🍀♬♪🏮▒🎀 Diễn Đàn ▒❤️Góc Nhỏ Sân Trường🌺✨─🕊💃C H À O 🕊 M Ừ N G─quý khách, bạn bè, thân hữu gần xa🌍👪ghé thăm trang GNST hôm nay🍷─🍒▒🌈Không có hình ảnh nào tồn tại lâu dài bằng và không có kỷ niệm nào đã cho ta nhiều êm đềm và hạnh phúc mà đã đeo đuổi cả quãng đời của chúng ta bằng tình bạn🍃tình quê hương trong suốt những năm tháng dài dưới mái học đường.🌺Những kỷ niệm ấy cứ vươn lên trong những giấc mơ êm đềm dầu chúng ta có sống ở vùng đất nào đi nữa🌍🎀Chúc các bạn có một ngày mới nhiều niềm vui, may mắn,mạnh khỏe,hạnh phúc bên gia đình và người thân.🍒👍🎵
April 13, 2023 CỰU ĐẠI TÁ HẢI QUÂN QLVNCH BÙI CỬU VIÊN QUA ĐỜI
NGÀY 11 THÁNG 4 NĂM 2023 TẠI MARYLAND USA
TƯỞNG NIỆM ÔNG BÙI CỬU VIÊN (1932-2023)
CỰU ĐẠI TÁ HẢI QUÂN QLVNCH BÙI CỬU VIÊN QUA ĐỜI NGÀY 11 THÁNG 4 NĂM 2023 TẠI MARYLAND USA
MỘT SỐ HÌNH ẢNH KỶ NIỆM
HỌP MẶT TẠI TƯ GIA PHAN ANH DŨNG & TÂM HẢO – Richmond, Virginia – Thu 2018 / NGỒI: Bà Nhân NPL, Bà Bảo TQB, Bà Mai HSL, Thái Ninh, Ngọc Thanh, Ỷ Nguyên, Minh Châu, Ngọc Dung, Thái Phượng, Thu Thủy, Tâm Hảo, Diễm Hoa, Mỹ Hạnh, Ngọc Trinh / ĐỨNG: Phạm Văn Tuấn, Trần Quốc Bảo, Lê Luyến, Nguyễn Văn Thành, Nguyễn Lân, Phan Khâm, Tạ Quang Trung, Phạm Gia Hưng, Lê Minh Thiệp, Đàm Xuân Linh, Vũ An Thanh, Nguyễn Phú Long, BÙI CỬU VIÊN, Hoa Văn Ngô Văn Hòa, Hoàng Song Liêm, Phan Anh Dũng https://cothommagazine.com/wp/hop-mat-co-thom-mua-thu-2018/
HỌP MẶT CỎ THƠM – Ngồi từ trái: Nguyễn Văn Thành, Bùi Cửu Viên, Phạm Trọng Lệ, NT Ngọc Dung, Nguyễn Lân / Đứng: Phạm Xuân Thái, Tâm Hảo, Thái An, Ỷ Nguyên, Phan Anh Dũng, Ý Anh Mỹ Hạnh, Diễm Hoa
Một ngày tang thương của 48 năm về trước, khoảng 8:30 tối ngày 29/4/1975 gia đình đại tá Hải Quân Bùi Cửu Viên vội vã xuống dương vận hạm HQ 801 trong Hải Quân Công Xưởng để rời khỏi Việt Nam. Chiến hạm đó đang trong tình trạng sửa chữa và chỉ chạy được một máy. Khi tàu chạy ra tới Nhà Bè thì các cơ khí viên của chiến hạm đã sửa tiếp được máy số 2. Như vậy tàu đã có được hai máy để chạy ra biển.
Khi chiếc tàu đi tới ngã 4 Lòng Tảo (Lòng Tàu) và Soài Rạp thì thấy Soái hạm Trần Hưng Đạo 01 bị nạn đang đánh đèn và và gọi vô tuyến điện kêu cứu. Đại Tá Viên quá mệt mỏi sau một ngày biến cố dồn dập, anh ngồi trên sân cờ cùng một số Sĩ Quan di tản. Lúc bấy giờ Hạm Trưởng chiếc HQ 801 là Thiếu Tá Nguyễn Phú Bá từ trên đài chỉ huy chạy xuống hỏi Đại Tá Viên:
- Commandant, mình có cứu nó được không?
- Nếu anh quay lại, tôi có thể cứu được.
Hạm trưởng bất đắc dĩ
- cựu đại tá VNCH Bùi Cửu Viên & Phu nhân Văn thi sĩ Hồng Thuỷ
Lúc bấy giờ chiếc HQ 801 đã đi qua khỏi HQ Trần Hưng Đạo một hải lý rưỡi rồi. Đồng hồ chỉ lúc đó là 12:30 sáng , nếu quay lại cứu thì khi ra khỏi Vũng Tàu trời sáng tỏ có thể bị địch trên núi bắn xuống rất nguy hiểm cho mấy ngàn người ở trên tàu. Trong tình trạng khẩn cấp và nan giải đó Đại tá Viên nghĩ tới lời thề của mình trong thời gian huấn luyện trong quân trường. Các Sĩ Quan người Pháp luôn nhắc nhở: " Nếu người Sĩ Quan Hải Quân gặp người lâm nạn trên biển cả mà không cứu thì các anh không xứng đáng là người Sĩ Quan Hải Quân" Anh nhìn Thiếu Tá Nguyễn Phú Bá và quyết định: "Phải cứu chiến hạm, Người ta gặp nạn thì mình phải cứu." Hạm trưởng Bá đồng ý quay tàu và giao tay lái cho Đại tá Viên: ' Thôi! Đại Tá lái đi"
Chiếc HQ 801 quay đầu lại và ra lệnh cột dây để kéo chiếc tàu Trần Hưng Đạo ra giữa sông. Vừa kéo ra được một quãng, khi hai chiếc tàu cập sát nhau thì những người trên soái hạm HQ 01 đã nhảy sang tàu HQ 801. Chỉ trong vòng 5 phút đồng hồ mà có vài trăm người đã nhảy qua. Điều đó vô cùng nguy hiểm vì khi tàu ra tới giữa sông, hai tàu sẽ dang ra và người ta sẽ rớt xuống biển. Đại Tá Viên ra lệnh cho các thủy thủ bắn súng chỉ thiên để chấm dứt tình trạng vô cùng hung hiểm này.
Khi chiếc HQ 01 ra được giữa sông anh toát mồ hôi hột. Quyết định chí mạng của anh nếu không thành công hai tàu sẽ đụng vào nhau trong đêm tối có thể giết chết bao nhiêu mạng người trên cả hai con tàu. Vững tin vào tài điều khiển đầy kinh nghiệm của một sĩ quan Hải Quân 21 năm trên sông nước anh đã cứu được mấy ngàn người trong đường tơ kẽ tóc. Chiếc Trần Hưng Đạo HQ 01 ra khỏi vùng nguy hiểm bắt đầu chạy theo chiếc HQ 801 dẫn ra tới biển an toàn không bị phát hiện hay bị địch trên núi bắn xuống.
Lúc tàu HQ 801 gần tới Phan Thiết chiến hạm nhận được lệnh của Tư lệnh Hải Quân: ' Tất cả các chiến hạm phải tập trung tại Côn Sơn để chuẩn bị đi Subic Bay" Gia đình Hạm Trưởng Nguyễn Phú Bá không muốn đi và muốn ông phải lái tàu về lại Sài Gòn. Đại Tá Viên không đồng ý vì nếu tàu về Sài Gòn thì mấy mấy ngàn người di tản đang ở trên tàu phải kẹt lại hết. Ông quyết định nói chuyện trên vô tuyến với ngài Tư Lệnh Hải Quân. Cuối cùng Tư Lệnh quyết định cho một chiếc tàu dầu đến đón những người muốn trở về Sài Gòn vì gia đình còn kẹt lại và ra lệnh:
- Toi lái chiếc tàu đó đi . Toi làm hạm trưởng.
Đó là nguyên nhân của cái tên :"Hạm Trưởng Bất Đắc Dĩ" mà sau này anh Viên hay nói. Bởi vì anh đã không làm hạm trưởng 11 năm từ năm 1964 mặc dù anh vẫn giữ chức vụ chỉ huy ở trên bờ. Vậy mà đến phút chót của VNCH anh lại làm hạm trưởng lần cuối cùng với con tàu này. Anh nói: " Đó là cái duyên của mình với Hải Quân."
Tàu tiếp tục rời Côn Sơn đến Subic Bay. Tại đây tất cả quân nhân VNCH phải cởi bỏ hết quân phục và trao trả chiếc tàu lại cho Hải quân Mỹ. Tại đây cờ VNCH phải kéo xuống và người Mỹ kéo cờ của họ lên. Chính thể VNCH đã bị giải thể. Nước mắt của những người lưu vong rơi xuống như chia tay một trang chiến sử. Từ đây giữa một nơi không phải là VN họ là những người lưu vong không còn nơi chốn để về.
Đại tá Viên kể lại cuộc đời mình trong phần phỏng vấn của đài RFA trong ngậm ngùi. Anh nói:
- Lúc bấy giờ trong lòng tôi rất xúc động. Tôi không biết kể từ nay cuộc đời mình sẽ trôi nổi ra làm sao…Và khi tôi bỏ chiếc nón với cặp lon xuống dưới sàn tàu thì tôi nghĩ là từ nay mình có cuộc đời khác hẳn. Các sĩ quan cũng như các thủy thủ đến bên cạnh tôi, các anh em ôm lấy nhau cũng chỉ muốn khóc.
Một điều thật đẹp nữa là trong vòng 5 phút hai tàu cập sát vào nhau, 200 người đã nhảy từ HQ 801 sang HQ 01 có ông Nguyễn Văn Khanh hiện tại đang là Giám Đốc Ban Việt Ngữ Đài Á Châu Tự Do đơn vị phỏng vấn anh. Nếu lúc ấy Đại Tá Viên không quyết định cứu người thì có lẽ bây giờ không có một Nguyễn Văn Khanh.
Các bạn biết không? Vị cựu đại tá VNCH Bùi Cửu Viên đã cứu bao ngàn người trên soái hạm Trần Hưng Đạo HQ 01 mà mọi người yêu kính . Người hạm trưởng đầu tiên của con tàu HQ 501 mà anh nhận từ Mỹ năm 1962 cho VNCH lúc anh mới là Đại Úy. Anh đã yên bình ra đi lúc 1:20 sáng ngày thứ Ba 11 tháng 4 năm 2023 thọ 92 tuổi. Vị ân nhân của mấy ngàn người di tản năm 1975 đã thật sự ra khơi và mãi mãi không về.
Chúng tôi, nhóm Cô Gái Việt, Minh Châu Trời Đông và Văn Bút Hải Ngoại Vùng Đông Bắc Hoa Kỳ gọi anh Viên là anh rể với tất cả kính trọng lẫn thương yêu. Anh là phu quân của Trưng Vương Hồng Thủy chủ tịch VBHNVĐBHK. Anh Viên là một người hiền lành, vui tính và hiếu khách. Anh canh cánh bên lòng tâm sự một người lưu vong. Sau khi về hưu, anh là hậu phương luôn hỗ trợ chị trong các công tác hoạt động cộng đồng và bảo toàn văn hóa. Ai gặp anh một lần là nhớ hoài vì sự tốt bụng và thân ái của anh.
Anh chị là chuyện tình đẹp giữa một hoa khôi Trưng Vương và một Sĩ Quan Hải Quân đẹp trai tài giỏi. Họ cưới nhau đã được 60 năm và sống rất đẹp. Chữ ĐẸP tôi dùng đầy đủ ý nghĩa cho một cuộc sống hôn nhân mỹ mãn. Anh chị yêu nhau tương kính như tân. Anh hiền hòa tế nhị, chị dịu dàng đoan trang. Các con đều hiếu thuận và có cuộc sống thành công ở xứ người . Anh chị hiện cư ngụ ở thành phố Gaithersburg, bang Maryland, Hoa Kỳ.
Chúng tôi thường gọi chị Hồng Thủy là Chị Yêu bởi vì ngoài dung nhan xinh đẹp, trẻ trung hơn số tuổi, chị còn là một nhà văn một người hết lòng để bảo toàn văn hóa Việt. Chị là chủ bút của Nguyệt San Kỷ Nguyên Mới, thành viên của Tủ Sách Tiếng Quê Hương, Nhà Việt Nam Vùng Hoa Thịnh Đốn. Đối với chúng tôi chị Hồng Thủy là một người chị luôn quan tâm lo lắng cho mọi người. Chị khéo léo và giải quyết những vấn đề gặp phải với sự tế nhị và cương quyết.
Nhà chị là nơi những người bạn thân thường đến dường như mỗi năm vào tháng ba, tháng tư để được anh chị hướng dẫn đi thăm thủ đô Hoa Thịnh Đốn, thưởng thức, ngắm hoa Anh Đào nở rộ xinh đẹp. Năm nay cũng đầu tháng tư nhóm chúng tôi tổ chức đi chơi. Tôi không tham dự vì đã có chuyến đi chơi Hy Lạp trùng với thời gian này. Khi các anh chị về kể lại là anh Viên tuy đã 92 mà trông rất khỏe. Anh trẻ đi trên 10 tuổi. Anh lái xe ra tận phi trường để đón mọi người dù đi về gần hai tiếng. Mỗi sáng anh dậy thật sớm pha cà phê, nước trà, chiên trứng làm điểm tâm cho từng người. Đó là phong thái và cách phục vụ khách lâu nay của anh. Nhà anh chị tràn ngập tiếng cười vì những câu pha trò duyên dáng, những thức ăn thật ngon do chị nấu và anh mời mọc chân thành. Mọi người trao đổi với nhau những mẫu chuyện vui ai ai cũng khen anh chị hiếu khách. Nhất là anh đã tiếp đãi khách của vợ một cách hết lòng.
Vậy mà khi những câu chuyện, những bài viết về chuyến đi chưa chấm dứt thì hung tin đã đến với mọi người. Chị Hồng Thủy gọi với tiếng khóc nức nở : "Em ơi! Anh đã đi rồi" Chỉ mới một tuần thôi, niềm vui chưa hết dư âm thì nỗi đau làm mọi người như đóng băng vì sửng sốt. Anh đi rồi, chị sẽ ra sao đây. 60 năm chồng vợ, anh chị quấn quít yêu thương nhau, căn nhà rộng thênh thang vì các con đều ra riêng tự lập, chị sẽ cô đơn và đau đớn lắm.
30/4/1975 người Việt lưu vong trên những xứ sở tự do vẫn nhớ hoài ngày tang thương đó. Ngày đất nước VN thay ngôi đổi chủ, lá cờ vàng bị kéo xuống vùi dập tả tơi. Ngày những người lính chiến VNCH oai hùng bị làm kẻ tội đồ dân tộc. Ngày của những vị anh hùng tuẫn tiết hy sinh. Ngày mà mọi người dân miền Nam rơi vào khủng hoảng.
Đại tá Bùi Cửu Viên đã rời khỏi VN trên chiếc HQ 801 và đã giúp soái hạm HQ 01 an toàn tìm về bến tự do Anh trở thành vị hạm trưởng bất đắc dĩ lần cuối cùng lái con tàu ra khơi tìm tự do. Bây giờ 48 năm sau cũng vào tháng tư anh bỏ lại tất cả để về nước Chúa.
Mấy hôm nay chúng tôi đã gửi đến chị Hồng Thủy và gia đình những lời chia buồn chân thành nhất. Trong thâm tâm tất cả mọi người chúng tôi anh Viên như một người anh rộng lượng và chăm chút em út. Anh ra đi để lại sự kính trọng lẫn thương tiếc cho biết bao người.
Chị ơi!
Hãy cố gắng vượt qua sự mất mát to lớn này. Chị hãy tin là anh được Chúa rước về thiên đàng vì nơi chốn này anh đã làm được nhiều mso-margin-top-alt: auto; text-align: justify;">Em không biết phải nói gì để chị biết em đang rơi nước mắt vì thương chị quá đổi mà không biết phải làm gì hơn.
Giữ gìn sức khỏe và bình an nha chị. Chúng em luôn bên cạnh chị và tin tưởng rằng chị Hồng Thủy của chúng em, người chị tài ba sẽ kiên cường đối diện với mọi tình huống.
Cầu nguyện linh hồn anh An Bình nơi nước Chúa
Nguyện ơn trên cho chị đủ sức mạnh để vượt qua tất cả
Nguyễn thị Thêm.
Những chi tiết trong bài viết lấy ra từ cuộc phỏng vấn Cựu Đại tá Hải quân Bùi Cửu Viên của đài RFA do cô Hòa Ái phụ trách ngày 18/3/2015
Hạm trưởng bất đắc dĩ trong ngày di tản
Hòa Ái, phóng viên RFA 2015.03.18
Ông Bùi Cửu Viên cùng vợ chụp tại Maryland, Hoa Kỳ.
Hình do gia đình ông cung cấp
Hạm trưởng bất đắc dĩ trong ngày di tản
Trong số khoảng ba mươi mấy ngàn người Việt di tản trong những ngày cuối tháng 4 năm 1975, cựu Đại tá Hải quân Bùi Cửu Viên và gia đình lên tàu trong chiều tối 29/4. Tại tư gia của ông Bùi Cửu Viên ở thành phố Gaithersburg, bang Maryland, Hoa Kỳ, Hòa Ái có cuộc trao đổi với ông về câu chuyện 40 năm trước ông buộc phải trở thành một hạm trưởng bất đắc dĩ.
Hòa Ái: Xin chào cựu Đại tá Hải quân Bùi Cửu Viên. Trong ngày di tản đó, theo Hòa Ái biết là ông cùng với gia đình chỉ đi di tản thôi chứ không phải làm công vụ gì trong ngày hôm đó, nhưng vì sao ông lại trở thành một hạm trưởng bất đắc dĩ?
Ông Bùi Cửu Viên: Tôi rất vui mừng khi hôm nay có dịp được nói chuyện với phóng viên của đài RFA về ngày di tản của gia đình tôi trong ngày 29/4. Chiều ngày 29/4, tất cả gia đình tôi đã xuống một chiếc chiến hạm trong Hải quân Công xưởng mà chiến hạm đó đang trong tình trạng sửa chữa. Do đó, nó chỉ có một máy có thể chạy được thôi. Chúng tôi bắt đầu khởi hành lúc khoảng 8:30 tối và khi tàu ra tới Nhà Bè thì các cơ khí viên của chiến hạm đã sửa tiếp được cái máy số 2. Do đó, từ lúc đó chúng tôi đã có 2 máy để chạy ra biển.
Khi chiếc tàu của chúng tôi đang đi tới ngã 4 sông Lòng Tảo (Lòng Tàu) và Soài Rạp thì chiếc Soái hạm Trần Hưng Đạo 01 bị nạn. Nó đánh đèn và gọi vô tuyến điện kêu cứu. Lúc bấy giờ, tôi đang mơ màng vì mệt quá rồi, ngồi trên sân cờ cùng các sĩ quan nữa, thì tôi thấy ông Hạm trưởng, anh Thiếu tá Nguyễn Phú Bá ở trên đài chỉ huy chạy xuống hỏi tôi “’Commandant’, mình có cứu nó được không?” Tôi bảo “Nếu anh muốn thì quay lại, tôi có thể cứu nó được. Thế bây giờ tàu mình đang ở đâu?” Anh nói với tôi là “Mình đã đi quá nó 1 hải lý rưỡi rồi”.
Trong đầu tôi nghĩ bây giờ mình không có quyền hành gì cả, chỉ là sĩ quan thâm niên quá giang nhưng có lẽ ông đến hỏi mình vì ông nghĩ rằng mình đã lãnh loại tàu giống như tàu mình đang đi ở bên Mỹ rồi và mình sẽ có nhiều kinh nghiệm, may ra mình có thể cứu được nó. Và đúng như vậy, tôi đã lãnh một chiếc tàu HQ 501 cũng cùng một loại như chiếc tàu tôi đang đi, tức chiếc HQ 801 và tôi đã chỉ huy chiếc đó 2 năm ở Việt Nam sau khi tôi lãnh ở bên Mỹ về.
Có một vài người lên tiếng nói với tôi là “Bây giờ đã 12:30 sáng rồi. Nếu quay lại cứu thì buổi sáng mình ra tới Vũng Tàu thì có thể bị địch ở trên núi bắn xuống, rất là nguy hiểm cho mấy ngàn người trên tàu”. Thế tôi mới trả lời là “Bây giờ việc cứu chiến hạm mới quan trọng. Người ta gặp nạn là mình phải cứu”. Do đó, anh Hạm trưởng đồng ý quay tàu lại và anh giao tay lái lại cho tôi và bảo “Thôi, Đại tá lái đi!”
Khi đến đấy tôi thấy mũi tàu cắm ngay vào bờ. Bây giờ làm sao để có thể kéo chiếc tàu này ra được? Nếu bây giờ mình mon men đến gần đó, nước quận, tàu mình có thể bị dạt sang tàu kia thì sẽ làm tàu kia chìm mà nguy hiểm tính mạng mấy ngàn người. Do đó, tôi quyết định ủi bãi. Khi tôi đưa con tàu ra phía sau của chiếc Trần Hưng Đạo 01 đó và tôi đã ủi bãi song song với chiếc Trần Hưng Đạo. Khi đã ủi bãi xong rồi, tôi ra lệnh cho nhân viên ném dây sang bên đó; ném dây mũi, dây lái và các dây giữa vào khoảng độ 7-8 sợi dây.
Tôi nghĩ rằng nếu hôm đó tôi mà không quyết định, tôi không dám làm chuyện đó thì có lẽ tôi sẽ ân hận suốt đời là vì cái chuyện mình có thể làm được mà mình không dám làm. - Ông Bùi Cửu Viên
Sau khi hai bên đã cột chắc rồi thì tôi kéo chiếc tàu ấy ra giữa sông. Khi vừa mới kéo ra được một quãng thì có bao nhiêu người trên chiếc tàu Soái hạm HQ 01 đã nhảy sang bên tàu của tôi. Tôi thấy rất là nguy hiểm, đã có vài trăm người nhảy sang trong vòng 5 phút đồng hồ. Do đó, tôi ra lệnh cho các thủy thủ bắn súng chỉ thiên để cấm nhảy nữa vì khi tàu ra tới giữa sông thì thế nào hai tàu cũng dang ra và người ta sẽ rớt xuống sông.
Khi kéo được chiếc tàu ra rồi, tôi sờ tay lên trán thì thấy mồ hôi đầy trên trán tại vì quá sức gay cấn, vì tôi nghĩ nếu trường hợp đó không thành công và nếu hai tàu va đụng vào nhau trong đêm tối như vậy thì sẽ nguy hiểm tính mạng của bao nhiêu người. Khi tàu Trần Hưng Đạo ra được khoảng giữa sông thì họ bắt đầu chạy theo tàu của tôi cho đến khi ra tới biển và cũng không gặp trở ngại gì, không có bị địch trên núi bắn xuống tuy lúc bấy giờ trời đã sáng.
Khi ra gần tới Phan Thiết, chiếc chiến hạm tôi đang đi nhận được lệnh của ông Tư lệnh Hải quân, ông ra lệnh cho tất cả các chiến hạm phải tập trung tại Côn Sơn để chuẩn bị đi Subic Bay. Khi Hạm trưởng Nguyễn Phú Bá của chiếc 801 tức là chiếc tàu tôi đang đi quá giang nghe tin như vậy thì gia đình ông hạm trưởng không muốn đi và đòi ông hạm trưởng phải lái tàu trở về Sài Gòn. Tôi có nói với ông Hạm trưởng là “Bây giờ nếu như muốn về Sài Gòn thì có mấy ngàn người ở trên tàu này sẽ mắc kẹt và để tôi can thiệp với ông Tư lệnh Hải quân”.
Sau đó, tôi nói chuyện vô tuyến với vị Tư lệnh Hải quân thì ông nói là đang cho chiếc tàu dầu đến đón những người muốn trở về Sài Gòn vì có gia đình kẹt lại ở đó. Sau đó, ông nói với tôi là “Thôi, ‘Toi’ lái chiếc tàu đó đi, ‘Toi’ làm Hạm trưởng đi!”. Thế là tự nhiên lúc đó tôi bất đắc dĩ lại biến thành một hạm trưởng mà thật sự ra tôi đã rời chiến hạm, loại tàu giống như vậy từ năm 1964, tức là đã 11 năm tôi không làm hạm trưởng dù tôi vẫn giữ chức vụ chỉ huy ở trên bờ. Và bây giờ sau khi trở lại làm hạm trưởng thì tôi nghĩ đúng là cái duyên của mình đối với Hải quân, cho đến phút chót cũng phải sống với con tàu.
Hòa Ái: Dạ thưa, từ khi nhận được lệnh trở thành hạm trưởng bất đắc dĩ như vậy cho đến khi ông cùng cả gia đình đặt chân đến đảo Guam an toàn thì trong cuộc hải trình đó, kỷ niệm nào mà ông nhớ nhất?
Ông Bùi Cửu Viên: Trong thời gian tôi làm hạm trưởng bất đắc dĩ trong 5 ngày từ lúc đi ở Côn Sơn sang đến Subic Bay thì tôi lan man nghĩ tới tại sao cuộc đời quân ngũ của mình chỉ có đến đây đã chấm dứt mà lúc bấy giờ tôi cũng hiểu là thời thế đã đem đến bất hạnh cho không biết bao nhiêu người. Tôi rất buồn, buồn là vì từ nay trở đi mình không còn là người sĩ quan Hải quân nữa và mình không có cơ hội phục vụ đất nước nữa.
Khi tàu đến bến ở Subic Bay thì chúng tôi được lệnh tất cả phải cởi bỏ hết quân phục và chuẩn bị để trao tàu lại cho Hải quân Mỹ. Trong lúc đó chúng tôi làm lễ chào cờ thì tôi hạ cờ VNCH và người Mỹ họ kéo cờ Mỹ của họ lên. Lúc đó có rất nhiều người cảm động muốn khóc. Lúc bấy giờ trong lòng tôi rất xúc động. Tôi không biết kể từ nay cuộc đời mình sẽ trôi nổi ra làm sao…Và khi tôi bỏ chiếc nón với cặp lon xuống dưới sàn tàu thì tôi nghĩ là từ nay mình có cuộc đời khác hẳn. Các sĩ quan cũng như các thủy thủ đến bên cạnh tôi, các anh em ôm lấy nhau cũng chỉ muốn khóc.
Hòa Ái: Dạ thưa ông, 40 năm qua rồi, cuộc sống của ông cũng như của gia đình theo Hòa Ái biết thì mọi sự cũng được viên mãn. Đôi khi thỉnh thoảng nhớ về cuộc đời quân ngũ thì có câu chuyện hay cảm xúc nào làm ông nhớ đến hay không?
Ông Bùi Cửu Viên: Tôi có rất nhiều kỷ niệm trong cuộc đời quân ngũ của tôi trong 21 năm trường ở Hải Quân nhưng mà nói tới những kỷ niệm mới nhất gần đây thì tôi có thể nói một cái câu chuyện rất là lạ:
Thế là tự nhiên lúc đó tôi bất đắc dĩ lại biến thành một hạm trưởng mà thật sự ra tôi đã rời chiến hạm, loại tàu giống như vậy từ năm 1964, tức là đã 11 năm tôi không làm hạm trưởng dù tôi vẫn giữ chức vụ chỉ huy ở trên bờ. - Ông Bùi Cửu Viên
Tôi có một người bạn mới đây về chơi ở VN thì anh có quen một người làm ở trên chiếc tàu tôi đã lãnh ở bên Mỹ về, đó là chiếc HQ 501. Và vì anh quen người đó cũng hoạt động trên chiếc chiến hạm đó cho nên anh yêu cầu người đó cho xuống coi tàu. Khi anh xuống coi tàu thì anh thấy trong phòng hạm trưởng khắc tên của các hạm trưởng từ thời đầu cho đến bây giờ vẫn còn nguyên và anh thấy tên tôi vẫn ở trên cùng vì tôi là người lãnh chiếc tàu đó đầu tiên ở bên Mỹ năm 1962, lúc bấy giờ tôi chỉ là đại úy, và tự nhiên bao nhiêu kỷ niệm hiện về với tôi từ những lúc mà tôi lãnh tàu, trên đường tôi đi, bao nhiêu chặng đường tôi qua. Nếu nói về những kỷ niệm mới nhất thì đấy là kỷ niệm bây giờ chứ không phải của 40 năm về trước nữa.
Hòa Ái: Dạ thưa ông, Hòa Ái được biết ông bây giờ đã ngoài 80 tuổi rồi, trong khoảng thời gian ông phục vụ cho Quân lực VNCH thì việc gì hay điều gì ông cho rằng hài lòng trong thời gian đó?
Ông Bùi Cửu Viên: Trong thời gian phục vụ ở Hải quân VNCH thì tôi nhớ nhất lại là ngày chót mà tôi sẽ rời Hải quân. Đó là ngày tôi di tản trên chiếc HQ 801 và đã kéo được chiếc Soái hạm HQ 01 Trần Hưng Đạo ra khỏi mắc cạn và tôi có cảm tưởng tôi giúp được cho bao nhiêu người không bị kẹt lại và có thể gặp rất nhiều trở ngại, có thể bị tù tội. Tại vì đối với tư cách người sĩ quan Hải quân, chúng tôi vẫn nhớ là khi còn được huấn luyện ở trong quân trường, các vị sĩ quan huấn luyện người Pháp luôn luôn nhắc nhở chúng tôi là “Nếu người sĩ quan Hải quân gặp người bị lâm nạn trên biển cả mà không cứu thì các anh không xứng đáng là người sĩ quan Hải quân”. Tôi nghĩ đó là việc mà tôi rất hài lòng, vui sướng vì đã làm được việc như vậy. Thêm vào đó, tôi nghĩ rằng nếu hôm đó tôi mà không quyết định, tôi không dám làm chuyện đó thì có lẽ tôi sẽ ân hận suốt đời là vì cái chuyện mình có thể làm được mà mình không dám làm.
Hòa Ái: Vừa rồi là câu chuyện kể của cựu Đại tá Hải quân Bùi Cửu Viên về cái duyên ông trở thành hạm trưởng bất đắc dĩ trong ngày ông đi di tản 29/4/1975. Và điều lý thú mà Hòa Ái phát hiện sau khi nghe câu chuyện kể này, là khi chiếc Dương vận hạm HQ 801 và chiếc Soái hạm Trần Hưng Đạo HQ 01 cập sát với nhau chỉ trong vòng 5 phút đồng hồ thì trong số khoảng 200 người nhảy qua, có ông Nguyễn Văn Khanh. Và nếu như cách đây 40 năm, ông Bùi Cửu Viên không có quyết định quay trở lại để cứu con tàu thì có lẽ bây giờ không có Giám đốc ban Việt ngữ Nguyễn Văn Khanh của đài Á Châu tự do. Hòa Ái xin cám ơn ông Bùi Cửu Viên đã dành thời gian chia sẻ câu chuyện kể của ông và Hòa Ái cũng xin cám ơn thời gian của quý vị theo dõi câu chuyện kể này.