Những Bản Tình Ca - Kỷ niệm của đời tôi

Những bản Tình ca - Kỷ niệm của đời tôi

Tùy bút của Hương Huyền

+++

Trong cuộc đời của mỗi người chúng ta, chắc chắn là ai cũng biết hát, hát hay hoặc là hát dở cũng được, nhưng nhìn chung thì âm nhạc đã luôn hiện hữu trong đời sống của chúng ta. Thông qua âm nhạc, mỗi người đều có những kỷ niệm, những ký ức thân thương của từng bài hát trôi theo dòng thời gian trong mỗi bước chân của cuộc đời mình thật khó phai mờ. Thời gian dần trôi, dường như những kỷ niệm ấy đã có lúc bị cuốn theo dòng chảy của thời gian rồi cũng từ từ nhạt nhòa và có lúc tưởng chừng như tan biến. Nhưng rồi đôi khi những giai điệu, những ca từ chợt hiện về trong tâm trí, hay không ít lần những giai điệu, những lời ca vô tình lọt qua tai mình .... Trong khoảnh khắc ấy, những kỷ niệm của tuổi thơ, tuổi thanh xuân, những hoài niệm về quá khứ, hoài niệm về quê hương đất nước qua những bản tình ca từ từ hiện về… thật lung linh và đẹp đẽ. Một chút dư âm và thương nhớ của từng câu hát lời ca là một kỷ niệm ấp ủ đáng trân quý, là khoảnh khắc của một thời để yêu và một thời để nhớ.

Trong mỗi người Việt Nam chúng ta, ngay từ khi mới bước chân vào ngưởng cửa học đường thì chúng ta ai cũng được dạy và phải học thuộc lòng một bài hát ... đó là Quốc Ca của nước Việt Nam Cộng Hòa. Trường Tiểu học của tôi là Trường Nữ Tiểu Học Chợ Lớn, tôi không còn nhớ trường nằm tại đường nào, nhưng vẫn nhớ là phải đi bộ khoảng nửa tiếng thì mới đến trường. Mỗi buổi sáng thứ hai đầu tuần là học sinh toàn trường sẽ mặc đồng phục và phải sắp hàng ở ngoài sân, ngay trước cửa lớp học của mình bao vòng chung quanh dưới chân cột cờ ở giửa sân trường, sau đó thì cả trường sẽ cùng nhau hát Quốc ca và kéo Quốc kỳ lên. Mỗi chiều thứ sáu cũng hát Quốc ca để hạ cờ xuống nhưng lần này thì học sinh chỉ đứng lên ngay tại chỗ ngồi trong lớp mình mà thôi. Về sau này cứ mỗi lần nghe hát hay là cất tiếng ca bài hát này thì bao giờ trong đầu của tôi cũng hiện ra những hình ảnh của cái trường Tiểu Học đầu đời này. Thuở đó, ngày hai lần tôi cắp sách đi bộ tới trường Tiểu Học này cùng với Đào thị Ngọc, một cô bạn cùng tuổi mới di cư từ miền Bắc vào Nam, khi gia đình Ngọc vừa dọn đến một căn nhà sát bên cạnh căn nhà mướn của chúng tôi ngay tại góc đường Sư Vạn Hạnh và Minh Mạng. Rồi lại nhớ đến kỷ niệm của mỗi chiều thứ sáu đã hãnh diện được bà Hiệu Trưởng cho vời lên văn phòng, rồi tôi sẽ dùng cái microphone của bà để đơn ca những bài mà tôi biết hát, cho cả toàn trường nghe. Bài hát đơn ca lần đầu tiên tôi vẫn còn nhớ tên của nó là bài "Đây Phương Nam". Sau khi đơn ca xong bài hát này thì tôi sẽ là người hát dẫn đầu cho toàn trường cùng hát theo bài Quốc Ca để hạ cờ xuống.

Và cũng với bài Quốc Ca này, vào lúc 8:00 giờ sáng ngày 6 tháng 5 năm 1975, tôi cùng với chồng, con và hơn mấy ngàn người Việt Nam đồng hương đang ở trên một Chiến Hạm của Hải Quân Việt Nam đã cùng nhau cất tiếng hát để "chào và hạ Quốc Kỳ Việt Nam Cộng Hòa lần cuối cùng" trong nước mắt với sự tủi nhục, và đau đớn của những con người đã không còn tổ quốc và quốc tịch Việt Nam nửa. Tại sao họ lại bắt phải kéo Quốc Kỳ Việt Nam xuống khỏi cột cờ trên Chiến hạm của Hải Quân Việt Nam nước tôi? Vì nếu muốn tàu được cập vào bến cảng của nước họ (Subic Bay, Philipine) thì lá cờ Vàng Ba Sọc đỏ thân yêu của miền Nam Việt Nam Cộng Hòa bắt buộc phải bị hạ xuống để không xác định được con tàu là của quốc gia nào. Vì trên nguyên tắc ngoại giao quốc tế, lá cờ này bây giờ đã không còn được công nhận để đại diện cho chúng tôi là những con người vô tổ quốc, vô quốc tịch ...bắt buộc phải hạ cờ xuống thì tàu của chúng tôi mới được phép cập vào bến của họ, sau đó mới được bước lên bờ tạm đặt chân lên đất của họ với danh nghĩa là những người đi tị nạn, làm như thế chúng tôi mới mong có cơ hội tìm được tự do.

Lần đầu tiên trong đời vào lúc 5 tuổi, tôi đã được học và hát bài Quốc Ca này. Lần cuối cùng ở tuổi 26 đúng vào lúc 8:00 giờ sáng của ngày 6 tháng 5 năm 1975, tôi cũng đã hát nó, nhưng là hát trong nước mắt với sự tiếc nuối và tủi nhục. Những tưởng là mãi mãi sẽ không bao giờ còn có cơ hội được hát lại bài Quốc Ca và nhìn lại lá Quốc Kỳ của Việt Nam Cộng Hòa năm xưa nữa, nhưng Hoa Kỳ là xứ tự do cho nên chúng tôi vẫn có cơ hội và có quyền để chào cờ và hát Quốc Ca của nước Việt Nam Cộng Hòa vào những dịp Tết, những dịp Lễ lớn được Cộng đồng tổ chức .... và vẫn như thế, mỗi khi bài Quốc Ca được hát lên thì những hình ảnh lúc còn bé lại hiện ra, và nhất là hình ảnh lúc hạ cờ trên tàu và cái cảm giác tủi nhục, mất mát của ngày 6 tháng 5 năm 1975 lúc 8:00 giờ sáng hôm đó thật sự không bao giờ tôi có thễ quên được. Thật khổ thân cho tôi, hôm đó cũng chính là ngày Sinh Nhật thứ 26 của tôi, ngày mà chúng tôi vừa khóc vừa hạ lá cờ Vàng Ba Sọc đỏ đó, mãi mãi trong đời tôi sẽ không bao giờ quên .....

Quốc Kỳ của miền Nam Việt Nam Cộng Hòa

Đây là bản nhạc với lời của bài Quốc Ca. Tấm hình được in trên bài hát là Cờ của miền Nam nước Việt Nam Cộng Hòa.

Vào thời kỳ 50-60 tại miền Nam Việt Nam nếu muốn nghe tân nhạc hoặc cải lương thì chỉ được nghe qua từ máy quay đĩa nhạc hoặc là từ Đài phát thanh, và không phải nhà nào cũng có tiền để sắm máy quay đĩa nhạc hoặc là Radio để nghe nhạc đâu. Tại Saigon, đài phát thanh nằm ở số 3 đường Phan Đình Phùng, đây là đài phát thanh trung ương chính thức cho toàn cả miền Nam Việt Nam. Ca sĩ, nhạc sĩ đến đài phát thanh hát để thu thanh vào băng, sau đó đài phát thanh sẽ phát ra qua Radio cho thính giả nghe. Vào thời đó, tại khu xóm lao động bình dân nơi tôi đang ở rất ít nhà có đủ tiền để sở hữu một cái Radio, nhưng cũng may mắn một điều là nhiều nhà có Radio thì họ mở suốt cả ngày, mở to oang oang cho cả xóm cùng nghe. Tốt thì cũng tốt thiệt nhưng nhiều khi cũng rất phiền vì có nhà thì mở Tân Nhạc, nhưng nhà khác lại mở Cải lương .... hai loại nhạc này nó lại chỏi nhau cho nên nhiều khi mình bị nghe đến đầy cả lỗ tai và cũng điên luôn cái đầu. Nhưng có lẽ cũng nhờ nghe hoài nghe mãi như thế cho nên tự nhiên tôi lại biết hát chăng? đã vậy lại còn hát rất hay và hát đúng nhịp, đúng giai điệu, cũng như nhớ lời rất nhiều bài ca mặc dù tôi chẳng được ông thầy nào dạy cho tôi cả ..... và hơn nửa tôi cũng còn biết hát luôn cả một vài thễ loại cải lương nữa.

Đời sống của tôi vui với âm nhạc một cách đơn giản cứ như thế dần dần trôi đi. Như đã kể trước kia, sau này khoảng 10, 11 tuổi gì đó thì Mẹ tôi xin cho tôi gia nhập vào Ban nhạc Thiếu Nhi do một người bạn của bà thành lập. Kể từ lúc đó thì tôi lại còn được hát nhiều hơn nửa, hát mỗi ngày, được rèn luyện đủ thứ bài hát, đủ mọi thễ loại .... hát nhiều như vậy cũng là một cách luyện tập giọng hát cho thật hay để rồi khi có dịp thì sẽ lên trình diễn trên sân khấu .... vì vậy đối với tôi không có bài hát nào đặc biệt cả, bài hát nào cũng bình thường như bài nào thôi .... cho đến một ngày, vào năm tôi khoảng 15 tuổi, tự nhiên thấy con em gái 10 tuổi của mình chạy về nhà vội vàng dấm dúi vào tay tôi một thứ rồi nói rằng " có anh kia nhờ em đưa cho chị cái này!". Tôi mở ra xem thì thấy đó là một bản nhạc có cái tên là "Cánh Buồm Chuyển Bến" với hàng chữ viết tay thật đẹp đề tặng trên bản nhạc. Thú thật, những lời đề tặng trên bản nhạc đã làm cho tôi hơi để ý đến người này một chút, tên gọi ở nhà của tôi là "Hường", vậy mà người này đã có một ý tưởng thật sáng tạo khi chuyển cái biệt danh cụt ngủn không thơ mộng tí nào của tôi trở nên một cái tên mới thật đẹp và lãng mạn với lời đề tặng trên bản nhạc là ....."Thương tặng Hương Huyền ......".

Hương Huyền của năm xưa ....

Hình ảnh nhạc và lời của bản nhạc Cánh Buồm Chuyển Bến năm xưa

Vào thập niên đó, nghe nhạc thì sẽ được nghe ca sĩ hát từ Radio do đài phát thanh phát ra, và những người yêu nhạc thường hay mua những bài ca thật hay, thật nổi tiếng thuộc vào loại "top hit" đã được in ra thành những bản nhạc để có thễ tự tập đàn, tập hát hay để làm thành một bộ sưu tập. Và ngoài ra, cái mode sang trọng thời bấy giờ nửa là họ hay tặng cho nhau những music sheet có lời ca như hình bên trên với những lời viết tay nắn nót đề tặng lên trên bản nhạc để làm quà tặng cho bạn bè, cho người yêu ..... Lúc ấy tôi là một thiếu nữ vừa mới lớn, khi ra đường, bị tụi con trai lẳng nhẳng theo đuôi sau lưng tôi cũng không phải là ít, nhưng đây là lần đầu tiên trong đời có một đứa con trai dám bạo gan tặng quà cho tôi, mà lại là một bản tình ca. Xã hội thời bấy giờ khắt khe lắm, trai gái không đi chung đường, không dám viết thư tình cho nhau vì làm sao mà đưa đến tay nhau được? gửi thư tình về nhà thì lại còn chết hơn! Đây có phải là một màn tỏ tình lãng mạn mà anh chàng này đã nhờ tay em gái tôi chuyển lời qua một bản tình ca chăng? Cũng không phủ nhận rằng lúc đó tâm hồn tôi cũng có chút xao xuyến vì dù sao tôi cũng là một cô gái vừa bước vào tuổi mới lớn, tất nhiên những cảm xúc rung động đầu đời bao giờ cũng đặc biệt khó quên, vì vậy cũng không có gì là lạ khi bài hát này đã trở nên đặc biệt đối với tôi, bởi vì bất cứ khi nào tôi hát bài này, hoặc nghe giai điệu và ca từ của bản tình ca này, thì nó lại gợi cho tôi những kỷ niệm khó quên vẫn còn nằm đâu đó trong miền ký ức của tôi vào cái tuổi thanh xuân mới lớn năm xưa.

Tuổi thanh xuân mơ mộng của tôi, tuổi hoa mộng đẹp nhất thời con gái của tôi rất ngắn, đã không kéo dài được lâu như những bạn cùng trang lứa khi tôi quyết định lập gia đình quá sớm ở vào tuổi 18. Sau khi kết hôn, bổn phận và trách nhiệm với vai trò làm vợ, làm mẹ quá nặng .... cộng thêm vào với những lo toan của cơm, áo, gạo, tiền, học hành cho con cái trong cuộc sống hàng ngày..... đã làm cho tôi trở thành một con người thực tế, tâm hồn tôi dường như cứng rắn hơn, đầu óc tôi không còn mơ mộng những cảm giác lãng mạn, không còn nghĩ đến những thói quen hay thú vui âm nhạc mà mình yêu thích như trước nữa...... Thỉnh thoảng, tôi vô tình nghe được một vài bản nhạc hay nào đó thì tôi cũng thấy thích nhưng rồi thì cũng chỉ thế thôi .... tâm hồn tôi không còn xao xuyến, xúc động hay cảm xúc gì nữa. Cho đến một ngày .... ngày mà tôi phải rời bỏ quê hương, đất nước ra đi để sống nốt quảng đời còn lại nơi xứ lạ quê người thì tâm hồn tôi dường như đã trở về với sự yếu đuối và mong manh như xưa, rất dễ bị xao xuyến, xúc động khi nghe lại những bài hát Việt Nam xưa. Thời gian đầu mới qua Mỹ, nghe bản nhạc nào của Việt Nam ngày xưa cũng làm cho tôi buồn rầu đến đứt ruột vì nhớ nhà, nhớ quê hương, nhớ gia đình anh chị em còn kẹt lại quê nhà, bản nhạc nào cũng làm cho tôi nhớ đến kỷ niệm về Việt Nam cả. Sau cùng chịu không nổi tôi phải ngưng luôn không dám nghe nhạc Việt Nam nửa. Vài năm sau khi cuộc sống mới đã tạm quen nơi xứ người, khi đã liên lạc được với các em tại quê nhà thì cảm giác nhớ nhà, nhớ quê hương, tiếc nuối quá khứ mỗi khi nghe nhạc Việt Nam mới bớt đi được một chút.

Nhưng có một lần, đó là vào ngày Tết Nguyên Đán, sau khi đã bày lễ vật lên bàn thờ để dâng cúng cho Tổ Tiên trong ngày đầu năm mới nơi xứ lạ quê người, chúng tôi mở nhạc Việt Nam lên cho trong nhà có thêm không khí của ngày Tết. Bất ngờ, một bản nhạc Việt Nam với những ca từ và giai điệu của bản nhạc đã làm cho tôi xúc động thật mạnh. Ca từ diễn tả nỗi niềm của những người đi xa, ở một nơi xa xôi thèm nhớ đến cái Tết quê nhà, nhưng không được về quê ăn Tết cùng gia đình. Bài ca mang giai điệu nhẹ nhàng, da diết, ca khúc là một tâm trạng buồn của những người trong mùa Xuân xa nhà nhớ quê hương, nhớ người thân, hồi tưởng lại không khí của những ngày Tết tại quê hương ... đã làm cho tôi chết lặng cả người và không ngăn được nổi xúc động. Bài hát "Xuân này con không về" là một bài hát đã gắn liền với nhiều thế hệ người nghe trong suốt nửa thế kỷ qua, hầu như người Việt nào cũng đã từng một lần được nghe, được biết tới ca khúc này. Năm xưa, tôi cũng đã từng nhiều lần nghe, nhiều lần hát bài này rồi chứ không phải đây là lần đầu tiên, nhưng lần này tôi đã khóc thật nhiều như chưa bao giờ được khóc như vậy, vì chợt nhận ra rằng Xuân năm nay và trong nhiều Xuân kế tiếp nửa và mãi mãi .... tôi sẽ vẫn phải xa quê hương, sẽ vẫn không được về quê ăn Tết để đoàn tụ cùng gia đình của tôi nơi cố hương xa xôi đó, sẽ vẫn mãi mãi là hai phương trời cách biệt.

Hình ảnh nhạc và lời của bản nhạc Xuân Này Con Không Về năm xưa

Là những người thuộc thế hệ thứ nhất rời quê nhà để định cư nơi xứ Mỹ, nên chúng tôi vẫn còn mang nhiều xao xuyến và xúc động khi nghe lại những giai điệu và ca từ của dòng nhạc Việt Nam mình. Ngược lại, các con tôi tuy là người Việt Nam được sinh đẻ tại quê nhà nhưng lại được nuôi dưỡng và lớn lên trên đất Mỹ, nên chính vì vậy mà chúng không có một chút ký ức, kỷ niệm và hồi tưởng gì về Việt Nam, về nơi chúng sinh ra, cho nên tôi cũng có một chút hơi thất vọng khi nói về chuyện âm nhạc Việt Nam với các con mình. Nếu phải nghe nhạc Việt Nam, chúng nó cứ cho rằng sao cái thứ âm nhạc gì mà khi nghe lại cảm thấy nó làm cho mình buồn rầu và chán nản quá sức như vậy! Từ ý nghĩ này của chúng nó, đã làm cho tôi nhớ lại và vẫn còn thấy buồn cười về kỷ niệm âm nhạc Việt Nam với các con mình khi chúng nó còn bé .... trong những lần cả nhà lái xe đi du lịch xuyên tiểu bang, phải lái xe dài ngày .... dòng âm nhạc Việt Nam yêu quý của tôi lại là một món khí giới lợi hại nhất để làm cho chúng nó .... buồn ngủ một cách dễ dàng và thật nhanh chóng! Lái xe đường trường, phải ngồi lâu trên xe chật chội bức bối thì trẻ con bao giờ cũng dễ chán, sinh ra bực bội rồi chòng ghẹo, chọc phá, rồi đánh nhau ở ghế ngồi trên băng sau của xe! Cứ mỗi lần xảy ra chuyện như vậy thì ...... cứ mở nhạc Việt Nam lên, chỉ cần trong vòng nửa tiếng thôi là các cô, các cậu bắt đầu buồn ngủ và từ từ chúng nó lăn ra ngủ hết một cách nhanh chóng và dễ dàng! Thật là buồn mà cũng thật là hài hước khi thấy dòng âm nhạc Việt Nam của mình chỉ có áp dụng được như thế cho những đứa con của mình như vậy mà thôi Trời ạ!

 

Houston - tháng 4-2021 - HH

1001 ảnh bìa facebook đẹp, ý nghĩa về tình yêu & cuộc sống 2018 | IINI Blog

 

 

 

 

 

Chỉnh sửa lần cuối vào %PM, %18 %061 %2024 %20:%04
back to top