TIẾNG CHUÔNG NHÀ THỜ

TIẾNG CHUÔNG NHÀ THỜ

▬▬▬ ๑ ๑ ▬▬▬

Với nhiều người, tiếng chuông đã không thể tách rời với ký ức tuổi thơ, với những kỷ niệm khó quên và luôn mãi gắn liền cho đến khi họ trưởng thành và cả khi tuổi của họ đã về chiều xế bóng...

Tiếng chuông thánh đường trong nếp sống xóm đạo ngày xưa.

Việt Nam là dân tộc có cảm thức tôn giáo rất mạnh. Chính vì vậy, những biểu tượng vật thể lẫn phi vật thể của các tôn giáo thường mang vai trò quan trọng, hoặc để lại dấu ấn rất đậm trong đời sống tinh thần của người dân. Cùng với tiếng chuông chùa, tiếng chuông giáo đường là một trong các đại diện đặc trưng của những biểu tượng đó; nó góp phần định hình nên những nét đẹp và giá trị, không chỉ trong đời sống thiêng liêng, mà còn trong đời sống văn hoá hay tinh thần nói chung của cộng đồng, đặc biệt trong nếp sống ngày xưa của các xóm đạo.

Trong truyền thống của người Công Giáo, các nhà thờ rung chuông ba lẫn mỗi ngày vào các giờ cố định: đầu buổi sáng, giữa buổi trưa và cuối buổi chiều, vốn ứng với ba lần báo giờ Kinh Truyền Tin (Angelus). Truyền thống này có từ thời Trung Cổ, xuất phát từ việc các tu sỹ họp nhau nhiều lần trong ngày theo tiếng chuông để cầu nguyện, và vốn mang tính gợi hứng thần học từ Cựu Ước, như lời Thánh Vịnh: “Sớm trưa chiều, tôi than sầu rên rỉ, Người sẽ nghe tiếng tôi.” (Tv 54, 18)

Tuy nhiên, nhịp chuông đó đã nhanh chóng vươn xa hơn phạm vi đời sống đức tin, để trở thành ‘chiếc đồng hồ chung’ của một cộng đồng, gắn liền vớvới con người trong nhịp sống thường nhật. Điều này đặc biệt đúng với người Việt Nam – cả Lương lẫn Giáo - nhất là những ai sống ở thôn quê. Vào sáng sớm tinh sương, chẳng cần để đồng hồ báo thức, nghe tiếng chuông giáo đường vang lên là mọi người hiểu một ngày mới đã bắt đầu. Kẻ thức dậy đi lễ, người bắt đầu thổi lửa nấu cơm. Rồi vào giờ Chính Ngọ, tiếng chuông vang lên là mọi người ngừng tay để ăn uống, nghỉ ngơi sau nửa ngày công. Và vào cuối chiều, một tiếng chuông khác báo cho cả xóm về điểm kết của một ngày làm việc vất vả.

Tiếng chuông nhà thờ không chỉ mang vai trò giữ giờ cho nhịp sống thường nhật, mà còn là tiếng loan báo của những biến cố ngoại thường cho dân làng. Khi tiếng chuông vang lên ngoài những thời khắc cố định, mọi người nhận ra ngay rằng một biến cố nào đó đang xảy ra. Ví dụ, có người vừa qua đời, có nhà nào đó bị cháy, hoặc một sự kiện khẩn cấp nào đó. Tất cả mọi người xa gần đều nhanh chóng quy tụ về nơi xảy ra sự kiện, để chia sẻ với nhau khi có niềm vui, và giúp nhau khi gặp biến cố hoạn nạn. Vì thế, tiếng chuông trở thành lời mời gọi tinh thần đoàn kết và hiệp thông trong mỗi xóm đạo.
Với nhiều người, tiếng chuông giáo đường cũng là điểm quy chiếu trong tâm thức về quê nhà. Đặc điểm của tiếng chuông là vang rất xa. Ở miền quê, tiếng của một quả chuông tốt có thể vang tới hàng mấy cây số. Khi một người đi xa, người ta có thể hình dung được mình đã rời khỏi mảnh đất quê hương hay chưa dựa vào việc tiếng chuông nhà thờ còn vọng tới tai mình hay không. Và ngược lại, khi họ trở về, họ sẽ cảm nhận rằng mình đã đặt chân lên cố hương khi từ xa đã nghe được âm thanh thân thuộc đó. Thế nên, có thể nói, trong truyền thống, tiếng chuông cũng là biểu tượng cho căn tính và cảm thức của chúng ta về quê nhà.

thap

Và thật thiếu sót nếu chúng ta nói về tiếng chuông thánh đường mà không nhắc đến vai trò và nét đẹp của nó trong ngày Chủ Nhật! Có thể bây giờ chúng ta khó bắt gặp được những khoảnh khắc đẹp tuyệt vời trong khung cảnh ngày Chủ Nhật ở các xóm đạo, mà chỉ còn thấy phảng phất đâu đó trên phim ảnh. Tuy vậy, trong nếp sống ngày xưa, hình ảnh giáo dân đi lễ ngày Chủ Nhật có thể là khoảnh khắc đẹp nhất, không chỉ đối với người Công Giáo, mà cả trong mắt Lương dân. Những bộ áo dài giản dị nhưng nền nã, những khuôn mặt mang đầy nét bình an và vui tươi, những bước chân rộn ràng tiến về Thánh Đường, vv., tất cả làm nên một khung cảnh tuyệt vời và một bầu khí linh thiênthiêng, sống động. Cái khung cảnh đó được khởi động và được hoạt hoá bởi chính tiếng chuông ngân vang: tiếng chuông báo xa (thường khoảng 1 tiếng trước giờ lễ), tiếng chuông báo gần (thường khoảng 30 phút trước giờ lễ), và tiếng chuông điểm giờ bắt đầu của thánh lễ. Chính tiếng chuông thúc dục lòng người, trở thành lời mời gọi hân hoan, như những khúc ca Lên Đền của dân Do Thái ngày xưa:

“Vui dường nào khi thiên hạ bảo tôi:
‘ta cùng trẩy lên Đền Thánh Chúa!’
Và giờ đây, Giê-ru-sa-lem hỡi,
cửa nội thành, ta đã dừng chân.” (Tv. 122).

Tiếng chuông thánh đường, một âm thanh rất cao sang và có xuất xứ từ Phương Tây, nhưng đã trở nên gần gũi với người dân Việt, đã đồng hành với nếp sống đơn sơ, đặc biệt nơi các xứ đạo ở miền thôn quê, hệt như tinh thần nhập thể của Ngôi Lời vậy! Mỗi tiếng chuông là một lời mời gọi và nhắc nhở về nét đạo hạnh, về tính thánh thiêng và về nhu cầu phụng vụ của con người. Tiếng chuông trở thành quả tim giữ nhịp đập cho đời sống tâm linh của người tín hữu nói riêng, và đồng thời, mỗi tiếng chuông cũng trở thành công cụ giữ nhịp cuộc sống nơi các quê nghèo nói chung, để cho tình người, tình làng xóm được thắt chặt, và để cho cảm thức hoà hợp giữa người Lương và người Giáo được thâm sâu.

Ngày nay, vì những biến chuyển của thời đại, với lối sống ồn ào và vội vã, chúng ta khó cảm nhận được những giá trị và nét đẹp đó của tiếng chuông giáo đường, dù là ở đô thị hay nơi thôn quê. Thậm chí, nhiều người chẳng thể nghe được tiếng chuông nữa, dẫu họ ở sát ngay cạnh nhà thờ, đơn giản là vì họ đang có nhiều âm thanh khác chi phối, tâm trí họ đủ thứ bận rộn, và não trạng của họ đã thuộc về nếp sống máy móc của thời đại, vốn cài đặt mọi giờ giấc sít sao vào trong chiếc điện thoại rồi. Tuy nhiên, không vì thế mà chúng ta bi quan, hay thở dài mà cho rằng những nét đẹp của tiếng chuông chỉ còn trong hoài niệm, nếu chúng ta biết dành riêng cho tâm trí mình một không gian – thời gian tự do, một ‘khoảng trống’ bỏ ngỏ nào đó, thay vì lấp đầy chúng với mọi toan tính và lịch trình. Ví dụ, nếu bất chợt nghe được tiếng chuông nhà thờ, chúng ta có thể để cho tâm trí mình một vài phút tự do và thảnh thơi để tiếng chuông đó thấm vào lòng, để cho mình được cảm nghiệm những thúc đẩy, những lời mời gọi nào đó. Việc tự tạo ‘khoảng trống’ để cho phép mình đón nhận những điều ngạc nhiên và bất ngờ như thế chính là phương cách để chúng ta mở ra với những khía cạnh phong phú và thâm sâu khác của đời sống, trong đó có những giá trị và nét đẹp của tiếng chuông giáo đường.

Trong Mùa Vọng này, ước gì những tiếng chuông giáo đường đụng chạm đến tâm hồn chúng ta, mời gọi chúng ta cùng nhau mở rộng lòng mình trong hân hoan và vui sướsướng, vì Con Thiên Chúa đang ngự đến giữa gian trần, để trở nên quà tặng bình an và cứu độ, không chỉ cho một cộng đồng xóm đạo, mà cho toàn thể thế giới.

Khắc Bá, SJ - CTV Vatican News

 *********

 

 
 

Tiếng chuông nhà thờ có ý nghĩa như thế nào đối với người Công Giáo?

 

Người Công giáo nói riêng và có thể rằng, đại đa số người Việt Nam nói chung trong đời mình đã từng rất nhiều lần được nghe tiếng chuông nhà thờ. Xúc cảm và nỗi niềm của từng người về tiếng chuông có thể sẽ tỉ lệ thuận với thời gian mà đến một lúc nào đó, khi ta sống ở nơi không có tiếng chuông thì ta mới ngộ ra rằng mình đang bị thiếu vắng một âm thanh mang nhiều ý nghĩa của cuộc sống mà bấy lâu nay ta ít để ý tới bởi vì nó quá đỗi quen thuộc; Với người Công giáo, âm thanh của tiếng chuông nhà thờ đã trở thành một yếu tố đã được mặc định trong đời sống thường nhật của mỗi người chúng ta.

Tiếng chuông nhà thờ ngân vang ẩn chứa những thông điệp, những sắc thái, những giá trị văn hóa và mặc nhiên trở thành đối tượng mang lại sự hứng khởi để nhiều thi sĩ, nhạc sĩ, những nhà nghiên cứu văn hóa…làm nên những tác phẩm hoặc những đề tài nghiên cứu của mình.

Lời tâm sự của một người ngoại đạo tuy đơn sơ nhưng lại tha thiết trong bài thơ ‘Khấn Nguyện” của Thi sĩ Khánh Quỳnh có đoạn:

…“Dưới tượng Người con thì thầm nho nhỏ
Xin ngôi cao minh chứng tấm lòng yêu

Chuông nhà thờ vọng vang mỗi buổi chiều
Chúa Nhật lễ sóng vai vào khấn Chúa”…
Và trong nhạc phẩm “Và Như Cơn Gió Thoảng” nhạc sĩ Bảo Chấn viết như sau:
“Và như cơn gió thoảng
Giọng sơn ca hòa trong tiếng chuông nhà thờ ngân nga ngân nga
Ðể em trong giấc mộng cầm tay anh
Nhẹ nhàng bay trên bầu trời lung linh sao sáng”…

Có lẽ là không quá khi chúng ta cho rằng tiếng chuông nhà thờ được ví như những nốt nhạc thánh thiện đóng vai trò trung gian, kết nối và chỉ lối cho mọi người đến với Chúa mà bất kể họ là ai, giàu hay nghèo, già hay trẻ, học cao hay thấp… thì cũng chỉ thế thôi! Và không một ai có thể độc quyền sở hữu tiếng chuông nhà thờ cho riêng mình, mà tất cả mọi người đều được sự đồng hưởng âm thanh tiếng chuông trong một không gian thiêng liêng tha thiết, nhẹ nhàng, thanh thản để gửi gắm tiếng lòng và niềm tin yêu của mình vào Thiên Chúa.

+ Tiếng chuông nhắc nhở mọi người đến với Chúa qua việc đến Nhà Thờ tham dự Thánh Lễ:
Thiên Chúa luôn thương yêu chúng ta và Ngài luôn muốn mọi người chúng ta được sống hạnh phúc và được muôn ơn lành do Thiên Chúa trao ban. Tuy nhiên, lắm khi chúng ta tự đánh mất những sự quí giá ấy khi chúng ta không thể chế ngự được cái bản năng thấp hèn của mình, chúng ta để cho cái tôi xấu xí của mình lên ngôi, làm hoen ố bầu khí yêu thương mà Chúa luôn mong muốn ở mỗi người chúng ta. Thiết nghĩ, những lúc gặp khó khăn như vậy, chỉ cần một phút lắng lòng nghe tiếng chuông nhà thờ ngân vang, để rồi chúng ta chạy đến cùng Chúa và thân thưa với Ngài để được nhận sự bao dung từ Người Cha chung duy nhất của mỗi chúng ta. Chúng ta xác tín rằng, khi đến với Chúa, dù thế lực của bóng tối và sự dữ có tầm khuynh loát như thế nào đi chăng nữa thì cuối cùng cũng phải dừng bước trước ánh sáng tình yêu của Chúa khi soi rọi vào tâm hồn của mỗi chúng ta. Và khi đó, sự lành sẽ lên ngôi!

+ Tiếng Chuông Chào Mừng Đấng Cứu Thế:

Tiếng chuông ấm cúng sưởi ấm mỗi người chúng ta trong đêm đông giá lạnh, là niềm vui, là niềm hy vọng không chỉ riêng cho tín hữu Công giáo mà đến nay sự lan tỏa của niềm vui Giáng sinh đã bao trùm ở cả cấp độ thế giới:

“Mừng ngày chúa sinh ra đời, nào mình cùng nắm tay tươi cười
Hòa bình đến cho muôn người, cùng cất tiếng ca mừng vui
Mừng ngày giáng sinh an hòa ,mừng hạnh phúc cho muôn nhà !
Từ thành phố hay đồng quê muôn nơi vang tiếng hát ca vang lừng
Đêm noel đêm noel ta hãy cùng vui lên!
Đêm noel ơi đêm ta xin ơn trên ban hòa bình cho trần thế
Đêm noel! chuông vang lên! chuông giáo đường vang lên
Đêm noel đêm noel ta hãy chúc nhau câu cười!”… (James S. Pierpont)

+ Tiếng Chuông Mừng Chúa Phục Sinh:

Tiếng chuông hoan hỉ, vỡ òa niềm vui trong đêm Đại Lễ mừng Chúa Phục sinh đã cho chúng ta biết:
“Chúa đã sống lại thật rồi. Chúa đã sống lại thật rồi người ơi vui lên tiếng ca. Chúa đã sống lại thật rồi. Chúa chiến thắng tử thần rồi đem nguồn hạnh phúc khắp nơi. Vì đêm qua đã tàn rồi. Giờ vinh quang Chúa rạng ngời. Ngày tươi lên ánh vui. Hồng ân Thiên Chúa tuyệt vời. Ngài ban cho khắp trần đời. Mừng hát lên người ơi”….( Nguyễn Duy).

+ Tiếng chuông cho biết một đôi uyên ương lãnh nhận Bí tích Hôn phối:
Thật là đẹp đẽ và Thánh thiêng biết bao khi:
Chú Rể: “em hãy nhận chiếc nhẫn này để làm bằng chứng tình yêu và trung thành của anh, Nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần”.

Cô Dâu: “anh hãy nhận chiếc nhẫn này để làm bằng chứng tình yêu và trung thành của em, Nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần”.

Tiếng chuông nhà thờ rộn rã vang lên báo hiệu niềm vui và cho biết rằng đại gia đình của Giáo hội vừa có thêm một thành viên gia đình mới. Đây chính là đặc điểm khác biệt và chỉ có ở trong hôn nhân Công giáo! Và nền tảng của hôn nhân Công giáo chính là tình yêu trong Chúa và bất khả phân ly.

+ Tiếng chuông cho biết cuộc sống của một người đã có Sự Thay Đổi:

Tiếng chuông sầu, từng nhịp buồn, lặng lẽ… Tiếng chuông nhân từ báo hiệu 7 tiếng cho biết người nam, 9 tiếng cho biết người nữ vừa mới qua đời.
Với người công giáo thì hẳn nhiên luôn có niềm tin và hy vọng lớn lao vào sự sống mai sau và vĩnh cửu:
“Sự sống này chỉ thay đổi mà không mất đi, lúc con người nằm yên giấc ngủ, mắt nhắm lại rồi là thấy tương lai. Trọn kiếp người nay không còn nước mắt nụ cười, nhưng con tin rằng ngày mai trong Chúa, chẳng có nỗi buồn, đẹp mãi niềm vui”… (Phanxico).

Vì thế, tiếng chuông sẽ thôi thúc chúng ta mau chóng chạy đến với anh chị em của mình, bằng câu kinh tiếng hát dâng lên Chúa, xin Chúa thương xóa tội để linh hồn của những anh chị em ấy sớm được hưởng Nhan Thánh Chúa.

+ Tiếng chuông của những sự kiện khác:
Tiếng chuông trong Thánh Lễ giao thừa, cộng đoàn tạ ơn Chúa qua một năm được nhận lãnh những ơn lành Chúa ban và cầu xin một năm mới bình an; Tiếng chuông báo hiệu cho các vị phụ huynh đưa con đến nhận lãnh Bí Tích Rửa tội; Tiếng chuông của những giờ chầu Thánh Thể… tất cả mang âm hưởng thánh thiện, kết nối chúng ta đến với Chúa.

+ Lời kết:

Vấn đề đô thị hóa tại những thành phố lớn như Sài Gòn, Hà Nội… và những âm thanh từ những nhà máy, xí nghiệp cộng với cuộc sống xô bồ đã và đang làm mờ dần đi những tiếng chuông nhà thờ. Dẫu biết rằng tiếng chuông nhà thờ trong thành phố vẫn đổ nhưng hiệu ứng âm thanh của tiếng chuông đã không còn vang vọng đến tai của giáo dân do tác động của những âm thanh hỗn tạp.

Đối với những người hoài cổ thì việc nghe được tiếng chuông nhà thờ hiện nay tại các thành phố lớn sẽ là điều sa sỉ, và với họ miền kí ức về tiếng chuông nhà thờ ngân nga bấy lâu nay bất chợt lại hiển hiện quay về.

Khi hỏi một giáo dân rằng âm thanh nào quen thuộc, ấm áp và dễ chịu nhất đối với họ thì tôi tin rằng, họ sẽ trả lời đó là tiếng chuông nhà thờ.
Không biết từ bao giờ, tiếng chuông đã đi vào tiềm thức của mọi người như là một âm thanh thiêng liêng và không thể thiếu trong cuộc sống đời thường. Với nhiều người, tiếng chuông đã không thể tách rời với ký ức tuổi thơ, với những kỷ niệm khó quên và luôn mãi gắn liền cho đến khi họ trưởng thành và cả khi tuổi của họ đã về chiều xế bóng. Quay về ký ức tuổi thơ thì không ít người trong chúng ta đã từng được đu theo sợi dây chuông và từng hân hạnh được nhận những “ nhát roi tình thương” của cha mẹ khi đã chuông nhất rồi mà vẫn chưa tắm rửa để đi Lễ!

Không cần phải tranh luận làm gì mà phải khẳng định luôn rằng mỗi nhà thờ chắc chắn sẽ có một tháp chuông. Nhưng chúng ta lại ít khi nghĩ tới rằng ai sẽ là người đảm nhiệm việc giật chuông. Công việc tưởng chừng như đơn giản nhưng không hề đơn giản tí nào. Đây là công việc chỉ thực hiện được bởi những người có tâm huyết, siêng năng, đạo đức, biết hy sinh và lặng thầm với công việc của mình. Nguyện xin Chúa ban muôn ơn lành để họ luôn hoàn thành phần việc của mình một cách tốt đẹp nhất, để âm thanh từ tiếng chuông nhà thờ được liên tục ngân vang trong mỗi xứ đạo của chúng con, để những người con xa quê hương vẫn cứ mang một nỗi nhớ và tìm về ./.

 

Phương Tuyền sưu tầm

 Tìm hiểu ý nghĩa và cách sử dụng của chuông nhà thờ - Phố Đồ Đồng

Chỉnh sửa lần cuối vào %AM, %23 %725 %2022 %11:%12
back to top