CA NHẠC SĨ VIỆT DZŨNG- Tuấn Khanh

Ca Nhạc Sĩ Việt Dzũng

Tuấn Khanh

 
 
Nhạc sĩ Việt Dzũng mất khi chỉ còn vài ngày nữa là đến đêm Giáng sinh, bỏ lỡ những cuộc hẹn trước với bạn bè, không kịp nói lời chia tay. Anh mất vào ban mai ngày 20 Tháng Mười Hai 2013. Buổi sáng định mệnh ấy, khi những người thân loan tin cho nhau, không ai tin được. Mọi người sửng sốt hỏi lại dè dặt, vì biết đâu có thể đó là một trò đùa nào đó ngày thường của Việt Dzũng chăng?
 
Giống như một trò đùa của tạo hóa. Mới đêm hôm trước anh còn ngồi với những người bạn trẻ, anh còn nói về ước mơ của mình, nếu như có một ngày mai khác ở Việt Nam, anh sẽ về làm đài phát thanh, một trong những nghề mà anh thành danh trước khi đến Hoa Kỳ. Nhắc đến Giáng sinh, anh hát không đàn cho mọi người nghe vài câu trong bài Noel Rồi, Đừng Hờn Anh Nữa, Bé Ơi.
 
Bài tình ca Giáng sinh này, anh viết năm 1999 và tự mình hát theo yêu cầu của trung tâm sản xuất, cùng với các danh ca như Duy Quang, Khánh Ly… Đây cũng có lẽ là bài hát về Giáng sinh duy nhất của anh lọt về Việt Nam trong những ngày tháng còn đầy những khó khăn về kiểm duyệt văn hóa. Trên YouTube, những khán giả thời thanh xuân cùng anh đã ghi lại nhiều cảm xúc khi nghe lại. Một trong những comment của một người có tên Ngọc Anh, viết rằng “Anh ấy đã ra đi mãi mãi rồi, mong cho linh hồn anh dưới đây được an nghỉ trong Chúa. Amen.”
 
Việt Dzũng đã rời khỏi cuộc chơi trần gian chín năm, nhưng tiếng hát và hình ảnh của anh vẫn đọng lại trong rất nhiều người, trong cả âm nhạc và lý tưởng sống. Tháng Tư 1975, anh cùng bà ngoại ra biển tìm một cuộc sống mới, và cập cảng Singapore.  Sau đó anh chờ định cư nước thứ ba ở trong trại tỵ nạn Subic, Phi Luật Tân.
 
 Nhớ về chuyến đi đó, Việt Dzũng kể anh không muốn mình sống tẻ nhạt trong cuộc đời tỵ nạn nên tình nguyện làm nhiều thứ, từ việc đón tiếp đồng bào tị nạn mới tới, sinh hoạt trong hội Hồng Thập Tự, hội USCC, cộng tác với tờ báo của trại, làm thông dịch viên giúp đỡ nhiều người chung quanh, và đặc biệt nổi tiếng với cái tên “Việt Dzũng phát thanh” của trại tỵ nạn. Những năm chờ đi nước thứ ba, bằng tài ăn nói và văn nghệ, Việt Dzũng là ngôi sao tin tức và giải trí của trại.
 
Thời gian đó, anh được nhiều người đưa những băng cassette nhạc mang theo để nhờ phát trên đài, nhắn tìm người thân, Việt Dzũng nhanh chóng nhận ra rằng sức mạnh của âm nhạc trong một cộng đồng đang tuyệt vọng. Anh quyết định đánh ra nhiều băng, phân phối trong cộng đồng người Việt vượt biển với tôn chỉ “mang âm nhạc bên mình là mang theo cả quê hương”. Ảnh hưởng của âm nhạc miền Nam Việt Nam trước 1975 tiếp tục lan truyền trong mỗi gia đình mới định cư chính là sự thôi thúc các trung tâm âm nhạc hải ngoại ra đời, dựng lại một không gian văn hóa của người Việt ly hương.
 
Ở lại trại gần đến ngày cuối cùng trước khi trại đóng cửa, anh được Đức Cha Bernard Law, Giám Mục địa phận Springfield, Missouri, bảo trợ và gởi đến tạm trú trong một gia đình người Mỹ. Năm 1976, Việt Dzũng tiếp tục học lớp 11 ở trường Trung học St. Agnes, Missouri và tự trau dồi thêm về âm nhạc theo sở thích và đam mê từ nhỏ của anh. Tại đây, anh bắt đầu sinh hoạt ca hát với các anh chị em thuộc cộng đồng Việt Nam. Anh cũng xuất hiện trên đài truyền hình KOZK21 ở Springfield.
 
Thời điểm đó, Việt Dzũng cũng bắt tay vào cuộc đời âm nhạc của mình. Nhanh chóng anh nhận được giải Iowa Grand Ole Opry. Năm 1985, Việt Dzũng cho ra đời một băng nhạc hoàn toàn bằng Anh ngữ Children of the Ocean, được coi là hình ảnh của một tinh thần vượt lên và hòa hợp với đời sống mới từ cộng đồng tỵ nạn cộng sản. Được mời tham gia âm nhạc dòng chính của Hoa Kỳ lúc này, nhạc sĩ Việt Dzũng từ chối, quyết học thêm và dùng sức của mình cho cộng đồng Việt Nam ngoài quê hương.
 
 Năm 1993, nhạc sĩ Việt Dzũng bước vào một lĩnh vực khác là truyền thanh. Sự cách tân, thoát khỏi phong cách truyền thông nghiêm nghị và một chiều của radio đã làm cho nhiều người thích thú: Việt Dzũng xem buổi truyền thanh như một cuộc trò chuyện gia đình với khán giả, vui cười và gần gũi. Phong cách này đã tác động lớn đến khối truyền thanh của người Việt hải ngoại, với lối nói chuyện vui và không ngại trêu ghẹo người đối diện khiến khán giả lẫn người được phỏng vấn đều thích thú.
 
Nhạc sĩ Việt Dzũng là người duy nhất phỏng vấn được gần như toàn bộ ca nhạc sĩ hải ngoại như Chế Linh, Thái Thanh, Hà Thanh, Văn Phụng, làm thành một kho dữ liệu văn nghệ vô cùng sống động và quý giá. Người được coi là khép kín và khó tiếp cận nhất là ca sĩ Ngọc Lan cũng đồng ý thực hiện một talkshow trên đài VOA với Việt Dzũng vào Tháng Mười 1994.
 
Bài hát cuối về Giáng sinh mà những người bạn của nhạc sĩ Việt Dzũng ở Little Saigon được nghe anh Dzũng hát là trong số gần 500 bài hát đủ thể loại của anh. Đặc biệt khán giả ghi nhớ là hai album Kinh Tỵ Nạn (1980) và Lưu Vong Khúc (1982). Những bài hát như Một chút quà cho quê hương, Lời Kinh đêm… không chỉ là những bài hát khiến nhiều thế hệ người Việt lặng nghe trong tâm cảm mà còn là những bài sử ca về một giai đoạn đau thương của người Việt.
 
Tên tuổi của Việt Dzũng còn gắn liền với phong trào của Hưng Ca, cùng với người sáng lập là ca sĩ Nguyệt Ánh. Ít ai biết Việt Dzũng được cha của ca sĩ Nguyệt Ánh là Đại tá Nguyễn Văn Y (1922-2012) nhận làm con nuôi. Ông Y nguyên là Tổng Giám đốc Cảnh sát Đô Thành Sài Gòn kiêm Đặc ủy trưởng Trung ương Tình báo. Phong trào âm nhạc chính trị Hưng Ca với sự có mặt của Việt Dzũng đã phát triển rộng khắp nhiều quốc gia và trở thành làn sóng sinh hoạt âm nhạc mạnh nhất, cho đến nay chưa có đối thủ.
 
Tháng Tư 1985, ca sĩ Nguyệt Ánh (Sao đành xa em, Em vẫn mơ một ngày về, Trả ta sông núi, Biển Đông dâng sóng tự do…) khởi xướng Phong trào Hưng Ca Việt Nam tại Washington DC và Houston, Hoa Kỳ và từ đó lan đi Canada, Hà Lan, Úc… Những gương mặt đầu tiên trong đó là Hà Thúc Sinh-trưởng đoàn, Nguyệt Ánh, Việt Dzũng, Châu Đình An, Huỳnh Công Ánh, Khúc Lan, Trần Lãng Minh, Tuấn Minh, Nguyễn Hữu Nghĩa, và Phan Ni Tấn. Phong trào lặng dần kể từ khi sức khỏe của nhạc sĩ Việt Dzũng và Nguyệt Ánh yếu đi, không còn đi lưu diễn nữa, kể từ sau năm 2015.
 
Nhạc sĩ Việt Dzũng ghi dấu ấn lớn trong lòng người Việt, và mãi mãi với các chương trình ca nhạc của Trung tâm Asia mà anh tham gia với vai trò người dẫn chương trình từ năm 1996. Sự có mặt của anh cùng lời dẫn là một thái độ chính trị khác biệt và dứt khoát đã thu hút hàng triệu người đồng chí hướng.
 
Trên các chuyến xe đò đi liên tỉnh vào ban đêm tại Việt Nam, giới tài xế thậm chí vẫn phát các bản đĩa video của Trung tâm Asia, bất chấp có thể bị gây khó, đơn giản vì khán giả vẫn yêu thích và yêu cầu. Năm 2006, Bộ Văn hóa Thông tin Việt Nam buộc phải ra lệnh chấm dứt không được phát các bản nhạc của Trung tâm Asia, hoặc tối thiểu phải cắt toàn bộ phần giới thiệu và trò chuyện của Việt Dzũng và Nam Lộc.
 
Nhạc sĩ Việt Dzũng có vô số người hâm mộ, quen biết hoặc bạn bè. Thế nhưng với một ít người chung quanh mà anh có thể tâm tình, anh nói mình cảm thấy cô đơn khủng khiếp. Là một người Công giáo lý trí, anh hầu như không đi nhà thờ nhưng viết và hát rất nhiều về Chúa. Một tháng trước khi mất, anh liên tục ghi âm các bài về Thiên Chúa và cậy mong Chúa dẫn đường.
 
Lúc đó tiếng hát của anh đã khàn, hơi đã yếu nhiều lắm rồi, anh như dự cảm trước những điều sẽ tới. Bác sĩ khuyên anh bỏ thuốc và nghỉ ngơi thì mới có thể sống được. Lúc đó, anh tăng lượng thuốc hút đến hơn hai gói mỗi ngày. Cứ chốc lát, anh lại châm thuốc như thể nuôi cuộc sống bằng đốm lửa. Anh cười và hỏi đùa bác sĩ “vậy thì tôi sẽ sống trong lành như vậy đến bao lâu?”.
 
Bác sĩ thuyết phục anh dùng mạch máu từ tim heo để thay cho một số sợi ở tim đã hư hại. Lẽ ra với người thường thì sẽ được lấy mạch máu từ chân để dùng nhưng đôi chân anh đã khuyết tật từ bé, nên mạch máu không thể dùng được. Anh lại cười, nói với những người quen: “Chết, anh không thể đối diện Chúa bằng trái tim heo. Anh không thể cho heo vào tim mình”.
 
Trước khi mất, vài lần anh đã suýt đi cấp cứu vì mệt bất thường. Chung quanh anh bao giờ cũng có kẹo để mỗi khi bị như vậy, anh ăn vội vào, kịp lấy hơi thở bấm máy gọi cho người quen. Sáng ngày 20 định mệnh, lẽ ra anh sẽ đến phòng ghi âm của đài Radio Bolsa như thường lệ, nơi anh làm việc và cất tiếng chào thính giả, nhưng anh đã nằm lại, không kịp chia tay với ai. Người nhà cố gắng đưa anh nhanh đến bệnh viện Fountain Valley, Orange County, nhưng có lẽ anh đã mệt. Có lẽ anh muốn ngừng cuộc hành trình ở tuổi 55.
 
 
Đám tang nhạc sĩ Việt Dzũng là một trong những đám tang hiếm hoi ở miền Nam California có đến hàng ngàn người đi viếng và khóc. Nhiều người đã xếp hàng dài để nhìn anh lần cuối ở Good Shepherd Cemetery, thành phố Huntington Beach, miền Nam California. Mọi thứ thật hụt hẫng. Âm nhạc và sinh hoạt cộng đồng sau khi Việt Dzũng ra đi cũng không còn được như trước.
 
Ngày 1 Tháng Năm 2014, Thượng viện tiểu bang California đã đồng thuận đặt tên cho đoạn xa lộ Highway 39 thuộc Orange County là Việt Dzũng Human Right Memorial Highway, nhằm tưởng nhớ và vinh danh những hoạt động không mệt mỏi của một nhạc sĩ tỵ nạn mang tên Việt Dzũng, một cái tên mãi nằm trong ký ức cộng đồng người Việt ly hương.
 
Tuấn Khanh
 
Xin mời thưởng thức Việt Dzũng Trong Trái Tim Việt Nam 
 
 
********
 

Việt Dzũng - bạn tôi

  • Trần Nhật Phong
  • Gửi cho BBC từ California
Nhạc sỹ, ca sỹ Việt DzũngChụp lại hình ảnh,

Việt Dzũng trình bày ca khúc 'Một chút quà cho quê hương' trong video của Trung tâm Asia

Tôi quen Việt Dzũng từ những năm đầu thập niên 90, lúc đó cả hai chúng tôi đều làm nghề phát thanh, Việt Dzũng và Minh Phượng là đôi bạn xướng ngôn viên ăn khách nhất của đài Little Saigon Radio, còn tôi thì làm bên đài Văn Nghệ Truyền Thanh.

Những năm sau đó Việt Dzũng và Minh Phượng rời bỏ Little Saigon Radio, sáng lập chương trình Radio Bolsa, còn tôi thì cuối thập niên 90 lại về đầu quân trong Little Saigon Radio.

Trong suốt thời gian này chúng tôi có nhiều dịp sinh hoạt chung với nhau, từ những cuộc đấu tranh xã hội, cho đến những chương trình đại nhạc hội lớn đóng góp cho cộng đồng.

Những buổi hát cộng đồng do anh Trầm Tử Thiêng và anh Ngô Mạnh Thu chủ xướng, gây quĩ cứu trợ cho nạn nhân 911, gây quĩ xây dựng tượng đài chiến sĩ Việt-Mỷ, Việt Dzũng luôn là người tiên phong, chưa bao giờ tôi thấy anh mệt mỏi.

Trong Việt Dzũng, dường như lúc nào cũng có hai hình ảnh luôn song hành, một con người tranh đấu xã hội bằng phương tiện truyền thông, một con người đầy nghệ sĩ tính với những ca khúc được xem là chinh phục không những riêng những người Việt hải ngoại mà còn ngay cả những người bên kia chiến tuyến.

Việt Dzũng xem truyền thông và văn nghệ là phương tiện đấu tranh, dù đấu tranh chính trị hay xã hội, anh luôn là người đi tiên phong. Đối với những người triệt để chống cộng, từ nhiều năm nay, Việt Dzũng luôn là người đốt lên những ngọn lửa cho họ, anh có biệt tài kêu gọi đám đông, mổi khi có sự kiện nóng bỏng, anh luôn là người tạo ra khí thế cho mọi người.

Ngoài tài sáng tác nhạc, và duyên dáng khi làm MC, Việt Dzũng có một khả năng khá đặc biệt mà không dể ai làm được, đó là trong cùng một thời gian anh có thể làm đôi ba công việc một lúc, vừa phỏng vấn trực tiếp trên radio, tay thì đánh máy liên tục, mắt vẫn nhìn vào màn hình để đọc và tai vẫn nghe đối tượng trả lời để xoáy thêm câu hỏi khác.

Trong hơn 10 năm trở lại đây, chúng tôi ít có dịp gặp gỡ nhau do nhu cầu công việc, một phần vì chúng tôi đã nhận rõ sự khác biệt về quan điểm đấu tranh xã hội, một phần Việt Dzũng quá bận rộn với những chương trình của đài truyền hình SBTN và trung tâm Asia, còn tôi thì bận rộn với phòng lồng tiếng và công việc bên báo chí.

Tuy nhiên những lúc gặp nhau trong giây lát chúng tôi vẫn đùa giỡn chọc phá lẫn nhau, tuần trước chúng tôi còn gặp nhau trong đại nhạc hội cứu trợ Phillipines và Việt Nam, thế mà chưa đầy năm ngày, tin Việt Dzũng mất khiến tôi vẫn còn bị "sốc".

Trước đó vài ngày, giới văn nghệ chúng tôi còn đang ngở ngàng trước sự ra đi của nhạc sĩ Huỳnh Anh, tác giả của các nhạc phầm nổi tiếng như 'Loan Mắt nhung', 'Thuở Ấy Có Em', Mưa Rừng'...

'Trái tim mãnh liệt'

<iframe width="560" height="315" src="//www.youtube.com/embed/OSEa2yzYfoE" frameborder="0" allowfullscreen></iframe>

Nay giới văn nghệ lại chấn động, tác giả của những ca khúc từng khiến chúng tôi rơi lệ những năm tháng ở trại tị nạn như 'Một Chút Quà Cho Quê Hương', 'Tình Ca Nguyễn Thị Sài Gòn' v.v... đã rời bỏ chúng tôi một cách quá đột ngột ở tuổi đời 55.

Tin Việt Dzũng mất, không những là "sốc" đối với tôi, mà cả cộng đồng người Việt ở hải ngoại cũng "sốc", Việt Dzũng còn quá nhiều việc vẫn chưa làm xong, nổi ray rức đấu tranh cho công bằng xã hội, cho tiếng nói của người dân bên kia bờ đại dương vẫn còn đó, anh đã bỏ cuộc chơi một cách bất ngờ.

Trong quá khứ, những lời kêu gọi tranh đấu của Việt Dzũng, những cuộc vận động hành lang ở quốc hội Hoa Kỳ, những lần xuống đường phản đối sự cứng rắn của an ninh Việt Nam đối với những người bất đồng chính kiến, tên tuổi của Việt Dzũng đã không ít lần được báo Công An nhắc nhở đến.

Họ luôn gán cho Việt Dzũng là một thứ 'hung thần" văn nghệ, tạo cho người trong nước nhìn thấy một hình ảnh Việt Dzũng như một thứ "ông kẹ" ở Hoa Kỳ.

Nhưng thực tế, những ai đã một lần tiếp xúc qua với Việt Dzũng, đều thấy rõ, con người hừng hực lửa đấu tranh của Việt Dzũng, chưa hề đe dọa ai, chưa hề cản trở một nghệ sĩ nào hành nghề, dù người đó ở Hoa Kỳ hay Việt Nam sang.

Với tôi hình ảnh Việt Dzũng vẫn là một đôi nạng, với trái tim mãnh liệt phục vụ cho cộng đồng, cho xã hội. Nay Việt Dzũng đã rời bỏ chúng tôi, nhưng chắc chắn người trong cộng đồng sẽ không quên những đóng góp to lớn của Việt Dzũng.

"Em gởi về cho anh, dăm bao thuốc lá, anh đốt cuộc đời cháy mòn trên ngón tay, gởi về cho mẹ dăm chiếc kim may, mẹ may hộ con tim gan quá đọa đày, gởi về cho chị hộp diêm nhóm lửa, chị đốt cuộc đời trong hoang lạnh mù sương, gởi về cho em chiếc nhẫn yêu thương, em bán cho đời tìm đường vượt biên, con gởi về cho cha vài viên thuốc ngủ, cha ru cuộc đời trong tử tù chung thân, gời về Việt Nam khúc hát ân cần, mơ ước yên lành trong giấc ngủ da vàng....."

Ca từ này của Việt Dũng lại một lần nữa khiến tôi khóc, và tôi biết nhiều người cũng như tôi sẽ khóc khi nghe lại ca khúc này, Việt Dzũng thật sự đã yên bình trong "giấc ngủ da vàng".

 

Trần Nhật Phong

Bài viết phản ánh quan điểm riêng và văn phong của tác giả, một nhà báo, đạo diễn phim đang sinh sống và làm việc tại Hoa Kỳ.

 

 Một người hâm mộ Việt Dzũng là Thanh Quang nói: “…Một trong những bài nhạc mọi người hay hát nhất, nếu tôi nhớ không lầm là bài Chút Quà Cho Quê Hương. Cho đến khi anh mất rồi, tôi mới chợt nhớ ra rằng,Việt Dzũng chính là món quà của quê hương…”

 

 
Chỉnh sửa lần cuối vào %PM, %19 %085 %2023 %20:%12
back to top