứ không dám động chạm gì đến gánh xôi “nổi tiếng” của mẹ anh, sợ anh tự ái.
 
Ðể cho tôi quên chuyện tình “ngang trái”, mẹ tôi bôn ba lo tìm chồng cho tôi qua mấy người quen. Bác Mai, bạn mẹ liền giới thiệu cháu của bác là kỹ sư cầu đường đang đi công tác ở miền Trung. Anh này đạt đúng tiêu chuẩn của mẹ tôi. Hai bà hớn hở hẹn nhau ngày anh trở về Sài Gòn cho đôi trẻ gặp gỡ xem mắt nhau. Tôi chưa biết tính sao thì đùng một cái nghe tin anh bị đụng xe chết khi trên đường trở về Sài Gòn.
 
Gia đình anh kỹ sư đau buồn, bác Mai đau buồn và… đổ vạ tại tôi cao số làm cháu bác chết yểu. Bác giận mẹ tôi cả năm trời.
 
Vụ này mẹ tôi bị “sốc” nặng, mẹ sợ tin này càng đồn thổi ra ngoài tôi càng ế chồng, tôi cao số sẽ không ai dám lấy về làm vợ.
 
Mẹ không biết là tôi và anh Phượng vẫn yêu thương nhau và chờ mong thời cơ nào đó sẽ lấy nhau cho bằng được. Chúng tôi đã đi lễ đêm Giáng sinh nhà thờ Xóm Thuốc thêm một năm nữa, đã ước nguyện trong đêm thánh vô cùng ấy những điều bình thường nhỏ nhoi. Chẳng lẽ ba năm yêu nhau, ba mùa nguyện cầu đêm Giáng sinh mà Chúa không thương, quá tam ba bận mộng vẫn không thành?
 
Một hôm mẹ xuống giọng nhỏ nhẹ hỏi tôi:
– Anh Phượng lúc này ra sao nhỉ?
 
Trời, mẹ tôi không gọi bằng “nó” như lần đầu mà lịch sự gọi bằng “anh Phượng”. Tôi làm bộ lạnh lùng:
– Người ta đã ra trường đi dạy học rồi mẹ à. Mẹ anh ấy đang giục anh lấy vợ, có mấy đám để anh xem mắt kìa.
 
Thấy mẹ thẫn thờ tôi bồi thêm cú nữa:
– Con gái thì chóng già, mẹ mau tìm chồng cho con đi kẻo người ta lấy được vợ, còn con thì vẫn ế ẩm đợi cho bằng được anh nào môn đăng hộ đối và cùng tôn giáo cho vừa lòng mẹ.
 
Rồi tôi ủ ê mặt mày hù dọa tiếp:
– Có khi con cao số thật đấy, một là con sẽ ở nhà làm… bạn già với mẹ, hai là con sẽ vào chùa đi tu.
 
Mẹ xót xa:
– Giá mà mẹ đồng ý thì chúng con đã cưới nhau được một năm rồi ấy nhỉ? Mẹ cũng sắp có cháu ngoại rồi ấy nhỉ?
 
Tôi lượn lờ thử lòng mẹ:
-Thí dụ chúng con vẫn quen nhau thì bây giờ mẹ có chịu gả con cho anh Phượng không?
 
Nét mặt mẹ thoáng niềm vui:
– Miễn là anh Phượng là người đàng hoàng tử tế và thương yêu con.
– Thí dụ… mẹ anh ấy vẫn bán xôi ngoài chợ có được không?
– Không sao! Bà ấy thế mà giỏi giang, như mẹ nếu ở nhà ăn cơm rau muối cũng chẳng dám gồng gánh ra chợ bán buôn.
– Thí dụ con… theo đạo công giáo nhà anh ấy có được không?
 
Mẹ tôi gắt:
– Con hỏi thí dụ gì mà lắm thế. Ðạo nào cũng là đạo. Tình yêu mới là quan trọng.
 
Tôi ôm chầm lấy mẹ sung sướng:
– Con hỏi thật không thí dụ đâu vì anh Phượng vẫn chờ đợi con, chờ đợi mẹ thay đổi ý định.
 
Mẹ mừng húm mắng yêu:
– Lỡ mẹ không thay đổi thì các con đợi đến bao giờ hả?
– Nhanh thôi, con sẽ tính đến phương án cuối cùng là… mang bầu như năm ngoái mẹ đã tưởng lầm hoảng hốt lo sợ đấy. Nhưng lần này sẽ mang bầu thật thế là bảo đảm mẹ sẽ giục anh Phượng cưới gấp, cưới gấp.
 
o O o
 
Tôi ngắm cây thông Giáng sinh đã được trang hoàng đẹp đẽ bên cạnh lò sưởi ấm cúng. Ngoài kia khung trời mùa Ðông mây xám giăng giăng qua những cành cây khô trơ mình trong gió lạnh.
 
Những mùa Giáng sinh qua đi trên đất Mỹ. Vùng tuyết rơi, vùng mây mờ gió lạnh, nơi nào tôi ở cũng có vẻ đẹp mùa Ðông làm tôi yêu thích, nhưng những mùa Giáng sinh ngày xưa nơi quê nhà của một thời son trẻ với tôi vẫn là đẹp nhất, đáng nhớ nhất.
 
Tôi rộn rã kêu lên:
– Anh Phượng ơi!
 
Chàng của tôi từ trong phòng đi ra ngạc nhiên:
– Bỗng dưng nghe em gọi tên anh như từ quá khứ gọi về làm anh cảm động quá.
– Em vừa nghĩ đến quá khứ đây. Những mùa Giáng sinh xưa ở nhà thờ Xóm Thuốc của anh, nơi em đã mấy mùa tha thiết khấn nguyện cầu mong… lấy được anh.
 
Chàng khen:
– “Lấy được anh” rồi em vẫn không bỏ nhà thờ, không bỏ Chúa suốt mấy chục năm qua. Cám ơn em nhé.
– Em vẫn yêu anh, yêu đạo của anh, vẫn yêu mỗi mùa Giáng sinh và nguyện cầu bao nhiêu thứ đẹp đẽ trong cuộc sống này mà. Ðêm Giáng sinh luôn huyền diệu lung linh…
-Thế em định ước nguyện gì trong đêm Giáng sinh sắp đến? Ðã tìm ra thuốc ngừa Covid 19 rồi, bầu cử tổng thống Mỹ xong rồi, em còn mơ gì nữa?
 
Tôi vui vẻ:
– Nhân duyên đó anh. Dĩ nhiên không phải cho hai ta nữa mà cho thằng con của hai ta vừa mới ra trường đi làm. Em sẽ cầu mong mai này con mang về nhà giới thiệu cô người yêu hiền lành tử tế, dù cô gái ấy con nhà ai, tôn giáo nào, giàu nghèo ra sao… em cũng chào đón cô vào nhà mình, không như mẹ anh, mẹ em ngày xưa đòi hỏi điều kiện này nọ làm khổ con mình.
-Hoan hô em, lại phải khen em lần nữa người mẹ thông minh và rộng lượng.
 
Và chàng ngân nga hát “Bài thánh ca đó còn nhớ không em? Nô En năm nào chúng mình có nhau…”
 
Tôi chưa kịp phản ứng thì chàng ngừng hát và giải thích:
– Khoan, em đừng vội la anh. Anh chỉ hát hai câu này thôi, vì hợp với chúng mình, là hình ảnh chúng mình ngày đó tại nhà thờ Xóm Thuốc. Còn khúc cuối bài hát là tình dang dở, là của người khác.
 
 
Nguyễn Thị Thanh Dương
 
Hồng Anh sưu tầm
 
Page 4 | Romantic Christmas Images - Free Download on Freepik
 
Xem thêm...

60 Năm Một Cuộc Tình

motcuoctinh60nam
1.
Ông bệnh nặng có vài tháng thì qua đời. Bà rơi vào khoảng không của một nỗi cô đơn đặc quánh. Gặp ai cũng nhớ ông, thấy gì cũng nghĩ đến ông. Cả năm trời trôi qua bà vẫn giữ y nguyên mọi thứ trong nhà. Tủ áo quần của ông, đồ dùng cá nhân, phòng điêu khắc gỗ..., tất cả đều còn nguyên vẹn, như thể ông vừa đi vắng mặt vài tiếng đồng hồ. Trên computer của bà, mỗi khi bật lên, là trước nhất hiện lên gương mặt ông tươi cười hiền lành, bà nhìn ông, cười chào qua làn nước mắt trước khi bắt đầu làm việc.
 
Công việc, chỉ có công việc, mới là cái phao để bà khỏi bị hút vào cõi hư vô của nỗi cô đơn đáng sợ đó. Bà phủ đầu mình với những núi công việc ngồn ngộn. Là chủ tịch của một tổ chức phi lợi nhuận chuyên trang bị thiết bị y tế cho bệnh viện bằng doanh thu của một cửa hàng thrift store (cửa hàng đồ cũ), bà làm việc như không còn có ngày mai. Bà hoàn toàn bỏ qua việc chăm sóc bản thân, chẳng buồn ngó đến thân thể hay tóc tai. Bà bặt giao với bạn bè hay lễ tiệc với con cháu, vì đi đâu làm gì cũng chỉ làm bà nhớ ông thêm mà thôi. Hôm gặp bà dặn tôi qua làn nước mắt:
- Con phải tập cho mình có chút độc lập. Lâu lâu đi chơi gần hay đi chơi xa một mình, tự quyết định những việc không lắm quan trọng một mình. Có dịp thì nên tách mình ra khỏi cái cái khối chung vợ chồng. Chứ như ta cả đời không có gì là của riêng, làm riêng. Giờ đây không còn ông bên cạnh ta như con diều đứt dây, cứ vật và vật vờ, không còn biết phương hướng để bay đi đâu nữa.
 
Rồi một ngày định mệnh kia, giữa những ngày tháng mênh mông buồn, người bạn thân thuở thiếu thời đưa cho bà tờ báo địa phương. Trong mục thông cáo linh tinh có một mẩu tin tìm người thân thất lạc.Người được tìm mang một biệt danh rất đặc biệt, một cái tên mà chỉ có bà, người bạn thân, và một hai người nữa biết mà thôi. Cầm tờ báo trên tay, nhìn chăm chăm vào cái tên gọi vui thuở đôi mươi của mình, bà run rẩy, mắt nhoè đi. Lẽ nào...?
 
 
Đến mấy ngày sau bà vẫn chưa hết bàng hoàng. Bà như sống trong một cơn mộng mị, lất lây giữa gương mặt tươi cười tươi hiền lành của ông trên màn hình vi tính và một số điện thoại lạ hoắc của mẩu tin tìm người trên báo. Bà hết cầm lên rồi lại bỏ xuống mảnh giấy nhàu nát. Bà không ngủ được, ăn cũng chẳng ngon, làm việc cũng không ra trò trống gì. Mãi đến mấy ngày sau thì bà quyết định gọi đến số điện thoại ấy. Run run cầm điện thoại ép sát vào tai, bà xúc động đến nỗi khi đầu dây bên kia trả lời, bà đứng trơ ra như phỗng đá, không thể thốt lên được một lời nào. Một hai phút im lặng trôi qua, giọng người đàn ông đầu dây bên kia nói nhỏ dịu dàng: “Em đó phải không? Anh đã chờ em suốt 60 năm dài”. Bà bỗng oà lên nức nở, khóc như chưa từng được khóc bao giờ...
 
Linh tính bà quả không sai. Người ấy không ai khác hơn là Don. Don của bà! Người yêu đầu đời của bà!
 
2.
Khi ấy nàng chỉ mới 16 và chàng 20. Yêu nhau được 2 năm, khi nàng tròn 18, cả 2 dự định làm đám cưới. Cha nàng phản đối kịch liệt và tìm mọi cách ngăn gián tình yêu của đôi trẻ, vì cho rằng Don không xứng đáng với cô con gái rượu của mình. Ông quyết liệt đến nỗi từ Canada gửi bà qua Anh để sống với họ hàng bên đó. Người cha làm đủ mọi cách để bà quên Don. Và bà đã.. quên thiệt. Còn trẻ măng, bà đâm đầu đi lấy 1 gã chẳng ra gì. 2 năm sau thì ly dị, bà ra đi với 1 cậu con trai còn ẵm ngữa. Cuộc sống ở Anh những năm sau đó thật buồn bã cô đơn, bà quyết định dắt con về lại Canada lập nghiệp trở lại. Thêm một vài mối tình chẳng đâu ra đâu, rồi bà gặp ông – người chồng quá cố, thì bà tìm được tình yêu và hạnh phúc đích thực của hơn 50 năm dài. Cuộc sống viên mãn làm bà không còn nghĩ nhiều đến mối tình đầu của mình năm nào.
motcuoctinh60nam1
Nhưng Don thì không. Suốt 60 năm ròng rã ông vẫn nhớ, vẫn yêu, vẫn hoài tìm kiếm. Ông cũng có lập gia đình một lần, nhưng trái tim ông đã bị hình bóng của bà chiếm trọn, không còn chỗ cho người khác, nên rồi lại vò võ một mình. Cách đây chừng 10 năm, nghe phong phanh rằng bà đã về lại nơi nơi chốn cũ, thế là cứ một hai tháng ông lại đăng 1 mẩu tin tìm người nơi tờ báo địa phương. Ông cần mẫn như thể một tín đồ ngoan trông cậy vào cái ngày mà lời ước nguyện của mình sẽ được chấp thuận. Và nó đã đến.
 
Buông điện thoại xuống bà thừ người ra. Bao nhiêu kỷ niệm cũ của thời trăng tròn quay cuồng trong mái đầu bạc phơ. Vấn vương, hồi hộp, ngóng chờ xen lẫn một nỗi day dứt mỗi lần nghĩ đến người chồng quá cố. Bà cảm thấy có lỗi với chồng khi trái tim mình lại đập loạn nhịp, nên không trả lời những cuộc điện thoại tiếp theo của  ông Don. Bà nằm bẹp trên giường mấy ngày. Cô con gái lớn biết chuyện, khuyên mẹ hãy sống với hiện tại và tương lai, rằng cha cô chắc chắn sẽ vui lòng khi thấy bà hạnh phúc. Thế rồi bà quyết định đi gặp lại ông Don, một cuộc tương phùng sau 60 năm ròng rã. Ngày bà lái xe đi, cô con gái tiễn mẹ ra cổng, không quên dặn với một câu: “Mom, don’t do anything that you will regret later – mẹ đừng làm gì để sau này phải hối hận đó nhé”.
 
Kể cho tôi mà bà cười ngặt nghẽo, bảo nó dặn ta y như những gì ta dặn nó hồi 14 tuổi có bạn trai đầu tiên.
 
3.
Cái bỡ ngỡ xúc động dạt dào ban đầu đã qua, giờ đây 2 ông bà luôn bên cạnh nhau. Khi thì ở nhà bà, lúc lại ở nhà ông cách chỗ bà chừng 2 tiếng lái xe. Hôm tôi gặp cả 2 ông bà, ông mở ví khoe tôi tấm hình 1 cô gái trẻ đẹp đứng bên cạnh chiếc xe hơi. Cô mặc bộ đồ tắm màu đen càng tôn lên dáng vẻ quyến rũ một cách lạ lùng. Ông nháy mắt hóm hỉnh, “nàng của ta cách đây 60 năm đó, boiling hot nhá, đến giờ cũng còn... hot như thường”. Bà cười ngặt nghẽo, ánh mắt đầy yêu thương nhìn ông, rồi nhìn qua tôi nói như phân trần, “thấy chưa, ông ấy chỉ có giỏi nói “tầm bậy”. Rồi họ nắm tay nhau chầm chậm quay đi. Lưng ông hơi khòm, mái tóc trắng xóa chỉ còn lơ thơ vài sợi. Bà nhẹ nhàng e ấp đi sát bên cạnh, mái tóc cũng trắng như mây.
 
motcuoctinh60nam2
Hôm nọ gặp lại ông bà, tôi ngỏ lời, chuyện tình của ông bà đẹp quá, thật sự làm con xúc động, cho phép con viết lại để chia sẻ với bạn bè được không? Ông bà cười thật tươi, ôi vui chứ, con cứ viết đi. Nếu được con dịch ra tiếng Anh cho chúng ta đọc ké lại càng hay nữa.
 
Bà rút trong túi xách ra 1 phong thư bạc màu, đưa cho tôi xem 2 tấm hình nhỏ xíu và cũ mèm, bà nói, “con hãy cho các bạn con xem 2 ta vào năm 1959 đi. Đó những tấm hình cuối cùng trước khi ta bị “đày” đi Anh. Ông đã giữ gìn thật cẩn thận suốt gần 60 năm qua đấy”. Tôi cầm 2 tấm hình đã bạc màu theo thời gian trên tay mà không khỏi bần thần. Ôi một thời tuổi trẻ yêu đương của họ... Một đôi trai gái xinh đẹp trẻ trung, say đắm và tình tứ. Và bây giờ trước mặt tôi cũng họ đó, 2 cụ già, giọng nói đã bắt đầu thều thào, đi đứng bắt đầu run rẩy.
 
Cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi, ông bảo bà:
- Mình khoe quà Giáng sinh anh tặng đi. Để cô ấy viết nốt đoạn kết một cuộc tình. 
 
Bà quay sang nắm tay tôi, nói khẽ:
- Giáng sinh năm nay ông tặng ta chiếc nhẫn cưới. 
 
Tôi bỗng nghe cay cay nơi sống mũi, mắt nhòe đi. Ông cũng luống cuống cho tay vô túi tìm chiếc khăn tay, chùi nước mắt. Ông cũng khóc. Những giọt nước mắt hạnh phúc, dẫu muộn màng. Mà có lẽ cũng chính vì đã muộn màng nên lại càng hạnh phúc hơn. Hẳn là vậy.
 
Đúng 1 năm sau ngày ông bà gặp lại nhau, có 1 đám cưới nho nhỏ diễn ra trên một bờ biển rất vắng. Người chủ hôn lễ, thật đặc biệt, lại chính là con trai lớn của bà vốn là 1 quan tòa. Tôi cũng được mời dự, nhưng rất tiếc không thể thu xếp để đến. Không cần phải tưởng tượng gì nhiều, tôi cũng biết chắc chắn rằng đó là 1 lễ cưới hạnh phúc nhất, dịu dàng nhất. Trên thiệp cưới của ông bà, có hàng chữ như một kết đọng lại của mối tình:
 
Love you then, love you still
Always have, always will...
 
Bên dưới là mấy chữ viết tắt rất nhỏ “MTY LTT”. Bà nheo mắt giải thích, “câu thần chú” của chúng tôi ngày xưa đó:
“More than yesterday, less than tomorrow”... (Nhiều hơn hôm qua, ít hơn ngày mai).
 
TG: Phan Hoàng My
 

     Cao T. Mai Tân sưu tầm   

Xem thêm...

Chuyện Tình Như Thần Thoại Của Một Vị Tân Giám Mục Việt Nam

TÌNH YÊU BA NGÔI. - Dòng Nữ Tỳ Thánh Thể
 

 Chuyện Tình Như Thần Thoại Của Một Vị Tân Giám Mục Việt Nam: 

    Tình Yêu Và Ơn Gọi    

ÁO CƯỚI MÀU HỒNG

Hôm nay lướt FB, thấy tấm hình của một người đàn ông trung niên, mặc tu phục của một Giám Mục (vừa được tấn phong gần đây), chụp với một người phụ nữ cũng còn xuân, mặc áo màu hồng, làm cho Mười Lúa có một cái cảm xúc hết sức lạ kỳ, nên bật máy lên viết. Không viết liền, để nay mai sẽ quên mất, hay không còn hứng thú để viết nữa. Đây mới là lý do chính cho bài viết dài dòng chuyện tình LM này.

Ở VN, trước 75, nhà văn Lệ Hằng tung ra quyển “Tóc Mây”, kể chuyện tình của một LM với một cô sinh viên, làm cho xã hội miền Nam một thời rất ồn ào, và dĩ nhiên sách in không đủ bán, tác giả vừa nổi tiếng vừa phát tài! Người ta bàn tán, bình phẩm, khen, chống, ủng hộ, tẩy chay,… lung tung phèng lên! Nên nhớ, đây chỉ là một quyển tiểu thuyết chớ không phải chuyện có thiệt.

Ở Mỹ, bộ phim truyền hình “The thorn bird”, được chiếu 4 ngày từ 27 đến 30 tháng 3, năm 1983, cũng làm cho xã hội Mỹ ồn ào dữ lắm. Đây là bộ phim dựa theo cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn người Úc, xuất bản năm 1977. Sách bán như tôm tươi, và phim cũng thành công ngoài sức tưởng tượng. Dĩ nhiên, cả hai đều là chuyện giả tưởng!

Chuyện tiểu thuyết, chuyện phim ai muốn nghĩ sao thì nghĩ và ai muốn tin hay hỏng tin cũng không sao cả. Nói tóm lại là nhà sản xuất kinh doanh kiếm tiền, còn người thưởng thức thuần tuý là bỏ tiền ra mua một sở thích – sở thích đọc sách hay sở thích xem phim. Đơn giản chỉ có vậy.

Tui không phải nhà văn, cũng không là đạo diễn, nên muốn cạnh tranh với họ là chuyện “đội đá vá trời”. Tui chỉ muốn viết, muốn kể lại những chuyện tình có thiệt, tui biết rõ, không thêm mắm muối, theo cách kể nhà quê của mình. Chuyện của tui có thật, và là những chuyện tình đẹp như chuyện thần tiên! Còn chuyện mấy cha “phá rào”, ăn vụng,… ai muốn viết thì viết, tui không thấy hứng thú.

Câu chuyện sau đây Mười Lúa lấy thông tin từ một sư huynh đồng môn, những thông tin rất đáng tin cậy, vì anh và nhân vật chính sống trong cùng một họ đạo. Những nhân vật chính trong chuyện, tui đều biết, có quen hết. Sư huynh tui vẫn còn sống và bài viết của anh về nhân vật chính vẫn còn trên FB. Ai muốn đọc FB tui gởi cho đọc chơi.

Có một chú bé nhà quê, quê dữ lắm, quê hơn Mười Lúa, con nhà nông dĩ nhiên, ở miệt Chương Thiện (gần U minh rồi), nhưng rất rất rất thông minh và hiếu học. Thời Tiểu học, vừa đi học vừa bán bánh lá dừa giúp mẹ. Một hôm ế hàng, ngồi buồn thiu trước cửa nhà Xứ, thì ông cha Sở ra hỏi thăm rồi mua hết thúng bánh, cho các Thày và các sơ trong nhà xứ. Thời đó VC tịch thu Đại Chủng Viện, nên các Thày phải “sơ tán”, phải “chạy giặc”, về các họ đạo để chờ thời, và học chui. Thúng bánh lá dừa chẳng là cao lương mỹ vị gì, nhưng cũng no bụng các thày trong những ngày ăn độn, và nhứt là cậu bé mừng vui như trở cờ trong bụng. Cậu rất có cảm tình với cha sở, bắt đầu quí mến ngài và các Thày kể từ hôm đó. Hình ảnh chiếc áo chùng đen đã ghi nhẹ vào lòng chú bé nhà quê kia rồi!

Chú bé đã học hết chữ nghĩa trường làng, phải “du học” sang họ đạo khác mới có lớp cao hơn, bằng cách ngày ngày chống xuồng qua cái lung mênh mông, làm Mười Lúa cũng nhớ cái thời mình phải đi “du học”, và học với Bà Út. Lớn lên trong chốn đồng ruộng, cậu bé cũng đã từng đi chăn trâu, như Mười Lúa, có điều coi bộ nhà ML còn khá hơn cậu bé này một bậc, vì cậu chăn trâu mướn, còn ML chăn trâu nhà.

Sau bao gian nan vất vả, bi giờ cậu đã là một thanh niên khoẻ mạnh, đẹp trai, và đậu đầu bảng vào trường ĐH Cần Thơ. Một tương lai tươi sáng đang hé mở, chờ đợi. Nhiều cô bắt đầu để ý chàng trai trẻ, trong đó có một cô thôn nữ xinh đẹp, đạo hạnh, nết na, lại là con của một “đại gia” miền sông nước. Cậu đáp lại tình yêu ấy, và họ yêu nhau tha thiết, hẹn thề khi công thành danh toại, vinh qui bái tổ, thì “kiệu anh đi trước, võng nàng theo sau” về dinh! Một mái ấm gia đình, một tương lai tươi đẹp đang chờ họ một cách hiển nhiên. Đó là một ước mơ, một viễn ảnh tươi đẹp mà bất cứ đôi trái gái nào cũng mong chờ. Cha mẹ hai bên cũng không có lý do gì mà không tác hợp cho đôi trai tài gái sắc. Đàng trai đã mang lễ vật xin cưới, trong đó có một xấp vải màu hồng dùng để may áo cưới cô dâu.

New Page 1

Tình cờ chàng biết được Giáo Phận đang tuyển sinh vào các lớp dự tu (Lúc này VC trả lại Đại Chủng Viện, cho nhận tu sinh, nhưng rất giới hạn, cho nên muốn được nhận, phải qua các lớp dự tu khá gắt gao). Bấy lâu nay chỉ lo học hành, lo hoạch định cho tương lai, quên bẵng hình bóng chiếc áo dòng của cha Sở ngày xưa, thì dường như ước muốn làm LM bỗng trổi dậy.

Chuyện lớn rồi! Bên tình cho em, bên tình cho Chúa, rồi phải ăn nói làm sao với người yêu, với gia đình mình, và gia đình nàng? Phụ bạc người yêu cho dù là vì lý tưởng cao cả, cũng là một hành động khó được chấp nhận! Đính hôn rồi huỷ hôn là làm “mất duyên” con gái người ta, nếu không muốn nói là làm nhục “đàng gái”! Rối như tơ vò. Cầu nguyện xin Chúa soi sáng cho mình biết lựa lời thuyết phục người yêu, thuyết phục gia đình hai bên để không ai bị tổn thương.

Biết được ý định của chàng, dĩ nhiên nàng bị sốc. Tình là cái chi chi mà nó mãnh liệt tới mức khi thất tình, bất kể đàn ông hay đàn bà, đều có thể “mua bao thuốc chuột uống cho rồi đời”! Cũng may, cô gái con nhà đạo hạnh, biết người yêu không phải phụ bạc, mà hy sinh tình riêng cho tình Chúa, cho lý tưởng phục vụ tha nhân, nên sau cùng nàng cũng chịu thua, “giành” không lại Chúa!

Rồi chàng được nhận vào Đại Chủng Viện và nàng cũng lên xe hoa theo chồng vài năm sau đó. Ngày cưới của nàng, chú bé chống xuồng ngày xưa được phép Bề Trên về tham dự đám cưới của người yêu, để chúc phúc cho họ.

Ngày trọng đại của chú bé chống xuồng cũng đến. Cha mẹ, anh em, bà con dòng họ của chú và cả gia đình “cha mẹ vợ hụt” cũng có mặt đông đủ đê tham dự lễ truyền chức LM cho chàng. Ít có người biết hay để ý đến chiếc áo màu hồng nàng đang mặc. Chỉ có chàng, nàng, và gia đình hai họ mới biết, đó là chiếc áo cưới chàng tặng nàng năm xưa! Một hội ngộ kỳ thú, cảm động vô cùng! Một tình yêu không giống một mối tình nào trên đời này cả!

Hôm nay tôi đăng tấm hình người phụ nữ trung niên, lặn lội ngàn dặm từ Mỹ về tham dự lễ tấn phong Giám Mục. Giám Mục là chàng. Người phụ nữ đứng kề bên là nàng. Cũng một chiếc áo màu hồng. Chỉ có người trong cuộc mới biết ý nghĩa của chiếc áo màu hồng. Chỉ có ai biết chuyện mới rơi lệ, mới cảm kích cho một cuộc tình có cái kết đẹp như chuyện thần thoại! Họ không tay trong tay như đôi tình nhân, như một cặp vợ chồng hạnh phúc, nhưng họ là biểu tượng của một tình yêu hoàn toàn vượt qua tình yêu trai gái.

Trái tim của họ là một cặp tim đẹp nhứt, là hy lễ cao quý nhứt đời, dâng lên Đấng Toàn Năng. Đây là bức hình đẹp nhứt, ý nghĩa nhứt mà nàng post lên FB với một ghi chú đơn giản: “Hôm any về quê hương về tham dự lễ truyền chức Đức Giám Mục…” Nàng trân trọng gọi chàng là “Đức Giám Mục” như bao nhiêu giáo dân xưng hô với một vị chủ chăn.

Ý Chúa nhiệm mầu! Không có ơn Chúa giúp, chắc gì có ai qua nổi cái ải tình tình yêu trai gái!

Hãy dâng lời cảm tạ Chúa. Hãy cùng cầu nguyện cho Đức Tân Giám Mục, luôn là một chủ chăn như lòng Chúa mong muốn.

Xin Chúa chúc lành cho người con gái mặc chiếc áo màu hồng, không phải trong ngày cưới, mà là ngày dâng hiến người yêu của mình cho Chúa. Amen.

 

Peter C. Tran
Nguồn: Lm. Nguyễn Đức Thắng

 

    Quỳnh Nga sưu tầm    
Xem thêm...

LẠY CHÚA, CON LÀ NGƯỜI NGOẠI ĐẠO!

LẠY CHÚA, CON LÀ NGƯỜI NGOẠI ĐẠO!

Tôi là kẻ ngoại đạo, hiểu theo nghĩa thuần túy là kẻ chưa từng đến nhà thờ xem lễ, đọc kinh hay rửa tội. Trên danh nghĩa, tôi là một Phật tử nhưng cũng chẳng bao giờ đến chùa, chưa hề có pháp danh, dù trên giấy tờ ở mục tôn giáo vẫn ghi là Phật giáo!

Lạy Chúa, con là người ngoại đạo!
Có lẽ tôi là một người theo đạo thờ cúng tổ tiên, vì trong nhà có một bàn thờ với hình ảnh những người thân trong gia đình đã khuất để vào các dịp giỗ tết thắp nhang tưởng nhớ. Bố mẹ tôi là Phật tử đã quy y, có pháp danh nhưng bố tôi là người rất ít đi chùa, ông có thể được gọi là một cư sĩ vì ham đọc sách nghiên cứu về Đạo Phật.

Khi còn nhỏ, đến tuổi đi học, tôi được gửi vào học “bán trú” tại trường Puginier ngoài Hà Nội năm 1952. Vì là bán trú nên buổi trưa ăn tại trường, rồi ở lại ngủ trưa để chiều vào lớp tiếp.

Trường Puginier, Hà Nội

Ngôi trường được mang tên Đức Cha người Pháp, Paul Puginier. Trường được thành lập qua sự giàn xếp với Đức Giám Mục Sài Gòn để dòng La San được mở trường tại Hà Nội từ năm 1897.

Lần đầu đến trường quả là thật đầy bỡ ngỡ. Là trường dòng nên mọi sinh hoạt đều mang hình thức tôn giáo, trước hết là việc đọc kinh. Trường có lệ đọc kinh trước mỗi buổi học, không những thế, trước bữa ăn trưa cũng phải đọc kinh.

Một đứa trẻ “ngoại đạo” như tôi làm gì biết được lời kinh nên chỉ mấp máy miệng chứ đâu có thuộc câu nào. Các sư huynh La San lại rất nghiêm khắc nên một cậu bé như tôi biết thân phận mình nên cứ bắt chiếc, ai sao mình vậy, giả vờ như… đọc kinh!

Sư huynh Lasan phụ trách tại trường Puginier

Học trò lại còn có cả những “đứa con lai”, cha Pháp mẹ Việt. Những bạn học thuộc nhóm “Tây lai” rất ngổ ngáo, vô kỷ luật, coi trời bằng vung. Chúng tôi, những trẻ người Việt, chỉ dám nói nhỏ với nhau: “Tây lai ăn khoai cả vỏ, ăn chó cả lông, ăn hồng cả hột”! Chỉ thì thầm thôi chứ đâu dám nói lớn.

Học trò trường Puginier với Sư huynh La San

Cũng may, tôi chỉ học ở Puginier có một năm rồi theo gia đình từ phi trường Gia Lâm bay thẳng vào Đà Lạt năm 1953. Chúng tôi vào Nam trước đợt di cư của một triệu người miền Bắc năm 1954 vì bố tôi phục vụ trong Ngự Lâm Quân của vua Bảo Đại ở vùng Hoàng triều Cương thổ.

Đến năm Đệ Ngũ, một lần nữa gia đình tôi lại chuyển về Ban Mê Thuột theo bố cho đến hết năm Đệ Nhị. Vào tuổi mới lớn nên tôi bắt đầu mơ mộng, học thổi sáo rồi lại học thêm đàn. Tôi còn “sáng tác” một bài hát nhân dịp Noel với những ca từ rất chi là “người lớn”:

“Đêm nay đêm Noel
Chuông nhà thờ vang rền
Bàn tay em trong tay
Ta cùng nhau đi lễ.

“Đi trong đêm Noel
Sương lạnh loang ánh đèn
Mình tung tăng bên nhau
Noel về có hay…


Bản nhạc viết theo điệu tango-habarena được kết thúc với điệp khúc:

“Đêm Noel quỳ trước thánh giá
Con kính xin mẹ từ bi
Cho nhân gian thôi hết hận biệt ly!
Con van lơn cầu xin trời cao
Cho nhân duyên vũng bền như ánh sao!


Nhà thờ xứ Ban Mê là hình ảnh gợi hứng cho nhạc phẩm đầu đời. Khi đó thật tình “chưa có một mối tình vắt vai” nhưng “chàng nhạc sĩ tương lai” đã tưởng tượng ra một mối tình… ngang trái, biệt ly. Thật đúng là một khúc nhạc tình dựa hơi “Chúa giáng sinh” dù “tác giả” chỉ là một kẻ ngoại đạo.

Nhà thờ Thị xã Ban Mê Thuột (Ành Reppel, 1960s)

Kể cũng hơi lạ, một kẻ ngoại đạo như tôi không hiểu tại sao lại gắn bó với Đức Chúa Trời như vậy. Chưa hết, khi về Sài Gòn dậy tại trường Sinh ngữ Quân đội, định mệnh run rủi khiến tôi lại thuê nhà ngay trong xóm đạo Tân Sa Châu ở khu Bùi Thị Xuân gần Lăng Cha Cả.

Xóm đạo nằm ngay bên cạnh nhà thờ Tân Sa Châu và người dân sinh sống tại đây đa số là người công giáo, quê ở Phát Diệm, họ từ Bắc di cư vào Nam năm 1954. Cuộc sống trong xóm đạo thật lạ, các gia đình thuờng tổ chức những buổi đọc kinh vào buổi tối.

Tiếng cầu kinh vang lên trong xóm khiến người ta có một cảm giác thánh thiện giữa một cuộc đời đầy bon chen vì miếng cơm, manh áo. Dĩ nhiên tôi không tham dự những buổi cầu nguyện nhưng các con tôi cũng có mặt trong số những tín đồ ngoan đạo đó. Lâu ngày, chúng còn thuộc cả kinh!

Trẻ con chơi với nhau nên rất dễ bị thu hút vào những hoạt động tâm linh, và nhất là sau buổi cầu nguyện lại được gia chủ thết đãi bằng những món giản dị như củ khoai, quả chuối. Bảo những buổi cầu nguyện có tính cách “dẫn dụ con nít” là không đúng vì bọn trẻ con đa số đều xuất thân trong những gia đình kính Chúa.

Hồi tôi còn đi học tập, con gái lớn của tôi đã từng nói với bạn bè trong xóm rằng nếu cầu nguyện mà bố được về sớm thì chắc cháu sẽ... “theo đạo” để bày tỏ lòng biết ơn với đấng bề trên.

Điều đó phải hiểu là xuất phát từ đức tin tuyệt đối. Sau này, khi đã trưởng thành, cháu trở thành một Phật tử “thuần thành” đến độ... ăn chay trường!

Cô con gái út của tôi, trước khi lập gia đình đã học giáo lý và chịu đầy đủ những quy định của đạo Công giáo vì người chồng tương lai thuộc gia đình “đạo gốc”. Về chuyện này, tôi không hề có ý kiến phản đối vì nghĩ rằng chọn lựa cho mình “đức tin” là quyền tự do tuyệt đối của mỗi người, dù đó là con hay cháu mình cũng không nên can thiệp.

Cũng có thể, chuyện ngày xưa sinh sống trong một xóm đạo đã vô tình ảnh hưởng đến suy nghĩ của cháu trong quyết định... theo đạo. Kinh nghiệm bản thân của tôi cũng cho thấy tín ngưỡng là một vấn đề tùy thuộc vào suy nghĩ của từng người.

Nhà thờ Tâm Sa Châu, Lăng Cha Cả, Sài Gòn

Hồi đi du học năm 1971 tôi cũng đã từng có một ấn tượng rất mạnh về việc những người Mỹ “ngoan đạo” tiếp cận những sĩ quan Việt Nam xa nhà. Họ được gọi là “sponsors”, cứ mỗi ngày Chủ Nhật lái xe đến tận nơi ở của các sinh viên trong căn cứ Lackland để mời gọi những người xa nhà đến các buổi lễ tại nhà thờ.

Cuối tuần đối với sinh viên có nhiều cách để “giải trí”: xuống San Antonio bát phố hay đi chơi xa đến tận bên giới Laredo gẩn Mexico để “tìm của lạ” từ các cô “gái Xì” mà ngày nay người Việt tại Mỹ gọi là “gái Mễ”. Sự lựa chọn cuối tuần còn có một cách “lành mạnh” là đi theo những người, được gọi là “ngoan đạo”, đến nhà thờ ngày Chủ Nhật.

Tôi cũng đã có vài lần tham dự những buổi nhóm họp ở nhà thờ và nghe “giảng đạo”. Hết buổi giảng, sponsors còn đưa đến những nơi nổi tiếng của địa phương hay về nhà thưởng thức những bữa ăn gia đình. Họ tự nguyện làm những điều đó, hoàn toàn không vụ lợi hoặc tính toán!

Hình chụp với “sponsors” đi nhà thờ ngày Chủ Nhật (San Antonio, Texas, 1971)

Trước khi chấm dứt tạp ghi nhân mùa Giáng sinh, mời các bạn thưởng thức bài hát “Lạy Chúa! Con là người ngoại đạo” do Trần Thiện Thanh sáng tác qua giọng ca của Duy Quang:

“Lạy Chúa tôi con người không đạo
Nhưng tin có Chúa ở trên cao
Con nghe trong đêm Việt Nam tối tăm
Những mìn bom hoen dấu
Lạy Chúa trên cao Chúa ở nơi nào

“Lạy Chúa tôi tuy người không đạo
Nhưng yêu nhớ lắm nhạc chuông khuya
Khi con bơ vơ chắp tay nguyện cầu
Cho người thương còn xa mãi xa
Mà suốt đêm dài ánh sáng chưa qua...”
 
Nguồn: Nguyễn Ngọc Chính
 
 
Xem thêm...
Theo dõi RSS này