Nàng Marianne của nước Pháp

Nàng Marianne của nước Pháp

Mạnh Kim

Trong bức tranh La Liberté guidant le peuple của Eugène Delacroix, thủ lĩnh “Tự Do”

là một phụ nữ ngực trần hiên ngang phất lá tam tài .Hình Internet

Biểu tượng chính thức của nước Pháp không phải con gà trống Gaulois mà là nàng Marianne. Người ta thấy nàng ở tiền xu, tem cò và những bức tượng trong trường học, tòa thị chính… Cởi tung áo lộ bộ ngực trần, nàng là hiện thân của tự do và nền cộng hòa, một biểu tượng dân chủ phản kháng lại tất cả hình thái độc tài…

Biểu tượng của Tự Do

Hình ảnh Marianne có cội nguồn từ thời La Mã cổ đại. Chiếc mũ beret Phrygia thường thấy ở các tượng Marianne ngày xưa là mũ của nữ nô lệ mà sau đó được chủ của họ giải phóng, để rồi cuối cùng con cháu họ được xem là thần dân của đế quốc La Mã. Từ năm 1789, các bức tượng và tranh vẽ ở Pháp bắt đầu dùng hình ảnh phụ nữ để nói lên những giá trị của cuộc Cách mạng Pháp mà một trong những giá trị đứng đầu là Tự Do. Biểu tượng Tự Do được thể hiện bằng hình ảnh cô gái vận váy ngắn, tay phải cầm ngọn giáo được trang hoàng trên đỉnh bằng mũ beret Phrygia. Nàng là chiến binh hiện thân cho ý tưởng rằng tự do chỉ có thể đạt được bằng tranh đấu. Ðôi khi, nàng Tự Do được thể hiện với vẻ trầm tư, với chiếc váy dài.

Cộng hòa Pháp với “Tự do, Công bằng, Bác ái”

Công Bằng cũng hiện thân qua hình ảnh một phụ nữ mà phía sau có những đứa trẻ mang ba biểu tượng của thể chế cổ đại: nông cụ của đẳng cấp thứ ba, quyển Kinh thánh của đẳng cấp giáo sĩ và vương miện của đẳng cấp quý tộc. Hình ảnh nguyên thủy của (nàng) Công Bằng cầm một cái cân đĩa. Giá trị huynh đệ cũng được tôn vinh. Hình ảnh (nàng) Huynh Ðệ cầm một quyền trượng trên đỉnh có con gà trống Gaulois, theo phía sau là hai đứa trẻ dẫn một sư tử và một con cừu cùng bị cột chung vào ách. Năm 1792, nước Cộng hòa Pháp non trẻ bắt đầu chọn ra hình tượng cho Ðất Mẹ, gọi là “Marianne”. Một sắc lệnh được ban ra trong năm này quy định rằng bộ mặt của nước Pháp phải thể hiện bằng hình ảnh một phụ nữ ăn vận kiểu La Mã cổ đại, đứng thẳng, tay phải cầm ngọn giáo trên đỉnh có mũ beret Phrygia, tay trái đặt trên một mớ binh khí. Sau đó, nàng Marianne được biến đổi, vận cờ tam tài và ở chân có cuốn Bộ Luật cùng Bản tuyên ngôn Nhân quyền và Công dân.

Tại sao biểu tượng nền Cộng hòa Pháp phải là phụ nữ? Sử gia Maurice Agulhon cho rằng chỉ hình ảnh phụ nữ mới có thể hiện thân cho việc phá vỡ thể chế quân chủ được đứng đầu bởi nhà vua. Ðể ý thêm, có thể thấy những từ như “nước Pháp”, “Cộng hòa” hoặc “tự do” đều là danh từ giống cái (la Francela Républiquela liberté). Trong bức tranh nổi tiếng của Eugène Delacroix, La Liberté guidant le peuple (Tự Do dẫn dắt dân chúng – miêu tả cuộc Cách mạng tháng 7-1830 lật đổ Vua Charles X), thủ lĩnh “Tự Do” là một phụ nữ ngực trần hiên ngang phất lá tam tài. Nhưng tại sao là “Marianne” chứ không phải bất kỳ tên nào khác? Ðiều này vẫn chưa rõ ràng. Một số người tin rằng có thể đó là chữ ghép từ hai cái tên phổ biến nhất nước Pháp: Marie và Anne.

Marianne trên các con tem – nguồn France24

Thăng trầm lịch sử của nàng Marianne

Sau năm 1799, nền Cộng hòa sụp đổ và các giá trị mà Marianne từng biểu trưng bắt đầu tàn lụi. Cái tên Marianne tái xuất hiện một thời gian ngắn trong thời Ðệ nhị Cộng hòa, nhưng với ý nghĩa miệt thị. Ðến năm 1848, một cuộc thi được tổ chức để quyết định chọn chính thức hình ảnh nàng Marianne, đại diện cho nước Pháp mới, hình tượng mà một lần nữa lại tôn vinh các giá trị từng được bảo vệ bởi cuộc Cách mạng. Tuy thế, đến năm 1852, Napoleon III lại hất hủi Marianne khi cho thay hình nàng ở tiền xu và tem bằng hình mình.

Giữa thập niên 1800, khi nền Cộng hòa Ðệ tam được thiết lập, “bộ mặt” của nước Pháp lại được phục hồi và người ta gọi nàng bằng nhiều cái tên khác nhau: nông dân gọi nàng là “Marianne”, lớp tư sản gọi là “Cộng hòa” và phe chống Cộng hòa gọi bằng cái tên vùi dập là “Con ăn mày”! Cho đến dịp kỷ niệm 100 năm nền Cộng hòa, khi nước Pháp chọn “La Marseillaise” làm quốc ca và ngày 14-7 là quốc khánh, Marianne bắt đầu hồi sinh, với bức tượng đặt trên bệ đá tại Quảng trường Cộng hòa (Place de la Republique). Thi hào Paul Verlaine viết một bài thơ tán tụng Marianne và Pablo Picasso cũng vẽ nàng.

Tượng Marianne có thể thấy hầu như khắp cơ quan công quyền Pháp – nguồn Reuters

Trong Thế chiến thứ nhất, Marianne trở thành hiện thân bà mẹ hiền che chở cho đoàn quân Pháp; cười ỏn ẻn đón chàng “bạn trai mới” Chú Sam; rồi ra trận trong chiếc váy tam tài. Năm 1934, họa sĩ Paul Iribe lấy hình mẫu người tình Coco Chanel của mình để vẽ nàng Marianne cho bìa quyển “Parlons Français”. Ðến thời Chính phủ Vichy, Marianne bị cấm hoàn toàn, hình Marianne trên các con tem được thay bằng Thống chế Philippe Pétain và những bức tượng đồng Marianne bị nấu chảy. Ðến khi Paris được giải phóng (Thế chiến thứ hai), Marianne mới tái xuất hiện. Ðích thân tướng De Gaulle chọn mẫu tem Marianne thời hậu chiến, được thiết kế bởi Pierre Gandon (sau đó là mẫu thiết kế của Jean Cocteau rồi Salvador Dalí). Năm 1969, người ta bắt đầu dùng hình ảnh người nổi tiếng để làm mẫu cho Marianne. Thế là tượng nàng Marianne tạc theo Brigitte Bardot ra đời. Năm 1978, Marianne được lấy hình mẫu từ ca sĩ Mireille Mathieu; rồi Catherine Deneuve (1985). Năm 1989, nhân kỷ niệm 200 năm Marianne, nàng Marianne được tạc từ người mẫu thời trang Inès de la Fressange (hậu duệ một gia đình quý tộc xưa).

Marianne thế kỷ 21

Chuẩn bị bước sang thiên niên kỷ mới, nước Pháp muốn nàng Marianne phải có một bộ mặt mới. Nhiều gương mặt “xinh đẹp nhất, nổi tiếng nhất và mang nét đặc thù kiểu Pháp nhất” được gửi ảnh lên hội đồng bình chọn gồm 36,000 thị trưởng toàn Pháp. Danh sách ứng cử viên lọt vào chung kết còn vài người: hai người mẫu thời trang (Laetitia Casta và Estelle Halliday), một phát ngôn viên truyền hình (Daniela Lumbroso), một vận động viên nữ (Nathalie Simon) và một ca sĩ (Patricia Kaas).

Tiêu chuẩn cho nàng Marianne thế kỷ 21 bớt “yếu tố cách mạng” hơn, ít khí chất hiên ngang hơn, mà phải mang nét một phụ nữ năng động, tự lập và toát lên những giá trị mà thế hệ trẻ của nước Pháp trong thế kỷ 21 cần. Bởi thế, việc chọn ra người mẫu cho Marianne gây nhiều tranh cãi. Có thị trưởng nói rằng ứng cử viên toàn là người mẫu nên khó có thể chọn ra đặc tính tiêu biểu; và có người – như ngài Andre Santini, thị trưởng Issy les Moulineaux – còn bi quan khi cho rằng không ứng cử viên nào xứng đáng làm nàng Marianne. “Liệu cái gì có thể đại diện cho nước Pháp ngày nay? Nước Pháp của tính đa dạng, nước Pháp có những vùng không tương đồng và nước Pháp có số người vô gia cư ngang bằng số người giàu…” – Andre Santini nói. Cuối cùng, cuộc bình chọn hình mẫu cho Marianne thế kỷ 21 thuộc về người mẫu- tài tử Laetitia Casta. Năm 2003, Marianne lại được thay đổi, lần này hiện thân dưới vẻ đẹp của nhà báo Évelyne Thomas. 10 năm sau, 2013, một mẫu tem Marianne mới được phát hành, theo yêu cầu Tổng thống François Hollande.

Những nàng Marianne thế hệ trẻ của nước Pháp – nguồn AFP

Năm 1999, Marianne thậm chí biến thành một phụ nữ da màu ngực trần nhưng tóc vàng, trên bức tượng đặt tại thị trấn Fremainville. Ngài thị trưởng Maurice Maillet nói rằng “người Pháp là một dân tộc đa chủng và chẳng có cái gì gọi là chủng tộc Pháp cả; chúng ta chấp nhận người lạ và chúng ta chấp nhận sự khác biệt”. Maurice Maillet nói thêm rằng ông có cảm hứng cho ý tưởng này vào năm 1998, khi nước Pháp kỷ niệm 150 năm ngày hủy bỏ chế độ nô lệ. Tuy nhiên, 16 năm sau, năm 2015, bức tượng Marianne da màu bị dời khỏi văn phòng ngài tân Thị trưởng Marcel Allègre. “Bức tượng da màu là nàng Marianne của tự do nhưng không phải là Marianne của Cộng hòa Pháp” – Marcel Allègre nói.

Không chỉ màu da, Marianne còn bị “dính” vào vấn đề tôn giáo. Năm 2016, Thủ tướng Manuel Valls nói, chỉ phụ nữ ngực trần, như nàng Marianne, mới xứng đáng đại diện nước Pháp chứ không phải các bà Hồi giáo trùm kín đầu kín cổ. Ðó là thời điểm dư luận Pháp tranh cãi gay gắt việc cấm hay không phụ nữ Hồi giáo mặc burkini (áo tắm biển kín thân). Trong khi Bộ trưởng giáo dục Najat Vallaud-Belkacem cho rằng lệnh cấm phụ nữ Hồi giáo mặc burkini là kỳ cục và quái đản thì Thủ tướng Manuel Valls ủng hộ việc phụ nữ cứ thế ngực trần mà ra biển, nếu thích, hà cớ gì phải vận kín mít như ninja!

Hồng Anh st

 

back to top