Giao thoa 2 mùa Thu, Đông ở Colorado, Mỹ

Mùa Thu Colorado năm nay

Huỳnh Văn Ba - Exryu USA  (*)

 

Giao thoa 2 mùa Thu, Đông ở Colorado, Mỹ

Sau 2 năm đi chơi trong tiểu bang Colorado, tôi lại có dịp trở lại vùng nầy để xem lá mùa Thu cùng với 2 đồng nghiệp trẻ.

Vail - Colorado

 

Colorado (CO) là một tiểu bang tương đối khá lớn, có diện tích đến 269,837 km2  - so với 331,210 kmcho Việt Nam ta, nhưng dân số chỉ hơn 5 triệu một tí. 

Từ miền Đông chúng tôi bay sang Denver, thủ đô của CO, cách Ohio 2 "múi giờ". Số giờ bay từ lúc "wheel up to wheel down" (rút bánh đến lúc hạ bánh) khoảng 2 tiếng 30 phút.  Thành phố nầy có biệt danh là " Mile high city" rất sạch sẽ, thanh lịch và đầy những đặc tính của văn minh hiện đại. Cái điều làm cho du khách đến thành phố nầy thích nhứt là nó hứa sẽ có 300 ngày quang đảng trong một năm (vs. 300 ngày mưa cho Seatle). Thêm vào là không khí miền cao sơn lúc nào cũng trong lành. Giao thông trong down town không bị kẹt vì người ta dùng  xe bus chạy bằng "natural gas" không tốn tiền!  

Sau khi lấy hành lý và dời sang xe mướn, chúng tôi rời phi trường hướng về đường Interstate 70 (I70) West, chạy về Glenwood Springs (A trong map) khoảng 160 miles nơi tá túc cho đêm đầu tiên.

Trip Map

Trên đường chúng tôi ghé sang thăm làng Vail - là nơi nổi tiếng trên thế giới cho "outdoor activities"  và "ski", sau đó hướng về hồ "Piney". Cái hồ nầy rất đẹp nằm ở điểm cuối cùng của con đường đất không tráng nhựa khoảng 16 km có rất nhiều "ổ gà". Rất may chúng tôi đã mướn chiếc xe 4-wheel drive nên không bị khó khăn lúc leo cũng như lúc tuột xuống, chớ không thì chắc đi không đến nơi.

Như tên nó đã nói lên Glenwood là một xứ ôn tuyền nổi tiếng của Colorado, trên highway I70 đã quảng cáo trước cho ta biết mùi trứng thối như ở Nikko (日光) , Nhật Bản. Vào cuối tuần có rất nhiều du khách đến đây để ngâm mình trong những hồ nước nóng do "onsen" (温泉) tạo cho. Trong phố có rất nhiều nhà tắm cất theo lối "La Mã" với tường đỏ và nhiều "đề co". Nhưng theo cá nhân tôi thì tôi vẫn thích những "onsen" của vùng Tohokku (Đông Bắc) Nhật Bản vì nó có vẻ  thầm kính với sự gợi ý của thiên nhiên hay "Zen".

The Adventure starts here....

Sau khi qua đêm ở Glenwood Springs, chúng tôi thức sớm trước khi hừng đông xong lên đường I70  để đi về Glenwood Canyon, một vùng đất hẽm trong dãy núi Rocky cách nhà trọ 12 km. Cái hẽm núi Glenwood dài khoảng 20 km được tạo ra trong "thế canh tân" (Pleistocene) do con sông Colorado cào xén bắt đầu từ khoảng 2 triệu năm về trước. Với những vách núi cao đến 396 m từ mặt nước, nó có qui mô to hơn cả "Shosenkyo" (昇仙峡) gần Kofu (甲府), Yamanashi (山梨), NB, và được xem là một trong những kỳ quan đẹp nhất trong hệ giao thông xa lộ liên bang US. Tuyến đường sắt xuyên đại lục "California Zephyr" của hãng hỏa xa "Denver & Rio Grande Western Railroad" (đổi chủ trước và sau đó) nối liền giữa Chicago, IL và Oakland, CA cũng chọn đường đi qua "canyon" nầy vì nó là một tuyệt cảnh của trần gian để phục vụ hành khách của mình.

Trên các triền núi nếu ta tinh mắt sẽ thấy vài gia đình con "big horn sheep" (dê sừng to) và gấu đen ra ăn. Nơi nào có nước đọng hay đồng cỏ thì có "elk" (nai sừng tấm) hay "moose" (một loại nai cực to). Tôi thì lúc nào cũng để ý để tìm những con chim xanh miền sơn cước rất đẹp. Họ là những "Thiên sứ" (天使/angels) Mẹ Đai Địa (大地の母) gửi đến chào ta.

Hanging Lake

Đi dọc theo con sông nhỏ "Dead Horse Creek", một chi lưu của Đại Hà Colorado, giữa 2 vách đá đỏ có một con đường "trail" cho người đi bộ và xe đạp nối liền từ Glenwood Springs đến Vail. Đường trail nầy có cửa vào đường leo lên hồ "Hanging lake" (hồ treo) dài khoảng 1.9 km, nhưng vì leo lên cao khoảng 300 m qua nhiều tảng đá to, bước đi rất khó khăn nên có rất nhiều người bỏ cuộc giữa đường. Người leo được lưu ý trước khi lên đường là phải mang theo đủ nước uống và thức ăn cho cuộc hành trình, không được băng tắt qua "switchback" (đường gãy) vì sẽ làm cho đá đổ có thể gây nên tai nạn. Cũng may người dân đến đây đều là người biết chữ và ý thức nên ít thấy điều đáng tiếc xảy ra....

"Hanging Lake" là một cái hồ nhỏ nước trong vắt cá lội cũng thấy. Bên ven hồ có mấy dòng suối nhỏ đổ vào. Đến đây nó làm  cho tôi nhớ lại cái hồ "Taisho Ike"(㍽池) của vùng "Kamikochi"(上高地), Nagano (長野), NB hay hồ "Dream Lake" của Rocky Mountain National Park tôi từng viếng thăm. Theo truyền thuyết  hồ nầy do một người đi tìm vàng trong Glenwood Canyon khám phá ra. Con rạch  "Dead Horse" là nơi ông ta thấy có một con ngựa chết gần cái rảnh (gulch). Tuy leo lên hồ có nhiều gian nan nhưng như một người đi hành hương tìm đến một thánh địa, khi đến được rồi thì sẽ thấy sự mãn nguyên trong tâm hồn.

Aspen

Sau khi rời Glenwood Canyon chúng tôi dùng đường state route 82 để chạy về Aspen. Đường xa lộ nầy rất hoàn chỉnh, có nhiều cảnh đẹp nên bạn tôi thường hay ngừng xe lại để chụp hình. Aspen là thành phố du lịch mùa đông và hè thượng đẳng của Mỹ, nó có thể sánh vai với Chamonix, Âu Châu. Tuy thiếu về mặt lịch sử, Aspen có đủ mọi phương tiện cho tất cả các bộ môn thể thao ngoài trời cho  mùa đông, mùa hè hay du lịch quanh năm. Đến đây mọi điều nhìn thấy đều đẹp và sang, nhưng với một giá khá đắc đỏ... cho nên phải chuẩn bị cái hồ bao cho đủ tiền chi trả. Vào mùa ski Aspen có nhiều khách Nhật, Âu Châu, Hollywood đến viếng.  

Independence Pass

Lúc đến Aspen vì  còn sớm nên chúng tôi chạy thẳng đến "Independence Pass" giữa đường đến "Twin Lakes". Independence Pass là một cái đèo trên đường 82 chiếm một vị thế cao nhất cho đường tráng nhựa của US - i.e. 3687 m (so với  3776 m cho đỉnh núi Phú Sĩ). Đèo nầy là một cái "yên ngựa" (sadle) nằm trên "Continental Divide"(1) của dãy núi Rocky. Nếu muốn nói đến đèo cao nhất của Mỹ thì ta phải kể đến đèo không tráng nhựa trên "Mount Evans Scenic Byway" với 4310 m, gần Idaho Springs trong cùng tiểu bang. Khi đến đây ta nên biết là triệu chứng bịnh "cao sơn" có thể xảy ra như ngộp thở, ho hen, v.v. vì thế cần tìm hiểu trước để đề phòng hay đối ứng.

Chúng tôi ngồi chờ trên đèo Independence  đến lúc hoàng hôn để chụp ảnh rồi quay về Aspen dùng cơm tối. Mặc dù mới đầu tháng 10, nhiệt độ trên đèo quá thấp cùng với gió làm cho tay chân tôi tê cứng, muốn bấm máy ảnh cũng rất khó khăn. Đi chơi miền núi cao như Rocky phải chuẩn bị đồ ấm như cho mùa đông ở hạ giới.

Maroon Bells

Sau bửa cơm tàu tối rất đáng đồng tiền và một giấc ngủ ngon chúng tôi lại thức sớm trước bình minh để chạy đến "Maroon Bells" cách thành phố khoảng 12 miles để chờ mặt trời mọc. Maroon Bells là 2 quả núi cao đến 4317 m nằm kề bên nhau như 2 chị em. Cũng như "Matterhorn"(4478 m) của Apls - Swiss, Maroon Bells là một "icon" của Aspen và mọi người khi đến đây cần phải ghé qua thăm.

Mặc dù chúng tôi cố  lên đường sớm, nhưng lúc đến thì bãi đậu xe đã gần đầy. Tôi phải hối hả để chạy đến cái hồ trước mặt núi vì chân trời bắt đầu cho thấy dấu hiệu của ánh sáng bình minh. Trời lạnh như giữa mùa đông. Mọi người đến chụp hình đều im lặng cố nín thở để chờ cái giây phút huy hoàng của tạo hóa hiện ra tưởng chừng như không muốn làm cho mặt hồ xao động. Rồi trên đỉnh núi cao bắt đầu có chút hào quang dần dần lan ra như một phép lạ. Đây là lúc âm dương đổi vị để chế ngự cỏi thế gian.Tôi lẫm bẫm vài câu "A di đà Phật..., Amen, allah hu akbar (không biết đúng không? - xin lỗi).

Sau Maroon Bells chúng tôi hướng về Ashcroft nơi có một "làng ma" (ghost town) .

Ashcroft nằm 10 miles phía Nam của Aspen, cho đến năm 1882 nơi đây từng có tên là Castle Forks City và Chloride. Xưa kia người ta tìm đến đây để đào mỏ bạc. Nhưng vì mỏ quá cạn nên chẳng bao lâu chất kim nầy giảm đi làm cho họ thất vọng rồi bỏ đi. Ngày nay Ashcroft chỉ còn là một phố hoang tàn để cho "ma" (ghost) ở vào đêm. Nếu biết đọc ta sẽ tìm thấy nhiều di tích lịch sử được ghi lại trong làng, những mẫu chuyện ly kỳ của kẻ phiêu lưu đi tìm cách làm giàu vào cuối thế kỷ thứ 19.

Rời Ashcroft chúng tôi trở lại đường state highway 82 chạy về Twin Lakes (hướng Đông). Đây là 2 cái hồ trên 2780 m, cách Aspen khoảng 36 miles. Vào ngày tạnh gió mặt hồ phản chiếu bóng của những trái núi cao, trong đó có núi Albert (4401 m) là cao nhất CO. Nằm trên Rockies Scenic Byway đường  tráng nhựa 82 có rất nhiều cảnh ngoạn mục quanh năm nên dân chạy xe mô-tô và xe đạp đến viếng rất nhiều vào mùa khô. Ngày nay mọi điều cần biết về giao thông đều có thể tìm trên internet và GPS trong lúc "on-the-run". Nếu bạn có iPhone thì có thể "gú-gù (google) mấp (map)" trên đường để định và tìm vị trí. Trời ơi nếu xưa kia Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà có cái iPhone như bây giờ thì mấy thằng  Tây còn chết sớm hơn nữa ở Điện Biên Phủ - n'est ce pas?

Lake Alta

Sau Twin Lakes chúng tôi trở lại hướng Aspen rồi lấy đường county road 24 đổi sang 50, xong 135 đi về Crested Butte để xem lá vàng cây "aspen" (dương-lá-rung) trên đèo Kebler và đèo Ohio xong ngủ lại đêm. Creste Butte nằm ở cao độ 2715 m, là một làng du lịch cho môn ski và mountain bike nên có nhiều trail. Xưa kia nơi đây là đất của người Ute. Sau 1860 họ bị người da trắng đến cướp đất để khai thác mỏ bạc và than như vùng phụ cận của dãy núi San Juans trong đó có Ouray và Silverton. Crested Butte rất gần với vườn quốc gia "Black Canyon of the Gunnison" tôi có dịp đến viếng 2 năm trước.  

Đường qua đèo Kebler (3050 m) và đèo Ohio (3071 m) là đường đất với sạn nên có nhiều sình lầy, nhất là sau một đêm có tuyết mùa nầy. Trên đường xe thỉnh thoảng phải  ngừng lại chờ đàn bò đi ăn có lúc đến 4-5 trăm con. Mấy anh chăn bò (cowboy) Mỹ trông rất thanh lịch trên yên ngựa, họ thường ngã mũ chào người lái xe nhường đường cho gia súc. Lá thu "aspen" trên đồi núi cao vùng nầy thật đẹp.

near Kebler and Ohio Pass

Nói tí về cây "Aspen"

Aspen thuộc chi "populus" (dương), có  lá hơi tròn, rộng, gỗ trắng tương đối mềm nhưng sẽ trở nên bền chắc, chống được mục nếu biết xử lý với nhiệt. Aspen thường được dùng làm bột giấy, diêm quẹt và ván cho "sauna" vì ít dầu và khó cháy. Aspen trên vùng núi Rocky và San Juan có da trắng, thường được gọi là "white aspen" hay  "quaking aspen" (Populus tremuloides )  vì khi có gió thổi họ sẽ tạo ra tiếng reo (ta gọi nó là dương lá rung).

Trong "aspen" có chất "salicylates", là tiền thân của thuốc "Aspirin" ngày nay. Người da đỏ xưa kia dùng lá của cây nầy để trị phỏng, ngứa da và sưng khớp xương.

Rễ cây aspen thường lan rất rộng dưới mặt đất tạo ra một  thuộc địa (clonal colony) rất lớn. Hạt aspen khó nẩy mầm trong bóng mát nên mỗi khu rừng đều do một cây "đực" tao ra qua sự đâm chòi từ rễ , i.e., "cloning". Chính vì thế  "genetic marker" (dấu tích di truyền tử hay "gen") của họ hoàn toàn giống nhau. Khi rừng cháy, cây con aspen sẽ mọc lại từ rễ và sự tái tạo rừng ngoài thiên nhiên rất nhanh và rất có lợi khi phải cạnh tranh với các loài cây khác. Ở tiểu bang Utah có một cụm cây "aspen" có cùng một rễ sống đến khoảng 80,000 năm với một khối trọng lượng là 6600 tấn. Đây là một sinh vật sống lâu nhất trên mặt trái đất. Cây nầy có nickname là "Pondo"  - có nghĩa từ tiếng latin là "ta truyền ra" (I spread!).

Ngày thứ ba trở đi của chuyến đi chúng tôi dành cho việc du ngoạn trong vùng San Juan Mountains, Upcompahgre và San Miguel.

Từ Crested Butte chúng tôi chạy đường 135 South, đổi sang 50 West ở Gunnison rồi vào đường 550 South chạy qua Montrose hướng về Ridgway. Ba đêm còn lại sẽ ngủ ở Ouray, Telluride và Ridgway.

Crystal Lake

Ba thành phố nhỏ bé nầy đều nằm trên cao nguyên trên 2000 m, ở 3 đỉnh của một hình tam giác cân với dân số khoảng trên dưới 1 ngàn người. Trong đó Ouray là đẹp nhất và được mệnh danh là "Gem of the Rockies" hay Thụy Sĩ của Hoa Kỳ vì có background núi giống nước đó. Về kiến trúc tuy có nhà với dáng "Victorian" nhưng nếu muốn được như Thụy Sĩ chắc cần phải cất thêm nhiều chalet và thành quách đá, gỗ si-đà (cedar) như ÂU châu. Đối với tôi kiến trúc "mountain chalet" có một sự thu hút rất mãnh liệt. Vì thế trong chuyến nầy tôi cố tìm chỗ nghỉ đêm ở một chalet. Rất may Ouray Chalet Inn đã giúp cho tôi thực hiện giấc mơ nầy. Ai muốn tắm ôn tuyền xin mời đến đây. Ouray có "onsen" không mùi lưu huỳnh.

Về lịch sử 3 thành phố hay làng nầy đều được dựng lên bởi những người tiền phong đi tìm vàng và bạc vào những năm cuối 1800. Tàn tích của mỏ vàng bạc còn đó. Xưa kia đây là đất của người Ute và dã thú. Tuy Telluride chỉ cách Ouray khoảng 10 mile theo đường "quạ bay", nhưng vì núi non hiểm trở nên ta phải chạy trên đường núi gần 50 mile mới đến. Đường state highway 62 rất đẹp, là một phần của San Juan Skyway, nó  dẫn ta đi ngang một continental divide khác là "Dallas Divide" - và dãy núi Sneffels (4315 m) với nhiều đỉnh núi hình răng cưa, xa xa là đầu núi "cắt kè" (Lizard head - 3999 m) rất khó quên. Nơi đây người thích cao sơn và nhiếp ảnh sẽ bỏ ra rất nhiều thì giờ để "enjoy".

Google Map trên internet có cho thấy một con đường ngoằn ngoè băng từ highway 550 sang Telluride có vẻ gần (i.e., Black Bear Pass). Nhưng các chú nên để ý đừng đâm vào đó. Đường nầy là đường núi dành cho xe ATV (all terrain vehicle). Xe nhà lỡ vào rồi quay đầu lại không được đó nghe. Trong tiểu bang Colorado đi lại trên đường núi ta nên dùng xe 4x4 wheel drive là tốt nhất.

Ngày nay Telluride là nơi phục vụ du lịch, để chơi ski, mountain bike, ngắm hoa dại và dã thú. Trong thành phố có xe cable "mountain gondola" chở ta lên Mountain Village "F-R-E-E"!

Trong 3 nơi trên Ridgway là thành phố ở thấp nhất - elevation 2103 m. Ridgway vốn là một trạm trên đường hỏa xa Rio Grande chạy từ Montrose đến Ouray. Thành phố có vẻ rất quê. Nơi đây có một quán cơm Tàu kiêm Thái duy nhất rất tội nghiệp.  Là người Việt Nam có đạo biết tin Trời Đất, tôi xin mời các bạn ghé ăn khi có dịp đi ngang để làm phước dọc đường - và trả ơn người Thái đã giúp dân tị nạn ta trong thời kỳ khó khăn sau 75. 

Chúng tôi chọn ngủ lại ở Ridgway vì nó nằm trên đường đi sang Telluride và chạy xuống Ouray, Silverton và Molas pass rất tiện lợi. Lúc ở trong vùng tam giác như nói trên, chúng tôi đến xem hồ "Crystal" buổi sáng lúc bình minh, rồi hồ Alta và hồ Trout. Hồ Crystal có mặt nước phẳng lặng như kiến làm phản chiếu bóng đồi núi xung quanh đầy cây Aspen với lá vàng rất tuyệt. Hồ Alta (3350 m) thì gần núi cao đang có tuyết.  

Con đường US highway 550 nối liền Ridgway và Ouray có biệt danh là "Million Dollar Highway". Tùy theo người ta gặp, có khi  họ nói là "vì quá đẹp đáng đồng tiền như triệu đô-la", hay là "tiền xây xa lộ thâm thủng ngân sách quốc gia, mỗi mile tốn đến một triêu đô-la", v.v. Nhưng trên thực tế con đường nầy rất đẹp và đáng đồng đô-la, nó dẫn ta đến nhiều địa đàng của trần gian. Vì thế vào mùa không có tuyết rất nhiều du khách đến đây để chạy trên đường này, nhất là dân đi xe mô tô và xe đạp.  

(Google source - credited to "Kiwis on Giant Tiki Tour")

Phía Nam của Ouray là Silverton, thành phố được dựng lên vì có mỏ bạc ("silver"). Ngày nay mỏ đã bị phế thải, còn lại là tàn tích xưa phục vụ cho kỹ  nghệ du lịch. Chính nơi đây 2 năm trước tôi có dịp đến viếng bằng đường xe lửa từ Durango trong một chuyến đi trở về dĩ vãng như một giấc mơ....

Năm miles phía Nam của Ouray trên đường 550, quả núi đỏ "Red Mountain" thực là khó chê. Đa số người gặp trên đường ai cũng nói đi đâu đó xong rồi sẽ đến núi nầy. Red Mountain có màu đỏ vì có quặng sắt.  Núi nầy cao hơn núi Phú Sĩ của Nhật nhưng lại rất dễ leo. Nơi đây khi có núi đẹp là người ta bảo vệ để xem và giữ lại cho con cháu đời sau cùng ngắm. Không vì có quặng sắt trong đó mà đem bán cho ngoại bang để thủ lợi.

Red Mountain

Ở trên đời nầy không phải có số "triệu" mới đẹp mới sang. Nối giữa đường 62 và đường 145 gần Ouray là một con đường nghèo nhất nhưng lại được dân đi chơi thích nhất - Đó là đường đèo "Last Dollar" (đồng đô-la cuối cùng). Đường nầy  là đường đất rất nhiều lồi lõm lại chạy trên cao có nhiều cua quanh ngoặc ngèo, một bên là hố thẫm như địa ngục. Nhưng cảnh núi non bao la trùng trùng điệp điệp đẹp như một thiên đàng. Chính vì thế  nó có thêm 1 nickname là "hidden gem" (hòn ngọc bí kín).   

Khi xe ra khỏi khu rừng aspen và con đèo hiểm trở, hai bên đường bắt đầu mở rộng ra với nhiều đồng cỏ, tiếp sau đó là trang trại mênh mông, trong đó có một cái "ranch" ai cũng phải ghé sang để chụp hình - đó là "Last Dollar Ranch" (của người sáng lập ra "Polo Club"?). Vài  phim Hollywood cũng có chụp cảnh nơi nầy. Người ta đồn là tài tử Tom Cruise có mua một ranch không tên nơi đây.  Phía sau các ranch là những dãi núi San Juans hùng vĩ.

"Ranch" là môi trường lý tưởng cho loài chim xanh "mountain blue bird" vì có cỏ thấp, hàng rào ranch là nơi để chim đậu lúc nghỉ, chơi hay săn mồi. Mùa nầy trên đồng cỏ có nhiều cào cào châu chấu nên con chim xanh nào trông cũng rất mập mạp, thảnh thơi có thì giờ bay chơi với đồng loại và ngắm khách du lịch từ xa đến. Chim xanh mới lớn rất tò mò....

"Cairn"

cairn

Đi hiking trên đường núi thỉnh thoảng ta thấy có những chồng đá bên ven đường như cái tháp Chàm nhỏ, người Âu châu gọi nó là "Kê rừng" và viết là "Cairn"(tiếng Scottish Gaelic). Bên Nhật dân leo núi thường chồng chất đá như thế để tạo kỷ niệm hay chụp hình. Dựng Cairn là một hành vi có ngụ ý tốt. Nó nhắc kẻ đi đường núi "đây là nơi có người đi trước" ta nên theo. Trên núi có rất nhiều đường như mê lộ dễ làm lạc hướng. Một điều nhỏ như thế đôi khi lại cứu được mạng sống.

Những ngày gần đây vì thiếu ngân quỷ quốc gia do quốc hội US cắt xén nhiều công viên nhà nước phải giảm service. Phòng làm vệ sinh có nơi đóng cửa. Người ta khuyên là khi đi chơi xong phải mang rác của mình về nhà. Người Mỹ coi vậy chứ rất tự trọng - không thua gì người Nhật. Mọi điều được chấp nhận một cách rất tự nhiên chẳng có chút gì miễn cưỡng. Đây có phải là "đặc sản"  của người Mỹ không mấy bác? Khi đi chơi ngoài thiên nhiên không có công an cảnh sát theo sau, sự tôn trọng luật pháp và nghe điều khuyên của nhà đương cuộc rất hữu ích cho mọi người. Nó có thể mang đến bằng giáo dục và người ở trên phải làm gương cho người ở dưới.

Wilson Peak (4,272 m)

Xứ Tuyết....

Ngày cuối cùng của cuộc hành trình trời trở lạnh rồi có tuyết rơi. Tuy tôi có chuẩn bị quần áo ấm cho thời tiết nhưng không ngờ nó đến sớm  như thế trong mùa nầy. Đường chạy xe hơi nguy hiểm nhưng lại cho ta một cảnh trời mới lạ đẹp tuyệt vời của Xứ Tuyết nhớ nhung. Đây là lúc chúng tôi phải trở lại Dallas Divide Overlook để chụp hình dãy núi San Juans. Cùng một "passion" (đam mê)  và một "idea" (chủ ý), không ai hẹn ai cả đoàn nhiếp ảnh gia từ xa đến đều tề tụ về đó. Chúng tôi đã gặp nhau trong một buổi bình minh ở Maroon Bells. Giờ lại gặp nhau lần nữa trên địa đàng Dallas Divide. Ai chờ ai đợi.... mặt trời lại lên trên đỉnh đồi ...Và nhờ "Giời" - cũng như con chim xanh cao nguyên tôi vẫn sống một cách an bình hôm nay...  

Naruhodo!

Note: (1) Continental divide: trong địa lý học "continental divide" là một "bức thành thủy lợi đại lục" - có 2 lưu vực 2 bên và nước của 2 lưu vực nầy đổ về 2 đại dương khác nhau.

 

Dallas Divide Overlook

Dallas Divide Overlook the day before

 

 

Crystal lake

 

Tê Hát sưu tầm

 

Chỉnh sửa lần cuối vào %PM, %15 %952 %2017 %17:%08
back to top