NHẤT DƯƠNG CHỈ, NHỊ THIÊN ĐƯỜNG

NHẤT DƯƠNG CHỈ, NHỊ THIÊN ĐƯỜNG

Người miền Nam từ đầu thế kỷ XX cho đến thập niên 1970 đều biết đến thương hiệu “Nhị Thiên Đường” của nhà thuốc cùng tên trên đường Triệu Quang Phục, Chợ Lớn. Ngày nay nhà thuốc Nhị Thiên Đường không còn mà tên chỉ còn được nhớ đến qua cây cầu Nhị Thiên Đường ở quận 8.


Sách Vệ sanh chỉ nam

Các cuốn sách Nhị Thiên Đường – Vệ sanh chỉ nam in hàng năm từ 1920 đến 1939, do nhà in Imprimerie Nguyễn Văn Của, 13 rue Lucien Mossard, Saigon được chủ nhân nhà thuốc Nhị Thiên Đường nhờ in cho ta nhiều thông tin về chủ nhân và hoạt động của nhà thuốc này. Sách Vệ sanh chỉ nam được phát không cho mọi người từ thành thị đến nông thôn và rất được ưa chuộng ở các bến xe lục tỉnh. Bài này dựa vào một số các sách Vệ sanh chỉ nam của nhà thuốc Nhị Thiên Đường mà Thư viện Quốc gia Pháp và Thư viện Quốc gia Việt Nam may thay còn giữ lại.

Ông chủ nhân Vi Thiều Bá là người quen biết khá nhiều các nhà văn, nhà báo ở Sài Gòn và Chợ Lớn như các ông Nguyễn Kim Đính (chủ nhiệm Đông Pháp Thời Báo), Lê Hoằng Mưu (tác giả Hà Hương Phong nguyệt, Oan kia theo mãi), Nguyễn Chánh Sắt (chủ bút Nông Cổ Mín Đàm và tác giả nhiều tiểu thuyết như Nghĩa hiệp kỳ duyên, Tài mạng tương đố, Gái trả thù cha, Lòng người nham hiểm), Hồ Biểu Chánh (tác giả Ngọn cỏ gió đùa, Chúa tàu Kim Quy, Cay đắng mùi đời…).

Ngay trong các sách Vệ sanh chỉ nam của nhà thuốc Nhị Thiên Đường cũng in các truyện đã xuất bản trên các nhật báo hay đã in thành sách trước đó, cho khách mua thuốc hay người vãng lai xem vì tiểu thuyết lúc bấy giờ rất thịnh hành, như truyện của nhà văn Nguyễn Chánh Sắt Nghĩa hiệp kỳ duyên đăng lần đầu trên báo Nông Cổ Mín Đàm, rồi được nhà thuốc Nhị Thiên Đường in cho khách hàng.

Tờ Đông Pháp Thời Báo (1.7.1925) cũng đăng thông tin nhà văn Hồ Biểu Chánh cho phép in tiểu thuyết Tình mộng trong sách Vệ sanh chỉ nam (1925), xen kẽ với các toa thuốc. Đây là hình thức quảng cáo thuốc rất sáng tạo.

Trong sách Nhị Thiên Đường (1931) dày 336 trang, hai trang đầu có in hai bằng khen do Hoàng đế An Nam và vua Cam Bốt tặng ông Vi Thiều Bá (tự Vi Khai) chủ hãng dầu Nhị Thiên Đường ở Chợ Lớn và Nam Vang. Ảnh phải: lương y Vi Tế Sanh, người bào chế các thuốc và sáng lập Nhị Thiên Đường ở Quảng Đông (trên đường Đại Tân), nội tổ của ông Vi Thiều Bá.

Nhà in Imprimerie de l’Union, sau này là nhà in Nguyễn Văn Của (13 rue L. Mossard, Nguyễn Du ngày nay) có in các sách truyện mà tiệm Nhị Thiên Đường ở 47 rue de Canton cho in để quảng cáo thuốc.
Ngoài ra còn có một tiệm nhánh của Nhị Thiên Đường ở Chợ Lớn là số 38 rue de Canton, gần đối diện trụ sở số 47.
Theo cuốn Vệ sanh chỉ nam (1925) thì tiệm thuốc Nhị Thiên Đường ở Chợ Lớn là tiệm nhánh của tiệm thuốc Nhị Thiên Đường ở Quảng Đông, thành lập ngót 100 năm (từ năm 1925) qua ba đời. Người đầu tiên là ông Vi Tế Sanh đã qua Nam kỳ nên biết phong thổ vùng nhiệt đới, khi về lại Quảng Đông, ông lập ra nhà thuốc Nhị Thiên Đường.
Đến năm 1938 thì nhà thuốc Nhị Thiên Đường đã có các tiệm ở Quảng Đông, Hương Cảng, Thượng Hải, Bangkok, Singapore, Java, Nam Vang, Hà Nội và Chợ Lớn. Dầu Nhị Thiên Đường cũng được biết tiếng ở các nơi này, hơn xa loại dầu Tiger Balm xuất xứ Miến Điện và Singapore. Ngày nay thì dầu Tiger Balm nổi tiếng ở Đông Nam Á nhưng dầu Nhị Thiên Đường đã biến mất.

Tiệm thuốc Nhị Thiên Đường 47 rue de Canton (Vệ sanh chỉ nam, 1929).

Nội dung trong sách Vệ sanh chỉ nam của Nhị Thiên Đường Đại Dược Phòng có hướng dẫn vệ sinh phòng bệnh, chữa các thứ bệnh và truyện vui hay tiểu thuyết giải buồn. Lời tựa Vệ sanh chỉ nam có các ông Nguyễn Kim Đính, chủ nhiệm (tổng lý) tờ Đông Pháp Thời Báo, đại biểu Hội đồng thành phố Saigon, ông Nguyễn Chánh Sắt và Nguyễn Tử Thức. Ông Sắt có viết như sau:
… Nhà thuốc Nhị-Thiên-Đường là một nhà thuốc rất to tác trong dược-giới bên cỏi Á-Đông nầy, thuốc chế đã tinh-anh mà giá bán lại rẻ, danh tiếng vang lừng khắp trong hoàn-võ; đối với văn minh xã hội trong thế kỷ hai mươi nầy thì cái công lao cũng chẳng nhỏ.
Nay ông chủ tiệm Nhị-Thiên -Đường chẳng nài hao tốn mà in ra quyển Vệ Sanh Chỉ Nam nầy thì tiện lợi cho xã hội là dường nào; người chưa bịnh thì biết chổ mà dự phòng, kẻ có bịnh lại biết thuốc hay mà điều trị…

Tiệm thuốc Nhị Thiên Đường năm 2020, 47 Triệu Quang Phục, quận 5 (ảnh của tác giả).

Ông Nguyễn Kim Đính cho biết đầu năm 1925 ông đánh ăn trộm rồi bị người nhà đánh lầm vào lưng bất tỉnh nhân sự, ông đã uống thuốc Tây đủ loại nhưng không giảm được đau, đi đứng hay nằm không yên. Ông Vi Thiều Bá nghe tin đến thăm, cho người về tiệm lấy 4 viên “Vi-Tế-Sanh Trật Đã Hườn” nói với ông Đính là uống 4 viên sẽ hết. Ông Đính ngâm 4 viên thuốc với nửa chai rượu cognac, rồi lớp thoa lớp uống, đau giảm và đi đứng lần mạnh mẽ như xưa.
Phần quảng cáo trong sách, có đăng nhiều thơ cảm tạ từ khắp lục tỉnh (Gia Định, Trà Vinh, Vĩnh Long, Cái Bè…) ngay cả Trung kỳ, Bắc kỳ, Cam Bốt và từ Lào gởi về nhà thuốc. Ông Trần Quan Tịnh, soạn giả gánh cải lương Sĩ Đồng Ban cũng có viết thơ năm 1923 cám ơn và khen tặng sự hiệu nghiệm của các liều thuốc mà ông đã dùng khi lưu diễn ở lục tỉnh.

Ông Vi Thiều Bá.

Nhà văn Lê Hoằng Mưu cũng có viết thơ cho ông chủ tiệm thuốc Nhị Thiên Đường khen cuốn Vệ sanh chỉ nam và thuốc của nhà thuốc Nhị Thiên Đường tốt, có kết quả so với các loại thuốc của các đông y khác, không nguồn gốc, bán dạo ở nhiều tỉnh thành. Sau đây là một trong các căn bịnh và loại thuốc trong sách Vệ sanh chỉ nam trị được:
Hoàng-hậu bảo dưỡng hoàn
Thứ thuốc hườn nầy vãn là thuốc của trào nhà Minh Châu-Thái-Tổ ngự chế; Ngài dùng những tran phẩm dược liệu mà chế ra, để trong cung dùng; nên mới gọi là Hoàng-hậu bảo dưỡng huờn.
Ông Y-học-sĩ Vi-tế-Sanh của Bổn-đường tìm được phương thuốc rất quí nầy, nên người phải bổn thân chịu nhọc, đi tìm cho được các thượng hạng dược liệu, rồi cứ tuân theo phép chế luyện ra để mà cứu chúng giúp đời, cho khỏi phụ lòng của chư tôn huệ cố bấy nay…
Ít biết hơn là nhà thuốc Nhị Thiên Đường cũng có làm xà bông. Khác với xà bông thường, “xà bông vệ sanh” trị được vi trùng, tắm rửa giặt đồ hay rửa mặt sẽ trị được mụn độc, ghẻ lở.

Tranh minh họa thông báo thưởng 500 đồng cho ai bắt kẻ gian giả mạo thuốc Nhị Thiên Đường (trái) và dầu Nhị Thiên Đường (phải).
 
Sách Vệ sanh chỉ nam cũng cho ta biết thuốc của nhà thuốc Nhị Thiên Đường vì tiếng tăm hiệu nghiệm đã bị nhiều người làm giả mạo. Tiệm thuốc Nhị Thiên Đường kêu gọi mọi người phòng hờ thuốc giả khi mua và nên coi kỹ nhãn hiệu có hình ông Phật Mập là nhãn hiệu cầu chứng của Nhị Thiên Đường.

Tiệm Nhị Thiên Đường còn rao thưởng 500 đồng (khoảng 200 triệu ngày nay) cho ai bắt kẻ giả mạo thuốc.
Theo lời đăng của ông Nguyễn Thiện Ý trong Vệ sanh chỉ nam (1925) thì tờ Lục Tỉnh Tân Văn (7.7.1930), Opinion (3.7.1930) và tờ Dân Quốc Nhựt Báo (11.7.1930) có đăng bản án của tòa xử vụ ông Vi Khai (Vi Thiều Bá) kiện ông Trương Xuyên chủ tiệm Nhị Ngươn Đường (hay Nhị Thái Đường) vào năm 1928. Tòa xét là chữ Thái giống chữ Thiên và ve hộp cũng có ông Phật giống như dầu Nhị Thiên Đường nên tuyên ông Trương Xuyên phải bồi thường cho ông Vi Khai 10.000 đồng thiệt hại.

Cầu Nhị Thiên Đường ngày xưa.

Bắt đầu từ thập niên 1950, thuốc bắc nói chung không còn phổ thông như trước và tiệm thuốc Nhị Thiên Đường chỉ được biết nhiều qua dầu Nhị Thiên Đường. Nay thì tòa nhà 47 Triệu Quang Phục với dáng dấp hiệu thuốc từng nổi tiếng khắp Nam Kỳ nói riêng và Đông Dương nói chung vẫn còn đó, nhưng hồn xưa giờ ở đâu?
 

Dầu Nhị Thiên Đường, Thần Dược Trị Bá Bệnh Của Một Thời

 
Những chai dầu Nhị Thiên Đường (Ảnh tư liệu)

Sau 1975, dầu Nhị Thiên Đường ngừng hoạt động. Dòng họ Vi ra định cư nước ngoài và nhãn hiệu Nhị Thiên Đường tuy không còn sản xuất ở Việt Nam nhưng vẫn được sản xuất ở nước ngoài.

Thời bao cấp xuất hiện những chai dầu Nhị Thiên Đường giả mạo, sau này người Việt xài dầu Nhị Thiên Đường sản xuất ở Hong Kong nhập về.
Khi còn học cấp I, bọn trẻ con chúng tôi đều biết câu đồng dao: “Nhất dương chỉ, Nhị thiên đường, Tam tông miếu, Tứ đổ tường, Ngũ vị hương, Lục tào xá”, bốn câu sau lúc đó chưa biết là gì, chỉ biết hai câu đầu.
Nhất dương chỉ là môn võ tuyệt luân trong truyện kiếm hiệp Kim Dung, mà ngày đó kiếm hiệp Kim Dung người miền Nam phần nhiều đều nằm lòng.
Dầu Nhị Thiên Đường còn phổ biến hơn vì phụ nữ, nhất là các cô, các bà lớn tuổi ít ai không có trong túi một lọ dầu ve bằng ngón út đựng ít dầu màu nâu đỏ mang nhãn hiệu ông Phật mập này.
Dầu xài mọi lúc, mọi nơi
Tôi hồi nhỏ vẫn được bà thỉnh thoảng nhờ ra tiệm tạp hóa mua dầu Nhị Thiên Đường mỗi khi hết.
Rất khó quên cái cảm giác cầm về hộp giấy vuông vức, lấy chai dầu đưa cho bà, còn hộp giấy và tờ hướng dẫn sử dụng chữ nhỏ li ti thì gỡ ra liệng vô sọt rác. Hãng sản xuất luôn kèm tờ hướng dẫn gấp nhỏ cuộn sẵn trong khi người dùng chẳng mấy khi xem vì đều biết rõ cách dùng từ lâu.
 
Dầu Nhị Thiên Đường lúc đó được bà con lao động gọi là “dầu trị bá bệnh” vì hễ khó ở là người ta lấy ra xài.
Đau đầu lấy ra thoa hai thái dương, ho thoa cổ, đau bụng thoa chỗ bao tử, cảm lạnh sổ mũi thoa hai lỗ mũi, cần cạo gió thì thoa lưng, đau cơ đâu thoa đó.
Cần xông hơi khỏi cần kiếm lá xông chi mắc công, nhỏ vài giọt dầu vào nồi nước sôi là xong, chẳng may trúng thực cũng cho vài giọt vào ly nước nóng uống. Thậm chí côn trùng cắn, dị ứng cũng thoa, rồi mèo cào, gai xước, chảy máu thì dầu xài như thuốc sát trùng hay cồn y tế.
 
Đến mức sâu răng cũng lấy cây tăm quấn miếng bông gòn thấm dầu chấm vào chỗ đau nhức… thì đúng là xài dầu đã thành… nghiện.
Nhiều người miền Bắc rất ngạc nhiên khi thấy người miền Nam, kể cả nam giới thường hay bỏ trong túi một lọ dầu nước như một thứ bửu bối phòng thân khi ra đường. Đó là thói quen dùng dầu gió rất khó bỏ một thời.
 
Hướng dẫn sử dụng dầu Nhị Thiên Đường.
 
Một thời vang bóng
Dầu Nhị Thiên Đường là sản phẩm của nhà thuốc Nhị Thiên Đường của người Quảng Đông do gia đình họ Vi sáng lập.
Ban đầu chỉ xuất hiện ở những khu vực có người gốc Quảng Đông ở Chợ Lớn, sau lan dần ra vì người Việt dùng rất nhiều, đây là một trong những sản phẩm rất lâu năm ở Việt Nam, có cơ sở khác ở Malaysia, Singapore...
Tại Chợ Lớn, nhà thuốc đặt ở 47 Canton, sau này là Triệu Quang Phục. Trong cuốn niên giám Đông Dương 1933-1934 còn ghi lại rõ ràng: Nhị Thiên Đường Pharmacie asiatique 47 rue de Canton, Telephone no 58 Directeur Vi-Khai Chợ Lớn.
Sản phẩm chủ lực ban đầu của nhà thuốc Nhị Thiên Đường là ngoại cảm tán, một loại thuốc trị cảm rất hiệu nghiệm, bán rất chạy. Ngoài ra còn dầu, gồm hai loại: dầu gió nước và dầu cù là cùng mang tên Nhị Thiên Đường.
Giai đoạn đầu dầu cù là bán được, vì lúc đó người miền Nam ưa dùng dầu cù là, trong đó có hiệu Mac Phsu do người Myanmar (còn gọi là người Cù Là) sinh sống ở Việt Nam bán.
Dầu cù là Mac Phsu cũng đi vào câu đồng dao “Bòn bon sicula, bánh tây sữa hột gà, dầu cù là Mac Phsu” cho thấy sản phẩm cũng rất được ưa chuộng nhưng sau này nhiều người thích chuyển qua xài dầu gió dạng nước hơn và đó cũng là lúc dầu Nhị Thiên Đường lên ngôi, bán khắp cả Đông Dương.
Thậm chí đã có lúc từ Nhị Thiên Đường được dùng để nói về dầu gió, tương tự như Honda được dùng để nói về xe máy. Mãi sau này Nhị Thiên Đường mới có một đối thủ xứng tầm là dầu khuynh diệp Bác sĩ Tín.

Cây cầu mang tên Nhị Thiên Đường
 
Bên bờ kênh Đôi thuộc quận 8, trên trục lộ giao thông từ Sài Gòn đi Long An có một cây cầu bắc qua được xây từ năm 1925 bởi nhà thầu Vallois-Perret.
Cầu có nhiều nét kiến trúc rất đẹp, đặc biệt ở phần ban công thép và các trụ đèn trên cầu có nét đặc trưng không thể lẫn lộn với bất kỳ cây cầu nào khác.
Do cầu từ lúc xây dựng đã mang tên Nhị Thiên Đường và đã có khá nhiều giai thoại về tên gọi này.
Có giai thoại cho rằng trước đây nhà máy sản xuất thuốc và dầu Nhị Thiên Đường nằm ở bên phía đường Trần Hưng Đạo và Nguyễn Văn Dũng, còn công nhân thì ở khu vực ngoại thành phía bên kia kênh Đôi.
Hằng ngày để đi đến chỗ làm các công nhân đều phải đi đò qua kênh Đôi rất mất thời gian và nguy hiểm.
Ông chủ Nhị Thiên Đường quyết định bỏ tiền cùng với chính phủ Nam Kỳ lúc đó xây nên cây cầu này để làm việc thiện cho dân chúng thuận tiện đi lại, trong đó có các công nhân của ông.
Cũng có giai thoại cho rằng khi xây cầu thì chính phủ Nam Kỳ vận động ông chủ Nhị Thiên Đường ủng hộ một phần tiền xây cầu để đổi lấy việc đặt tên cầu chứ không phải toàn bộ kinh phí xây cầu vì số tiền này rất lớn.
Giai thoại khác là kinh phí xây cầu đều do chính phủ Nam Kỳ lúc đó bỏ ra. Do ở gần ngay nơi chân cầu vốn có một dãy nhà kho lớn là nơi chứa gạo và sản phẩm của dầu Nhị Thiên Đường.
Trước đây địa điểm này được dân chúng gọi là kho Nhị Thiên Đường nên khi xây cầu xong, người ta lấy luôn tên Nhị Thiên Đường đặt cho cây cầu.
Không rõ trong các giai thoại trên cái nào là chính xác nhất nhưng chắc chắn là đều có liên quan đến nhãn hiệu Nhị Thiên Đường,
Quảng cáo và quảng bá chữ Quốc ngữ
Để trở thành một thương hiệu lớn, đương nhiên không thể thiếu sự thành công của quảng cáo.
Để quảng bá nhãn hiệu Nhị Thiên Đường, ông chủ đã chọn cách khá độc đáo, đó là thay vì đăng quảng cáo trên sách, báo thì ông ta thuê một số trí thức viết ra các bộ sách quảng cáo bằng chữ Quốc ngữ, luôn cả chữ Pháp và Hán gọi là Vệ sinh chỉ nam.
Trong cuốn sách này in đầy hình ảnh và chữ quảng cáo cho các cao đơn hoàn tán của Nhị Thiên Đường, đồng thời in kèm vào trong đó các loại thơ văn để người xem có thể đọc thêm.
Chẳng hạn bên cạnh quảng cáo dầu cù là Ông Tiên là trích đoạn thơ Lục Vân Tiên, bên cạnh nhãn hiệu Nhị Thiên Đường là từng phần Nghĩa hiệp kỳ duyên, bộ truyện ngôn tình cực kỳ ăn khách về mối tình Việt - Khmer lúc đó của Nguyễn Chánh Sắt hay còn gọi Chăn Cà Mum (tên nhân vật chính).
Nhiều khi khách đang đọc quảng cáo thuốc xổ lãi thì được đọc thêm Hậu chàng Lía, hay các mối tình uyên ương ly hận của Hồ Biểu Chánh...
Ban đầu mấy tập sách này tặng cho khách mua thuốc hay khách qua đường để quảng cáo nhưng sau khách xin nhiều quá để đọc nên cuối cùng nhà thuốc phải in số lượng lớn và bán với giá rẻ, chỉ vài cắc một bản.
Sách này không bán ở nhà sách mà bán ở chợ, bến xe… cho người lao động, khách bình dân mua đọc.
Những nhà văn không có tiền in sách đã chọn cách đưa in ở sách quảng cáo nhà thuốc, đây cũng là một kênh tốt để đưa được tác phẩm đến với người đọc.
Trong cuốn Phê bình và cảo luận, nhà phê bình Thiếu Sơn đã kể lại: “Lần đầu tiên tôi được đọc cụ Hồ Biểu Chánh trong một cuốn sách quảng cáo của nhà thuốc Nhị Thiên Đường.
Tôi để ý tới tiểu thuyết của cụ rồi kiếm coi ở loại sách như những truyện Tàu in xấu, để hạ 4 cắc mà luôn luôn bán dưới giá đó.
Khi tôi gặp cụ, tôi thường khuyên cụ soạn lại tất cả tiểu thuyết của cụ cho in lại, trình bày như loại sách của Tự Lực Văn Đoàn của Tao Đàn hay Tân Dân.
 
Cụ nghe ý kiến của tôi một cách chăm chú có vẻ tán thành nhưng rồi lại bỏ qua cho đến nỗi tới nay muốn đọc lại những tác phẩm của cụ cũng không biết kiếm đâu có mà đọc”.
Vì sao nhà văn Hồ Biểu Chánh không muốn in sách đẹp? Vì ông biết nếu sách in đẹp sẽ phải bán mắc và như vậy sẽ không đến được tay những độc giả bình dân thân thiết của ông.
Chính nhờ những cuốn sách quảng cáo giá rẻ in xấu như Vệ sinh chỉ nam của nhà thuốc Nhị Thiên Đường mà văn chương chữ Quốc ngữ bình dân giai đoạn đó đã cực kỳ phong phú và phổ biến rộng khắp trong tầng lớp dân chúng.
 
Ba chữ Nhị Thiên Đường bằng gạch xây vẫn còn sau cả trăm năm biến đổi. Ảnh: NGUYỄN MINH VŨ
Căn nhà 47 Triệu Quang Phục đã đổi chủ, hiện nay trên tầng cao nhất vẫn còn đủ ba chữ Nhị Thiên Đường xây bằng gạch xa xưa. Mong rằng căn nhà được bảo tồn và giữ lại một nhãn hiệu rất lâu, rất quen thuộc với người Sài Gòn.
Sưu tầm

Nam Mai 
 
Cầu Nhị Thiên Đường ngày nay.
 
 
 
Chỉnh sửa lần cuối vào %PM, %29 %086 %2023 %21:%05
back to top