Xe hoa – kiệu cưới

Xe hoa – kiệu cưới

Trang Nguyên

 Tôi quen một người làm nghề tổ chức tiệc cưới ở Sài Gòn có nhận xét thú vị như thế này: “Đám cưới là ngày trọng đại của đôi uyên ương nhưng không đến mức quan trọng khiến nó trở thành áp lực cho cô dâu chú rể về những vấn đề như làm hài lòng quan khách hay sự hoàn hảo của đám cưới. Đừng để việc làm hài lòng được mọi người gây cho bạn nỗi lo âu. Vì thế, bạn hãy nghĩ một cách nhẹ nhàng hơn về cái ngày trọng đại ấy, xem nó như là một khoảnh khắc kỷ niệm đánh dấu sự chuyển tiếp của hai người yêu nhau trong ngày lên xe hoa kiệu cưới”.

Đoàn rước dâu tại Sài Gòn năm 1866, mang theo đầy đủ lễ vật và

kiệu rước dâu theo nghi thức hôn lễ thời xưa – ẢnhxuaVN

Tuy là vậy, nghe anh kể chuyện nghi thức hôn lễ ngày xưa mới biết rằng thời buổi bây giờ còn mấy ai thực hành theo nghi thức của nếp gia phong cũ xưa ấy nữa. Khi tới ngày lành tháng tốt đã được hai họ chọn làm lễ đính hôn, đàng trai khệ nệ lễ vật đầy đủ đến ngõ nhà gái rồi đại diện họ trai tay bưng mâm rượu khay trầu tiến vào nhà gái trình xin “Nhà trai đã tới xin vào làm lễ”. Nhà gái tiếp nhận lễ vật, cử đại diện ra cửa để đón họ trai vào nhà làm lễ đính hôn. Họ trai lần lượt đi vào, cau lồng rượu ché, mâm quả trà bánh đi trước, ông bà sui trai đi sau, chú rể thì đi sau chót. Ðôi bên chào hỏi, giới thiệu xong mới được an tọa, mời xơi trà nước.

Đàng trai sang nhà đàng gái ở Huế với đầy đủ lễ vật – Ảnh: Internet

Trong ngày đính hôn, hai họ chấp nhận cuộc hôn nhân của đôi trai gái, trao nhẫn cưới cho nhau và bàn bạc chi tiết chương trình hôn lễ sắp tới: Số người tham dự, lễ vật bổ sung, tiền cưới, nữ trang, thể thức hành lễ, tiệc tùng. Trong ngày hôn lễ (rước dâu), họ nhà trai lại lễ vật đầy đủ và long trọng hơn, có người cầm đèn lồng đi trước, lọng trướng theo sau kế đến là những người khiêng bàn đồ lễ hoặc gánh các vật lễ khác như cặp đèn sáp to, rượu ché, gà vịt…, cử đại diện vào xin trình tiến hành hôn lễ. Nhà gái tiếp nhận, cho nhà trai tiến vào thực hiện nghi thức lên đèn cúng lễ gia tiên rồi dự tiệc nhẹ do nhà gái khoản đãi. Xong thủ tục nghi lễ này, gia đình ông sui nhà trai xin rước dâu về nhà chồng. Cha mẹ cô dâu không đi theo mà cử một đoàn đưa dâu gồm bà con thân thuộc, bạn bè của cô dâu về họ nhà trai làm lễ bái gia tiên. Tiệc cưới sau đó được đãi bên nhà chồng hoặc nhà hàng theo giờ đã định. Cha mẹ hai họ có mặt chung vui cùng quan khách.

Chi tiết về lễ Giao bôi hồi thập niên 40 ở Huế còn được nhiều người xem trọng và cần thiết trong một hôn lễ. Lễ vật bao gồm: 12 miếng cau, 12 miếng trầu, rượu, trà, 2 chén chè bún, 1 dĩa muối gừng, nhang và cặp đèn sáp nhỏ.

Lễ cùng đặt trong một cái mâm để trên bàn trong phòng ngủ của đôi vợ chồng, theo giờ ấn định, hai người khấn vái hứa trọn tình trọn nghĩa, trọn hiếu, trọng đạo làm chồng làm vợ, tạo dựng gia đình đầm ấm, hạnh phúc bên nhau. Cúng xong, mỗi người ăn hết chén chè bún với ý nghĩa vợ chồng đông con nhiều cháu “Chè này nối dõi tông đường / Nhiều con như bún, họ hàng sum suê”. Sau đó mỗi người cầm một lát gừng chấm muối (ăn cũng được không ăn cũng được) mang ý nghĩa: “Tay bưng dĩa muối chấm gừng / Gừng cay, muối mặn, xin đừng bỏ nhau”.

Anh kể hồi xưa đám cưới của cha mẹ anh hình thức còn lễ giáo lắm, đám cưới phải có đủ lễ cúng Tơ Hồng Nguyệt Lão và cả lễ Giao bôi. Ngoài ra trước ngày thành thân, cả nhà trai nhà gái còn nhiều nghi lễ khác nữa. Thủ tục rườm rà lỗi thời, bây giờ đã bỏ bớt. Mấy chuyện “nhất bái thiên địa, nhị bái cao đường, phu thê giao bái” trong nghi thức hôn lễ chỉ có ở bên Tàu, chứ người Việt không có lễ này.

Dàn nhạc đám cưới ngày xưa – Nguồn: AnhxuaVN

Anh đưa ra thêm nhận xét, nghi thức hôn lễ ngày xưa tuy nói là rườm rà cổ lỗ nhưng hầu hết các cuộc hôn nhân ăn đời ở kiếp với nhau nhiều hơn bây giờ, cuộc sống kinh tế thay đổi cũng làm cho quan điểm hôn nhân thay đổi theo. Tiền bạc dễ làm cho tình cảm vợ chồng rạn nứt.

Nhưng đó không phải là điểm chính anh kể tôi nghe về chuyện hôn nhân đôi lứa sống với nhau có trọn đời hay xảy ra chuyện cơm không lành canh không ngọt. Anh kể về thời anh nhận trách nhiệm quán xuyến chuyện làm ăn của cha mẹ từ một kiosk bán bông và cho thuê xe hoa ngày trước trên đường Nguyễn Huệ, sau bao năm thăng trầm đến đời anh tiến lên mở thêm cả dịch vụ tổ chức, làm MC tiệc cưới. Ðối với nhiều cặp uyên ương, xe hoa ngày cưới khá quan trọng để cho đám cưới được rình rang. Nhưng cũng nhiều cặp không cho là quan trọng, tiệc cưới đông vui, đãi đằng ra sao mới là điều chính yếu trong ngày cưới của họ. Người khác thì cho rằng quan trọng cả hai.

Xe hoa trên đường phố Sài Gòn thập niên 60 – Nguồn: AnhxuaVN

Ngày xưa, một đám cưới rước dâu theo tập tục thường cho cô dâu đi kiệu hoa hoặc ngồi võng hoa theo chàng. Võng hay kiệu có phủ màn nhiễu đỏ kết hoa. Kiệu hoa về đến cửa nhà chồng, pháo nổ đì đùng chào đón nàng dâu mới. Ðể đám cưới thêm rình rang, có nhà thuê cả ban nhạc dân tộc hát huê tình, hát mời trầu (đến giữa thập niên 30 mới có tân nhạc) giúp vui trong bữa tiệc cưới. Ðó là phương tiện dành cho những gia đình khá giả giàu có hoặc có chức có quyền chứ dân thường rước dâu đi bộ vì đôi trai gái thường sống không xa trong làng trong xã. Về sau, có xe ngựa thì đi xe ngựa, xe kéo, xe lôi, rồi bằng đò ghe ở miền Tây sông nước. Sau này mới có xe hơi kết hoa gọi là xe hoa. Thậm chí vào thời chinh chiến, “Ðám cưới nhà binh” (Vũ Chương – Minh Kỳ) hát rằng: “Ðừng chê anh lính đám cưới nhà binh em ơi! / Em sẽ là cô dâu đẹp tuyệt vời / Ðàng trai của anh xe jeep, xe tăng tàu bay…”.

Xe hoa không chỉ có vậy, vào thời cuộc sống khó khăn, để tiết kiệm tiền thuê mướn xe hoa, nhiều cặp ở miền quê hay thành thị tổ chức rước dâu bằng bất kể phương tiện gì có thể miễn làm sao ngày trọng đại vui thật là vui. Anh kể rất cảm động trong ngày vui của nhiều thanh niên nam nữ công nhân ở Bình Dương đi rước dâu bằng xe đạp, xích lô đạp hoặc xe gắn máy. Có lần anh làm MC tại một đám cưới cho con người bạn sống ở miền Trung, ngày cưới rước dâu bằng xe bò, còn có cả dàn xe máy cày kết hoa dâm bụt đỏ rực dẫn đầu đoàn đưa dâu.

Đám cưới đi bằng ghe ở miền Tây – Ảnh: Internet

Nghe kể chuyện rước dâu bằng xe bò làm tôi nhớ đến một tin vui trên báo cách đây không lâu. Chú rể người Thụy Ðiển kết hôn cùng cô dâu sống tại tỉnh Bình Thuận. Ðám cưới Việt-Tây đã rình rang đàng trai toàn Tây trắng cao ráo, rồi lại còn rước dâu bằng xe bò khiến cả làng xôn xao. Té ra chuyện rước dâu bằng xe bò là do ý tưởng của cô dâu muốn tạo một khoảnh khắc đáng nhớ của ngày vu quy để bắt đầu một cuộc sống mới của đôi vợ chồng.

Có lần về quê người bạn ở Cần Thơ chơi, ngôi nhà cổ bằng gạch mái ngói ba gian ngó mặt ra sông Bình Thủy đã đẹp, nhìn tấm hình đám cưới của ông bà nội bạn phóng to lộng kiếng treo trên vách tường lại càng đẹp hơn. Ðám cưới trên đường quê, tôi nhìn mà tai nghe dư âm lời hát của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ văng vẳng đâu đây. Ðoàn đưa dâu đi trên bờ đê, dưới chân lúa chín vàng đồng. Một mùa lúa chín ở miền quê cũng là mùa cưới. Ðàn ông mặc áo dài thâm, có người vắt vạt áo lên vai, hai tay túm ống quần kéo cao, lộ ra những bàn chân trần hoặc mang guốc mộc. Ðàn bà và các cô gái trẻ mặc áo dài đủ màu, đầu đội khăn vuông hoặc quàng cổ. Ðặc biệt nhất là màu hồng, màu vàng và màu xanh nổi bật trong nắng vàng cùng bầy chim bỗng đâu bay ra dưới chân ruộng lúa. Một hình ảnh đám cưới thật đẹp, thanh bình yên ắng ở miệt ruộng đồng. Cô dâu, chú rể tươi cười đi bên nhau lại chẳng thèm để ý tới dưới chân lấm đầy bùn đất. Bây giờ làm sao kiếm ra cái khoảnh khắc đáng nhớ ấy nữa.

Cảnh rước dâu ở một làng quê tại Quảng Nam – Ảnh: Internet

Tất nhiên, lâu lâu đâu đó báo chí đưa tin ngày thành hôn của một vài nhân vật nào đó chơi nổi trong ngày vui của mình. Rước dâu bằng dàn xe hơi đắt tiền hay thậm chí bằng máy bay trực thăng, du thuyền để tạo dấu ấn cho ngày trọng đại nhất trong đời. Rước dâu bằng phương tiện gì thì mỗi người mỗi kiểu nhưng đó chỉ mới là bắt đầu cho cuộc sống hôn nhân dài lâu để có thể hiểu hết được cái kết của ngày lên xe hoa kiệu cưới.

 

Ngọc Lan st  °ºø¸...

back to top