Trở về trường xưa

Trở về trường xưa

 "Người của muôn năm cũ, hồn ở đâu bây giờ ?"

    Viết cho ngày 19 tháng Sáu   

                  

Tôi về trường Anh Ngữ Quân Đội đầu năm 1957, tròn 22 tuổi với hàm trung úy ''lấp lánh ánh vàng lon trên vai''. Phải, ''lon trên vai'' vì khi tôi rời chức vụ thông dịch viên sau gần hai năm tại quân trường bộ binh Fort Benning thi còn mới đeo cặp lon ''hai con đỉa'' của thời Liên hiệp Pháp.

                                

Về đến Sàigòn đáo nhậm trường, tôi mới đổi lấy hai bông mai vàng trên ''ve'' áo.



Trường, nơi cổng sau ''Gò Vấp'' cũa bộ Tổng Tham Mưu, với hai dẫy nhà lợp tôn nối thành hình chữ U, nóng gần chết.

Nhân số trường lúc đó vẻn vẹn chỉ có đại ca Phạm Hữu Khoát mang ba bông mai làm xếp, ông cố vấn dân sự Brownstein hách xì xằng, trung úy đồng hóa Hà văn Anh dáng điệu play boy rất tếu và coi kỷ luật nhà binh như pha. Cộng thêm vài sỹ quan giảng viên khác, trường thật lèo tèo nên chi bây giờ ông Khoát mừng lắm khi gần chục thằng chúng tôi trình diện, cái chức ''chỉ huy trưởng'' của ông rõ là có phần nặng ký hơn. Người chiều chúng tôi lắm, lũ này trẻ măng, đi Mỹ về lại nói ''ăng lê'' như tây cộng với Hà văn Anh nên người có vây cánh không ớn lão Brownstein hù văn phạm nữa. Thật ra đại ca chiều chúng tôi cũng vì bản tính tốt, xuề xòa và chịu chơi.

Trường Anh Ngữ Quân Đội của anh Khoát và chúng tôi một thời hai năm sinh động, chấp hành nhiệm vụ hoàn hảo 100% lại hòa đồng vui chơi hết mình từ xếp đến giảng viên. Giữa hai tiếng kẻng 10 phút giải lao, phòng giảng viên 15 đứa lúc nào cũng ồn ào đấu láo, kể chuyện Gò Vấp ngay bên kia cổng hậu TTM, chuyện mặc ''áo mưa'', chuyện vua Bảo Đại của Nguyễn Phước Bảo Đề. Gần 50 năm rồi tôi vẫn còn nhớ bài hát tủ của tôi Nắng Chiều, tối ngày ông ổng trong phòng anh em. Hà văn Anh ngán quá bèn đá giò lái tôi:  Việc gì mà mày phải ''Tôi nhớ dáng em ...gầy gầy'', tao mệt lắm. Cứ sang bên kia đường (Gò Vấp), em béo em gầy em nào mày cũng có! Viết những dòng này tôi không biết những đồng nghiệp cùng thời của tôi có còn nhớ những kỷ niệm xưa không: Hà văn Anh mới tìm đến với làng Sinh Ngữ Quân Đội, Thanh ''mồm'' đôi lần gặp mặt ở Montréal, Đào Quí Ninh, Thọ Đan, Vĩnh Ninh, Nguyễn Công Ân, Nguyễn Cao Chính vài cánh điện thư, Bửu Hậu một lần điện thoại và Nguyễn Sinh, Quách Đức Hà đã trở về cát bụi ... Còn những bạn ANQĐ khác của tôi đâu: Trần Quang San, Bảo Thọ, Bảo Đề, Thái ''đen''(Tạ), Thái ''trắng''(Vĩnh), Nguyễn văn Hạo ..

Ào ào như vậy nhưng vào lớp thì chúng tôi được nể lắm. Thoạt đầu các khóa sinh là từ ba binh chủng bao gồm sỹ quan và hạ sỹ quan, những quân nhân được gởi đi thụ huấn tại Hoa Kỳ lần đầu. Do đó quí vị phần đông nghiêm túc chăm chỉ lắm để có chút vốn đi học và có phần cảm mến chúng tôi: tụi giảng viên chúng nói tiếng Anh ''rau ráu''. Dĩ nhiên cũng có vài vị khóa sinh, như ông tu bíp Từ Uyên, cố trung sỹ không quân Dê húc càn Dương Hùng Cường .., nhìn chúng tôi với con mắt tiếu lâm kiểu ''nhất tự vi sư, bán tự tiên sư ''! Rồi vào những năm 1958-59 tội và vài đồng nghiệp khác nữa được giao phụ trách mấy lớp giành riêng cho các vi tướng lãnh sẽ đi tu nghiệp tham mưu chiến lược tại Hoa Kỳ. Trong năm vị tướng lãnh cầm đầu đảo chánh 1963 thì hồi đó đã có bốn vị tôi được vinh dự phục vụ tại mấy lớp cấp tốc này. Gay lắm, hồi hộp, lo lắng chỉ sợ có gì sai lầm, vi phạm quân kỷ nên mấy thằng chúng tôi sáng sáng nhìn nhau kiểm soát lại quần áo, giầy nón, biển tên đến đầu tóc mặt mày. Tới giờ, trước cửa lớp nín hơi bước vào cứng như khúc gỗ, rồi giơ tay chào kính miệng hô ''Good morning, Sir!'' trước khi bắt đầu ''Please, repeat after me''!

Được cái, đại ca Khoát của tôi rất chịu chơi như đã nói nên mấy năm ANQĐ của tôi và anh em giảng viên nói chung thoải mái. Ông cho tụi tôi nhẩy dù đi học ngoài giờ giảng dậy, ứng trực. Nhờ vậy mà NC Ân, Vĩnh Ninh và tôi ba thằng mới chớp được cái bằng Cử nhân Luật. Tôi phải nhớ ơn ông Khoát để có cái bằng này nên chi nhờ nó khi bị gọi tái ngũ năm 1961 tôi được về Phòng 1 bộ TTM để vẽ bùa ra mười mấy cái huy chương trình ông trung tá trường phòng Ngô Dzu và được bộ Tổng chấp thuận. Cái dự án huy chương này được chuẩn y là một niềm hãnh diện của tôi vì trước đó quân đội ta chỉ có hai loại là Bảo quốc huân chương và Anh dũng bội tinh với nhành ... dương liễu. Thật ra, tôi cũng chẳng sáng kiến độc đáo gì mà là đi ''cóp'' ý vậy thôi. Đi làm ở Fort Benning thấy lính Mỹ đeo huy chương hầm bà làng đầy ngực nên tức cảnh sinh tình tôi mới vẽ ra cái dự án huy chương. Rồi, những năm 1957-58 dưới trào ông Khoát còn nhiều trò vui nữa. Mỗi lễ bế giảng ngoài diễn văn, trao bằng lỉnh kỉnh lại còn văn nghệ giúp vui mà lần nào cũng có hai nữ ca sỹ chị em mang danh một thời nhan sắc mặn mà là Mai Hân, Mai Ngân. Tôi nhớ có lần anh em đầu óc vẩn đục nên khi tôi làm Em Xi ngây thơ thật thà giới thiệu ''Có hai Mai quí vị muốn Mai nào'' cả hội trường phá ra cười để rồi cả hai kiều nữ như muốn ăn sống nuốt tươi tôi.Cũng trong một dịp bế giảng này mà về sau tôi còn thấy sự độ lượng và nhân hậu của anh Khoát. Có lần anh đọc diễn văn thiếu sửa soạn, khi ra ngoài tôi,''ngựa non háu đá'', đã phán: Đại úy cần phải dượt bài trước khi ra đọc! Nếu tôi nói câu này với ông chỉ huy trưởng thứ nhì của tôi là thiếu tá Phan Thông Tràng thì tôi đả theo ông bạn giảng viên khác của tôi đi Pleiku rồi. Về sau, khi giải ngũ được trao lại cuốn sổ quân bạ tôi đọc những dòng phê điểm thật nhẹ nhàng của anh '' Sỹ quan trẻ tuổi, rất giỏi, mẫn cán nhưng có phần hiếu thắng''. Anh Khoát của tôinghĩ sao nếu anh đọc được những dòng này của tôi. Không biết anh có nhớ là cấp chỉ huy nhà binh mà anh dắt cả bọn giảng viên chúng tôi đi du hí ở Vũng tàu để tán thưởng nhan sắc của một cô chủ quán. Để rồi ngẩn ngơ cả bọn nghe cô trả lời bằng tiếng Pháp '' Il n'y a pas de rose sans épines''.,

Và cũng vì sự rộng rãi cũng như nghệ thuật lãnh đạo leadership rất nhân bản này của anh mà tiếng lành đồn xa tiếng dữ ập tới: Có lệnh thuyên chuyển Đại úy Khoát đi để tân chỉ huy trưởng là thiếu tá Phan Thông Tràng về mặc dù trường đạt hiệu năng làm việc tối đa. Có ai đó đã báo cáo rằng ông Khoát để thả lỏng bọn giảng viên, đi học, đi chơi, lại biết giảng viên trùm mền đánh xì dách những đêm cấm trại mà làm ngơ .. Thế là bão tố đổ lên đầu ông và chúng tôi.

Dĩ nhiên, một phần vì cá tính nhưng cũng một phần vì nhiệm vụ quét dọn những tiếng đồn không đẹp đó về bọn tôi ông thiếu tá Tràng đã xăn tay áo ra uy. Ông nhắm đầu tiên ba thằng đi học luật chúng tôi. Ông cúp phép đi học trong giờ làm việc, kiểm soát quân phục, theo dõi giờ giấc. Đôi khi ông lại có vài lời phê châm biếm trên phiếu trình của tụi tôi để gây ra hậu họa sau này.Tôi khôn hồn, ép mình theo kỷ luật mới, giữ mồm giữ miệng và không còn dám cùng Hạo, Thái đen, Thái trắng, NP Bảo Đề trùm mền đánh bạc nữa, mục đích làm sao yên thân cầy nốt cái cử nhân ba rồi chuồn. Và tôi đã toại nguyện. Cầm chắc cái bằng trong tay lại vào dịp sỹ quan trừ bị được cho giải ngũ, tôi đệ đơn xin và được ông chuyển ngay với ý thuận.

Riêng ông giảng viên bạn vàng của tôi thì không may như vậy. Số là theo thông lệ từ thời ông Khoát mỗi chiều thứ Sáu thì có cuộc họp mặt uống trà ăn kẹo của toàn thể nhân viên trường. Bữa đó Thiếu tá Tràng nhằm tôi trước, ông yêu cầu tôi kể chuyện hay ngâm thơ. Biết mình bị chiếu tướng tôi hơi bực nhưng tự dằn mình xuống và từ chối với cung cách rất ư ''politically correct'' là tôi không biết viết văn hay làm thơ. Ông quay sang giảng viên bạn vàng của tôi và nhắc lại yêu cầu. Sĩ khí nổi lên, ông bạn liền sang sảng đọc bốn câu thơ của cụ Tú Xương:

 

''Sơ khảo trường thi bác cử Nhu

Thật là vừa dốt lại vừa ngu

Văn chương nào phải là đơn thuốc

Chớ có khuyên xằng chết bỏ bu ''

 

Quì vị hãy tưởng tượng không khí hội trường lúc này: một yên lặng đến ngộp thở. Giảng viên chúng tôi ngồi ngay như trời trồng rồi buổi họp bế mạc. Và dĩ nhiên việc gì phải tới sẽ tới cho bạn tôi. Một hôm xấu trời, bạn tôi coi thi rảnh rỗi nên lật tờ báo ra coi vừa lúc thiếu tá Tràng đi thanh sát bắt gặp. Bốn mươi tám giờ sau chàng ba lô nón sắt trực chỉ Pleiku trình diện đơn vị mới. Còn tôi, tam thập lục chước tôi đệ đơn xin giải ngũ rời trường vào mùa hè năm 1960. Số mình cầm tinh ''nhà binh'' nên một năm sau lại được mời tái ngũ cho đủ 12 năm quân vụ. Ở đời có kẹt có may. Nhờ đời quân ngũ mà tôi có được chút vốn liếng tiếng Anh rồi nhờ cái ''mác'' cựu quân nhân mà tôi được cái học bổng leadership của ông nghị Fullbright đi học tiếp để bây giờ có cái cần câu cơm làm nghề ''godautre'' nuôi con nơi vùng đất mới.

 

Tôi viết những dòng này ghi lại một mảnh đời quân ngũ của tôi. Tôi xin để chia xẻ một kỷ niệm trường xưa với các bạn trước sau một thời Anh Ngữ Quân Đội rồi Sinh Ngữ Quân Đội. Tôi cũng viết để hãnh diện về những đóng góp nhỏ bé của mình, một người lính văn phòng, cho một lý tưởng mình đã chắt chiu dù bây giờ nó chỉ còn là một chính nghĩa đã mất, một ''cause perdue'' ...

 

Nguyễn Hải-Bình ~ Canada
Minh hoạ: Nguyễn Phan Thanh


                                                               

        

 

 

Chỉnh sửa lần cuối vào %PM, %09 %996 %2016 %17:%12
back to top