Thủ tướng trẻ nhất lịch sử Thái Lan
Thủ tướng trẻ nhất lịch sử Thái Lan
Bà Paetongtarn Shinawatra, con gái cựu Thủ tướng Thaksin, dễ dàng trở thành tân thủ tướng Thái Lan sau khi đạt được đủ số phiếu bầu cần thiết tại Hạ viện vào ngày thứ Sáu 16/8.
Bà Paetongtarn Shinawatra là con gái cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, người bị đảo chính lật đổ vào năm 2006 và hiện vẫn đang gặp rắc rối pháp lý.
Sau cuộc tổng tuyển cử năm 2023, với vị trí xếp thứ hai, Đảng Pheu Thai (Đảng Vì người Thái) do bà Paetongtarn Shinawatra làm lãnh đạo đã tiến hành thành lập liên minh cầm quyền với các đảng khác.
Liên minh cầm quyền hiện đang giữ 314 ghế tại Hạ viện, trong đó 141 ghế thuộc về đảng Pheu Thai do bà Paetongtarn lãnh đạo.
Với liên minh chiếm gần 2/3 trong số 493 nghị sĩ tại Hạ viện Thái Lan, bà Paetongtarn dễ dàng giành đủ quá bán số phiếu cần thiết (ít nhất 248 phiếu) để trở thành tân thủ tướng trong cuộc bỏ phiếu hôm nay, thứ Sáu 16/8.
Trước đó, vào ngày thứ Năm 15/8, liên minh này đã đồng ý đề cử bà Paetongtarn Shinawatra, 37 tuổi, cho vị trí thủ tướng.
Bà Paetongtarn Shinawatra là thành viên thứ ba của gia tộc Shinawatra trở thành thủ tướng trong hai thập kỷ qua: bao gồm ông Thaksin (cha bà Paetongtarn), bà Yingluck (em gái ông Thaksin) và bản thân bà Paetongtarn.
Danh sách này sẽ tăng lên bốn nếu tính thêm ông Somchai Wongsawat, em rể của ông Thaksin.
Bà Paetongtarn Shinawatra là nữ thủ tướng thứ hai trong lịch sử Thái Lan.
Nữ thủ tướng còn lại cũng thuộc gia tộc Shinawatra. Đó là bà Yingluck Shinawatra, em ruột ông Thaksin, tức cô ruột của bà Paetongtarn.
Bà Yingluck đã bị Tòa Hiến pháp phế truất vào năm 2014.
Bà Paetongtarn, 37 tuổi, trở thành tân thủ tướng trong thời điểm nóng bỏng của chính trường Thái Lan.
"Bà ta sẽ dễ bị công kích," Titipol Phakdeewanich, một nhà khoa học chính trị từ Đại học Ubon Ratchathani, nói.
"Bà Paetongtarn đang đối mặt với rủi ro ngày càng cao. Nếu Đảng Pheu Thai không mang lại bất kỳ điều gì thì kỷ nguyên chính trị của gia tộc Shinawatra có thể kết thúc."
Trước đó, vào ngày thứ Tư 14/8, Thủ tướng Srettha Thavisin đã bị Tòa án Hiến pháp bãi chức do bổ nhiệm sai người.
Ông Srettha, 62 tuổi, bị tòa ra phán quyết đã vi phạm "luật về đạo đức" với "thể hiện thái độ chống đối".
Ông Srettha chỉ mới nắm quyền thủ tướng chưa đến một năm và là thủ tướng thứ ba của Thái Lan trong vòng 16 năm bị Tòa án Hiến pháp bãi chức.
Bất ổn về chính trị đã phủ bóng đen lên nền kinh tế khi ông Srettha từng hy vọng kích thích tiêu dùng thông qua một loạt các biện pháp, bao gồm kế hoạch "Ví kỹ thuật số (Digital Wallet)" phát 10.000 baht (khoảng hơn 7,4 triệu đồng) cho mỗi người trong tổng số 50 triệu dân, dưới dạng tiền kỹ thuật số.
Paetongtarn Shinawatra là ai?
Bà Paetongtarn Shinawatra, sinh năm 1986, học ngành khoa học chính trị tại Đại học Chulalongkorn của Thái Lan, sau đó tốt nghiệp thạc sĩ ngành quản lý khách sạn tại Đại học Surrey (Anh Quốc).
Còn được biết đến với tên gọi Ung Ing, bà Paetongtarn mới 20 tuổi khi ông Thaksin bị lật đổ trong cuộc đảo chính vào năm 2006.
Bà Paetongtarn đã trải qua tuổi thơ khi Thái Lan chứng kiến nền chính trị có nhiều biến động.
Hồi tháng 3/2024, bà phát biểu: "Khi tôi 8 tuổi, cha tôi bước vào chính trường. Kể từ ngày hôm đó, cuộc sống của tôi đã hòa quyện vào chính trị."
Bà Paetongtarn đã làm việc cho tập đoàn khách sạn Rende của gia tộc Shinawatra, nơi chồng bà giữ chức phó giám đốc đầu tư, trước khi gia nhập đảng Pheu Thai vào năm 2021.
Bà Paetongtarn đã được bổ nhiệm làm chủ tịch đảng này vào tháng 10/2023.
Bà Paetongtar có hai con, gồm một bé gái 3 tuổi và bé trai 1 tuổi, sau khi kết hôn vào năm 2019.
Bà thường chia sẻ hình ảnh các con trên mạng xã hội Instagram, trong những chuyến nghỉ dưỡng và trang phục sang trọng.
Gia tộc Shinawatra
Sinh năm 1949, ông Thaksin là thành viên của gia tộc Shinawatra, một gia tộc gốc Hoa giàu có, nổi tiếng ở Thái Lan.
Ông Thaksin Shinawatra ban đầu làm cảnh sát, sau đó dần chuyển sang kinh doanh. Sau một số thương vụ thất bại, năm 1983, ông đồng sáng lập một công ty buôn bán máy tính nhỏ.
Công ty này sau đó phát triển thành Shin Corp - tập đoàn viễn thông lớn nhất Thái Lan, kinh doanh từ điện thoại di động đến dịch vụ internet, truyền thông. Chính Shin Corp đã biến ông Thaksin thành tỷ phú.
Vào năm 1994, ông Thaksin Shinawatra tham gia chính trường. Ban đầu ông giữ chức ngoại trưởng, sau đó làm phó thủ tướng.
Ông Thaksin thành lập đảng Thai Rak Thai (tức Người Thái yêu người Thái) vào năm 1998.
Năm 2001, ông Thaksin thắng cử và trở thành thủ tướng Thái Lan sau khi đảng Thai Rak Thai giành chiến thắng vang dội.
Năm 2005, ông Thaksin trở thành thủ tướng được bầu đầu tiên hoàn thành đủ nhiệm kỳ 4 năm và ông tiếp tục tái đắc cử.
Trong thời gian làm thủ tướng, ông trở nên cực kỳ nổi tiếng với người nghèo ở nông thôn nhờ những chính sách chăm sóc y tế, giảm nợ. Các doanh nghiệp cũng có thiện cảm với ông nhờ chính sách kinh tế “Thaksinomics”, vốn đã mở ra một kỷ nguyên thành công cho kinh tế Thái Lan.
Tuy nhiên, chính quyền ông Thaksin không được lòng giới thượng lưu và ông thường xuyên bị chỉ trích tham nhũng, hành xử không khéo léo, sử dụng quyền hành thái quá, không tôn trọng nhà vua...
Năm 2006, quân đội Hoàng gia Thái Lan đảo chính và lật đổ chính phủ ông Thaksin trong lúc ông đang tham gia cuộc họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tại New York, Mỹ.
Năm 2007, Đảng Thai Rak Thai bị giải tán, nhưng sau đó đã phát triển thành đảng Pheu Thai (tức Đảng Vì nước Thái).
Năm 2008, ông Thaksin rời đất nước sống lưu vong sau khi bị Tòa án Tối cao Thái Lan kết án vắng mặt với tổng cộng 12 năm tù liên quan bốn cáo buộc về lạm quyền, tham nhũng.
Là một tỷ phú viễn thông, ông Thaksin sở hữu nhiều nhà cửa ở ít nhất 6 quốc gia.
Sau khi bị chính quyền Thái Lan tịch thu giấy tờ cá nhân, ông đã bắt đầu sử dụng thị thực của Montenegro để đi lại. Chưa kể, ông còn sở hữu một hộ chiếu ngoại giao Nicaragua.
Trong thời gian ở Anh vào năm 2007, ông đã mua câu lạc bộ bóng đá Manchester City với giá gần 82 triệu bảng Anh. Một năm sau đó, ông bán câu lạc bộ này lại cho tập đoàn Abu Dhabi United (UAE) với giá 200 triệu bảng Anh, theo đài Fox Sports.
Theo tạp chí Forbes, ông Thanksin sở hữu 2,1 tỉ USD vào thời điểm năm 2023.
Ông là một trong những nhân vật gây chia rẽ nhất trong lịch sử Thái Lan.
Năm 2009, những người ủng hộ ông Thaksin – tức phe áo đỏ - biểu tình ở Bangkok kêu gọi bầu cử, cho rằng chính phủ của Thủ tướng Ahbisit khi đó không giành được quyền lực thông qua bỏ phiếu.
Trong thời gian không có mặt ở Thái Lan, ông Thaksin vẫn giữ được mức độ ảnh hưởng to lớn đến nền chính trị nước này. Từ năm 2001 đến nay, các đảng chính trị liên minh với ông Thaksin đều giành được nhiều ghế trong Quốc hội.
Năm 2011, bà Yingluck Sinawatra, em gái ông Thaksin, trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của Thái Lan.
Năm 2014, bà Yingluck bị Tòa Hiến pháp phế truất. Một cuộc đảo chính quân đội sau đó đã đưa Tổng Tư lệnh quân đội Thái Lan Prayut Chan-O-cha lên lãnh đạo một chính phủ bị coi là chuyên quyền nhất trong nhiều thế hệ.
Tháng 8/2023, Đảng Pheu Thai tiến tới nắm quyền sau nhiều tháng biến động chính trị.
Ông Thaksin đã có một cuộc trở về quê hương đầy kịch tính vào tháng 8/2023 sau khi sống lưu vong ở nước ngoài 15 năm.
Ông Thaksin nói rằng quyết định trở lại vào tháng 8/2023 của ông không liên quan gì đến nỗ lực thành lập chính phủ của đảng Pheu Thai, nhưng nhiều người tin rằng đảng này đã thỏa thuận với các đảng thân quân đội để tạo điều kiện cho ông Thaksin về nước.
Ông ngay lập tức bị bắt tại sân bay, bị kết án 8 năm tù với ba bản án tuyên vắng mặt trong thời gian ông không ở trong nước.
Ngày 29/5, Bộ trưởng Tư pháp Thái Lan tuyên bố truy tố ông Thaksin liên quan đến cáo buộc ông xúc phạm chế độ quân chủ.
Dự kiến ông sẽ phải hầu tòa vào ngày 19/8 tới trong khi Tòa án Hình sự Thái Lan ngày 31/7 bác đề nghị của ông về việc đến Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) để chữa bệnh từ ngày 1 đến 16/8.
BM
Nam Mai sưu tầm