Trái Cây Lạ Miền Nhiệt Đới - Phạm Đình Lân

Trái Cây Lạ Miền Nhiệt Đới

- Phạm Đình Lân

 

Đối với người Âu-Mỹ trái mít, sầu riêng, chôm chôm, măng cụt, giâu, xoài là những loại trái cây nhiệt đới lạ. Tác giả bài viết này là người sinh và lớn lên trong vùng nhiệt đới nên không xem sầu riêng, mít, chôm chôm, măng cụt, giâu bòn bon tức giâu miền dưới là trái cây xa lạ. Gọi là giâu bòn bon vì trái giâu tròn tựa viên kẹo. Người Pháp gọi kẹo là bonbon. Người Việt Nam Việt hoá thành bòn bon. Còn gọi là giâu miền dưới vì xuất xứ của loài giâu này là Mã Lai và Indonesia, hai quốc gia nằm ở phía nam nước ta.

Chúng tôi viết rất nhiều bài về thảo mộc (cây to, cây nhỏ, dây, hoa, phong lan, thảo dược) và trái cây khắp các vùng khí hậu khác nhau trên thế giới nên trong bài này chúng tôi chỉ nói đến các loại trái cây nhiệt đới ít được biết đến.

Trái cây miền nhiệt đới ngọt và thơm hơn trái cây miền ôn đới mặc dù người Âu- Mỹ cho rằng trái sầu riêng có mùi cực thối, trái mít hôi mùi hành v.v. Trái cây miền ôn đới không thơm và ngọt như trái cây miền nhiệt đới. Nhưng người bịnh có thể ăn nho, ‘pomme’ v.v. Không nghe bác sĩ khuyên người bịnh Việt Nam ăn xoài, sầu riêng, măng cụt, ổi, trái cóc v.v. trong lúc bịnh.

Trái cây miền nhiệt đới Trung-Nam Mỹ tức vùng được bao quanh bởi Đại Tây Dương và Thái Bình Dương cũng có chút khác biệt với trái cây miền nhiệt đới Á Châu tức vùng bao quanh bởi Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.

Trái cây ít được nghe thường là trái cây rừng không được trồng thành vườn, không ngon bằng những loại trái cây đã được trồng trong vườn hay đồn điền vì không có giá trị kinh tế quan trọng.

Lần lượt chúng tôi xin nói qua về vài loại trái cây ít được nghe đến trong vùng nhiệt đới Á Châu giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương gần quê hương sinh quán của chúng tôi.

****

Trái Dứa Đỏ - Pandanus conoideus - Gia đình: Pandanaceae

duado

Đây là một loại dứa dại mọc trong rừng trên các đảo ở Đông bộ Indonesia và đảo Papua New Guinea. Cây dứa to, lá dài từ 1- 2 m. Rìa lá có gai nhọn. Trái hình ống khi thì màu đỏ tươi, khi thì màu vàng hay hung đỏ, có gai nhỏ không nhọn tựa như trái mít màu đỏ vậy. Trái dài từ 30- 120 cm; đường kính xê dịch từ 10- 25 cm. Trọng lượng cân nặng từ 3- 8 ki- lô. Cơm trắng, ăn được.

Nếu trồng phải mất 03 năm mới có trái.

Tên khoa học của trái dứa đỏ là Pandanus conoideus thuộc gia đình Pandanaceae. Tên gọi thông thường:

Quốc Gia Tên Gọi
Anh Red fruit (Hồng Quả)
Indonesia Buah Merah (Hồng Quả); Merah panning (trái dứa đỏ dài);
Merah pendek (trái dứa đỏ ngắn) (Merah: đỏ; Buah: Trái)
Papua Kuansu; Marata

Công dụng:

- trái dứa đỏ là thức ăn ngon và cũng là nguồn thuốc trị bịnh của người Papua
- dùng để cất dầu (dầu trái dứa đỏ)
- dùng để trị: sốt rét, bịnh về da, trùng lãi, thị giác kém (beta- carotene), ung thư, HIV/AIDS, rỗng xương (osteoporosis) (nhiều Ca- chất vôi), tiểu đường (tocopherol- sinh tố C điều hoà lượng đường trong máu, trị viêm gan B, C (nhiều antioxidants kháng khuẩn, ngừa sự phát triển tế bào ung thư)
- trái dứa đỏ bổ não vì giàu omega-3, omega-6

Thành phần hóa học: beta- carotene, tocopherol (sinh tố E), sinh tố C, phosphorus, Ca, carotenoids, flavonoids, oleic acid, linoleic acid, triolein, palmito- diolein v.v.
Dược tính của trái dứa đỏ đang được các nhà khoa họa đặc biệt lưu ý đến.

Hồng Nhung - Diospyros blancoi - Gia đình: Ebenaceae

hongnhung

Tên gọi thông thường của hồng nhung là:

Quốc Gia Tên Gọi
Phi Luật Tân Mabolo, kamagong
Tây Ban Nha camagon
Pháp caca de chat (cứt mèo)
Anh mabolo (dựa theo cách gọi của Phi Luật Tân), velvet
persimmon, velvet apple

Tên khoa học của hồng nhung là Diospyros blancoi (nhiều tên khoa học khác) thuộc gia đình cây mun Ebenaceae.

Cây hồng nhung cao từ 10- 15 m. Cây già có thể cao đến 30 m. Lá dài, dày và rộng trông đẹp mắt. Hoa trắng, 04 cánh. Hoa đực và hoa cái không cùng một cây. Trái tròn màu tím- hung đỏ, bên ngoài có lớp lông trắng mịn như nhung. Trái chín có cơm màu hung đỏ, ăn được nhưng có mùi như phô- mai lên men chua. Người Pháp gọi hồng nhung là caca de chat. Vỏ ngoài của trái hồng nhung tạo ra mùi khó chịu đó.

Công dụng: (đây là công dụng tìm thấy ở Phi Luật Tân, Mã Lai, Ấn Độ, Indonesia v.v. nơi có loại cây hồng nhung này).

- trái ăn được. Bên trong có hột cứng.
- hột dùng để lấy dầu. Dầu dùng để trị kiết lỵ, tiêu chảy. Vỏ, lá sắc nước uống cũng có tác dụng trị tiêu chảy, kiết lỵ.
- vỏ, lá đun sôi dùng để tắm khi da bị ngứa hay để rửa vết thương.
- lá non sắc uống trị cao máu, tiểu đường, yếu tim
- gỗ cây hồng nhung rất cứng và bền bỉ. Đồ mộc làm bằng gỗ này rất quí.

Trái Vôi Rừng - Trâm Ba Vỏ - Syzygium cumini - Gia đình: Myrtaceae

voirung

Cây vôi rừng tức cây trâm ba vỏ mang tên khoa học Syzygium cumini (nhiều tên khoa học khác) thuộc gia đình Myrtaceae của cây sim, cây mận ở Nam Bộ. Đây là loại cây rừng có trái ăn được tìm thấy nhiều ở Ấn Độ, Nepal, Sri Lanka, Miến Điện, Thái Lan, Việt Nam, Lào, Cambodia, Phi Luật Tân, Mã Lai, Indonesia, Bắc Úc, Phi Châu, Nam Mỹ v.v. Tên gọi thông thường rất dồi dào:

Quốc Gia Tên Gọi
Việt Nam Vôi rừng, trâm ba vỏ
Anh Java Plum, Malabar plum, Black plum, Jamun,
Jaman
Ấn Độ Jamun
Phi Luật Tân Duhat
Lào Va
Khmer Pring Bai
Mã Lai Plum Jawa

Cây vôi rừng (trâm ba vỏ) cao từ 25- 30 m. Lá láng và mọc đối nhau. Vỏ cây màu xám. Thân cây chẻ ba. Hoa kết chùm màu trắng rất thơm. Trái hình ống tựa như trái nho màu tím bầm hay đen bóng khi chín. Ăn được, vị chua- ngọt- chát.. Trái có núm nhỏ phía dưới.

Ở Phi Luật Tân và Surinam người ta dùng trái vôi rừng lên men để cất rượu. Rượu này có nhiều sinh tố A và C.

Trái có gallic acid và tannins. Hoa có oleanic acid và crataegolic acid.

Trái và hột có polyphenols (antioxidants), sinh tố C, tannins, anthocyanin, sterols, alkaloids, triterpenoids, coumarins, glycosides, saponins.

Lá, vỏ cây, trái, hột đều được dùng để trị bịnh.
Vỏ trị bịnh mất hồng huyết cầu. Vỏ nhuận tiểu, nhuận trường, trị lãi.
Trái và hột: trị tiểu đường, tiêu chảy, kiết lỵ. Hoạt chất lấy từ hột trái vôi rừng dùng để trị cao huyết áp.
Người ta giã lá vôi rừng, vắt nước ngậm khi nướu răng bị rướm máu.

Trái Kesusu - Prainea limpato - Gia đình: Moraceae

kesusu

Theo tiếng Mã Lai, Kesusu có nghĩa là ‘nhanh lên'. Cây Kesusu là cây rừng cao từ 20- 30 m được tìm thấy nhiều ở Mã Lai, và trên các đảo trong quần đảo Indonesia, New Guinea. Lá dài, rộng, láng màu xanh sẫm. Nhựa trắng đục như sữa. Hoa màu xanh- vàng. Trái kết thành chùm màu vàng- đỏ rất đẹp. Trái hình nón. Bên trong có nhiều hột. Người ta ăn trái lẫn hột. Hương vị trái Kesusu là hương vị ngọt của chuối và vị chua của strawberry.

Tên khoa học của trái Kesusu là Prainea limpato (nhiều tên khoa học khác) thuộc gia đình Moraceae hay Anacardiaceae như mít.

Tên gọi thông thường: Kesusu, Limpato, Buruni, Karon v.v.
Cây Kesusu là cây to lớn, gỗ cứng bền bỉ màu vàng-đỏ.

Trái Sấu - indicum - Gia đình Meliaceae

traisau

Cây sấu là cây to mọc hoang trong rừng trên bán đảo Đông Dương (Việt Nam, Cambodia, Lào) và các quốc gia khác ở Đông Nam Á và Nam Á. Người ta cho rằng cây sấu gốc ở Cambodia. Hiện nay sự tiêu thụ trái sấu rất phổ cập ở Indonesia.

Cây sấu cao đến 30 m. Lá to, rộng màu xanh tươi. Trái tròn như trái bồ đào. Bên trong có múi như trái măng cụt. Trái sấu màu vàng cam. Có trái màu đỏ.
Trái màu vàng ngọt.
Trái màu đỏ chua.
Trái màu vàng nằm trên cây có lá màu vàng khi thay lá.
Trái màu đỏ trên cây có lá màu đỏ khi thay lá. Cơm trái sấu màu trắng, vị chua.

Tên khoa học của cây sấu là Sandoricum indicum (nhiều tên khoa học khác) thuộc gia đình Meliaceae.

Tên gọi thông thường:

Quốc Gia Tên Gọi
Việt Nam Trái sấu
Anh Cotton fruit (đừng nhầm là trái bông vải), Santol, Lolly fruit
Mã Lai Sentul, Kecapi
Pháp Faux mangoustanier (cây măng cụt giả)
Thái Lan Sathon, Gratawn
Lào Thong (âm sau cùng của Sathon)

Công dụng:
- cây to, nhiều gỗ, gỗ cứng. Gỗ có hương thơm được dùng trong kỹ nghệ nước hoa.
- vỏ cây dùng để nhuộm lưới cá
- trái ăn được, có nhiều sandolinic acid A- C C30 H46 O5, sinh tố C, quercetin (antioxidant) bảo vệ hệ thống miễn nhiễm chống viêm.
- Lá có limonoids kháng trùng, kháng nấm. Lá, vỏ và rễ cây sấu được dùng làm thuốc cầm máu, trị tiêu chảy, kiết lỵ, hạ sốt, bịnh về da, đau bụng.

Trái Sấu Trắng

sautrang

Cùng tên gọi trái sấu nhưng trái sấu trắng không cùng dòng thảo mộc hay gia đình thảo mộc với trái sấu mà chúng ta vừa nói qua.

Tên Tên khoa Học Gia đình
Trái Sấu Sandoricum indicum Meliaceae
Trái Sấu Trắng Dracontomelon duperrreanum Anacardiaceae

Tên gọi thông thường:

Quốc Gia Tên Gọi
Việt Nam Long cốc, trái sấu trắng
Anh Pacific walnut; New Guinea walnut
Trung Hoa Ren mian zi

Cây sấu trắng cao đến 30 m. Nó được tìm thấy nhiều trên các hải đảo Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương và các vùng khí hậu bán nhiệt đới (Yunnan .<.Vân Nam.>., Guangdong .<.Quảng Đông.>., Guangxi .<.Quảng Tây.>.) và nhiệt đới như Việt Nam. Lá rộng màu xanh tươi. Cành cây có lông mịn. Trái màu xanh có nhiều sinh tố C và các loại acids hữu cơ nên rất chua. Khi chín vỏ trái chuyển sang màu vàng.

Trước kia trên đường phố Hà Nội có nhiều cây sấu trắng tức long cốc cho trái và bóng mát.

Người ta ngâm trái sấu trong muối hay đường để giữ lâu ngày.

Trong y học dân gian ở Bắc Bộ trái sấu trắng được dùng để trị ho, miệng khô, khát nước, nôn mửa vì có thai.
Hoa long cốc hấp với mật ong dùng để trị ho cho trẻ em.
Trái nấu với thịt hay cá cho phụ nữ mang thai ăn để khỏi bị nôn.
Ở Yunnan (Vân Nam) người ta giã nát trái sấu trắng vắt nước uống trị chứng ăn không tiêu.
Rễ và vỏ dùng để trị sưng vú.

Trái Bứa - Garcinia oliveri - Gia đình: Clusiaceae

traibua

Cây bứa rừng có nhiều liên hệ với cây măng cụt.

Tên khoa học của cây bứa rừng là Garcinia oliveri (nhiều tên khoa học khác) thuộc gia đình Clusiaceae như cây măng cụt.

Tên gọi thông thường:

Quốc Gia Tên Gọi
Việt Nam Bứa rừng
Khmer Troumeng
Lào Kok mak mong
Anh Malabar tamarind, pot tamarind (Me nồi- vì vị chua và hình dạng của trái măng cụt tròn láng hay có chìa như trái bí rợ).
Indonesia Kudam puli (Me nồi)
Thái Lan Mak paem
Ấn Độ Kokam

Cây bứa được tìm thấy nhiều ở các quốc gia Đông Nam Á và trên các hải đảo Thái Bình Dương. Cây cao từ 10- 15 m. Lá láng, màu xanh tươi, mỏng hơn lá măng cụt. Trái tròn như trái măng cụt. Cơm trắng. Hột dính sát vào múi màu trắng như múi măng cụt. Vị chua.

Vỏ dày của trái bứa rừng dùng để trị chứng béo phì (obesity), suyễn, tiểu đường, rối loạn chứng đông máu (clotting).. Người Khmer dùng nó để trị viêm phổi.

Vỏ cây bứa rừng là màu nhuộm vàng- đỏ. Vỏ cây bứa rừng thán rồi tán nhuyễn kết hợp với rượu dùng làm thuốc đắp vết thương hay nơi khớp xương bị trặc, bong gân.

Trái bứa rừng có cowanin C29 H3 O6, cowanol C29 H34 O7, chromanone C9 H8 O2 như măng cụt và hydroxycitric acid C6 H8 O8.

Trong sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư lớp ba có chuyện Người Đi Đường với Quả Bứa. Câu chuyện ngắn, khô khan nhưng đáng suy gẫm. Câu chuyện đại cương như sau:

Hai người đi đường tranh giành nhau một trái bứa. Người thứ nhất nói: "Trái bứa đó của tôi vì tôi thấy nó trước.” Người thứ nhì nói: "Nó thuộc về tôi vì tôi lượm nó.” Hai người cãi nhau ỏm tỏi suýt đánh đập lẫn nhau thì có người đi đường thứ ba đứng ra phân giải. Ông ta cầm trái bứa bẻ ra làm đôi rồi móc các múi bên trong ăn. Ăn xong người đi đường thứ ba đưa cho hai người tranh chấp mỗi người nửa vỏ bứa!!

Vì lợi lộc mà người ta thích kiện tụng. Kẻ thắng người thua đều không được gì ngoài sự hoang phí tiền bạc, thì giờ và sự tích luỹ sự thù ghét và oán hận lẫn nhau để người bàng quan thứ ba hưởng lợi.

Trái Trường Chua - Xerospermum tonkinense - Nephelium hypoleucum - Gia đình: Sapindaceae

traitruongchua

Cây trường là một thân thuộc gần của cây nhãn, trái vải (vải thiều; lệ chi), chôm chôm. Cây trường là cây rừng được tìm thấy nhiều ở các quốc gia Đông Nam Á như Thái Lan, Việt Nam, Cambodia, Lào, Mã Lai, Indonesia, Phi Luật Tân v.v. Cây cao từ 20- 30 m. Lá láng, dày màu xanh sẫm, gân lá cứng. Hoa nhỏ màu vàng-trắng nhạt. Trái tròn, vỏ ngoài nhám sần sùi như vỏ trái vải (lệ chi). Có trái màu đỏ tươi. Có trái màu vàng trông rất đẹp. Hột cứng và to, cơm trắng và mỏng. Vị chua.

Tên khoa học của cây trường có trái chua là Nephelium hypoleucum thuộc gia đình Sapindaceae.

Tên gọi thông thường:

Quốc Gia Tên Gọi
Việt Nam cây trường; trái trường
Thái Lan Kho laen
Lào Co lenh (tựa như cách gọi của người Thái)
Khmer Sao mao
Miến Điện tawthayet
Anh Korlan (gọi theo Mã Lai)
Hòa Lan Korlan (gọi theo Indonesia)

Công dụng:
- cây to cho nhiều gỗ. Gỗ trường không phải là danh mộc
- trái trường đẹp mắt nhưng rất chua. Người ta cho rằng hột trái trường độc. Chúng tôi không nghĩ như vậy vì người ta rang hột trái trường và ăn như ăn đậu phọng rang. Hột trái trường được cất dầu để thắp đèn và dùng trong nấu nướng. Nhưng hột trái trường to rất khó tiêu đối với trẻ nít vì cơm trái trường ít, hột lại bám sát cơm nên khi ăn người ta nuốt hột lẫn cơm trái trường khiến cho việc tiêu hóa khó khăn. Có lẽ độc là vậy. Lá và vỏ trái trường có HCN hydrocyanic acid ngăn chặn sự hô hấp của tế bào.

Người Việt Nam ít biết trái trường. Nhưng ở Thái Lan hay Indonesia trái trường được bán ngoài chợ.

Trái Trường Ngọt - Nephelium ramboutan- ake - Nephelium pulasan - Litchi ramboutan- are - Gia đình: Sapindaceae

traitruongngot

Chúng tôi xin được vài phút vui sướng khi đề cập đến cây trường ngọt tựa trái vải nầy. Vui sướng vì chúng tôi đã tìm được tên khoa học và tên gọi thông thường của cây trường đặc biệt sau nhà ông nội chúng tôi. Cây trường ngọt này được cha chúng tôi thường nhắc đến lúc còn sống.

Quê nội chúng tôi còn nhiều dấu vết của các loại cây rừng. Trong số này có cây trường. Trái trường màu đỏ hay vàng rất đẹp nhưng rất chua. Hột to nuốt vào dễ bị vướng ở cổ đến nghẹt thở. Nuốt vô được thì lại khó tiêu hóa. Có lẽ vì vậy mà người ta cho rằng hột trái trường độc. Thực tế nó cũng giống như hột trái chôm chôm có thể rang để ăn hay lấy dầu để nấu nướng hay thắp đèn.

Cây trường ở nhà ông nội chúng tôi lại khác hoàn toàn với những cây trường khác. Trái to, vỏ sần sùi như vỏ trái lệ chi màu đỏ bầm, cơm dày và tróc như chôm chôm tróc, vị ngọt. Khi soạn Thế Giới Thảo Mộc Từ Điển chúng tôi mất khá nhiều thì giờ về Cây Trường. Rồi lại mất nhiều thì giờ đi tìm tên khoa học của Cây Trường Ngọt của ông nội chúng tôi. Tìm được chúng tôi cảm thấy sung sướng lạ thường như đã trả lời cho cha và ông nội chúng tôi một câu hỏi ôm ấp từ lâu khi còn sống.

Tên khoa học của cây trường ngọt là Nephelium ramboutan- ake (còn nhiều tên khoa học khác) thuộc gia đình Sapindaceae.

Tên gọi thông thường là:

Quốc Gia Tên Gọi
Mã Lai Pulasan
Indonesia Kapulasan
Thái Lan Ngoh konsan
Phi Luật Tân Bulala
Anh Pulasan (như Mã Lai), Rambutan kafri

Cây trường ngọt cũng là cây ăn trái mọc hoang trong rừng. Cây cao từ 20- 30 m. Lá láng, dài và dày màu xanh sẫm. Gân lá cứng nổi cộm lên. Hoa nhỏ màu vàng-trắng nhạt. Trái to như trái chôm chôm, vỏ sần sùi như vỏ trái vải màu đỏ bầm. Cây trường ngọt này có nhiều ở Mã Lai, Indonesia, trên các hải đảo Thái Bình Dương và vài nước Đông Nam Á lục địa. Trái trường ngọt và tróc này được bán ngoài chợ ở Mã Lai hay Indonesia.

Công dụng:
- cây to cho nhiều gỗ. Gỗ không phải là danh mộc.
- trái chín ngọt như chôm chôm nên trong tên gọi có chữ ‘rambutan’ (rambutan: tóc .<.ám chỉ những sợi gai nhuyễn như tóc ngoài vỏ trái chôm chôm.>. - tiếng Mã Lai)
- Hột trái trường ngọt là nguồn dầu dùng trong kỹ nghệ xà bông.
- Lá và rễ có hydrocyanic acid HCN độc. Lá dùng để làm thuốc đắp. Rễ sắc nước uống hạ sốt, trục lãi hay nấu nước tắm khi bị sốt.

Trái Guồi - Willughbeia edulis - Willughbeia cochinchinensis - Gia đình: Apocynaceae

traiguoi

Trái guồi là trái cây rừng. Trái tròn to như trái banh tơ-nít màu vàng. Cơm trắng, mềm và nhão; vị chua. Đó là trái cây rừng mọc từ dây dài từ 10- 25 m. Lá giẹp, nhọn, dài màu xanh. Hoa màu trắng.

Dây guồi được tìm thấy nhiều ở các nước Đông Nam Á đặc biệt là Nam Bộ Việt Nam. Vì vậy một trong những tên khoa học của dây guồi có tên Willughbeia cochinchinensis (Cochinchina: Nam Kỳ; Nam Bộ). Dây guồi được tìm thấy nhiều trong rừng trong quận Bến Cát, tỉnh Bình Dương.

Tên khoa học của dây guồi rất nhiều. Tên dễ nhớ là Willughbeia edulis (edulis: ăn được) thuộc gia đình Apocynaceae.

Tên gọi thông thường:

Quốc Gia Tên Gọi
Việt Nam Guồi
Khmer Kuy
Ấn Độ Gedraphol
Anh Kuy (như Khmer), Gedraphol (như cách gọi của Ấn Độ)
Thái Lan Kuiton
ndonesia Kubal madu
Miến Điện Talaign- no

Công dụng:
- Trái guồi chín ăn sống, có vị chua. Trái màu vàng trông đẹp mắt
- Dây guồi có nhiều nhựa dẻo như keo. Nhựa được dùng làm thuốc đắp, trị ghẻ cóc (yaws). Người Thái dùng nhựa dây guồi để trị ung thư vú, ung thư ruột v.v.
- Rễ được dùng làm màu nhuộm đỏ (Thái Lan)
- Dây và rễ guồi dùng để trị ghẻ cóc (yaws), kiết lỵ, tiêu chảy, gan, hoàng đản, bao tử ợ chua (heartburn).

Trái Burahol - Trái Kepel - Long Đảm Quả - Stelechocarpus burahol - Gia đình: Annonaceae

burahol

Cây Burahol hay Kepel, đặt theo tên của một thuyền trưởng Anh Henry Keppel có công đánh dẹp hải tặc trong vùng biển quanh Singapore vào thế kỷ XIX, là một loại cây ăn trái rất hiếm. Không biết vì sao người Trung Hoa gọi trái Burahol là Long Đảm Quả tức trái mật rồng. Vì có vị đắng?

Cây burahol được trồng ở Trung bộ đảo Java thời các quốc vương Hồi Giáo. Sự hiểu biết về cây burahol còn sơ khai ngoài những chuyện truyền khẩu đôi khi mâu thuẫn nhau mặc dù hiện nay cây burahol không còn là cây rừng mà đã được thuần hóa.

Burahol là tên gọi của người Indonesia. Cây cao đến 25 m; lá rộng, láng màu xanh tươi, hoa có 04 hay 05 cánh màu vàng tựa như các loài hoa thuộc gia đình thảo mộc Annonaceae của mãng cầu. Trái tròn như cái chén, da trái màu vàng-xám không tươi. Trái có nhiều cơm màu vàng, ăn được.

Tên khoa học của trái Burahol (long đảm quả) là Stelechocarpus burahol thuộc gia đình Annonaceae của mãng cầu.

Tên gọi thông thường:

Quốc Gia Tên Gọi
Indonesia Burahol; Kepel
Mã Lai Buah kepel
Thái Lan Kheppeil (âm từ Kepel)
Ấn Độ Kepel phal
Trung Hoa Long dan guo (âm sang tiếng Việt: Long Đảm Quả)
Phi Luật Tân Kepel prutas

Khẩu truyền cho rằng trái burahol có mùi khó chịu. Các tài liệu thực vật cho biết trái burahol (kepel) có khả năng hòa giải các mùi khó chịu trong cơ thể như mồ hôi, mùi nước tiểu!

Nếu trái burahol có mùi hôi khó chịu thử hỏi tại sao các quốc vương Hồi Giáo cấm trồng cây Burahol, nhưng cây Burahol chỉ được trồng quanh cung diện của vua hay lâu dài của giới quyền quí thời xưa trên đảo Java mà thôi?

Người ta cũng cho rằng các công chúa dùng trái burahol như thuốc ngừa thai. Lại cho rằng phụ nữ mang thai ăn trái burahol sẽ sinh con đẹp và thông minh. Vì trái burahol có nhiều sinh tố C? Nếu đúng vậy có phải uống nước chanh, ăn cam, bưởi sẽ sinh con thông minh và đẹp vì có nhiều sinh tố C như trái burahol không?

Đó là vài điều lạ quanh trái burahol.

Ngày nay cây burahol được thuần hóa. Cây trồng từ 08 đến 10 năm mới có trái.

Công dụng cây burahol:
- cây to; gỗ tốt ngâm nước lâu ngày vẫn không hư mục nên dùng làm nhà rất tốt.
- trái ăn được, dùng trong kỹ nghệ nước hoa, mỹ phẩm.
- Trái có nhiều sinh tố C, tannins, flavonoids. Trái, lá, hột, rễ có saponins, flavonoids, polyphenols, alkaloids. Trái burahol sát trùng Staphylococcus epidermis gây mùi trong cơ thế (mồ hôi, nước tiểu). Do đó trái có khả năng hấp thụ các mùi NH3 (ammoniac) và CH3 SH (methyl- mercaptan).
- Lá dùng để hạ cholesterol; trái nhuận tiểu, trị sạn thận, bịnh tí thấp (gout), hạ uric acid C5 H N4 O3 trong máu; làm chậm sự thụ thai, trị ung thư (vỏ). Lá có flavonoids kháng viêm, kháng lão hóa.
- Vỏ cây burahol có aristolactam B1 và aristolactam B2 chống tế bào ung thư máu (leukemia)

Bài viết tổng hợp dựa vào Thế Giới Thảo Mộc Từ Điển do tác giả Phạm Đình Lân biên soạn.

Phạm Đình Lân, F.A.B.I.

Kim Phượng sưu tầm

 

ảnh động trái cây

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Chỉnh sửa lần cuối vào %PM, %20 %165 %2020 %22:%07
back to top