Neil Diamond – Viên kim cương quý giá

Neil Diamond

 Viên kim cương quý giá

Ian Bùi

Để đánh dấu kỷ niệm nửa thế kỷ trong nghề ca hát, Neil Diamond đang có chuyến lưu diễn mang tên “50 Year Anniversary Tour”, khởi đầu từ tháng Tư năm 2017 và sẽ kết thúc vào tháng 8. 

Khán giả của Neil Diamond đa số tóc đã bạc, thậm chí khá nhiều người phải chống gậy hoặc ngồi xe lăn. Trung niên thì không bao nhiêu, trẻ em lại càng ít. Hầu hết là Mỹ trắng. Không gặp người da vàng nào trừ một cặp vợ chồng già nhìn giống như người Tàu. Ðây là điều khá ngạc nhiên vì người Việt nói chung rất thích dòng nhạc này. Thời trước 75, nhiều người đã biết đến tên tuổi Neil Diamond qua những bài top hit như “Song Sung Blue”, “Solitary Man”, “I Am, I said” v.v… Nhưng có lẽ phe ta không có thói quen đi nghe nhạc sống của Mỹ. Thật đáng tiếc vì sau 50 năm chất giọng của Neil Diamond vẫn còn rất phong độ, nghe chẳng khác gì trong dĩa mấy chục năm về trước. Còn ban nhạc của anh thì chơi “trên cả tuyệt vời”.

 

Ðêm hôm đó, trước khi Neil Diamond bước lên sân khấu thính giả được cho nghe một đoạn tin tức trên radio thời chiến tranh Việt Nam, với mẩu tin ngắn “dự báo thời tiết hôm nay ở Sài Gòn…”, chắc là để tạo dựng bầu không khí thời 60. Ngay khi chữ “Saigon” được thốt lên cũng là lúc Neil Diamond xuất hiện dưới ánh đèn sân khấu trong tiếng vỗ tay cuồng nhiệt của khán giả đứng ngồi đầy nghẹt khán trường. Là một người Việt Nam, lại là dân Sài Gòn chính hiệu và từng nghe nhạc Neil Diamond rất lâu nhưng mãi đến bây giờ mới có dịp nhìn thấy anh bằng xương bằng thịt, giây phút lạ lùng ấy thật khó tả.

Ban nhạc 13 người của Neil Diamond – photo: Benjamin Robson

Ngay lập tức, ban nhạc mở màn với bài “Cherry, Cherry”, top hit của Diamond năm 1966. Kế tiếp là một loạt những bản nhạc mà ai là fan của Neil Diamond đều thuộc lòng như “Solitary Man”, “Song Sung Blue”, “Beautiful Noise”, “Play Me”… Vài bài tuy là sáng tác của Neil Diamond nhưng lại là top hit cho những ban nhạc khác–như “I’m A Believer” (The Monkees), “Red, Red Wine” (UB40), “You Don’t Bring Me Flowers” (Barbara Streisand). Nhưng được nghe chính tác giả hát các bản nhạc này cũng là một trải nghiệm mới.

Thật ra ít ai biết là trước khi chính thức bước chân lên sân khấu, vào những năm đầu thập niên 60 Neil Diamond từng mưu sinh bằng nghề soạn ca khúc cho thiên hạ. Trước đó nữa thì anh là một sinh viên theo học ngành Y tại New York University, với học bổng thể thao bộ môn đánh kiếm (fencing). Vào năm cuối cùng của chương trình pre-med, chỉ còn 10 credit nữa là ra trường thì Neil Diamond được nhà xuất bản Sunbeam Publishing mướn vào để sáng tác nhạc cho họ, trả lương chỉ có $50/tuần. Thế nhưng Neil Diamond đã quyết định bỏ học ngang xương, xoay qua làm nghề soạn ca khúc.

Số là năm mới lên 16 tuổi có lần Neil Diamond được tham dự một chương trình nhạc cho thanh thiếu niên, do nhạc sĩ nổi danh Pete Seeger tổ chức. Lần đó có một học sinh viết một bài nhạc để hát tặng Pete Seeger. Thấy vậy chàng thanh niên Neil Diamond nổi hứng muốn bắt chước. Thế là chàng về nhà sắm cây đàn guitar và bắt đầu học nhạc. Ngoài ra, Neil Diamond còn tập tành làm thơ và soạn lời cho các bản nhạc của mình. Mục đích chính của chàng thật ra cũng khá bình thường và dễ hiểu: để cua đào! Không những vậy, mấy tên bạn mê gái của Neil Diamond cũng nhờ thằng bạn của mình làm thơ cua gái giùm. Kết quả là Neil Diamond phát hiện mình thích viết nhạc và làm thơ hơn tất cả mọi chuyện khác trên đời, mặc dù anh vẫn ghi danh đi học y khoa để làm Cha Mẹ vui lòng.

"They come to America!” – photo: Patrick Farrell

Gia đình của Neil Diamond là người Do Thái ở New York. Cha của anh làm nghề buôn đồ khô, không giàu có gì lắm, thành thử Neil luôn nghĩ trong đầu mình phải thành công để đền ơn bậc sinh thành. Sau này có lần Neil Diamond kể, “Nếu lúc ấy tôi không lọt chân vào nghề viết nhạc thì chắc bây giờ tôi đã là bác sĩ.” Về công việc của mình, anh nói: “Tôi vừa yêu vừa ghét nghề soạn ca khúc. Khi viết được một bài nhạc đâu ra đó thì sung sướng ghê lắm. Nhưng viết nhạc đòi hỏi ta phải đào sâu vào nội tâm; đó là điều cực kỳ khó khăn. Ngược lại, tôi rất thích trình diễn trên sân khấu. Khán giả càng đông, càng vui nhộn chừng nào tôi càng sảng khoái chừng đó.”

Nhưng con đường lên đài danh vọng của Neil Diamond không hề suôn sẻ tí nào. Viết mướn được chừng một năm thì Neil Diamond cảm thấy ngột ngạt vì không được sáng tác theo ý mình mà phải viết theo đơn đặt hàng của công ty. Thế là Diamond xin nghỉ việc. Anh mướn một căn phòng nhỏ trên lầu của một phòng trà ở New York City và bắt đầu viết nhạc để bán cho những hãng dĩa đương thời. Tuy nhiên, các nhạc khúc tự do của Diamond lại không hợp khẩu vị các nhà sản xuất thời đó. Trong bảy năm trời anh không bán được bao nhiêu bài. Có lúc anh nghèo đến độ mỗi ngày chỉ có đủ 35 xu để mua thức ăn. Anh giải thích có thể vì nhạc của mình lời lẽ quá cầu kỳ, phức tạp, không hạp nhĩ các thính giả thời đó. Nhưng nhờ không phải viết nhạc theo yêu cầu nên anh lại tạo được cho mình một phong cách riêng. Ðến khoảng giữa thập niên 1960 thì một số sáng tác của anh được ban nhạc The Monkees trình bày khá thành công (“Love To Love”, “Lookout”) nhờ vậy anh được nhiều người để ý đến hơn.

Năm 1966, bài “I’m A Believer” của Neil Diamond, do ban nhạc Monkees trình bày, đã đứng đầu bảng Billboard bảy tuần lễ liền và đoạt luôn giải “Bản Nhạc Hay Nhất Trong Năm”. Nhờ vậy Neil Diamond mới được hãng dĩa Bang Records ký hợp đồng. Liền sau đó anh tung ra bài “Solitary Man”, bản nhạc top hit đầu tiên của “ca sĩ” Neil Diamond. Kế tiếp là bài “Cherry, Cherry” và “Kentucky Woman”. Giấc mộng làm bác sĩ của Neil Diamond từ đó coi như xong, nhường chỗ cho nhạc sĩ/ca sĩ Neil Diamond.

Neil Diamond khiêu vũ cùng Công Nương Diana, Toà Bạch Ốc, 1985 – nguồn: dailymailco.uk

Nhưng không lâu sau đó anh lại phải chia tay với Bang Records do bất đồng tư tưởng về nghệ thuật. Anh bèn sang đầu quân cho hãng dĩa Columbia vì được tự do sáng tác hơn. Chính nhờ Columbia Records mà Neil Diamond đã cho ra đời một số bài ngày nay đã được liệt vào hàng kinh điển như “Sweet Caroline”, “Holly Holy”, “Crackling Rosie”, “Song Sung Blue”…

Trong chương trình nhạc năm nay, Neil Diamond cho khán giả thưởng thức gần như tất cả những bài nổi tiếng nhất của anh. Khi anh hát đến bài “Forever In Blue Jeans”, toàn thể khán trường ồ ạt đứng dậy và múa hát theo (trừ số người ngồi xe lăn, dĩ nhiên), nhờ đó ban nhạc chơi càng hăng hơn nữa.

Nhưng ngoài những bài vui nhộn ồn ào, Neil Diamond đã khéo léo xen kẽ với những bản nhạc thiên về nội tâm, những bài mà ngày xưa đã từng bị các chủ hãng dĩa chê là lời lẽ quá cầu kỳ hay hiểm hóc. Chẳng hạn như bài “Brooklyn Roads”, kể về câu chuyện đời mình thuở ấu thơ. Hoặc là bài “Play Me” với ca từ kiểu như: “You are the sun, I am the moon. You are the words, I am the tune. Play me!” (Em là mặt trời, ta là mặt trăng. Em là ca từ, ta là cung điệu. Chơi đi!)

The Monkees, “I’m A Believer” 1966 – nguồn: Internet

Một trong số những bản nhạc “khó hiểu” đó là bài “Done Too Soon”, mượn tên những nhân vật tiếng tăm hoặc tai tiếng trong lịch sử để nói lên sự phù du của đời người:

“Jesus Christ, Fanny Brice

Wolfie Mozart and Humphrey Bogart and

Gengis Khan onto H.G. Wells

Ho Chi Minh, Gunga Din

Henry Luce and John Wilkes Booth and

Alexander’s King and Graham Bell…

… each one there had one thing shared:

They have sweated under the same sun

Looked up in wonder at the same moon

And wept when it was all done.”

“Những người đó giống nhau ở chỗ:

Họ từng đổ mồ hôi dưới cùng một mặt trời,

Từng ngước nhìn cùng một mặt trăng để thắc mắc

Và đã rớt nước mắt khi mọi sự đã an bài…”

Khi Neil Diamond hát đến bài này, màn ảnh video chiếu chớp nhoáng một loạt hình ảnh các nhân vật được nêu tên.

Nhưng được nhiều người hưởng ứng nhất trong số các bản nhạc thuộc dạng “nghiêm và buồn” ấy là bài “I Am, I said” để chấm dứt phần chính của chương trình. Ðây là một bài nhạc tự sự, nói về chính mình, mà Neil Diamond đã diễn tả hết sức thật tình và tràn đầy cảm xúc. Từng cử chỉ, nét mặt đều nói lên nỗi niềm của một nghệ nhân từng bị xã hội hất hủi, chối bỏ.

Neil Diamond, 1969 -Nguồn Internet

Ngoài ra, Neil Diamond còn bỏ ra hơn mười phút để giới thiệu từng thành viên trong ban nhạc. Mỗi người được chừng một phút để trổ tài solo của mình—từ hai cô ca sĩ phụ cho tới tay đánh bộ gõ, từ hai tay keyboard đến bốn tay thổi kèn. Hai tay đàn guitar là hai cha con, người Bố đã chơi với Neil Diamond gần năm chục năm và là đồng-tác-giả của bài “Forever In Blue Jeans”. Cộng với tay trống và bass, toàn thể ban nhạc lên đến 13 người, thảo nào âm thanh nghe rất đầy, rất đủ, và… rất đã!

Kết thúc chương trình là bài “America”, một bản nhạc Diamond soạn cho phim “The Jazz Singer” mà anh thủ vai chính. Mặc dù bộ phim không thành công cho lắm, nhưng bài “America” đã lên đến #1 trên bảng Billboard trong năm 1981. Nội dung của nó mô tả Hoa Kỳ là xứ sở của di dân từ khắp nơi; bài này rất được nhiều người Mỹ ưa chuộng. Sau cuộc khủng bố 9/11/2001, mỗi khi hát đến bài này Neil Diamond đã đổi câu “They’re coming to America” thành “Stand up for America” để kêu gọi đoàn kết dân tộc. Thế nhưng có một thời sau 9-11 bài này vẫn bị công ty Clear Channel Communications (chủ nhân của hơn 800 đài radio tại Mỹ) cho vào “sổ đen”, tức danh sách những bản nhạc không được phép chơi trên radio vì có nội dung “nhạy cảm”.

Năm 1988, Neil Diamond đã cho phép ứng cử viên Michael Dukakis của đảng Dân Chủ sử dụng bài “America” để vận động tranh cử tổng thống. Là một nghệ sĩ lớn tuổi và khá quen thuộc với các chính khách và chính sách của đất nước, Neil Diamond chắc chắn biết rõ rằng phần đông khán giả của anh ở Dallas (và Texas nói chung) nghiêng theo đảng Cộng Hoà và ủng hộ ông Trump. Cho nên có lẽ để tránh đụng chạm hoặc gây phiền toái, trước khi bài nhạc chấm dứt, Neil Diamond đã đi một vòng trên sân khấu từ trái sang phải, từ trước ra sau, giơ một ngón tay trỏ lên nhưng không mở miệng nói tiếng nào. Ý chừng anh muốn nhắc nhở mọi người rằng “America số một!” Nhưng cũng có thể đó là dấu hiệu ám chỉ câu “America first” của ông Trump. Không ai biết được.

Dù gì đi nữa phải công nhận là Neil Diamond là một nghệ sĩ biết người biết ta, biết ơn khán giả của mình, và biết cách làm cho mọi người cảm thấy tươi vui, thoải mái. Nhân dịp kỷ niệm 50 năm–tiếng Anh gọi là “Diamond Anniversary”, Neil Diamond đã tỏ rõ phong cách quý giá của một viên kim cương không hề bị thời gian làm cho tì vết.

 

Ngọc Lan st  ¸¸·¯·¸¸·¯·¸¸

Chỉnh sửa lần cuối vào %PM, %03 %003 %2017 %19:%08
back to top