Câu Hát Huê Tình Đối Đáp Ở Nam Kỳ - Nguyễn Kiến Thiết
Câu Hát Huê Tình Đối Đáp Ở Nam Kỳ
Nguyễn Kiến Thiết
Huê tình (còn gọi hoa tình): “Lẳng lơ trai gái” (Việt Nam Từ Điển, tr.239), là “Lời trai gái chọc ghẹo nhau, dâm từ, những câu hát ghẹo” (Đại Nam Quấc Âm Tự Vị, tr.428).
Hát huê tình là “hát lời nói xa gần làm cho cảm động ý nhau, cùng là chọc ghẹo nhau” (ĐNQATV, tr.410). Người miền Bắc gọi lối hát nầy là Tự tình, Hát hoa tình hoặc Hát trao tình tức là “những bài hát hoa tình giữa trai và gái trao đổi nhau những khi có dịp gặp nhau”[1].
(Hình tư liệu, tác giả gửi)
Theo Thuần Phong, Hát huê tình thông dụng nhiều nhứt ở miền Nam, còn gọi là hát đố, hát đối đáp, hát chèo ghe[2].
Chúng tôi có thể cắt nghĩa như sau: Hát huê tình ở Nam Kỳ là hát đối đáp trao đổi nhau giữa đôi trai gái hay giữa hai phe nam nữ “những khi có dịp gặp nhau” trên sông rạch, lúc lao động ngoài đồng áng, trên sân nhà, hoặc trong các lễ hội, hay trong những cuộc thi tài cao thấp. Câu hát huê tình phát triển mạnh ở Miệt Vườn đồng bằng sông Cửu Long, nằm trong ngũ cung hơi Nam giọng oán và phảng phất hơi hướm ca dao miền Trung.
Chúng tôi sử dụng bản Câu Hát Huê Tình của Đinh Thái Sơn, Chợ Lớn, Thuận Hòa xb. 1966 cũng như một số ca dao miền Nam để thực hiện bài nầy. Hát huê tình là hát đối đáp trao đổi nhau giữa trai và gái để “đối chơi” cho vui (Đêm thanh trăng rạng, bạn mình đối chơi) hay để “ngâm nga đặng quên cả vất vả và mệt nhọc” trong khi lao động.
Và cũng có khi để “kết duyên,” như duyên bạn bè, duyên chồng vợ. Hát Huê tình cũng giống hát Quan họ là “một loại hình dân ca phong phú về giai điệu,” nhưng có điểm khác biệt là trai gái hát quan họ mặc dầu để ý thương nhau nhưng chỉ xem nhau như bạn (bạn hát) và theo tục lệ khắc nghiệt có ghi trong hương ước, “liền anh,” “liền chị” thường không được phép lấy nhau.
Trái lại chung cuộc của Hát Huê tình vẫn là tình yêu nam nữ (Thú vui nào bằng thú hát huê tình; Trời xui hội ngộ hai đứa mình kết duyên).
Cũng như ca dao cả nước, cái “tôi” trữ tình trong Câu hát huê tình thể hiện những cảm xúc “chủ đạo”, tinh tế và đa dạng. Từ “tôi”/”tui” dẫn đến những cặp nhân xưng đại từ đối xứng trong cách xưng hô của người bình dân: “tui”/“mình”, “qua”/“bậu”, “anh”/“em”, “chàng”/“thiếp”, “quân tử”/“thục nữ”, “anh hùng”/“thuyền quyên”, “người nghĩa”, “nhơn tình”, “cựu tình”,… Thí dụ:
-(câu 7) Bây giờ cầu xây nọ nó thôi xây; Thời qua với bậu dứt dây cang thường (bản gốc in: “can”). Điều đáng lưu ý là câu hát huê tình được làm theo mọi thể loại thơ: từ tứ tự, ngũ ngôn, lục ngôn đến lục bát, lục bát biến thể rồi đến song thất, song thất biến thể hoặc hỗn hợp hai ba thể trên một cách phóng túng. Những tiếng đệm như: bớ mình ôi, bớ anh ôi, bớ bậu ôi, bớ ai ôi, bớ em ôi, bớ nàng ôi, bớ nhơn tình ôi… được lồng vào trong câu hát một cách ý vị và duyên dáng.
Thí dụ: (câu 12): Chỉ tơ đứt mối thình lình; Bớ bậu ôi, Vì nghèo nên phải xa mình sanh phương.
(minh họa: Etienne Girardet/Unsplash)
Hát huê tình là một loại hát đối đáp giữa nam và nữ; nhưng tại sao trong những câu do chính người bình dân hát lại có những từ Hán-Việt, cách ngôn Khổng Mạnh và điển tích Trung Hoa?
Như chúng ta đã biết, Nam Kỳ là vùng đất mới, nhưng mọi lãnh vực đều “khởi sự/khởi xướng” ở miền Nam. Từ chữ quốc ngữ, văn học chữ quốc ngữ, báo chí, tiểu thuyết rồi thơ, thơ mới, dịch thuật (đặc biệt sách Tàu, truyện Tàu) đến văn nghệ kháng chiến, tự truyện, thoại kịch… nhứt nhứt đều bắt đầu tại Lục Tỉnh. Nói khác đi Nam Kỳ đã đóng vai trò tiền phong của văn nghệ miền Nam. Khi phân tích Câu hát huê tình, chúng tôi muốn nhấn mạnh vai trò chữ quốc ngữ và phong trào dịch sách Tàu, truyện Tàu (ra chữ quốc ngữ) vào đầu thế kỷ XX đã ảnh hưởng rất lớn đến hò hát.
Chữ quốc ngữ – tức tiếng Việt viết theo mẫu tự Latin – được truyền sang nước ta vào cuối thế kỷ XVII do các giáo sĩ phương Tây nhằm mục đích phục vụ cho truyền giáo; và “người Nam kỳ là những người Việt Nam đã dùng chữ Quốc ngữ trước nhất” (Vũ Ngọc Phan: Nhà Văn Hiện Đại, 1941, tr.37).
Giáo Sư Thanh Lãng cũng đã khẳng định: “Chữ quốc ngữ được công nhận và phổ biến trước nhất ở miền Lục tỉnh…”[3]. Các dịch giả Sách Tàu sang quốc ngữ tiêu biểu có Đoàn Trung Còn dịch Minh Đạo Gia Huấn do Trình Di đời nhà Tống biên soạn; Trương Vĩnh Ký phiên dịch Minh Tâm Bửu Giám được biên soạn từ cuối đời nhà Tống. Truyện Tàu – tức tiểu thuyết chương hồi hay “tiểu thuyết cổ điển” của Trung Hoa. Dịch giả truyện Tàu sang chữ quốc ngữ đầu tiên là một người Pháp, Canavaggio, chủ báo Nông Cổ Mín Đàm dịch Tam Quốc Chí Tục Dịch đăng từ số báo ra mắt (1/8/1901)? Nhưng theo Vương Hồng Sển trong Thú Chơi Sách, người dịch Truyện Tàu đầu tiên chính là cụ Dũ Thúc Lương Khắc Ninh (1862-1943). “Những tay dịch thuật trứ danh ở Nam Kỳ” với số lượng nhiều nhứt chính là ba ông Nguyễn Chánh Sắt, Trần Phong Sắc và Nguyễn An Khương. Ngoài ra còn có Nguyễn Liên Phong và Nguyễn An Cư dịch Tam Quốc Diễn Nghĩa do nhà Tín Đức Thư Xã tại Sài Gòn xuất bản từ 1927-1932 gồm 31 cuốn.
Có thể nói có chữ quốc ngữ mới có phong trào dịch sách Tàu, truyện Tàu để phổ biến rộng rãi trong đại chúng. Từ đó phong trào mê truyện Tàu bùng phát khắp Nam Kỳ: người người “mê” truyện Tàu, nhà nhà “mê” truyện Tàu, “mê” nghe “nói truyện” Tàu.
Những cách ngôn Khổng-Mạnh, những tấm gương trung hiếu tiết nghĩa, những điều thường thức về nhân – nghĩa – lễ – trí -tín, về tam cang ngũ thường được người bình dân tình cờ tiếp thu từ sách, truyện Tàu, đợi có dịp đem ra thi thố. Cũng có khi qua những cuộc “đấu trí” của các bậc văn nho, thầy đồ trong các dịp giỗ chạp, ma chay, cưới hỏi hay hội hè đình đám mà người dân quê “nghe lóm” được rồi đem ra áp dụng trong ca dao, hò hát.
Tuy nhiên với cố tật “xấu hay làm tốt, dốt hay nói chữ” của người bình dân Nam Kỳ, nên khi “hấp thụ” sách, truyện Tàu là họ đem ra ứng dụng, “thi thố’ ngay. Sơn Nam nhìn nhận: “Thật bực mình khi nghe những câu hò dẫn chứng nhiều điển tích sai lạc, vô nghĩa hoặc nhiều cách ngôn của Khổng Tử, Tư Mã Ôn Công, với danh từ lẫn lộn, ép vận, sai văn phạm cổ văn”[4].
Có thể nói mỗi một cuộc hát huê tình đối đáp gồm một số đặc điểm như: hát chữ, hát tích và hát đố/đối đáp.
– Hát chữ: dùng thành ngữ, tục ngữ nước ta hoặc cách ngôn của Khổng-Mạnh (thường lấy trong sách Tam Tự Kinh, Minh Tâm Bửu Giám hoặc Minh Đạo Gia Huấn) để gợi hứng gieo vần.
– Hát tích: dùng điển tích của sách vở Trung Hoa hoặc các truyện thơ Việt Nam vừa để gợi hứng gieo vần hay thách đố. Khi khảo sát về điển tích trong ca dao (thiên về ca dao miền Bắc), GS Thanh Lãng đã viết: “Văn chương bình dân rất kỵ những điển tích (…) Tuy nhiên đôi khi ta cũng thấy nhà văn bình dân dùng điển”[5]. Trong những chuyến đi “điền dã” sưu tầm, nghiên cứu Ca dao miền Nam, chúng tôi có thể khẳng định: Hát huê tình, một bộ phận của Ca dao miền Nam rất “sính” dùng điển tích. Phạm Văn Đang, một nhà giáo gốc Bắc cũng đã nhìn nhận: “Có điều đáng chú ý là ca dao miền Nam lại sính dùng thành ngữ điển tích hơn cả ca dao miền Bắc”[6].
– Hát đố/hát đối đáp: Hát đối đáp là một loại hát huê tình giũa trai và gái “những khi có dịp gặp nhau”. Những dịp gặp gỡ của chàng trai-cô gái khi diễn ra khi trên đồng ruộng, lúc trên sông nước. Nhưng nhiều nhứt là trên những dòng sông hiền hòa thơ mộng giữa “trai thương hồ” và “gái bán vàm”. Đại thể, mỗi cuộc hát đối đáp thường chia làm ba giai đoạn: Hát chào mời (bắt đầu chào hỏi, mời mọc); Hát đối đáp (trả lời câu đố, khen tặng) ; Hát tiễn (từ giã, xe kết).
Có thể nói “Khi cuộc hát đã đến lúc hào hứng, hễ bên trai “buộc vào” thì bên gái “mở ra” bên trai “bẻ vô” thì bên gái “xô ra,” bên nầy hát chữ, hát tích thì bên kia tìm cách đối lại; bên nầy dùng những câu hát đố hóc búa thì bên kia tìm câu hát đáp lại một cách tài tình”[7].
⁂⁂⁂⁂⁂
Để bài viết thêm phần sinh động, chúng tôi thử ‘phác họa” lại là diễn tiến cuộc hát huê tình đối đáp giữa chàng trai thương hồ và cô gái bán vàm trên dòng sông Hậu.
Trong khoảng đêm trường tịch mịch ở một khúc sông vắng miệt Hậu Giang, anh thương hồ thả lái buông chèo cho chiếc ghe tam bản nhẹ nhàng trôi theo dòng nước, mắt lơ đãng nhìn ánh trăng vàng vọt chìm xuống đáy sông, hồn lâng lâng khoái cảm với trăng nước hữu tình. Bỗng từ trong vàm một tiếng hát rao hàng cất lên lòn trong gió bay đến tai anh. Ghe anh lướt tới gần, tiếng hát đó càng ngày càng rõ, càng thanh, càng nồng, càng ấm như vuốt ve, như mời gọi.
Khách thương hồ chú ý lắng nghe và ngó quanh quất tìm nơi phát ra tiếng hát. Rất may từ trong vàm, một chiếc xuồng ba lá từ từ bơi ra, rồi tiếng hát rao hàng lảnh lót của một cô gái:
Chè đậu xanh đường cát
Ngọt mát tợ đường phèn
Ăn giùm một chén làm duyên
Nầy chú lái kia ơi! Lên doi xuống vịnh kiếm em mà ăn chè.
Ngọt mát tợ đường phèn
Ăn giùm một chén làm duyên
Nầy chú lái kia ơi! Lên doi xuống vịnh kiếm em mà ăn chè.
*Để ý thán từ “ơi” (khẩu ngữ) chỉ tiếng đáp lại cao giọng, tiếng gọi ngụ ý than thở.
Biết người con gái “mở đường” cho mình và vốn sẵn có “máu giang hồ”, chàng trai thương hồ liền cất tiếng hát huê tình để chào mừng, làm quen:
Bớ chè đậu xanh đường cát
Giọng em rao hát mát tợ đường phèn
Đối chơi một hiệp làm duyên
Kìa bạn mình ơi! Lên doi xuống vịnh, gặp em anh xin chào mừng.
Thấy giọng hát rao của mình có phần hiệu quả trong việc “câu” khách hàng, cô bán vàm cất tiếng hát tiếp:
Lưới thưa bủa lấy con cá duồng
Nầy chú lái kia ơi! Chèo ghe tam bản đêm trường đi đâu?
Nầy chú lái kia ơi! Chèo ghe tam bản đêm trường đi đâu?
Được cô gái săn đón, anh lái buôn hảo ngọt lập tức trả lời:
Lưới thưa bủa lấy con cá duồng
Bớ cô nàng ơi! Anh chèo ghe tam bản tìm đường thăm em.
Bớ cô nàng ơi! Anh chèo ghe tam bản tìm đường thăm em.
Hát vùa dứt câu, dường như sợ cô gái chê mình trêu ghẹo sỗ sàng, chàng trai bèn cất tiếng hát chữ “buộc vào” để ướm thử:
Cửu hạn phùng cam võ
Tha hương ngộ cố tri
Tình cờ mà gặp mấy khi
Hỏi thăm thục nữ giai kỳ định chưa?
Thấy khách thương hồ có vẻ tha thiết với mình, lòng cô thôn nữ dâng lên bao mối cảm tình nên bèn hát chữ đáp lại:
Thiếp tợ thiên biên nguyệt
Quân như lãnh thượng vân
Tuy gần mà chẳng phải gần
Cũng như biển Sở non Tần cách xa.
Nghe giọng hát chứa chan biết bao ý tình, chàng trai bèn hát huê tình “buộc thắt” lại:
Nước dưới sông lững đứng
Mây đưa gió dật dờ
Bớ bạn mình ơi! Tơ duyên đã buộc sờ sờ
Qua đây bậu đó, còn ngờ đâu xa.
Cô gái vẫn còn lo sợ Tơ hồng Nguyệt lão khéo bày trò oan nghiệt nên đã hát “mở ra”:
Trăng trên trời rành rạnh
Đêm thanh tạnh tiêu diêu
Lá lay tại mối chỉ điều
Nầy anh ơi, Thương thì nói vậy chớ còn nhiều chỗ lo.
Thấy cô bán vàm “mở ra” một cách yếu ớt, khách thương hồ bèn “bẻ vô”:
Qua nghe bậu than thân bậu
Nghĩ mà tệ lậu bề qua
Linh đinh chưa có cửa nhà
Bớ em ôi, Thương nhau hãy rán hiệp hòa lứa đôi.
* Thán từ “ôi” (khẩu ngữ) chỉ tiếng gọi biểu lộ ý than thở hoặc bày tỏ tình cảm tha thiết.
Cô bán vàm vẫn còn nghi ngờ lòng dạ của chàng trai nên đã hát “xô ra”:
E đó nói ngoài môi
Ừ rồi bay theo gió
Bớ anh ôi, Sự thế em thấy thường tham đó bỏ đăng.
Chừng như hiểu ý cô gái, chàng trai bèn “buộc riết vô” bằng cách hát chữ để bắt bí cô gái:
Anh cũng biết: Họa hổ họa bì nan họa cốt
Tri nhơn tri diện bất tri tâm
Bậu nghi như vậy mới lầm
Nầy bạn mình ôi, Chớ lòng anh sắt đá thâm trầm chẳng sai.
Hát xong anh lấy làm đắc ý mỉm cười chờ cô gái trả lời. Nhưng nào phải tay vừa, cô đã vội vàng cất giọng lảnh lót hát chữ đáp lại:
Em chỉ ngại: Thủy để ngư thiên biên nhạn
Cao khả xạ hề đê khả điếu
Chỉ xích nhơn tâm bất khả phòng
Bớ anh ôi! Nhiều tay tham bưởi chê bòng lắm anh.
Tới đây anh thương hồ bắt đầu đổi “chiến lược”, thay vì hát chữ, anh hát tích hầu “chinh phục” cô thôn nữ thật thà chơn chất.
Anh tằng hắng lấy giọng rồi cất cao tiếng hát tích lấy từ Truyện Tàu:
Anh tỷ như cái phận anh
Chẳng thà ở lều tranh như thầy Tăng, thầy Lộ.
Cũng không ham mộ như Vương Khải với Thạch Sùng
Em ôi, Đạo người giữ vẹn, bần cùng sá bao.
Cô gái vẫn chưa chịu thua. Sau một hồi “câu giờ” tìm ý, nàng đã hát tích đối lại:
Chẳng thà em chịu đói chịu rách
Học theo cách bà Mạnh, bà Khương
Chẳng thèm như chị Võ Hậu đời Đường
Anh ôi, Làm cho bại hoại, cang thường hư danh.
Học theo cách bà Mạnh, bà Khương
Chẳng thèm như chị Võ Hậu đời Đường
Anh ôi, Làm cho bại hoại, cang thường hư danh.
Các truyện thơ Việt Nam Nam như: Truyện Kiều, Lục Vân Tiên, Lâm Sanh-Xuân Nương, Phạm Công-Cúc Hoa, v.v… cũng được sử dụng trong hát huê tình.
Tới đây, cô gái dường như đã cảm mến chàng trai nên hát tích Truyện Kiều để thăm dò:
Thân em mỏng mảnh, quê cảnh lạ lùng,
Thuyền quyên mong sánh anh hùng,
Bớ anh ôi, Lại e như nàng Kiều nọ, bạn cùng Thúc Sanh.
Chàng trai vốn có chút chữ nghĩa, lại thường nghe “nói thơ Vân Tiên” nên hát tích đáp lại:
Nhơn, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín
Thị vị ngũ thường
Em ôi, Đây anh cũng dốc sánh bường Vân Tiên…
Cuộc hát đối đáp tới đây vô cùng hào hứng. Nhiều ghe thương hồ cũng chèo gần lại để mục kích cuộc thi tài cho thỏa tánh hiếu kỳ. Thỉnh thoảng có tiếng vỗ tay tán thưởng, tiếng reo hò cổ võ vang lên như xé tan màn đêm u tịch. Các chàng trai “hảo ngọt” tha hồ thưởng thức món “chè đậu xanh đường cát, ngọt mát tợ đường phèn” để “làm duyên” và được dịp làm quen cô gái. Một lát sau nồi chè ngọt lịm đã hết sạch.
Bấy giờ đến lượt cô gái “phản công”. Cô dùng các thuật ngữ nhiều/ít, non/già để hát đố:
Bánh nhiều quá sao kêu bánh ít
Chuối non nhớt cũng gọi chuối già
Trượng phu đối đặng mới là đáng khen.
Vốn là tay “cao thủ”, chàng trai “trả miếng” lại liền bằng cách dùng các thuật ngữ chua/ngọt, cao/lùn để đối lại:
Canh chua lét sao kêu canh ngọt
Cây cao nghệu cũng nói cau lùn
Đối chơi với bậu anh hùng há thua.
Rõ ràng là “kỳ phùng địch thủ”. Kẻ tám lượng, người nửa cân ai dễ nhường ai. Thấy đối thủ “phá miếng” một cách dễ dàng, cô bán vàm cũng đổi “chiến thuật” nói lái để tấn công chàng trai. (Nói lái (còn gọi nói trại) là một cách nói kiểu “chơi chữ” một cách hài hước của dân ta những lúc trà dư tửu hậu, trong các cuộc thi hò hát nhằm mục đích mua vui). Cô gái “buộc vô” bằng cách sử dụng nói lái để hát đố:
Con cá đối để trên cối đá
Mèo đuôi cụt nằm mục đuôi kèo
Bớ anh ôi, Anh mà đối đặng, dẫu nghèo cũng ưng.
Cả bọn cất tiếng cười vang, tưởng rằng anh thương hồ đã “bí lối”. Nhưng là tay “giang hồ tứ chiếng”, anh nào chịu thua dễ dàng. Sau khi lấy hơi và moi trong đầu những thuật ngữ đã “học lóm” được, anh cất tiếng hát đáp lại cũng bằng cách nói lái:
Con mỏ kiến đậu trong miếng cỏ
Chó vàng lông đáp dựa vồng lang
Bớ em ôi, Đây anh đối đặng e nàng chẳng ưng.
Cuộc hát đối đáp giữa trai thương hồ và gái bán vàm cứ thế mà tiếp diễn. Nhờ sự ứng đối tài tình, họ bắt đầu để ý, cảm mến nhau và tình yêu bắt đầu chớm nở giữa hai người. Cũng có khi vì bên trai, hay bên gái bị “buộc vào” mà không tìm được cách “xô ra”, nên “cuộc chơi” tạm thời chấm dứt. Thông thường có ba cách kết thúc cuộc thi tài: một là để “giải sầu”, “cầu vui” (Hát mấy trăm câu giải sầu chư vị; Việc hát hò có ý cầu vui”; hai là họ hẹn hôm sau cũng vào “đêm thanh trăng rạng” để thi tài cao thấp; ba là họ giã từ nhau mà “ruột thắt gan teo”. Đó cũng là tâm trạng chàng trai khi bùi ngùi hát dứt (hát giã từ nhau):
Giã quới nương lên đường Nam-Bắc
Hỡi người thục nữ ôi, Ngó lại bên xuồng ruột thắt gan teo.
(Hình: Xiaofen P/Unsplash)
Hát xong, anh lặng lẽ khua mái chèo cho ghe xuôi về ngả bát (rẻ phải), còn cô bán vàm cũng lặng lẽ bơi xuồng sang ngả cạy (rẻ trái). Tuy hai người đã rời xa rồi nhưng trong lòng họ vẫn tiếc hùi hụi cho sự gặp gỡ thú vị nầy, nên cô gái đã hát vói theo như hứa hẹn:
Chẳng trước thì sau
Cũng lý đào tương hội
Bớ người quân tử ôi, Khuyên anh hãy dằn lòng đừng vội nhớ trông.
Cũng lý đào tương hội
Bớ người quân tử ôi, Khuyên anh hãy dằn lòng đừng vội nhớ trông.
⁂⁂⁂⁂⁂
Tập sách mỏng Câu Hát Huê Tình – một bộ phận của ca dao miền Nam – đã phản ảnh trung thực bức tranh xã hội Nam Kỳ buổi giao thời Pháp-Việt.
Độc giả có thể tìm thấy Nội dung “văn dĩ tải đạo” bàng bạc trong tác phẩm. Đó là đạo quân thần (quân xử thần tử), lòng ái quốc, đạo hiếu (ơn cha nghĩa mẹ), đạo phu thê (lòng chung thủy, dạ sắt son), trọng nghĩa khinh tài (kiến nguy vô dõng, tiền tài như phấn thổ/nhơn nghĩa tợ thiên kim), làm lành lánh dữ (tích thiện phùng thiện/tích ác phùng ác).
Đó là tất cả cái “điệu nghệ” (đạo nghĩa) của người Lục tỉnh. Thỉnh thoảng phê phán “thói hư tật xấu” (cờ bạc, tửu sắc, á phiện, lầu xanh), thói mê tín dị đoan (tam hạp, tứ hành xung) và “hôn nhân dị chủng” (Tây-Tàu-Khách-Thanh-Chệt-Chà / An Nam, Việt).
Nhưng phê phán là để xây dựng: vạch ra cái xấu, cái dở để gián tiếp đề cao cái tốt, cái hay nhằm giáo dục khuyên răn người đời. Về Nghệ thuật, hát huê tình đối đáp thiên về “diễn xướng” cần phải “câu giờ” để “bẻ lại” câu hát lắt léo, hóc búa, phải sử dụng tiếng đệm, tiếng láy cũng như vận dụng kiến thức và khả năng sẵn có của mình để thi tài cao thấp.
Vì vậy câu hát huê tình sử dụng gần như nguyên xi lời ăn tiếng nói của dân gian Lục tỉnh: lời lẽ bình dị, mộc mạc, không trau chuốt nên dễ đi sâu vào lòng người. Chúng ta sẽ không thấy những câu hát tròn trịa mềm mại thể sáu tám trong Câu hát huê tình.
Trong một bài nghiên cứu về Ca dao miền Nam, chúng tôi đã nhận định: Hò hát đi trước ca dao; và ca dao lục bát thành hình sau hò hát. Người sưu tầm/phổ biến (Đinh Thái Sơn) mặc dầu phải “tam sao thất bổn” do sự giao lưu văn hóa, do “trình độ văn hóa”; nhưng đã đạt được thành tựu đáng kể trong việc bảo tồn cái di sản lý thú của ông cha.
Chúng tôi tin rằng Câu Hát Huê Tình là một văn bản quý hiếm cho các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, các nhà ngôn ngữ học, xã hội học và văn học sử. Câu Hát Huê Tình chính là bản sao thâu gọn của ca dao Nam Kỳ Lục Tỉnh vậy.
─────────────
Chú thích:
[1] Thanh Lãng: Văn Chương Bình Dân. In lần II. Sài Gòn, Văn Hợi xb. 1957, tr.90.
[2] Thuần Phong: Ca Dao Giảng Luận. Kỳ II, SG, Á Châu xb.1970.
[3] Thanh Lãng: Thay Lời Bạt. Văn Học Miền Nam của Đông Hồ. Sài Gòn, Quình Lâm xb, 1970.
[4] Sơn Nam: Nói Về Miền Nam. SG, Lá Bối xb. 1967, tr.59.
[5] Thanh Lãng: Văn Chương Bình Dân. In lần II. Sài Gòn, Văn Hợi xb. 1957, tr.118.
[6] Phạm Văn Đang: Nghệ Thuật Xây Dựng Từ Hoa Trong Ca Dao Việt Nam. Luận án Cao học Văn chương Đại học Văn Khoa Sài Gòn, 1965, tr.149-150.
[7] Nguyễn Kiến Thiết: Tánh Cách Đặc Thù Của Ca Dao Miền Nam. Luận án Cao học Văn chương, Đại học Văn Khoa Sài Gòn, 1972, tr.107.
[1] Thanh Lãng: Văn Chương Bình Dân. In lần II. Sài Gòn, Văn Hợi xb. 1957, tr.90.
[2] Thuần Phong: Ca Dao Giảng Luận. Kỳ II, SG, Á Châu xb.1970.
[3] Thanh Lãng: Thay Lời Bạt. Văn Học Miền Nam của Đông Hồ. Sài Gòn, Quình Lâm xb, 1970.
[4] Sơn Nam: Nói Về Miền Nam. SG, Lá Bối xb. 1967, tr.59.
[5] Thanh Lãng: Văn Chương Bình Dân. In lần II. Sài Gòn, Văn Hợi xb. 1957, tr.118.
[6] Phạm Văn Đang: Nghệ Thuật Xây Dựng Từ Hoa Trong Ca Dao Việt Nam. Luận án Cao học Văn chương Đại học Văn Khoa Sài Gòn, 1965, tr.149-150.
[7] Nguyễn Kiến Thiết: Tánh Cách Đặc Thù Của Ca Dao Miền Nam. Luận án Cao học Văn chương, Đại học Văn Khoa Sài Gòn, 1972, tr.107.
Nguyễn Kiến Thiết
12 tháng 4, 2024
Nam Mai sưu tầm