Phong tục đón Tết Dương lịch của các quốc gia châu Âu và châu Mỹ

 PHONG TỤC TẬP QUÁN NGÀY TẾT

DƯƠNG LỊCH CỦA CÁC NƯỚC

Phong tục đón Tết Dương Lịch của các nước trên thế giới

Tết dương lịch sắp tới rồi, mỗi nước sẽ có cách đón Tết khác nhau. Hãy cùng xem những phong tục độc đáo vào Tết dương lịch tại các nước khác nhau ra sao.


1. Nhật
Do ảnh hưởng văn hoá phương Tây nên người Nhật từ lâu đã không đón tết theo thời gian âm lịch như một số nước châu Á khác. Trong tâm linh người Nhật đã coi tết dương lịch là ngày lễ tết chính. Trong buổi sáng tinh mơ ngày đầu năm, mọi thành viên trong các gia đình người Nhật cùng nhau đổ ra đường để chào đón bình minh đầu tiên của năm mới. Sau đó, mọi người rủ nhau lên chùa để bái Phật, cầu nguyện hoặc đến nhà người thân, bạn bè để chúc tết nhau. Trong ngày này, các gia đình đều làm lễ đón mừng năm mới (Oshogatsu). Trên mâm cỗ của người Nhật, các món ăn vô cùng phong phú, được bày trí tỉ mỉ, đẹp mắt.

Đầu tiên là rượu mừng năm mới (otoso) trừ tà khí trong năm đó và để kéo dài tuổi thọ. Tiếp đến là món ăn ngày Tết (osechi) sau khi cúng Thần năm mới. Mọi người ăn uống và dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất. Ba ngày đầu từ ngày 1 đến ngày 3/1 được coi là 3 ngày đặc biệt, thiêng liêng nhất của tết dương lịch. Trong 3 ngày này người Nhật có tục ăn chay để tỏ lòng thành kính với thần phật, tổ tiên, cầu khấn cho một năm mới đại cát đại lợi. Ngoài ra, giống như ngày tết của Việt Nam, người Nhật vẫn lưu giữ tục lệ mừng tuổi cho trẻ em hoặc tặng quà giữa những người thân trong gia đình hay trong dòng họ, bạn bè sau lễ đón Giao thừa năm mới. Điều đáng lưu ý, theo phong tục, tập quán lưu truyền từ trước thì việc tặng quà hay mừng tuổi ngày Tết ở Nhật Bản không bị “nặng nề” vì giá trị vật chất mà chủ yếu mang ý nghĩa tinh thần, tình cảm, đạo lý ứng xử…

2. Pháp
Có câu nói: “người Pháp dùng rượu để chào đón năm mới”. Tại sao lại nói như vậy? Vì người Pháp bắt đầu uống rượu say sưa từ đêm giao thừa cho đến ngày 3/1 mới kết thúc. Người Pháp quan niệm, vào ngày tết phải uống cạn tất cả rượu mà họ có, làm như vậy thì trong năm mới sẽ được vạn sự như ý.

Nếu như uống rượu vẫn còn, trong năm mới sẽ gặp nhiều điềm xui rủi. Ngoài ra, trong ngày đầu năm mới người Pháp thường cùng nhau ra đường xem hướng gió để đoán thời vận trong năm. Nếu gió Nam thổi, báo hiệu một năm mưa thuận gió hòa, đây sẽ là một năm bình an và thời tiết thì nóng bức. Nếu gió Tây thổi, sẽ là một năm may mắn đối với nghề đánh cá và những người nuôi bò sữa. Nếu gió Đông thổi, cây trái sẽ bội thu, nhà nhà no ấm. Nếu gió Bắc thổi là điềm không tốt, đây sẽ là một năm mùa màng thất bát.

3. Anh
Một ngày trước tết Dương lịch, nhà nhà đều tất bật mua rượu đổ đầy các chai, hũ trong nhà, trong bếp thì chứa thật nhiều thịt. Người Anh cho rằng, nếu rượu thịt không dư dả, năm mới sẽ gặp khó khăn, nghèo khổ. Ngoài ra, ở Anh còn lưu hành phong tục “lấy nước đầu năm mới”. Mọi người đều tranh nhau đi lấy nước để được là người đầu tiên múc được gáo nước đầu tiên trong những giờ phút đầu tiên của năm mới.

Theo quan niệm của người Anh, người múc được gáo nước đầu tiên sẽ là người may mắn suốt cả năm. Vào đêm giao thừa, người Anh thường mang theo bánh ngọt và rượu đi thăm hỏi người thân, bạn bè, tuy nhiên, những người khách sẽ không gõ cửa mà đi thẳng vào bên trong. Người Anh cho rằng, sau khi chuông báo nửa đêm chuyển sang năm mới, người đầu tiên đặt chân vào nhà là một người đàn ông có mái tóc đen hoặc là một người vui vẻ, hạnh phúc và giàu có sẽ mang đến cho chủ nhà một năm mới đại cát đại lợi. Nếu người đầu tiên là một người phụ nữ có mái tóc màu vàng bạch kim hoặc một người ưu buồn, nghèo khổ, bất hạnh, điều này báo hiệu chủ nhà sẽ có một năm xui rủi, gặp nhiều khó khăn và tai họa. Khi đến làm khách ở nhà người Anh trong đêm giao thừa, trước khi mở đầu câu chuyện, việc đầu tiên bạn cần làm là đi đến lò sưởi cơi than đốt lò. Đây là việc làm thể hiện sự chúc phúc đối với chủ nhà với ý nghĩa “khai môn đại cát”.
 
4. Scotland
Đêm trước ngày tết dương lịch, mỗi gia đình người Scotland đều rải một ít tiền vàng ngay trước cửa nhà. Mặc dù không có người trông chừng, nhưng cả trộm cướp và người ăn xin khi nhìn thấy những đồng tiền này cũng không bao giờ nhặt lấy.

Bởi vì theo phong tục ở đây, rải tiền vàng trước cửa vào trước đêm giao thừa, hôm sau khi năm mới đến, sớm tinh mơ vừa mở cửa liền nhìn thấy ngay tiền vàng sẽ mang lại nhiều tài lộc, ý nghĩa là “nhìn thấy phát tài”.

5. Đức
Trong thời gian mừng đón tết dương lịch, người Đức đều đặt một cây lãnh sam và gắn đầy những bông hoa bằng gấm len, vừa để báo hiệu tiết xuân phủ khắp đất trời vừa mang ý sung túc. Một phút trước khi bước sang năm mới, mọi người đều leo lên đứng trên một chiếc ghế, khi tiếng chuông đồng hồ vừa điểm 12 giờ, tất cả lập tức nhảy xuống ghế và vội vã ném một vật nặng ra phía sau ghế với ý nghĩa ném đi những tai họa, xui rủi của năm cũ, tiến nhanh vào năm mới.

Ở vùng nông thôn của Đức vẫn còn lưu truyền phong tục mừng năm mới khá thú vị là tục “thi trèo cây”, ý nghĩa là mỗi năm mỗi tiến cao hơn, phát triển hơn trong công việc cũng như trong cuộc sống.

6. Bulgari
Sau khi chuông đồng hồ báo mừng năm mới, mọi người trong gia đình cùng ngồi ăn chiếc bánh kem được làm đặc biệt cho đêm giao thừa. Người nào ăn phải đồng tiền được giấu trong bánh sẽ là người hạnh phúc trong năm mới.

Ngoài ra, khi dùng tiệc đầu măm mới, người nào hắt xì hơi đầu tiên sẽ được xem là người mang lại hạnh phúc cho chủ nhà trong năm. Chủ nhà sẽ tặng cho người này một con dê, bò hoặc ngựa con để cầu chúc và bày tỏ cảm ơn vì mang lại hạnh phúc cho gia đình họ.


Theo: shinichi
 
***********
 

TOP CÁC QUỐC GIA ĐÓN TẾT NGUYÊN ĐÁN GIỐNG VIỆT NAM

Châu Á là một trong bốn cái nôi văn hóa lớn nhất của thế giới - Trung Quốc cổ đại, cho nên gần như các quốc gia đều có bị ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa. Tết là một trong những nét biểu hiện đặc trưng nhất cho thấy các quốc gia châu Á chịu ảnh hưởng của Quốc gia đông dân nhất Thế Giới. Tết là một lễ hội lớn nhất năm của người châu Á, đây là dịp người ta quây quần bên nhau, tạm biệt năm cũ, xin chào năm mới, chúc cho nhau những điều tốt đẹp... Tuy nhiên không phải quốc gia Châu Á nào cũng ăn Tết Nguyên Đán giống Việt Nam, Trung Quốc. Dưới đây là danh sách 10 quốc gia Châu Á ăn tết cổ truyền giống Việt Nam.

1. Trung Quốc

Vì lịch Âm của Trung Quốc dựa theo chu kỳ của mặt trăng, do đó ngày nghỉ sẽ có sự khác nhau. Thông thường kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán của người Trung Quốc sẽ tính từ 12/1 tới 20/2 theo lịch Dương. Mặc dù ngày Tết được tổ chức vào mùa đông nhưng vẫn được gọi là lễ hội mùa xuân. Bởi lẽ, thời gian tổ chức Tết được bắt đầu từ ngày đầu của mùa xuân và kết thúc vào mùa đông. Ngày Tết cổ truyền của Trung Quốc được tổ chức theo Âm lịch và có ý nghĩa thể hiện một cuộc sống mới đầy ấm no.

  

2. Đài Loan

Cùng với Thanh Minh, Đoan Ngọ và Trung Thu, Tết Nguyên Đán là dịp lễ rất quan trọng ở Đài Loan. Cũng giống như ở Việt Nam, người Đài Loan coi Tết là dịp để đoàn tụ và vui vẻ bên nhau. Người người nhà nhà đều trở về quê nhà quây quần với gia đình, nên khi Tết đến, các thành phố lớn như Đài Bắc, Tân Bắc (những thành phố tập trung nhiều người từ khu khác về làm việc) sẽ trở nên trống vắng và rất nhiều nơi đóng cửa, nhưng các ngôi chùa lớn thì hương khói nghi ngút, người đi lễ rất đông đúc.

3. Mông Cổ

Trong những ngày Tết quan trọng nhất, người Mông Cổ đãi khách bằng các món trà sữa, bánh ngọt xếp tầng, thịt cừu luộc hoặc cơm nấu sữa đông... Tsagaan Sar là ngày lễ lớn nhất mùa đông - xuân của người Mông Cổ, là dịp họ được thưởng thức những món ăn truyền thống ở các gia đình khi đến thăm. Trong tiếng Mông Cổ, Tsagaan Sar nghĩa là "trăng trắng", ngày đầu tiên trong năm theo lịch Mông Cổ trùng thời điểm với Tết Nguyên Đán ở Trung Quốc, Việt Nam. Trong những ngày năm mới này, người Mông Cổ dành thời gian bày tỏ lòng kính mến tới người cao tuổi trong gia đình, thăm hỏi họ hàng và chuẩn bị bàn tiệc để tiếp đãi khách. 

4-5. Hàn Quốc - Triều Tiên

Seollal kỷ niệm ngày đầu tiên của Âm lịch Hàn Quốc. Cũng giống như nhiều quốc gia đón Tết Nguyên đán trên khắp Châu Á, Hàn Quốc cũng có những phong tục tập quán độc đáo riêng. Kỳ nghỉ lễ Seollal diễn ra trong vài ngày và được đánh dấu bằng việc các thành viên trong gia đình sum họp, thực hiện các nghi lễ của người Hàn Quốc, ăn các món ăn truyền thống, chơi các trò chơi dân gian và các hoạt động truyền thống khác.

6. Ấn Độ

Điểm đặc biệt tại Ấn Độ là thời điểm đón năm mới khác nhau tùy thuộc vào mỗi địa phương. Miền Bắc chào đón năm mới vào tháng 4; trong khi miền Nam vào trung tuần tháng 3; ở bang Kirala vào tháng 6; ở miền Tây Ấn tháng 11-12. Song tất cả đều coi đó là những ngày hội lửa. Ở nước này, lễ hội đầu năm cũng được gọi với nhiều tên khác nhau như lễ Vishu đối với người dân ở bang Kerala, lễ Ugadi của bang Karnataka, Andhra và ở bang Punjab là lễ Baisakhi. Thêm vào đó, lễ mừng năm mới ở Ấn Độ cũng phụ thuộc vào các truyền thống diễn ra ở từng vùng khác nhau. Ví dụ, vào ngày này, cư dân miền Bắc trang trí bằng các loại hoa màu sắc khác nhau, phổ biến nhất là các màu hồng, đỏ, tím hoặc trắng. Trong khi đó, ở miền Nam, lễ mừng năm mới nhất định phải có một mâm quả. Buổi sáng, trẻ em nhắm mắt lại chờ người lớn dẫn đến mâm quả để chúng có thể thưởng thức hương vị của món ăn truyền thống này.

Ở Tây Bengali, người ta đón năm mới vào ngày 13/4, ở bang Tamil Nadu - vào ngày 14/4, tức ngày đầu của mùa xuân. Kashmir có lẽ là bang đón năm mới lâu nhất Ấn Độ: Năm mới ở đây được bắt đầu sớm nhất, ngày 10/3, và kết thúc cùng với lễ năm mới ở các bang khác. Người dân ở đây đón năm mới bằng những đám rước hóa trang đủ loại và những hội chợ hết sức náo nhiệt. Lễ mừng năm mới cũng phụ thuộc vào các truyền thống diễn ra ở những vùng khác nhau của đất nước. Ví dụ, vào ngày này cư dân miền Bắc Ấn Độ trang trí bằng các loại hoa màu sắc khác nhau, phổ biến nhất là các màu hồng, đỏ, tím hoặc trắng.

7. Bhutan

Bhutan có chỉ số hạnh phúc đứng hàng đầu thế giới. Người dân nơi đây luôn trân trọng những giá trị truyền thống và giữ Tết cổ truyền kéo dài 15 ngày với nhiều hoạt động thú vị. Tết cổ truyền của Bhutan được gọi là Losar, diễn ra gần hoặc trùng với Tết Nguyên Đán của Việt Nam. Người dân quốc gia hạnh phúc nhất thế giới coi Losar là ngày lễ quan trọng bậc nhất trong năm. Khi năm mới đến, người dân địa phương thích mua sắm tài sản thay vì tiếp tục sử dụng đồ cũ. Đền và tu viện cũng được trang trí lộng lẫy hơn.

Giống như hầu hết quốc gia châu Á, người dân Bhutan bắt đầu chuẩn bị cho năm mới bằng cách dọn dẹp nhà cửa, vứt đồ đạc không sử dụng, nấu món ăn đặc biệt và cúng dường tại các ngôi đền. Ba ngày đầu tiên trong năm mới là quãng thời gian ý nghĩa nhất đối với mỗi người. Đây là dịp để gia đình đoàn tụ và tham gia nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc.

8. Campuchia

Tết Campuchia – Những ngày tết lớn nhất tại xứ sở chùa tháp. Tết Campuchia là ngày tết cổ truyền lớn nhất trong năm tại xứ chùa tháp linh thiêng. Đến với ngày hội lớn của nhân dân Campuchia, du khách sẽ có cơ hội hòa mình vào không khí náo nhiệt, ấm cúng nhưng cũng vô cùng đặc sắc với các hoạt động mang đậm bản sắc của người dân nơi đây. Nếu có cơ hội đặt chân đến Campuchia vào đúng dịp tết của người Khmer, bạn nhất định không nên bỏ qua những ngày hội lớn như:

Tết cổ truyền Campuchia hay còn gọi là Chol Chnam Thmay hoặc là Chaul Chnam Thmay. Đây là một trong những lễ hội lớn mừng năm mới theo lịch cổ truyền của người dân khmer. Ngoài Campuchia, đây cũng là dịp lễ tết của nhiều nước khác như Lào, Thái Lan, Myanmar, Siri Lanka. Nguồn gốc của ngày lễ này bắt nguồn từ lòng tin của người dân về một vị thần trên trời được sai xuống để chăm lo cho đời sống của người dân trong năm. Do đó, hàng năm ngày này được định làm ngày lễ hội, tết cổ truyền của toàn dân Campuchia. Trong dịp lễ đặc biệt này, các hoạt động vui chơi như đốt đèn trời, đốt ông lói, đánh lửa,…được khắp nơi thực hiện.

9. Thái Lan

Thái Lan là đất nước tôn sùng đạo Phật nên người dân Thái Lan ăn tết truyền thống theo Phật lịch. Theo đó thì ngày 15/4 là ngày Đản sinh của Phật nên người ta chọn ngày này là ngày Tết của cả nước, diễn ra trong 3 ngày, từ 13/4-15/4 hàng năm. Trong hai ngày đầu, ngày 13 người dân sẽ dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, sang ngày 14 sẽ chuẩn bị các món ăn cho ngày Tết chính. Đến ngày 15, khắp các ngôi chùa trên đất nước Thái Lan sẽ tổ chức lễ hội tắm Phật với sự tham gia của đông đảo người dân Thái. Sau đó mọi người sẽ cùng tổ chức lễ hội té nước, ai càng được té nhiều nước trong ngày này sẽ càng may mắn.

10. Singapore

Người Singapore ăn Tết âm hay dương là thắc mắc của rất nhiều người về quốc đảo sư tử biển này. Vậy câu trả lời là Singapore có ăn Tết theo âm lịch các bạn nhé. Vì là một đất nước có một lượng dân số lớn là người gốc Hoa nên nền văn hóa của Singapore chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ văn hóa Trung Quốc. Vì thế nên người Singapore cũng đón Tết truyền thống theo âm lịch giống người Trung Quốc và người Việt Nam chúng ta vậy. Ngày Tết Nguyên đán ở Singapore diễn ra gần như cùng thời điểm với Việt Nam vào ngày mồng 1 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Để đón chào năm mới, người dân Singapore cũng trang trí nhà cửa, đường phố với sắc đỏ đặc trưng của ngày Tết, họ cũng mua sắm đồ đạc cho ngày Tết và cũng nấu những món ăn truyền thống đặc trưng để cùng đón Tết. Khi năm mới đến, không khí lễ hội tưng bừng diễn ra suốt 1 tháng đầu tiên từ mồng 1 tháng Giêng cho đến hết trung tuần tháng 2. Nếu có cơ hội, du khách có thể đến với Singapore vào dịp này để tự mình trải nghiệm và khám phá xem Tết của người Singapore với Tết của người Việt có gì khác nhau nhé.

 

Hồng Anh sưu tầm

Người Pháp chào đón năm mới như thế nào

Những phong tục đón Tết truyền thống thú vị của người dân Canada

 

Chỉnh sửa lần cuối vào %PM, %31 %115 %2022 %20:%12
back to top