Chuyện Tình Buồn - Yên Sơn

  • Chuyện Tình Buồn
    Yên Sơn

Viết thay lời tiễn đưa

Nó – Nguyễn Văn B – là bạn dài lâu với tôi kể từ thời “bỏ thuyền bỏ bến bỏ dòng sông” để gia nhập Không Quân. Dù là quen biết nhau lâu dài như thế, tôi và nó không thân cận với nhau cho lắm chỉ vì tính nó rất bốc đồng, ngang ngạnh, thích cãi bướng, lúc nào cũng cho rằng mình đúng trong khi đó, tính tôi lại rất ít kiên nhẫn, dở chịu đựng, hay nổi quạu với những trái ngang.

Chẳng những cùng Đại đội, cùng Trung đội trong giai đoạn học quân sự vỡ lòng ở Quang Trung, khi mãn khoá về ở chung lều vải học sinh ngữ, ra trường cùng lúc, đi Mỹ cùng lúc, vào trường bay cùng thời, ra trường bay cùng lúc tại Keesler, tiểu bang Mississippi. Sau đó chúng tôi mới chia tay, mỗi đứa đi một trường bay khác theo loại máy bay mình chọn. Thế rồi bặt tăm nhau cho tới một ngày, rất tình cờ, tôi tới tham dự buổi sinh hoạt của một đảng phái chính trị ở Houston, tôi gặp lại nó với bí danh “Nguyễn Phan Thành”.

Gần 20 năm sau mới gặp lại nhau nơi đất khách quê người, tình nghĩa bạn bè xưa, chiến hữu cũ đã kéo tôi với nó lại gần với nhau, dù tính tình mới chỉ đầm hơn một chút. Cả hai cùng thích sinh hoạt Cộng đồng. Khi sinh hoạt chung trong Trung Tâm Văn Bút Nam Hoa Kỳ – có trụ sở đặt tại Houston – nó lại dùng bút hiệu “Nguyễn Phan Thành”.

Xin mở ngoặc ở chỗ này để kể một chuyện vui, minh chứng bản tính của nó.

Có lẽ vào khoảng năm 2000, nó rủ tôi cùng đi với nó lên Austin thăm một bạn văn. Anh bạn này đang là Chủ tịch của trung tâm Văn Bút Nam Hoa Kỳ. Trong lúc ăn uống, nó và anh bạn cãi nhau về một khía cạnh chính trị. Cãi càng lúc càng to tiếng, tôi cố giải hoà và nói rằng điều nó cãi không mấy hợp lý, xin bỏ qua. Thế là nó nổi giận đùng đùng, ra lấy xe chạy thẳng về Houston một mình. Báo hại anh bạn Austin phải lấy xe đưa tôi về lại Houston, một đoạn đường 3 tiếng mỗi chiều chạy xa lộ.

Tôi và nó lại… giãn ra cho tới giữa năm 2002. Tôi mở trường võ gần nhà của nó, ở thành phố Spring, TX. Nó tình cờ biết được nên ghé ngang trường võ thăm tôi. Lúc này biết nó đã ly dị với vợ cũ và có vợ mới. Cô vợ mới này, qua tiếp xúc thấy cô rất điềm đạm, có học thức, dễ thân thiện. Thế nhưng, qua lại thăm viếng với nhau mấy lần thì bỗng mất liên lạc. Đến năm 2007, tôi tổ chức Hội Ngộ 38 năm SVSQ Không Quân, khoá Quang Trung Nguyễn Huệ lần đầu tiên, nó xuất hiện ghi danh tham dự. Anh em tay bắt mặt mừng, tiếp tục qua lại chơi với nhau nhưng cũng không thể thân thiết hơn được vì tính khí hai bên vẫn có nhiều dị biệt.

Một lần nữa, tôi lại tổ chức Hội Ngộ lần thứ 44 của nhóm ở Houston nhưng không ai biết nó ở đâu mà tìm. Cho tới một ngày, tôi đang dạy lớp thì nó mang một cô nương rất trẻ và một bé trai khoảng gần 2 tuổi tới võ đường… Nó biểu thằng bé, “Con chào bác đi!” Tôi tưởng nó đưa con dâu và cháu nội của nó đến thăm tôi nên mau miệng, “Nó phải gọi tao bằng ông chứ sao lại là bác?” “Đây là vợ con tao đó!” Tôi chưng hửng, ngó cô nhỏ, cô nhỏ cúi mặt ngó đất.

Nói chuyện qua loa một lúc rồi tôi phải dạy lớp, gia đình nó loanh quanh thêm một lúc rồi từ biệt ra về, hẹn gặp nhau lúc khác.

Khi gặp nhau lần sau, nó cho tôi biết là đã ly dị với bà thứ hai, về VN cưới cô nương này. Cô ấy sinh cho nó thằng cu tý đã gần hai tuổi, mới mang qua Mỹ.

Có một lần, bạn cùng khoá tới thăm Houston, tôi lại kêu gọi anh em đồng môn họp mặt nhà hàng dùng cơm trưa. Trong dịp này, nó trang trọng giới thiệu vợ con nó với mọi người. Nhưng sau lần này, nó lại biệt tăm, không ai tìm được nó khi có dịp họp mặt, kể cả Kỳ Hội Ngộ Kỷ Niệm 50 năm của khoá.

Mấy ngày đầu tháng 4/2020, H., một người bạn cùng khoá với chúng tôi, gọi cho biết là người vợ hứa hôn của nó vừa báo cho biết là nó bị đột quỵ vài ngày qua, đang nằm chờ chết trong bệnh viện! Tôi lại quá bất ngờ, “Vợ hứa hôn có nghĩa là gì? Vậy vợ con của nó đâu?” “Cô nương đem bên Việt Nam qua đã ly dị nó lâu rồi, nó mới gặp lại chị này là bạn học thuở xưa thời Trung Học của nó.” Cả đời làm bạn với nó, nó toàn cho tôi hết ngạc nhiên này tới bất ngờ khác!

Sở dĩ H. gọi cho tôi vì tôi được anh em đồng môn áp đặt làm phát ngôn nhân cho khoá. H. muốn tôi thông báo cho anh em cùng khoá biết tin xấu. Nghĩ đến việc nó hiếm khi sinh hoạt và rất ít liên lạc với anh em cùng với hoàn cảnh hiện tại – dịch Vũ Hán đang ở đỉnh cao – nên ngần ngừ nói với H.:
– Hoàn cảnh bây giờ đâu có làm gì được; hơn nữa không biết bao nhiêu anh em còn nhớ nó?
– Cứ thông báo cho anh em biết vậy thôi.
– OK, tao sẽ viết ngay thông báo.

Tôi viết thông báo thì được một số anh em giới hạn có quen biết nó, gửi thư “góp lời cầu nguyện” cho nó tai qua nạn khỏi. Không một ai, kể cả tôi, có bất cứ một chi tiết nào khác về tình cảnh của nó hiện tại cũng như gia đình và thân nhân của nó, ngoài thông tin giới hạn H. đã nói. Tôi chạnh lòng nghĩ, “Nó đã chọn sống riêng lẻ, lúc cuối đời cũng phải chịu riêng lẻ. Cả xã hội chung quanh đều bị cấm túc tại gia thì có muốn tìm đến nó cũng không thể. Thực tế là vậy. Hoàn cảnh hiện tại của tôi cũng bi đát không kém. Tôi có bà Dì vợ, là người thay mặt Ba Mẹ vợ làm đám cưới cho chúng tôi, thân thiết là vậy mà khi bà nằm xuống vài tuần qua, sau khi dự đám tang riêng tư với gia đình các con Dì ở nhà quàn, vợ chồng chúng tôi cũng không thể – ngay cả mấy con của Dì – tham dự thất tuần cho Dì như đáng lẽ phải có. Ai lỡ ra đi trong lúc này cũng đều cô lẻ như nhau; và đó là một điều đáng ân hận.

Hai hôm sau tôi nhận một cú điện thoại:
– Anh T. ơi! Em là T. đây. Anh có nhớ T. là bạn của NN ở New Orleans mà có lần anh đã tới nhà với họ trong dịp hội ngộ Trung Học PBC không?
– Tôi cố nhớ nhưng nhất thời không nhớ T. là người nào dù vừa trực nhớ lần đi với nhóm bạn học Phan Thiết của NN tới nhà một người, nhưng lâu quá rồi, hẳn chừng cả chục năm hơn.

Tôi đang ngập ngừng thì T nói thêm:
– T. biết bây giờ gặp lại chắc anh nhớ liền.
– Vâng, có gì không T.?
– Dạ em là vị hôn thê cuối cùng của anh B. nè!

Tôi ngớ người một lúc rồi nghe tiếng sụt sịt đầu dây bên kia:
– Dạ em gọi báo anh biết là anh B. em đã “ra đi” rồi. Anh H. có báo anh hôm trước phải không?
– À có! Tôi cũng đã thông báo với anh em cùng khoá và một số anh em có góp lời cầu nguyện. Vâng, chỉ là cầu nguyện vậy thôi chứ không có tin tức người thân nào của nó nên chẳng biết liên lạc với ai.
– Từ đây anh giữ số này của em để biết chỗ liên lạc.
– Rồi bây giờ T. tính sao?
– Em đâu tính sao được! Theo chị P. và thằng Tèo con anh ấy, đồng ý hoả táng rồi đem tro cốt về Chùa gửi chờ tới sau mùa dịch sẽ đem về VN. Em biết là không ai có thể thăm viếng gì được, chỉ báo cho các anh biết vậy thôi. Hơn nữa, những ngày trước khi ảnh bị đột quỵ, ảnh lại nhắc đến anh và những người bạn cùng khoá đang ở Houston.
– …
– Em sẽ là người lo tang lễ cho ảnh vì không thấy chị P. nói gì; còn thằng Tèo – con trai nhỏ của ảnh và chị P., cũng đang ở Houston – hoàn toàn không biết gì để nói.
– Cho tôi số điện thoại của thằng Tèo và bà P.?
– Dạ, em có, anh ghi xuống đi.

Tôi ghi xong số điện thoại rồi hỏi tiếp:
– Tôi có thể giúp gì được cho chị không?
– Dạ, có lẽ nhờ anh giúp viết giùm một bản “Cảm Tạ”.
– Cảm Tạ hay Cáo Phó?
– Dạ “Cảm Tạ” vì Cáo Phó không biết để làm gì. Khi mọi việc xong em sẽ gửi đài phát thanh đọc bản Cảm Tạ này.
– Không “Cáo Phó”, không “Phân Ưu” thì cần gì phải “Cảm Tạ”?
– Dạ, thì bản Cảm Tạ thay Cáo Phó để mọi người có liên quan, liên hệ tới ảnh biết.
– Vậy thì cho tôi những chi tiết cần thiết cho bản “Cảm Tạ”.
– Em sẽ nhắn tin cho anh.

Sau khi cúp với T., tôi gọi P. – bà vợ đầu tiên – không thấy bắt máy. Gọi Tèo (tôi đã gặp nó mấy lần nhưng lâu lắm rồi không biết nó còn nhớ hay không. Thằng con lớn của hai người đang ở VN.) Tèo cho biết đang trên đường tới nhà Ba nó để thu xếp đồ đạc. Nó cho biết là đồng ý hoả táng như mẹ nó và cô T. nói. Thực ra tôi không có gì để nói thêm với nó ngoài những lời chia buồn sáo rỗng. Tôi dặn Tèo có thể gọi tôi bất cứ lúc nào nếu có điều gì cần đến tôi.

Tôi viết thông báo lại lần nữa trên diễn đàn của Khoá. Cho số điện thoại của những người liên hệ với B. để anh em tuỳ nghi liên lạc. Buổi tối tôi nhận được tin nhắn chi tiết của T., tôi thảo nháp bản Cảm Tạ xong gửi lại cho T. để điền vào những chi tiết còn chưa biết.

Mấy hôm sau, T. gọi cho tôi biết là mọi chuyện đã xong. Tham dự tang lễ ngoài T., còn có người vợ đầu tiên của nó và vợ chồng thằng con trai mà thôi. Xong T. đưa tro cốt về Chùa, gửi luôn tất cả chi phí làm thất tuần để nhờ nhà chùa thay gia đình cầu siêu cho nó. Lệnh của tiểu bang cấm tụ tập nên Chùa đóng cửa với bá tánh. T. có nói là khi Chung Thất mà được phép đi lại thì T. sẽ thông báo tôi biết để báo cho bạn bè nếu ai muốn đến tham dự.
Rồi T. tiếp tục kể.

Ngày xưa em với ảnh học cùng trường Trung học PBC ở Phan Thiết. Em biết ảnh rất muốn làm quen với em nhưng không được vì cả hai đều có tính nhút nhát như nhau; nhất là em, dù cũng có cảm tình với ảnh nhưng vì quá mắc cỡ nên không dám mở lời. Mỗi lần thấy ảnh đi theo đàng sau em là em mắc cỡ, sợ quýnh và cố trốn tránh vì không muốn bạn bè đồn đãi lung tung, dù trong lòng cũng có cảm tình với ảnh. Và cứ thế cho đến hết Trung học, ảnh gia nhập Không Quân.

Mới đây ảnh còn nhắc là khi về nước, ảnh nói quyết tâm tìm kiếm em nhưng không được. Không lâu sau, ảnh bắt buộc phải lập gia đình với chị P. vì chị P. có bầu sau một dịp tiệc tùng quá chén.

Mấy năm sau, ở Saigon, trong lúc tình vợ chồng có nhiều trắc trở, ảnh đang chán đời thì gặp một người bạn học chung lớp ngày xưa cho ảnh biết là em cũng đang theo học đại học ở Saigon và “hình như” đang ở trong khu cứ xá Thanh Đa. Ảnh năn nỉ bạn chở đi tìm gặp nhưng không gặp.

Rồi nước mất nhà tan, ảnh theo đoàn người vượt thoát sang Mỹ. Sau bao nhiêu năm trầy tróc xây dựng lại cuộc sống mới, hai anh chị ly dị. Mấy năm sau ảnh tái hôn với một người đàn bà đã có một con riêng. Người này tính tình hiền lành, nói năng nhỏ nhẹ, đối xử với bạn bè rất chừng mực, thân thiện. Nhưng rồi, chỉ vì tính tình hai người có quá nhiều khác biệt nên đành phải chia tay sau nhiều năm chung sống. Mấy năm sau trong dịp về thăm quê hương ảnh gặp một cô gái trẻ và có con với cô này; ảnh làm đám cưới và đưa cô ta sang Mỹ. Ăn ở với nhau vài ba năm, cô này lại ra toà xin ly dị rồi dẫn con đi biệt tích. Ảnh lại thui thủi sống một mình.

Hơn 10 năm trước, trong dịp ảnh làm trong Ban Tổ chức Hội ngộ Trung Học PBC ở Houston… em và ảnh gặp lại nhau. Ảnh nói lúc đó ảnh vui mừng quá đỗi nhưng khi biết em đang có gia đình êm ấm, ảnh thất vọng tránh xa. Thực ra, lúc gặp lại ảnh em cũng mừng lắm nhưng biết thân phận mình nên cũng chỉ chào hỏi qua loa vậy thôi. Rồi cách đây khoảng 5 tháng, rất tình cờ em gặp anh H. Em biết anh H. rất thân với ảnh nên hỏi thăm về ảnh và xin anh H. số điện thoại của ảnh để có dịp thuận tiện sẽ liên lạc. Anh H. loay hoay mở điện thoại tìm số lỡ tay bấm gọi cho ảnh. Nghe anh H. nói với ảnh em đang có mặt tại chỗ, ảnh mừng quá, biểu hai người chờ ảnh xách xe chạy tới liền.

Thế là em với ảnh cuối cùng cũng đã gặp lại nhau. Kể từ lúc gặp lại nhau, ảnh biết em trong hoàn cảnh đơn chiếc và ảnh cũng lẻ loi một thân trơ trụi… Thế nên, khi bị ảnh tấn công tới tấp khiến em xiêu lòng. Tình cũ nghĩa xưa lại có dịp bừng sống lại, lôi kéo hai tâm hồn cô đơn gắn bó với nhau. Cuộc đời tình ái của em cũng trải qua quá nhiều lận đận nên dễ có sự cảm thông, gần gũi. Từ lúc gặp lại nhau, ảnh cũng vui vẻ hẳn lên và em cũng tưởng hạnh phúc cuối đời đã thật sự gõ cửa tụi em.

Tôi ngắt lời T.
– Vậy T. lập gia đình từ lúc nào?

Sau 30 Tháng Tư, 1975 em bị bắt buộc phải lập gia đình với một người không yêu. Dù đời sống vật chất không cơ khổ như nhiều người khác nhưng cuộc sống vợ chồng chỉ là những oan trái, cay đắng triền miên. Em bị chồng và gia đình chồng ngược đãi tàn tệ đến nỗi em phải xin ly dị. Vài năm sau em may mắn gặp được một người chồng mẫu mực, yêu vợ thương con hết lòng. Chồng của em trước kia có làm việc với Quân Đội Mỹ nên được phía Mỹ bảo trợ; tụi em qua đến Mỹ vào năm 1992 và cuối cùng định cư ở Houston. Tưởng đời sống bình lặng như thế cho tới cuối đời, đâu ngờ hơn năm trước, ông xã em qua đời sau nhiều tháng bệnh nặng, con em đã có gia đình riêng, để lại cho em một nỗi cô đơn trống vắng không biết làm sao bù đắp nỗi.

Gặp lại ảnh trong hoàn cảnh hiện tại em cũng rất vui mừng. Ảnh kể một cách thành thật tất cả những gì anh ấy đã kinh qua trong suốt cuộc đời kể từ ngày rời khỏi mái trường PBC làm cho em thương cảm nhiều hơn. Em nguyện với lòng sẽ thương yêu và cố gắng bù đắp những mất mát cho ảnh cho tới cuối đời.

Cách đây khoảng hơn ba tháng, sau những toan tính tương lai, em nói với ảnh trả căn phòng ảnh đang thuê, dọn về ở với em vì em có sẵn nhà lại chỉ có một mình. Ảnh miễn cưỡng đồng ý và nói chỉ ở tạm một thời gian ngắn rồi sẽ tìm mua một căn nhà nhỏ gọn cho em về ở chung. Ảnh đề nghị em nên bán căn nhà quá rộng của em và nói rõ là ảnh hoàn toàn không cần ở em bất cứ thứ gì ngoài tình yêu. Ảnh nói ảnh có tiền và không muốn mang tiếng bám vào em. Em cũng nói với ảnh, em cũng không đòi hỏi bất cứ đều gì ở ảnh.

Vì thấy tình cảnh đáng thương của ảnh nên em cũng đồng ý thuận theo. Anh ấy dọn tới ở chung không bao lâu thì mua được nhà. Tụi em vừa lo mua sắm, trang trí cho căn nhà mới vừa bàn tính chuyện hợp thức hoá danh nghĩa vợ chồng bằng một cái tiệc nho nhỏ, thân mật mời tất cả anh em bạn bè đến tham dự. Ảnh công nhận đã có lỗi với bạn bè, nhất là những người anh em cùng khoá cũng chỉ vì hoàn cảnh gia đình vợ con của ảnh có quá nhiều vấn đề nên ảnh mặc cảm và tự ái, trốn tránh hết bạn bè là vậy. Ảnh dự định sẽ mời các bạn thân, đặc biệt các anh cùng khoá, hiện đang ở Houston đến tham dự và sẽ nói lời tạ lỗi…

Ai ngờ đâu cách đây mấy hôm, khi đang nằm ngủ, bỗng ho sặc sụa một lúc khá lâu, rồi ảnh nói không xoay người được, không ngồi dậy được… Thấy tình trạng không ổn, em gọi 911 đưa vào bệnh viện cấp cứu; nhưng kể từ lúc đó ảnh đi vào tình trạng hôn mê luôn. Nhà thương và Bác sĩ làm mọi cách nhưng… đành bó tay. Sau cùng Bác Sĩ nói mạch máu trong đầu của ảnh bị vỡ nặng, vô phương cứu chữa. Em gọi báo tình trạng của ảnh cho thằng Tèo và chị P. Chị P. nói nếu không thể cứu chữa được thì đành thôi, sẽ thiêu rồi có dịp đưa tro cốt về VN cho bên gia đình ảnh nhưng hoàn toàn không đề cập gì đến việc chung sự của ảnh. Thế là em tự xoay trở mọi thứ rồi báo cho chỉ và cháu ngày hoả táng.

Nói tới đây thì khóc nghẹn ngào. Tôi khuyên giải rán bảo trọng sức khoẻ, vì dù gì nó cũng đã thong dong ra đi, có được người tri kỷ lo việc hậu sự đã là một phúc phần không nhỏ. Thử tưởng tượng không có T. bên cạnh chắc tình cảnh của nó chắc là thê thảm ghê lắm.

Thành khóc nói:
– Hy vọng dịch bệnh chấm dứt sớm. Nếu ngày lễ Chung Thất của ảnh mà được đi lại tự do, em sẽ nhờ anh mời tất cả quý anh đến tham dự.
– Vâng, tôi cũng hy vọng vậy. Chắc chắn không mời anh em chúng tôi cũng hú nhau đến.

Cúp điện thoại với T., tôi ngồi bâng khuâng nghĩ về mối tình của thằng bạn tôi và người phụ nữ này. Mối tình duyên có chiều dài hơn nửa thế kỷ. Quả thật đây là một trong nhiều mối tình huyền thoại; một nợ duyên lạ lùng và có cái kết hơi bất công. Từ một mối tình câm nín thuở học trò ở một tỉnh lỵ Miền Trung nước Việt, rồi thân phận hai người bị trôi giạt trong dòng đời, mỗi người mỗi ngả với tình duyên ngang trái gập ghềnh, để cuối cùng đoàn tụ với nhau ở một quê hương thứ hai, cách xa nghìn trùng! Chỉ tiếc họ có nhau vỏn vẹn hơn 3 tháng ngắn ngủi.

Nếu T. không kể lại chắc tôi cũng không biết là nó vì tình duyên lận đận nên buồn chán mà xa lánh anh em, bạn bè. Và tự nhiên tôi tỉnh ngộ ra, tình yêu của nó dành cho T. quả nhiên sâu sắc; lấy tên của người trong mộng để làm bút hiệu khi sáng tác văn thơ. Dùng tên của người yêu để làm bí danh sinh hoạt chính trị. Tôi nhớ lại có một lần tôi bất ngờ hỏi nó, “Tại sao mầy là dùng bút hiệu Nguyễn Phan Thành cho thơ và cả bí danh khi sinh hoạt chính trị?” Nó chỉ cười rồi nói một câu trớt quớt, “Tên nào cũng là tên, mầy thắc mắc chi vậy!”

Nhưng nghĩ cho cùng, ít nhất nó cũng được toại nguyện với mối tình đầu cả đời canh cánh bên lòng, dù thời gian quá ngắn cho hai người kịp vun bồi cho một hạnh phúc… xanh xao! Thực ra, ở tuổi chúng tôi, được ra đi nhẹ nhàng, êm thắm trong tình yêu như nó cũng là một ân phước vô cùng mà không phải ai cầu xin cũng được. Chỉ tội nghiệp cho T., nỗi vui hoà hiệp chưa kịp nói thành lời, nụ tình chưa kịp nở hoa, tình duyên lận đận hoàn lận đận, và nỗi cô đơn chắc chắn càng cô đơn hơn trong những ngày tháng thênh thang phía trước.

Thật là một cuộc tình buồn. Cầu mong T. vượt qua và vui sống tiếp quãng đời còn lại. Hãy tự an ủi mình rằng, “Em đã làm tròn bổn phận của một người được anh yêu mến, là người đầu tiên anh yêu và cũng là người cuối cùng anh yêu, dù cả hai chúng ta đã trải qua bao nhiêu cuộc tình không trọn vẹn trong đời. Và em lại là người cuối cùng lo lắng cho anh, cùng tiễn anh về một đời sống khác, nơi không còn những khổ đau, phiền luỵ của kiếp con người.”

B., tao ngồi đây tưởng nhớ tới mầy, tới những kỷ niệm vui buồn trong suốt quãng đời từ ngày chúng mình quen biết – gần 52 năm chứ ít ỏi gì! Những niềm vui tụi mình có với nhau, những buồn phiền tao có ở mầy mà thấy lòng thanh thản. Ở cõi mênh mông nào đó, mầy hãy luôn quan tâm, phò hộ cho T., giúp nàng vượt qua những đớn đau mà mầy vô tình để lại. Tao tin, duyên phận của người với người đều do một nghiệp lực tiền định nào đó chứ không phải vì ngẫu nhiên hoặc vô tình, hữu ý.

Vì mầy ra đi trong lúc đại dịch hoành hành, không ai có thể hiện diện tống tiễn, tao viết bài này, thay mặt anh em đồng đội, chiến hữu của chúng ta nói lời tiễn biệt sau cùng, đưa tiễn linh hồn mầy an vui về cõi Tịnh Độ.

Kingwood, ngày cuối Tháng Tư, 2020

Chỉnh sửa lần cuối vào %PM, %20 %953 %2024 %17:%10
back to top