Ngày nay, chiếc khăn vấn được xem là biểu tượng đặc trưng, theo như cách nói bây giờ, là “thuần Việt”. Dẫu vậy, nhận thức và áp dụng khăn vấn ngày nay lại đi ngược hoàn toàn truyền thống, không phải theo hướng tích cực hơn mà ngày càng trở nên cồng kềnh và phô trương quá mức.
Theo bộ ảnh thì đây là gia đình họ Vi ở Lạng Sơn, một đại phú thời Nguyễn mạt. Cách vấn nam giới theo kiểu quý tộc nam miền Bắc điển hình
Nguyên nhân cũng vì người hiện đại dần mất đi nhận thức về khăn vấn, điều đáng lẽ không thể xảy ra ở một đất nước “trọng những nét truyền thống văn hóa” như cách bây giờ họ tự hào.
Còn với phụ nữ thì lại đa dạng hơn, nhưng có những đặc trưng. Phần lớn các phụ nữ miền Bắc là luồng tóc thật vào khăn, còn kinh sư lại kiểu vấn Khăn vành, tức là khăn và búi tóc riêng biệt. Tuy nhiên, ở kinh sư thỉnh thoảng vẫn có người búi tóc kiểu miền Bắc và ngược lại.
Riêng phụ nữ miền Nam, rất hiếm ảnh cho thấy họ vấn khăn, mà phần lớn là búi tóc sau gáy.
Phụ nữ vấn khăn khá đa dạng, phần mái vuốt hết ra sau hoặc chẻ ngôi giữa, điểm chung có thể kể đến là họ rất trọng sự gọn gàng của phần mái, thể hiện sự trang nhã.
Kiểu vấn khăn nam giới thường có một điểm chung là không để lộ mái tóc trước trán. Hầu hết nam giới đều chỉ vấn theo một kiểu búi tóc cột riêng sau gáy, và khăn vấn lên
Có thể nói, Khăn vấn là một dạng phục sức đã ăn sâu vào nhận thức của người Việt khi nói đến những trang phục truyền thống.
Đây là dạng phục sức thịnh hành vào triều đại gần nhất là nhà Nguyễn, theo lẽ dĩ nhiên phải ấn tượng nhất trong tâm thức người Việt. Song thật trớ trêu rằng ở thời hiện đại, tuy luôn tôn vinh những hình ảnh khăn vấn áo thụ lĩnh, nhưng người Việt lại chưa hiểu và biết rõ hoàn toàn tính chất của loại phục sức này.
Xuất xứ chính xác của loại phục sức này đến nay vẫn hoàn toàn không chắc chắn, song những nhận định trong Ngàn năm áo mũ (Trần Quang Đức) đều khá hợp lý rằng nó trở nên phổ biến vào đầu thời Nguyễn, cùng với áo Thụ lĩnh (loại áo cổ đứng, chính là dạng áo tiền đề của loại trang phục mà ngày nay gọi là “áo dài”). Với chức năng làm gọn tóc để tránh nóng, người An Nam thời Nguyễn dần chú ý hình dáng của nó để kiểu cách hơn, hợp với nhu cầu làm đỏm, và đến cuối thời Nguyễn nó đã đạt đến hình thái ổn định. Nhưng do sự đứt gãy văn hóa trầm trọng ỏ Việt Nam thời hiện đại, đã khiến hình ảnh Khăn vấn trở nên lệch hẳn ra khỏi khái niệm ban đầu, và biến thành thứ hoàn toàn xa lạ.
Khăn vấn đối với nam và nữ có nhiều khác biệt. Trong đó nam giới sẽ búi tóc sau gáy thành kiểu củ tỏi, rồi vấn khăn quanh đầu gọn gẽ, không chừa tóc mái, vì toàn bộ tóc đã chải gọn ra phía sau. Còn nữ giới có loại thể thức cơ bản là độn tóc, lẫn tóc thật hoặc tóc giả, từ Bắc đến Huế tuy kiểu luồn khăn có khác nhau, song đây vẫn là thể thức chính. Phụ nữ do luồn tóc vào khăn, nên phần mái chẻ đôi hiện ra chứ không bị che đi như nam giới, vì vậy ở miền Bắc khi làm lụng thì phụ nữ còn phủ khăn mỏ quạ cho kín hết cả đầu.
Khăn vành dây là một loại chỉ có ở phụ nữ, một dạng thức dùng khổ vải lớn và rộng. Sau khi vấn tóc quanh đầu theo thể bình thường, họ đè khăn vành lên và vấn bao phủ hết đầu theo nhiều vòng, loại thức này khiến phụ nữ giống nam giới ở chỗ phần trán được che kín bởi khăn vấn. Khăn vành càng đẹp khi vấn nhiều vòng (dù cao lắm là 30 vòng), do đường vân vải thể hiện rất rõ, rất đẹp.
Tác dụng cơ bản của khăn vấn là làm gọn gẽ tóc tai, nên phần khăn trừ màu sắc và chất vải, ngoài ra không còn trang trí gì thêm. Sự gọn gàng này không có gì lạ nếu so với việc chỉ dùng kiểu tóc thời Lý-Trần, hay xõa dài thời Lê, và người phụ nữ dùng trang phục để làm rực rỡ thân phận, chứ không dùng cả núi trang sức lên đầu như Trung Hoa.
Tuy nhiên, thời kì hiện đại, do hậu quả của giai đoạn đứt gãy văn hóa diễn ra khá mạnh mẽ sau khi nhà Nguyễn sụp đổ, cũng làm hình ảnh Khăn vấn khá biến dị.
Sự độn tóc trong khăn vấn nữ không còn được hiểu rõ, khiến các loại khăn vấn như độn bông và tóc tai nữ giới gần như lòa xòa. Nam giới do có khăn xếp cuối thời Nguyễn, cộng với xu hướng tóc ngắn, nên nhìn chung không bị tình trạng này, nhưng ý thức tóc tai gọn gàng cũng bị bào mòn và phá vỡ ở thời hiện đại, và dần xuất hiện nam giới để cả tóc mái khi đội khăn xếp. Khăn vành dây được đóng như khăn xếp, là dạng thức mà ta gọi là “Mấn”, cũng không còn như nguyên bản. Do là hàng đóng sẵng, nên có thể đính một vài thứ để trang trí, và nghệ thuật cải lương đã “tiên phong” cho loại hình này. Theo dòng phát triển, Mấn cũng “quang minh chính đại” thoát li trở thành loại phục sức độc lập, khi được làm từ đủ thứ chất liệu chứ không còn trong phạm vi khăn xếp nữa. Nó đôi lúc to bản như Khăn vành dây, nhưng cũng đôi lúc lại nhỏ như Khăn vấn, và vì sao trở thành loại phục sức độc lập khác với dạng thức cũ? Vì người ta dùng nó để “đội lên đầu” như một dạng băng-đô.
Những loại hình này được ưa chuộng do nhận thức hiện đại, không có gì phải bàn cãi, nhưng rồi đáng ngạc nhiên là nó thoáng chốc trở thành biểu tượng của “nét đẹp truyền thống” từ trên trời rơi xuống.