Cách giữ tâm thái tích cực khi về già
Cách giữ tâm thái tích cực khi về già
Một số nghiên cứu trong hơn 20 năm qua cho thấy rằng người có thái độ tích cực hơn về lão hóa sống thọ hơn và có sức khỏe tốt hơn những người có nhận thức tiêu cực. Gần đây, một nghiên cứu lớn trên toàn quốc bao gồm gần 14,000 người trên 50 tuổi đã cho thấy một cái nhìn sâu sắc hơn đối với cách mà những suy nghĩ tích cực về lão hóa có thể ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, các hành vi sức khỏe và tinh thần hạnh phúc của một người.
Nghiên cứu này được công bố trên JAMA Network Open, phát hiện những người có mức độ hài lòng cao nhất với sự lão hóa có nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân trong bốn năm tiếp theo thấp hơn 43% so với những người có mức độ hài lòng thấp nhất. Những người có mức độ hài lòng cao hơn cũng giảm nguy cơ bị các bệnh kinh niên như tiểu đường, đột quỵ, ung thư, bệnh tim, và có chức năng nhận thức tốt hơn. Ngoài ra, họ cũng có nhiều khả năng tham gia hoạt động thể chất thường xuyên và ít gặp vấn đề về giấc ngủ hơn, cũng như ít cô đơn, ít bị trầm cảm, lạc quan hơn và có mục đích sống mạnh mẽ hơn.
Tiến sĩ Eric Kim, điều tra viên cấp cao của nghiên cứu và là trợ lý giáo sư tâm lý tại Đại học British Columbia ở Vancouver, Canada cho biết: “Có một mối quan hệ nhân quả giữa cách suy nghĩ và các hành vi sức khỏe.”
Ví dụ, trong khi người cao tuổi có xu hướng dùng các dịch vụ y tế dự phòng ít hơn người trẻ tuổi hoặc trung niên, một nghiên cứu mà Kim là đồng tác giả trên tạp chí Preventive Medicine cho thấy người trên 50 tuổi càng hài lòng với quá trình lão hóa, thì càng có nhiều khả năng họ sẽ kiểm tra mức cholesterol hoặc tầm soát ung thư vú, cổ tử cung hoặc tuyến tiền liệt.
Nhưng điều này cũng có hai mặt. Mặc dù một thái độ tích cực có thể dẫn đến các hành vi giúp nâng cao sức khỏe, nhưng “nếu mọi người tin rằng sức khỏe kém là điều không thể tránh khỏi theo tuổi tác, thì đây có thể là một lời tiên tri tự ứng nghiệm ngăn họ khỏi việc thực hiện các hành vi có lợi cho sự lão hóa,” Tiến sĩ Kim, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Sức khỏe và Hạnh phúc của trường Y tế Công cộng Harvard T.H. Chan ở Boston cho hay.
“Tin tốt là, những quan điểm trước đây của chúng ta về quá trình lão hóa có thể thay đổi. Chúng ta có thể thay đổi cách suy nghĩ của mình,” cô Hannah Giasson, đồng tác giả của nghiên cứu Preventive Medicine cho biết. Cô là trợ lý giáo sư tại Đại học Điều dưỡng và Đổi mới Y tế Edson thuộc Đại học Tiểu bang Arizona ở Phoenix và chuyên [tìm hiểu] mối liên quan giữa các quan điểm về lão hóa với sức khỏe và hạnh phúc của một người.
Dưới đây là một số điều Tiến sĩ Kim và Tiến sĩ Giasson cho biết có thể giúp mọi người phát triển cách tiếp cận tích cực hơn đối với quá trình lão hóa.
Duy trì ý thức về mục đích sống
Anh Kim nói, một số người không biết phải làm gì với bản thân sau khi nghỉ hưu. Vì vậy, anh khuyên rằng mọi người nên việc tìm các dự án phù hợp với các giá trị của bản thân.
Anh nói: “Mỗi người đều có các mục tiêu khá khác nhau.” Nếu gia đình là ưu tiên hàng đầu, bạn hãy tìm những điều cần làm để đóng góp cho gia đình, chẳng hạn như chia sẻ việc chăm sóc cháu. Nếu bảo vệ môi trường là một điều rất ý nghĩa với bạn, hãy thử tìm các dự án đóng góp cho sức khỏe môi trường.
“Công việc tình nguyện là một cách tuyệt vời để làm điều này.”
Nhận ra và loại bỏ các thông điệp tiêu cực về lão hóa
Nghiên cứu cho thấy những định kiến tiêu cực về lão hóa được hình thành trong suốt cuộc đời và có thể gây hại đến sức khỏe thể chất và nhận thức khi một người già đi.
Cô Giasson gợi ý: “Hãy nâng cao nhận thức về những thông điệp này và hiểu được cách những điều đó ảnh hưởng đến chúng ta như thế nào.”
Ví dụ, một người có thể tin rằng sức khỏe thể chất kém là điều không thể tránh khỏi đối với người cao tuổi, vì vậy việc cố gắng sống tích cực cũng sẽ không giúp ích gì. Nhưng theo Viện Quốc gia về Lão hóa, tập thể dục có thể giảm nguy cơ bị bệnh tim mạch, cao huyết áp và tiểu đường loại 2, đồng thời có thể cải thiện giấc ngủ và giảm nguy cơ té ngã.
Cô Giasson nói: “Mọi người cần nhận thức ra rằng việc thực hiện các hành vi lành mạnh có thể trợ giúp cho sức khỏe ở bất kỳ lứa tuổi nào.”
Duy trì hoạt động xã hội
Khi có tuổi, mọi người có thể mất đi những người thân yêu như vợ/chồng, các thành viên trong gia đình hoặc những người bạn. Nếu người bạn đời chịu trách nhiệm trong việc duy trì các mối quan hệ xã hội ra đi, thì người còn lại có thể trở nên cô đơn và bị cô lập hơn với xã hội.
Cảm giác cô đơn và cô lập xã hội là những yếu tố nguy cơ dẫn đến sức khỏe thể chất và tinh thần kém, làm tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ và góp phần dẫn đến sự kém hài lòng đối với cuộc sống, trầm cảm, tự ti và khó khăn trong các hoạt động thường ngày. Nhưng nghiên cứu cho thấy duy trì các mối quan hệ xã hội có thể có tác động tích cực đối với sức khỏe.
Anh Kim cho biết điều quan trọng để tạo lập các mối quan hệ mới là thay thế những gì bạn đã mất.
“Điều thường xảy ra là mọi người ngừng kết bạn mới. Vì vậy, hãy cố gắng tạo dựng lại các mối quan hệ để gặp gỡ những người quen trước đây,” anh nói, chẳng hạn như việc tham gia vào một câu lạc bộ hoặc các tổ chức cộng đồng. “Hãy tiếp cận với mọi người nhiều hơn, thay vì trở nên bị động.”
Hãy thử điều gì đó mới mẻ
Theo tiến trình lão hóa, đôi khi mọi người sẽ mất khả năng vận động và không thể tham gia vào các hoạt động có thể mang lại niềm vui như khi còn trẻ. Đối với vấn đề này, anh Kim gợi ý rằng hãy cố gắng “tái tạo nguồn năng lượng theo một cách mới,” chẳng hạn như dạy một kỹ năng hoặc dạy nghề thủ công thay vì tự mình đi thực hành.
Hoặc bạn cũng có thể học một điều gì mới mẻ ít đòi hỏi về mặt thể chất hơn, cô Giasson nói. Nghiên cứu cho thấy người cao tuổi học các kỹ năng mới có thể cải thiện trí nhớ, lòng tự trọng và chất lượng cuộc sống nói chung.
“Đừng rơi vào lối suy nghĩ rằng đã quá muộn để thử điều gì đó mới mẻ,” cô nói. “Sẽ không bao giờ là quá muộn và bạn không bao giờ quá lớn tuổi để khám phá những sở thích mới.”
HealthDay News _ Vân Hi
***********
Từ thời còn trẻ… đến lúc về già
Đời người thường được gói gọn trong một câu thật đơn giản: “Từ thời còn trẻ… đến lúc về già”. Nói như vậy nhưng không đơn giản chút nào vì những suy nghĩ phức tạp của từng thời kỳ, qua đó thể hiện quan niệm sống khác hẳn nhau, nhiều lúc đến độ mâu thuẫn, xung đột gay gắt.
Thời còn trẻ bao gồm các giai đoạn từ thơ ấu, tiến dần đến tuổi vị thành niên và rồi trở thành thanh niên vào lứa tuổi từ 19 đến 24. Đây là khái niệm của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhưng chưa được thống nhất vì còn tùy thuộc vào từng khuôn khổ xã hội của từng quốc gia. Chẳng hạn như ở Trung Cộng, tuổi thanh niên là 29, trong khi tại Bangladesh là 34 và ở Malyasia thậm chí đến 40 tuổi!
Tuổi trẻ
Những người được gọi là “cao tuổi”, “cao niên” hay “người già” thường có độ tuổi từ 60 trở lên như tại Việt Nam. Tại một số nước quy định tuổi của người già được căn cứ vào những gì họ cống hiến cho gia đình và xã hội. Thuật ngữ “senior citizen” dùng tại Anh và Mỹ ám chỉ những người đã hưu trí (retiree), thường là những người từ 65 tuổi trở lên. Tại Mỹ, ngày 21/8 là ngày toàn quốc tôn vinh những công dân lớn tuổi, ngày đó được gọi là “National Senior Citizens Day”.
Tuổi già
Bài viết này không có ý tôn vinh tuổi già và cũng chẳng đề cao tuổi trẻ. Tôi chỉ có tham vọng đặt vấn đề về những cảm xúc của con người thay đổi theo tuổi tác. Những điều được nêu ra dưới đây có thể mang phần nào ý nghĩa chủ quan vì người viết thuộc về lứa tuổi “gần đất xa trời”, nhưng thiết nghĩ, người trẻ cũng như già nên đọc để chiêm nghiệm những cái đúng và cả những cái sai.
Đề tài từ cổ chí kim được nói đến nhiều nhất là “Tình yêu trai gái”. Một triết gia nào đó đã phân tích: Cảm xúc về Tâm hồn tạo ra Tình Bạn; Cảm xúc về Tri thức tạo ra lòng Kính Trọng và Cảm xúc về Thể xác tạo ra lòng Ham Muốn. Nếu cả ba cái này cộng lại, người ta sẽ có Tình Yêu (!). Cụ thể hơn, “Tình yêu Nam-Nữ” được thể hiện qua công thức:
Tình yêu Nam & Nữ = Tình bạn + Tôn trọng + Ham muốn
Lúc trẻ, tưởng yêu là tất cả, là mọi thứ trên đời... nhưng khi lớn tuổi, trải qua nhiều cuộc tình, mới biết sau yêu còn có… chia tay. Không phải chỉ một lần mà rất nhiều lần, cứ lập đi lập lại… Điều mà người trẻ tuổi không bao giờ hoặc ít khi nào nghĩ đến!
Lúc trẻ, vẫn nghĩ rằng tình yêu là mãi mãi, tình yêu là thứ quan trọng nhất trong cuộc đời. Khi có tuổi mới biết tình yêu “đến đó rồi đi, có đó rồi mất”. Từ những cảm nghĩ lạc quan của tuổi trẻ người ta lại bước sang tư tưởng bi quan của người già!
Lúc trẻ, cứ tưởng “yêu một người thì dễ, quên một người mới khó”. Người trẻ khi yêu hình như đã mặc nhiên công nhận vị trí “khó quên” của người bạn tình. Đến khi tuổi tác ngày một cao đã chứng minh điều ngược lại: người lớn tuổi thấy mình đã quên đi nhiều người mình đã từng yêu, quên một cách dễ dàng!
Tình yêu có vĩnh cửu như "ổ khóa tình nhân" trên cầu?
Lúc trẻ cứ tưởng tình yêu luôn dựa theo nguyên tắc “bình đẳng” qua triết lý “yêu thương cho đi là yêu thương nhận lại”. Về già mới chợt nhận ra bài học kinh nghiệm đầy bất công của tình yêu: “có những yêu thương chỉ cho mà không nhận”. Nhà thơ người Anh, Abraham Cowley (1628-1667) đã phải thốt lên:
“Of all the pain, the greatest pain
It is to love, but love in vain"
Tạm dịch là:
“Trong mọi khổ đau, niềm đau vĩ đại,
Là trót yêu người… không hề yêu lại”
Lúc trẻ cứ tưởng rằng “yêu một người là sống chết vì người đó”, giờ mới biết “yêu một người là phải biết tự yêu lấy mình”. Đây không phải là lòng “tự ái” của con người khi về già mà là những điều mà nhiều người có tuổi rút ra được sau những cuộc tình “mù quáng” của thời thanh niên và thiếu nữ.
Lúc trẻ cứ nghĩ “sau tình yêu sẽ là hôn nhân”, đến khi về già mới nhận ra: “vẫn có những cuộc hôn nhân không cần tình yêu”. Ngạn ngữ Pháp có câu: “Tình yêu là Bình Minh của hôn nhân, hôn nhân là Hoàng Hôn của tình yêu” và với kinh nghiệm bản thân, Socrates khuyên nhủ mọi người:
“Bằng đủ mọi cách, hãy lập gia đình. Nếu lấy được người vợ tốt, bạn sẽ hạnh phúc. Nếu lấy phải người xấu bạn sẽ trở thành một triết gia” (By all means: marry. If you get a good wife: you’ll become happy. If you get a bad one: you’ll become a philosopher).
Ngay từ lúc còn trẻ nhiều người cũng đã trở thành “triết gia” vì yêu. Họ thích định nghĩa tình yêu với những mỹ từ, mỹ ý… Nào tình yêu là X, là Y, là A,B,C,D… khi lớn tuổi lại cuống cuồng vì hoang mang, không biết tình yêu thật sự là gì cả. Tại sao ư? Vì, “tình yêu thật khó định nghĩa: nó đến bất chợt, đi bất ngờ, và để lại một vết thương lòng muôn thuở”!
Tình yêu quả là… rắc rối
Lúc trẻ cứ tưởng hạnh phúc là điều gì đó xa xôi lắm, về già mới biết hạnh phúc chỉ đơn giản là những thứ bình dị xung quanh, có chăng là mình đã không nhận thấy. Người trẻ chỉ thấy hạnh phúc trong hôn nhân khi được sống bên người tình yêu mến, về già hạnh phúc đó lan tỏa đến con cháu qua một thứ không còn là tình yêu trai gái mà là tình ruột thịt, máu mủ.
Khi còn trẻ, phạm vi giao tiếp thường mở rộng, bạn bè giao thiệp rất đông. Đến lúc ở vào tuổi về hưu bỗng thấy mình cô đơn vì cuộc sống thu hẹp và người già thường “ẩn mình” trong phạm vi gia đình.
Tuy nhiên, cũng có người vẫn hăng say hoạt động xã hội để khỏa lấp sự trống rỗng, có người tìm một thú vui cho bản thân như chăm sóc cây cảnh, viết lách… Chỉ tội nghiệp những ai không tìm cho mình một hướng đi lúc về già trước khi bị bệnh tật tấn công để trở về với cát bụi.
Lúc trẻ tưởng “nói quên là có thể quên được”, giờ mới biết có những chuyện càng muốn quên thì nó lại càng ở mãi trong lòng. Điều này cho thấy người lớn tuổi hướng về cuộc sống “nội tâm” trong khi người trẻ giữa cuộc sống tất bật ngoài xã hội, luôn… “hướng ngoại”.
Lúc trẻ, tưởng cô đơn ở đâu xa lắm vì chung quanh toàn là người, về già mới hiểu những giây phút bên người thân quả là một sự ấm áp nhưng lại rất mong manh, trong khi đó, “nỗi cô đơn luôn ở bên cạnh”.
Cũng vì thế cho nên khi còn trẻ cứ tưởng việc đóng một cây đinh vào tường thật đơn giản vì không thích thì có thể nhổ đi. Về già mới thấy: đinh có thể nhổ nhưng vết lõm trên tường vẫn còn đó.
“Hai mươi bốn năm sau. Tình cờ đất khách gặp nhau.
Đôi cái đầu đều bạc.
Nếu chẳng quen lung đố nhìn ra được.
Ôn chuyện cũ mà thôi. Liếc đưa nhau đi rồi,
Con mắt còn có đuôi”
Đó là những lời kết trong bài thơ Tình Già của Phan Khôi đăng trên báo Phụ nữ Tân văn năm 1932. Bài thơ này có thể coi như tác phẩm thơ tự do đầu tiên, mở đường cho phong trào Thơ Mới ở Việt Nam. Về phương diện tình cảm, bài thơ thể hiện “một vết lõm trên tường” sau khi cái đinh được nhổ từ thời trai trẻ.
Hạnh phúc tuổi già
Theo lẽ tự nhiên, người ta khóc khi buồn nhưng một khi có tuổi mới thấy điều buồn nhất là…“không thể khóc được”. Xem một cuốn phim, đọc một cuốn truyện người trẻ và người già thường có những cảm xúc khác hẳn nhau! Có thể vì đã từng trải nhiều nên tình cảm của người già đã trở nên… “chai lì”? Phải chăng tuyến lệ cũng đã bị “lão hóa” nên không còn hoạt động?
Giọt nước mắt