Một gã phu - Thầy Nguyễn Hải Bình

CHUYỆN MẤY ĐẤNG PHU ...CỦA QUÍ BÀ HỘI GIA LONG

Một gã phu

http://batkhuat.net/images/saigon-03.jpg

Vâng, tôi là phu quân của một nữ lưu đã từng cắp sách đến một trong ba trường trung học con gái nổi tiếng của Saigòn Gia Định năm xưa là trường mang tên Gia Long, vị anh hùng dân tộc. Thủ đô yêu mến của chúng ta có tới ba trường với bao nhiêu nữ sinh khả ái, duyên dáng, đẹp kín đáo, đẹp thùy mị, đẹp lồng lộng, rồi dịu hiền, tân thời, khuê các, cả ngổ ngáo, chịu chơi thôi thì đủ cả. Những chỗ đó là nơi lý tưởng để cho những gã trai lớp tuổi hai mươi hay mới ghé ... ba mươi khoác áo quân nhân như tôi lân la, nhòm ngó hay lượn đi lượn lại để làm nhiệm vụ trai khôn tìm vợ. Số là đi lính lâu quá, mấy người em nhỏ tóc thề hay còn kẹp tóc hay, như nhà thơ Nguyên Sa đã viết “tuổi mới mười ba” mà mình quen biết dệt mộng thuở nào đã tiến bước sang ngang, thôi thì tất cả chỉ còn là dĩ vãng.

Thời gian phôi pha, mình đâu có thể tiếp tục nhại ông Thế Lữ “ngậm khối căm hờn vì em ... đá”; nên cũng phải đi thêm ... bước nữa cho đời đỡ cô đơn mỗi khi có dịp nhảy dù hay năm ba ngày phép về lại hậu phương. Nhìn vào lớp bạn cũ may mắn không nhận được cái thiệp mời nhập ngũ của ông tướng Bùi Đình Đạm Nha Động Viên, bộ Quốc Phòng đang gần xong đại học mà mặc cảm cùng mình. Chúng nó đang phây phây đèo Vespa hay xe gắn máy Honda mấy nàng văn khoa hay luật khoa lớp dưới. Thấy mình đơn độc chúng vẫy tay chào buồn thương hại. Phải, đi lính như tôi đâu có thể với tay tới những hoa khôi đại học. Có nàng văn khoa đã đánh giá tôi: “thiếu úy rẻ như hai bó rau muống đồng đôi”. Vậy bây giờ mình dù có là Đại úy tới ba mai vàng trên cổ áo thì có lẽ cũng chỉ là “giá sống một mớ hai đồng ” nên đâu có dám mon men ngỏ lời bay bướm.

Do đó, tụi tôi thảo lệnh hành quân xa luân chiến ba trường nữ trung học Sàigòn, Gia Đinh cho có phần chắc ăn hơn. Sác xuất chắc ăn cao là vì linh cảm nhờ mỗi dịp Xuân về gặp mấy nàng tới thăm chiến sỹ tiền đồn do sự năn nỉ của Nha Tâm Lý Chiến. Quân phục dã chiến thẳng nếp, mai vàng lóng lánh khiến mắt mấy nàng mới ở tuổi cập kê cũng lóng lánh luôn. Trường hợp tôi, tôi chỉ mơ màng xung kích vào một trường và là trường Gia Long. Tại sao Gia Long? Và tại sao chỉ mơ màng?

Số là lúc tôi mới ra trường đáo nhậm Tiểu Đoàn 3 BVN ở Long Xuyên được ngủ ngoài trại cùng phòng với một chàng thiếu úy đàn anh. Chàng lại có người yêu là một nữ sinh Gia Long đôi khi tôi được gặp lúc chàng nàng thăm nhau. Biết mình là nòi văn nghệ vì tôi cứ thường ông ổng đọc thơ của mấy ông Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Huy Cận, chàng bèn bắt tôi làm hộ mấy câu thơ để viết vào tấm thiệp mừng sinh nhật cho nàng. Thằng bạn năn nỉ tôi đánh đổi lấy một khẩu rouleau sáu viên nhỏ xíu chứ không nặng chình chịch như khẩu Colt 45 cấp phát. Phần thì mê khẩu rouleau, phần cũng ngưỡng mộ mái tóc ngang vai của nàng tôi bèn viết cho ông bạn bốn câu thơ bảy chữ mà nay chỉ còn nhớ được hai:

Em gái Gia Long môi má đẹp
Tóc chùng buông lỏng giữa đôi vai ...”

Và từ đó, sau mười năm quân ngũ trở về chợt thấy mình phải ghé bến dừng chân, tôi lại nghĩ đến Gia Long. Nghĩ đến để mơ mộng thôi, vì ở cái tuổi “tam thập nhi lập” này thì mấy nàng Gia Long đôi tám đã gọi mình bằng “chú” rồi. Đấy là lý do tại sao tôi chỉ dám mơ màng.

http://2.bp.blogspot.com/-tBdfp1-agqA/TmlqR4gABrI/AAAAAAAAIkE/XNBgavF8DMM/s400/5867040980_d74f85558a.jpg

Trời xanh run rủi, dù tôi không còn ở cái tuổi xứng đáng đứng bên này đường Phan Thanh Giản chiêm ngưỡng những nàng áo trắng Gia Long “khi tan trường về” hay “anh theo nàng về” nhưng tôi đã gặp một nàng cũng thuở nào áo trắng. Một hội ngộ, một tình cờ ánh mắt gặp nhau tôi thấy có gì là lạ. Rồi mê lúc nào không biết và cảm thấy nàng đã chịu đèn, tôi mon men tiến tới “chuyện chúng mình”. Nàng bèn lục vấn hỏi chuyện thời xưa văn nghệ văn gừng. Tôi tưởng thật, hãnh diện đọc mấy câu thơ tả người con gái Gia Long nói trên. Nàng bèn sa xầm nét mặt “Thế còn em, đây là nữ sinh Gia Long đồ bỏ nên anh không đủ hứng làm thơ!” Rõ là mình ngu, đi kể chuyện phái nữ cho người yêu nghe dù nữ phái này có là bồ của bạn mình hay dung nhan mặn mà như Chung Vô Diệm. Tôi bị kẹt mất hai tháng “chuyện chúng mình” dậm chân tại chỗ. Cho tới ngày sinh nhật của nàng tôi bèn hạ viết đề thơ trên một tấm thiệp bông mai to tướng - quí vị có còn nhớ không, hoa mai là huy hiệu trường Gia Long đấy. Bài thơ thể tự do này dài lắm, dài hơn bài tôi gà cho thằng bạn đàn anh tặng người yêu Gia Long của nó ngày xưa:

                  “...Mắt em trong buổi nào chiều đại học
                  Như trời xanh tắm nắng sớm hôm nay.
                  Sinh nhật năm nay, và mãi mãi sau này
                  Em vẫn đẹp và nhẹ nhàng như những bông cúc nhỏ...

Tôi chỉ ghi lại mấy câu trên không phải để tỏ ra mình cũng là một “thi sỡi” mà là có lớp lang tới những điều tôi còn sắp viết. Nhờ bài thơ này với cái bông mai thầm kín gợi ý Gia Long trên tấm thiệp mà một ngày đầu xuân rồi cuối hạ tôi được nàng lồng vào ngón tay cái nhẫn cưới đơn sơ để từ một người tình Gia Long tôi lên chức “phu quân” của em một thời áo trắng.

Thế là chức vị của tôi mang hàm “phu ...” từ đó.

Tôi một thời gian dài hãnh diện lắm với cái hàm phu quân này, tự ví nó ngang ngửa với cái hàm tứ phẩm của Triển Chiêu trong bộ băng Bao Công Đài Loan xem hoài không chán. Với hàm phu quân những năm đầu hương lửa tôi được cơm bưng nước rót ăn đủ của ngon vật lạ do nàng khéo nấu nhờ những giờ gia chánh Gia Long nàng học với cô Mai trước đây. Rồi nàng đan cả đống áo len cho mặc và cũng không quên kể lể đó là nhờ mấy giờ nữ công của cô Lý, cô Báu vào những năm 1968-70. Những cuối tuần nhàn hạ, nàng hát cho nghe toàn những bài ngoại quốc Yellow Bird, Dans le soleil dans le vent v.v. mà mấy ông Phạm Duy, Trường Kỳ viết lời Việt thật hay.
http://i585.photobucket.com/albums/ss294/thedung1942/VANKHOAcopy.jpg

Kịp đến khi nàng sách cặp đi làm có tiền tôi được chi cho cái xế Pinto. Nhờ con ngựa sắt này tôi có phương tiện đi đó đi đây sinh hoạt cộng đồng. Đi sinh hoạt nàng cũng lẽo đẽo theo. Đi theo không phải là để kiểm soát hành vi lẹo tẹo của tôi vì nàng thừa biết tôi đã hết xuân thì từ khuya rồi. Đi để mà phụ lau cửa kính sàn nhà Trung Tâm Người Việt Canada, ẩm thực cho mấy thằng anh em đặc nhiệm chúng tôi, thật là “Phu xướng phụ tùy”.

Nhưng rồi ngày đẹp qua đi dần dần. Thêm mấy tí nhau ra đời, kiều nữ của tôi bắt đầu thấm mệt. Tây bên này là “phụ xướng phu tùy” nhất là mấy bà đầm đi làm thì công việc nội trợ chàng hãy lo đủ nhưng quản trị hầu bao thì nàng nắm. Còn trong văn hóa Việt Nam chỉ có “bà nội trợ” chứ không có ông nội trợ nên dù có sang tới “xứ lạnh tình nồng” này những bà một thời kiều nữ dù Gia Long, Trưng Vương hay Lê văn Duyệt đi nữa thì cũng vẫn phải nội trợ hơi ... nhiều. Do đó người vợ Gia Long của tôi cũng thấm mệt như ai sau khi mỗi ngày đi làm hai lần vượt “Xa lộ kinh hoàng” (Truyện ngắn, Hải Phong, Vùng Yêu Đương) qua cầu Champlain mắc kẹt kinh niên. Về đến nhà sáu giờ chiều nàng lại phải lo cơm tối, quần áo,”lunch box” cho con đi học bữa sau.

Thấm mệt thì nàng cũng hơi có phần cay đắng nên một hôm xấu trời nàng đã mỉa mai “Bây giờ thời buổi mới xứ người, em vừa làm vợ vừa đi làm quần quật nuôi gia đình, về nhà lại làm một Sến nương. Hồi ở Sàigòn Má em đâu có vất vả như vậy, chỉ ở nhà nội trợ, lại còn có chị người làm dọn dẹp, phụ bếp nữa”. Tình hình hơi có tí căng thẳng rồi. Tôi biết thân ở cái xứ tự do này mình đã hết thời ăn trên ngồi chốc khi nàng xa gần “Anh sướng thật, đi làm ít được nghỉ nhiều”. Nàng nói câu này thật thoáng qua mà sao tôi thấy nặng tựa ngàn cân. Bây giờ, hai mươi năm sau mấy câu thơ tôi tặng nàng trước đây có lẽ cần được sửa lại:

                 “ Sinh nhật năm nay và mãi mãi sau này
                   Em vẫn đẹp và nhẹ nhàng như những cây ... búa tạ

Dẫu sao, một lần âu yếm tôi cũng đành nhỏ nhẹ: “Thôi thì từ nay anh tự nguyện đỡ em. Anh sẽ lo làm ăn sáng, sửa soạn đi học cho con, chùi phòng tắm, săn sóc nhà cửa ...”. Và tôi đã bắt tay làm liền để sáng sáng nàng có thì giờ kẻ chân mày, bôi quầng mắt rồi xách cặp lái xế đi làm. Những hôm nàng kẹt việc sở về trễ hay đi công tác xa thì mình kiêm luôn bữa tối. Cái đà này chỉ hai năm sau, tôi -đấng phu quân của một kiều nữ Gia Long- đã mang một hàm “phu” mới: đó là “phu... dọn dẹp”. Còn nữa, không đủ sức khỏe làm “phu quét đường” như danh từ thông dụng của Hà Nội trước 1954 thì nay mình làm luôn phu quét nhà, phu đổ rác.

Mấy năm gần đây, kiều nữ Gia Long của tôi đôi khi lại được Hội Cựu Giáo Chức ưu ái mời tham dự văn nghệ giúp vui, nên chi tôi được ban cho một hàm phu mới nữa. Nàng đi trình diễn thì phải có cái đàn ”ki boọc” nặng hai mươi ký đi theo. Thế là tôi nghiễm nhiên lên hàm “phu khuân vác”. Cứ vậy mỗi lần khuân vác gắn đàn xong ngồi thở, nhìn lên bục trình diễn thấy ông Lê Đại Quang phây phây đệm ki boọc ngon ơ cho mấy ca sĩ mà bùi ngùi. Tại mình ngày xưa nhà nghèo không có xín đi học đàn để bây giờ mới mang hàm phu, hay nói theo tiếng tây, “cu li” khuân vác.

Năm nay, tôi có cơ may được biết thêm mấy đấng “phu...” nữa của quí bà Gia Long. Biết hay quen nhau là đã từ trước rồi, nhưng chỉ mới khám phá ra tụi tôi cùng hội cùng thuyền khi đánh xe đưa mấy “phu nhân” nguyên kiều nữ Gia Long đi làm văn nghệ lễ Hai Bà Trưng và thành lập hội của mấy bà. Năm nay, đời phu ... của tôi có vẻ sáng sủa hơn. Gia nhập Hội Gia Long, biết là mình cũng phải đi họp hành nhiều mà đường xa trăm dặm. Viết kiểu này quí vị có cảm tưởng tôi hơi cải lương, nhưng thực sự nhà tôi cách Montreal đúng 156 cây số đường. Vậy thì phải cần tôi đi theo là cái chắc, nên nàng dịu giọng nói: “Ngày xưa anh còn sinh hoạt cộng đồng em phụ anh. Bây giờ mấy chị Gia Long giao em công tác thì anh cũng giúp em một tay”. Nàng nói nhẹ như vậy nên tôi vâng lời ngay. Đưa nàng đi họp gặp mấy ông bạn quen biết cũng đưa hiền thê tới mới ngã ra là quí vị cũng là phu quân của mấy bà Gia Long.

Thật ra mà nói trong mấy chục năm vợ chồng chưa bao giờ tôi nghĩ đền từ phu quân, có lẽ vì nó ”Nho” quá không thông dụng. Cho đến một hôm tôi đưa nàng đi họp Hội Gia Long ...Được chồng lái xe đưa đi họp, lúc gặp nhau chào hỏi có bà nào chắc cảm động trước sự mẫn cán của mấy ông chồng bạn nên phát biểu: “Phu quân mấy chị tốt ghê, vợ đi họp lái xe đưa đón, lẽo đẽo ngồi chờ”. Tôi thấy tiếng phu quân hay quá, đang hãnh diện với vai vế phu quân của mình thì ông phu quân bạn ghé tai nói nhỏ: “Này cậu, mình là phu quân hay phu ... xe đây?” Tôi từ trên trời rớt xuống, sực nhớ tới các loại phu khác nhau mình đã trải qua từ cái phu đầu tiên là phu quân. Ba thằng có vợ nữ lưu Gia Long liền kể những hàm “phu” của mình cho nhau nghe để tiếc nối nhớ lại thuở nào còn được các nàng hâm mộ, trìu mến nhìn mình qua những bông mai vàng trên ve áo quân nhân mà ban cho mình cái hàm thứ nhất là hàm phu quân... Một cách rất triết lý vụn, tôi kết luận: Thời quân chủ bên Tàu cũng chỉ có chín hàm từ cửu đến nhất phẩm triều đình là chót như Bàng thái sư được ban cấp trong video Bao Công. Vậy hàm phu xe của mình chắc cũng là nhất phẩm rồi. Còn cái hàm đặc cách là hàm “phu đổ thùng” của Hà Nội ngàn năm văn hiến trước 1954 thì bên Canada này không có đâu.

 

Một Gã phu

Nguyẽn Hải-Bình

https://lh3.googleusercontent.com/-oFUp4c3c3gU/VKRcu7316HI/AAAAAAAABt8/Aw5A-4TTkBU/w613-h773-no/Thay%2B1.jpg

 

Chỉnh sửa lần cuối vào %PM, %04 %227 %2015 %23:%01
back to top