Cộng Hưởng Về Bài Thơ “Bóng Trăng Lệch Khuyết Bờ Vai”

Cộng Hưởng Về Bài Thơ

“Bóng Trăng Lệch Khuyết Bờ Vai”

Nguyễn Xuân Đấu 

 Thành thật mà nói, tôi đọc bài thơ của anh Yên Sơn ít nhất là chục lần cho ý nhập hẵn vào tâm, tứ rung hết tất cả cung bậc của lòng, và hình ảnh đóng từng khung riêng rẻ rồi hòa nhập lại thành khúc phim “Lưu Nguyễn lạc thiên thai” mới thấy hết được cái hay cái đẹp của nó. Lại còn kỹ thuật mới lạ buộc từng cặp ngũ ngôn vào bốn câu 8, 9 chữ cho từng đoạn thơ, cộng với nhạc điệu và ngôn từ anh khéo léo dùng nữa, tạo thêm cảm giác ngất ngây cho người đọc.

Ý bài thơ dù đã được trình bày, nhưng đó chỉ là phần nào cảm nhận của người viết về ý của tác giả. Đúng, sai không phải là điều quan trọng. Cộng hưởng cảm nhận với ai đọc bài thơ của anh Yên Sơn một cách trân trọng mới là điều đáng lưu tâm. Giờ chúng ta thử bước vào vườn thơ

“chạy theo bảng chỉ đường
về nhà em mạn bắc
nơi em ở cách phố phường xa lắc
một khu rừng rợp bóng cả lối đi
chỗ của em, chẳng mấy thuở mấy khi
vắng hoa lá, thiếu chim muông ríu rít”

Đọc đoạn thơ mở đầu, ai cũng thấy ngay hình ảnh tác giả theo bảng chỉ đường lái xe (hay theo xe) về mạn bắc để đến nơi em cư ngụ, cách phố phường xa lắc. Nơi này là một khu rừng với những tàng cây cao và sum suê che ánh mặt trời tạo bóng mát khắp nơi, che luôn cả lối đi. Nơi này còn đầy hoa lá và chim rừng ríu rít, tạo nên vẻ đẹp thật thiên nhiên. Nếu thêm mây ngàn phủ dưới chân và vài cô gái tắm dưới suối thì đúng là bồng lai tiên cảnh. Nhạc điệu và ngôn từ của đoạn thơ thật hòa hợp với bằng trắc bổng trầm của các chữ tác giả dùng. Giản dị và hiện thực trong ngôn từ, nhưng siêu thực và thần tiên qua hình ảnh. Cái linh động nhất của cảnh sắc tác giả mô tả, theo tôi, nằm trong hai câu cuối được viết theo thể phủ định:

“chỗ của em, chẳng mấy thuở mấy khi
vắng hoa lá, thiếu chim muông ríu rít”

Giá tác giả dùng thể xác định ở hai câu này, chẳng hạn như:

chỗ của em, cây cỏ mọc xanh rì
đầy hoa lá, và ngàn chim ríu rít”

thì cũng mang cùng hình ảnh đấy, nhưng có lẽ kém nét linh động. Hai câu này không mới lạ về cấu trúc, nhưng thật hay về kỹ thuật. Còn phrase: “mấy thuở mấy khi” nhắc người đọc liên tưởng đến thành ngữ: “năm thuở mười thì” hoặc “chín thuở mười thì” một cách rất ca dao. Nhưng dùng điệp ngữ: “mấy thuở, mấy khi” ở đây, theo tôi, hợp âm, và thuận ý hơn.

“chiều hơi sương mờ mịt
có ngàn thông reo vui
sánh vai nhau từng bước nhỏ rong chơi
dừng bên suối vẫy đàn nai ngơ ngác
tôi đứng lại nhìn bước chân đài các
mái tóc huyền óng ả ngập bờ vai”

Hình ảnh kế tiếp là gì? Chiều xuống, sương mù phủ giăng, lành lạnh. Lá thông theo gió nhẹ xào xạc reo vui như chính lòng tác giả. Hai người sánh vai nhau bước từng bước hạnh phúc, lòng không nghĩ suy bất cứ chuyện gì. Chỉ trong lúc tâm tư trống rỗng như vậy, niềm vui chân thật mới kéo về ngự trị. Bước chân hai người dẫn đến bờ suối có đàn nai ngơ ngác nhìn. Cái vẫy tay thân thương đến con vật hiền lành là biểu lộ tình yêu đang thánh thiện hóa nội tâm. Cuộc sống là một chuỗi dài tư tưởng tiếp nối nhau; mà lạ, chỉ khi nó ngưng bặt hoặc ngừng nghỉ, sức sống và an bình mới hiển lộ. Cho nên

“sánh vai nhau từng bước nhỏ rong chơi
dừng bên suối vẫy đàn nai ngơ ngác”

không phải chỉ thần tiên hóa hoặc thơ mộng hóa khung cảnh mà còn cho người đọc một cảm nhận an bình, hạnh phúc bên trong. Cái vẫy tay chào nhau hoặc thế lời tạm biệt khác với cái vẫy tay biểu lộ niềm sung sướng thánh thiện mà chàng và nàng đang trao gởi đến đàn nai

Hai người nếu tiếp tục sánh bước bên nhau như Adam và Eva trong vườn địa đàng, như Lưu Thần Nguyễn Triệu bên cạnh hai tiên nữ trong động Đào hoa thì dòng sống sẽ miên viễn. Nhưng Eva khởi niệm bâng quơ, Lưu Nguyễn nhớ trần cảnh, khiến địa đàng và cảnh tiên không còn hiện hữu. Tác giả cũng thế, một phút động niệm, chợt dừng lại, ngắm nhìn bước chân đài các của nàng vẫn tiếp tục đi với mái tóc huyền óng ả ngập bờ vai, khiến tâm thức đang an bình thánh thoát chợt gợn chút ước ao. Chắc thế nào khi nhìn từ phía sau như vậy, tác giả chả ngắm thêm chiếc eo thon thanh tú đi cạnh với đôi mông tròn mơ; nhưng vì giới hạn ngôn từ của thơ, nên không nêu ra thôi. Ngắm để no nê hạnh phúc mình có trong tầm tay, và ngắm để nẩy sinh ước mơ. Chính cái ảo giác no nê hạnh phúc và ước muốn thật người đó tuy rung động thật mạnh lòng tác giả cũng như người đọc, song đó lại là cái mầm khổ đau sau này cho anh khi “ái biệt ly” (yêu mà phải biệt ly) thành hình theo luật vô thường. Chao ôi! Cái giá phải trả của một thoáng động niệm nhưng rất đáng yêu kia thật là quá đắt!

“thương con nắng cuối ngày
như lụa vàng, heo hắt
cuối chân mây bóng ngày vừa chợt tắt
tay trong tay lưu luyến phút quay về
tự đáy lòng choáng ngập nỗi đam mê
và hương sắc đã làm tôi chao đảo”

Con nắng cuối ngày như lụa vàng heo hắt, thế mà thương. Rồi mặt trời cũng lặn khuất sau đồi, hai người ngưng nhịp bước, tay trong tay còn lưu luyến phút thần tiên. Chợt từ đáy lòng niềm đam mê xác thân bừng dậy, tác giả nhìn, cảm thấy chao đảo khi đưa mắt trông sang tấm thân đẹp tuyệt trần với mùi thơm da thịt của nàng. Từ cái động niệm của đoạn thơ trước khiến tác giả dừng lại nhìn no nê thân thể của nàng, kéo sang sự chao đảo nhưng ngây ngất, say sưa của đoạn thơ này quả khéo léo ở bố cục. Từ hình ảnh thật huyền hoặc: “Chiều hơi sương mờ mịt” chúng ta bước sang:

“thương con nắng cuối ngày
như lụa vàng, heo hắt
cuối chân mây bóng ngày vừa chợt tắt”

như một tiếp nối của thời gian và không gian hợp lý. Hình ảnh ánh nắng dịu lại như lụa vàng lung linh qua hơi sương loảng, trông thật đẹp. Họa sĩ nào và màu sắc nào có thể vẽ được cảnh này một cách sống thực, ngoại trừ nhà thơ ? Văn sĩ có thể dùng tản văn mô tả và giúp người đọc hình dung được hình ảnh tương tự, nhưng hình ảnh đó sẽ tan biến ngay đi, hoặc mất đi dần dần, khi ý đã đạt, hình đã thành. Còn với thơ thì hai câu: “Thương con nắng cuối ngày”, “Như lụa vàng, heo hắt” cứ tiếp tục tạo hình và gây cảm xúc mãi mãi theo cách: “nhật tân, hựu nhật tân” một cách sáng tạo. Phạm vi cấu tạo của thơ quả thật không sai, khiến ta cứ “Thương con nắng cuối ngày”, “Như lụa vàng, heo hắt” với trăm ngàn hình ảnh và vạn nỗi yêu thương tiếp mãi không thôi.

“em thầm thì khẽ bảo
gió se lạnh làn da
tôi hôn em với tất cả thiết tha
lời run rẩy trong làn hơi đứt quãng
không biết bao lâu chỗ ngồi chợt sáng
khi vầng trăng lơ lửng vượt lên đồi”

Và chỉ đợi có thế, tác giả ôm ghì lấy nàng hôn một cách đam mê tha thiết khi nàng khẽ nói nhỏ vào tai chàng: “em lạnh”. Không biết tác giả hay nàng nói gì lúc đó mà giọng thơ cho thấy như làn hơi đứt quãng. Vì lạnh hay vì rung động yêu đương? Hai người ngồi xuống bãi cỏ để nụ hôn thiết tha hơn hay cái say sưa đã dừng chân hai người lại và cái hug trong thế ngồi với vòng tay ôm biểu lộ thêm sự chở che. Thời gian như ngưng đọng, trăng lên, chiếu sáng mà hai người chẳng ai hay. Hình ảnh và kỹ thuật trong hai câu:

không biết bao lâu chỗ ngồi chợt sáng
khi vầng trăng lơ lửng vượt lên đồi”

thật tuyệt. Anh dùng thể nghi vấn tự đặt câu hỏi: “không biết bao lâu chỗ ngồi chợt sáng” như kỹ thuật tạo cảm nhận chứ không phải chủ đích. Văn là phương tiện để đạt ý, nhưng trong thơ, mục đích không còn thiết yếu nữa mà chỉ là cái cớ cho hành động. Chẳng hạn như đọc hai câu ca dao:

“Bồng em ra đứng ruộng dưa
Dưa đà có quả, chị chưa có chồng”

Hoặc:

“Tưởng giếng sâu nên em nối sợi gầu dài
Ai ngờ giếng cạn, nên tiếc hoài sợi dây”

chúng ta thấy việc “bồng em ra đứng ruộng dưa” hay “nối sợi gầu dài” có mục đích gì đâu, ngoại trừ cái cớ cho người đặt mấy câu ca dao trên diễn đạt nỗi niềm u buồn của cảnh “chị chưa có chồng” và tâm trạng “tiếc hoài sợi dây” như một sự bỏ ra quá nhiều tình cảm của mình cho một ước vọng không đạt được.

“em ơi đã khuya rồi
giã từ bờ suối mộng
ngước lên cao nhìn trăng sao lồng lộng
đêm mênh mang, đêm rạo rực vô bờ
ôm chặt em vẫn cứ tưởng như mơ
nghe sóng vỗ trong biển tình dào dạt”

Ngồi với nhau tới khuya, lòng rạo rực, ôm chặt em trong đam mê mà cứ ngỡ như mơ. Rời suối mộng hai người nhìn trăng sao xem chị hằng bẽn lẽn, rồi mới đưa nhau về để ghé đỉnh vu sơn cho sóng tình dào dạt. Hai câu:

“ngước lên cao nhìn trăng sao lồng lộng
đêm mênh mang, đêm rạo rực vô bờ”

thật hay và thi vị hóa lòng rạo rực ước mơ chuẩn bị hòa nhập thân thể mình vào với thân thể nàng. Nội tâm đã quấn chặt nhau, thân tâm cần hợp nhất nên sự ái ân cũng chỉ là sự ân ái của vũ trụ. Cái ngước nhìn lên trời cao, trong vô thức, là một dấu hiệu mời mọc. Điệu múa của vũ trụ (the dance of universe) bắt đầu những bước “đề pa” (depart). Lời nói của đạo sư Osho về sự ân ái của vũ trụ thể hiện qua cái “ngước lên cao nhìn trăng sao lồng lộng” của tác giả xảy ra trong vô thức nên ý thức không tài nào hiểu được. Vì vậy, như một consequence, tác giả tiếp: “đêm mênh mang, đêm rạo rực vô bờ”. Nếu chúng ta đừng để cho ý thức len vào khi trầm mặc tư tưởng bằng hai câu thơ này sẽ phát hiện được the dance of universe mà thăng hoa ái ân lên tầm mức cao hơn.

gió rì rào, xao xác
lòng tràn ngập niềm vui
sáng tinh mơ em đã nhoẻn môi cười
ngày chưa đến mà ánh hồng rạng rỡ
nằm bên em nhưng lòng tôi đã nhớ
đến một ngày khi tôi phải xa em

Một đêm ân ái, vũ trụ quay cuồng, gió rì rào, xào xạc, lòng hai người chan chứa vui. Sáng tinh sương, nàng nhoẻn môi cười, ngày chưa đến mà má đào rực rỡ. Khi đã “ái” và “thủ” để chấp chặt lấy nó rồi, người ta lại nghĩ tới “hữu” để có mãi mãi theo Thập Nhị Nhân Duyên của đạo Phật, nên hạnh phúc lại biến dạng vì động niệm. Kết quả, tác giả nằm bên nàng, lòng chợt thấy buồn khi nghĩ tới lúc phải lìa xa nàng. Điều đó rất thực và rất người. Cách diễn tả của tác giả qua hai câu:

“nằm bên em nhưng lòng tôi đã nhớ
đến một ngày khi tôi phải xa em”

làm bài thơ tăng thêm phần chân thật khiến cảm nhận của người đọc dễ hòa nhập theo.

“ước chi đêm dài thêm
cho tháng ngày dừng lại
để nghe gió vờn hoa hát lời ân ái
cho mây ngàn dừng lại giữa đồi trăng
cho chú cuội nôn nao nói với chị hằng
lời tình tự giấu trong hồn se thắt”

Không lẽ ngày mai tác giả phải ra đi hay sao mà lại mơ ước đêm dài thêm và tháng ngày dừng lại cho gió vờn hoa hát lời ân ái, cho mây ngàn dừng lại giữa đồi trăng và nhất là cho chú cuội nói với chị hằng lời tình tự dấu trong hồn se thắt. Tác giả dù có đi ngày mai hay ngày mốt, hay một lần dừng lại với nàng cả một quãng thời gian dăm ba tháng, cũng biết sẽ có lúc phải chia tay hoặc ly tan. Nếu cuộc tình xảy ra tại Việt Nam thì chàng phi công hào hoa đẹp trai Yên Sơn có oai hùng thế mấy cũng không dám trái lại nghĩa vụ, nên cánh đại bàng không thể đậu mãi trên đỉnh vu sơn. Thực không bằng mộng nên mộng ước cho rồi! Cả điều mình cảm nhận và có cảm giác được trong lúc mình không ngủ cũng là mộng cả, nên mộng và thực theo ngôn từ tương đối gọi, có khác chi. Mộng nhiều khi mình còn mộng tiếp được, còn thực lại ít khi xảy đến với mình lần thứ hai, thứ ba.

“em bắt tôi nhắm mắt
vớ chăn quấn lên vai
giấu nụ cười trẻ con sau mớ tóc dài
kéo màn cửa cho nắng xuân tràn lên gối
một chú sóc trên đầu cành chới với
phóng lên cao khiến chim chóc giật mình”

Nàng nũng nịu bắt tác giả nhắm mắt lại đặng nàng đứng dậy kéo màn cửa cho nắng lùa vào. Ái ân trong đêm mà nét thẹn thùng vẫn còn đó ban ngày. Nàng vớ chăn quấn lên vai dấu nụ cười trẻ con sau mớ tóc dài vì biết thế nào chàng cũng nhìn trộm thân hình tuyệt mỹ phô trần của mình. Nàng đẹp thật, tưởng chỉ có nàng cóc cái là giai nhân duy nhất của chàng cóc đực, thế mà vừa thoáng nhìn tòa thiên nhiên lồ lộ của nàng, chú sóc trên cây chới với nhảy phóc lên cao khiến chim chóc giật mình. Hai câu:

“một chú sóc trên đầu cành chới với
phóng lên cao khiến chim chóc giật mình”

dùng ở đây quả thật hay, đẹp và nhân cách hóa cảm nhận khiến người đọc liên tưởng nhớ tới hai câu thơ lục bác xinh xinh của Trần Dạ Từ:

“Lần đầu ta ghé môi hôn
Những con ve nhỏ hết hồn kêu vang”

Hình ảnh những chú ve nhỏ hết hồn kêu vang đủ diễn tả tâm trạng hồi hộp sung sướng và đê mê của nụ hôn đầu, còn hình ảnh chú sóc chới với trước thân hình lồ lộ của nàng đến nỗi phóng vút lên cao khiến chim chóc giật mình tỉnh giấc mới mạnh cường độ mô tả hết nét đẹp của giai nhân cùng nội tâm sững sờ của tác giả. Hai câu thơ thật khéo. Nếu cảnh tượng thực như vậy thì hồi tưởng của tác giả quả là sắc bén chứ với tôi trong hoàn cảnh đó, chắc quên hết đất trời. Còn nếu đó chỉ là cách di hoa tiếp mộc, mượn cảnh tả tình thì quả là thượng thừa.

“kìa giọt nắng lung linh
xuyên qua vuông cửa sổ
đến rồi đi cũng chỉ là duyên số
cũng một đời dài ngắn chỉ thế thôi
tôi yêu em, yêu chất ngất em ơi
như trời rộng bên ngoài khung cửa sổ”

Rồi nắng lên, rồi ngày lại, đến rồi đi cũng chỉ là duyên số. Qua câu thơ này, tác giả mang ý nghĩ như tôi trong câu: “tình là duyên, ly biệt cũng là duyên” viết cách đây khá lâu. Một đời người dài ngắn cũng thế thôi, vì thời gian thiếu em đều vô nghĩa. “Một lần dừng bước” mà thành thiên thu, một đời “đồng sàng” biết đâu lại “dị mộng”. Cái thời gian được kể là cuộc sống, là cuộc đời, theo tác giả chỉ là thời gian với nàng và hồi tưởng về nàng như hai câu thơ của John Lennon:

“Count your age by friends, not years
Count your life by smiles, not tears”
(Hãy đếm tuổi mình bằng số bạn bè mình có, chứ không phải bằng năm
Hãy đếm cuộc sống bằng nụ cười chứ đừng tính lệ thầm)

Với niềm tin tuyệt đối vào cái định nghĩa cuộc đời theo ý riêng mình, tác giả thể nhập hồn vào vũ trụ, tha thiết gọi tên em:

“tôi yêu em, yêu chất ngất em ơi
như trời rộng bên ngoài khung cửa sổ”

Ai đo được chiều sâu của tình yêu và tâm hồn thi sĩ? Ai thấy được vũ trụ cũng ân ái giao hòa? Đạo Người có tứ đức: “Nhân nghĩa lễ trí “thì Đạo Trời cũng có tứ đức: “Nguyên, hanh, lợi, trinh”. Hay nói khác đi, đạo Trời có tứ đức, đạo người bởi đó cũng tương ứng theo. Ân ái trong thơ, ở mức độ nào đó, là sự giao hòa của vũ trụ.

“tôi yêu em, yêu chất ngất em ơi
như trời rộng bên ngoài khung cửa sổ”

là ý đó, ý đến từ vô thức, chỉ hé lộ cho ý thức thấy một chút qua cường độ yêu đương bát ngát bao la “như trời rộng bên ngoài khung cửa sổ”.

Nguyễn Xuân Đấu

 

Duyên Thơ 

 

Thưa quý bằng hữu, quý độc giả.

Rất tình cờ, tôi được quen biết Văn hữu Phạm Đức Nhì.

Lần đầu tiên đọc bài thơ “Bờ Vẫn Quá Xa” – của anh đã cho tôi một cảm xúc rất thân tình, rất tâm đắc. Bài thơ đã cho tôi nguồn cảm hứng để viết một bài cộng hưởng gửi anh – Gửi anh Phạm Đức Nhì – Và từ đó chúng tôi quen biết nhau, rồi thân nhau.

Một số bài thơ và những bài bình phẩm thơ của anh đã cho tôi thấy ở anh có cái nhìn sâu sắc và rất khác người. Dù tôi không hoàn toàn đồng ý những gì anh viết, những khía cạnh suy tư của anh nhưng rất quý mến tấm lòng ngay thẳng, can trường của anh với cái nhìn trực diện, không màu mè, không chải chuốt. Dù tôi không thích đọc những bài thơ chứa đựng nhiều ngôn từ dung tục của anh nhưng tôi biết anh cố tình và có dụng ý sâu xa. Dù tôi không thích nhưng tôi có lòng nể trọng anh trong những ẩn dụ sâu sắc đó. Dù biết chúng tôi không cùng một trường phái nhưng vẫn đi chung lối về.

Hôm nay, trong dịp lễ tết cuối năm, tôi bỗng dưng nghĩ đến việc nhờ anh viết cảm nghĩ của anh về một một bài thơ ưng ý của tôi. Bài “Bóng Trăng Lệch Khuyết Bờ Vai” là bài thơ mở đầu trong loạt 6 bài của tập Trường Ca Nguời Em Mạn Bắc (*) tôi khởi viết từ năm 2005 và kết thúc năm 2013. Những bài thơ này đã được đăng trên website nhà và đăng rải rác trên các diễn đàn Việt ngữ và được chuyển tải nhiều nơi, trong cũng như ngoài nước, được độc giả đón nhận với nhiều thiện cảm. Thật ra, bài thơ này cũng đã được một người bạn văn ở Lincoln, Nebraska bình phẩm rồi; tôi dán ở nơi này – Về Bài Thơ Bóng Trăng Lệch Khuyết Bờ Vai – để chia sẻ những cảm nghĩ khác biệt của mỗi người về một bài thơ.

Chính vì tôi biết anh khác người, với tầm nhìn thẳng thắn không nương tay nên tôi rất mong được nghe thấy những lời phẩm bình ở anh để được chia sẻ với mọi người. Hơn nữa, tôi cũng nghĩ rằng, “đôi khi mình nghe hoài những lời xã giao, vị nể, đãi bôi sẽ làm cho mình chủ quan, mù quáng.” Với ý nghĩ đó nó càng thúc giục tôi hơn để yêu cầu anh viết. Tôi viết email khuyến khích anh cứ thẳng thắn cho tôi biết ý nghĩ trung thực của anh mà không cần phải câu nệ việc “thế gian thường tình”; và còn thậm chí bỏ ra mấy tiếng đồng hồ chạy tới nhà anh để cùng uống với nhau vài ly rượu tâm tình.

Hôm nay, sau vài tuần lễ, anh đã gửi cho tôi bài viết sau đây. Dù những điều anh nghĩ không nhất thiết phản ảnh những gì tôi nghĩ. Những nhận xét về chữ nghĩa của anh không nhất thiết đúng như chữ nghĩa tôi cố tâm dùng. Tôi đồng ý với anh tôi làm thơ theo những khuôn mẫu nhất định dù là thơ mới: Bài thơ của tôi viết luôn có bố cục chặt chẽ, có nội dung hẳn hòi theo một trình tự hợp lý; có vần điệu, có âm hưởng, có màu sắc. Tôi cân nhắc từng câu, từng chữ trong bài thơ chứ không thể phóng tay theo cảm hứng. Tôi cố tạo một bức tranh hài hoà, sống động trong mỗi bài thơ tôi viết. Tôi muốn tạo cho mình một lối đi rất riêng trong thi ca nhưng biết chắc rằng cũng không có gì mới lạ cho lắm. Tôi chưa từng có ý nghĩ so sánh thơ của mình với thơ bất cứ một người nào khác. Dù vậy, tôi cũng rất ưu ái đón nhận bài viết của anh, chân thành cám ơn anh Phạm Đức Nhì đã bỏ nhiều tim óc viết cho tôi. Tôi gửi nguyên bài lên đây, không sửa một chữ, mời quý vị cùng chia sẻ như một câu chuyện văn chương của hai người cầm viết không cùng trường phái để có cái nhìn khoáng đạt hơn, thi vị hơn.

Yên Sơn
Mùa tạ Ơn 2015

 

 

(*) TRƯỜNG CA NGƯỜI EM MẠN BẮC:

1. Bóng Trăng Lệch Khuyết 

2. Khúc Biệt Ly 

3. Vẫn Đợi Mùa Xuân  

4. Tiếng Gọi Tình Yêu 

5. Mùa Tình Nhân 

6. Trở Về 

7. Giấc Mơ Thu - Về Thăm Phương Bắc 

8. Tàn Thu Về Mạn Bắc

 

 Bài bình thơ của VH Phạm Đức Nhì

 

VỀ BÀI THƠ CỦA BẠN

 

Bạn hiền thân mến,

Bình thơ – khen chê một bài thơ – là công việc rất chủ quan. Dĩ nhiên, cũng có một vài nguyên tắc chung của nó, nhưng tùy theo độ dày kiến thức, cách nhìn nhận thơ ca của người viết mà mỗi bài bình thơ đều có những nét riêng. Một bài bình thơ, ngay khi được phổ biến, chưa phải là cách đánh giá chuẩn mực của một bài thơ nào đó. Nó còn phải chịu rất nhiều những cái nhìn soi mói của những người đọc thơ, làm thơ sành sõi, và nhất là, của những người bình thơ khác, “cao tay ấn” hơn. Khen, chê nặng tay hoặc nhẹ tay một tý là bị “giũa” ngay.

Chính vì thế tôi thường không bình thơ của người quen, bạn bè thân thiết – trừ trường hợp bài thơ đó có những điểm hay (dở) thật đặc biệt. Có 2 lý do:

1/ Khen nhiều thì độc giả cho là vị tình, là nịnh. Chê nặng tay một tý thì mất lòng tác giả.

2/ Khi chọn bình bài thơ nào là tôi đã đọc kỹ và thấy ở bài thơ đó một hoặc vài ưu (khuyết) điểm mà nếu được phân tích, giải thích sẽ đem đến cho độc giả những thông tin mới, kiến thức mới để họ hứng thú hơn trong thưởng thức thơ ca. Tưởng tượng ra vẻ mặt hài lòng, khoái chí của độc giả, tâm trạng người viết sẽ phấn khích hơn, ngòi bút sẽ linh động hơn, bài viết (tôi nghĩ) sẽ hấp dẫn hơn. Bình thơ bè bạn không có cái tâm trạng phấn khích, hào hứng đó.

Cho nên đây không phải là một bài bình thơ như tôi thường viết. Bạn cứ xem đây như một thư góp ý về bài thơ của bạn. Tôi sẽ liệt kê những ưu, khuyết điểm của bài thơ một cách thật tình, không khách sáo theo đúng như bạn yêu cầu:

Khen chê đối với tôi đều có giá trị như nhau. Nhiều khi nhận xét của bạn sẽ giúp tôi xem lại cách hành văn hoặc sắp đặt tư tưởng, từ ngữ của mình. Vì tôi tin sự thẳng thắn, thành thật của bạn mình khi viết về văn chương thi phú.

 

Bài thơ

Bóng Trăng Lệch Khuyết Bờ Vai

chạy theo bảng chỉ đường
về nhà em mạn bắc
nơi em ở cách phố phường xa lắc
một khu rừng rợp bóng cả lối đi
chỗ của em, chẳng mấy thuở mấy khi
vắng hoa lá, thiếu chim muông ríu rít

chiều hơi sương mờ mịt
có ngàn thông reo vui
sánh vai nhau từng bước nhỏ rong chơi
dừng bên suối vẫy đàn nai ngơ ngác
tôi đứng lại nhìn bước chân đài các
mái tóc huyền óng ả ngập bờ vai

thương con nắng cuối ngày
như lụa vàng, heo hắt
cuối chân mây bóng ngày vừa chợt tắt
tay trong tay lưu luyến phút quay về
tự đáy lòng choáng ngập nỗi đam mê
và hương sắc đã làm tôi chao đảo

em thầm thì khẽ bảo
gió se lạnh làn da
tôi hôn em với tất cả thiết tha
lời run rẩy trong làn hơi đứt quãng
không biết bao lâu chỗ ngồi chợt sáng
khi vầng trăng lơ lửng vượt lên đồi

em ơi đã khuya rồi
giã từ bờ suối mộng
ngước lên cao nhìn trăng sao lồng lộng
đêm mênh mang, đêm rạo rực vô bờ
ôm chặt em vẫn cứ tưởng như mơ
nghe sóng vỗ trong biển tình dào dạt

***

gió rì rào, xao xác
lòng tràn ngập niềm vui
sáng tinh mơ em đã nhoẻn môi cười
ngày chưa đến mà ánh hồng rạng rỡ
nằm bên em nhưng lòng tôi đã nhớ
đến một ngày khi tôi phải xa em

ước chi đêm dài thêm
cho tháng ngày dừng lại
để nghe gió vờn hoa hát lời ân ái
cho mây ngàn dừng lại giữa đồi trăng
cho chú cuội nôn nao nói với chị hằng
lời tình tự giấu trong hồn se thắt

em bắt tôi nhắm mắt
vớ chăn quấn lên vai
giấu nụ cười trẻ con sau mớ tóc dài
kéo màn cửa cho nắng xuân tràn lên gối
một chú sóc trên đầu cành chới với
phóng lên cao khiến chim chóc giật mình

kìa giọt nắng lung linh
xuyên qua vuông cửa sổ
đến rồi đi cũng chỉ là duyên số
cũng một đời dài ngắn chỉ thế thôi
tôi yêu em, yêu chất ngất em ơi
như trời rộng bên ngoài khung cửa sổ

Bóng Trăng Lệch Khuyết Bờ Vai của bạn là một bài thơ “đẹp”. Câu văn sáng sủa, dễ hiểu, ngôn ngữ sang trọng, quý phái tuy đôi lúc cũng ra vẻ làm dáng như lời trong vài bài nhạc của Từ Công Phụng. Hình ảnh đẹp, lãng mạn, tứ thơ “dễ bắt” – cuộc tình đẹp, lãng mạn của tác giả với người em mạn bắc – chức năng truyền thông của bài thơ thành công.

Nếu đặt lên bàn cân thì phía bên ưu điểm sẽ nặng hơn. Những ưu điểm, những cái đẹp của bài thơ có thể gói gọn trong vài hàng nhưng đó là những tuyệt kỹ mà tác giả của nó phải có một nội lực sung mãn, một thời gian dày dạn sương gió trên cánh đồng văn chương và một hồn thơ sâu lắng mới thể hiện được. Cái hay của thơ bạn là cái hay đẳng cấp chứ không phải cái hay chiêu thức.

 

Và sau đây là vài khuyết điểm.

Đọc 2 đoạn đầu bài thơ của bạn tôi đã thấy mừng mừng; hình như bạn đã thoát cũi sổ lồng, không còn tự trói buộc mình trong cái rọ của “Thơ Mới” nay đã không còn mới nữa; số chữ trong câu đã thay đổi, lúc 5, lúc 8. Nhưng đọc kỹ tôi mới biết mình mừng hụt. Bạn đã phá cái cũi kiểu Nhớ Rừng của Thế Lữ để tự đóng một cái cũi khác lạ hơn, hẹp hơn rồi rất vui vẻ chui vào, bóp khóa, vất chìa ra thật xa và bình thản … ngồi tù trong đó.

Bài thơ của bạn có 54 câu, chia làm 9 đoạn, mỗi đoạn 6 câu. Trong mỗi đoạn thì 2 câu đầu 5 chữ, 4 câu sau 8 chữ (558888). Toàn bài có 4 câu thơ 9 chữ (thay vì 8) trong đó có 3 câu theo tôi, bạn viết như vậy không phải vì muốn phá cách mà vì… kẹt.

cho chú cuội nôn nao nói với chị hằng (lẽ ra phải là chú Cuội, chị Hằng)
và:

giấu nụ cười trẻ con sau mớ tóc dài
kéo màn cửa cho nắng xuân tràn lên gối

Đó là những câu thơ rất khó bỏ đi một chữ mà vẫn giữ được cái đẹp, cái hay của nó. Trường hợp này cách hành xử của bạn giống Thế Lữ trong Nhớ Rừng. Ông đã chấp nhận phạm luật thơ mới (khác với tinh thần phá luật của Yên Thao trong Nhà Tôi) để giữ lại câu thơ 10 chữ (thay vì 8) rất hay sau đây:

Với tiếng gió gào ngàn, với giọng nguồn hét núi

Riêng câu:

để nghe gió vờn hoa hát lời ân ái

thì không biết suy nghĩ của bạn thế nào chứ nếu ở trường hợp của tôi, muốn bỏ bớt một chữ thì bỏ chữ “nghe” là tiện nhất. Chữ “nghe” có thể hiểu ngầm nên đứng ở chỗ ấy là thừa.

để gió vờn hoa hát lời ân ái

vừa gọn lại vừa hay hơn nhiều.

Khi đã chui vào trong cũi để làm thơ, phong thái của thi sĩ đã hơi bị… mất đẹp, không có dáng vẻ ung dung thoải mái. Hơn nữa, vì bị gò bó nên rất dễ có thêm những khuyết điểm khác.

Thí dụ:

chạy theo bảng chỉ đường
về nhà em mạn bắc
nơi em ở cách phố phường xa lắc
một khu rừng rợp bóng cả lối đi
chỗ của em, chẳng mấy thuở mấy khi
vắng hoa lá, thiếu chim muông ríu rít

Nếu không kẹt dính trong cái thể thơ cứng ngắc bạn đã có thể bỏ đi cụm từ “chỗ của em” để tránh cái lỗi câu chữ vô tích sự, thừa thãi.

Đó là về thể thơ – số câu, số chữ.

Sau đây là cách gieo vần của bạn. Bài thơ có 9 đoạn, 54 câu. Trừ câu đầu và câu cuối, bạn tao ra 26 cặp vần trong 52 câu thơ. Bài thơ từ khởi đầu đến chấm dứt vần cứ “đến hẹn lại lên”, không bỏ lỡ một dịp nào. Có thể nói trong cách gieo vần bạn như một quân nhân gương mẫu, nghiêm chỉnh tuân hành kỷ luật nhà binh một cách hoàn toàn tự giác. Nguyễn Hưng Quốc mà đọc phải bài thơ này sẽ giơ 2 tay lên trời than “Hết ‘ví dầu ầu ơ’ lại ‘ầu ơ ví dầu’”. Còn tôi nghĩ đến món chè trong mấy câu thơ:

Đường ít: chè không đủ ngọt, không ngon
đường nhiều: ngọt lợ, ăn gắt cổ
nấu chè ngon do đó
cũng cần có tài
ngoài việc phải biết chọn các thứ đậu, dừa, bột, nếp
các thứ khoai
(thứ nào nấu với thứ nào
liều lượng bao nhiêu thì hợp)
còn phải biết nêm đường cho vừa ngọt

Vần và (hoặc) nhịp điệu tạo nên vị ngọt của thơ ca. Nó là những cái “móc” để giúp nối những chuỗi hình ảnh, sự kiện tạo nên cảm xúc của tác giả và – qua bài thơ – trở thành một thứ “thuốc dẫn” giúp những chuỗi hình ảnh, sự kiện ấy đi vào tâm hồn đọc giả một cách dễ dàng hơn. Trong những bài thơ thành công cái “thuốc dẫn” này giúp cảm xúc vận chuyển thành một dòng chảy, chảy trong tâm hồn người đọc. Nhấm nháp được chút vị ngọt này người đọc sẽ bỏ bớt sự cẩn trọng thái quá (như khi đọc một hợp đồng, một án quyết), tạm thời gác lý trí qua một bên, để có thể tiếp cận bài thơ một cách nhẹ nhàng thoải mái, cho trái tim trần trụi của mình đối diện với hồn thơ của tác giả.

Tuy nhiên, cũng như đường trong chè, ngoài ý tứ, ngôn từ, hình ảnh, việc xử dụng vần điệu đúng liều lượng để thơ ca có vị ngọt vừa phải cũng là một tài năng của tác giả.

Bạn đã nêm đường quá nhiều cho món chè “Bóng Trăng Lệch Khuyết Bờ Vai” và độc giả như tôi “ăn” ngán lắm. Hơn nữa, số chữ trong câu của bài thơ cứ theo một nhịp nhất định không thay đổi (558888) nên bài thơ đã đơn điệu lại càng thêm tẻ nhạt. Đặc biệt là ở đoạn cuối; vần đã quá “nặng nề” bạn lại đưa thêm vào một kiểu điệp ngữ rất vụng về.

kìa giọt nắng lung linh
xuyên qua vuông cửa sổ
đến rồi đi cũng chỉ là duyên số
cũng một đời dài ngắn chỉ thế thôi
tôi yêu em, yêu chất ngất em ơi
như trời rộng bên ngoài khung cửa sổ

khiến món chè đã ngán lại càng thêm ngán.

 

Hội Chứng Barcelona Trong Thơ

Cách đây không lâu, những tháng ít việc làm, thỉnh thoảng tôi cũng xem bóng đá. Tôi chú ý đến đội Barcelona vì ở đó có Messi (cầu thủ hay nhất thế giới) và một giàn cầu thủ có khả năng che bóng, giữ và kiểm soát bóng rất hay. Sau trận đấu, nhìn vào chỉ số kỹ thuật thì tỷ lệ kiểm soát bóng (possession) của đội thường cao hơn đối thủ nhiều (thí dụ 58% v/s 42%). Trong một số trận quan trọng, khi dẫn trước đối thủ 1 bàn đội Barcelona thường vờn bóng giữa sân để … câu giờ (hoặc thực hiện một ý đồ chiến thuật nào đó). Đối phương đuổi theo bóng thì họ chuyền cho nhau – thường là ngược về phía sân nhà. Sau đó từ từ đưa lên giữa sân rồi lại ngược về cho thủ môn. Cuối cùng họ thường đạt được mục đích của mình là thắng trận. Thật ra, vờn bóng giữa sân không phải dễ. Như đã nói ở trên, phải có những cầu thủ giỏi, có kỹ thuật cá nhân điêu luyện, đặc biệt là khả năng giữ, che và kiểm soát bóng tốt. Nhưng dù cầu thủ có giỏi cỡ nào đi nữa mà đá kiểu đó thì khán giả cũng rất bực bội vì phải xem một trận đấu tẻ nhạt. Vài nhà bình luận thể thao đã lên tiếng chỉ trích, cho rằng lối chơi của Barcelona (trong những trận đó) đã giết chết nét đẹp của bóng đá, đã tạt nước lạnh vào lòng mê say của khán giả đối với môn thể thao vua này.

Bóng Trăng Lệch Khuyết Bờ Vai của bạn cũng gần giống như thế. Tứ thơ – nhờ vần liên tiếp nên – như một dòng sông cảm xúc chảy trong tâm hồn độc giả. Tuy nhiên, có lẽ kỷ niệm về mối tình với người em mạn bắc đẹp quá, không có ups and downs, không có những tình tiết hồi hộp, hấp dẫn, nên dòng sông thơ không thác, không ghềnh, chảy lờ đờ chậm rãi. Với mối tình nhiều kỷ niệm đẹp như thế, bạn có thể ngồi cả buổi nghĩ về nó, thả hồn vào những chuỗi ngày thơ mộng đó mà vẫn thấy thích thú, hạnh phúc. Nhưng với độc giả, phải đọc bài thơ dài đến 54 câu (Nhớ Rừng của Thế Lữ chỉ có 47 câu), số chữ trong câu theo một quy định cứng ngắc, hội chứng “ầu ơ ví dầu” quá nặng, quanh đi quẩn lại chỉ có “cảnh đẹp, em đẹp và anh yêu em chất ngất” thì… “chán như cơm nếp nát”.

Trong bóng đá, trận đấu có hấp dẫn hay không, khán giả có hài lòng hay không – nếu FIFA vẫn chưa tìm được phương cách để thay đổi luật lệ – trận thắng vẫn là trận thắng với tất cả những mối lợi, những vinh quang của nó. Nhưng với thơ thì khác. Độc giả đọc vài câu mà không thấy lạ, đẹp, không thấy hơi nóng của cảm xúc bốc lên thì dù tứ thơ có “dễ bắt”, chức năng truyền thông của bài thơ có thành công trọn vẹn, họ cũng chán, không thèm đọc nữa, và bài thơ sẽ phải mang số phận “có tên mà không có tuổi”.

Về điểm này tôi có viết một bài thơ ngắn; nhân tiện mang ra để minh họa.

Đừng Để Cơm Ôi

Chị Cả sợ cơm ôi
chờ nước sôi
mới đổ gạo vào nồi
rồi chị khơi lò, trở củi
để ngọn lửa cháy đều, cháy mạnh
cho đến lúc nồi cơm cạn nước
“Cơm sôi cả lửa thì ngon”
câu ca dao mẹ dạy
chị vẫn còn ghi nhớ

Qua chuyện ái ân chồng vợ
chị với anh đã ăn ý rõ ràng
phải đâu đó sẵn sàng
mới cho chốt nhập cung
và rồi tấn công dồn dập, tưng bừng
cho đến lúc gạo thành cơm vừa chín tới

Bài thơ đang viết dở
chị nhắc anh đoạn giữa
đừng như nồi cơm ôi.

 

Bạn thân mến,

Viết đến đây tôi muốn có vài hàng cám ơn bạn. Bạn đã bỏ thời gian lái xe một đoạn đường rất xa đến nhà tôi để chúng ta mặt đối mặt nói chuyện. Bạn đã bật đèn xanh cho tôi được tự do, muốn viết gì thì viết mặc dù tôi đã trình bày với bạn những gì tôi hứng thú để viết phần lớn nằm ở phần khuyết điểm của bài thơ. Và tôi đã viết thật thoải mái. Tôi đã nói hết – nói đến tận cùng – những gì tôi muốn nói, đôi khi vượt quá những khen chê thường lệ của một bài bình thơ.

Viết BTLKBV bạn đã chứng tỏ được đẳng cấp của mình. Tuy nhiên, nếu bảo tôi ngưỡng mộ tài thơ của bạn thì đó là câu nói khách sáo, đãi bôi. Nhưng thật tình mà nói, tôi kính trọng, quý mến bạn ở cái “nhân cách đặc biệt” của bạn. Mình gặp nhau đã nhiều lần, hội họp nghiêm túc có, bù khú văn nghệ vui chơi cũng có. Trong đám đông bạn có phong thái chững chạc, đàng hoàng, nụ cười luôn nở trên môi, lúc nào cũng là chất keo kết dính nhiều thành phần bạn hữu khác nhau đến cùng tụ hội.

Hy vọng đọc xong bài viết này, khi sáng tác những bài thơ mới bạn sẽ không còn “nêm đường quá ngọt”, không “vờn bóng giữa sân” quá nhiều, và nhất là không tự trói tay mình rồi chui vào trong cũi. Cũng hy vọng bạn sẽ không giận tôi, vẫn thực hiện những điều bạn đã dự định về bài viết này. Được như vậy tôi sẽ rất vui vì đã không sai lầm khi – trong số bạn hữu của mình – đã dành cho bạn một vị trí rất trang trọng và gần gũi.

Galveston 11/26/2015

Phạm Đức Nhì



Thư hồi âm 

(sau khi nhận bài viết của bạn Phạm Đức Nhì)

 

Bạn hiền,

Rất hào hứng! Rất trân trọng bài viết, tôn trọng ý tưởng của tác giả.

Cõi thơ thì mênh mông như khi nhìn dòng sông có ai biết đâu là nguồn, đâu là cửa.

Thơ là chuyên trên trời. Đời sống mới là hiện thực. Cái mông mênh của tâm hồn cho người ta cảm nhận tự nhiên không toan tính. Ngay cả toán học thời nay, một cộng một chưa chắc đã là hai, huống chi…
Dù vậy, cái nhìn của các bạn cho tôi thêm khiêm nhường, cho tôi đôi điều học hỏi, rất đáng quý.

Yên Sơn

Vừa nhận thêm ý kiến của một vài bằng hữu, bạn của Phạm Đức Nhì, xin ghi vào đây để rộng đường dư luận… cho đời vui.

  

BÀNG NGUYỄN

Bình thơ đâu có dễ. Nói như cụ Hoài Thanh, bình thơ là “lấy hồn ta để hiểu hồn người”, suy rộng ra là phải trân trọng, yêu mến, cảm thông với tác giả.

Vì cái lẽ lớn lao đó nên với bài thơ Bóng Trăng Lệch Khuyết Bờ Vai, tôi thật không dám bình. Vả lại trước mắt đã có sừng sững hai bài bình khá dài hơi của hai nhà thơ Nguyễn Xuân Đấu và Phạm Đức Nhì rồi, cố bình thêm xem ra sẽ thành một bài bình chưa tới.
Tuy nhiên, nhận xét bài thơ thì có thể, chỉ có điều đúng hay sai, nông hay sâu mà thôi.

BóngTrăng Lệch Khuyết Bờ Vai là những lời tự sự của một nhân vật được thơ hóa bằng những lời miêu tả trữ tình, có hình ảnh có nhịp điệu. 9 khổ thơ liên tiếp nối nhau nếu diễn xuôi sẽ thành 9 đoạn, có mở đầu có kết luận và có nội dung một câu chuyện gặp nhau của một đôi trai gái trong một không gian là một khu rừng đẹp “cách phố phường xa lắc” mà thời gian là một buổi chiều tà rồi qua suốt đêm thâu cho đến sáng hôm sau với hình ảnh xinh đẹp đài các của cô gái, với những lời yêu thủ thỉ, nhưng môi hôn và cả chuyện làm tình của họ. Một câu chuyện không có gì đặc sắc mà còn hơi cũ kỹ, có dáng dấp những chuyện hẹn hò của các công tử thành thị trong các thiên truyện Tự lực văn đoàn, mỗi cuối tuần hay cuối tháng về chơi đồn điền ở một vùng trung du để gặp cô thôn nữ chàng ta yêu dấu. Nhưng với nhà thơ nó là những kỷ niệm nên thơ rạo rực đam mê và gọi lên những nghĩ suy về tình yêu duyên số cuộc đời nên người đọc cũng rất trân trọng mặc dù, chút kỷ niệm ấy nên ghi vào một trang nhật ký riêng tư cũng đã là vừa phải và rất đẹp.

Khổ thơ mở đầu khiến người đọc cảm mến chàng trai đã không quản đường xa, rời thành phố về một khu rừng với người yêu. Đúng là “Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo/ ngũ lục sông cũng lội thất bát đèo cũng qua”, mặc dù thời nay không phải dùng đôi chân để trèo, để lội, để qua nữa. Nhưng người đọc có chút băn khoăn, không hiểu chàng trai đã đến nhà cô gái bao lần hay đây là lần đầu chàng tìm đến? Nếu đến nhiều lần thì cần gì phải “chạy theo bảng chỉ đường”, vì con đường tình anh đến với em đã thành bản đồ trong tim rồi, cho dù đêm tối không cần sao Bắc Đẩu, anh vẫn không thể nào lạc lối. Nhưng đây là lần đầu tìm đến thì cũng vô lý, bởi thế thì sao biết rất rõ:

chỗ của em, chẳng mấy thuở mấy khi
vắng hoa lá, thiếu chim muông ríu rít”.

Đúng như lời bình của Phạm Đức Nhì, bài thơ là một “dòng sông thơ không thác, không ghềnh, chảy lờ đờ chậm”. Nhưng thật tiếc, ngay khi khúc nguyên sơ của con sông vừa xuất hiện, ta đã thấy nó có đôi gợn sóng. Ấy là cái từ “xa lắc”.

Xa lắc, rất xa, đến mức tưởng như không thể hình dung được, không thể đến được. Con đường từ thành phố anh đi đến khu rừng em ở, có bảng chỉ đường và anh đã biết nơi đó ở mạn bắc, không mấy khi vắng hoa lá, thiếu tiếng chim muông; thế thì sao lại xa lắc với anh? Vả lại “xa lắc” là một khẩu ngữ, ngôn ngữ nói thông thường, không có giá trị tu từ gì cho đoạn thơ mà chỉ được mỗi cái vần vèo với từ “mạn bắc” ở dòng trên nhưng đọc hai câu thơ lên thấy rất khô cứng.

Khổ thơ thứ hai đẹp cả cảnh lẫn người nhưng xem ra có phần phi lý trong câu “Chiều hơi sương mờ mịt” mà mọi cảnh vật lại hiện lên rõ mồn một trong cảnh chiều hôm đó. Mờ mịt hay mịt mù, mù mịt là mờ đi đến mức không còn nhìn thấy rõ gì được nữa như cái cảnh con cò trong câu ca dao “Cái cò đi đón cơn mưa/ Tối tăm mù mịt ai đưa cò về”. Ấy vậy mà đôi trai gái lại có thể nhìn rõ cả đàn nai ngơ ngác. Riêng chàng trai còn nhìn rõ cả bước chân đài các trên lối đi và mái tóc huyền óng ả ngập bờ vai của nàng nữa. Phải chăng, tình yêu đã cho họ sáng mắt sáng lòng nên nhìn thấu qua đươc làn hơi sương mờ mịt kia?

Lại đúng như Phạm Đức Nhì nhận định về bài thơ của Yên Sơn: “Bạn đã phá cái cũi kiểu Nhớ Rừng của Thế Lữ để tự đóng một cái cũi khác lạ hơn, hẹp hơn rồi rất vui vẻ chui vào, bóp khóa, vất chìa ra thật xa và bình thản… ngồi tù trong đó”. Ngoài một số câu Phạm Đức Nhì đã trích và bình, tôi đọc xong câu thơ này trong BTLKBV: cuối chân mây bóng ngày vừa chợt tắt, thì bỗng dưng quên bặt mất mình đang đọc thơ Yên Sơn mà lại bật nhớ về thơ Thế Lữ:

Mà sắc đẹp rỡ ràng rồi sẽ tắt
Như bóng chiều dần khuất
Dưới chân trời.”

Cuộc tình của đôi tài tử giai nhân này đẹp ra sao thì toàn bộ bài thơ đã diễn tả đầy đủ rồi. Nhưng có thắm thiết không, có lòng tin chung thủy vào nhau không?

Thì đây chàng trai đã nói:
nằm bên em nhưng lòng tôi đã nhớ
đến một ngày khi tôi phải xa em

Và rồi:
nhìn giọt nắng lung linh
xuyên qua vuông cửa sổ

Hình như chàng đã nén tiếng thở dài vào lòng khi nghĩ rằng:

đến rồi đi cũng chỉ là duyên số

cũng một đời dài ngắn chỉ thế thôi

Bi lụy quá. Chả nhẽ đây là lần cuối anh đến với em? Chả nhẽ duyên tình đôi ta chỉ dài ngắn thế thôi? Một chiều đẹp não nùng với ngàn thông reo, với đàn nai ngơ ngác bên bờ suối rồi tiếp nối là một đêm trăng sao lồng lộng dạt dào hoan lạc chưa qua hết khi ngày chưa đến mà ánh hồng rạng rỡ, khi nàng vẫn nhoẻn môi cười, vậy mà chàng đã ngậm ngùi trong lòng riêng như thế!

Theo như bài bình của Nguyễn Văn Đấu thì chàng trai Yên Sơn là một cánh đại bàng hào hoa oai hùng. Vậy là một trang Từ Hải thời nay rồi còn gì? Nhưng hãy xem Từ Hải, sau “Nửa năm hương lửa đương nồng bên Thúy Kiều thì Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương, Từ đã hướng về trời bể mênh mang,với thanh gươm yên ngựa lên đường đi ngay:

“Trông vời trời bể mênh mang
Thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng dong

Sau đó Từ Hải và Thúy Kiểu nói lời tiễn biệt. Trong lời tiễn biệt, Từ Hải rất tự tin vào cuộc sống:

Đành lòng chờ đó ít lâu,
Chầy chăng là một năm sau vội gì!

Rồi:

Quyết lời dứt áo ra đi
Gió mây bằng đã đến kì dặm khơi

Chàng phi công trong thơ Yên Sơn không được bằng Từ Hải đã đành mà cũng chả bằng chàng trai quê mùa khi phải đi xa:

Đường dài ngựa chạy biệt tăm,
Người thương có nghĩa trăm năm cũng về.

Thậm chí cũng chả bằng cô thôn nữ, yêu là yêu, mặc cho trời đất xoay vần:
Đã thương cắt tóc trao tay
Tha hồ én liệng, nhạn bay mái ngoài

Như sợ người yêu cũng như mình, sẽ buồn phút chia tay sắp phải đến, không tin vào ngày mai của cuộc tình vừa mới diễn ra đẹp như mộng, chàng phi công làm bộ rắn rỏi nói với nàng trong hai câu kết bài thơ:

tôi yêu em, yêu chất ngất em ơi
như trời rộng bên ngoài khung cửa sổ

Người đọc coi như đây là một lời thề chung thủy rất đáng quý của chàng và lời thề này sẽ đọng mãi trong trái tim cô gái anh yêu, giúp nàng cũng sẽ mãi mãi thủy chung như câu ca dao:

Một lòng kết tóc xe tơ
Một niềm chỉ đợi chỉ chờ một anh

Rất trân trọng nhưng cũng lại rất tiếc vì cách dùng từ và cách ví von của nhà thơ. Ấy là từ “chất ngất”, có nghĩa là cao ngất và có nhiều lớp, nhiều tầng chồng lên nhau, cũng đồng nghĩa với ngất ngưởng, ngất nghểu, ở thế không vững chắc dễ ngã dễ đổ. Tôi yêu em, yêu chất ngất em ơi! Dễ anh say hay sao mà anh nói với em như thế?!

Đã thế anh lại còn ví von khi nói anh yêu em như trời rộng bên ngoài khung cửa sổ. Anh yêu ơi, khung của sổ nhà em đâu có rộng, em vẫn thường nhìn ra,nếu nhìn xuống thì chỉ thường thấy những ô nhỏ cuộc đời trần tục; nếu nhìn lên thì cũng chỉ thấy một mảnh trời màu xanh màu hồng hay màu xám tùy vào tiết trời khi ấy. Em còn chưa nói cái khung cửa sổ nhà em nhiều khi còn dính bụi bẩn vì chưa kịp lau đó anh ạ!

Bài thơ BTLKBV là những cảm xúc tình yêu đáng trân trọng dù đôi lúc cảm xúc đó hơi trần tục.

Tôi không dám bình bài thơ như đã nói. Nhưng nể nhà thơ Phạm Đức Nhì đã chuyển cho mấy chúng tôi bài thơ này để đọc. Nói như anh Nhì, bạn anh, nhà thơ Yên Sơn muốn có một “ý kiến thứ hai” tức ý kiến của anh Nhì sau lời bình của ông Nguyễn Xuân Đấu. Nay anh Nhì chuyển cho mấy chúng tôi, chắc anh muốn rộng thêm ý kiến?

Vì lẽ đó, tôi như một người bỗng dưng được đặt vào tay đóa hoa thơ BTLKBV, ngắm nghía nó và có vài nhận xét nho nhỏ về bông hoa ấy như thói thường của người đời, rằng bông hoa này đẹp nhưng sao chỗ này nó lại thế, chỗ kia nó lại thế?

Vâng, chỉ thế và chỉ thế thôi!

 

KHÔI NGUYỄN

Trước tiên phải nói bài thơ đó RẤT THƠ, cảm nghĩ / khen chê mỗi người một ý (nói như Quế Đường tiên sinh “văn chương là của chung thiên hạ / mỗi người một ý/ phân tích (để thưởng thức) thì được / chứ không nên chê mắng”). Bài thơ rất có HỒN nên đọc rất sướng… còn “Bình” & “phê” đã có 2 bài của 2 bác Phạm Đức Nhì & Nguyễn Bàng (đăng trên lexuanquang.org ở Berlin- CHLB Đức) là khá góc cạnh uyên bác, với trình độ hạn hẹp như NK thấy khó có ý kiến nào “thêm” nữa…

Chao ôi, làm thơ, may ra gặp cảnh sinh tình “xuất thần” (trời cho) được một tứ thơ hay, còn ngôn ngữ & hình tượng thơ là do cái “thi tài” mà Thi nhân đã hun đúc mà có, mấy khi được “toàn bích” kia chứ? (LỚN như Nguyễn Bính cũng không có bài nào được khen là “toàn bích” nữa là?). Xứ Quảng là Xứ học, xứ của Dừa trăng thơ mộng… con người ngang tàng khí phách- “Thơ là Người”, thơ trước tiên là “viết cho mình” (không phải là “đẽo cày giữa đường”)… do đó Thơ không thể chiều ý mọi người như mọi người mong muốn được. Thơ trữ tình chỉ có một mục đích là “giãi bày nỗi lòng”, ghi lại một vết thời gian mà ta xúc động…

Tri âm, tri kỷ chỉ cần 1 người tâm đắc chia sẻ là ấm lòng rồi, bằng không thì chỉ như kiểu:

Thơ tôi viết tặng Làng tôi
Cả làng và chỉ một người tôi thương.

Có gì không phải, xin được các bác lượng thứ?!

Hà Nội 5-12-2015
Kính các bác.
Nguyễn Khôi

 

DUNG NGUYENHUNG

Kính anh Yên Sơn!

Đối với “vị thế” của các nhà thơ, tôi chỉ là người thuộc chiếu dưới, như một kẻ hậu sinh có mắt không tròng… Tôi chỉ biết Yên Sơn qua bài còm của anh Phạm Đức Nhì, trước đó tôi đã đọc khá kỹ càng bài “Bóng Trăng Lệch Khuyết Bờ Vai”, một bài thơ lạ của một tác giả lạ với một cái tiêu đề lạ. Sau đó,tôi lại vào mạng tìm hiểu thêm về nhân thân của anh. Thật bất ngờ, sự nghiệp thi ca của Yên Sơn thật lẫy lừng không kém, vậy mà đây lại là lần đầu tiên tôi tiếp cận thơ của anh. Tôi lại vào trang web Vườn Thơ Tkaraoke, nhấp vào Yên Sơn… bàng bạc lai láng thơ của anh, tôi tha hồ thưởng thức.

Nhận xét về thơ Yên Sơn, tôi thoáng cảm nhận nhà thơ này có cung cách của một tráng sĩ sinh bất phùng thời hao hao hệt hệt như những nhà thơ cốt cách xứ Quảng; nếu nói về số nhiều, thì chỉ có xứ Quảng sản sinh ra nhiều nhà thơ hào phóng, hảo hán và tâm huyết với quê hương xứ sở hơn các miền, các xứ khác của dân Việt… Những bài thơ của Yên Sơn hay và thấm đẩm tình yêu quê hương, chiến hữu… Qua thơ anh, tôi còn nhận ra, nói đúng hơn là thấm thía cái xót xa, tủi hờn, đau đáu… của những kẻ ly hương đầy tuyệt vọng. Thơ của anh tự nhiên, dạt dào xúc cảm… nói như PĐN là có đẳng cấp chứ không phải là chiêu trò…

Tôi đã đọc bài bình của thi sĩ Phạm Đức Nhì, cũng như của cả anh Nguyễn Xuân Đấu về BTLKBV. Riêng với anh Phạm Đức Nhì, tôi nhận xét trong bài phê bình của anh chỉ khen có 8 dòng, còn chê thì trên cả trăm dòng, đúng như lời thẳng thắng của PĐN. Sẽ liệt kê tất tần tật nhưng không phải là phê bình mà là góp ý. Tôi không có ý kiến gì cả về bài phê này, nhưng sau nhiều lần đọc những bài phê bình của anh, ngay cả như bài “Tống Biệt Hành” của Thâm Tâm… Ý của tôi rằng, những bài thơ hay nhất là những bài thơ được PĐN chê nhiều nhất. Anh PĐN thích dụng từ “đao to búa lớn” để nói lên tấm lòng chân thật của mình, để mong mỏi cho hoài bão của anh vì “Bờ Vẫn Qúa Xa”. Lối phê bình của PĐN. Là lối phê bình kinh điển rất thích hợp trong nhà trường dành cho các học sinh và sinh viên vì muốn ngô ra ngô, khoai ra khoai. Riêng với bài BTLKBV, theo tôi PĐN đã khe khắt như ví dụ muốn bỏ bớt chữ “nghe”:

ước chi đêm dài thêm
cho tháng ngày dừng lại
để nghe gió vờn hoa hát lời ân ái
cho mây ngàn dừng lại giữa đồi trăng
cho chú Cuội nôn nao nói với chị Hằng
lời tình tự giấu trong hồn se thắt

Tôi cho rằng trong bài BTLKBV, khổ thơ này tuy không hay nhất so với các khổ khác, nhưng theo tôi, đây chính là tâm điểm, là đại ý của bài thơ vì theo lời của chủ nhân bài thơ, đêm ơi hãy dài bất tận; ngày tháng ơi, hãy dừng lại… làm cho tôi chợt nhớ về cái thủa mới gặp nàng vào một buổi chiều, lúc tôi tròn 20 tuổi.

…Năm tháng ơi. xin dừng lại
Đừng thoi đưa và đừng quay
Để riêng ta với chiều ấy.
Một buổi chiều rất mỏng manh.
Ta cứ mơ theo chiều ấy
Một bóng hình không thể quên
Nhưng thời gian đã nhạt nhòa
Nhưng thời gian đã xưa xa…

Tôi xin trở lại vấn đề, nếu theo PĐN bỏ chữ nghe vì muốn câu thơ gọn ghẽ thì làm sao cắt nghĩa được gió và hoa hát lời ân ái và chú cuội nôn nao tâm sự với chị Hằng? Tôi xin đọc lại một tứ thơ của Hàn Mạc Tử có chữ nghe trong bài Đà lạt trăng mờ:

…Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều,
Để nghe dưới đáy nước hò reo,
Để nghe tơ liễu rung trong gió,
Và để xem trời giải nghĩa yêu…

Và anh PĐN sẽ bảo tôi tùy từng chỗ mà thêm vào hay cắt bớt. Vâng nhưng ở đây, dù câu thơ có bị thừa, nhưng độc giả vẫn thưởng thức được trọn ý nghĩa của bài thơ. Tôi thấy bài thơ đã khéo léo đưa độc giả lạc vào ảo mộng, như Lưu Nguyễn lạc chốn tiên cung, cảnh bát nháo của đời thường làm cho lòng người nhiễu nhương, loạn lạc tứ bề, nay được bước vào một chốn bồng lai thì thử hỏi tác giả đã mang lại thành quả vi diệu cho mọi người biết lắng nghe và thưởng thức BTLKBV.

Xin cám ơn nhà thơ Yên Sơn và cả nhà thơ Phạm Đức Nhì đã tạo cơ hội cho người yêu thơ được nói vài lời hoặc được phép “Mua vui cũng được một vài trống canh”.

Saigon 5/12/15
Nguyễn Hùng Dũng

 

CÔNG KHANH

Trong lãnh vực văn chương cũng như hội họa và âm nhạc, ai cũng biết là rất bao quát, mỗi người một cái nhìn, một cách nghe, một cảm nhận khác nhau. Làm thơ viết văn, mỗi người có phong cách khác nhau qua sự diễn đạt. Có người dùng ngôn từ “dung tục”, có người dùng từ hoa mỹ, có người dùng từ “bình dân”, độc giả thích phong cách nào sẽ cảm nhận được ngay theo phong cách đó.

Tôi chỉ là một người đứng phía lề độc giả, mạn phép góp vài lời khi được đọc qua bài thơ BTLKBV của nhà thơ Yên Sơn, lẫn bài bình của các tác giả; đặc biệt hai bài bình của Phạm Đức Nhì, và tác giả Nguyễn Bàng.

Đọc BTLKBV một mạch, đọc tới đọc lui, càng đọc cảm xúc càng dạt dào, tôi như thấy chính mình đang đứng giữa khung cảnh trữ tình lãng mạn, thơ mộng. Mang cảm nhận như thế nên tôi không thấy những từ tác giả Phạm Đức Nhì cho là “thừa dư” và “vô tích sự”. Theo tôi lại là những từ, cụm từ, viết ra, lặp lại, để nhấn mạnh câu thơ cho rõ nghĩa và kết chặt hơn vì đây là thơ chứ không phải văn xuôi. Đâu thể nào thiếu chữ “nghe” trong khổ thơ:

ước chi đêm dài thêm
cho tháng ngày dừng lại
để nghe gió vờn hoa hát lời ân ái
cho mây ngàn dừng lại giữa đồi trăng
cho chú Cuội nôn nao nói với chị Hằng
lời tình tự giấu trong hồn se thắt

“để NGHE gió vờn hoa hát lời ân ái” rất khác nghĩa với “để gió vờn hoa hát lời ân ái”?

BTLKBV chỉ là một kỷ niệm yêu đương lãng mạn, và tại sao không chỉ như thế, đâu cần phải có “up and down” kiểu “tình tiết hồi hộp”! Theo tôi, “up” ở đây là cảm xúc dâng cao từ từ, tràn ra lồng ngực, thấm cả buồng tim để “ôm chặt em vẫn cứ tưởng như mơ”. Và “down” là cảm giác buồn bã xót xa trong lòng của chàng trai khi nghĩ đến lúc phải từ giã người yêu.

Thơ và thơ trữ tình là cảm xúc được tô điểm gửi gắm qua con chữ, lời thơ luôn có những thi vị hóa, vẽ vời cho thêm lãng mạn. Thơ không như trận “đá bóng” mà cũng không cần phải có đáp số chính xác 100% như toán học.

Tôi không nghĩ hai từ “xa lắc” trong câu “nơi em ở cách phố phường xa lắc” là nơi “không thể đến được” như tác giả Bàng Nguyễn đã “bình”, mà giản dị tỉ dụ như “nhà của cô ta cách Saigon xa lắc, ở Biên Hoà xa lắc” đâu có nghĩa là phải rất xa? Và theo tôi “yêu chất ngất” là yêu tha thiết quá sức chứa trong tim phổi, để đến ví von tình yêu “như trời rộng bên ngoài khung cửa sổ”…

Tôi yêu em, yêu chất ngất em ơi
Như trời rộng bên ngoài khung cửa sổ

Hai câu thơ viết rõ như thế, đó là khung trời chàng trai thấy trong bài thơ, sao Bàng Nguyễn lại áp đặt “khung cửa sổ” của BN vào tình tiết của thơ Yên Sơn? Sao BN biết khung cửa sổ của “nơi em ở” trong bài thơ là “nhỏ hẹp, dính bụi bẩn”, “nhìn xuống thấy những ô nhỏ của cuộc đời trần tục”? Bàng Nguyễn đọc bài thơ nào khác chăng?

Thật tình tôi chẳng hiểu cách so sánh của tác giả Bàng Nguyễn mang ý nghĩa gì khi đem “Từ Hải, anh chàng nhà quê, và cô thôn nữ” đọ với nhân vật trong thơ?

Bài thơ nằm góp mặt trên diễn đàn là của công chúng, ai cũng có quyền phê bình, ai cũng có quyền nói lên cảm nghĩ của mình; tuy nhiên, dùng những ngôn từ gần như chê bai thậm tệ nghĩ cũng hơi quá đáng.

Cùng một bài thơ nhưng mỗi người một cảm nhận khác nhau. Có người làm theo khuôn cách luật lệ thơ xưa, có người làm “phá cách”; một bài thơ hay đâu cần phải “phá cách” hay cổ điển; đâu cần là thơ mới hay thơ cũ? Tỉ như người ngoại quốc có câu, “If it is not broken, don’t fix it!”

Tôi chỉ là người chuộng nét thơ, yêu thơ với ngôn từ “nên thơ”. Không phải bài thơ nào viết về kỷ niệm đẹp của tình yêu cũng làm cho độc giả cảm nhận được cái đẹp, nét thơ mộng lãng mạn, tình tứ như BTLKBV.

Xin cảm ơn các vị đã cho tôi có dịp đọc, học hỏi thêm và được góp lời.

Công Khanh


Trường Ca Người Em Mạn Bắc

Ballad For My Darling 

From The North
Translated by Poet Phạm Doanh



Chương Một


Bóng Trăng Lệch Khuyết Bờ Vai

 

chạy theo bảng chỉ đường
về nhà em mạn bắc
nơi em ở cách phố phường xa lắc
một khu rừng rợp bóng cả lối đi
chắc nơi đây chẳng mấy thuở mấy khi
vắng hoa lá, thiếu chim muông ríu rít

chiều hơi sương mờ mịt
có ngàn thông reo vui
sánh vai nhau từng bước nhỏ rong chơi
dừng bên suối vẫy đàn nai ngơ ngác
tôi đứng lại nhìn bước chân đài các
mái tóc huyền óng ả ngập bờ vai

thương con nắng cuối ngày
như lụa vàng, heo hắt
cuối chân mây bóng ngày vừa chợt tắt
tay trong tay lưu luyến phút quay về
tự đáy lòng choáng ngập nỗi đam mê
và hương sắc đã làm tôi chao đảo

em thầm thì khẽ bảo
gió se lạnh làn da
tôi hôn em với tất cả thiết tha
lời run rẩy trong làn hơi đứt quãng
không biết bao lâu chỗ ngồi chợt sáng
khi vầng trăng lơ lửng vượt lên đồi

em ơi đã khuya rồi
giã từ bờ suối mộng
ngước lên cao nhìn trăng sao lồng lộng
đêm mênh mang, đêm rạo rực vô bờ
ôm chặt em vẫn cứ tưởng như mơ
nghe sóng vỗ trong biển tình dào dạt

***

gió rì rào, xao xác
lòng tràn ngập niềm vui
sáng tinh mơ em đã nhoẻn môi cười
ngày chưa đến mà ánh hồng rạng rỡ
nằm bên em nhưng lòng tôi đã nhớ
đến một ngày khi tôi phải xa em

ước chi đêm dài thêm
cho tháng ngày dừng lại
để nghe gió vờn hoa hát lời ân ái
cho mây ngàn dừng lại giữa đồi trăng
cho chú cuội nôn nao nói với chị hằng
lời tình tự giấu trong hồn se thắt

em bắt tôi nhắm mắt
vớ chăn quấn lên vai
giấu nụ cười trẻ con sau mớ tóc dài
kéo màn cửa cho nắng xuân tràn lên gối
một chú sóc trên đầu cành chới với
phóng lên cao khiến chim chóc giật mình

kìa giọt nắng lung linh
xuyên qua vuông cửa sổ
đến rồi đi cũng chỉ là duyên số
cũng một đời dài ngắn chỉ thế thôi
tôi yêu em, yêu chất ngất em ơi
như trời rộng bên ngoài khung cửa sổ

17/02/2005

 

 

The light of the crescent moon on the shoulders

Translated by Phạm Doanh

 

following the road sign
to my darling’s house in the north,
where she lives is far away from the city.
the shade of the forest covers the pathway
Probably this place ever lack flowers and leaves,
or the sound of birds chirping.

the evening is slightly foggy
thousands of pine trees rustling.
shoulder to shoulder we walk enjoyingly
stopping by the stream waving to the bewildered deer herd
I stand back watching her nobly steps
and shiny black hair that covers her shoulders

love the sunlight at the end of the day
like golden silk but desolate
At the far end of the cloud, the daylight just disappeared
hand in hand returning home with regretful
deep in my heart, I was overwhelmed with passion
her scent and beauty made me drunken

She whispered softly
“The wind is chilly”
I kiss her passionately
words trembled, breath interrupted
not knowing how long until the place suddenly lit up
by the moon shines over the hill

Honey, it’s already late
We take farewell from the dreamy stream
Look up at the splendid moon and stars
The night is immense,
the night is boundlessly exciting
hugging her tightly I think I’m in a dream
hearing the waves crashing in the ocean of love

***

the wind whispers,
my heart is filled with joy
in the early morning, her smiles is already there
The day has not yet come, but the sunlight is radiant
lying beside her but my heart already anxious
about the day I have to leave her

I wish that the night would last longer
That the time would standstill
For us to hear the wind caress the flowers and sing words of love
for the clouds to stop in the middle of the moonlight hill
for the man on the moon* to tell to the moon fairy the unspoken words of love
(*according to Vietnamese Fairy tale)

she makes me close my eyes
pulling blanket wraps over her shoulder
she tries to cover a childish smile with her long hair
pulling back the curtains to let the morning sun shines on the pillow
a frightened squirrel on top of a branch,
soaring up, startling the birds

Look at the shimmering sun drops
through the square window
coming and going is just a destiny
long or short life is also like that
I love her with boundless love
like the endless sky outside of the window.

 

Chương Hai

 

Khúc Biệt Ly

 

Đêm rớt xuống thật nhanh
Xua oi nồng nắng hạ
Tiếng chim hót líu lo trên cành lá
Nghe rộn ràng, náo động khoảng trời riêng
Tôi bắt võng nằm nhàn hạ trước hiên
Ngâm khe khẽ bài thơ tình mới viết

Tôi chạnh lòng nuối tiếc
Ngày mai phải xa em
Mấy ngày qua cuộc sống quá êm đềm
Như trong mộng, như một đôi chồng vợ
Biết xa em sẽ vô vàn thương nhớ
Sẽ vô cùng đau đớn biết không em

Từng hạt sương đêm
Đậu trên mái tóc
Trăng hăm mốt, phía trời xa đã mọc
Ánh trăng vàng ngầu đục bởi sương pha
Tôi và em chìm trong cõi bao la
Lời không tỏ, đôi tim cùng thổn thức

Bỗng nhiên em dừng bước
Xoay lại ngước nhìn tôi
Dư lệ buồn còn đẫm ướt mắt môi
Cũng gắng gượng nở nụ cười đằm thắm
“dấu yêu ơi, em yêu anh say đắm
đến bao giờ anh về lại bên em ?”

Bầu trời đầy sao đêm
Chìm sâu trong đáy mắt
“nghe em hỏi ruột gan anh se thắt
Một ngày xa em dài lắm em ơi
Anh sẽ về khi lá chớm thu rơi
Và ở lại cùng em xây vườn mộng”

Bờ vai em rung động
Lệ thấm ướt vai tôi
Nửa vầng trăng đã vượt khỏi đỉnh đồi
Đêm rất ngắn, dìu nhau về tổ ấm
Em thong thả bên tôi từng bước chậm
Dưới hàng thông nghiêng bóng hát lời ru

Đêm cuối cùng khó ngủ
Khi nghĩ đến ngày mai
Em rúc đầu ngoan ngoãn gối trên vai
Lời thủ thỉ nghe giọt buồn rơi xuống
Tiếng dế tàn đêm nghe sao gắng gượng
Dội vào hồn tỳ vết cảnh chia ly

26/07/2006

 

The Farewell Song

Translated by Phạm Doanh

 

The night fell quickly
Take away the sultry hot summer sun
The sound of birds chirping on branches and leaves
The chaotic bustle in the private sky
I lay down leisurely in the hammock on the porch
Quietly recited the newly written love poem

I feel sadly regretful
Having to leave her tomorrow
The past few days, life had been so peaceful
Like a married couple in a dream
Knowing that far away from you, I would miss you so much
It would be extremely painful, you know

The night dew drop
Falling on her hair
The moon of the 21st day had risen in the sky far away
The yellow moonlight was clouded by fog
She and I sank into the vast realm of
Unspoken words, the hearts sobbed together

Suddenly she stopped walking
Turned to look at me
Sad tears still wet in her eyes, on her lips
Still trying to smile fondly
“My dear, I love you passionately
When will you come back to me?”

The sky is full of stars
I could see deep in her eyes
“Hearing your question, my gut tightens
A day away from you, dear, is unbearable long
I will come back when the autumn leaves fall
And stay with you together we build our dream garden”

Her shoulders trembled
Her tears wet my shoulders
The half-moon was over the hilltop
The night was very short, we helped each other back to our warmed nest.
By my side, she walks slowly step by step
under the pine, silhouette inclined it’s singing a lullaby song

The last night had been difficult to sleep
Keep thinking about tomorrow
She leans her head on my shoulder
The whispering mixed with the sad teardrops falling
The crickets late-night sounds hesitating, laboring
Echo and carve into the soul the scene of separation.

 

Chương Ba


Vẫn Đợi Mùa Xuân


Lời hẹn mùa xuân
Làm sao quên được
Bây giờ đang là mùa rét mướt
Anh nhớ em, lời vàng đá còn đây
Tuyết giá đầy trời, nỗi nhớ ngất ngây
Làm mất ngủ, rất nhiều đêm chờ sáng

Áo cơm ngao ngán
Nghiệt ngã đời người
Đứng trên cầu nhìn con nước đầy vơi
Mà thương xót em sớm chiều đơn lẻ
Cũng như em, anh phương này quạnh quẽ
Luôn nghĩ về em, thương nhớ ngập lòng

Hết thu sang đông
Mong mùa xuân lại
Chờ gặp em nói những lời ân ái
Dàn trải tấm lòng ngày tháng xa nhau
Ta sẽ chôn vùi nỗi nhớ niềm đau
Bên suối mộng, dưới trăng vàng bát ngát

Bên nhau ta hát
Khúc nhạc yêu đương
Nằm ép ngực nhau bên suối mờ sương
Hôn đắm đuối dưới trăng vàng lồng lộng
Chạy nhảy tung tăng mặc đời xao động
Mặc tháng ngày, mặc mưa nắng… phù vân

03/01/2007



Still Waiting for the Spring

Translated by Phạm Doanh

 

Our commitment for the Spring
How could I forget
Now is the chilly season
I miss you, the golden, in stone carved words are still here
Snow fills the sky, sunken in nostalgia
Insomnia, the cause of a lot of nights waiting for the dawn

Tired of struggling to make a living
Life is but hardship
Standing on the bridge, watching the tide
I feel pity for you for being lonely all day long
Like you, I am also lonesome in this place
Always thinking of you, I miss you so much

Autumn is ending, Winter is coming
I look forward to Spring again
I look forward to seeing you, to say words of love
To expose my feelings of days of parting
We will bury the yearning, the pain
By the brook of dream, under the golden moon

Together we sing
The song of Love
We lie chest against chest by the misty brook
Kissing each other passionately under the splendid golden moonlight
Running and jumping despite bustling life
Not caring about time, fleeting sunshine or rain …

 

Chương Bốn

 

Tiếng Gọi Tình Yêu

 

Tôi chợt tương tư
Người em mạn Bắc
Không gặp em, tháng ngày dài dằng dặc
Đất trời buồn, hoa lá cũng bâng khuâng
Mặc dù bây giờ đang giữa mùa xuân
Mà cảnh vật như mùa đông chậm lại

Lòng buồn tê tái
Đêm xuống ngày lên
Cứ nhớ hoài từng hình ảnh thân quen
Từng mảnh vụn của tâm hồn trinh bạch
Tôi thương em nơi phương trời xa cách
Lạnh lối mòn, đơn độc bóng trăng suông

Ai về Sông Tương (*)
Cho tôi nhắn gửi
Người yêu nhỏ với tháng ngày mong đợi
Tôi sẽ về khi gió chở mùa sang
Tôi sẽ về với nghìn nỗi hân hoan
Và ở lại giữ vườn hoa hạnh phúc

Đêm dài thao thức
Chờ đợi mùa sang
Đêm xôn xao lóng lánh ánh trăng vàng
Nghe tiếng dế lẻ loi thêm quạnh quẽ
Mùi hương tóc thoáng qua hồn rất nhẹ
Rất ngọt ngào như tiếng gọi tình yêu

10/04/2008

 

 

The Call of Love

Translated by Phạm Doanh

 

I suddenly fell in love
With you, the girl from the North
If I don’t see you, the days will be interminable
The sky will be sad, flowers and leaves are also unhappy
Although it is mid-spring now
But the landscape is like a prolonged winter

Sadness turns pale
A night down day up
I keep remembering each familiar image
Every fragment of a virgin soul
I love you in the distant sky
A cold trail, lonely moonlight

Who returns to Xiang River (*)
Leave a message from me for
The little lover, waiting with expectations
“I will come back when the wind brings the change of the seasons
I will return with a thousand joys
And stay to tender to the flower garden of bliss

Long night awake
Waiting for the next season
The night is sparkling with the golden moonlight
The lonesome cricket sound more lonely
The fleeting scent of hair caresses the soul
As sweet as the call of love

 

Chương Năm

 

Mùa Tình Nhân Về Thăm Người Em Mạn Bắc

 

Mùa Tình Nhân
Tôi trở về mạn Bắc
Nắng xuân vàng óng ánh như tơ
Hoa lá reo vui
Mây trắng lững lờ
Từng đàn bướm chập chờn như trẩy hội

Nhớ mắt môi ai làm lòng tôi phơi phới
Chắc rất bất ngờ
(vì tôi không hề nói về thăm)
Hôm qua gửi hoa
Chúc ngày lễ Tình Nhân
Tôi đã viết lời nhắn “lần này anh không về được”
Trong điện thoại nghe tiếng ai sướt mướt
“Anh không về hoa lá cũng buồn lây”

Em mở cửa nhìn tôi như dại như ngây
Rồi òa khóc, ôm chầm tôi lặng lẽ
Tôi cúi xuống hôn đôi vành mi nhòa lệ
Suối tóc mây năm bảy cọng bạc màu
Tiếng phong linh gõ từng nhịp vườn sau
(Nghe như tiếng chuông giáo đường năm xưa
Sau giờ tan lễ)
Hôn rất chậm trên đôi môi vừa hé
Và nụ hồng vụt nở giữa trời xuân

Ngước mắt nhìn lên
Dòng dư lệ rưng rưng
Tôi chết đuối trong khung sầu sắc nhớ
Nắng bên hiên, nắng rất vàng, rực rỡ
Và gió rì rào trên ngọn thông cao
Tim kề tim trong lồng ngực xôn xao
Lời thương nhớ bỗng thừa dư, bay biến

Gối đầu lên vai tôi
Thì thầm nói chuyện
Cho mồ hôi bốc hơi trong đêm tối mông mênh
Cho hơi thở điều hòa
Cho nhịp tim bớt chông chênh
Cho chăn chiếu có dịp phủ trên bờ vai run rẩy
Em thỏ thẻ bên tai
“Sợ cuộc sống bon chen đẩy đưa đưa đẩy
Cho em xa anh, em thấp thỏm đợi chờ”

Nghe chim hót rền vang ngoài vuông cửa sổ
Tôi hỏi đã mấy giờ
Em vội giấu chiếc đồng hồ báo thức
Rồi nằm giụi đầu trên khuôn ngực
Tiếp tục chuyện dài của Ngàn Lẻ Một Đêm
Với ước mong kéo thời khắc dài thêm
Cho Mùa Tình Nhân thênh thang như mộng
Tôi thương em trong ngày dài tháng rộng
Lủi thủi một mình riêng chốn rừng thông

Valentine 2013

 

Visiting My Darling From The North on Valentine’s Day

Translated by Phạm Doanh

 

On Valentine’s Day
I returned to the North
The golden spring sun shone like silk
Flowers and leaves rejoiced
White clouds nonchalantly floating
Butterflies fluttering like in a festival

whose eyes and lips made me feel excited
It must have been very surprising
(because I’d never announced my visit)
Yesterday I sent flowers
“Happy Valentine’s Day”
I wrote the message “I can’t come back this time”
On the phone, I heard someone’s sobbing
“If you don’t return even the flowers will be sorrowful”

She opened the door, looked at me startled
Then burst into tears, hugged me in silence
I leaned down and kissed the teary eyes
The hair now dotted with silver-colored strands
In the back yard the chime tinkling in the wind
(Sounds like the old church bells
After the mass)
I kissed you very slowly on parted lips
As if rose buds bloomed in the spring sky

You looked up with tear in your eyes
In which I drowned
Sunlight on the porch, golden, bright sunlight
And the wind whispered In the high pine trees
Heart to heart fluttering in chest
Suddenly words became redundant, dissipating

You rest your head on my shoulder
We whispered to each other
Sweat evaporated in the vast darkness of the night
Regulating our breath, our heart rate
Giving blankets a chance to cover trembling shoulders
You whispered in my ears
“I’m afraid of the hard life
pushing me away from you, I but anxiously wait”

the birds chirping outside the windows
I asked what time it was
Hurriedly you hid the alarm clock
Then lay your head on my chest
Continuing the long story of the Thousand and One Nights
We wish to prolong the time
For the Season of Love to last as long and vast as a dream
I love you as days and months go by
While forlorn in the pine forest

 

 

Chương Sáu

 

Trở Về

 

Theo tiếng gọi, tôi trở về mạn bắc
Gió giao mùa vi vút cánh rừng phong
Nghĩ tới một người tháng đợi ngày mong
Lòng náo nức tăng nhanh từng cây số
Tôi hình dung dáng thon gầy trước ngõ
Luống cúc vàng hoa đã ngập lối đi
Tôi trở về mang theo khối tình si
Sẽ chôn chặt bên bờ suối mộng

Chậm bước ra rừng phong
Một buổi chiều cuối Hạ
Vẳng nghe tiếng thì thầm của lá
Khi bầy chim trốn nắng vút lên cao
Lòng tôi đang mở hội… nôn nao
Khi thấy dáng em buồn bên bờ suối

Quay nhìn tôi trân trối
Giọt nước mắt lăn dài
Em ơi em anh đã về đây
Mang nỗi nhớ đặt lên bờ môi mọng
Em nhỏ bé trong vòng tay mở rộng
Nghe nhịp tim rộn rã đập liên hồi

Em chưa nói một lời
Ôm ghì tôi không thả
Thông vi vút thay cung đàn cuối Hạ
Con nắng chiều cũng đã vội quay lưng
Em ngước lên, vài giọt đọng rưng rưng
Tôi cúi xuống uống khô từng ngấn lệ

Hơi ấm từ thân thể
Giao hòa với thiên nhiên
Tôi và em như một cặp thần tiên
Nằm bên suối hát bài ca tình tự
Ai cũng biết bài ca tình rất cũ
Mà âm vang vẫn xao xuyến, ngọt ngào

Bầu trời muôn vì sao
Sóng tình như tràn vỡ
Tôi hỏi em mình bao nhiêu ơn nợ
Mà lúc nào cũng nhớ nghĩ đến nhau
Tình càng sâu thì chia cách càng đau
Và năm tháng có bao giờ đứng đợi

Dường như sương đang rơi
Nghe làn da se lạnh
Dịu dàng hôn lên đôi mắt hạnh
Áp buồng tim trên lồng ngực phập phồng
Em mỉm cười, nhắm mắt chờ mong
Miệng hoa hé, thì thầm lời ân ái

Bỗng quên đi hiện tại
Quên luôn cả tương lai
Em đắm chìm trong hạnh phúc cuồng quay
Tôi ngây ngất giữa khung sầu sắc nhớ
Chắc tiền kiếp đã một đời ơn nợ
Thì em ơi thuyền cặp bến đây rồi

Em xúc động, bồi hồi
Tim vui như mở hội
Bỗng nhí nhảnh cắn vai tôi rất vội
Khúc khích cười hất lọn tóc đầy hương
Dụi đầu vào lòng ngực rất dễ thương
Trong mê đắm nghe thời gian ngừng lại

21/04/2013

 

 

The Return

Translated by Phạm Doanh

 

Following the call, I returned to the North
The wind in the transition of the seasons is soaring through the maple forest
Thinking of you, who’s been waiting for days and months
My excitement increased with each kilometer
I imagined the slender figure in front of the lane
Yellow chrysanthemums have covered the pathway
I returned with a passionate love
Which I will bury by the stream of dreams

I slowly walk to the maple forest
A late summer afternoon
Listening to the whisper of the leaves
As the birds hide from the sun soaring up
My heart is celebrating… then misses a beat
When I see your forlorn figure by the stream

You turn your gaze on me
Tears rolling down
Honey, I’m back here
Bringing nostalgia on the lips
My little darling into my open arms
And throbbing heartbeat

You say not a word
Not let go of hugging
We listen to the sound of the pine trees in place of a late summer serenade
The afternoon sunlight also quickly fading
You look up, a few drops of tears
I bent down to drink dry each and every one of which

The warmth of the bodies
In harmony with nature
I and you are like a pair of elves
Lying by the stream to sing a love song
The very old love song, known to everyone
But the echo is still wavering and sweet

The sky is full of stars
Love like crashing waves
I asked you how much debt we owe each other
So that we always think of the other
The deeper the love, the more painful the separation
And the months and years have never waited

It seems that the mist is falling
Feeling the skin getting chilly
I gently kiss your happy eyes
Cardiac chamber pressure on the chest undulating
You smile, eyes closed expecting
Flower mouth parts, whispering words of love

Forget the present
Forget the future
You immerse in the crazy happiness
I get ecstatically stuck in the nostalgic melancholy
If in the previous life we owed one another
Then my dear, the harbor for the lifeboat is here

You were touched, aroused
Your heart is as joyous as in a fair
Suddenly you chuckle and bite swiftly my shoulder
Giggling chuckling and waving your hair full of scent
Rubbing your face on my chest
In infatuation, the time seems to stop

 

 

Chương Bảy

 

Giấc Mơ Thu – Về Thăm Phương Bắc

 

Chuyến xe lửa đường dài xuyên đêm tối
Băng qua sông, qua rừng núi chập chùng
Tiếng còi tàu tan biến giữa hư không
Khi sắp ghé những ga buồn tỉnh nhỏ
Trong toa riêng cay xè căng mắt đỏ
Ngôn ngữ tình là ánh mắt bờ môi

Rời thị thành theo đò dọc về xuôi
Thuyền rẽ nước êm êm chiều thu muộn
Quê Mẹ xa xăm bên bờ sông Đuống
Vẫn lũy tre làng, vẫn những hàng cau
Xưa ra đi đội chinh chiến trên đầu
Nay về lại khói lam vờn thân ái

Anh và em chỉ riêng mình hai đứa
Đạp xe bên nhau qua những cánh đồng
Con đường mòn nâu sậm đất đá ong
Đưa ta đến những miếu đền hoang phế
Em ngoan ngoãn quỳ bên anh xin lễ
Mái tóc dài chạm đất phủ đôi vai

Chiều cuối thu gió vi vút trên cây
Như cố trẫy những lá vàng sót lại
Em bước nhẹ như có điều e ngại
Sợ lá đau dưới đôi guốc vô tình
Bên gốc bàng dừng lại ngước nhìn anh
Mây đắm đuối chìm sâu trong đáy mắt

Em tươi vui cùng gió mùa phương bắc
Hơi thu vờn đôi má đỏ hây hây
Tựa vai anh em thủ thỉ lời mây
Mặc sương nhẹ đậu bừa trên tóc rối
Chiều bảng lảng đã nhường cho bóng tối
Tay trong tay đan hạnh phúc ra về

19/08/2013

 

The Autumn Dream Visiting The North Again

Translated by Phạm Doanh

 

Long-distance train through the night
Crossing the river, running through the forest and mountains
The train whistle vanishes in midair
When approaching the forlorn stations of the small towns
In the private coach, red eyes wide open
The language of love is eye and lip contact

Leaving the city, taking a riverboat down along the stream
A boat splits water smoothly in the late autumn afternoon
Mother’s hometown is far away on the banks of Duong River
Still, there are the bamboo hedges surrounding the village, still there the areca rows
Departing in the past, suffering the war over the head
Now I return to the cozy warm smoke (of cooking)

You and I are the only ones left
We’re cycling side by side through the fields
The trail is dark brown, paved with honeycomb stones
Takes us to the abandoned shrines
You devotedly kneel beside me and ask for the blessing
Long hair that touches the ground covers your shoulders

Late Autumn, afternoon wind soars through the trees
Seems to try to blow away the remaining yellow leaves
you step lightly as if you were afraid
to hurt the leaves under the nonchalant clogs
Stopping at the Bang tree and looking up at me
Clouds of infatuation sink deep to the bottom of the eyes

You’re getting elated by the northern breeze
The breath of Autumn caresses lightly your reddened cheeks
Leaning on my shoulder you whisper words of love
Not minding a light mist that leaves your hair messy
The afternoon gives way to darkness
Feeling blessed we make for home hand in hand.

 

Chương Tám

 

Tàn Thu Về Mạn Bắc

 

Tôi lại về thăm em mạn bắc
Con đường xanh giờ đã nhuộm vàng
Gió hây nhẹ, nắng hồng hiu hắt
Ru rừng cây đứng lặng mơ màng

Em chờ đón tôi ngoài đầu ngõ
Lá cuối mùa như bướm vàng bay
Niềm hân hoan trong đôi mắt đỏ
Êm như ru trong nắng cuối ngày

Em phủi bụi đường trên vai áo
Tôi hôn mái tóc ủ đầy hương
Bước bên nhau em vui chân sáo
Giống ngày xưa đón ở cổng trường

Hoàng hôn rơi xuống khu rừng vắng
Suối đã mờ sương như cõi mơ
Em tựa đầu bên vai yên lặng
Cho đôi lòng chung một tiếng tơ

Ngồi bên em, nắng chiều đã tắt
Đôi tay ngoan quấn chặt thành vòng
Em ngửa mặt khép hờ đôi mắt
Bờ môi thơm điểm nụ cười hồng

Khi trăng nhú gọi đêm thôi thúc
Tay trong tay chậm bước ra về
Chuyền hơi ấm sẻ chia hạnh phúc
Cho thuyền tình tìm gặp bến mê

Tàn Thu 2016

 

Returning North at End of Fall

Translated by Mai Tran

 

I’m a lonely soul returning north
The green path now in its fall colors,
Soft breeze caressing my cheeks
Melodious lullaby, I’m dreaming by the creeks.

Greeting me in front of the alley
Fallen leaves hovering like butterflies
Tears of joy in her wet, red eyes
Soft sun rays fading at end of day

She brushed off the dust on my shoulders
I rested my lips on her silky hair
Walking side by side I felt her cheerful steps
Sending me back to old school time

Pale pink shades of the sun setting on the calm forest
Fog covering the narrow streams
She’s leaning on my chest, like in a dream
Feeling the same rhythm of our hearts

Side by side we sat in the fading sunlight
Her soft arms holding me tight
Looking up at me, her eyes half-closed
I kissed those lips, tender and rose.

The moon rises, the night has started
Hand in hand we returned home
Sharing our warm breath, our loving words
And, together, reaching the shore of love.

End of Fall 2016

 

 

 

 

 

 

Chỉnh sửa lần cuối vào %PM, %29 %882 %2022 %15:%11
back to top