" AI CHÁO SƯỜN BÁNH DẦY ĐÂY" _ Hoài Nam Phi

" AI CHÁO SƯỜN BÁNH DẦY ĐÂY"!

 ** Hoài Nam Phi  **

Cháo sườn quẩy


Rét! Cái rét đầu mùa, đầu tháng 10 khiến người ta nhớ về thời xa vắng ấy.

Ngày ấy của những năm 60 của thế kỷ trước, trong lúc nằm co trong chiếc chăn dạ xám đen nặng chình chịch của lính Pháp in dòng chữ 1938, thằng bé nhổm đầu, rồi chồm dậy khi nghe tiếng rao quen thuộc của bà Tuyết Dương nhà ở phố trong:
- Ai cháo sườn bánh dầy đây!
- Ai cháo sườn bánh dầy nào?

Nghe tiếng rao lanh lảnh và deo dẻo của bà Tuyết, nó vội vàng tung chăn nhẩy ào xuống đất, mở chiếc cửa ra vào bằng tre nứa chạy ra ơi ới gọi:
- Bán cho cháu một bát bà Tuyết ơi!

Bà Tuyết hạ gánh cháo bên thềm, một tay ẩy cái mẹt đựng bánh dầy phủ đầy đỗ được xoe nhỏ tơi vàng ươm trên đậy một vỉ buồm đan bằng cói để lộ ra một cái nồi miệng tròn xoe, cổ đứng như cổ áo dài tân thời mà cô Việt Hồng hay mặc, tay kia vớ lấy cái bát chiết yêu, rồi ngoáy nồi cháo và múc lên cho nó một bát cháo đầy bốc khói.

Thấy mắt nó hau háu nhìn mẹt bánh dầy, lại thấy nó nuốt nước bọt ừng ực, bà với tay lấy hai chiếc, dùng cái kéo cắt ra, để lên bát cháo, bà lại dúm một nắm đậu xanh tơi vàng rắc lên bát của nó. Đủ lệ bộ, nó lấy chiếc cù dìa xúc quanh miệng bát rồi cho vào mồm nhai, nuốt ngon lành.

3 hàng cháo sườn vỉa hè đắt khách ở Hà Nội
Thấy nó mua cháo, mấy thằng trẻ con cùng phố như Việt bà Hai Trường, Hoè Quỳnh Mai, Hỷ Đồng bà Kim Chung cũng bắt mẹ cho tiền mua bằng được mỗi thằng bát cháo sườn và hai chiếc bánh dầy rắc đầy đỗ như nó. Cái vị ngọt, đậm của cháo, cái sự mềm dẻo của bánh dầy, vị thơm bùi bùi của đỗ, khiến không đứa nào dám ăn nhanh, mà cứ từ từ, nhẩn nha khoét vòng quanh chiếc bát cháo sườn, rồi đút tỏm vào mồm mà chén như một ông cụ non gãy hết răng vậy. Thằng nọ nhìn thằng kia ăn rồi " Mem mẻm mèm mem, có đứa chết thèm, ra đây tao cho một miếng", chúng chí choé, mặc cho sắp đến giờ đi học.

Bán cho mấy thằng ranh ăn xong để chúng đi học, bà Tuyết khoắng nhanh mấy chiếc bát trong cái chậu rửa bát đặt dưới cái mẹt đựng bát và cùi dìa, rồi lại đặt chiếc đòn gánh tre trên vai chân tập tễnh bươn bải lên đầu phố để bán cho những người khách quen đang đợi bà.

                 *******

Không ai biết nhà bà Tuyết bán cháo sườn từ bao giờ, chỉ biết sau năm 1954 nhà bà đi tản cư về ở phố trong trước cửa nhà ông Giáo Chi và nhà Cậu giáo Hoạt, và chỉ làm độc một nghề: bán cháo sườn, kèm bánh dầy, đúng như tiếng rao của bà mỗi sáng: " Ai cháo sườn, bánh dầy đây", ấy vậy mà gánh cháo của bà khiến cả phố nhớ, thèm được ăn mỗi sáng, nó cũng nuôi sống cả nhà bà hàng chục năm ròng.

Sau chống Pháp, dân tản cư về phố Tam Cờ đông lắm, phần đông là nhà nghèo, phố chỉ có vài nhà " Có máu mặt", đó là mấy nhà buôn, còn lại rặt là nhà làm thợ. Phố chia làm hai, phố trong và phố ngoài. Nhà bà Tuyết ở phố trong, phần lớn là người dưới Xốm, và bà con làng Gốm từ dưới xuôi lên, còn là người Hưng Yên mà bà con quen gọi là người Hương Yên, rồi vài gia đình người tỉnh khác, cùng sống ở phố này, họ làm đủ nghề để sống.

Bà Tuyết, gọi cho chính xác là bà Tuyết Dương, có lẽ ông chồng tên là Dương làm cháo sườn để bán. Cháo của bà khác hẳn những người bán cháo khác chuyên nấu bằng gạo tẻ, trộn một dúm gạo nếp cho nó sánh.

Bà nấu cháo bằng thứ gạo mà dân Mô Cao trồng trên ruộng nhà ông Cả Kỳ cho mướn, chứ không mua gạo nhà bà Chi Chằng chở bằng thuyền từ dưới xuôi lên bán cho cả phố. Được cái thứ gạo mới gặt, xay bằng cối xay lúa do nhà ông Phó Cối ở phố Cầu Lườn đóng, xong giã bằng cối gỗ nghiến hay gỗ nhãn nặng chình chịch, do hai người đạp cho trắng nhưng vẫn còn cám nên gạo rất thơm. Gạo này nấu cơm xong, cơm chỉ cần muối vừng, thậm chí tý nước mắm người thường cũng đánh trôi vài bát, chứ đừng nói đến nấu cháo sườn.
tong-hop-10-cach-nau-chao-ngon-ai-cung-co-the-nau-duoc-8

Bà Tuyết cầu kỳ với nồi cháo của mình lắm. Gạo phải đãi bằng nước giếng trong, cái giếng có từ thời Pháp ở trước cửa nhà ông Tài Đa, cạnh nhà bà Nhung làm đậu phụ, bà Nhung cũng xay đậu tương và nấu đậu bằng nước giếng này. Nước nấu cháo, bà dùng bằng nước sông Lô ở trước đền Hạ, chỗ thuyền rồng rước mẫu Đền Hạ hay đỗ, mà hai thằng con trai bà là thằng Lập và Tài sau giờ đi học xong ra sông gánh về, rồi mới được đi đánh đáo, chơi quay.

Gần tối, bà lấy gạo ngâm vào nước sông Lô, để gạo ngấm nước rồi tải đều ra mấy cái rá lớn cho ráo nước. Trong khi chờ gạo, bà lấy xương ống, xương bay, xương sống rửa sạch cho vào luộc qua cho hết cái bọt bẩn và tanh rồi mới  ninh lấy nước.

Xong phần việc đó đến việc băm thịt.
Con dao của bà phải do ông Giang thợ rèn đánh, sắc lẻm, băm nhát nào ra nhát ấy. Còn cái thớt phải bằng lõi cây gỗ nghiến, mặt phải lồi lên,băm không có mùn, thớt phải do chính ông Đức bừa người Sơn Tây cắt, đẽo, bào mới được, chứ người khác làm bán ối, bà chẳng mua.

Thịt mà bà mua phải là thịt vai của nhà bà Ba Tụng, hay của nhà bà Thông, bà Thoi chứ không phải cái thịt bạc nhạc rẻ tiền, bà bảo thứ thịt này băm ra nấu cháo, dù thịt nhừ nhưng vẫn dai để cho người ta nhá. Lúc nhai, thịt không tan mà nhuyễn ngọt lừ, thấm ngay từ đầu môi, chót lưỡi.

Trần Xuân SoạnẢnh: @daydreammeer

Trước khi đi ngủ, hai thằng con trai bà thay nhau giã hết chỗ gạo đã ngâm, bao giờ bà thấy bột mịn, đem giây bằng cái giây mắt nhỏ li ti mới coi là được. Xong việc hai thằng đi ngủ. Ông ủ bếp ninh xương bảo đảm nồi xương cứ lăn tăn sôi cho đến gần sáng, bà mới yên tâm ngả chiếc lưng hơi còng của bà xuống chiếc giường tre mang từ nơi sơ tán vế.

Khoảng bốn giờ sáng bà dậy hoà đám bột vào nước lã, lọc hết nước ninh xương không để vụn xương, bọt Nước xương dính vào, đổ thịt băm vào rồi cơi lửa cho bén hơn hồi tối. Bà lấy cái muôi múc muối trong cái bồ, rồi đem
tra muối vừa mồm rồi ninh tiếp. Để cho đủ lửa, nước sôi đều đều, bà bắt đầu đổ nước bột vào quấy. Đây là công đoạn quyết định sự thành bại của nồi cháo. Nếu ngơi tay quấy, cháo bén đáy nồi, cháo Khê chỉ đổ đi. Nhưng quấy cháo bằng cái cữ ở tay, rồi quấy đều đều liên tục mà không ngơi nghỉ, để nồi cháo có lớp cháy mỏng ở đáy nồi, bán hết cháo múc lên cháy vàng ươm, cháo vẫn không bị Khê, mùi gạo mới của làng Mô Cao bốc thơm phức, ấy là cái tài điêu luyện của bà, chứng tỏ bà thành công. Đây là điều cực khó làm nồi cháo của bà hơn hẳn những hàng khác không chỉ thơm, còn ngọt của nước xương, đậm nơi đầu lưỡi, beo béo mà không ngấy, ấm cả chân răng mà còn có một lớp cháy mềm dẻo ăn vào bùi bùi như vỏ chiếc bánh mỳ nhà ông Chắn mới ra lò vậy, khiến ối người thích nhấm nháp.

Và bà Tuyết đã quấy cháo như thế ngày này qua ngày khác, năm này qua  năm khác, mà không bà bán cháo nào làm được như bà, khiến bà trở thành nổi tiếng trong các ghánh hàng ăn ở phố chợ Tam Cờ.

Quấy xong nồi cháo, bà bắc nồi cháo
vào cái thúng trong có quây bằng chiếc bao tải gai chuyên dùng để ủ nồi, đạy nắp nồi cháo xong, bà lại đạy lên nồi cháo cái vỉ buồm đan bằng cói để nồi cháo lúc nào cũng nóng, bà mới quay sang xếp bánh dầy lên mẹt.

Top 5 quán cháo sườn ngon nhất Hà Nội

Bánh dầy mà nhà bà Tuyết làm cũng bằng gạo nếp làng Mô Cao. Nghệ thuật giã bánh là một bí mật mà ông chồng bà nắm giữ. Bánh dầy giã xong nó không dính chặt lấy tay như của các nhà khác mà nó mềm, dẻo nhưng không dai, nó dẹt, mang hình bầu dục, chứ không tròn như bánh dầy của mấy nhà bán bánh dầy chả. Ở giữa chiếc bánh được ông tạo dấu vết đặc trưng riêng biệt bằng cách dùng ngón tay cái ấn cho lõm xuống bên trong có nhân đỗ bên ngoài cũng được phủ lớp đậu xanh lên trên khiến các bánh dầy dù xếp nghiêng bên nhau mà không dính chặt lấy nhau, khiến ai trông thấy cũng thèm, đã ăn cháo, phải mua hai cái ăn kèm mới đủ vị. Đỗ của ông rắc trên bánh dầy cũng được ông làm khác người, nó được ngâm nước giếng, nấu nước sông pha chút muối, khi đỗ chín tới, để nguội, cho vào giã tơi, rồi lấy tay xoe đều cho chúng bám vào nhau. Mùi gạo nếp của làng Mô Cao, mùi đỗ xanh của làng Giao quyện vào nhau thơm phức, khiến người nào thấy gánh cháo sườn của bà Tuyết mà không ăn thì lấy làm tiếc lắm.

Đúng 6 giờ sáng bà Tuyết gánh gánh cháo sườn ra khỏi nhà. Trăm sáng như cả trăm, bà đi dọc phố trong xuống bến ô tô, rồi ra phố ngoài, đến đầu nhà Đoan bà ngoặt vào qua cửa nhà ông giáo Nhuận, nhà ông Cả Kỳ, bà Chi Chằng, ông Cả Cò là 9 giờ sáng. Gánh cháo sườn hết bay, nhẹ tênh, khiến một chân tật nguyền làm bà gánh gánh cháo đi tập tễnh bớt hẳn cơn đau nhức.

Chính lúc đó, hai thằng phố ngoài xuất hiện, chúng mua nốt chỗ cháy nồi dẻo, thơm mà lắm thịt đọng lại đáy nồi của bà, chúng cuốn tròn lại kiểu chiếc bánh cuốn rồi chia nhau ăn như ăn bánh mỳ, trông ngon lành, khiến thằng khác trông thấy chảy cả nước bọt.

Cách nấu cháo sườn đơn giản mà vô cùng thơm ngon, bổ dưỡng



Chiếc đòn gánh tre chín rạn hai vai bà Tuyết.

Con đường bà đi qua trong hàng chục năm dòng, cùng với bóng hình người đàn bà nghèo, tập tễnh, lưng còng, và nồi cháo thơm, ngọt, đậm chất xương cứ in đậm trong lòng dân phố Tam Cờ.

Người dân phố Tam Cờ, nhất là lũ trẻ tiếc không được ăn bát cháo thơm, ngọt chất xương, vừa mồm mọi người, nhất là những thằng đam mê ăn cháy cháo sườn của bà Tuyết Dương từ ngày máy bay Mỹ ném bom bệnh viện và Lò gạch chịu lửa quanh thị xã. Nhưng 60 năm sau, hương vị cháo sườn của bà Tuyết ở Tam Cờ Tuyên Quang, vẫn đậm sâu trong tâm khảm mỗi người, khiến cháo sườn Thanh Xuân Bắc của Hà Nội nơi tôi ở hôm nay thua xa không hàng cháo nào sánh được với cháo của bà Tuyết Dương ở phố Tam Cờ thị xã Tuyên Quang của tôi cả, khiến tôi ngơ ngẩn cả người.

AI CHÁO SƯỜN BÁNH DÀY NÀO?


  Hoài Nam Phi

 

Nam Mai sưu tầm

 

Tổng hợp 10 cách nấu Cháo ngon sánh mịn, bổ dưỡng cực đơn giản

Chỉnh sửa lần cuối vào %PM, %23 %895 %2020 %15:%11
back to top