Ông Giao Chỉ và giấc mơ để lại cho mai sau
Ông Giao Chỉ và giấc mơ để lại cho mai sau
Tuấn Khanh
(Ảnh Cao Trí)
Có một bức ảnh nhỏ được trưng bày ở ngay lối vào của Viện Bảo Tàng Người Việt tại San Jose. Bức ảnh có nội dung đơn giản, lọt thỏm giữa những hình ảnh gai góc, dữ dội nhất của viện bảo tàng, hút trọn ánh nhìn của người khác. Bức ảnh ghi lại khoảnh khắc những đứa trẻ Việt Nam ngày đầu ly hương, bộn bề giữa miếng ăn và những điều mới mẻ đánh vật với đời hội nhập, được dắt dìu vào bài học chữ Việt.
Căn cước của chúng ta – những hậu duệ Việt Nam Cộng Hòa
Bức hình được chụp ở Falls Church, Virginia, cho thấy những năm tháng di dân đã bước vào giai đoạn tương đối ổn định. Việc tìm về nguồn cội được những con người tất tả chạy khỏi quê hương với những mất mát đau đớn – thậm chí là những khoảng trắng không thể điền vào được bất kỳ một mô tả nào – đã bắt đầu được dựng lại với bài học về ơn nghĩa sinh thành.
Không có kể lể về sự thương đau hay ẩn chứa hận thù nào, bức ảnh sống động như một lát cắt về sự hình thành của cộng đồng người Việt Nam đến Mỹ sau năm 1975.
Có hàng ngàn những bức ảnh như vậy mô tả hình ảnh người Việt dựng một quê hương mới ở Bắc bán cầu, mà Việt Museum đang gìn giữ. Mọi thứ giống như một bài diễn từ câm lặng nhưng sục sôi và đầy sức sống của hàng triệu con người buộc phải rời khỏi ngôi nhà của mình dấn thân ra biển.
Mùa hè 2023, khi đến thăm Việt Museum, nằm ở 1650 Senter Rd, San Jose, nhóm phóng viên Saigon Nhỏ thấy một chiếc thuyền vượt biên từ miền Tây Việt Nam được phục dựng, nằm bên hông viện bảo tàng. Chiếc thuyền dài chỉ có mấy mét, chứa 5-7 con người, vượt những cơn bão khổng lồ gấp vài chục lần sức chịu của nó, nhưng rồi cũng đã đến được bờ đại dương mới.
Bằng một niềm tin và niềm hy vọng kỳ lạ nào đó, những công dân Việt Nam Cộng Hòa vô danh mới đủ sức mạnh sinh tồn lạ thường như vậy. Trong viện bảo tàng có những ghi chú về thuyền nhân Việt Nam ra biển: Có một thời bức ảnh Mẹ Quan Âm cưỡi con rồng đen, hiện ra cứu độ những chiếc thuyền mỏng manh giữa biển, được truyền khẩu như một huyền thoại, khiến những gia đình xuống thuyền thường bí mật mang theo bức ảnh đó trong túi áo như một niềm hy vọng giữa đêm đen. Những câu chuyện nhỏ và xao động lòng người như vậy, liệu có ai còn nhớ qua những năm tháng bắt đầu cơm no áo đủ?