Canh Ngót Cá Khoai, Nồi Canh Biển Miền Nam - Trần Tiến Dũng
Canh Ngót Cá Khoai, Nồi Canh Biển Miền Nam
Trần Tiến Dũng
Tháng 6, Sài Gòn mưa sáng, ngồi quán nhìn mưa, rồi thấy trang nhà anh bạn Trần Bá Đại Dương nói và đưa hình một mớ cá Khoai. Cá Khoai, tôi tin rằng người quê Gò Công xưa ưa cá Khoai hơn hết. Cá Khoai chưng tương hột, cá Khoai nấu canh ngót, khô cá Khoai nướng trộn dưa leo, rau thơm, với nước mắm tỏi ớt chanh đường…
Ờ mà dân miệt duyên hải miền Nam nào cũng ưa cá Khoai mà. Xương cá nhai nuốt gọn hơ như món thạch tráng miệng, thịt cá trong mềm nhưng không bở, vị cá ngọt thanh mà không tanh; gôm lại cá Khoai là loại cá như thể được sinh trưởng từ bọt biển khơi và mây trắng trên trời những hôm biển êm.
Cá Khoai ở chợ quê tôi ngày trước rất nhiều và rất tươi. Tôi cho rằng không vì cá Khoai rẻ mà được ưa, một loại cá người già, trẻ con đều ăn không sợ mắc xương người bình thường ăn các món cá Khoai vị ngọt ngon thấm đậm trong miệng nên nhớ và thèm miết.
Tôi có mấy bà chị ở nước ngoài tuổi gần tám mươi, các chị về Sài Gòn món chị thèm nhứt, mong ăn nhứt là món cá Khoai nấu canh ngót.

Nồi canh ngót cá Khoai thiệt đơn giản, gồm ít rau cần (hoặc lá húng quế) hành lá, cà chua, nêm nếm muối, ớt, tiêu sao cho vừa miệng. Miệt khác tôi thấy người ta ăn với nước mắm trơn hoặc nước mắm tỏi đâm và chút nước chanh, còn người quê tôi xưa ăn với nước mắm pha tỏi, ớt, chanh đường.
Nước canh cá Khoai có màu sương mai buổi sáng sớm, mùi thơm cá Khoai chín, mùi rau cần, mùi hành lá, mùi tiêu, ớt cứ như là hương vị riêng mà biển quê nhà ban tặng riêng cho bà con sống ven biển miền Nam.
Hẳn nhiên các món lẩu hải sản kiểu Tàu cũng ngon, nhưng đã là những người con sinh ra bên biển, được dưỡng nuôi trưởng thành người thì dù có phiêu lưu phương trời nào đi nữa thì cá nồi canh trong bữa cơm từ biển quê nhà vẫn mãi là thứ nước lèo mặn mòi, ngọt ngót riêng, cái riêng không nhất thiết được cảm nhận từ đại dương bao la mà chỉ nhỏ như một góc biển gần, một con thuyền nhỏ, một mái nhà trên bờ cát dịu dàng dấu tay của sóng êm, gió nhẹ.
Người Việt ngày nay có cách so sánh về người ra biển lớn, người ở lại biển nhà nhưng có lẽ vẫn luôn có nhiều người vẫn thường nấu canh và ăn bữa cơm có canh. Nồi canh chưa bao giờ được coi là biểu tượng gì đó văn hoá ẩm thực hay trong thực đơn hàng đầu được nước ngoài bình chọn của các món Việt, nồi canh có trong bữa cơm thường ngày người Việt nhất là người Miền Nam, có khi chỉ để dễ nuốt vậy mà no lành ngàn năm.
Với tôi, trong trường hợp nồi canh cá Khoai và các loại canh thuộc về biển khác, luôn luôn nhắc nhớ về biển và người thân quê nhà, nơi ấy cho dẫu mai sao không tìm thấy tôi. Người duyên hải có khi phải sống gần hết đời người ta mới biết từ lúc biết ăn cơm, biết chan canh họ đã mang theo biển.
Trần Tiến Dũng
SG, 24-6-2024
________________________________
Nồi Canh Chua Của Má
Đỗ Cường
Ngày xưa nhà tôi nghèo lắm, đến bữa ăn gia đình thường quây quần bên mâm cơm đạm bạc, không có người ăn trước người ăn sau, bởi nếu như vậy thức ăn sẽ không đủ cả cho gia đình mười người con.
Anh em có một thông lệ ngầm là mỗi tháng phải nấu hai lần canh chua, đó là ngày Ba tôi lãnh lương và ngày anh em chúng tôi đề nghị.
Mỗi lần nghe Ba tôi nói với Má: “Bà ơi mai nấu canh chua nghe bà” dường như đêm đó tôi không ngủ được, thử hỏi một thằng con trai còn non và chưa xanh vừa tròn mười lăm tuổi… ngày mai xách giỏ lẽo đẽo đi chợ với Má, thì ôi thôi “còn có danh gì với núi sông“ nữa.
Vào chợ, Má lựa chọn tỉ mỉ, cá phải là cá còn sống, rau phải tươi ngon, trái me không được già hay non quá, khóm mua nguyên trái vừa chín tới, bạc hà mới cắt phải còn mủ, lấy móng tay bấm vào phải xốp…
Việc mua nguyên liệu, Má đã cẩn thận, thì công đoạn nấu nồi canh chua còn công phu hơn nữa, để cạo lớp nhớt trên mình con cá Hú (Ú) phải là nước sôi vừa “reo” sau đó chà xát với muối tránh mùi tanh, cá cắt ra từng khứa bằng nhau để vào rỗ cho ráo nước không được để trên dĩa cá đọng nước sẽ không ngon, trái me cạo sạch và dằm me bên ngoài lấy nước chua tuyệt đối không dằm me trong nồi canh chua, khóm và các rau khác xắt ra đều để thứ tự trong rổ…
Khi nghe tiếng xe đi làm về của Ba tôi ngoài cửa, Má tôi mới bắt đầu nấu nồi canh chua, Má nói nồi canh chua không được nấu sớm hay trễ quá sẽ mất đi mùi vị của nồi canh chua, giống như trái cây chín tới khi ăn mới cảm nhận được cái ngon của nó.
Khi nghe tiếng xe đi làm về của Ba tôi ngoài cửa, Má tôi mới bắt đầu nấu nồi canh chua, Má nói nồi canh chua không được nấu sớm hay trễ quá sẽ mất đi mùi vị của nồi canh chua, giống như trái cây chín tới khi ăn mới cảm nhận được cái ngon của nó.
Tôi không quên được tiếng húp xì xụp, những giọt mồ hôi chảy dài của anh em tôi bên mâm cơm bởi vị ngon của tô canh chua.
”Bà nấu ngon quá“ Ba tôi khen.
Nhìn chồng và các con ăn, tôi thấy gương mặt Má tôi hạnh phúc và mãn nguyện.
Có lần Má tôi hỏi:
“Theo con nguyên liệu nào quan trọng nhất của nồi canh chua?”.
Tôi liền đáp: “Cá, me, bạc hà phải không Má“.
Má từ tốn nói: “Nếu chỉ có cá, me, bạc hà là nguyên liệu chính để quyết định nồi canh chua ngon, theo Má như vậy thì chưa đủ, con thử nghĩ nếu canh chua thiếu chút ớt hay hành, ngò, giá… thì hương vị của canh chua như thế nào?. Tuy những nguyên liệu đó không sánh được với nguyên liệu khác, nhưng nó là yếu tố quan trọng làm kết dính những mùi vị khác để hình thành nồi canh chua ngon.”

Những điều Má tôi nói, giúp tôi hiểu ra được nhiều vấn đề trong đó có việc học của tôi, trong lớp tôi chỉ giỏi toán, lý, hóa, sinh ngữ còn những môn khác tôi không cho là quan trọng.
Từ dạo đó tôi ít đi chơi chăm học hơn những môn kém, đi học về tôi phụ giúp Má nhiều hơn và việc học của tôi tiến bộ.
Từ dạo đó tôi ít đi chơi chăm học hơn những môn kém, đi học về tôi phụ giúp Má nhiều hơn và việc học của tôi tiến bộ.
Tôi nghĩ “Trong cuộc sống có những vật bình thường ở cạnh mình, mình không gìn giữ, trân trọng khi mình cần nó đã thất lạc hay bị mất đi làm mình tiếc nuối khôn nguôi.”
Ba năm sau!
Vào một chiều mưa muộn, Má tôi đã bỏ anh em tôi ra đi mãi mãi!
Tạo hóa rất công bằng và oan nghiệt, tạo hóa ban tặng cho tôi một người Mẹ để tôi sống trong yêu thương, giận hờn, vòi vĩnh và tạo hóa đòi lại người Mẹ của tôi, chưa cho anh em tôi đủ trưởng thành để được báo hiếu.
Từ ngày Má mất, gia đình tôi ít tiếng đùa vui, anh em tự chăm sóc cho nhau, đi học về tôi nấu nướng chính cho gia đình. Riêng ba tôi tóc bạc nhiều, ít nói và trầm mặc.
Có những lần tôi chợt thức giấc nửa đêm thấy Ba ngồi ngoài sân nhìn vào cõi xa xăm, tôi biết Ba tôi đang nhớ Má lắm, Ba thật cô đơn như chết nửa tâm hồn.
Tháng năm dần qua, anh em tôi ra đời làm việc, người thành đạt, người công chức, người giáo viên cuộc sống ổn định.
Riêng tôi, hành trang ra đời là nồi canh chua của Má, cái nồi canh chua dân miền Nam ai cũng nấu được, chỉ khác nhau sự nêm nếm, tùy theo khẩu vị mọi người khi ăn xong chỉ khen ngon hay dở mà thôi.
Nồi canh chua của Má cũng dung dị như bao nồi canh chua khác. Nhưng với tôi nồi canh chua của Má lại có tính triết lý dạy cho tôi biết vận dụng trong cuộc sống và ngộ ra được nhiều điều.
Ở công ty, tôi biết coi trọng chị nấu bếp, anh lái xe, người bảo vệ… Tôi không coi tôi là một khúc cá, me và bạc hà để quyết định nồi canh chua, chính họ - ngò, ớt, hành… là những nguyên liệu quan trọng kết dính để phát triển công ty, và tôi đã thành công.
Ở công ty, tôi biết coi trọng chị nấu bếp, anh lái xe, người bảo vệ… Tôi không coi tôi là một khúc cá, me và bạc hà để quyết định nồi canh chua, chính họ - ngò, ớt, hành… là những nguyên liệu quan trọng kết dính để phát triển công ty, và tôi đã thành công.
Với con tôi, tôi là người cha, người bạn, người thầy và cả là người em nữa.
Mọi người tin tôi không? “Bố ơiiiiiii tắm con”
“Yes Sirrrrrr “!!!
Được Má chỉ dẫn phương thức nấu nhưng tôi chưa bao giờ nấu được nồi canh chua ngon như Má tôi.
Nhân ngày họp mặt, anh em đề nghị tôi nấu nồi canh chua, tôi tận dụng mọi kỹ năng của mình để hoàn thành nồi canh chua thật to đãi các anh em.
Đang ăn cơm, tôi thấy mọi người ăn trầm ngâm và đăm chiêu, đến khi đứa em út thốt lên một câu “Ăn canh chua làm em nhớ Má!“, từng đôi đũa để chầm chậm xuống bàn, mọi người từ từ đứng dậy không nói với nhau lời nào, tôi biết anh em đang hoài niệm lại ngày Má còn sống bên tuổi ấu thơ của chúng tôi.
Nồi canh chua của tôi nhạt nhẽo!
Nồi canh chua tôi nấu dư thừa của người có tiền, còn Má tôi phải đi từ đầu chợ đến cuối chợ trả giá, mua con cá vừa phải, xin thêm người bán cọng ngò trái ớt… vì túi tiền eo hẹp.
Nồi canh chua, tôi nấu nhanh chóng vì có người giúp việc.
Nồi canh chua của Má tự tay làm có pha mồ hôi và nước mắt vì khói củi cay xè.
Canh chua của tôi vừa ăn có nhạc du dương, còn canh chua của Má chỉ có mồ hôi và tiếng xì xụp, đũa muỗng lanh canh của mười đứa con đang đói.
Canh chua của Má tràn ngập thương yêu có sự đợi chờ chồng và các con về trong hạnh phúc đầy mãn nguyện, còn canh chua của tôi thì mau chóng, no nê và thừa thãi.
Má tôi luôn luôn là người ăn sau cùng, có lần nghe thằng Út nói lại với tôi:
“Má mút lại những cái xương cá của anh em mình đó anh!”
Em hỏi Má, Má quay đi chỗ khác và nói
“Tụi con ăn phí quá!”
Đây là bài học có lẽ tôi không bao giờ quên cho đến khi xuôi tay nhắm mắt.
Nếu tôi được một điều ước, tôi sẽ ước Má tôi sống lại để anh em tôi được phụng dưỡng Má, dù tạo hóa có lấy đi bao nhiêu tuổi thọ của tôi cho điều ước đó tôi cũng vui vẻ chấp nhận, mãi được ôm Má vào lòng và gọi hai tiếng: “Má Ơi”.
Đỗ Cường
Ngọc Lan sưu tầm
Chỉnh sửa lần cuối vào %AM, %14 %689 %2024 %11:%07