KENZABURO OE: Nobel văn chương 1994: Cha và Con
KENZABURO OE
Nobel văn chương 1994: Cha và Con
Nguyễn Quốc Trụ
Tháng Chạp 1994, nhà văn Nhật Kenzaburo Oe tới Stockholm lãnh giải Nobel văn chương. Trước những thính giả lịch sự, và những phóng viên, ông cứ nói đi nói lại, ‘Tôi sẽ ngưng viết tiểu thuyết.", khi được hỏi. Một xác quyết kỳ kỳ, được nói bằng một giọng nhẹ nhõm, vui vui, thành thử chẳng mấy ai tin. Ông vừa tới tuổi sáu mươi, tráng kiện, và được coi là nhà văn đầu đàn trong cõi văn xuôi của Nhật. Giải thưởng Nobel càng làm cho sách của ông bán chạy ở trong nước, và giới xuất bản nước ngoài đua nhau dịch. Ông chẳng có vẻ mệt mỏi, hay xuống tinh thần. Chưa bao giờ ông cảm thấy thanh thản như lúc này. Quyết định của ông như muốn đóng lại một đoạn đời, chứ không phải là một khủng hoảng.
Tôi ngưng viết tiểu thuyết, ông nói, bởi vì cái nhiệm vụ mà tôi đặt ra cho tôi cách đây 31 năm kể như không còn cần thiết nữa. Hikari, con trai của ông, do não bộ tổn thương, chỉ có thể nói bập bẹ vài tiếng, và phải có người coi sóc thường trực, sau 31 năm, lúc này đã tìm ra tiếng nói của mình. Anh soạn nhạc cho đàn dương cầm và sáo, và âm nhạc của anh thật là đáng kể - "như sương long lanh trên lá cỏ", ông bố miêu tả - và vừa mới cho ghi âm CD thứ nhì, "Nhạc Hikari Oe, 2".
"Đôi khi, con trai tôi nghĩ, chính nó mới là người được giải thưởng Nobel văn chương", ông bố nói, mặt mày rạng rỡ. "Khi ký giả tới nhà tôi ở Tokyo, họ gặp con tôi trước, và nói, ‘Xin chúc mừng’. Đúng vào thời gian đó, cu cậu vừa cho ra lò một tác phẩm âm nhạc mới. Vả chăng, những tác phẩm của tôi, trong đó có hai cuốn A Personal Matter và The Pinch Runner Memorandum, là dựa trên cuộc sống của hai cha con. Thành thử, nếu cu cậu nghĩ mình đoạt giải Nobel, cũng đúng thôi. Tôi vẫn còn ngỡ ngàng, với não bộ tổn thương như thế, làm sao cu cậu lại có thể tiếp tục đi sâu mãi vào thế giới thanh âm, làm giầu thêm âm nhạc của mình. Đã một thời gian dài, tôi ngỡ mình sống là để diễn tả những sự vật giùm cho đấng con trai, nhưng bây giờ cu cậu tự làm lấy việc này. Hóa ra là tôi quá đề cao vai trò của mình."
Trước mắt, ông tính lo cho con và quay qua nghiên cứu. Hikari là đứa lớn nhất trong ba đứa. Năm 1996, ông sẽ là giáo sư thỉnh giảng tại Đại Học Princeton. "Tôi tính đọc văn cho sinh viên trong vòng ba, hay bốn, hoặc năm năm, và biết đâu đấy, tôi lại kiếm ra một văn phong mới cho mình.", ông nói. "Tôi chưa biết tính sao, về chuyện sẽ tiếp tục viết, và viết như thế nào. Nhưng tôi hy vọng, sẽ viết chuyện nhi đồng, ít ra là, cái thứ chuyện mà tôi sẽ viết ra đó, trẻ con sẽ ưng. Tôi viết cho nhi đồng, và cho những người già thê thảm – những con người giống như tôi."
Được giải Nobel văn chương, trong linh tinh đủ thứ, có cái thú như vầy: một tuần lễ thoải mái ở Đại Khách Sạn, Stockholm. Lễ lạc, chào mừng... và [như người Việt mình nói, vừa ăn, vừa nói, vừa] gói mang về 930 ngàn đô la Mỹ. Oe đã hoàn thành nhiệm vụ của mình, bằng dáng dấp, lời ăn, tiếng nói thật là tuyệt vời. Khi anh chàng phó nháy yêu cầu, "Hãy nhìn vào caméra như thế này này, và nói: Tối nay, vào lúc mười một giờ thiếu mười lăm", ông đã làm đúng như yêu cầu. Ông cũng không quên đùa giỡn với những Nobel đồng sự người Nhật, Pháp hay Anh. Tác phẩm của ông thì u tối, khó đọc, nhưng ai cấm ông có một bề ngoài vui vẻ. Ông đeo cặp kiếng giống như hai bánh xe, tóc cắt ngắn, với những sợi tóc nhọn hoắt. Hai vành tai rộng lạ thường, như ôm lấy mọi cánh gió.
Chúng tôi (1) đang ngồi tại căn phòng của ông, ở Đại Khách Sạn, Stockholm, vào buổi sáng; Yukari, bà vợ của ông đang phụ Hikari lau mặt và mặc chiếc áo khoác. Trong cuốn tiểu thuyết Một Chuyện Riêng (A Personal Matter), Oe viết, cậu con tật nguyền ngày càng giống bố. Tôi nhận thấy cậu có vẻ giống ông, nhưng vẫn còn nguyên những khuyết tật bẩm sinh: mắt lé, cái sọ không ăn với cái mình. Hikari (có nghĩa là "ánh sáng") đã là một người lớn, nhưng khả năng nói của anh, như ông bố nói, chỉ bằng một đứa trẻ ba tuổi, và chẳng có gì tỏ vẻ sẽ khá hơn. Anh bị chứng động kinh hành hạ. Thị lực yếu. Đi đứng khó khăn, đôi khi. Trong lúc nói chuyện, ông bố vẫn không quên trông chừng con, và sẵn sàng ngưng dòng tư tưởng của mình để lo cho cậu. Như bà vợ, ông là ông bố hết mình cho con. Và còn là một người cha biết ơn: Hikari đã "rọi sáng những ngõ ngách, những tầng sâu u tối ở trong tôi," ông nói. Cậu con đã cứu cuộc đời của ông bố.
***
Kenzaburo Oe sinh năm 1935 tại Ose, một làng ở vùng núi thuộc đảo Shikoku. Tên làng đã bị xóa trên bản đồ, tuy hồi xưa được nối vào một thành phố khác. Khi Oe được sáu tuổi, cuộc chiến Thái Bình Dương bắt đầu. Ông mất cha và bà. Truyện ngắn chủ chốt đầu tiên của ông, "Prize Stock", là về những năm chiến tranh tại một làng Nhật bản huyền hoặc hầu như thuộc thời tiền sử. Một cõi Thiên Thai bất thình lình bị làm rộn bởi sự xuất hiện, không phải của chàng Lưu và chàng Nguyễn, mà một phi công Hoa Kỳ bị bắt, chắc là bởi mấy o du kích. "Đối với chúng tôi, người lính da đen là một con vật nuôi trong nhà, thuộc loại hiếm quí, và thật là tuyệt vời", Oe viết. " Làm sao tôi có thể diễn tả nổi, chúng tôi yêu anh ta như thế nào, hay là ánh mặt trời chói chang trên làn da nặng nề, ướt đẫm của chúng tôi vào buổi xế trưa mùa hè thật huyền ảo và cũng thật xa vời đó, những khối bóng sẫm trên những viên đá cuội, cái mùi toát ra từ những đứa trẻ và người lính da đen, những tiếng hò la đầy ứ hạnh phúc, làm sao tôi có thể chuyên chở nổi tất cả cái nhịp sống tràn trề như thế đó? Và cái giọng điệu, đúng là của một thế giới đã tuyệt chủng, đã mất tích – một thế giới được lọc riêng ra, thật là giản dị như vậy, đã biến mất vào cuối cuộc chiến.
Mười tám tuổi, Oe làm chuyến du lịch thứ nhất trong đời, bằng xe lửa, tới Tokyo; nơi ông bắt đầu cuộc đời sinh viên, và nhà văn. Ông viết những truyện ngắn đầu tiên khi đang học văn chương Pháp tại Đại học Tokyo, và tiếng tăm nổi như cồn vào thời gian ông tốt nghiệp, khi được trao giải văn chương Akutagawa Prize, cho truyện ngắn "Prize Stock", vào năm 1958. Cũng năm này, ông cho xuất bản tiểu thuyết đầu tiên, Nip the Buds, Gun the Kids, viết về cuộc di tản trong thời gian chiến tranh mười lăm học sinh trai thuộc trường reform-school tới một nơi rất giống làng Ose.
"Thuở thoạt đầu, tôi là một nhà văn khá hạnh phúc," ông nói, bằng một thứ tiếng Anh rõ ràng nhưng ngần ngại. "Có bóng dáng của chiến tranh và sự chiếm đóng của người Mỹ, điều này gây nhức nhối ở giới trẻ, nhưng nói chung, tôi cảm thấy hạnh phúc. Tới năm hai lăm hoặc hai sáu tuổi, tôi mất hết mọi ý nghĩa về căn cước của mình, mất luôn cả cái cảm giác, hoặc ý nghĩ, rằng mình ổn định, của thời gian trước đó. Mấy năm liền tôi luẩn quẩn với ý định tự tử. Rồi thì, vào năm 1963, con trai tôi ra đời. Một cách nào đó, đứa nhỏ là hiện thân của nỗi bất hạnh của tôi. Do sọ phát triển quá khổ, nó giống như một đứa bé với hai cái đầu. Đây là thời gian khủng hoảng ghê gớm nhất trong đời tôi. Những vị y sĩ cho biết, quyết định giải phẫu đứa trẻ, hay không, là tùy thuộc vào vợ chồng chúng tôi. Nếu không giải phẫu, Hikari sẽ chết ngay sau đó. Giải phẫu, đứa bé có thể sống, nhưng với rất nhiều, rất nhiều khó khăn. Con trai tôi ra đời ngày 13 tháng Sáu, và tôi đi Hiroshima vào ngày Một tháng Tám. Hiraki vẫn còn ở trong bệnh viện. Tôi chạy trốn đứa bé. Đây là những ngày nhục nhã, tủi hổ của tôi, mỗi lần nhớ lại. Tôi muốn chạy trốn, tới một chân trời nào khác. Tôi được yêu cầu thực hiện một phóng sự về Hiroshima, và tôi bỏ đi, chạy trốn tới đó thì đúng hơn, với ý định gặp gỡ những chính trị gia, bác sĩ, và những nhà hoạt động tại một cuộc hội họp quốc tế chống vũ khí nguyên tử. Chán ngán chính trị gia, và ba câu chuyện của họ, tôi bỏ đi liền, tới một bệnh viện, nơi những nạn nhân sống sót trái bom được chữa trị. Ở đó, tôi gặp giám đốc, một vị bác sĩ lớn, Fumio Shigeto, và chúng tôi nói chuyện hàng giờ đồng hồ. Đêm hôm đó, tại căn phòng nơi khách sạn, tôi soạn lại những gì ông đã nói, về chuyện làm cách nào gìn giữ, bảo vệ những nạn nhân của bom nguyên tử, tôi bắt đầu nhìn ra ở trong tôi, một hình ảnh mới về con người. Thật khó mà cắt nghĩa, giải thích, nhưng suy nghĩ của tôi bắt đầu thay đổi."
Oe ngưng nói, đưa mắt nhìn con trai, lúc này đang ngồi tại một cái bàn ở trong phòng. Kikari nhấc chén trà đưa lên gần mặt, chăm chú quan sát từ mọi góc cạnh, nhìn cái bóng phản chiếu của mình ở trên đó, giống như trên một tấm gương lồi. Anh loay hoay một lúc, rồi ngước mắt nhìn bố, mỉm cười. Và ông bố mỉm cười lại, rồi quay đi, tiếp tục câu chuyện của ông.
Thế là vào bữa Thứ Bẩy, như tôi còn nhớ được, tôi trình bày tình trạng đứa con trai với Bác sĩ Shigeto Ông nói với tôi về một vị bác sĩ nhãn khoa trẻ làm việc dưới quyền ông. Như bạn biết, ở Hiroshima, nhiều người mắt bị tổn thương, do ánh sáng chói lòa của trái bom nguyên tử, hoặc do những miểng kính. Vị bác sĩ trẻ này, sau tự tử, lúc đó đang trong cơn chán ngán cùng cực. Anh nói với ông thầy: "Làm sao bây giờ? Chúng ta đâu biết gì về hậu quả của phóng xạ? Tôi không biết chữa trị họ như thế nào." Bác sĩ Shigeto bảo anh: "Với những người bị thương, nếu họ đang đau đớn, chúng ta phải làm một điều gì cho họ, cố gắng chữa trị họ, cho dù chúng ta không có một phương pháp nào." Nghe ông nói tôi cảm thấy thật là xấu hổ. Tôi đã chẳng làm gì cho con tôi – con trai của tôi, nó câm lặng, chẳng thể biểu tỏ nỗi đau đớn, chẳng thể làm điều gì cho chính nó. Và tôi hiểu, tôi phải đối mặt với con tôi, yêu cầu bệnh viện thực hiện ca giải phẫu, và cố gắng đủ mọi cách để chăm lo nó. Tôi trở về Tokyo, và con trai tôi trải qua cuộc giải phẫu.
Sau cùng nhờ Trời, ca mổ thành công. Hikari tiếp tục sống, và sự hiện diện của đứa con là điểm tựa chống lại ý nghĩ tự tử. Tôi bắt đầu làm lại đời mình. Trước đó, tôi vốn là một con người thụ động, nhìn đời bằng cặp mắt u tối, và chẳng có một ý nghĩ gì về tương lai. Bà xã tôi rất cứng cỏi, rất tự lập, và tôi cảm thấy thật xấu hổ về mình, trước bà, do lúc nào cũng âu sầu. Không phải cứ có bà vợ cứng cỏi như thế, là ông chồng không thể nào tự tử, tôi đã từng nhiều phen tính kết liễu đời mình, nhưng đứa con ra đời, và trái tim của tôi mở ra."
Trong vòng hơn hai chục năm, Oe nghiền ngẫm, vật lộn, đối chiếu sự ra đời của đứa con với mọi hành xử, thái độ của chính ông; bằng một con mắt không thương hại, ông nhìn nó dưới mọi góc cạnh của vấn đề, của hoàn cảnh, với mọi khả hữu. Ở Nhật bản, những người tàn tật bị sỉ nhục, khinh khi nhiều hơn, so với nhiều xứ sở khác. Khối lượng khổng lồ những gì Oe viết ra, về cha và đứa con tàn tật, gây ám ảnh, nhức nhối và tạo sốc. Trong một truyện ngắn nhan đề "Aghwee the Sky Monster", người cha giết đứa con dị tật bằng cách cho đứa bé uống đường thay vì sữa. Cuộc giảo nghiệm cho thấy, khối u của đứa bé chỉ mới nhen nhúm, và sau đó hồn ma đứa con thường xuyên viếng thăm ông bố. Trong "Một chuyện riêng" (A Personal Matter), người cha, không phải chạy trốn con tới Hiroshima, mà là tới một cô bạn cũ. Cô bạn say mê những cuộc phiêu lưu xác thịt này cùng người cha âm mưu giết đứa bé, "con quỉ con" (a "monster baby"). Phút chót, người cha bỏ dự tính, và chấp nhận – đúng ra là ôm lấy – trách nhiệm đối với đứa con bệnh hoạn. ("Trong cuộc đời này", Oe nói, "tôi chọn con đường trong cuốn truyện Một chuyện riêng"). Trong truyện ngắn nhan đề "Teach us How to Outgrow Our Madness" (Hãy dậy chúng ta làm sao hết khùng), Oe mô tả mối cảm ngầm (unspoken communication) giữa người cha với đứa con trai. Đây là một thứ "cảm" tuyệt đối, thậm chí vật chất, của ông. Người cha mập thù lù trong câu chuyện "cảm" từng nỗi đau của con trai, và cố gắng, qua thính giác (lời nói), qua xúc giác (sờ mó, đụng chạm), để xuyên qua lớp vỏ bề ngoài câm nín của đứa con, để nuôi dưỡng và bảo vệ nó. "Người đàn ông mập béo kinh nghiệm thẳng, bất cứ một nỗi đau vật chất nào mà đứa con đang cảm thấy, đang phải chịu đựng. Khi ông đọc được ở đâu đó, rằng có một loài cá đực nơi biển sâu, sống là nhờ được gắn liền với một cơ thể lớn hơn của một con cái, ông ta mơ tưởng, mình chính là con cá cái lơ lửng nơi đáy biển, cưu mang đứa con trai trong cơ thể của mình, một giấc mơ thật ngọt ngào, khi mơ, và thật ác độc, khi tỉnh.
Không giống như giấc mơ, Oe và bà vợ chẳng làm cách nào để chấm dứt những đau đớn, những khinh khi mà đứa con phải chịu đựng. "Trong ba chục năm đó, không biết bao nhiêu cơn khủng hoảng đã xẩy ra cho nó", Oe nói, "nhưng luôn luôn, chúng tôi – Hikari, vợ tôi, và tôi – cố gắng đối đầu và vượt lên những khó khăn. Mỗi lần vượt qua được một khó khăn, rồi một cái khác, là chúng tôi cảm thấy như vươn lên một bậc cao hơn. Một cách nào đó, chúng tôi như đang leo lên một cầu thang. Khi đứa con đau, chúng tôi đều đau, khi nó được chữa trị, chúng tồi đều được chữa trị."
Oe và bà vợ bây giờ có thể nói chuyện với con, và bước đường chông gai đó tương tự như trong những truyện mà ông viết ra – một tiến trình chậm chạp, thật khó giải thích, "Chúng tôi xây dựng sự cảm thông từng bước một, "Oe nói. "Thoạt đầu, Hikari tỏ ra hoàn toàn tiêu cực, với mọi trao đổi, như thể nó bị mắc bẫy, ở ngay bên trong cơ thể của nó. Nhưng chúng tôi luôn luôn cố lặn sâu hơn, để vươn tới nó. Khi cháu được bốn tuổi, chúng tôi mua một bộ đồ chơi, ghi đủ thứ tiếng chim chóc, và chơi đi chơi lại cho cháu nghe. Sau tiếng chim, là giọng nói của một người giới thiệu: "Đây là chim sáo", hoặc "Đây là chim bồ câu", thí dụ vậy. Trong hơn hai năm, chúng tôi cho cháu nghe đi nghe lại hoài, bộ âm thanh của những loài chim như trên. Bữa đó, khi Hikari được sáu tuổi, chúng tôi tới căn lều của chúng tôi tại một vùng núi. Cõng cháu trên vai, hai cha con dạo chơi trong rừng, và có tiếng chim hót, tôi cũng không biết đây là thứ chim gì, thế rồi một giọng nói cất lên: "Đây là chim sáo". Tôi nghĩ mình bị hoang tưởng. Đâu có ai khác ở quanh chúng tôi. Rồi có tiếng chim hót, và lại có tiếng nói: "Đây là chim sáo." Lần này thì thật rõ ràng, đúng là tiếng nói phát ra từ cổ họng con tôi. Và nó đã nói đúng tên chim. Như vậy là nó đã có học, và biết tất cả các giọng chim chóc được ghi lại trong bộ đồ chơi. Hóa ra là cu cậu biết được 70 thứ tiếng chim hót. Đúng là thiên tài! Và chúng tôi bắt đầu trao đổi với cu cậu, qua tên, và tiếng hót của những loài chim."
"Rồi thì bà vợ tôi bắt đầu chơi nhạc Bach, Mozart, và những nhạc sĩ khác, ở quanh quẩn trong nhà, thường là cho bả. Nhưng rõ ràng là, mỗi lần bà chơi nhạc như thế, cháu có thể nhận ra, thí dụ đó là một bản Brandenbug Concerto. Mặc dù cháu chưa thể trưởng thành về lời nói, về ngôn ngữ, nhưng về âm thanh, tôi muốn nói âm nhạc của cháu, luôn luôn phát triển. Những vị bác sĩ giải thích cho chúng tôi, rằng bộ não có hai phần, một phần lo về tiếng nói, một phần lo về âm nhạc. Theo họ, nối kết giữa hai phần não của Hikari rất yếu, nhưng phần não lo âm nhạc thì lại rất mạnh.
Bố mẹ Hiraki sau đó mướn một vị thầy dậy đàn dương cầm cho cậu, nhưng họ nhận ngay ra là Hikari gần như như bất lực, nếu nói về khả năng xoay sở, sử dụng những cơ phận của cây đàn. Tuy nhiên, họ còn nhận ra, hình như cậu con đã ghi lại (viết ra) tất cả những âm thanh mà cậu đã được nghe. Lúc đầu, vị thầy lại nghĩ, đó là những mẩu đoạn âm nhạc của những nhạc sĩ nổi tiếng, như của Bach, hoặc Mozart, nhưng ông nhận ra liền, đây là âm nhạc của riêng Hikari. Cách đây hai năm [tức là vào năm 1992], với sự trợ giúp của hai nhạc sĩ, một chuyên về dương cầm, một chuyên về sáo, Hiraki đã cho ra lò chiếc CD âm nhạc đầu tiên của anh. Đĩa nhạc mới của anh được giải thưởng âm nhạc ở Nhật – một giải thưởng âm nhạc quan trọng nhất. Bà mẹ cho biết, năm nào gia đình cũng đoạt giải thưởng. "Ông biết không, những nhà phê bình đã chỉ trích chúng tôi, là đã ‘bóc lột’ cậu con". Oe nói, "Sự thực là họ không hiểu, tôi đã sống với nó trong 31 năm, và rất hiểu rõ cháu, đâu phải họ. Tôi còn tin tưởng rằng, tuy cháu không thể nào đọc những cuốn sách mà tôi đã viết ra, nhưng nếu Trời cho cháu có cái khả năng đọc, cháu sẽ thấy, mình không hề bị tổn thương, về những điều đã được viết ra như thế đó. Tôi chắc chắn như vậy."
Trong khi đề tài "đứa con ngu ngốc" trở thành một trong những quan tâm số một của Oe, ông còn được biết tới ở Nhật như là một nhà văn dấn thân, một khuôn mặt chính trị. Cuốn sách best seller của ông, Những ghi chú về Hiroshima, tuyển tập những tiểu luận và phóng sự, xuất bản năm 1965, là về những gì xẩy ra sau đó, và ý nghĩa, của vụ ném bom nguyên tử trên đất Nhật vào năm 1945. Về mặt chính trị, Oe có vẻ giống Guenter Grass, một nhà văn tỉnh lẻ (Grass là từ Danzig), người đã lay động cả một quốc gia hùng mạnh, là nước Đức của ông, về những ý hướng quyền lực của nó, cũng như là về sự trống vắng ý thức chính trị và khung cảnh văn hóa hiện tại. Oe đập thẳng vào sự sống dai của những biểu tượng hoàng gia của Nhật. Ngay trong mùa đông năm nay, liền ngay khi hết sức mừng rỡ về tin được trao giải thưởng Nobel văn chương, Oe từ chối Bunka Kunsho, Huân Chương Văn Hóa, một huân chương được Hoàng Đế ban cho. Lý do, theo ông, khi trả lời Kyodo News Service, "Huân Chương Văn Hóa không thực xứng hợp với tính dân chủ của thời kỳ hậu chiến". Liền ngay sau đó, ông nhận được những đe dọa và sự sỉ nhục của công chúng.
Oe là một cột trụ còn lại của thế hệ nhà văn hậu chiến, trong đó có Kobo Abe và Yukio Mishima, những nghệ sĩ chín mùi vào đúng mùa của những chống đối, của không khí trí thức bất bình thường (Abe mất năm 1993, Mishima mổ bụng tự sát năm 1970). Một thế hệ chứng kiến cảnh tan hoang của đất nước, tiếp theo sau phép lạ tăng trưởng kinh tế, cùng sự xác định lại giá trị tinh thần của nó. Biến cố thê thảm nhất trong cuộc đời Oe, lẽ dĩ nhiên, là cuộc chiến, và cơn sốc tiếp theo sau đó. Như tất cả những bạn đồng học, ông cũng tiếp nối họ, khi tới lượt mình, thề trung thành với hoàng đế, thề sẽ tự sát, nếu hoàng đế ra lệnh: "Tôi sẽ chết, thưa Ngài, tôi sẽ mổ bụng tự sát". Những ảo vọng về cuộc chiến, về văn hóa và vũ trụ quan của Nhật, tất cả đều biến mất, vào ngày 15 tháng Tám, 1945, khi Nhật Hoàng tuyên bố đầu hàng Hoa Kỳ, vô điều kiện. Trong một tiểu luận nhan đề "Tướng Về Hưu" [thực sự là "Chân Dung Viên Tướng Hậu Chiến"], Oe viết, "Vào ngày hôm đó, những người lớn ngồi chung quanh chiếc đài (la-dô), và khóc rống lên. Những đứa trẻ thì xúm thành từng đám ở bên ngoài, giữa con lộ bụi bặm, thì thào, chuyền cho nhau nỗi kinh hoàng, và hoang mang, của chúng. Chúng tôi quá sức ngạc nhiên, và thất vọng, khi nghe và khám phá ra rằng Hoàng Đế nói bằng giọng nói của con người (a "human" voice)... Làm sao chúng tôi có thể tin được, một quyền uy như thế đó, bỗng chốc biến thành một con người bình thường, vào một ngày định mệnh, mùa hè năm đó?" Khi hoàng đế bị bắt buộc phải thoái vị, văn hóa Nhật đã không làm sao xóa nổi bóng dáng ông vua, ở ngay tâm của nó. Cuộc khủng hoảng tâm lý, và chính trị cứ thế tiếp tục ngay cả tới bây giờ.
Trong khi trên sân khấu chính trị, Mishima nổi bật như là một người theo chủ nghĩa quốc gia hữu phái, ủng hộ hoàng đế, Oe cầu mong chấm dứt mọi dấu vết hoàng gia Nhật. Michiko Niikuni Wilson, tác giả cuốn "Thế giới bên lề của Oe Kezaburo", và còn là dịch giả, cùng với chồng, Michael, cuốn The Pinch Runner Memorandum, viết, một biến cố chính trị ảnh hưởng nặng nề Oe, xẩy ra vào năm 1960, là khi Otoya Yamaguchi, một phần tử cực đoan 17 tuổi, xông lên diễn đàn, dùng dao đâm nhà lãnh đạo đảng Xã Hội, Inejiro Asanuma. Oe viết truyện ngắn, nhan đề là "Mười Bẩy", dựa theo biến cố kể trên. Phản ứng và những hăm dọa, đối với tác giả và nhà xuất bản, dữ dằn tới mức tạp chí Bungakukai, nơi truyện ngắn xuất hiện, đã phải đưa ra thông báo, "Chúng Tôi Chân Thành Cáo Lỗi Vì Đã Sơ Xuất Cho Đăng Truyện Ngắn Kể Trên" (Our Humble Notice). Truyện sau không được đưa vào trong tuyển tập truyện ngắn của Oe; tác giả cho biết, ông đành chấp nhận giải pháp đó, chỉ vì sợ cho mạng sống của chủ nhà xuất bản, cùng gia đình của ông ta.
Trong một thời gian dài, Oe yên lặng sau biến cố trên, và quay qua những đề tài khác, đặc biệt là về thời thơ ấu của ông ở nơi làng quê, và liền sau đó, là về đứa con mới sinh. Tuy nhiên, năm năm sau, lợi dụng lễ tưởng niệm ngày 15 tháng Tám, 1945 (August 15 Memorial Meeting), ông nói về hệ thống hoàng gia, ban cho nó một cái tên: kakuremino, "cái áo khoác biến người mặc trở thành vô hình"; nhờ vậy, nó cho phép người mặc (dân chúng Nhật) vờ đi ý nghĩa của cuộc chiến. Trong một bài viết đăng sau đó, ông đưa ra câu hỏi, tại sao những nhà văn Nhật dám lên tiếng chống lại việc kiểm duyệt ngăn cấm không cho xuất bản tác phẩm Người Tình Của Phu Nhân Chatterley [tác phẩm bị coi là dâm thư, của D.H. Lawrence], vậy mà lại không dám đứng ra tranh đấu cho một truyện ngắn "Mười Bẩy", và phần tiếp nối "Cái Chết Của Tuổi Trẻ Chính Trị" (The Death of Political Youth). Và ông trả lời: "Bởi vì cả hai truyện ngắn kể trên đã vờ đi, chẳng thèm ‘quan tâm đúng mức’ tới cái gọi là những thành phần hữu phái, cũng như mọi thứ, mọi điều mà Hoàng Đế kêu gọi, nhắn nhủ."
Thập niên 1960, mặc dù quan điểm chính trị của Mishima, Oe là bạn của nhà văn này. Nhưng vào năm 1970, khi Mishima mổ bụng tự sát – seppuku, như tên gọi của nó, là một nghi lễ thẩm mỹ hóa hành động hiến mình cho hoàng đế – nhằm kêu gọi một cú đảo chánh của phái hữu, Oe đã coi đây là một hành động vô dụng, và một toan tính rẻ mạt nhằm tạo ra một hình ảnh dởm, về nhà văn Nhật. Vào năm 1972, một phần là muốn đưa ra một câu trả lời cho vụ tự sát của Mishima, Oe đã viết "Cái Ngày Mà Chính Anh Ta Sẽ Lau Giùm Những Giọt Nước Mắt Cho Tôi". Đây là một bài văn mang tính châm biếm, nhạo nhại, và có giọng điệu giận dữ. Truyện ngắn này được coi là một trong những tác phẩm khó khăn nhất của Oe, nó "giao động giữa sự giận giữ trước Mishima, ước muốn một niềm tin không bị một chút mây mù che phủ, ý nghĩa về tài sản tinh thần và quốc gia, mà sự tự sát của Mishima đã bi thảm hóa." Sau cùng, Oe nhìn thấy ở cuộc đời và cái chết của Mishima, như là một toan tính vụng về, một vụ sẩy thai, nhằm nhập thân căn cước, cá tính Nhật, không phải cho người Nhật, nhưng mà là vượt quá cả cõi thế. Sau đó, trong lần trò chuyện với tiểu thuyết gia Kazuo Ishiguro [gốc Nhật, viết văn bằng tiếng Anh, tác giả cuốn Tàn Ngày, The Remains of the day, đoạt giải The Booker của Anh], được đăng trên tạp chí "Phố Lớn" (The Great Sreet), Oe nói, "Toàn thể cuộc đời của Mishima - chắc chắn phải kể cả cái chết bằng cách mổ bụng tự sát theo nghi lễ seppuku – là một màn trình diễn, được thực hiện nhằm trình bầy hình ảnh một người Nhật mang tính điển hình, an archetypal Japanese. Hơn thế nữa, màn trình diễn theo kiểu như thế, không phải tức thời bật ra từ cảm tính Nhật, mà là một hình ảnh phiến diện, về một người Nhật được nhìn từ một quan điểm Tây Phương, một thứ tuồng ảo hóa, cuồng phóng."
Theo Oe, màn tự sát của Mishima là một hình thức kỳ quặc của chủ nghĩa Đông Phương. Trong nghiên cứu của Edward Said [tác giả cuốn Chủ Nghĩa Đông Phương] về hiện tượng này, những tay phiêu lưu Tây Phương thực hiện những chuyến đi về phương đông, tới những xứ sở thuộc địa của họ, và trở về với một hình ảnh mang tính văn chương của "Người Phương Đông", thí dụ như người Ả Rập trong tác phẩm The Seven Pillars of Wisdom, của T. E. Lawrence, hay trong những hồi ức của Flaubert về xứ Ai Cập. Trong trường hợp Mishima, thay vì một tay phiêu lưu Tây Phương, lại là một người Đông Phương, đã vặn vẹo, làm méo mó hình ảnh của chính mình, trước lớp khán thính giả đông đảo Tây Phương [đang] trầm trồ ngưỡng mộ. Khi tôi [David Remnick] hỏi Oe về Mishima, ông giơ cả hai tay lên trời, và cười lớn, như nhớ tới hình ảnh một Mishima điên điên khùng khùng ở trong lòng độc giả Tây Phương. "Bạn biết không, tôi rất mê cuốn tiểu thuyết vĩ đại của Ralph Ellison, "Người Vô Hình", và trường hợp ở trong đó có thể áp dụng cho chúng tôi – chúng tôi, những người Nhật. Khi tôi nói về những người Nhật, như những kẻ vô hình, là theo nghĩa đó. Bạn có thể nhìn thấy nền kỹ thuật của Nhật tại Âu Châu, bạn biết quá nhiều về cái gọi là sức mạnh kinh tế Nhật, bạn biết rất nhiều về nghi lễ có tên là trà đạo của Nhật... nhưng tất cả những cái đó chỉ là những hình ảnh, nói đúng hơn, những cái mặt nạ, của sự khiêm tốn Nhật, sức mạnh kỹ thuật Nhật. Mishima và Akio Morita, ông chủ của Sony, có thể coi là như hai cực của cảm thức về cái gọi là người Nhật. Đa số những hình ảnh về nước Nhật đều là những mặt nạ. Chúng tôi đi theo sau và bắt chước triết học và văn học Tây Phương, nhưng ngay cả bây giờ, hơn một trăm hai mươi lăm năm sau khi khởi đầu công cuộc hiện đại lớn lao của chúng tôi, the Meiji Restoration, Nhật Bản mở rộng cửa ra trước thế giới, nhưng dưới lớp vỏ cứng, chúng tôi vẫn không thể nào bị chọc thủng, trước con mắt những người Âu Châu và người Mỹ. Bạn có thể hiểu những nhà văn được giải Nobel khác, họ luôn luôn sẵn sàng cho bạn tìm hiểu, ở Mỹ: Czeslaw Milosz, Derek Walcott, Joseph Brodsky. Nhưng chẳng là bao, nếu nói về con số người Tây Phương muốn tìm hiểu những người làm ra tất cả xe Honda đó. Tôi chẳng hiểu tại sao. Có lẽ chúng tôi chỉ bắt chước người Tây Phương, hay cứ thế lầm lì, lặng thinh, khi đối diện những dân tộc Âu Châu."
Trong khi Oe tạm để văn chương qua một bên, ông tự hứa, sẽ sấn vào đám đông, bởi vì theo ông, những cuộc tranh luận nơi công cộng tại Nhật bây giờ chỉ là một trò chơi cho qua thời gian, hoàn toàn tự mãn, và chẳng phản ảnh bất cứ điều gì quan trọng, đấy là chưa nói đến cái mùi thèm khát tiền bạc đến phát khùng toát ra từ đó. Những ngày này, sự dấn thân chính trị tả phái của Oe, đối với hầu hết những người Nhật tỏ ra bực mình khi phải nhắc tới, chỉ là hoài nhớ một "diễm xưa" của thập niên 50 và 60. "Khi tôi bắt đầu viết", Oe nói, "trước mắt tôi bầy ra cả một thế hệ lớn lao những nhà tư tưởng độc lập – thế hệ hậu chiến – nhưng ngày nay, chỉ là trống rỗng." Những tiểu thuyết gia trẻ nổi tiếng nhất trong giới độc giả bình dân, như Banana Yoshimoto và Haruki Murakami, tỏ ra ít quan tâm tới những chuyện dấn thân hay những rắc rối đa đoan mang tính chính trị như thế hệ lớn tuổi hơn họ; những cuốn tiểu thuyết của họ là nhằm có được cái vẻ trống rỗng chói lòa, của một trò chơi điện tử, video game, và thường xuyên bán ra hàng chục triệu ấn bản. Oe không có ý định vứt những nhà văn kể trên vào thùng rác, nhưng quan tâm đến chuyện này: những tác phẩm của họ phản ảnh và nhằm biện minh cho tầng lớp dân chúng Nhật chẳng thèm có một quan điểm chính trị, và hài lòng sống ở trong cái ao tù, một thứ tiềm-văn hóa thời thiếu niên muộn (late adolescent) hoặc hậu-thiếu niên (postadolescent).
Kệ mẹ mấy tay già nói gì thì nói. "Tôi biết, những người già hay phàn nàn, nhưng sự tình không hẳn như vậy", Oe tiếp tục. "Hoàn cảnh ở Nhật nghiêm trọng hơn nhiều. Những bè bạn của tôi ở Mỹ lo lắng về không khí trí thức trong xứ sở của chính họ, nhưng tôi nhận ra những con người ở đó có nhiều người độc lập dám ăn to nói lớn, và cũng đa đoan phức tạp hơn. Tại Nhật, văn hóa của chúng tôi quá giản dị, hoặc được giản dị hóa tới mức tối đa. Có một kiểu văn hóa được gọi là văn hóa đại chúng, và cái thứ văn hóa này gần như là tất cả, hoặc có tham vọng ôm lấy tất cả mọi thứ có mùi văn hóa vào trong nó, một thứ văn hóa "cho" và "phục vụ" quần chúng, cứ nói như vậy. Rất hiếm, phải nói là chẳng thể nào bói ra được một tiếng nói, từ những nhà trí thức, nhà tư tưởng của đất nước chúng tôi. Chỉ còn mỗi một thứ quan trọng, thảm thay, lại là hàng nhập: sự quan trọng của những kiểu mẫu mới về suy tư, triết học, từ Âu Châu; ngay cả cái món này, cũng chỉ là nhai lại, chẳng có gì sâu sắc."
Như là một độc giả, và một tư tưởng gia, Oe đắm mình vào văn học Tây Phương, ngay vào lúc, là một đứa con nít, ông bị hớp hồn bởi "Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn", và "The Wonderful Adventures of Nils", của Selma Lagerlof [1858 – 1940, nữ văn sĩ người Thụy Điển, Nobel văn chương 1909, cuốn này đã được dịch ra tiếng Việt là "Những cuộc phiêu lưu trên lưng ngỗng", trước 1975 tại Miền Nam, dịch giả Lý Quốc Sỉnh]. Là một nhà văn, ông hy vọng có cho mình một tầng lớp độc giả người Nhật, tuy nhiên cách viết của ông lại đẩy ông ra ngoài dòng chính – dòng chính này bắt đầu với The Tale of Genji, chảy qua Mishima, và tiểu thuyết gia Nhật được Nobel văn chương trước ông, Yasunari Kawabata, (Nobel văn chương 1968). Oe gọi cách viết của ông là "thứ yếu, ngoại vi" (peripheral). Như Michiko Wilson chỉ ra, những câu văn của Oe thì dài, gai góc; những đề tài của ông, về bất thường, dị dạng, dục tính, và bên lề... ở bên ngoài truyền thống Nhật Bản, vốn trọng sự cân bằng, hòa mình vào với vũ trụ thiên thiên, thí dụ vậy. Oe muốn, nghệ thuật Nhật sẽ từ bỏ truyền thống văn phong hóa tính hàm hồ, muốn hiểu ra thì hiểu, tính rỗng tuếch của nó, và cố gắng làm bật ra những bộ mặt thực không măng mặt nạ của người Nhật. Tác phẩm của Oe có tính thô cứng, khiến gần gần gụi với những nhà văn như Mailer, Grass hay Roth hơn là những tiểu thuyết gia Nhật khác. Nhà phê bình văn học quan trọng nhất đối với Oe là Mikhail Bakhtin, một học giả Nga về Rabelais và là lý thuyết gia về chủ nghĩa hiện thực thô kệch (grotesque realism). Có lẽ vì vậy mà nhiều độc giả Tây Phương đã nghĩ là họ bị lừa, khi đọc Oe, bởi vì họ vẫn nghĩ là sẽ gặp được một nhà văn "thứ thiệt" của Nhật, giống như khi đọc tác phẩm Runaway Horses, của Mishima.
Thay vì văn chương, Oe hy vọng, sẽ có một cái gì đó đặc biệt của Nhật, từ chính trị. Trong nhiều năm, ông đã kêu gọi một chính sách phi quân sự cho Nhật. Ông lên tiếng chỉ trích nhà cầm quyền đã sử dụng quân đội quốc phòng, cho những nhiệm vụ hải ngoại, và chỉ trích những chính quyền nước ngoài đã gây sức ép để Tokyo phải làm như vậy. "Người Nhật chọn lựa nguyên lý hòa bình vĩnh cửu như là căn bản của nền đạo đức đưa đến sự tái sinh của chúng ta", ông tuyên bố, trong diễn văn nhận Nobel văn chương. "Đi chệch nguyên lý đó, sẽ là một hành động phản bội lại những dân tộc Á Châu, và những nạn nhân của bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki. Thật chẳng khó khăn gì cho một nhà văn, thí dụ như tôi, khi phải tưởng tượng, một sự phản bội như vậy sẽ đưa đến những hậu quả như thế nào."
Tại Đại Sảnh, Hàn Lâm Viện Thụy Điển, trong bài diễn văn "Nhật Bản, Những Người Hàm Hồ, và Chính Tôi", Oe đã nói nhiều về một con người Nhật khó mà bị chọc thủng dưới lớp mặt nạ, về dòng văn chương truyền thống được coi như dòng chính, và lên án nền chính trị ở đây; nhưng ông cũng xen vào đó những vấn đề mang tính cá nhân, kể cả món nợ của ông đối với gia đình mình. Đứng trước một rừng máy ghi âm, thu hình của các phóng viên, và thính giả, ông nhớ lại thời thơ ấu của ông, tại một làng "ngoại vi, bên lề", tại một xứ sở "ngoại vi, bên lề", và bằng cách nào ông đã tìm được cõi văn của mình, nhờ đọc "Những cuộc phiêu lưu trên lưng ngỗng." Trong khi đọc câu chuyện thần tiên, về một chú bé ngồi trên lưng ngỗng phiêu lưu khắp vùng Sandinavia, có thể ông mơ hồ cảm nhận hai giấc mơ, cũng thể gọi là hai điều tiên tri, về đời mình, tỏa ra từ những trang sách: một ngày nào tôi sẽ hiểu được ngôn ngữ của những loài chim, và một ngày nào khác nữa, tôi sẽ ngồi trên lưng một chú ngỗng bay tới miền đất thần tiên ở trong chuyện của Selma Lagerlof.
Và ông mỉm cười với thính giả, nói về đứa con trai của mình, và con đường những loài chim đã chuyển những tiếng hót của chúng, thành tiếng người, rồi thành âm nhạc. "Cháu đã vì tôi mà thực hiện một điều tiên tri kể trên: cháu đã hiểu được ngôn ngữ của những loài chim." Và sau đó, ông quay qua bà vợ, "Với tôi, Yukari là hiện thân của Akka, con ngỗng đầu đàn của đàn ngỗng trời của Nils". "Cùng với bà xã, chúng tôi đã bay tới Stockholm và, điều tiên tri thứ nhì cũng đã được thực hiện."
Jennifer Tran *
Chú thích:
(1) Tôi" ở đây, là David Remnick, ký giả Mỹ. Đây là chuyển ngữ bài viết của ông, Cha và Con, A Father and His Son (Feb, 1995), trong "Vấn đề Quỉ Ma và những chuyện thực khác, The Devil Problem and other true stories", nhà xb Vintage, Nữu Ước. Ông là ký giả của tờ Người Nữu Ước, và đã từng được giải thưởng Pulitzer, với cuốn Ngôi mộ của Lênin: Những ngày cuối cùng của Đế quốc Xô viết.
______
*Jennifer Tran là một trong những bút hiệu của nhà văn/ nhà phê bình Nguyễn Quốc Trụ .
☆:*´¨`*:.☆(¯`*•.¸,¤°´Kim Quy st`°¤,¸.•*´¯)☆:*´¨`**:.☆