"BẾN XUÂN": AI VẼ TÌNH BUỒN ĐẸP NHƯ VĂN CAO

"BẾN XUÂN": AI VẼ TÌNH BUỒN ĐẸP NHƯ VĂN CAO

  ▃ ▅ ▆ █☆★█ ▆ ▅ ▃

Hoàn cảnh sáng tác và cảm nhận về ca khúc Bến Xuân (Văn Cao) - "Dìu nhau  theo dốc suối nơi ven đồi..."

Nói về Văn Cao, dường như bao nhiêu mỹ từ cũng không đủ, nhưng đôi khi một từ cũng thành thừa; bởi từ những tác phẩm của ông đã toát lên đủ cả tài năng và tâm hồn.



Nếu chỉ với sáng tác đầu tay Buồn tàn thu năm 16 tuổi, Văn Cao đã vẽ nên cả một mùa thu Bắc Việt với những rung cảm tuyệt mỹ, trở thành đỉnh cao của âm nhạc lãng mạn, đến mức tưởng như mùa thu trở thành dấu ấn và số mệnh của người nhạc sĩ tài hoa thì chỉ ba năm sau đó, ông tiếp tục có một Bến xuân cũng lộng lẫy không kém. Với một không gian mùa xuân nhuốm màu thần tiên, ẩn chứa trong đó là một khối tình thăm thẳm, ca khúc trở thành tuyệt phẩm kinh điển của tân nhạc, như nhạc sĩ Phạm Duy nhận định: “là cực điểm của lãng mạn tính trong ca nhạc Việt Nam”.

Chuyện tình nàng thiếu nữ tên “Oanh”

Suốt cuộc đời, Văn Cao sống khiêm nhường, khép kín. Đặc biệt trong chuyện tình cảm, ông chung thủy và chừng mực, hết lòng với vợ con. Vì thế, trong các tác phẩm của Văn Cao, những câu chuyện về tình yêu nam nữ cá nhân không nhiều mà phần lớn là những buồn vui chung về nhân tình thế thái, thể hiện qua những cảm nhận và miêu tả vô cùng tinh tế về cảnh vật và con người.

Bến xuân là bản nhạc hiếm hoi Văn Cao viết về một mối tình có thực trong cuộc đời mình

Bến xuân là trường hợp đặc biệt mà Văn Cao viết về một mối tình có thực trong cuộc đời mình. Mối tình không thành nhưng khiến nhạc sĩ có những rung cảm mạnh mẽ. Đó là câu chuyện về giai nhân Hoàng Oanh, người Hải Phòng. Những năm 1940, cô tiểu thư Hoàng Oanh con nhà giàu, xinh đẹp nức tiếng, có giọng hát “oanh vàng” khiến biết bao chàng trai ôm mộng tương tư.

Trong đó, nổi tiếng nhất phải kể đến nhóm nhạc sĩ hàng đầu của thành phố cảng thời đó: Hoàng Quý, Kim Tiêu và Văn Cao. Trớ trêu thay, cả ba người đều là những tri kỷ thân thiết trong nghệ thuật. Vốn tính rụt rè, lại có phần mặc cảm về gia cảnh, Văn Cao đành lùi về phía sau, thậm chí giúp hai người bạn viết thơ, viết nhạc để lấy lòng giai nhân.

Chính Văn Cao từng thú nhận: “Tôi là người luôn luôn thất bại về tình yêu, cái thất bại này là bởi vì tôi không giỏi về cách giao lưu với những người đàn bà. Đối với những người đẹp, tôi lại càng bối rối. Tôi không bao giờ nói được với người ta, thì tôi bèn nói trong thơ”.

Dù Văn Cao chưa một lần ngỏ lời, có lẽ Hoàng Oanh cũng cảm nhận được đôi phần tâm tư của ông. Trong thời gian Văn Cao sống tại Bến Ngự, Hải Phòng (còn gọi là Bến Đò Rừng, điểm giao nhau giữa phố Hoàng Văn Thụ và Bưu điện Hải Phòng, nơi nhạc sĩ Văn Cao sinh ra và lớn lên), có một dịp Hoàng Oanh ghé thăm nhạc sĩ, nàng còn ngồi làm mẫu cho Văn Cao vẽ chân dung và ngồi quạt cho chàng viết nhạc.

Những rung cảm mạnh mẽ từ cuộc gặp gỡ nàng Hoàng Oanh đã chắp cánh cho Văn Cao viết nên tuyệt phẩm Bến xuân

Những rung cảm mạnh mẽ từ cuộc gặp gỡ ấy đã chắp cánh cho Văn Cao viết nên tuyệt phẩm Bến xuân. Dù sau này, mối tình ấy mãi mãi đi vào quá khứ, khi Hoàng Oanh quyết định lên xe hoa với nhạc sĩ Hoàng Quý (sau này, bà cũng là nhân vật chính để Hoàng Quý viết nên ca khúc nổi tiếng Cô láng giềng), nhưng với Văn Cao, đó là một kỷ niệm vô cùng đẹp đẽ. Thế nên dù là tình yêu vô vọng, Bến xuân mang đầy niềm hạnh phúc dâng tràn, một niềm vui trong sáng như mùa xuân ùa về trong tâm tưởng của người nghệ sĩ. Nhạc sĩ còn khéo léo lồng ghép câu nhạc: “Ai tha hương nghe ríu rít Oanh ca” như ngầm gửi gắm tình cảm cho người con gái tên Oanh.

Sau này, trong phim ca nhạc Văn Cao, giấc mơ một đời người của đạo diễn Đinh Anh Dũng (năm 1995), Văn Cao có nói lại về Bến xuân và cuộc gặp gỡ ngày ấy: “Ngày xưa, tôi có thầm yêu một người con gái mà không dám nói ra. Thế nhưng, người ấy hiểu lòng tôi và đến với tôi, vì thế mới có câu hát “Em đến tôi một lần” và có bài hát này”.

Bến xuân ra đời năm 1942. Khi xuất bản lần đầu, trong bản nhạc có đề tên nhạc sĩ Phạm Duy là đồng tác giả phần lời. Việc này cũng gây ra nhiều tranh luận trong giới nghệ sĩ và các nhà nghiên cứu. Vì theo hồi ký của Phạm Duy, cũng như theo lời nhạc sĩ Văn Thao (con trai nhạc sĩ Văn Cao), nhạc sĩ Phạm Duy xuống Hải Phòng và hội ngộ Văn Cao lần đầu quãng năm 1943, 1944 trong khi Bến xuân được viết năm 1942, nên việc Phạm Duy tham gia viết lời cho Bến xuân là phi lý. Tuy nhiên, điều này chưa một lần được cả hai nhạc sĩ lên tiếng vì có lẽ Văn Cao hiểu rõ nhất sự hiện diện của Phạm Duy trong những sáng tác của mình. Với Phạm Duy, mọi hư danh, nhất là với người bạn ông coi như tri kỷ, như tiền bối, dường như đều vô nghĩa.

Năm 1944, khi Văn Cao tham gia Việt Minh, dựa trên phần nhạc cũ, ông đã viết lại phần lời mới cho ca khúc với tên gọi Đàn chim Việt. Ca khúc vượt ra khỏi câu chuyện tình cảm đôi lứa cá nhân mà mang khát vọng hòa hợp dân tộc. Đàn Chim Việt cũng lan tỏa mạnh mẽ và có sức sống riêng không thua kém Bến xuân.


Bản nhạc tình lãng mạn nhất

Được coi như thế hệ thứ hai của tân nhạc Việt Nam, hồn nghệ thuật của Văn Cao là sự hội tụ và phát tiết đến đỉnh điểm của sự lãng mạn và tinh tế, ảnh hưởng từ văn hóa Pháp và của thế hệ nhạc sĩ đi trước như Lê Thương, Đặng Thế Phong, Lưu Hữu Phước…

Ở Văn Cao có sự kết hợp tài tình của nhạc ngữ phương Tây giai đoạn đầu với âm hưởng và màu sắc cổ nhạc dân tộc. Trong các giai đoạn đầu của tân nhạc, với những bản tình ca mùi mẫn, dù vẫn sử dụng những nốt luyến láy và kỹ thuật nhảy nốt mang âm hưởng của ca trù hay âm nhạc ngũ cung, Văn Cao cũng khéo léo thoát ra khỏi hình thái cũ của cổ nhạc, vận dụng sáng tạo và duyên dáng các cấu trúc ca khúc của phương Tây như hợp âm vòng, cấu trúc ba đoạn… tạo nên những tác phẩm sang trọng và diễm lệ bất chấp mọi thời đại, khiến nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng phải nghiêng mình kính phục: “Trong âm nhạc, Văn Cao sang trọng như một ông hoàng. Trên cánh đồng ca khúc, tôi như một đứa bé ước mơ mặt trời là con diều giấy thả chơi. Âm nhạc của anh Văn Cao là âm nhạc của thần tiên bay bổng...”.

Tính lãng mạn trong âm nhạc của Văn Cao như khởi thủy của những bản nhạc chữa lành tâm hồn, với giai điệu uyển chuyển du dương. Toàn tài ở cả ba lĩnh vực âm nhạc - hội họa - thơ ca, các ca khúc của Văn Cao luôn hiện lên như một bức tranh tuyệt mỹ. Đó là cái đẹp vượt lên trên cả khổ đau của nhân gian, dù nói về nỗi buồn cũng không chút oán hận hay tuyệt vọng.

Phạm Duy rót rượu tưởng nhớ hương hồn Văn Cao

Như Phạm Duy từng nói: “Nhạc sầu của nhiều tác giả khác, nhiều khi chỉ là sầu giả tạo; còn tình ca của Văn Cao, nếu là tình buồn cũng không bao giờ bi lụy”. Điều này không chỉ thể hiện ở Bến xuân mà xuyên suốt con đường âm nhạc của Văn Cao. Ông luôn dành cho tác phẩm của mình cái nhìn bao dung và say sưa với cuộc đời, dù đó là một cuộc đời không bằng phẳng. Đó là tầm vóc của một nghệ sĩ lớn, một nhân cách lương thiện mà nhiều thế hệ nghệ sĩ sau này phải học hỏi và ngưỡng mộ.

Trong cuốn Tân nhạc Việt Nam thuở ban đầu, Phạm Duy viết: “Nói tới nhạc tình, Văn Cao là nhất!” và “nếu đem so sánh với những bản nhạc tình của 50 năm tân nhạc thì những bài Suối mơ, Bến xuân… là cực điểm của lãng mạn tính trong ca nhạc Việt Nam. Sẽ không bao giờ có những bài ca lãng mạn như thế nữa”.

Dù sau này Văn Cao thành công lẫy lừng ở nhiều thể loại nhạc khác nhau như trường ca hay nhạc cách mạng… nhưng với nhạc tình lãng mạn, Văn Cao vẫn là dấu son chói lọi, giúp định hình một giai đoạn sơ khai của tân nhạc Việt Nam đạt đến cực điểm của trữ tình duy mỹ. Văn Cao như một cây đại thụ khiêm nhường nhưng tỏa bóng mát sâu rộng, đầy ảnh hưởng đến nhiều thế hệ nghệ sĩ sau này.


Lan Anh / Theo: PNO
 
 
***********
 

Phạm Duy: Nói về ca từ trong những bài đầu tiên của Văn Cao

 

Cuộc đời và sự nghiệp của nhạc sĩ Văn Cao - Tác giả của những bài hát lãng  mạn tuyệt kỹ và tuyệt mỹ

Thiên Thai – họa phẩm của Đinh Cường

Về ca từ, vào lúc thành lập của Tân Nhạc, đa số các nhạc sĩ đều làm lời ca với thơ năm chữ… có thể họ đã bị ảnh hưởng thi sĩ Lưu Trọng Lư trong bài Tiếng Thu :
 
Em không nghe mùa thu              Dưới trăng mờ thổn thức
Em không nghe rạo rực               Hình ảnh kẻ chinh phu 
Trong lòng người cô phụ?
 
Cũng có thể họ bị ảnh hưởng của bài thơ này trong sách giáo khoa Lớp Một :
Cứ mỗi độ thu sang                      Hoa cúc lại nở vàng
Ngoài vườn hương thơm ngát     Ong bướm bay rộn ràng
Em cắp sách tới trường                Nắng tươi rải trên đường
Trời xanh thay áo mới                 Đẹp sao lúc thu sang
 
Văn Cao đã dùng thơ 5 chữ trong một bài hát hướng đạo như Anh Em Khá Cầm Tay
 
Anh em khá cầm tay                     Mau đến cùng nhau hát
Nơi đây chúng mình ca                Trong gió chiều thật êm
Bao nhiêu gió về đây                    Chim chóc về đây hót 
A vui sướng làm sao                    Ta ngó trời xanh êm
Và sau đó, trong kháng chiến, anh có bài Ngày Mùa :
 
Ngày mùa vui thôn trang            Lúa không lo giặc về 
Khi mùa vàng thôn quê              Ngày mùa vui thôn xóm, 
Đầy đồng giáo với gươm          Súng tì tay anh đứng,
Em ngừng liềm trông sang.
 
Quê Em của Nguyễn Đức Toàn cũng là thơ năm chữ :
 
Quê em miền trung du               Đồng suôi lúa xanh rờn. 
Giặc tràn lên thôn xóm… 
 
Sau này là những bài thơ hay bài hát khác :
 
Lên xe tiễn em đi                       Chưa bao giờ buồn thế
Trời mùa Đông Paris                Suốt đời làm chia ly
Cung Trầm Tưởng
 
Đưa em về dưới mưa               Nói năng chi cũng thừa
Như u tình đã qua                    Thấm linh hồn ma soeur
Nguyễn Tất Nhiên 
 
Chỉ chừng một năm thôi          Là quên lời trăn trối
Ai nuối thương tình đôi          Chỉ chừng một năm thôi
Phạm Duy
 
Thế hệ nhạc sĩ đầu tiên của Tân Nhạc là chúng tôi, nghĩa là Lê Thương, Đặng Thế Phong, Văn Cao, Phạm Duy v.v… cũng như các thi nhân tiền chiến, vào lúc sắp thoát ra khỏi hay vừa thoát ra khỏi ách thực dân Pháp, thì trong sáng tác, chúng tôi đều muốn kêu gọi hay lắng nghe tiếng quê hương đất nước, mùa màng cây cỏ, nghe tiếng mẹ, gọi em, gọi đồng bào ruột thịt, nghe Trời, gọi Phật…
 
Sau khi Lưu Trọng Lư lắng nghe mùa Thu (Em không nghe mùa Thu, dưới trăng mờ thổn thức), Lê Thương gọi mùa Thu (Thu Trên Đảo Kinh Châu), Thẩm Oánh gọi thuyền (Thuyền ơi hãy ghé vào bờ), Văn Cao gọi suối (Suối ơi, bên rừng Thu vắng), tôi gọi chiều (Chiều ơi, lúc chiều về rợp bóng nương khoai)… Mấy chục năm sau, Trịnh Công Sơn vẫn còn gọi nắng (Gọi nắng trên vai em gầy), còn thi sĩ Phạm Thiên Thư thì vẫn nheo nhéo gọi người tình Ẩn Lan (Gọi Em là Đóa Hoa Sầu). Và dường như tất cả chúng tôi đều cất cao tiếng gọi Mẹ (Mẹ Việt Nam ơi, chúng con đã về giữ thơm quê Mẹ)…
 
Lúc tiến qua những tình khúc dài hơn Thu Cô Liêu, Cung Đàn Xưa như Suối Mơ, Bến Xuân thì ca từ trong nhạc Văn Cao lại khác đi, có khi nặng về thơ 7 chữ, phần nhiều là thơ tự do nhưng đi theo với những câu nhạc. Trong hai bài này, nhạc tính Văn Cao có tính chất mô tả nhiều hơn. 
 
Trong thực tế, cho tới lúc này, chưa có một nhạc sĩ nào có thể mô tả cái đẹp của con suối trong rừng Thu hay mô tả người đẹp trong cảnh bến sông vào lúc Xuân sang. Trong cả hai bài nhạc tình về mùa Thu và mùa Xuân này, bao giờ nét nhạc mineure mở đầu cũng rất là lâng lâng rồi cũng sẽ chuyển qua một nét nhạc majeure ngắn để diễn tả một niềm vui thoáng qua. Hình ảnh người tình trong cả hai bài hát này đều rất là lộng lẫy, cao sang. Tình cảm của cả hai bài nhạc tình đều không dìm con người vào cõi u tối, trái lại làm cho người nghe thấy một chút hạnh phúc. Con suối trong rừng Thu buồn muôn thuở là vì còn lưu luyến hương vị tình yêu của chúng ta :
 
Suối ơi ôi miền yêu mến
Còn ghi khi bóng ai tìm đến
Đàn ai nắn cung lưu luyến
Suối hát theo đôi chim uyên…
 
Ðứng trên bến Xuân để nhìn những cánh buồm xa xa và nghe tiếng chim ca như lưu luyến cuộc tình vừa qua của chúng mình :
 
Sương mênh mông che lấp kín non xanh
Ôi cánh buồm nâu còn trên lớp sóng xuân
Ai tha hương nghe ríu rít oanh ca
Cánh nhạn vào mây thiết tha
Lưu luyến tình vừa qua...
Văn Cao
 
Ba Tuyệt Phẩm của Văn Cao
 
Tôi muốn dành phần cuối để nói về ba tuyệt phẩm của Văn Cao : Thiên Thai, Trương ChiTrường Ca Sông Lô.
 
Hãy nói về nhạc tính (caractère musicale) của ba tác phẩm này. 
 
Tuy viết ra một bản hát vừa có tính chất trường ca, vừa có tính chất nhạc cảnh – nghĩa là đã vượt qua hình thức đoản khúc… Thiên Thai có tới 94 khuông nhạc (measures) chan chứa những giai điệu thần tiên và những lời ca thần diệu… nhưng Văn Cao không tả thực trong bài Thiên Thai này ! 
 
Thiên Thai là một trường ca ấn tượng, impressionist, tạo cảm xúc cho người nghe nhiều hơn là mô tả một câu truyện. Tất cả những hình ảnh chính của câu truyện cổ như hai chàng Lưu Nguyễn, bầy thiên tiên hoặc những cảnh vật như suối hoa đào, chiếc thuyền lan, nước ngọc tuyền, đều được mô tả một cách rất mơ hồ… giống như trong một giấc mộng vậy. Ta biết là có con thuyền chở Lưu Nguyễn tới cõi Thiên Thai, ta biết là có bầy thiên tiên múa hát dâng trái đào thơm… nhưng ta không thấy được họ.
 
Khi cùng người yêu xây được ngôi nhà bằng cỏ bên suối mơ hay trước bến xuân với hai tình khúc trước thì Văn Cao có thể mời đón chúng bước vào căn nhà bên chiếc cầu soi nước để ngồi nhìn đàn nai đùa trên đống lá vàng tươi hay đứng trước bến sông để nhớ tiếc những ngày tha hương… Nhưng trong Thiên Thai, cõi mơ của Văn Cao, chúng ta không thể nào bước vào cái vườn cấm này được. Ðây là cõi riêng của Người Sông Ngự, cõi riêng của nhạc sĩ Văn Cao. 
 
Trương Chi cũng không hiện thực trong tính cách, không mô tả (descriptive), chỉ gây ấn tượng cho chúng ta về tiếng hát hay của anh lái đò, về hạnh phúc của Mỵ Nương mỗi lần nghe tiếng hát…
 
Ông chỉ dùng Trương Chi để tỏ thái độ của chàng Trương sau khi thất tình, trước khi chết cũng như sau khi chết : Ngồi đây ta gõ ván thuyền, ta ca trái đất còn riêng ta..
 
Tâm hồn tôi đẹp - vì tôi hát hay - nhưng tôi nghèo và hình hài tôi xấu cho nên người ta không yêu tôi à ? Thì tôi vẫn có thể đưa ra một tuyên ngôn, rằng : Người đời có thể khinh ta, quên ta, nhưng ta vẫn còn riêng ta với trái đất này… Ðó là ý nghĩa của bài Trương Chi… 
 
Nhưng tới khi soạn Trường Ca Sông Lô thì Văn Cao đã
 
không còn dùng phong cách gây ấn tượng trong tác phẩm nữa. Cuộc sống hiện thực và anh dũng của toàn thể dân tộc đã khiến cho anh ra khỏi chất mơ mộng trong việc mô tả con người, cảnh vật, sự việc trong một giai đoạn lịch sử kháng chiến oai hùng của chúng ta.
 
Trường Ca Sông Lô mở đầu với đoạn 1 mô tả Sông Lô, là con sông ngàn Việt Bắcbãi dài ngô lau nơi núi rừng âm u, có những ngôi nhà mờ biếc chìm một màu khói Thu... Đó là nơi mà lửa kháng chiến đã làm cháy bờ lau thưa, cháy cả thôn trang. Ai ơi, hãy lặng nhìn màu nước sông Lô xưa mà nhớ tới cảnh cũ người xưa…. 
 
Sang đoạn 2 ông chuyển cung, chuyển nhịp để kể cho ta nghe chuyện một đoàn người reo mừng trên sóng nước biếc, trở về và thấy trên sông bao nhiêu là đám xác thù. Đó là người dân hân hoan trở về con sông hiền hòa, bát ngát. Dân hân hoan chiến sĩ pháo binh Việt Nam với tiếng trái phá làm quân thù ngập chìm dòng Lô…
 
Qua đoạn 3, một lần nữa Văn Cao lại chuyển cung, chuyển điệu : Đây dòng Lô, đây dòng Lô… Với đoàn chiến sĩ sông Lô, thân rừng áo sương, đã vút cao lòng căm hờn và làm cho thây giặc nát tan.
 
Đoạn 4 của trường ca là đoạn mineure chậm rãi, là lời thề trong đêm gió rét, trong đêm chìm chờ đợi ánh chiêu dương. 
 
Đoạn 5 của trường ca là đoạn majeure nhanh nhẹn nói lên niềm vui hát ca của dân buông lưới, của bóng người sầm uất bến Then…
 
Đoạn cuối là đoạn 6 xưng tụng dòng sông Lô trôi, dòng sông Lô vẫn trôi, mùa xuân tới nước băng qua ngàn, nước in ven bờ xanh ươm bóng tre… dòng sông Lô lướt trôi, lướt trôi, lướt trôi. 
 
Nếu Thiên Thai chỉ nằm trong một giọng Re (mineure và majeure) và Trương Chi chỉ chuyển nhịp, chuyển điệu trong hai giọng Re và Sol… thì Trường Ca Sông Lô có tới SÁU LẦN chuyển âm (modulations) cũng như chuyển tiết tấu (changing rythmes).
 
Trường Ca Sông Lô là bản hát dài đầu tiên của chúng ta, là một tuỵệt phẩm mà những người đi sau Văn Cao (như tôi) đã học hỏi được rất nhiều ở ông để tiếp tục làm giầu cho âm nhạc Việt Nam.
 
Tôi muốn được công khai tỏ lòng biết ơn thiên tài Văn Cao trong buổi nói chuyện này.
 
 
Phạm Duy, 
ngày 5 tháng 10, 2007
 
Kim Phượng sưu tầm tổng hợp
 Bến Xuân - Hà Thanh - Nhac.vn

 

 

 
Chỉnh sửa lần cuối vào %PM, %18 %061 %2022 %19:%11
back to top