Phạm Duy, người kể lịch sử bằng âm nhạc
Phạm Duy, người kể lịch sử bằng âm nhạc
Hơn hai mươi năm trước, vào Tháng Ba năm 2006, một sự kiện âm nhạc được chờ đợi bởi nhiều thế hệ diễn ra ở Sài Gòn. Người đã đi qua cuộc chiến thì chờ đợi để được sống lại những ký ức của một thời tuổi trẻ hào hùng, thơ mộng. Người sinh sau cuộc chiến thì chờ đợi được diện kiến tác giả bằng xương bằng thịt của những ca khúc họ từng mượn lời để “đưa em về dưới mưa/nói năng chi cũng thừa.”
Phạm Duy trong vai trò người giới thiệu chương trình trong đêm nhạc “Phạm Duy – Ngày trở về” (Hình: Tài liệu)
Giá vé của đêm nhạc “Phạm Duy – Ngày Trở Về” khá cao so với mức sống trung bình của những năm đó. Anh bạn đồng nghiệp khi ấy đã nói: “Anh chị phải đi xem đêm nhạc lịch sử này và sau đó sẽ không đi đâu chơi trong năm nay.”
Dù vậy, để mua được vé của đêm nhạc cũng không phải dễ, vì vé bán rất nhanh. Có người phải nhờ vài mối giao tình với các công ty tổ chức sự kiện để tìm vé. Hai đêm diễn, ngày 3 và ngày 4 Tháng Ba năm 2006 bán sạch trong vài ngày. Đêm đầu tiên, con đường trước nhà hát Hoà Bình như những ngày sắp Tết. Từ bốn, năm giờ chiều, khán giả đã đến trước cửa nhà hát. Vé có số ghế chứ không phải ai đến trước có chỗ ngồi tốt. Vậy mà họ vẫn đến sớm, ngồi trên các bậc thềm, ăn bánh mì, và…xem những tấm poster của đêm nhạc. Xem và hồi tưởng. Những mái tóc đã chớm màu sương khói.
Chiến tranh chấm dứt khoảng 30 năm (tính đến thời điểm đó), thời gian chưa phải là quá dài để có thể làm phai mờ một phần đời của họ. Tôi nghĩ thế!
Người đàn ông tóc bạc tự tình quê hương
Đêm nhạc bắt đầu rất đúng giờ. Toàn bộ ánh đèn trong nhà hát tối lại dần. Tiếng xì xào lắng hẳn. Người ta có thể nghe rõ tiếng thở của nhau.
So với bây giờ, sân khấu của những năm 2000 còn đơn giản, thô sơ. Những hình ảnh đại gia đình của nhạc sĩ, hình ảnh về làng quê, thôn xóm, hình ảnh cậu bé Phạm Duy Cẩn thưở nhỏ cho đến nhạc sĩ Phạm Duy với tóc bạc trắng như tơ, chầm chậm trôi qua trong tiếng ngâm thơ của chính ông, nồng nàn.
“Cho tôi lại ngày nào
Trăng lên bằng ngọn cau
Me tôi ngồi khâu áo
Bên cây đèn dầu hao…”
Phạm Duy bằng xương bằng thịt xuất hiện sau câu ngâm cuối cùng của bài “Kỷ Niệm.” Đó cũng chính là lời chào của ông gửi đến hàng trăm khán giả ngồi phía dưới: “Kính thưa quí vị, đêm nay, coi như lời xin đi lại từ đầu của tôi đã được đáp ứng”. Với ông, kể từ hôm đó, ca khúc ông sáng tác năm 1972, “xin đi lại từ đầu” trong tâm trạng chán chường vì thời cuộc, đã có “một đời sống mới.
Đêm hôm đó, thật sự là một đêm của Phạm Duy. Đêm ông trở về để kể cho đồng bào của ông nghe những câu chuyện lịch sử thời cuộc. Đêm ông trở về để tự tình cho khán giả của ông hoàn cảnh ra đời của 17 ca khúc trong gia tài âm nhạc đồ sộ trên dưới một ngàn sáng tác. Đêm hôm ấy, người có thể làm chủ sân khấu, điều hợp chương trình, không ai khác ngoài Phạm Duy.
Không cần nhạc đệm, không cần nhạc trưởng, ban nhạc hoàn toàn im lặng khi Phạm Duy cất tiếng nói. Giọng nói của ông trầm bổng, lên xuống, uốn khúc theo điệu ru khởi nguồn từ trong tâm hồn. Ông dẫn dắt người nghe đi từ câu chuyện này đến nhân vật khác. Mỗi một câu chuyện là dấu ấn của một sáng tác, từ hoàn cảnh ra đời cho đến nỗi niềm ẩn chứa sâu xa.
Ông vừa hát, vừa kể, vừa ngâm. Người nghe cứ thế trôi ngược dòng lịch sử, cùng ông về thăm “Quê Nghèo”, gặp “Bà Mẹ Gio Linh” – một câu chuyện có thật mà ông tự nhận mình đã may mắn là một phóng viên ghi lại thời sự bằng âm nhạc: “Không có ai dám đi lấy đầu của cán bộ về chôn, nhưng mẹ đã lẳng lặng đi lấy đầu con…”
Phạm Duy nói mà kể; kể mà hát; hát mà ru. Qua giọng nói của ông, khán giả thấy hiển hiện trước mắt một bà mẹ với đôi mắt rực lửa, không nói một lời, bước đến bên xác con, nhặt lấy đầu. Người hiểu nỗi đau ngút trời của mẹ lúc đó, là Phạm Duy. Người làm dịu nỗi sầu bi của mẹ lúc đó, cũng chỉ có thể là Phạm Duy. Ông đã đặt vào nơi xảy ra thảm kịch một ngôi chùa để nguôi ngoai lòng bà:
“Đường về thôn xóm buồn teo
Xa xa tiếng chuông chùa reo”
Sau mỗi câu chuyện lịch sử, ông kết thúc rất đơn giản, như: “Mời quí vị nghe Bà Mẹ Gio Linh do Duy Quang hát.” “Hát” chứ không phải “thực hiện” hay “trình bày”. Đơn giản là hát. Phạm Duy là bậc thầy về ngôn ngữ và ông “yêu tiếng nước tôi, từ khi mới ra đời.” Với ông, đơn giản là sự diễn đạt trang trọng nhất cho một tác phẩm nghệ thuật và cho tiếng nói của một dân tộc.
Cứ thế, 17 ca khúc trong đêm “Phạm Duy – Ngày Trở Về” lần lượt được chính người nhạc sĩ tự tình với khán giả bằng những lời dẫn ngọt ngào lẫn ai oán. Tôi tin chắc rằng, tất cả những ai có mặt đêm hôm đó, đều say với những điệu ru tha thiết, nồng nàn của một người nhạc sĩ đã “nguyện chết trên quê hương.”
Nhạc sĩ Phạm Duy tên thật là Phạm Huy Cẩn. Ông là một trong những cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam, là tác giả của hàng ngàn bản nhạc, trong đó có nhiều bài rất nổi tiếng trước năm 1975 và sau này ở hải ngoại, như “Tình Ca,” “Tình Hoài Hương,” “Con Ðường Cái Quan,” “Mẹ Việt Nam,” “Áo Anh Sứt Chỉ Ðường Tà,” “Năm 54 Cha Bỏ Quê, Năm 75 Con Bỏ Nước,”…
Ông mất ngày 27 Tháng Giêng, 2013, tại Việt Nam, thọ 93 tuổi. Đến nay, 11 năm ông rời cõi tạm.
Phạm Duy và Kiều
WESTMINSTER, California (NV) – Phạm Duy là một người rất “tham lam,” và đó là cái tham lam kỳ tài, tham lam tạo ra sự sống. Tôi mạn phép mượn cách nói văn hoa của người đời khi nói về ái tình, chỉ đổi chữ một chút, ví von thế này: “Hầu như tất cả nhà thơ Việt Nam đã ‘đi qua đời’ Phạm Duy rồi.”
Bìa nhạc “Minh Họa Kiều.” (Hình: Tài liệu)
Khi tôi nói “đời” đây, chẳng có gì khác hơn, chính là nhạc của ông. Kể ra thì vô số, như nhạc phổ thơ Nguyễn Bính, Phạm Thiên Thư, Du Tử Lê, Nguyễn Tất Nhiên, Hữu Loan, Lê Thị Ý, Cung Trầm Tưởng, Minh Đức Hoài Trinh… Thậm chí cho đến thi nhân sống trước ông hơn trăm năm, cũng rơi vào “đời” Phạm Duy, cùng ông để lại kiệt tác cuối cùng – “Minh Họa Kiều,” trước khi nhạc sĩ giã từ cõi tạm.
Phạm Duy là người rất say mê tác phẩm kinh điển “Đoạn Trường Tân Thanh.” Trước khi bắt tay vào làm “Minh Họa Kiều,” ông đã một lần để linh hồn của điển tích này xuất hiện trong phần ba của trường ca “Con Đường Cái Quan” (Vào Miền Nam) ông sáng tác từ năm 1954 đến 1960. Đó là bài hát “Đi Đâu Cho Thiếp Theo Cùng.”
“Đi đâu cho thiếp theo cùng
Đói no thiếp chịu lạnh lùng thiếp cam
Ví dầu tình có dở dang
Thì cho thiếp gọi đò ngang thiếp dzìa
Tới đây lạ xứ quen người
Trăm bề (mà) nhún nhẳn đừng cười tôi nghe
Ví dầu tình bén duyên thề
Thì xin kết bạn đền nghì trúc mai”
Ông đã mượn đúng bốn từ “đền nghì trúc mai” của “Truyện Kiều” để diễn tả tâm ý của người vợ tiết hạnh, khi đã nên duyên nên nợ thì nguyện cả đời theo chồng, tình nghĩa khắng khít như cây trúc, cây mai.
“Biết bao duyên nợ thề bồi
Kiếp này thôi thế thì thôi còn gì?
Tái sinh chưa dứt hương thề
Làm thân trâu ngựa đền nghì trúc mai”
(“Truyện Kiều,” câu 705 đến 708)
Chỉ khác là, duyên nợ ba sinh trong “Truyện Kiều” là những câu thơ lúc Kiều bán mình cho Mã Giám Sinh. Trước khi theo họ Mã về Lâm Tri, Kiều ngồi một mình đối bóng với đèn khuya, nhớ mối tình đã giao ước với chàng Kim nay phải dở dang, đau lòng nguyện ước nếu “tái sinh chưa dứt hương thề” thì sẽ “làm thân trâu ngựa đền nghì trúc mai.”
Còn “đền nghì trúc mai” trong “Con Đường Cái Quan” của Phạm Duy là lời ngỏ ý duyên dáng, chắc “như đinh đóng cột” của người miền Nam thủy chung. Hổng nên duyên nên nợ thì tui lên đò ngang tui dìa với tía má. Còn hợp ý ông tơ bà nguyệt, thì tui nguyện cả đời nâng khăn sửa túi. Đại khái là như thế.
Trở lại với “Minh Họa Kiều,” ông hoàn tất ba phần đầu trong thời gian ở hải ngoại, “sau đó thì tịt ngòi” – theo lời ông nói. Cho đến khi về Việt Nam, ông và con trai Duy Cường mới hoàn tất hoàn toàn phần thứ tư.
Phạm Duy biết trước, “Minh Họa Kiều” chính là tác phẩm cuối đời của ông. Ông chọn “Truyện Kiều” vì “thi phẩm này tiêu biểu cho tâm thức Việt Nam trong khi tôi đã giã từ loại nhạc thế tục để đi vào loại nhạc tâm linh. Tôi còn muốn trung thành với lý tưởng điều hợp xã hội bằng âm nhạc cho nên tôi muốn dùng lời thơ vĩ đại của Tố Như và nét nhạc nhỏ nhoi của tôi để làm nơi tự tình cho những ai đã trót lìa nhau, đã trót xa nhau hơn nửa thế kỷ” (trích “Truyện Kiều Và Tôi – Vài Lời Về Nhạc Phẩm Cuối Đời”).
Bốn phần của “Minh Họa Kiều” không bao gồm tất cả hơn 3,000 câu thơ của Nguyễn Du. Phạm Duy chỉ trích những câu chủ chốt để “minh họa” 15 năm trầm luân của nàng Kiều trong bốn phần:
Mở đầu: Giới thiệu không gian, thời gian, nhân vật.
Phần Một: Kiều gặp Đạm Tiên, bị hồn Đạm Tiên mê hoặc, đeo bám suốt 15 năm lưu lạc.
Phần Hai: Kiều gặp Kim Trọng, mối tình sâu đậm nhưng không trọn vẹn.
Phần Ba: Kiều bước vào cuộc đời luân lạc, gặp những kẻ hãm hại nàng, như Mã Giám Sinh, Tú Bà, Sở Khanh, Hoạn Thư…
Phần Bốn: Kiều gặp anh hùng Từ Hải, một bước lên ngôi phu nhân, nhưng rồi Từ Hải cũng vì nàng mà phải chết đứng.
Kết: Kiều gieo mình xuống sông Tiền Đường
Với “Đoạn Trường Tân Thanh” của cụ Nguyễn Du, chúng ta sẽ “THẤY” rõ cái bi kịch của thân phận tài sắc trước định mạng. Với “Minh Họa Kiều” của Phạm Duy, chúng ta vừa được “THẤY,” vừa được “NGHE.” Có vẻ như ông đã gom góp hết sức lực và tất cả những tinh túy ông thu nhặt được suốt cả đời sáng tác để đặt vào tác phẩm cuối đời này.
Trong “Minh Họa Kiều,” là những âm sắc của các nhạc cụ dân tộc như đàn tranh, đàn nguyệt, đàn bầu, trống, phách… cùng hòa vào các nhạc cụ Tây phương. Theo Phạm Duy giải thích, “minh họa là hiển dương, là làm tăng thêm vẻ đẹp sẵn có của thi phẩm.” Ông đã làm đúng như thế.
“Rằng năm Gia Tĩnh Triều Minh/ Bốn phương phẳng lặng hai kinh vững vàng” thì phải được minh họa bằng giai điệu tráng lệ, hào hùng. Ông diễn giải rằng: “Có pha âm sắc của nhạc Trung Quốc bởi vì đây là thời Gia Tĩnh Triều Minh.”
Cụ Nguyễn Du cho chúng ta hình dung bức tranh “ngày Xuân con én đưa thoi” với cánh đồng cỏ non xanh ngát chân trời, thì Phạm Duy cho chúng ta nghe được cả tiếng chim hót, tiếng suối chảy, âm thanh của ngày Xuân tươi đẹp.
Một lần hiếm hoi, cả hai nhân vật tinh hoa của âm nhạc Việt Nam cùng góp mặt trong một buổi sự kiện văn hóa, Giáo Sư Trần Văn Khê nói về nhạc Phạm Duy: “Không chỉ bằng sự đa dạng, phong phú thôi, mà Phạm Duy đã dám phá cách lục bát để thực hiện được những điều mà cụ Nguyễn Du mong muốn.”
Phá cách đây là cắt, đảo, lặp lại. Cụ Nguyễn Du kể rằng:
“Chàng Vương quen mặt ra chào
Hai Kiều e lệ nép vào dưới hoa”
Và Phạm Duy đã “minh họa” lại bằng câu hát:
“Chàng Vương quen mặt ra chào
Khép nép dưới hoa
Khép nép dưới hoa
Hai Kiều”
Đảo từ như thế, cộng thêm lời ca/ngâm, thật rõ ràng như thể trước mắt, hình ảnh hai nàng Thúy Kiều, Thúy Vân e lệ bên khóm hoa, kia là chàng Vương Quan hớn hở bước đến chào người quen.
Hoặc:
“Dập dìu tài tử giai nhân
Ngựa xe như nước áo quần như nêm”
Được Phạm Duy minh họa rằng:
“Dập dìu tài tử y ý
Dập dìu giai nhân ý y
Ngựa xe như nước ư ứ
Áo quần như nêm ừ ư…”
Một hình ảnh đông vui, náo nhiệt của lễ hội Thanh Minh. Người thường thường thì đi bộ, kẻ cao sang thì đi võng, cưỡi ngựa. Âm nhạc, giai điệu vui tươi, phấn khởi. Nhắm mắt mà nghe, cứ như mình đang đi lạc trong dòng người trẩy hội mấy trăm năm trước.
Phối hợp nhạc cụ dân tộc và nhạc cụ tân thời, hòa hợp dân ca, điệu hò của ba miền, mượn lời thơ rồi làm cho thơ sống động, hiện sinh, đó là kỳ tài của Phạm Duy. Giáo Sư Trần Văn Khê không xa lạ với điều này. Ông đã biết cái tôi rất lớn trong âm nhạc của Phạm Duy từ những năm 1954, khi hai người sang Pháp học.
Khi đó, Giáo Sư Trần Văn Khê hỏi nhạc sĩ Phạm Duy rằng “ông đã học được những gì?” Câu trả lời của nhạc sĩ là: “Biết cũng nhiều chuyện lắm, nhưng học với ông thầy rồi để gửi trả lại cho ông thầy, nếu để ông thầy chi phối mình thì còn gì là mình.”
“Phạm Duy không để nhạc Tây phương chi phối. Biết học và biết lúc nào phải giữ, lúc nào không. Hồn nhạc quyện hồn thơ, thơ dính vào trong nhạc,” Giáo Sư Trần Văn Khê nói về nhạc sĩ Phạm Duy như thế.
“Minh Họa Kiều” là tác phẩm cuối của Phạm Duy – người hát rong của thế kỷ. Như đã nói, ông chọn Kiều của cụ Tố Như vì muốn “làm nơi tự tình cho những ai đã trót lìa nhau, đã trót xa nhau hơn nửa thế kỷ.”
Có phải chăng, ẩn sâu trong thâm ý đó là lời gửi gắm ông để lại cho một mảnh đất – tình yêu lớn nhất mà ông và nơi đó đã trót xa lìa nhau hơn nửa thế kỷ? [qd]
—–
Liên lạc tác giả: ngo.kalynh@nguoi-viet.com
Nhạc sĩ Phạm Duy tên thật là Phạm Huy Cẩn. Ông là một trong những cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam, là tác giả của hàng ngàn bản nhạc, trong đó có nhiều bài rất nổi tiếng trước năm 1975 và sau này ở hải ngoại, như “Tình Ca,” “Tình Hoài Hương,” “Con Ðường Cái Quan,” “Mẹ Việt Nam,” “Áo Anh Sứt Chỉ Ðường Tà,” “Năm 54 Cha Bỏ Quê, Năm 75 Con Bỏ Nước,”…
Ông mất ngày 27 Tháng Giêng, 2013, tại Việt Nam, thọ 93 tuổi. Đến nay, 11 năm ông rời cõi tạm.