Thuốc phiện ngày xưa

Thuốc phiện ngày xưa

Ngày nay khi đi ngang qua nhà hàng The Refinery số 74 Hai Bà Trưng gần phía sau Nhà Hát Lớn, người Sài Gòn yêu mến lịch sử thành phố không khỏi ngậm ngùi nhớ lại vị trí này từng là nhà máy tinh chế thuốc phiện Régies central d’Opium, gọi tắt là R.G.O. lớn nhất Đông Dương, được xây dựng vào năm 1881.

Nhà máy tinh chế thuốc phiện của Pháp tại Sài Gòn năm 1948 (Ảnh: LIFE)   

Trong khoảng thời gian này, thuốc phiện là nguồn thu lớn nhất của ngân sách liên bang Ðông Dương. Và đây cũng là thời điểm thu thuế thuốc phiện đạt cao nhất ở Nam Kỳ so với thời điểm khi Ðô đốc Bonard ký nghị định cho trưng thầu độc quyền khai thác thuốc phiện trước đó bốn thập niên. Và tiếp theo sau đó mười năm, Ðô đốc Ohier ký nghị định thiết lập chế độ độc quyền rượu và cho đấu thầu khai thác.

Như vậy là từ năm 1874, chính quyền thuộc địa chính thức mở đấu thầu buôn bán rượu và thuốc phiện vào một mối. Việc làm này có hai mục đích: Một là, có nguồn tiền dồi dào trong ngân sách; Hai là, gây độc hại sức khoẻ trực tiếp đến người An Nam, gián tiếp làm giảm đi tinh thần đấu tranh của dân tộc bị đô hộ.

Trước khi xây dựng hãng R.G.O. trên đường Paul Blanchy để tinh chế thuốc phiện sạch (loại bỏ tạp chất nguy hại trực tiếp đến sức khoẻ), người Pháp cho nhập thuốc phiện từ Vân Nam, Ấn Ðộ, Miến Ðiện, Lào vào Việt Nam thông qua các đại lý đấu thầu hầu hết là người Hoa Chợ Lớn làm chủ. Số tiệm hút lan tràn khắp nơi từ Bắc chí Nam, riêng Sài Gòn có hơn 500 tiệm.

Năm 1948 - Thông báo gắn ở cổng nhà máy sản xuất thuốc phiện của chính quyền.

Năm 1891, một bài viết trên nhật báo Avenir du Tonkin (Tương lai Bắc Kỳ) tường trình nạn nghiện ngập của quan chức Pháp và dân nghèo bản xứ: “Tỉ lệ người nghiện hiện nay đã ở mức đáng sợ và chúng ta chỉ còn cách rung lên hồi chuông báo động thật lớn … Tình hình hiện nay quá nghiêm trọng; các tỉnh thành hỗn loạn của chúng ta không thể được chỉ đạo từ chiếc giường hút thuốc phiện và trong làn khói toả ra từ những tẩu thuốc được tiêm dưới tay bọn cu ly.”

Việc thành lập hãng tinh chế thuốc phiện chẳng qua chỉ là hình thức bao biện của chính quyền thuộc địa nhằm hợp thức luận điệu bảo vệ chính sách độc quyền, bất chấp các chiến dịch đấu tranh quốc tế đòi bãi bỏ thuốc phiện làm tha hoá con người.

Một nhật báo Pháp năm 1886 miêu tả tiệm hút ở Chợ Lớn và hậu quả của việc lạm dụng loại ma tuý này: “Ở thuộc địa này, các tiệm hút thuốc phiện là những công sở do người Hoa điều hành và được cấp thẻ môn bài đặc biệt. Các công sở được cảnh sát địa phương giám sát chặt chẽ … Phụ nữ và người Âu không được ra vào nơi này …

Người hút thuốc cuối cùng sẽ đạt đến cảnh giới mà tinh thần của họ được giải phóng hoàn toàn khỏi những khổ não trần thế và chìm dần vào trạng thái lâng lâng, đê mê lạ lẫm và khoan khoái. Lạm dụng thuốc phiện về lâu về dài sẽ tàn phá cơ thể. Người hút thuốc phiện thâm căn cố đế sẽ sút cân nhanh chóng, cơ thể khô đét lại, và sở hữu tướng mạo đặc biệt rất dễ nhận biết dù ở khoảng cách rất xa. Nếu lạm dụng thuốc phiện quá lâu, thường cái chết là điều không tránh khỏi.”

Thuốc phiện thô được công nhân nấu lại để lọc tạp chất

trong nhà máy Régies central d’Opium (Ảnh: Manhhaoiflickr)

Còn bác sĩ Hải quân người Pháp Angelo Hesnard miêu tả trong cuốn sách La Fabrication de l’Opium à Saigon như sau: “Trong không khí thanh bình của những buổi mai rạng rỡ, du khách ngự trên những chiếc xe có cu ly kéo,đi du ngoạn từ phía châu thành ra mé bờ sông, dưới những rặng cây xanh màu cẩm thạch.

Khi đến gần những cầu tàu của Hải quân thì bỗng dưng mũi bị kích thích bởi một mùi vị lạ lùng, vừa ẩm ướt vừa độc địa, vừa êm dịu vừa say mê. Ðối với những người đã nhập đạo, thì mùi vị đó mách bảo rằng du khách đang ở cạnh công xưởng yên tĩnh nấu thuốc phiện của Ðông Dương, một cơ quan nhà nước duy nhất vào loại này…”

Thuốc phiện được chế biến tại Sài Gòn được quảng bá là tinh khiết. Dàn máy chiết xuất được nhập từ Pháp, chế biến thuốc phiện dạng thô thành sản phẩm thuần khiết theo một quy trình kéo dài 3 ngày. Nhà máy bán trực tiếp thuốc phiện cho các nhà bán lẻ có môn bài. Các hộp thuốc phiện bán ra được chứa trong những hộp bằng đồng thau với các cỡ 5, 10, 20, 40 và 100 gram.

Trên nắp các hộp thuốc đều có ghi chữ B (Benares) hoặc chữ Y (Vân Nam) tượng trưng cho nguồn gốc xuất xứ của thuốc. Ngoài ra, sản phẩm còn được đóng niêm dấu R.G.O. của nhà máy và mác lô hàng, giúp truy rõ nguồn gốc khi có tranh cãi vì nghi ngờ hàng giả mạo.

Từ tháng 6 năm 1907, một nghị định cấm việc mở thêm những tiệm hút mới đã được ban hành. Tuy nhiên, sự tăng giá thuốc phiện trong những năm kế tiếp đã làm lợi rất nhiều cho nền tài chánh của chính quyền thuộc địa. Việc buôn bán chất ma túy sau đó được quy định lại vào năm 1915, trước hết là ở chính quốc và sau đó là tại Ðông Dương.

Người hút bên mâm thuốc (Ảnh: Manhhaiflickr)

Báo Lục Tỉnh Tân Văn số 558 phát hành ngày 22/9/1918 có viết: “Dân hội Pháp Hạ nghị viện hôm 12 Juillet 1916 đã lập luật cho chánh nước cấm không được nhập cảnh, bán buôn, vựa trữ và thông dụng các vật độc mà trong các vật độc ấy có kể luôn vị á phiện vào rõ ràng, Dân hội mà lập luật vậy, là có ý cấm tuyệt sự hút á phiện…

Lời Chỉ dụ đề ngày 29 Décembre 1916 hạ riêng cho Ðông Dương thì có dạy hai khoản: Là khoản giá cả thuốc phải gia tăng và khoản phải giảm lần số tiệm bán á phiện. Làm như thế thì trong hạn mười năm cái vấn đề cấm tuyệt á phiện phải kết quả tại Ðông Dương, bởi vì mỗi năm phải giảm bán một phần mười. Ðó, cái vấn đề cấm á phiện là vậy đa…”

Thực tế thì cái khoản tăng giá á phiện cũng không làm giảm số người nghiện hút và việc giảm số tiệm hút theo từng năm cũng không dễ dàng thực hiện khi nguồn lợi thu từ á phiện là một phần lớn ngân sách mà quan chức Pháp tại Ðông Dương muốn thu. Mãi đến năm 1931 hệ thống tiệm hút mới bắt đầu suy giảm do cuộc khủng hoảng kinh tế 1931-1934. Tuy vậy con số người nghiện, bất kể giàu nghèo, bất kể thành phần xã hội, vẫn không thay đổi.

Nhà văn Hứa Hoành viết về việc hút thuốc phiện trong cuốn Những phú hộ lừng danh Nam Kỳ rằng: “Khách mua hút tại chỗ, có thể mua ngao tài (thứ lớn) có thể hút từ 3 tới 5 điếu, hoặc có thể mua ngao xây (xỉu) là thứ nhỏ chỉ hút có hai điếu. Hai người rủ nhau vào tiệm hút có thể mua một ngao tài chia nhau mỗi người 2 điếu hút cũng đủ say.

Bởi đó, có người sửa lời bản “Tango Chinois” (Hà nhựt quân tái lai) thành: Hai đứa mình đi vô tiệm hút / Kêu chú cai đem lại ngao tài … Ðể thay thế hai câu: Sương gió, buồn chiều vàng hiu hắt / Sóng nước ôi sao lại u sầu?”

Cân bán thuốc phiện trong một tiệm hút ở Sài Gòn (Ảnh: LIFE)

Khách hút thường trực nhứt là các nhà báo, các văn nhân đào kép cải lương. Nhiều nghệ sĩ có tài, có sắc, nhưng vì là đệ tử của nàng Tiên Nâu, của Lưu Linh, nên nhiều người chết trẻ, thân tàn ma dại. Nếu họ hút đủ và điều độ thuốc nguyên, thì có lẽ nhan sắc và giọng hát có thể cầm cự được với khoảng thời gian dài. Ðằng này, trước hút thứ nguyên chất, sau vì không tiền, họ hút thuốc sái, cho đến nỗi trở thành hình ảnh trong câu ngạn ngôn như sau: Trai tráng sĩ phải co vai rút cổ / Gái thuyền quyên phải mặt bủng da chì.

Ðến đây, tôi lại nhớ một lần ghé thăm mấy căn nhà phú hộ xưa ở Phú Xuân Nhà Bè. Trước khi ra về, gia chủ có nhã ý tặng cho tôi một cái gối gỗ thao lao của ông nội đã mất từ đầu thập niên 1950.

Cái gối bên ngoài được phủ sơn ta rất dày, chung quanh trang trí hoa văn chữ Thọ, nhưng bên phải gối mòn nhẵn lớp sơn lộ ra mặt gỗ. Hỏi ra mới biết, dấu tích này là do ông nội nằm nghiêng một bên hút thuốc phiện suốt mấy chục năm trường. Hồi còn giàu có, ông nội hút toàn thuốc nguyên thượng hạng cho đến khi từ giã cõi đời. Gia đình không chôn cái gối theo xuống mồ vì sợ rằng ông không đành từ bỏ ả phù dung.

Mãi tới đầu thập niên 1950, hãng R.G.O. mới thực sự chấm dứt sản xuất thuốc phiện. Thuốc phiện tiêu thụ tại Sài Gòn hầu hết đều nhập lậu. Khi ông Diệm lên cầm quyền cho dẹp các tệ nạn xã hội bao gồm nhà hút, sòng bài khắp nơi.

Tuy vậy trong những năm đầu thể chế VNCH, một số tiệm hút ở khu vực quận 2, quận 3, quận 5 dành cho giới văn nhân nghệ sĩ, thương gia vẫn còn hoạt động lén lút. Riêng khu vực Cây Da Sà quận 6, vùng ngoại ô thưa vắng nhà cửa, lại biến thành hang ổ xì ke lớn nhất Sài Gòn.

 

Nhà Máy Sản Xuất Thuốc Phiện Tại Sài Gòn Thời Pháp Thuộc

Le Myre de Vilers, Toàn quyền dân sự đầu tiên của Nam Kỳ (sau thời kỳ các toàn quyền đều là các Đô Đốc hải quân của Pháp), và cũng là Toàn quyền Đông Dương đầu tiên sau khi Pháp thiết lập nền bảo hộ trên đất nước Cam Bốt. Ông là người quyết định thành lập Nhà máy sản xuất thuốc phiện tại Sài Gòn.

 

Khi thuốc phiện là nguồn tài chính của thuộc địa
Thuốc phiện đã đóng góp tới 25% vào ngân sách của Đông Dương

Bài viết dưới đây dựa theo Tập san của Hội Nghiên cứu Đông Dương tại Sài Gòn, năm 1917.

Thuốc phiện ở Đông Dương:


Từ khi chiếm được Đông Dương, người Pháp đã biết đến một nguồn lợi tài chính họ có thể thu được từ thuốc phiện mà sự tiêu thụ đã lan tràn khắp nơi trong dân chúng.
Năm 1861, hai người Pháp đã được dành cho độc quyền buôn bán thuốc phiện, với một khoản lệ phí nộp cho chính quyền mỗi năm là 92.000$, nhưng mặc dù được hưởng những ưu đãi, việc kinh doanh của họ đã gặp nhiều trở ngại.


Đến năm 1864 và sau đó, bằng phương thức đấu thầu do chính quyền thuộc địa tổ chức 3 năm một lần, độc quyền buôn bán thuốc phiện đã luôn về tay những người Trung Hoa, ban đầu thuộc bang Quảng Tây rồi sau đó là Phúc Kiến. Do sự câu kết thông đồng của những người Hoa tham dự thầu, số tiền thu về cho chính quyền qua các kỳ đấu thầu mãi không tăng thêm được bao nhiêu, dù việc buôn bán thuốc phiện của họ ngày càng mở rộng và phát triển.


Năm 1881, Toàn Quyền Le Myre de Vilers quyết định thay thế việc nhượng quyền buôn bán thuốc phiện bằng việc quản lý trực tiếp của chính quyền thuộc địa. Thật ra, vị toàn quyền này biết rằng nếu nằm trong tay người Trung Hoa, việc buôn bán thuốc phiện chẳng khác nào một võ khí nguy hiểm cho nền an ninh và quyền lợi của người Pháp.
Đến cuối năm 1881, Cơ quan Thuế Trực thu được thành lập để bảo đảm việc khai thác độc quyền về rượu và thuốc phiện, và cũng để tiếp tục theo đuổi việc thu thuế đánh vào lúa gạo xuất khẩu. Chính vào thời kỳ này mà nhà máy chế biến thuốc phiện được thành lập ở Sài Gòn.

Năm 1906 - Vị trí Nhà máy Chế biến Thuốc phiện tại Sài Gòn (số 74 Rue Paul Blanchy,

tức 74 đường Hai Bà Trưng ngày nay, gần phía sau Nhà hát TP.

Điạ điểm này bây giờ là nhà hàng The Refinery).

Khói bốc lên từ lò nấu của Nhà máy thuốc phiện, gần phía sau Nhà hát TP (1931).

 

Mua nguyên liệu và Chế biến:


Hầu hết thuốc phiện tiêu thụ tại Đông Dương được nhập cảng từ Ấn Độ, sau khi nguồn thuốc phiện từ Vân Nam (Trung Quốc) bị ngừng xuất khẩu. Còn nguồn thuốc phiện nhập từ vùng cao nguyên Bắc Việt và Lào chỉ là một lượng nhỏ bé không đáng kể.


Thuốc phiện thô được vận chuyển đến nhà máy duy nhất của chính quyền thuộc địa [tại số 74 đường Paul Blanchy, tức Hai Bà Trưng ngày nay, gần phía sau Nhà Hát Thành phố], nơi mà dân Sài Gòn ai cũng biết. Việc sản xuất thuốc phiện tại nhà máy chủ yếu là chế biến từ nhựa thuốc phiện thô thành thuốc phiện cho người hút, tức là chế biến lại thành một chất đặc và dẻo, loại bỏ phần lớn những chất alcaloïde có trong nhựa thuốc phiện và một số chất hồ keo có thể tác hại đến sức khoẻ người tiêu thụ.


Thuốc phiện được chế biến tại Sài Gòn theo phương pháp của người Quảng Đông, sự cải tiến duy nhất là việc sử dụng thiết bị chưng cất của Tây phương để có được tỷ lệ thu hồi thành phẩm cao hơn các lò nấu của người Trung Hoa và cho ra một sản phẩm thuần khiết hơn nhiều. Toàn bộ quy trình chế biến thuốc phiện thường phải mất 3 ngày.

Độc quyền bán:


Nhà máy bán trực tiếp thuốc phiện cho các nhà bán lẻ có môn bài.
Thuốc phiện bán cho người hút được chứa trong những hộp bằng đồng thau với các cỡ 5, 10, 20, 40 và 100 gram. Những hộp này được đóng niêm dấu của nhà máy và mác lô hàng giúp truy rõ nguồn gốc khi có tranh cãi vì nghi ngờ hàng giả mạo.


Giá bán thuốc phiện được ấn định bởi những nghị định của chính quyền. Giá này khác nhau tùy theo từng vùng trong Đông Dương, giá được xem xét dựa theo mức độ giàu nghèo của các nơi và đặc biệt là tùy theo vị trí địa lý của các vùng. Theo đó, thuốc phiện được bán giá hạ dọc theo vùng biên giới Lào và biên giới Bắc Kỳ để hạn chế việc làm giả.


Tổng ngân sách năm 1902 của Đông Dương là 27 triệu đồng (piastres), dự kiến thu được 7 triệu từ việc bán thuốc phiện; năm 1905 nguồn thu dự kiến từ độc quyền bán thuốc phiện là 8,1 triệu, với ngân sách của năm này là 32 triệu đồng. Như vậy khoảng ¼ ngân sách của Đông Dương đã được trang trải nhờ nguồn thu từ thuốc phiện.


Năm 1906 - Cổng vào nhà máy chế biến thuốc phiện trên đường Paul Blanchy (Hai Bà Trưng ngày nay).

 

Cuộc chiến chống thuốc phiện:


Ngày 16-9-1906, Hoàng đế Trung Quốc ra một chiếu dụ tuyên bố chiến tranh chống thuốc phiện.
Năm 1909, Hội nghị của Ủy ban Quốc tế về thuốc phiện đã được tổ chức tại Thượng Hải. Các nước tham dự gồm Đức, liên quốc Áo-Hung (Autriche-hongrie), Trung Quốc, Hoa Kỳ, Pháp, Anh, Ý, Nhật Bản, Hoà Lan, Ba Tư, Bồ-Đào-Nha, Nga và Thái Lan.


Mặc dù không đưa ra một nghị quyết cụ thể nào về việc chống thuốc phiện, hội nghị quốc tế này cũng đã giúp các nước quan tâm hơn đến vấn đề này.
Hoa Kỳ sau đó đã đề xướng tổ chức một Hội nghị lần thứ hai vào năm 1912 tại La Haye (Hoà Lan) vào năm 1912, nơi mà những biện pháp chống thuốc phiện cụ thể hơn đã được đưa ra, mặc dù tại hội nghị này Trung Quốc đã không chứng tỏ được sự từ bỏ hoàn toàn việc trồng cây thuốc phiện trên lãnh thổ của mình.


Tại Đông Dương, những biện pháp chống thuốc phiện đã bắt đầu được ghi nhận, mặc dù khó mà xác định được mức độ thực sự, vì đây là một nguồn tài chánh đáng kể. Từ tháng 6 năm 1907, một nghị định cấm việc mở thêm những tiệm hút mới đã được ban hành.

Tuy nhiên, sự tăng giá thuốc phiện trong những năm kế tiếp đã làm lợi rất nhiều cho nền tài chánh công của chính quyền thuộc địa. Việc buôn bán chất ma túy sau đó được quy định lại vào năm 1915, trước hết là ở chính quốc và sau đó là tại Đông Dương.
Ở Đông Dương, có lẽ việc sản xuất thuốc phiện mãi tới năm 1954 mới thực sự chấm dứt.

Năm 1906 - Công nhân tan ca làm buổi sáng,

chuẩn bị ra khỏi cổng nhà máy (hình chụp tại sân trong nhà máy).

 

Từ cây anh túc đến thuốc phiện…


Thuốc phiện được chiết xuất từ cây thuốc phiện trắng. Cây thuốc phiện được trồng ở các vùng đất cao mà trước khi gieo hạt đất phải được chuẩn bị kỹ lưỡng. Người ta gieo hạt vào tháng 11 và cây ra hoa vào tháng 2. Khi đó người ta bắt đầu hái các cánh hoa để dùng vào việc bao gói nhựa thuốc phiện.

Vài ngày sau thì bắt đầu thu hoạch nhựa của quả thuốc phiện bằng cách dùng các cây cào 4 hoặc 5 lưỡi, rạch những vết rạch nhẹ theo chiều thẳng đứng lên quả thuốc phiện, từ cuống lên đầu quả. Chất nhựa trong quả chảy ra, lúc đầu như một chất sữa trắng, dần dần đặc lại và có mầu sậm hơn. Thông thường người ta phải rạch quả thuốc phiện như vậy 4 hoặc 5 lần trước khi quả cho hết nhựa.
Nhựa thuốc được bỏ vào trong những chậu bằng sành và để yên như vậy, sau vài ngày một chất lỏng đặc biệt gọi là «passewa» tách ra khỏi khối nhựa, và người ta gạn hết chất passewa ra khỏi khối thuốc.

Cây, hoa và quả thuốc phiện. Nhựa lấy từ quả thuốc phiện được chế biến thành thuốc phiện để hút. Chất Morphine (C17H19NO3) trong nhựa thuốc phiện có công dụng chính trong y học là thuốc giảm đau.

Năm 1906 - Chế thuốc phiện tại Sài Gòn.


Sau khi gạn sạch passewa, nhựa thuốc được để trong chậu cho tiếp xúc với không khí cho đến khi khối thuốc biến thành một tảng thuốc đặc và hơi mềm.
Khi đó thuốc được cho vào những hũ được niêm kín.
Trước khi vo lại thành những bánh thuốc có dạng quả tròn, người ta đổ nhựa thuốc ra những thùng lớn và để lưu lại đó cho đến khi nhựa thuốc đạt được độ đặc đúng tiêu chuẩn, tức là 70% nhựa thuốc và 30% nước.


Để vo tròn các bánh thuốc phiện, những người thợ lót dưới đáy một cái chậu đồng đã được hâm hơi ấm bằng một lớp dày khoảng 1 cm những cánh hoa thuốc phiện trộn dính với nhau bằng một chất lỏng đặc biệt gọi là “lewals”.


Kế đó người thợ bỏ tảng thuốc vào chậu và nhồi khối thuốc thành dạng quả tròn, và người ta phủ lên quả nhựa thuốc những cánh hoa thuốc phiện thấm đẫm dung dịch lewals. Bánh thuốc tròn sau đó được lấy ra khỏi chậu và lăn trên một lớp lá cây thuốc phiện nghiền vụn, rồi được để hong khô ngoài khí trời.
Các bánh thuốc phiện dạng quả tròn có trọng lượng là 1,750 kilogram mỗi bánh, và chúng được đóng trong các thùng chứa được 40 bánh.

 

Nguồn belleindochine.free.fr

-----------

Kim Quy st tổng hợp

 

Cổng nhà máy chế biến thuốc phiện thời Pháp thuộc còn lại hiện nay (5/2010).

Người Xưa Hút Thuốc Phiện

Vào thời buổi nầy, thuốc phiện không bị cấm như ngày hôm nay, thuốc phiện là lối "giải trí" của dân khá giả thời đó, đi hút thuốc phiện thời đó giống như đi uống cà-phê ngày nay.

 

 

back to top