Anna May Wong, người Mỹ gốc Á đầu tiên trên tiền xu Mỹ

Anna May Wong, người Mỹ

gốc Á đầu tiên trên tiền xu Mỹ

(1905-1961)

Đồng tiền 25 cent có in hình ngôi sao điện ảnh Mỹ gốc Á đầu tiên của Hollywood – Anna May Wong, tức Wong Liu Tsong (Hoàng Liễu Sương) sẽ được Cơ quan Đúc Tiền (The U.S Mint) cho lưu hành vào ngày 25 Tháng Mười này. Lần đầu tiên trong lịch sử tiền tệ của Mỹ, một người Mỹ gốc Á được vinh danh trên mặt của đồng xu. Đây là sự kiện có ý nghĩa vinh dự to lớn cho cộng đồng người Mỹ gốc Á nói chung và người Hoa nói riêng sinh sống ở Hoa Kỳ.

Ngôi sao điện ảnh Hollywood Anna May Wong (1905 – 1961)

Ảnh: General Photographic Agency/Getty Images

Anna May Wong Hoàng Liễu Sương là ai?

Con gái ông chủ tiệm giặt thảm

Đầu thế kỷ 20 được gọi là thời kỳ “yellowface” của điện ảnh Hollywood. Khi ấy, những diễn viên da trắng sẽ hoá trang và luyện tập các động tác đi, đứng, ứng xử để hoá thân vào vai nhân vật châu Á. Nhưng, có một người đã làm nên lịch sử. Không những bà giành được tất cả những vai diễn Á Đông của Hollywood mà còn góp phần mở rộng cơ hội sáng tạo cho người Mỹ gốc Á trên màn ảnh rộng, xoá bỏ những khuôn hình rập khuôn, nhàm chán dành cho diễn viên châu Á. Đó chính là Anna May Wong.

Anna May Wong đã sống và vươn lên đỉnh cao của sự nghiệp điện ảnh trong một xã hội mà người gốc Á hầu như không có chỗ đứng. Tài năng và tiếng nói của họ bị chôn vùi bởi lưỡi dao kỳ thị chủng tộc, và cả làn sóng chống đối hôn nhân đa sắc tộc (anti- miscegenation laws).

Ngôi sao điện ảnh Anna May Wong đã chạm tới đỉnh cao của kinh đô ánh sáng bằng con đường không trải thảm hoa hồng. Ngược lại, bàn chân của bà đã phải nhỏ đầy máu.

Anna May Wong, tài tử người Mỹ gốc Hoa trước Music Box Theater ở Hollywood,
tại buổi công chiếu ra mắt phim “The Old Woman.” Ảnh” Getty Images

Ngày 3 Tháng Giêng năm 1905, tại một khu phố người Hoa ở Los Angeles, California, người con gái thứ hai của vợ chồng chủ tiệm giặt thảm ra đời, được đặt tên là Wong Lit Tsong, nghĩa là “Frosted Yellow Willows” – Những cây liễu vàng mờ ảo trong sương – Hoàng Liễu Sương. Tên tiếng Anh của cô bé là Anna May. Anna là người Mỹ gốc Á, cư dân thế hệ thứ ba của California. Ông nội của cô di dân từ Đài Sơn, Quảng Đông đến California năm 1850 và mở một cửa hiệu buôn bán nhỏ ở gần khu vực được phát hiện có mỏ vàng vào năm 1848.

Năm 1858, cha của Anna May, ông Wong Sam Sing ra đời. Sau đó ít lâu, vì cố gắng cứu một người phụ nữ bị rơi xuống giếng, ông nội của cô không giữ được tính mạng. Sau cái chết của cha, ông Sam Sing quay về Trung Quốc và cưới vợ, bà Gon Toy Lee, cũng là người sinh ra và lớn lên ở California. Sau đám cưới, ông bà Wong Sam Sing quay về California, mở một tiệm giặt thảm ở đường North Figueroa, Los Angeles.

Gia đình ông bà Wong sống trong một khu dân cư đa chủng tộc. Chị em Anna May học ở trường tiểu học công lập California Street. Họ bị bắt nạt và trêu chọc vì không phải người Mỹ trắng. Anna May đã phải đối diện với những trải nghiệm phân biệt chủng tộc từ lúc đó. Đến độ, ông bà Wong phải chuyển trường cho hai cô con gái đến Chinese Mission School ở Chinatown. Nơi đó, dĩ nhiên Anna May và chị cô được chào đón.

Không muốn những người con của mình quên nguồn gốc Trung Hoa, ông bà Wong bắt các con phải theo học tiếng Hoa sau giờ chính khoá ở trường. Ngoài giờ học, Anna May phụ việc ở tiệm giặt thảm của gia đình. Cuộc sống cứ thế bình lặng trôi cho đến năm 1910, một sự kiện đã làm thay đổi cuộc đời cô. Năm đó, Anna mới 5 tuổi.

Vào nghề

Những năm 1910, công nghệ sản xuất phim được chuyển từ New York đến California. Những cảnh quay phần lớn được thực hiện gần khu vực trường học và nhà của Anna. Cô bắt đầu có cơ hội biết và theo dõi những hoạt động trên phim trường. Bỏ tiết học, dùng tiền ăn sáng để vào rạp xem phim là những hành động thường xuyên của Anna May từ khi đó. Năm chín tuổi, cô có một quyết định lớn cho đời mình: Phải trở thành một ngôi sao điện ảnh.

 

Trong cuốn “Perpetually Cool: The Many Lives of Anna May Wong” được viết bởi Anthony Chan trích lời Anna Way: “Tôi sẽ lách qua đám đông để đến gần máy quay nhất có thể. Tôi nhìn chằm chằm vào những con người lộng lẫy, đạo diễn, quay phim, trợ lý và diễn viên, những người đã xuống thị trấn của chúng tôi để làm phim.”

Năm 1919, cơ hội vàng xuất hiện và Anna không bỏ lỡ dịp may hiếm có. Một cuộc tuyển chọn nữ diễn viên người Hoa cho bộ phim The Red Lantern được phổ biến rộng rãi. Anna May đã nhờ cha của một người bạn giới thiệu cô cho phụ tá đạo diễn của bộ phim. Anna được nhận vào một vai phụ, rất nhỏ của phim. Vai diễn của cô là cầm một chiếc đèn lồng và xuất hiện trong một cảnh quay. Đó là vai diễn đầu đời của Anna May Wong.

Sau đó, vừa tiếp tục việc học, Anna vừa tham gia nhiều vai phụ khác. Cho đến năm 1921, cô nghỉ học ở trường trung học Los Angeles High School để theo đuổi công việc của một diễn viên toàn thời gian.

Năm 1922, Anna May Wong 17 tuổi, cô nhận được vai chính đầu tiên trong sự nghiệp điện ảnh, đó là phim câm The Toll of the Sea. Đây cũng là bộ phim được thực hiện theo công nghệ phim màu đầu tiên của Holllywood.

Ngôi sao điện ảnh Anna May Wong

Định kiến

Sau The Toll of the Sea là khoảng thời gian khó khăn cho Anna May. Cô kiên trì thi tuyển cho nhiều vai chính khác nhưng luôn nhận được yêu cầu thử vai cho các vai phụ hoặc các “nhân vật Châu Á” không có đất diễn. Luật anti-miscegenation ở xã hội Mỹ lúc đó không cho phép hôn nhân đa chủng tộc và thậm chí ngăn cản các diễn viên khác sắc tộc có cảnh hôn nhau trên màn ảnh.


Anna May Wong trong Áp-phích phim “The Toll Of The Sea”,1922. Ảnh: LMPC via Getty Images

Những định kiến khắc nghiệt này đã kiềm hãm sự nghiệp của Anna May. Dù được nhìn nhận là một trong những phụ nữ Á châu đẹp nhất ở Hollywood, cô vẫn không tìm được vai chính nào cho những bộ phim tình cảm lãng mạn, lấy nước mắt khán giả, theo Nytimes. Các nhân vật Anna May thể hiện đều bị hạn chế trong những khuôn mẫu lặp đi lặp lại nhàm chán. Có một lần, Anna May đã phải chua xót nói đùa rằng, cô đã “chết một ngàn lần” bởi bất kỳ vai diễn nào cô đóng, đều có kịch bản là bị giết chết.


Dù được nhìn nhận là một trong những phụ nữ Á châu đạp nhất ở Hollywood,
cô vẫn không tìm được vai chính nào cho những bộ phim tình cảm lãng mạn,
lấy nước mắt khán giả. Ảnh: Getty Images

Dù là vai chính hay phụ, dù thời gian xuất hiện trên phim nhiều hơn hẳn, nhưng tiền “cachet” cô nhận được luôn thấp hơn những diễn viên da trắng khác. Vai diễn trong phim Daughter of the Dragon, Anna được trả $6,000 so với diễn viên Warner Oland, chỉ xuất hiện 23 phút đầu của phim nhưng được trả $12,000. Trong phim Shanghai Express, tiền thù lao của cô vẫn là $6,000 trong khi Marlene Dietrich kiếm được $78,166.

Nữ tài tử Anna May Wong và E. Alyn Warren, Warner Oland trong một cảnh phim
“Daughter of the Dragon”Ảnh: Donaldson Collection/Getty Images
Anna May Wong trong một cảnh của phim “Daughter of the Dragon”
Ảnh: Donaldson Collection/Getty Images

Toả sáng 

Sau nhiều năm theo đuổi, cố gắng “nhân nhượng” với điện ảnh Mỹ, Anna May quyết định rời Hollywood vì không muốn sự nghiệp của mình bị cản trở bởi nạn phân biệt chủng tộc. Cô đến trời Tây. Tại đây, tài năng của cô được trọng dụng và phát triển. Cô trở thành ngôi sao điện ảnh ở Anh, Pháp và cả nền điện ảnh Đức. Anna được mời vào vai chính trong nhiều bộ phim và vở kịch như Schmutziges Geld (1928), Piccadilly (1929), The Flame of Love (1930).

Tài năng của Anna May Wong còn được toả sáng trong vở hài – nhạc kịch Chun Chin Chow, do Oscar Asche viết kịch bản, sản xuất và đạo diễn. Vở diễn dựa trên câu chuyện thần thoại “Alibaba và 40 tên cướp” được công chiếu lần đầu tại Nhà hát Hoàng gia London năm 1916. Trong suốt năm năm sau đó, tổng cộng có 2,238 buổi diễn.

Năm 1934, Anna May Wong trong vai Zahrat của vở hài
nhạc kịch ‘Chu Chin Chow’. Ảnh:  Hulton Archive/Getty Images

Trả lời phỏng vấn của Los Angeles Times năm 1933, Anna May Wong nói cô đã quá ngán ngẩm những vai diễn của cô ở Hollywood.

“Vì sao chỉ thấy trên màn ảnh người Hoa luôn là nhân vật phản diện trong kịch bản? Một nhân vật phản diện độc ác, giết người, phản bội, một con rắn độc ẩn mình trong bãi cỏ. Chúng tôi không phải người như thế” – Anna May nói với Los Angeles Times.

Năm 1930, hãng phim Paramount Studios ở Mỹ tìm cách liên lạc với Anna May, hứa hẹn cho cô những vai chính khi cô quay trở lại Hoa Kỳ. Lời hứa đó được thực hiện. Khi Anna quay về, hãng Broadway Production mời cô đảm nhiệm chính trong vở On The Spot.

Khi quay lại Hollywood, Anna May Wong đã là một ngôi sao điện ảnh của phương Tây, nhưng cô vẫn không bước qua được bức tường định kiến chủng tộc quá dày, quá vững chắc trong xã hội Mỹ lúc đó. Dù muốn hay không, cô phải tiếp tục đối diện với những rào cản bất công trên phim trường. Năm 1935, bộ phim The Good Earth dựa trên tiểu thuyết của Pearl S. Buck nói về người nông dân Trung Quốc, do tập đoàn điện ảnh Metro Goldwyn Mayer sản xuất, thông báo tuyển chọn dàn diễn viên.

Không ai xứng đáng và phù hợp với vai nữ chính hơn Anna May Wong. Nhưng cuối cùng, người được chọn đóng vai chồng của nữ chính là một nam diễn viên da trắng. Và thế là, Anna May bị loại khỏi cuộc chơi. Vai diễn lẽ ra của cô đã thuộc về nữ diễn viên da trắng Luise Rainer – người sau đó đoạt giải Oscar.

Anna May Wong năm 1934, trong áp phích quảng cáo của phim  ‘Limehouse Blues’,
do Alexander Hall đạo diễn. Ảnh: John Kobal Foundation/Getty Images

Sau sự kiện này, Anna May Wong quay về Trung Quốc, dành hết thời gian để nghiên cứu về văn hoá và lịch sử dân tộc của mình. Anna chỉ quay lại Mỹ vào những năm 1950, trở thành người Mỹ gốc Á đầu tiên dẫn một chương trình truyền hình “The Gallery of Madame Liu-Tsong”.

Ngày 3 Tháng Hai năm 1961, Anna May Wong, 56 tuổi, vĩnh viễn từ giã ánh đèn sân khấu sau một cơn đau tim. Trước đó một năm (1960), bà được trao một ngôi sao trên đại lộ Hollywood Walk of Fame.

Sau khi bà qua đời, Giải thưởng Nghệ thuật Người Mỹ Gốc Á (Asian-American Arts Awards) và nhóm các nhà Thiết kế Thời trang Châu Á (Asian Fashion Designers) đã dùng tên của bà đặt cho các giải thưởng thường niên.

Nhà biên kịch Paula Yoo ở Los Angeles gọi cuộc đời của Anna May Wong là “một phần của lịch sử Hoa Kỳ, một phần của người Mỹ. Ông nói: “Cuộc đời của bà là một “hashtag” đại diện cho các vấn đề của nhiều thập niên, trước cả khi Twitter bước vào lĩnh vực này. Đó là lý do vì sao đồng tiền 25 cent có hình ảnh của bà lại quan trọng và có ý nghĩa như thế”.

 

Kalynh Ngô (SGN)

Kim Quy st

back to top