Pulitzer. Một huyền thoại báo chí

Pulitzer

Một huyền thoại báo chí

Sean Bảo

Sinh ngày 10 tháng 4 năm 1847 ở Mako, Hungary trong một gia đình thương gia khá giả và mộ đạo gốc Do Thái. Ông được gia sư dạy kèm để học thêm ngoại ngữ Pháp và Đức. Sau khi cha ông mất gia đình bị khánh kiệt. Ốm gầy, thị lực kém và phổi yếu nên ông bị từ chối khi đầu quân nhập ngũ ở Châu Âu. Năm 1864 Pulitzer rời Hungary đến Mỹ năm 17 tuổi và gia nhập liên quân phía Bắc tham gia cuộc nội chiến trong 8 tháng. Sau nội chiến chàng thanh niên gốc Hung tay trắng này trở về định cư ở St. Louis, Missouri nơi có đông di dân người Đức. Ông phải ngủ lề đường, làm đủ mọi nghề vất vả để sinh kế từ bồi bàn, lái Taxi, chăn la… Trong thời gian nghỉ làm việc ông vào thư viện Mercantile ở St. Louis học tiếng Anh và đọc sách ngấu nghiến. Một chiều, ông và vài chục thanh niên được dụ đi làm một công việc đầy hứa hẹn trả lương cao chỉ với 5 đô la trả trước trong một trang trại làm đường ở Louisiana. Họ đáp xuống thuyền hơi nước. Tàu chạy được chừng 30 dặm thì dừng lại bến nhỏ và họ bị ép lên bờ. Biết là bị lừa, họ đi bộ về thành phố. Pulitzer viết một bài báo tố cáo vụ việc lừa đảo này. Bài được nhận đăng trên Westliche Post. Đó là bài báo đầu tiên cho sự nghiệp báo chí của ông.

Như một định mệnh gắn liền với nghiệp làm báo, với vốn sống nghèo khó lăn lộn trên trường đời của một kẻ di dân, Pulitzer dần dà trở thành một nhà báo chuyên nghiệp chân chính với những nguyên tắc và chuẩn mực được áp dụng cho đến ngày nay: tính trung thực và chính xác của tin tức. Bằng nguyên tắc và lương tâm nghề nghiệp, tên tuổi của ông ngày càng được biết đến khi ông viết những bài báo phơi bày những tệ nạn tham nhũng và phi pháp trong hàng ngũ viên chức chính phủ. Một lần ông đã tức giận bắn vào chân của một người khi ông này bảo Pulitzer đã bịa sai chuyện trên một bài báo. Pulitzer đã thoát án sau khi nhờ bạn bè đóng tiền phạt. Ông mê say làm báo suốt ngày từ 10 giờ sáng cho đến 2 giờ khuya. Tham gia đảng Cộng Hòa và trở thành dân biểu của tiểu bang. Sau đó nhìn thấy vài sự sai lạc và tham nhũng trong đảng Cộng Hòa, ông chuyển sang tham gia đảng Dân Chủ. Ở tòa soạn ông được thăng chức tổng biên tập. Năm 1872, ở tuổi 25, Pulitzer đã mua một phần trong Westliche Post với giá 3,000 USD và sau đó bán lại với giá lời. Ông cũng mua lại tờ báo St. Louis Dispatch và Post đang ở trong tình trạng ế ẩm, sáp nhập lại thành tờ báo riêng của mình. Cùng với chủ biên tập tài ba John A. Cockerill ông chủ trương nhắm đến những chủ đề tiêu cực và nóng bỏng trong thành phố St. Louis như bài bạc, trốn thuế, đường sá giao thông cần tu bổ… điều này làm tờ báo thành công bán đắt, gia tăng ấn bản.

Đến năm 1883, ở tuổi 36 ông mua lại tờ New York Wolrd đang làm ăn thua lỗ với giá $346,000. Để vực lại tờ báo, ông đã nhắm đến những câu chuyện xì-căn-đan, những chuyện nhạy cảm gây xúc động và liên quan đến đời sống của giới trung lưu và nghèo khó… Về mặt ấn loát trình bày, ông đã thay đổi các kiểu chữ tựa đề bắt mắt, ngắn gọn, đem những bài có tính thời sự nóng bỏng lên trang đầu, làm thay đổi toàn bộ bề ngoài nhàm chán và nội dung vốn thường khô khan, nặng mùi chính trị do các bài viết được tài trợ chiếm phần lớn số trang hồi bấy giờ.

Từ 15 ngàn ấn bản tờ New York World tăng lên 600 ngàn. Chỉ sau 2 năm từ khi Pulitzer nhảy vào New York, tờ báo của ông đứng đầu thị trường báo chí New York. Tuy vậy mọi chuyện bắt đầu thay đổi vào năm 1895 khi một đối thủ nặng ký cạnh tranh với ông xuất hiện. Đó là khi William Randolph Hearst, một chàng trai trẻ được thừa hưởng tờ báo San Francisco Examiner từ cha mình. Bằng nguồn vốn dồi dào và mưu lược trong kinh doanh, cùng với tham vọng làm bá chủ ngành báo chí cả nước, Hearst đã mua lại tờ New York Journal. Để từ đó cạnh tranh quyết liệt sống còn, ảnh hưởng đến vận mệnh báo chí của Pulitzer và ngay cả lịch sử nước Mỹ. Hearst bắt đầu trả lương cao để lôi kéo các ký giả, họa sĩ và biên tập viên giỏi từ các báo khác và ngay cả những cộng sự viên đắc lực của Pulitzer, như James J. Montague là họa sĩ đầu tiên sáng tạo ra những tranh biếm họa màu, cùng tất cả nhóm biên tập viên cho phụ bản cuối tuần của tờ World.

Bắt chước cách trình bày của báo New York World, Hearst còn tăng số trang và hạ giá cho tờ New York Journal của mình chỉ với 1 xu, ấn bản của tờ báo tăng cao đến con số 1 triệu. Không còn cách nào khác, Pulitzer buộc phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt này và xuống giá bằng giá 1 xu với đối thủ. Sự việc không dừng lại ở đó mà ngày càng nóng bỏng. Cả hai tờ báo đều tung hết vốn liếng và chiến thuật để lôi kéo độc giả cùng những phóng viên nòng cốt về phía mình. Hơn thế nữa, họ cho xuất bản vào số đặc biệt cuối tuần những trang in bằng mực màu vàng, với những nhân vật hoạt hình màu mè cùng những tựa đề câu khách, bắt mắt cuốn hút sự tò mò của độc giả.

Cuộc chiến giữa hai tờ báo lên đến đỉnh cao làm ảnh hưởng đến đời sống chính trị và đẩy nước Mỹ vào cuộc chiến tranh Mỹ – Tây Ban Nha. Bắt đầu bằng một sự kiện lớn xảy ra vào ngày 15 tháng 2 năm 1898, khi chiến hạm USS Maine được phái đến vịnh Cuba để sẵn sàng bảo vệ cho những người Mỹ ở đó, trong khi cuộc kháng chiến chống lại chính quyền đô hộ Tây Ban Nha bùng phát, chiến hạm bỗng nhiên phát nổ và chìm đắm mang theo 260 mạng thủy thủ đoàn. Hearst và Pulitzer nhanh chóng vào cuộc. Hearst đã tung đồ họa viên lỗi lạc Frederic Remington của mình đến Cuba cho phóng sự được đặt tựa là Cuộc chiến giành độc lập cho người dân Cuba. Khi nhận được điện tín là mọi chuyện yên tĩnh, không có dấu hiệu chiến tranh ở đó thì Hearst lờ đi và bảo: “Hãy ở đó. Anh cứ lo chuyện vẽ tranh minh họa và tôi sẽ lo chuyện chiến tranh.” Trên trang nhất Hearst đã cho đăng “kết luận” rằng chiến hạm bị đánh bởi người Tây Ban Nha. Và còn treo giải thưởng 50 ngàn đô cho việc điều tra thủ phạm làm đắm tàu. Không còn sự chọn lựa nào khác và tránh bị mất độc giả, tờ báo của Pulitzer cũng nhập cuộc, dù đặt tựa bài cho tin tức nóng hổi này có phần dè dặt, nhưng cũng đã làm lệch hướng dư luận cho sự thật của vụ đắm tàu, khi cho rằng tàu bị bom hoặc thủy lôi địch đánh chìm. Những hình vẽ minh họa cũng phóng đại lên sự thật ngoài mức tưởng tượng… Mặc dù vậy, 2 tháng sau nước Mỹ tham gia vào cuộc chiến kéo dài hơn 3 tháng rưỡi, lan rộng tới Philippines, Guam và Puerto Rico. Kết quả Tây Ban Nha từ bỏ chủ quyền tại Cuba, nhượng lại Quần đảo Philippines, Puerto Rico, và Guam cho Hoa Kỳ với giá 20 triệu đô la.

Thành ngữ yellow journalism, dựa theo cảm tính và phóng đại sự việc, có thể được hiểu bằng cụm từ “báo lá cải” để chỉ loại báo chí thiếu nghiêm túc từ đó ra đời. Tất nhiên nguyên tắc làm báo này hoàn toàn đi ngược lại những giá trị tối thượng và cao quý mà ban đầu Pulitzer đã đặt nền móng xây dựng. Đó là sự chính xác và trung thực đến mức tối đa của sự việc. Dường như lương tâm của Pulitzer đã bị cắn rứt khi đi chệch hướng trong một khoảng thời gian ngắn vì phải lao mình vào cạnh tranh với đối thủ, vì sự sinh tồn của tờ báo. Năm 1911, Pulitzer mất để lại 2 triệu đô trong di chúc cho trường đại học Columbia để mở khóa đào tạo học viên báo chí đầu tiên cho nước Mỹ. Năm 1917 trường đại học Columbia lập hội đồng trao giải Pulitzer, một giải cao quý cho nhiều lãnh vực văn hóa. Đặc biệt về báo chí.

Quyền lực của báo chí được xem là đệ tứ quyền, với khả năng và nhiệm vụ đương đầu với ba quyền lực lập pháp, hành pháp và tư pháp. Dù không có một bộ thông tin hay cơ quan tuyên giáo nào kiểm soát, người làm báo chân chính phải có lương tâm nghề nghiệp, tôn trọng hiến pháp, lẽ phải và lý tưởng nhân đạo. Nhưng trên hết phải nói lên sự thực một cách chính xác. Vì lẽ đó giải Pulitzer mãi mãi được xem như một trong những giải danh giá nhất cho giới truyền thông và báo chí.

VIẾT NGẮN GỌN, MỌI NGƯỜI SẼ ĐỌC; MẠCH LẠC, MỌI NGƯỜI SẼ CẢM ƠN;

HÌNH ẢNH SỐNG ĐỘNG, MỌI NGƯỜI SẼ NHỚ; VÀ TRÊN HẾT LÀ SỰ CHÍNH XÁC,

ĐỂ MỌI NGƯỜI SẼ ĐƯỢC DẪN DẮT BỞI ÁNH SÁNG CỦA NÓ.”

ĐÓ LÀ NHỮNG”NGUYÊN TẮC VÀNG VỀ BÁO CHÍ MÀ PULITZER TÂM NGUYỆN

Kim Quy st

back to top