Tháng 3 - Hà Nội với hoa Mộc Miên - Nam Mai
Tháng 3 - Hà Nội với hoa Mộc Miên
Nam Mai
*******
Hằng năm cứ mỗi độ tháng 3 về, trên khắp các nẻo đường quê, nhất là những vùng làng quê miền Bắc, hoa Mộc Miên (còn được gọi là hoa Gạo) trổ đầy cành đã bung nở đỏ rực trên khắp các triền sông, các con đường. Nhìn từ xa giống như những đốm lửa rực rỡ tràn đầy sức sống làm nổi bật lên khung cảnh tuyệt vời của làng quê yên bình. Đã từ lâu, cùng với cây đa, bến nước, sân đình… cây hoa Gạo vốn mang một vẻ đẹp bình dị đặc trưng của vùng quê miền Bắc cũng được coi như là một biểu tượng của làng quê Việt Nam. Cây hoa Gạo từ lâu trở thành linh hồn của mỗi làng quê, nó gắn liền với ký ức của những người con xa quê nhớ về nguồn cội, nó khiến lòng người đi xa luôn nôn nao, nhung nhớ đến quê hương mình. Nhìn hoa Gạo nở đỏ rực cả một vùng in ngần trên nền trời xanh, mây trắng, cảnh sắc ấy đã in sâu vào tâm hồn biết bao thế hệ người Việt. Hoa Gạo đã đi vào thơ, vào văn và đã trở thành một đề tài riêng bất tận trong thơ và nhạc, để mỗi lần được đọc một bài thơ hay nghe một bản nhạc, lòng lại đầy khắc khoải, dâng lên một nỗi nhớ ngậm ngùi khôn nguôi.
Hoa Mộc Miên có tên khoa học là Bombax ceiba, vốn có nguồn gốc từ Ấn Độ, tuy nhiên loài cây này đã được xuất hiện tại nhiều quốc gia trong khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam. Hoa Mộc Miên còn được biết đến với nhiều tên gọi khác như hoa Gạo, Hồng Miên, hoa Pơ-lang (cách gọi của người Tây Nguyên), nhưng hoa Gạo vẫn là cách gọi quen thuộc và đằm thắm nhất trong dân gian.
Cây hoa Gạo sinh trưởng tốt trong điều kiện khí hậu nhiệt đới hoặc cận nhiệt. Thân cây thẳng, cao khoảng 15 - 20 mét, thuộc loại thân gỗ với lớp ngoài sần sùi ngả màu xám nâu. Những cành non hơn thường có một lớp gai nhọn bao bọc, tán cây xòe rộng tạo bóng mát. Lá cây có màu xanh đậm, dài khoảng 8 – 10 cm và thường rụng hết vào mùa đông. Hoa Gạo có năm cánh dày như bàn tay xòe rộng to đều, chắc chắn, mịn và nở thành từng chùm, giữa là chụm nhị và nhụy có màu nhạt hơn cánh, đài hoa cũng dày và có màu xanh. Sắc hoa màu đỏ rực hoặc pha cam vô cùng bắt mắt và thường nở vào mùa xuân, trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 4 dương lịch. Cây Gạo đặc biệt ở chỗ khi hoa nở, hầu như chẳng thấy lá xanh, lạ lùng là cây càng già, càng to thì đơm bông càng nhiều, ngỡ như bao nhiêu nhựa sống, tinh túy của cây đều dồn hết cho sắc hoa tươi thắm ấy.
Sau khi hoa tàn, quả Mộc Miên sẽ xuất hiện, quả của cây Mộc Miên khi chín có thể xử dụng để chế biến sợi bông, làm thành chăn, gối, nệm.... rất mềm và mát. Hoa Mộc Miên thường được nhiều người xử dụng để trang trí nhà cửa, giúp không gian nhà ở thêm phần đẹp và rực rỡ hơn. Trong y học phương Đông, hoa Mộc Miên còn có công dụng rất tốt trong việc trị bệnh: vỏ cây giúp thanh nhiệt, giảm sưng đau; vỏ cây cũng có thễ dùng làm dây thừng... hoa dùng để pha trà, giải độc, và dùng để bào chế thuốc đuổi côn trùng.
Dường như ông trời đã ưu ái cho tiết trời tháng 3 để cho hoa Gạo trổ bông đỏ thắm các làng quê, vì vào tháng ba, người ta thường nhắc nhau qua câu ca dao: "Bao giờ cho đến tháng ba. Hoa gạo rụng xuống, bà già cất chăn”. Tức là vào thời điểm hoa Gạo nở rộ "rực lửa" khắp nơi cũng là tín hiệu để biết rằng những cái rét mướt của ngày xuân sắp qua đi, để chuẩn bị đón những ánh nắng vàng rực rỡ của mùa hè sẽ đến. Hoa Gạo chẳng rực rỡ quanh năm, loài hoa của tháng 3 này chỉ nở rực rỡ nhất trong khoảng 1 tháng. Có một điều đặc biệt ở hoa Gạo đó là vòng đời của hoa tuy ngắn ngủi chỉ kéo dài được vài ngày, nhưng ngay cả khi lìa cành rụng xuống, bông hoa không rơi rớt từng cánh trong sự lẻ loi tàn tạ, mà nhẹ nhàng rủ bỏ cả bông và vẫn giữ được màu sắc đỏ rực nguyên vẹn không hề bị tàn lụi, kém sắc hay héo úa như những loài hoa khác.
Hoa Gạo khi lìa cành rụng xuống (hình lấy từ Internet)
Cây hoa Gạo có một sức sống thật đáng kinh ngạc. Vào mùa đông lá cây Gạo rơi xuống để lại cây và cành trơ trụi như những cánh tay khẳng khiu vươn dài. Nhưng đến mùa xuân, từ các nhánh cây tưởng chừng đã chết khô vì cái giá rét, thì những nụ hoa Gạo cứng cỏi nứt ra, và khi tháng 3 đến chúng cùng bung nở hoa đỏ rực cả bầu trời. Hoa Gạo với vẻ đẹp rực rỡ mà không kiêu sa, mạnh mẽ và tràn đầy sức sống dù đời hoa mong manh và ngắn ngủi.
Ở Việt Nam, nhất là ở đồng bằng miền Bắc, hầu như ngôi làng nào cũng có một gốc Gạo cổ thụ. Cây hoa Gạo thường được trồng nhiều trên những con đường vào làng, cổng làng, cổng đình chùa miếu mạo, những địa điểm tâm linh, dọc những bờ kênh, bờ mương, trên những gò đất giữa đồng ..… là hình ảnh gắn liền với vẻ đẹp mộc mạc, bình dị của làng quê Việt Nam, tô đẹp thêm cho bức tranh quê hương với cây đa, cây gạo, bến nước, sân đình quen thuộc. Nó chính là nơi lưu giữ cả khoảng trời ký ức miền thôn quê, gắn liền với tuổi thơ bình dị, khiến ai cũng phải xao xuyến, bồi hồi nhớ về kỷ niệm mỗi khi nhìn thấy màu hoa rực đỏ giữa đất trời. Những cây hoa Gạo như những người kể chuyện thời gian gom góp chút kỷ niệm thân thuộc ngày xưa... là miền ký ức gợi thương gợi nhớ cho những người xa quê khi được đắm chìm trong màu hoa rực lửa đẹp đến nao lòng.
Cây hoa Gạo thường được trồng trên đường vào làng, những địa điểm tâm linh, hay dọc theo những bờ kênh, bờ mương …..(hình lấy từ Internet)
Tháng 3, trên khắp các nẻo đường quê, hay mái ngói của nội thành Hà Nội, nhìn hoa Gạo bung nở đỏ rực, những người yêu hoa luôn có cảm giác chờ đợi, trong lòng nôn nao khó tả để rồi mỗi khi hoa nở họ lại hạnh phúc khi được chìm đắm trong sắc hoa. Vào khoảng thời gian này, du khách và các nhiếp ảnh gia đều đua nhau đến các địa điểm nổi tiếng có nhiều hoa Gạo nhất để ghi dấu lại những khoảnh khắc thắp lửa tháng 3 với loài hoa mộc mạc, bình dị mà chỉ ra hoa đúng một lần trong năm.