Lụa tơ tằm Việt Nam

Lụa tơ tằm Việt Nam

Vietnamese silk

 Image result for hoi an silk
 Image result for Hoi An Silk Village
Làng lụa tơ tằm Duy Xuyên, Hội An
o0o
 
Kết quả hình ảnh cho làng lụa tơ tằm 300 năm giữa phố cổ hội an
        Sau thời gian dài bị mai một, làng lụa hơn 300 tuổi bỗng được sống lại trong không gian cổ kính
và đang mở cửa để du khách trong và ngoài nước đến tham quan miễn phí.
  1-1355198551_500x0.jpg
        Làng lụa Duy Xuyên được tái hiện tại số 28 đường Nguyễn Tất Thành, thành phố Hội An (Quảng Nam) nhằm quảng bá đến du khách hình ảnh của thu nhỏ của một thương cảng lớn hơn 300 năm trước, nơi đã góp công lớn tạo con đường tơ lụa của Việt Nam trên biển.
  2-1355198551_500x0.jpg
        Nghề dệt lụa vốn nức danh là thế nhưng cũng trải qua bao thăng trầm. Có những giai đoạn làng lụa rơi vào quên lãng
bởi không tìm được nguyên liệu, không bán được sản phẩm, thu nhập của nghệ nhân quá èo uột…Nhưng hiện nay, khi kết hợp với du lịch,
những nghệ nhân tâm huyết với nghề hi vọng sẽ duy trì được làng lụa trứ danh. 
  Ở một khu vực khác, tằm được chăm sóc bằng việc cung cấp lá dâu để nhanh lớn và làm kén
        Nguyên liệu dệt lụa rất đặc biệt, với cây dâu Đa của người Chăm Pa cổ tìm từ vùng núi cao của Quảng Nam
về trồng trong vườn của làng để làm thức ăn cho tằm vàng nhả kén.
  5-1355198551_500x0.jpg
        Đây là nguồn nguyên liệu hiện chỉ có ở làng lụa này, không trùng lặp với nguyên liệu được nhập về từ Trung Quốc
  4-1355198551_500x0.jpg
        Khi quay tơ từ kén vàng (tằm thuần chủng), nước trong nồi được pha 80 độ C để tằm nhả kén đều, mịn.
  7-1355198552_500x0.jpg
        Hiện, làng lụa có khoảng 10 nghệ nhân vừa dệt vải, vừa giới thiệu với du khách về cách làm lụa và đặc biệt là nét riêng,
độc đáo về nguyên liệu chỉ có ở Hội An. 
  9-1355198552_500x0.jpg
        Cách dệt lụa Chăm Pa với những khung dệt cổ được sưu tầm từ nhiều địa phương cũng được tái hiện để tạo ra những tấm lụa nuột nà,
thể hiện sự giao thoa văn hóa Chăm pa – Việt trong lòng xứ Quảng.
  dsc1497-1355198552_500x0.jpg
        Sau vài tháng đưa vào thử nghiệm, làng lụa thường xuyên đón những du khách nước ngoài đến tham quan.
Nhiều người thích thú khi được cùng trải nghiệm quay tơ, chăm tằm… cùng nghệ nhân.
  Và những nghệ nhân thêu điêu luyện.
        Không đơn thuần là sản xuất lụa, các nghệ nhân cũng làm ra những sản phẩm thêu, dệt khăn…
để bán cho khách, giúp khách lưu lại những kỷ niệm khi ghé làng lụa.
  12-1355198552_500x0.jpg
        Khu nhà truyền thống trưng bày 100 bộ trang phục của 54 dân tộc Việt Nam.
Nơi đây đang được mở rộng, tạo khu lưu trú cho du khách nghỉ qua đêm để được tận mắt xem tằm ăn lá dâu, làm kén, nhả tơ…
Kết quả hình ảnh cho làng lụa tơ tằm 300 năm giữa phố cổ hội an

NGHỀ TRỒNG DÂU NUÔI TẰM

( Trải nghiệm ấu thơ ) 

Trong quá trình tìm hiểu các thông tin về nghề trồng dâu nuôi tằm, tôi có tìm đọc được một bài hồi ký của một người thầy giáo ở Nam Định. Người thấy giáo đã kể lại ký ức về những năm tháng trẻ thơ của thầy khi cùng mẹ đi sơ tán trong thời gian giặc Mỹ đánh bom chống phá miền Bắc. Một trong những nơi thầy đi sơ tán có vùng quê có nghề trồng dâu nuôi tằm ở tỉnh Hà Nam. Chính vùng quê này đã để lại cho thầy những hồi ức vô cùng sâu sắc và đẹp đẽ. Bài hồi ký không những chia sẻ kỷ niệm của thầy mà còn cung cấp cho chúng ta những kiến thức về trồng dâu nuôi tằm vô cùng bổ ích. Tôi xin được trích lại bài hồi ký của thầy, để chúng ta cùng đọc và chia sẻ:
 
Trong thời kỳ chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam của không lực Hoa kỳ, gia đình tôi cứ lưu lạc khắp nơi trong cái tỉnh Hà Nam bé nhỏ. Bố tôi làm việc một nơi. Tôi đi theo mẹ, còn mẹ làm nhân viên của một trường đào tạo cán bộ kỹ thuật trung cấp ngành Bưu điện. Anh tôi đi bộ đội , chị tôi đi  trọ học cấp III xa nhà. Gia đình tôi thế là chia thành 4 nơi. Hồi đó, tôi còn bé lắm. Mới học tiểu học thôi. Được đi nhiều nơi tôi thích lắm. Thời ấy như thế gọi là “đi sơ tán”. Chúng tôi được gọi là gia đình sơ tán. còn bọn trẻ con ở các vùng chúng tôi đến, đều gọi chúng tôi là bọn sơ tán. Câu cửa miệng thôi, trẻ con mà. Cứ có hội đánh khăng, hoặc vài viên bi là thành bạn bè với nhau ngay. Tôi đã có rất nhiều bè bạn. Tôi cũng khám phá được nhiều điều mà các con tôi bây giờ sống ở nơi thị thành, suốt ngày với học và học, chúng chẳng có dịp để biết .
Có một dạo, gia đình tôi ở nhờ một gia đình có nghề nuôi tằm. Bác chủ nhà chừng 45 tuổi, quý tôi lắm, coi như con đẻ của bác vậy, tôi cứ luôn quấn quýt lấy bác ấy, có khi ngủ với bác chứ không ngủ với mẹ. Những lúc mẹ đi làm về muộn, tôi ăn cơm với bác, rồi lon ton chân đất chạy theo bác gái ra ruộng Dâu xem bác hái lá dâu.

Làm ruộng ăn cơm nằm – Nuôi tằm ăn cơm đứng” 
 
đó là câu tục ngữ của  ông bà ta xưa. Cho đến khi tôi được sống ở vùng trồng dâu nuôi tằm, tôi mới thực sự hiểu được câu đó.
 
Tằm ( hay Tầm ) là con sâu nhỏ, dài chừng 7 – 8 phân. Hiền lành, lặng lẽ. Khi trưởng thành đến độ nhất định, Tằm bắt đầu nghĩ đến hậu sự của mình. Nó xây một cái tổ, gọi là Kén tằm, bằng chất dịch ( chủ yếu là protein) tiết ra từ trong cơ thể của nó. Những cái kén tằm này, người ta lấy để rút ra sợi tơ tằm, dệt áo lụa cho các cô các chị, áo bào cho nhà vua, và các  quan lại , làm  chỉ thêu , vv và vv.
nuoi tam 3
Quy trình nuôi tằm đòi hỏi nhiều công sức của người nông dân. Những con ngài ( con bướm ) đẻ ra trứng Tằm bằng  vào một cái mẹt có trải giấy bản sạch. Người ta lấy bẹ chuối, hoặc mo cau uốn cong thành vòng tròn chừng bằng cái đĩa bé trong mẹt, cho 1-2 con ngài đẻ trong phạm vi đó thôi. Và vì thế, bác chủ nhà còn bán cả trứng tằm nữa. Những cái trứng tằm mầu trắng hồng hồng, bé bằng đầu tăm thôi được hàng trăm con Ngài đẻ bám chặt vào  giấy. Ngài Tằm cũng có hai loại: Ngài đực và Ngài cái. Con Ngài đực bé hơn, nhưng cánh dài hơn một chút. Cần 1 con ngài đực cho 10 – 15 con ngài cái. Chúng giao hoan với nhau trong sự bảo trợ của người nuôi tằm. Sau đám cưới là ngài cái đẻ ngay.Cái Kén tằm của con Ngài đực cũng khác, chỉ có những người chăn Tằm có kinh nghiệm mới nhận ra ( nó hơi thon hơn nhỏ hơn một chút). Bác chủ nhà của tôi rất giỏi môn này, bác còn bán tằm giống cho nhiều người nữa trong xã.  Sau  khi được đẻ ra,chừng 24 tiếng, có khi hơn, tùy theo thời tiết, những cái trứng tằm cứ đổi màu thẫm dần sang mầu xanh xám, rồi từ trong trứng một con sâu bé nhỏ, trên thân có nhiều lông tơ chui ra khỏi vỏ. Thoạt tiên còn ngỡ ngàng mất một lúc sau đó những con tằm con ấy bắt đầu bò đi tìm thức ăn.Từ nay đến hết tuần, người ta gọi chúng là tằm một tuổi.Thức ăn cho Tằm là lá dâu. Dâu cho tằm một tuổi  phải chọn là lá dâu bánh tẻ( không già, không non). Người ta phải thái nhỏ lá dâu như sợi thuốc lào, rắc nhẹ nhàng lên trên nong tằm, để cho các chú tằm còn bé xíu như đầu tăm không bị lá dâu đè chết
.
              Một nong Tằm, là năm nong kén
              Một nong Kén là chín nén tơ, 
              Thương em chín đợi mười chờ...
 
Sau mỗi một tuần, chính xác hơn khoảng 4-5 ngày, Tằm lại lột xác một lần. Lúc ấy, gọi là tằm ngủ, giống như chúng ta khi ngủ, trông chúng như chết vậy. Mẹ tôi kể chuyện, nhà mình đã có lần nuôi thử, lúc tằm lên tuổi, trông tưởng chúng chết bèn đem đổ hết đi ra bờ dậu. Bẵng quên đi vài tháng, nhìn ra bờ rào vàng tươi những kén tằm là kén tằm. Nhưng con tằm ấy nằm bất động vài giờ, rồi từ trong cái xác cũ chui ra một con tằm mới, nhợt nhạt, yếu mềm, mệt mỏi.Như thế là tằm thêm được một tuổi. Nhưng sau đó nó ăn khỏe lắm. Rải lá dâu vào, nó ăn hùng hổ, trước khi lột xác cũng thế, người ta từng bảo ăn như tằm ăn rỗi là thế. Sau mỗi tuổi của Tằm, người ta lại thái lá Dâu lớn hơn một chút.
 
Tằm có một kẻ thù truyền kiếp là Nhặng ( Nhặng xanh, ruồi trâu, vv và bè lũ cùng loài với chúng) bây giờ khoa học gọi là kẻ thù thiên địch. Con Nhặng ấy rất thích đẻ trứng vào trong cơ thể của con Tằm, nhất là lúc tằm vừa mới lột xác xong. Ấu trùng Nhặng lớn dần trong con tằm, nó ăn cái phủ tạng của tằm, nhưng không làm cho con tằm chết ngay, xui cho con tằm nào bị đến hai con ấu trùng nhặng trong cơ thể, chúng sẽ chết rất sớm. Đến cuối đời tằm ấu trùng nhặng  trở thành một con dòi ăn hết con tằm rồi chui ra ngoài làm kén trước ở một đâu đó cạnh nong tằm, sau khi chuyển hóa thành một con nhộng, nó lột xác thành một con nhặng rồi bay đi.Còn thường thì ấu trùng nhặng ngủ yên trong cơ thể con tằm, cho đến khi tằm trở thành nhộng, nó mới chén hết con nhộng rồi đục kén tằm chui ra. Cho nên khi ta ăn   phải con nhộng bị bệnh sẽ thấy có ấu trùng nhặng mầu xanh như màu con rầy, nhỏ bằng nửa  hạt gạo rắn câng bên trong.
Vì thế nhà nào nuôi Tằm đều phải kín cửa. không có kẽ hở để Nhặng chui vào. Cửa ra vào thì phải có mành che. Nhặng làm giảm đáng kể sản lượng kén tằm sau này. Không làm chết tằm ngay, thì nó cũng làm cho con tằm yếu ớt, làm được cái kén bé xíu, mỏng dính. Người nuôi tằm khi vào kén phải biết nhặt những con tằm bệnh này ra khỏi nong tằm. Họ cho sang một nong riêng. Kén của chúng dùng để lấy tơ phẩm chất thấp.
 
Con tằm trong sự nâng niu của người nuôi cứ thế lớn dần. Trông nong tằm đang ăn, thích lắm. Cái đầu chúng cứ đưa lên đưa xuống dọc theo mép lá dâu, gọt dần, gọt dần phiến lá cho đến hết. Sau khi chúng ăn, chỉ còn lại trơ những gân lá quá to. Lúc tằm đói là phải cho chúng ăn ngay. Tằm ăn liên tục trong ngày đến năm bảy  cữ. Chúng ăn cả ban đêm nữa. Cho nên cứ luôn phải hái dâu, hoặc đi mua lá dâu, về làm sạch sẽ, khô ráo thái lá rồi mới cho Tằm ăn. Người nuôi Tằm bận lắm, cho nên cả lúc ăn cơm cũng có thể vừa ăn, vừa trông cho tằm ăn.( có một dạo, các bạn trẻ nuôi gà ảo bận thế nào, thì nuôi tằm thật cũng bận như thế ) Trong một gian nhà, người ta đóng một cái giá ( gọi là cũi ) có thể để 4-5 nong tằm thành nhiều  tầng, nong cuối hứng phân tằm. Cái con tằm sống, ăn, thải ra phân cũng trong cái nong ấy. Nên trong buồng tằm nhiệt độ có khi cao hơn một vài độ so với chỗ khác. Cho chúng ăn, xong rồi lại phải dọn phân cho sạch. Giữ cho nong tằm sạch để tằm không bị bệnh nấm. Vì thế mà lá dâu cho Tằm ăn cũng phải thật sạch sẽ. Thủa ấy chưa có điện, cái buồng tằm kín mít, nóng lắm, tối lờ mờ nữa, trông sờ sợ, như từ trong góc nhà có con ngáo ộp bất thần nhô ra, nên  hồi đó tôi chẳng thích lũ tằm tẹo nào.
 
Khi Tằm đủ năm tuổi ( khoảng  23 đến 27 ngày ) thì Tằm chín. Con tằm lúc đó có màu sáng dần. Kích thước đạt tối đa dài chừng ngón tay út nhưng đường kính thân còn nhỏ hơn chiếc bút chì một chút. Từ chỗ da tằm sáng lên, rồi ngả mầu vàng , rồi thành mầu vàng hơi đỏ. Bấy giờ, trong cơ thể nó chứa đầy một chất dịch trong, màu vàng sáng nhầy nhấy và cực dính( trong nghành tơ sợi hóa học gọi là Visco), chủ yếu là protein. Khi gặp không khí và khô đi nó chính là tơ của con Tằm. Con Tằm nhả tơ qua miệng, phun một dòng chất dịch đủ nhỏ để khi qua miệng nó, chất dịch ra ngoài là được một sợi tơ mảnh. Người ta tính chiều dài của sợi tơ của con Tằm kéo được dài đến hơn 12 km.
 
Khi ấy, bác chủ mới dỡ những chiếc né xếp gọn dưới bếp ra. Né là thứ dụng cụ người ta chuẩn bị để cho các chú Tằm làm kén. Để làm né, cần có một cây tre bánh tẻ đường kính chừng 4 – 5 cm ( có loại tre này). Người ta uốn cong cây tre này thành một cái cổng vòm. Hai đầu có một cái chốt ngang giống chữ D. Trong lòng chữ D in ấy, người ta đan chéo mắt cáo thành các lổ nhỏ ( giống hình thức đan ghế mây ấy), các lỗ này có đường kính chừng 5 – 6cm. Các nan để đan cũng bằng tre ngâm. Những chiếc né này dùng được nhiều lần. Lấy né ra, làm sạch sẽ những thứ  dễ làm bẩn kén tằm như bồ hóng, bui bẩn. Rồi đến công đoạn mà lúc đó tôi rất thích được làm: lấy một nắm rơm chừng 8-9 nhánh rơm dùng cái nắm tay be bé của mình, bẻ gập nắm rơm qua rồi nhồi qua một cái lỗ mắt cáo trên né, còn người lớn thì dùng một chiếc chày hành ( chày nhỏ để giã hành trong bếp) để nhồi. Hồi đó tôi làm khéo lắm, được khen suốt, cho nên khoái cho đến tận bây giờ. Phải làm sao cho các nắm rơm ấy đều nhau, nhồi sang cùng một bên cũng với độ sâu đều nhau.
 
Giờ là lúc các con Tằm thoát khỏi cảnh cấm cung bấy lâu. Tôi và chị con dâu bác chủ nhặt những con Tằm chín vàng đặt nhẹ nhàng vào các ổ rơm nho nhỏ ở các mắt cáo ấy, các chiếc né được dựng nghiêng 75 độ thành hàng, phơi ngoài sân. Bây giờ, bọn nhặng không làm gì được tằm nữa rồi. Nếu trứng nhặng có đẻ vào trong mình con tằm lúc này cũng sẽ chết. Lũ nhặng biết chắc thế. Các con tằm được bình yên, tắm nắng gió và làm kén. Nếu không có nắng, người ta  phải để thoáng gió, có khi phải hun hơi nóng, Vì như đã nói, những sợi tơ Tằm nhả ra cần khô nhanh, thì kén mới đẹp, mới cứng cáp. Đầu tiên, con tằm định vị vài đường tơ vào mấy sợi rơm xung quanh. Sau đó, nó như một vũ công múa cột, uốn mình nhả tơ xung quanh tự làm một căn phòng nhốt mình lại. Lúc đầu, tơ còn mỏng, có thể quan sát được vũ điệu của tằm. Sau đó không còn nhìn thấy gì nữa, nhưng con tằm vẫn cứ nhả tơ cho đến hết tơ trong bụng nó thì thôi. Trônng chiếc kén vàng tươi trong nắng thật thích. Tằm lao động làm kén mất chừng một buổi sáng, có khi hơn ấy, tôi không dám chắc. Con Tằm dài đến 6- 7 cm  nhả hết tơ tự nhốt mình trong một chiếc kén chỉ dài chừng 4 -5 cm đường kính1,5 – 2cm. Như trên đã nói sợi tơ tằm dài đến 12 km, một vòng theo cái kén gần bằng 2cmx pi, tức là 6cm chiều dài. Vậy số vòng quay đầu của một con tằm là bao nhiêu nhỉ? Khoảng 20 vạn vòng như thế. Liệu có vũ công người nào thực hiện được hay không? Cho nên sau đó, Tằm mệt lắm, thiếp đi. Sau chừng một tuần, cái vỏ dúm dó của Tằm bị đẩy vào một góc cái kén thành một viên nhỏ, đen đen. Còn Tằm bây giờ đã hóa thành con nhộng. Nhộng tằm là thức ăn rất bổ dưỡng. Nhưng những người đang đau mắt, hoặc viêm họng nặng, viêm thận mãn chớ có xơi vào nhé. Vì nó kích thích sinh ra giả mạc. Các cụ gọi là kéo màng trong mắt, trong họng. Con Tằm chín đem rang vàng, tán bột cũng là một vị thuốc bổ thận âm rất tốt, cũng có thể ngâm với mật ong hoặc rượu để uống. Tằm chín không biết làm ăn thì dai quách, vì trong mình nó là tơ mà.
 
Chừng 10 -15 -20 ngày tùy theo thời tiết. Con nhộng bên trong lột xác lần cuối thành con Ngài ( Bướm Tằm ). Nước bọt của nó có một thứ men hòa tan được protein, làm mủn cả kén tằm, nó dùng răng cắn thủng kén chui ra ngoài tìm bạn đời. Sau khi đẻ cả Ngài đực và Ngài cái đều chết hết. Thế là kết thúc vòng đời của con tằm. Trứng – Sâu Tằm( 5 lần lột xác) – Nhộng Tằm – Ngài ( Bướm) Tằm. Để đạt được công quả là chiếc kén tằm xinh xinh này Tằm ta đã qua 5 lần lột xác, 3 lần thay hình đổi dạng thành 4 hình thái đã nêu. Cũng gian truân và diệu kỳ đấy chứ.
Cho nên, trừ những kén giống( để lấy Ngài tằm đẻ trứng) chỗ còn lại, kén được đem đi ươm tơ. Từ thời cổ đại, con người đã biết dùng nước nóng  khoảng 70- 80 độ để phá sự dính kết giữa các vòng của sợi tơ tằm. Bên trên nồi nước nóng, đặt một cái guồng sợi. Người ta bỏ một vốc kén vào trong nồi nước ấy một lúc. Dùng chiếc đũa khoắng nhẹ trong nồi, vớt ngay được mấy sợi tơ thế là cuộn ngay vào guồng, cứ làm như thế cho đến hết các cái kén, chỉ còn con nhộng thì thôi. Cũng có khi tơ sát, có một lớp tơ mỏng dính bao lấy con nhộng, thì cũng thôi không lấy tơ nữa. Tùy theo loại tơ lấy đầu, lấy giữa, hay lấy sát con Nhộng mà người ta phân thành tơ nõn, tơ nái, tơ đũi, hay tơ gốc. Bọn trẻ con  chúng tôi thích nhất là xin được một cuộn tơ gốc( sần sùi rắn chắc, và rất bền để làm dây thả diều, hoặc làm dây câu thì thật tuyệt, những sợi dây câu làm từ tơ Tằm tươi, thả xuống nước, bọn cá kéo đến  nhiều lắm nhé, có lẽ có mùi của con nhộng tằm , thức khoái khẩu của cá là sâu mà). Đi thả diều xong, lại ghé vào chỗ các mẹ, các cô, các chị ươm tơ để nhón nhộng Tằm ăn. Lúc ấy ăn con nhộng sao mà  nó ngọt, nó bùi thế không biết. Lũ trẻ ào vào, các bà chỉ mắng yêu cho có lệ, cứ để cho ăn  chán rồi mới đuổi. Lại ào đi ra đường thả diều, chăn trâu….
NGHE_TAM_TRUYEN_THONG
Ươm tơ truyền thống
ươm tơ 1
Ươm tơ thủ công nhưng đã cải tiến nhiều
uom-to 2

Em ơi em ở lại nhà, 
Vườn dâu em đốn, mẹ già em thương
Vườn dâu em đốn, mẹ già em thương
( Lỡ bước sang ngang – Nguyễn Bính 1918 – 1966 )
 
 …… Tôi xin phép tiếp tục câu chuyện về NGHỀ TRỒNG DÂU NUÔI TẰM ( Trải nghiệm ấu thơ ), bởi vì nếu một bài viết dài quá chắc làm các bạn buồn ngủ mất….
      Trên đây là câu nhắn nhủ của người chị gái bước đi lấy chồng với người em của mình, vậy đọc câu thơ này, tôi xin đố các bạn rằng thời điểm cô nàng đi lấy chồng là vào mùa nào trong năm?Và vào khoảng tháng nào nào?
      Chắc các bạn sẽ trả lời ngay rằng cô gái đó đi lấy chồng chắc vào mùa cưới chứ gì? Xin bạn đọc tiếp:
 
…Tôi ra đứng ở đầu làng
Ngùi trông theo chị khuất ngàn dâu thưa…
( Lỡ bước sang ngang – Nguyễn Bính 1918 – 1966 )
 
Bây giờ thì bạn có thể đoán ra rồi chứ?
Dâu là một cây thân gỗ, nhưng mềm mại và mảnh dẻ. Có những cây Dâu lâu đời thì thân cây mới to. Còn phần lớn, Dâu được trồng làm bờ rào quanh vườn. Người ta vít cành Dâu đan vào nhau thành một bức tường Dâu khá dày, đến nỗi Chó và Gà cũng khó chui lọt.  Dâu là cây rất khỏe, phù hợp nhiều loại chất đất và  nhiều vùng khí hậu. Nên ở đâu cũng trồng được Dâu để nuôi Tằm. Nhưng, Dâu thích nhất là được trồng ở đất bãi bồi ven sông, thích được uống nước, và hưởng gió mát thổi về từ sông. Nếu được trồng ở đây, lá Dâu thật to và dày, xanh mướt, những phiến lá đẫm nhựa trắng như sữa. Bãi Dâu vào mùa Xuân – Hạ thì xanh um tùm. Những câu Dâu mùa này cao chừng 1 – 1.5 m, có khi hơn. Chúng đan vào nhau thành rừng. Lúc nhỏ, tôi đã có lần lạc trong vườn dâu không định được phương hướng. Mùa xuân, có vùng bên Trung Quốc có tục lệ trai gái hẹn hò trong bãi dâu mà nên duyên. Đó là những mối tình của các chàng trai cô gái thôn dã, họ gặp nhau trong bãi dâu, có thể vì nghèo mà không cưới xin được.Những mối tình này, xã hội phong kiến khi xưa không chấp nhận: điển cố: ” Phải tuồng trên bộc, trong dâu” ý muốn nói rằng quan hệ trai gái bất chính. Tôi cứ băn khoăn mãi về bài thơ Lỡ bước sang ngang của nhà thơ Nguyễn Bính: sao ông cứ nhắc mãi về cây Dâu trong bài thơ của mình.Không biết ông có ám chỉ gì về mối tình đầu của cô gái kia không, mà đặt tên bài thơ là Lỡ bước …. sang ngang? Cái lỡ bước ấy là gì? sao lại phải sang ngang? Cái câu :
 
” Em ơi, em ở lại nhà – Vườn dâu em đốn, mẹ già em thương”  
dùng đến hai lần trong bài thơ này.

Cuối năm Âm lịch người ta đặt những đoạn thân cây Dâu vào trong đất, chừng ba – bốn đoạn như thế cách thành hàng cách nhau 5 cm, kéo dài thành luống dâu. Cần phải đặt nghiêng 30 độ, sau đó phủ đất lấp chừa cho đoạn thân dâu ( còn gọi là hom Dâu ) nhô lên khỏi đất  10 – 15 cm. Hom Dâu là thân Dâu ( đoạn thân bánh tẻ ( tức là không được già quá, không được sát ngọn quá ) được chặt thành từng  đoạn dài chừng 25 – 30 cm. Cứ đến mùa Thu, mọi cây đều có xu hướng vàng lá, là mùa đốn Dâu. Người ta dùng dao chặt sát gốc cây dâu, chỉ chừa lại một đoạn cách mặt đất chừng 5 – 7 cm mà thôi. Có thể phủ nhẹ một lớp đất mùn mỏng, hoặc rơm rạ càng tốt, để giữ ấm cho Dâu qua mùa giá rét. Đến mùa xuân, từ gốc có rất nhiều chồi mọc lên thành một cụm dâu mới. Khi đó mới bón thúc cho dâu (người ta dùng phân chuồng hoai, có khi dùng phân đạm, hồi tôi còn bé, chỉ có loại phân đạm 1 – lá , mầu xanh xanh, nông dân hồi đó quý như mỳ chính )và vun thêm đất. Ở giữa các luống dâu, khi này có thể trồng xen vào: Đỗ xanh, hoặc Đỗ tương, Đỗ đen. Rễ cây đỗ có vi khuẩn cố định đạm trong không khí, nên làm cho đất có nhiều đạm hơn, là chất là Dâu – cây trồng để  lấy lá rất cần. Ở những vườn trồng lại dâu, hoặc trồng mới thì mới dùng đến hom Dâu, trồng như trên đã nói.
 
Ở Bắc bộ Việt Nam, khi những đợt gió heo may đầu tiên thổi về, cũng là lúc chuyển mùa, cây Dâu không còn ra nhiều lá như trước nữa. Một số lá gốc ngả vàng. Những lá mới ra thì cũng nhỏ và khô, cứng hơn bình thường. Tằm không ăn lá Dâu khô được. Nên cũng là mùa thôi chăn  Tằm. Bây giờ chính là lúc đốn Dâu. Vậy, ta hiểu rằng trong bài thơ Lỡ bước sang ngang của thi sĩ Nguyễn Bính,   cô gái vu quy vào sát trước vụ đốn dâu. Người con gái ra đi lấy chồng, vẫn còn vương vấn với công việc Tằm – Tang ( Tang là cây Dâu – trong tiếng Hán Việt. Cũng như ” Thỏa chí tang bồng: là nói về chí của người đàn ông một gói một cung ( cây cung thời xưa làm bằng gỗ Dâu ( tang) ) – Dâu – Bể ( chỉ sự thay đổi do biến đổi khí hậu: Chỗ trước kia là ngàn dâu, nay trở thành biển  ý nghĩa : Vật đổi – sao dời )). Người em ra đứng trông theo chị ” khuất ngàn dâu thưa” có nghĩa những cơn gió  heo may đã về, cây dâu đã thưa lá. Trên ngọn cây, chỉ còn những túm  xòe ra xanh xanh chừng chục lá. Người ta để lại  , chờ đốn dâu. Vào chừng tháng Tám âm lịch. Cô ấy lấy chồng vào khoảng đó.
 
Khi cây dâu đâm chồi người ta cũng cấm ngọn để từ một gốc ra nhiều ngọn hơn. Mỗi ngọn lại ra nhiều cành dâu hơn. Khi hái dâu, người ta vít nhẹ cành dâu xuống rồi dùng tay hái từ trên đầu cành xuống, để lại vài lá đầu cành. Cũng phải khéo léo, bởi vì Dâu rất lắm nhựa. Nhựa Dâu mà vào áo, thì có mà hết đường giặt. Nhựa Dâu bắn vào mắt, chao ôi xót lắm, phải rửa ngay. Lúc nhỏ tôi đi theo người hái dâu, chỉ được hái những cành thấp gần mặt đất, thế mà cũng có lần bị nhựa bắn vào mắt. Hồi ấy, ai cũng mặc những chiếc áo có mầu xanh cây, hoặc màu tối để ” ngụy trang ” chống sự phát hiện của máy bay Hoa kỳ (US), nên chẳng phải lo áo bị dây nhựa Dâu. Một nắm lá Dâu hái được lại xếp vào thúng, có hàng, có lối: cuộng lá quay lên trên, hết hàng trên, đến hàng dưới. Các bà đi hái Dâu thì ăn trầu bỏm bẻm, kể chuyện trên trời dưới đất không qua chuyện con cháu. Còn các chị các cô trẻ hơn thì đùa nhau, tếu táo chuyện gán ghép chị này với anh kia. Có người còn hát nữa. Hồi đó tôi  thích mê một chị( nói nhỏ nha: tôi thì mới 8 tuổi, còn chị ấy đã 15 – 16 gì đó rồi), vừa xinh, vừa hát hay. Tôi thấy bài nào chị ấy hát cũng hay. ” Yên tâm vững bước mà đi… ới người mà em yêu” , hay là  ” áo đây em may, may yêu may quý, khăn này em thêu , thêu nhớ, thêu thương, gửi anh lên đường, mạnh giỏi đi tòng quân…” . Cái thằng tôi hồi ấy quyết chí sau này lớn phải lấy bằng được chị ấy làm vợ, có ghê không?
 
Người ta cũng không hái Dâu khi trời vừa mưa xong. Tôi nghĩ chắc vì khi đó lá dâu ướt nước mưa, khó làm cho khô. Nhưng sau hỏi ra mới vỡ lẽ: nước mưa không tốt cho con Tằm khi ăn vào. Thực ra thì có ai để Tằm ăn lá Dâu ướt bao giờ, và đôi khi cũng phải rửa lá Dâu cơ mà.
Mùa Hè đến, trời nắng chang chang. Tôi và lũ bạn rất thích chui vào ruộng Dâu. Chẳng phải để tránh nắng, mà vì cái thú đi hái quả Dâu. Những quả Dâu còn xanh vị chua dôn dốt rất thú vị, làm quên cả cái khát cháy cổ của trưa hè. Còn những quả Dâu chín thì lại ngọt đến khé cả cổ. Sau mỗi buổi trưa như thế, đứa nào cũng bọc đầy một vạt áo Dâu chín, mang về nhà. Mẹ tôi thấy mất chừng con, gọi khản cả cổ, nhưng chúng tôi nghe thấy cũng không về, cứ  chui lủi trong bãi Dâu chơi với nhau. Về nhà có lần bị mấy roi. Rồi mẹ lôi ra chum nước mưa tắm rửa cho, chao ôi khắp người mồ hôi, cát đất, nhựa cây. Chúng tôi còn đào những cái hầm bí mật ( vài đứa với nhau biết thôi ) lót lá Dâu đặt những quả Dâu vào đó, gọi là “Kho lương thực của chúng mình”.  Rồi nửa kín nửa hở khoe với phe bọn kia. Mẹ tôi hay mắng chứ cũng thích quả Dâu chín lắm. Mẹ mua ở chợ có dễ đến  6 – 7 kg Dâu chín về, rửa sạch, cho vào một chiếc lọ thủy tinh, thêm nửa lít rượu trắng, một vài lạng đường. ( Hồi đó, đường hiếm lắm, mỗi cán bộ chỉ được 1-2 lạng đường một tháng thôi, công nhân lái tầu hỏa mới được 8  lạng ). Để mấy hôm, uống cái món coktai này mới thú vị làm sao? Mẹ tôi bảo, quả dâu chín là đại bổ, nhất là bổ thận, nó có thể làm cho đen lại tóc, sáng mắt.
 
Trong bãi dâu, còn thiếu gì trò vui của lũ trẻ con chúng tôi? Bây giờ tôi vẫn thích nhất trò săn dế. Những con dế mèn trong ruộng dâu làm chúng tôi thích mê. Chúng đen bóng, to cụ, ban đêm tiếng gáy của chúng mới tuyệt chứ. Chúng tôi thường so đẳng cấp với nhau xem bọn nào săn được con Dế to hơn, có tiếng gáy hay hơn. Dế được nuôi trong các hộp sắt tây có đục lỗ, thường là hộp sữa cũ ( gọi là ống bơ ), đứa sang hơn thì có cái hộp ghi gô bằng nhôm sáng bóng để nuôi dế. Lũ dế cũng chẳng kén chọn thức ăn lắm đâu, vài ngọn cỏ, ít cám khô, nước, là có thể nuôi vài tháng. Rồi cho Dế uống rượu say đem chọi với Dế của trẻ khác.
 
Săn Dế có hai phương pháp. Cách thứ nhất là dùng nước đổ xuống lỗ ( hang Dế ) để cho Dế bị ngạt nước mà ngoi đầu lên. Cái anh Dế rất khôn. Khi làm tổ, bao giờ nó cũng làm đến hai ba ngách phụ xuống tổ chính sâu đến 60 cm dưới đất. Nếu ta không để ý, nó sẽ chuồn được theo ngách này mà thoát hiểm. Nên khi đổ nước vào, khi Dế chưa thật ngạt ( Nó cũng gan lắm, chỉ khi thật no đầy bụng nước mới chịu chui ra ) nhìn thấy chỗ nào xung quanh lỗ chính đổ nước có nước chảy ra là ngách phụ.Phải lấy que xiên vào đó để Dế hết đường thoát. Tiếp tục đổ nước cho đến khi trong làn nước đục ở cửa hang bất thần trông thấy đôi râu Dế màu đen xuất hiện, rồi thì cái đầu.Lũ chúng tôi reo lên:” A, nó chui ra rồi”, con Dế hoảng quá tụt vào một lúc, ” Đổ thêm nước, đổ thêm chúng mày ơi”….,”thôi chết, hết nước rồi còn gì” , “thì đái vào, đái vào” …. Không chịu được ngạt nước, thôi thì đằng nào cũng chỉ chết một lần là cùng, con Dế vụt chui ra. Lúc này cần có một túi vải để đón nó, chớ dùng tay. Dế khùng lên, cắn đau lắm. Tôi đã có lần bị nó cắn đau đến cả tuần.
 
Cách thứ hai, sang trọng và quyền quý hơn, là có “Chó săn”. “Chó săn” của chúng tôi là con Tò vò Xanh ( Trông nó to bằng con ong vàng, ong bắp cầy). Khắp thân mình nó một mầu lam xanh biếc mới mê ly làm sao. Thợ săn châu Âu mê Đại bàng thế nào, thì chúng tôi cũng mê Tò vò Xanh như thế. Cái Chị Tò vò này sau khi đẻ trứng vào một chỗ ( nó đẻ nhiều trứng vào một cái tổ xây  bằng đất bùn và nước bọt của nó làm xi-măng  ) là đôn đáo đi săn mồi, trong đó có Dế, Nhện  làm thức ăn cho con nó sau này. Nó tiêm cho Dế một phát thuốc mê, Dế ta không chết, cũng không bị ươn thối được đặt sẵn trong tổ đất có trứng Tò vò. Khi nở ra, ấu trùng Tò vò sẽ chén sạch con Dế, hoặc con Nhện mà mẹ nó đã dọn bàn sẵn cho nó. Người xưa không biết, cứ tưởng là Tò vò đi nuôi Nhện, nên mới có câu ca dao:
 
Tò vò mà nuôi con Nhện,
Đến khi nó lớn, nó quện nhau đi
Tò vò ngồi khóc tỉ ti
Nhện ơi, nhện hỡi mày đi đàng nào….
 
     Vì người ta phá tổ Tò vò bằng đất thấy rất nhiều nhện đang mê man, có con vẫn còn cử động. Tưởng rằng Tò vò tốt bụng
mà nuôi Nhện. Tình thực lúc chẳng con Nhện nào còn là lúc Tò vò con đã chén sạch, và bắt đầu bay đi, sau một vài phút lưỡng lự, chứ nó có khóc lóc gì đâu…
     Để bắt được Đại bàng – ” Chó săn” – Tò vò xanh cũng thật cầu kỳ. Phải rình trong ruộng Dâu  đường bay của một con Tò vò xanh. Chờ cho nó đậu xuống đất tìm tổ Dế. Nó tìm cũng lâu lắm. Lưỡng lự lâu lắm, phát sốt cả ruột. Nó lại còn là một kẻ rất cảnh giác ( Phái nữ mà). Chúng tôi nằm bò ra đất, chịu  phơi nắng, chờ cho nó chui xuống hang Dế là úp ngay cái lọ Mực Cửu long rỗng đã chuẩn bị sẵn vào miệng hang. Một lúc sau, Tò vò cắp theo một con Dế  chui lên, vì từ trong tối chui ra nên nó không để ý, chui tọt vào cái lọ thủy tinh. Sau tôi mới biết, Tò Vò chọn lựa lâu là vì nó phải đánh hơi tìm con Dế non, bé bé để con nó  dễ ăn sau này, và cũng dễ mang vác về tổ nữa. Chứng tỏ nó tài hơn mình là đứng trên mặt đất mà nó cũng cảm nhận được con Dế trong hang sâu bên dưới. Khó nhất là buộc được sợi chỉ vào ngang lưng con Tò vò. Có khi bị nó đốt cho mấy phát, sưng vù cả tay lên. Khi ta đã có Tò vò, chỉ việc tìm tổ Dế, ép Tò vò xuống là Dế ta chui lên theo ngách phụ đỡ công phải xách nước đổ. Tuy nhiên, cũng có trục trặc là: có lần Tò vò lại lôi theo sợi dây cương luồn lên theo ngách phụ của tổ Dế, và cũng có khi con Dế to hung dữ chống cự quyết liệt cắn cả Tò vò. Nhưng dù sao thì săn Dế bằng Tò vò cũng  thích không tả được các bạn ạ.
Thôi, trời sắp sáng mất rồi. Quên béng cả Hiệp Một trận chung kết “Ơ rô pa lic”. Chào các bạn nhé, ờ, mà quên, mọi người còn đang ngủ say.Lúc nào tỉnh ngủ, hãy đọc blog của mình, mong bạn vui vẻ một lúc với Dâu, Tằm, Dế và Tò vò Xanh của mình nhé…..
 
Tê Hát_Sưu tầm_
Chỉnh sửa lần cuối vào %AM, %11 %610 %2016 %08:%11
back to top