Truyện ngắn của Guy de Maupassant: Tombouctou

Truyện ngắn của Guy de Maupassant: 

Tombouctou

Lê Ngọc Anh dịch 

Đại lộ, cái dòng đời ấy, chật ních trong đám bụi vàng của ánh chiều tà. Cả bầu trời đỏ rực, chói lòa ; và phía sau nhà Madeleine, một đám mây lớn sáng rực đổ  suốt dọc đại lộ một trận mưa xiên màu lửa, rung rinh như đám khí bốc lên từ bếp lò. Đám đông vui vẻ, hồi hộp, đi dưới đám mây mù bừng cháy này và dường như đang tột cùng phấn khích. Những gương mặt nhuốm vàng, những chiếc mũ đen và những trang phục ánh lên màu tía ; lớp xi bóng của những đôi giày hắt ánh lửa lên lớp nhựa đường trải vỉa hè.

Trước những quán cà phê, một đám người đang uống những thứ đồ uống óng ánh sắc màu như thể trong cốc pha lê có hòa tan đá quý.

Giữa những thực khách trang phục nhẹ nhàng sẫm màu nhất, hai sĩ quan cao cấp thu hút mọi ánh mắt thán phục bởi sự bóng bẩy của mình. Họ chuyện gẫu vui vẻ, trong niềm vẻ vang của cuộc đời và trong ánh chiều rạng rỡ tỏa lan ; họ nhìn ngắm đám đông, những người đàn ông chậm rãi và những người đàn bà hối hả để lại phía sau một mùi hương tuyệt trần và khêu gợi.

Đột nhiên, một gã da đen to lớn, bụng phệ, bận đồ đen, đeo trang sức lòe loẹt trên cái áo gi-lê may bằng vải chéo, gương mặt bóng nhoáng như được quang dầu bỗng đi qua trước họ với vẻ hoan hỉ. Gã cười với những người qua đường, gã cười với những người bán báo, gã cười với bầu trời rực rỡ, gã cười với cả Paris. Gã cao lớn đến nỗi nhô lên trên mọi cái đầu khác ; và đằng sau gã, tất cả những kẻ hiếu kì quay lại để ngắm nghía gã từ phía lưng.

Nhưng thình lình, gã nhận ra hai sĩ quan, gã vừa hất nhào những khách đang giải khát vừa xông đến. Rồi thì gã đã ở trước bàn của họ, gã chòng chọc nhìn họ bằng đôi mắt sáng bừng và vui sướng, khóe miệng gã ngoác đến tận mang tai để lộ ra hàm răng trắng, sáng loáng như mảnh trăng lưỡi liềm trên bầu trời đêm. Hai người đàn ông sửng sốt, ngắm nghía người khổng lồ đen nhánh này, không hiểu sao gã lại vui vẻ thế.

Và gã kêu lên bằng một cái giọng khiến mọi bàn ăn khác phải bật cười :

-               “Xin chèo” Trung úy.

Một trong hai sĩ quan là tiểu đoàn trưởng, người kia là Đại tá. Người thứ nhất nói :

-               Tôi không quen ông, thưa ông. Tôi không biết ông muốn gì ở tôi.

Người da đen đáp :

-               Tôi, quý ông lắm, Trung úy Védié, khu Bézi, rất nhiều nho, tìm tôi.

Viên sĩ quan, hoàn toàn luống cuống, nhìn gã đàn ông chăm chú, lục tìm sâu trong ký ức của mình, rồi đột nhiên hét lên :

-               Tombouctou phải không ?

Người da đen hớn hở, vừa vỗ tay lên đùi vừa cười rống ầm lên  :

-               Phải, phải, ừa,  thưa Trung úy, đã nhận ra Tombouctou, ừa, xin chèo.

Người chỉ huy vừa chìa tay cho gã vừa mỉm cười với cả tấm lòng rộng mở. Rồi Tombouctou nghiêm mặt lại. Gã cầm lấy tay viên sĩ quan, và nhanh đến nỗi người kia không kịp lúng túng, gã hôn lên đó theo thói quen của người da đen và Ả-rập. Ngượng nghịu, người quân nhân nói với gã bằng giọng nghiêm nghị :

-               Nào, Tombouctou, giờ chúng ta không ở châu Phi. Ngồi xuống và nói cho tôi hay thế nào mà tôi lại thấy cậu ở đây.

Tombouctou ưỡn bụng ra, ấp úng bao nhiêu rồi lại nói nhanh bấy nhiêu :

-               Kiếm được nhiều tiền, nhiều lắm, nhà hàng lớn, ăn ngon, bọn Phổ, tôi, bắt được nhiều, nhiều lắm, món ăn Pháp, Tombouctou, đầu bếp của hoàng đế, hai trăm ngàn frăng cho tôi. Ha ! ha ! ha ! ha!

Và gã ta cười, quằn quại, gào thét với vẻ vui sướng điên dại trong ánh mắt.

Khi viên sĩ quan hiểu ra thứ ngôn ngữ lạ lùng của gã, hỏi han gã một lúc rồi bảo gã :

-               Được rồi, tạm biệt, Tombouctou ; hẹn sớm gặp lại.

Người da đen mau chóng đứng lên, lần này thì xiết chặt bàn tay mà người ta chìa ra cho gã và vẫn luôn tươi cười, gã kêu lên :

-               Xin chèo, xin chèo, trung úy !

Gã biến mất, rất hài lòng, vừa bước vừa khoa chân múa tay, và người ta cho gã là một kẻ điên.

Viên đại tá hỏi :

-               Kẻ hoang sơ ấy là ai thế ?

Người đồng ngũ đáp :

-               Một chàng trai can trường và một người lính can trường. Tôi sẽ kể cho anh hay những điều tôi biết về anh ta ; Thế cũng đủ kỳ cục rồi.

 Anh biết là vào hồi đầu chiến tranh năm1870, tôi bị bao vây ở Bézières mà người da đen này gọi là Bézi. Chúng tôi không những bị vây xung quanh mà còn bị siết chặt. Phòng tuyến quân Phổ bao quanh tứ phía, ngoài tầm đại bác, không bắn về phía chúng tôi nữa, nhưng bỏ đói chúng tôi từ từ.

Tôi mới chỉ là Trung úy. Quân đồn trú của chúng tôi bao gồm những đội quân nguyên là đám tàn quân của những trung đoàn tan tác, lính đào ngũ, những kẻ trộm hoa mầu, tách ra từ những binh đoàn có vũ trang. Cuối cùng, một buổi chiều chúng tôi có thêm mười một lính bản xứ An- giê-ri mà không biết từ đâu và làm thế nào họ đến được. Họ trình diện ở các cửa ô, mệt nhoài, áo quần rách rưới, đói khát và say sưa. Người ta trao họ cho tôi.

Tôi sớm nhận ra rằng họ không chịu tuân theo mọi kỷ luật, luôn ra ngoài và luôn chếnh choáng. Tôi đã dùng thử cả đồn cảnh sát lẫn nhà tù, chẳng cái nào được việc cả. Người của tôi biến mất suốt ngày, tựa như họ đã độn thổ vậy, rồi lại xuất hiện say xỉn đến ngã nhào. Họ chẳng có tiền. Họ đã uống ở đâu nhỉ ? Và thế nào, và bằng thứ gì ?

Điều này bắt đầu khiến tôi vô cùng tò mò, hơn nữa còn vì những người hoang dã này khiến tôi hứng thú với nụ cười bất diệt và tính cách của những đứa trẻ lớn xác tinh nghịch .

Thế là tôi nhận ra rằng họ tuân theo người lớn nhất trong cả bọn một cách mù quáng, người mà anh vừa thấy đấy. Anh ta điều khiển họ theo ý mình, sắp đặt sự vi phạm bí ẩn của họ một cách toàn quyền và không ai cãi lại. Tôi triệu anh ta tới chỗ mình và truy hỏi. Cuộc nói chuyện của chúng tôi kéo dài tới ba giờ, chính vì tôi phải khổ sở để hiểu được thứ ngôn ngữ khó nghe kỳ cục của anh ta. Cứ mỗi lần tới lượt mình, cái gã tội nghiệp ấy lại nỗ lực phi thường để làm người ta hiểu mình, bịa ra các từ, làm điệu bộ, khổ sở toát mồ hôi, lau mặt, thở, ngừng lại, thình lình lại nói tiếp khi anh ta tưởng rằng đã tìm ra một cách thức mới để trình bày.

Rốt cuộc, tôi đoán ra rằng anh ta là con của một thủ lĩnh lớn, một kiểu vua của người da đen vùng xung quanh Tombouctou. Tôi hỏi tên. Anh ta trả lời cái gì như là Chavaharibouhalikhranafotapolara. Anh ta tỏ ý rằng để đơn giản hơn, gọi tên anh ta bằng tên xứ sở : “Tombouctou”. Và tám ngày sau, cả đội quân đồn trú không còn gọi anh ta theo cách khác nữa.

Nhưng một mong muốn điên rồ buộc chúng tôi phải được biết nơi vị cựu hoàng tử Phi châu này tìm thấy đồ uống. Tôi đã phát hiện ra điều này một cách đặc biệt. Một buổi sáng, tôi ở trên tường thành, đang ngắm nghía đường chân trời, tôi nhận thấy trong một ruộng nho có cái gì đó động đậy. Đã đến kỳ thu hái, nho đã chín, nhưng tôi ít nghĩ tới điều này. Tôi nghĩ đó là một tên mật thám đang tiếp cận thành phố, và tôi sắp đặt một giải pháp hoàn hảo để tóm cổ kẻ rình rập. Chính tôi chỉ huy sau khi được phép của tướng quân. Tôi điều ba nhóm quân nhỏ tiến ra ngoài theo ba cửa khác nhau rồi tụ lại gần ruộng nho có nghi vấn và bao vây nó. Để cắt đường rút của tên mật thám, một trong những phân đội đã hành quân từ trước đó ít nhất một giờ. Một người ở lại quan sát trên tường ra dấu chỉ dẫn cho tôi rằng kẻ bị phát hiện chưa hề rời khỏi cánh đồng. Chúng tôi đi vô cùng lặng lẽ, bò sát đất, gần như nằm trên những con đường mòn. Cuối cùng, chúng tôi tiếp cận địa điểm chỉ định. Tôi bất ngờ triển khai lính của mình, họ xông vào ruộng nho và tìm thấy… Tombouctou đang bò bằng bốn chân giữa những gốc nho và đang ăn quả, hay đúng hơn là đang đớp quả nho như một con chó đang ăn xúp, ngoạm đầy mồm, vừa ăn cả cây, vừa dứt những chùm nho bằng cách bập răng vào.

Tôi ra lệnh dựng anh ta dậy, không cần nghĩ ngợi, vậy là tôi đã hiểu vì sao anh ta bò lê trên cả hai tay và đầu gối. Đến khi người ta dựng anh ta đứng lên trên hai chân, anh ta lắc lư mất mấy giây, dang tay ra rồi ngã sấp mặt xuống. Anh ta chếnh choáng như thể tôi chưa từng thấy một người chếnh choáng thế bao giờ.

Người ta khiêng anh ta về trên hai cái cọc leo, anh ta vừa cười không ngừng suốt dọc đường vừa hoa chân múa tay. Đó là tất cả điều bí ẩn của tôi. Những anh chàng vui tính của tôi đã uống ở chính ruộng nho. Rồi đến khi say sưa chán chê không nhúc nhích được, họ đã ngủ tại chỗ. Đến lượt Tombouctou, tình yêu với nho đã vượt qua mọi tín ngưỡng và mọi chừng mực. Anh ta sống ngay ở trong ruộng theo cách của những con chim sáo mà anh ta căm thù còn hơn cả lòng căm thù của kẻ tình địch ghen tuông. Anh ta không ngừng lặp lại :

-               Những con chim sáo ăn hết nho, bắt lấy !

 Một tối, người ta đến tìm tôi. Người ta nhận thấy một cái gì đó đang tiến về phía chúng tôi qua cánh đồng. Tôi không hề dùng kính và phân biệt rất tồi. Người ta cho là một con rắn lớn đang duỗi mình, hay một đoàn xe ngựa, sao tôi biết được ?

Tôi cử vài người tới trước cái đoàn người lạ lùng đã nhanh chóng tiến vào ca khúc khải hoàn này. Tombouctou và chín đồng đội của anh ta khiêng một kiểu bàn thờ, chế tạo bằng những cái kiệu thôn dã, trên có tám cái đầu lâu bị cắt, nhuốm máu và nhăn nhúm. Người lính bản xứ An-giê-ri thứ mười dắt  một con ngựa mà ở đuôi nó còn buộc kèm theo sáu con khác, cũng theo cách thức như vậy. Đây là điều tôi biết được. Khi đang ra khỏi ruộng nho, những người Phi của tôi bỗng nhận thấy một biệt đội quân Phổ từ một ngôi làng đang tiến đến. Thay vì chạy trốn, họ ẩn nấp ; và khi các sĩ quan đặt chân xuống đất trước một quán trọ để giải khát, mười một anh chàng vui tính tiến lên, từ chỗ nấp nhằm tới các kị binh những tưởng mình là người tấn công, giết chết hai lính canh, rồi đến tên đại tá cùng năm sĩ quan tùy tùng.

Hôm ấy, tôi ôm hôn Tombouctou. Nhưng tôi nhận ra rằng anh ta đi lại rất khó khăn. Tôi tưởng là anh ta bị thương : anh ta bắt đầu cười bảo tôi rằng :

-               Tôi, “vìa” xứ sở.

Thì ra Tombouctou không hề chiến đấu vì danh dự, mà hẳn là vì lợi lộc. Mọi thứ anh ta tìm thấy, mọi thứ xuất hiện trước anh ta đều có một giá trị nào đó, mọi thứ lóng lánh nhất, anh ta đều cho vào trong túi của mình. Một cái túi thật là ! Một vực thẳm bắt đầu từ hông và kết thúc ở mắt cá chân. Khi còn trong quân ngũ, anh ta gọi nó là “cái đáy”, và quả là cái đáy của anh ta !

Vậy là anh ta đã gỡ vàng từ những bộ quân phục của lính Phổ, đồng từ mũ cát, những cái khuy vv…, và bỏ tất cả vào trong “cái đáy” đã đầy tràn của mình. Hàng ngày, anh ta quẳng vào trong đó mọi thứ đồ sáng loáng lọt vào mắt mình, những mẩu thiếc hay những mảnh bạc mà đôi khi gây cho anh ta một tư thế hết sức buồn cười.

Anh ta toan tính mang nó về xứ sở của những con đà điểu Phi tuồng như đúng là anh em, con cháu của vị vua bị giày vò bởi nhu cầu ngốn ngấu những vật thể sáng nhoáng. Nếu anh ta không có cái đáy của mình thì anh ta sẽ làm thế nào ? Có thể là anh ta sẽ nuốt chúng.

Mỗi buổi sáng, cái túi của anh ta lại rỗng không. Anh ta có một cái kho lớn nơi anh ta chất đống của cải của mình ư ? Nhưng ở đâu ? Tôi chưa thể phát hiện ra.

Tướng chỉ huy, liên đới với hành động của Tombouctou, đã mau chóng cho chôn cất những thi thể còn lại ở làng lân cận để người ta không phát hiện ra chúng đã bị cắt đầu. Quân Phổ hôm sau lại tới . Thị trưởng và bẩy thân hào lập tức bị bắn bằng súng trường để trả đũa lại như là đại diện người Đức tuyên bố.

 

Mùa đông đã đến. Chúng tôi mệt mỏi và thất vọng. Giờ đây ngày nào cũng đánh nhau. Những con người đói khát không còn bước đi được nữa. Chỉ riêng tám lính bản xứ An-giê-ri (ba người đã bị giết) là còn béo tốt, bóng nhoáng, khỏe mạnh và luôn sẵn sàng chiến đấu. Cả Tombouctou cũng béo ra. Một hôm anh ta bảo tôi :

-               Ngài đói lắm rồi, tôi có thịt ngon.

Và quả thật anh ta mang cho tôi một lườn thịt ngon tuyệt. Nhưng là thịt con gì ? Chúng tôi không còn cả bò lẫn cừu, dê, lừa, lợn. Anh ta thì không thể kiếm được thịt ngựa. Tôi ngẫm nghĩ về điều này sau khi đã ăn miếng thịt của mình. Rồi một ý nghĩ khủng khiếp chợt đến với tôi. Những người da đen này đã sinh ra ở rất gần xứ sở mà người ta ăn thịt người ! Và hàng ngày khi những người lính dạo quanh thành phố ! Tôi truy hỏi Tombouctou. Anh ta không muốn trả lời. Tôi không ép, nhưng từ đó tôi tuôn từ chối những món quà của anh ta.

Anh ta rất quý tôi. Một đêm, tuyết rơi trước cửa khiến chúng tôi ngạc nhiên. Chúng tôi đang ngồi trên đất, tôi thương xót nhìn những người da đen khốn khổ đang run lập cập dưới đám bụi trắng băng giá đó. Vì bị lạnh nhiều, tôi bắt đầu ho. Ngay lúc ấy tôi cảm thấy có cái gì ập lên người tựa như một tấm chăn lớn và ấm áp. Đó là cái áo khoác của Tombouctou mà anh ta đã choàng lên vai tôi.

Tôi đứng dậy, trả lại áo cho anh ta :

-               Cứ giữ lấy, chàng trai, cậu còn cần nó hơn tôi.

Anh ta đáp :

-               Không, thưa trung úy, để cho ngài, tôi không cần, tôi ấm, ấm.

Và anh ta nhìn tôi bằng cặp mắt van vỉ.

Tôi nhắc lại :

-               Thôi nào, tuân lệnh đi, giữ lấy áo khoác của cậu, tôi muốn thế.

Thế là người da đen đứng dậy, rút thanh kiếm sắc như nước của mình ra, tay kia cầm cái áo ca pốt rộng tôi vừa từ chối :

-               Nếu ngài không giữ áo, tôi sẽ cắt ; không ai có áo.

Vì thế nên tôi đành chịu thua.

 

Tám ngày sau, chúng tôi đầu hàng. Vài người trong số chúng tôi có thể trốn thoát. Những người khác ra ngoài thành phố và đầu hàng những kẻ thắng trận.

Tôi đang tìm đường về quảng trường Armes nơi chúng tôi phải tập hợp, lúc tôi còn ngơ ngẩn lạ lẫm trước một người da đen khổng lồ mặc đồ vải chéo và đội mũ rơm. Đó là Tombouctou. Anh ta có vẻ hớn hở và đang dạo chơi, tay đút túi, trước một cái quán nhỏ nơi người ta thấy trưng bầy hai đĩa và hai cốc.

Tôi bảo anh ta :

-               Cậu làm cái gì thế ?

Anh ta đáp :

-               Tôi không đi, tôi đầu bếp tốt nấu ăn cho đại tá, An-giê-ri ; tôi ăn bọn Phổ, đuổi bắt nhiều, nhiều lắm.

Trời lạnh cóng đến mười độ. Tôi run lập cập trước người da đen mặc vải chéo này. Thế là anh ta kéo tay tôi vào bên trong. Tôi nhận thấy một biển hiệu quá khổ mà anh ta treo ngay trước cái cửa mà chúng tôi qua, bởi vì anh ta hơi ngượng. Và tôi đọc, những dòng vạch bằng tay của kẻ tòng phạm nào đó viết thế này :

 

MÓN ĂN BINH LÍNH CỦA NGÀI TOMBOUCTOU

ĐẦU BẾP CŨ CỦA S.M HOÀNG ĐẾ

NGHỆ SĨ ĐẾN TỪ PARIS. – GIÁ VỪA PHẢI.

 

Mặc dù sự thất vọng gặm nhấm lòng tôi, tôi không thể nhịn cười được, và tôi để mặc người da đen của tôi với công việc kinh doanh mới.

Thế tốt hơn là đẩy anh ta vào tù đúng không ?

Anh vừa thấy là anh ta đã thành công, cái anh chàng vui tính.

Ngày nay, Bézières thuộc về Đức. Nhà hàng Tombouctou là bước đầu phục thù.

 

Kim Kỳ st

back to top