Trúc Hồ và một giờ tự sự về ‘40 năm Tình ca’
Trúc Hồ và một giờ tự sự về ‘40 năm Tình ca’
▂ ▃ ▅ ▆ █☆★█ ▆ ▅ ▃ ▂
Chương trình âm nhạc “40 năm Tình ca Trúc Hồ” sẽ diễn ra ở California vào ngày 25 Tháng Chín. Được sự đồng ý của nhạc sĩ Trúc Hồ, Saigon Nhỏ thực hiện một cuộc phỏng vấn về quãng đường 40 năm sáng tác tình ca của ông.
Gia tài âm nhạc của Trúc Hồ đa dạng với những bản tình ca và ca khúc đấu tranh – đấu tranh cho dân tộc, cho phận người, cho tự do. Đêm 25 Tháng Chín sẽ là đêm nhạc chuyên về những bản tình ca – đêm lần giở trang nhật ký của người nhạc sĩ từ bản tình ca đầu tiên – “Dòng sông kỷ niệm
Âm nhạc
Năm 1968, cha của Trúc Hồ là nhạc sĩ Trúc Giang mở lớp dạy nhạc. Năm đó ông bốn tuổi. Nhà ông từ sáng tới chiều toàn là tiếng trống, tiếng đàn. Trúc Hồ có thể chơi trống mà không cần ai dạy, tự nhiên nó thấm vào người mình, thế là mình chơi. Ba của ông thấy con trai có khiếu nên dạy đàn guitar, tìm thầy cho học piano.
Trúc Hồ tự nhận mình như “Quách Tĩnh” – có rất nhiều thầy trong cuộc đời. Một trong những người ông nhớ ơn nhiều nhất, quan trọng nhất trong cuộc đời học nhạc cổ điển (classical) là đại tá Trần Văn Tín, nhạc trưởng ban Quân Nhạc Việt Nam Cộng Hoà. Năm đó, Trúc Hồ khoảng bảy, tám tuổi. Cha của ông chở đến nhà riêng của Đại tá Trần Văn Tín xin được nhận làm thầy cho con trai của mình. Đến năm 1975, khi miền Nam bị cưỡng chiếm, Trúc Hồ có thêm người thầy nữa là nhạc sĩ Nghiêm Phú Phi; thầy Dung, người dạy hoà âm cho những nhạc sĩ nổi tiếng trước 1975.
Ngày đầu tiên Trúc Hồ vào trại tỵ nạn NW9 ở biên giới Campuchia và Thái Lan, Tháng Ba năm 1981.
Để trở thành một nhạc sĩ sáng tác, ngoài kỹ năng hoà âm đã được rèn luyện qua nhiều năm, Trúc Hồ tự đi tìm cách mài dũa về ngữ âm. Miền Nam sụp đổ khi ông 11 tuổi, cơ hội tiếp cận với các giá trị văn hoá nghệ thuật trước 1975 bị dập tắt hoàn toàn. Khi đã vượt thoát đến bến bờ tự do, Trúc Hồ tìm đọc các tác phẩm văn thơ miền Nam, từ thời tiền chiến đến thời cận đại. Đọc để có vốn từ. Đọc để nghiên cứu chữ nghĩa của các nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ – những tinh hoa văn hoá miền Nam. Trong đó, nhạc sĩ Phạm Duy là người mà Trúc Hồ gọi là “phù thuỷ viết lời nhạc.”
Trong suốt buổi nói chuyện, cũng như trong Thư Ngỏ giới thiệu về chương trình âm nhạc “40 năm Tình ca” trên trang Facebook-Trúc Hồ, ông nhiều lần nhắc đến một sự may mắn có được trong đời, đó là có người vợ tào khang luôn tôn trọng, không bao giờ chạm tới góc khuất rất riêng của ông. Người phụ nữ ấy cho phép ông tự do “hoà âm” cảm xúc cá nhân, để từ đó cho ra đời những bản tình ca được khán giả đón nhận trong suốt 40 năm qua. Theo một cách hiểu, vô-hình mà hiển-nhiên, rất nhiều cuộc tình đã đi qua cuộc đời Trúc Hồ.
Nhưng tất cả đều là một khung hình, mở đầu là cảm xúc và kết thúc là một bản tình ca.
Cuộc gặp định mệnh
Trúc Hồ tự nhận, ngay từ nhỏ, ông đã biết mình là một người không được “đàng hoàng lắm trong tình cảm trai và gái.” Ông có thể yêu và thích cô gái này và cũng có thể yêu và thích cô gái kia, cùng một lúc. Nhưng, “tình yêu không có lỗi”? Bản năng nghệ sĩ trong một trái tim giàu cảm xúc làm cho Trúc Hồ thốt lên: “Tôi trung thành với người tôi yêu nhưng tôi không trung thành chỉ với một người tôi yêu.”
Người đó là người ông đã gặp ở thư viện Huntington Beach năm 1981. Cô gái có mái tóc dài, cao, mang đôi kính cận đã “đi vào tầm ngắm” của Trúc Hồ ngay cái nhìn đầu tiên. Lúc đó, chàng thiếu niên Trúc Hồ (chưa 18 tuổi) đã thầm nói: “Người này sẽ trở thành vợ của mình.”
Một năm sau, khi được mời vào đệm đàn cho ca đoàn trong nhà thờ ở Huntington Beach, Trúc Hồ đã gặp lại cô gái đó, cũng đang chơi nhạc cho nhà thờ. Vì lúc đó Trúc Hồ chưa có xe riêng, nên mỗi ngày, cô gái chạy xe từ Huntington Beach lên Westminster để đón ông đến nhà thờ chơi nhạc. Từ đó, tình cảm nảy sinh. Cô gái ấy là Diệu Quyên, người vợ, người bạn, người cộng sự, người mẹ của các con của ông trong hơn 40 năm qua. Người “đi hỏi vợ” cho Trúc Hồ năm đó là nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng và nhạc sĩ Nhật Ngân.
“Tôi biết tánh của mình, tôi không thể hứa sẽ chỉ yêu mình cô ấy suốt đời, nhưng tôi hứa sẽ sống bên cạnh cô ấy suốt đời, cho đến chết,” Trúc Hồ kể lại lời ông đã hứa với Diệu Quyên. Đó cũng là điều mà Trúc Hồ đã thực hiện đúng cho đến ngày hôm nay.
Kể lại chuyện xưa, Trúc Hồ thốt lên: “đúng là định mệnh an bài, mình đã từng nói chỉ có cô này mới là vợ mình thôi.”
Ghi nhật ký bằng tình ca
“Dòng sông kỷ niệm” là tình ca đầu tiên của ông viết năm 1981, cho một người ở lại. Đó là bài hát viết về người yêu cũ, mà theo lời ông, đó là tâm sự của cậu thiếu niên trẻ không có nhiều hiểu biết về văn hoá của trước năm 1975. Nhưng đó cũng là tình yêu dành cho một Sài Gòn mà ông đã bỏ đi, là trang nhật ký của một người ra đi bỏ lại người yêu đầu đời, bỏ lại gia đình, bỏ lại những con đường cuối tuần đạp xe đi học nhạc, hai bên đường là hàng lá me xanh.
Sau “Dòng sông kỷ niệm”, mãi cho đến khi Trúc Hồ hợp tác với Trung tâm Asia, bản tình ca thứ hai mới ra đời. Đó là ca khúc “Cơn mưa hạ” – ca khúc chính trong cuốn phim cùng tên, do nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng viết lời nhạc. Sau đó là các ca khúc như “Bên em đang có ta”; “Trái tim mùa Đông”… lần lượt ra đời.
Trúc Hồ không phải là người giỏi tưởng tượng. Do đó, tất cả những bản tình ca ông viết ra đều là “nhân vật thật, câu chuyện thật.” Là một nghệ sĩ, Trúc Hồ hiểu được cái khó nhất của người nhạc sĩ là khi họ sáng tác mà người bạn đời của họ cứ hỏi “bài này sáng tác cho ai? Chữ này có ý gì?” thì người nhạc sĩ sẽ không có niềm cảm hứng để viết. “Nhờ người bạn đời của tôi không những thông cảm mà còn hy sinh nữa. Do đó, tôi có được đâu đó hơn 100 bài nhạc tình ca, được khán giả yêu mến,” ông nói.
Trúc Hồ và vợ ông có cách gọi nhau rất đặc biệt, khó có sự trùng lắp. Ông xưng mình là “Hùng” – tên thật của Trúc Hồ (Trương Anh Hùng) và gọi vợ mình là “madam”. Đây là thói quen của hai người từ thời mới quen nhau. Ông kể, “chưa bao giờ tôi tìm hiểu suy nghĩ của bà xã về các sáng tác của tôi. Có một lần gần đây, bà xã vừa đứng rửa chén vừa nghe mấy bài tình ca của tôi trên YouTube. Tôi hỏi “Madam nghe gì vậy? Madam như vậy madam có ghen không?”, thì cô ấy trả lời “không. Hay mà.”
“Một kiếp đã đủ rồi”
Vậy thì có khó lắm không cho một nhạc sĩ để vừa giữ hạnh phúc gia đình, vừa giữ ngọn lửa sáng tác? Một lần nữa trong buổi trò chuyện, Trúc Hồ nhắc về cố nhạc sĩ Phạm Duy. Ông nói, “cố nhạc sĩ Phạm Duy rất may mắn khi có một người vợ là ca sĩ Thái Hằng” vì sự hy sinh, tình yêu và đồng cảm to lớn của bà dành cho sự nghiệp sáng tác của Phạm Duy.
“Tôi cũng là một trường hợp may mắn như thế. Tôi là người thành thật khi ngay từ đầu về bản thân mình, và vợ tôi thông cảm. Thông cảm không có nghĩa là không hy sinh. Thông cảm không có nghĩa là không biết. Cô ấy biết hết. Người vợ này… không thể tìm được người thứ hai” – Có một nốt lặng từ người nhạc sĩ sau câu nói đó
Vợ chồng nhạc sĩ Trúc Hồ
Gắng kềm sự xúc động, ông nói tiếp: “Tôi là người may mắn. Nếu người vợ cứ ghen khi nghe những bản tình ca da diết thì làm sao người nhạc sĩ sáng tác?”
Cứ thế, Trúc Hồ cứ yêu, cứ sáng tác, và cứ chung thuỷ theo cách của riêng ông. Suốt 40 năm qua, phương cách ấy có thể đã đúng với lời hứa trăm năm của Trúc Hồ nói với người vợ trong ngày cưới. Nhưng, rồi cũng chính ông, ngày hôm nay, nhận ra một sự thật: “Tôi đã sống quá ích kỷ.”
Đại dịch Covid-19 “giam lỏng” con người trong tư gia một thời gian dài, để ai cũng có quyền chiêm nghiệm những điều họ “vô tình” không nhìn thấy trong quá khứ. Trong số đó, có nhạc sĩ Trúc Hồ.
Có một ngày, ông nhìn thấy vợ mình ngồi chấm bài. Nhìn gương mặt vợ mình hiền, trong sáng, ông nói: “Madam, nếu có kiếp sau, Hùng sẽ lấy madam làm vợ nữa.” Người vợ ngước nhìn lên với gương mặt vô cùng bình thản, không chút giận hờn, nhẹ nhàng nói với ông: “Một kiếp đủ rồi!”
Người vợ ngước nhìn lên với gương mặt vô cùng bình thản, không chút giận hờn, nhẹ nhàng nói với ông: “Một kiếp đủ rồi!” |
“Lúc đó, tôi bị sốc. Tôi nghĩ khi mình nói xong, cô ấy sẽ vui mừng, yeah lên chẳng hạn. Nhưng khi cô ấy trả lời như thế, tôi đã nhìn thấy ngay những gì mình đã sống, vợ mình hy sinh nhiều quá.” Có tiếng nấc nhỏ, nghẹn lời từ phía người nhạc sĩ sau điều vừa kể. “Nhưng mấy ngày sau, chắc thấy tôi buồn quá, nên nói thôi nếu có kiếp sau, vẫn lấy tôi làm chồng, an ủi tôi,” ông nói tiếp, nhanh chóng lấy lại được nụ cười.
Sau câu trả lời nhẹ nhàng, nhưng rất “nặng lòng” của vợ mình, Trúc Hồ nói ông nhìn thấy sự ích kỷ của mình. “Tôi không dành thời gian cho gia đình, con cái. Rất nhiều năm, tôi luôn về nhà lúc 3,4 giờ sáng. Tôi bên cạnh các ca sĩ của trung tâm nhiều hơn với vợ con của mình, đến nỗi con tôi hỏi sinh nhật của con ngày mấy, tôi cũng không nhớ. Tôi chấm điểm cho tôi là một người cha C-.”
Nhạc sĩ Trúc Hồ và gia đình.
Chương trình âm nhạc “40 năm Tình ca Trúc Hồ” cũng là ý tưởng của vợ ông, bà Nguyễn Khoa Diệu Quyên, “vì cũng 40 năm rồi, cũng cần giữ lại để làm tài liệu.” Như đã nói, mỗi một bản tình ca của nhạc sĩ Trúc Hồ là một nhân vật, một câu chuyện của chính ông hoặc cũng có thể của một người quen nào đó.
Nhưng trên tất cả, có lẽ bản tình ca lớn nhất và ý nghĩa nhất ông đã viết được, chính là cuộc đồng hành hơn 40 năm của chàng thanh niên Trương Anh Hùng và cô gái mang kính cận trong thư viện Huntington Beach ngày nào. Câu hát “Vì mặt trời không thể chia đôi/Và mặt trăng muôn đời lẻ loi” (Ca khúc Khi ta rời xa nhau) – theo lời ông nói, muốn gửi đến những tâm hồn đi qua đời mình, là Trúc Hồ có một cuộc đời, và đã chọn đi cùng với vợ mình đến ngày nhắm mắt.
Ảnh trong bài: Trúc Hồ
BB Ngô (SGN)
*********
Trúc Hồ: “Nếu đến lúc phải dừng lại, tôi cũng đành…”
Nói về âm nhạc của người Việt hải ngoại, không ai là không biết đến Trúc Hồ và Trung Tâm Asia. Định kỳ phát hành chương trình DVD từ nơi này luôn là sự kiện được chào đón không chỉ ở hải ngoại mà cả trong nước. Đã có những thời gian dài người ta nhìn thấy các tấm bảng quảng cáo DVD mới được chép lậu xuất hiện ở các cửa hàng bán băng đĩa ở Việt Nam, bất chấp công an vẫn săn lùng và phạt nặng vì nội dung các DVD này được dán nhãn “phản động”. Thậm chí, tên của những Việt Dzũng, Nguyệt Ánh, Nam Lộc, Trúc Hồ… được giới thiệu công khai.
Nhạc sĩ Trúc Hồ (ảnh nhân vật gửi)
Con số bán CD-DVD từ các chương trình Asia một thời gian dài nuôi sống hoạt động và tạo ra những gương mặt mới của làng văn nghệ hải ngoại nói chung. Nhắc đến, nhiều nhà phát hành vẫn xuýt xoa kỷ niệm về các con số trăm ngàn băng cassette, 70 hay 80 ngàn DVD… của đợt phát hành đầu, riêng tại Mỹ… Nhưng nay thì mọi thứ đã khác. Sự thay đổi nhiều chiều của thưởng thức, thị hiếu và bởi ảnh hưởng của công nghệ… đã khiến các trung tâm, nhà sản xuất của người Việt tại Mỹ điêu đứng. Thêm hai năm đại dịch chồng chất, sức chịu đựng của các trung tâm lại càng bị thách thức hơn nữa.
Saigon Nhỏ đã tìm đến nhạc sĩ Trúc Hồ, một trong những gương mặt quen thuộc của âm nhạc người Việt tại Little Saigon, nghe anh tâm tình những điều đã trải qua, và đi tới…
Con số bán CD-DVD từ các chương trình Asia một thời gian dài nuôi sống hoạt động và tạo ra những gương mặt mới của làng văn nghệ hải ngoại nói chung. Nhắc đến, nhiều nhà phát hành vẫn xuýt xoa kỷ niệm về các con số trăm ngàn băng cassette, 70 hay 80 ngàn DVD… của đợt phát hành đầu, riêng tại Mỹ… Nhưng nay thì mọi thứ đã khác. Sự thay đổi nhiều chiều của thưởng thức, thị hiếu và bởi ảnh hưởng của công nghệ… đã khiến các trung tâm, nhà sản xuất của người Việt tại Mỹ điêu đứng. Thêm hai năm đại dịch chồng chất, sức chịu đựng của các trung tâm lại càng bị thách thức hơn nữa.
Saigon Nhỏ đã tìm đến nhạc sĩ Trúc Hồ, một trong những gương mặt quen thuộc của âm nhạc người Việt tại Little Saigon, nghe anh tâm tình những điều đã trải qua, và đi tới…
Tuấn Khanh: Khoảng năm năm đổ lại đây, tình hình các nhà sản xuất và trung tâm sản xuất âm nhạc của người Việt hải ngoại ngày càng khó khăn. Thưa nhạc sĩ Trúc Hồ, anh có tâm tình gì chia sẻ với khán giả gần xa vẫn đang yêu mến và hy vọng ở các sản phẩm âm nhạc gắn bó với tên tuổi của anh?
Nhạc sĩ Trúc Hồ: Thật đáng buồn, khoảng năm năm trở lại đây âm nhạc hải ngoại thực sự đang mất thị trường hay nói đúng hơn là không có thị trường. Hiện tại, khán giả hải ngoại đang mất dần thói quen mua CD hay DVD gốc của các trung tâm Việt Nam sản xuất, nên đối với các trung tâm băng nhạc thì mọi thứ ngày càng khó khăn. Quan trọng là không có nguồn vốn để thực hiện những chương trình mới. Với Trung tâm Asia, mỗi chương trình như ngày xưa để làm cho đúng với tầm vóc của nó thì tốn kém ít nhất một triệu đôla. Giờ thì do ít người mua, nên khó có thể thực hiện như ý muốn được.
Để duy trì con đường âm nhạc của các anh chị em còn gắn bó, cũng như với cá nhân Trúc Hồ, thì lúc này, việc thực hiện chương trình chỉ còn nằm trong khuôn khổ video của Đài truyền hình SBTN. Mọi thứ trong tương lai sẽ ngày càng thách thức, không biết còn có thể tiếp tục thực hiện được không, khi mà lượng khán giả ngày càng ít dần. Theo cái nhìn của Trúc Hồ thì tương lai âm nhạc hải ngoại rất là đen tối.
– Cho đến giờ phút này, anh có thêm suy nghĩ về hoạt động nào khác để phù hợp với sự phát triển của cộng đồng người Việt cũng như tình hình văn nghệ nói chung của người Việt hải ngoại? Anh đã nói về những khó khăn nhưng đã lúc nào anh nghĩ đến chuyện dừng lại?
Phải nhìn thấy là sự phát triển của cộng đồng người Việt không đi cùng với sự phát triển của hoạt động văn nghệ người Việt. Do đó nếu nói về tương lai, vẫn chưa biết mọi thứ ra sao. Riêng bản thân Trúc Hồ và cộng sự vẫn cố gắng, khi nào còn hoạt động được thì sẽ làm hết sức. Cho đến lúc mình thấy buộc phải dừng thì đành vậy.
– Năm 2020, nhà nước Việt Nam bất ngờ thông báo không cấm cản các tác phẩm nhạc của người Việt miền Nam trước 1975. Ngay lập tức sau đó có rất nhiều chương trình âm nhạc bolero, nhạc trẻ… ăn theo di sản âm nhạc của miền Nam trước 1975 xuất hiện suốt từ Nam chí Bắc, vậy điều này có trở thành một vấn đề vô cùng gây khó đối với các trung tâm hải ngoại, chẳng hạn cụ thể là với anh không?
Cần phải nhìn thấy rõ rằng khó khăn đâu phải chỉ riêng chuyện tác phẩm hay cạnh tranh: Lâu nay, không chỉ Trung tâm Asia mà tất cả trung tâm âm nhạc của người Việt hải ngoại tồn tại được, phát triển được vẫn là nhờ vào sự theo dõi và ủng hộ của khán giả hải ngoại, với việc phát hành và bán băng, đĩa là chính. Theo thời gian, chỉ có những trung tâm nào có lượng khán giả đủ nuôi sống mình thì mới có thể tồn tại cho đến hôm nay.
Rồi khi âm nhạc trên Internet mở ra, các chương trình ca nhạc bán qua CD hay DVD gốc bắt đầu gặp khó khăn. Gần đây Trung tâm Asia hay các ca sĩ cũng cố gắng thực hiện những kênh YouTube riêng để giới thiệu tác phẩm của mình. Nhưng để giữ được cuộc sống văn nghệ và có thu nhập đủ thì vẫn phải dựa vào các show diễn. Việc tìm thu nhập trên YouTube chỉ là giải pháp tạm thời và vẫn rất khó mà lấy chi phí từ đó để tạo ra những tác phẩm hoặc chương trình như ý muốn.
– Có một khán giả từ Việt Nam nhắn gửi rằng “hiện các thế lực văn nghệ của nhà nước cũng như các công ty thân nhà nước ngày càng giàu có và hùng mạnh. Họ sẵn sàng kêu gọi những nơi có tiếng tăm và kinh nghiệm của hải ngoại để hợp tác; qua đó thao túng dần bản chất của nền văn nghệ tự do”. Anh nghĩ sao về điều này? Theo anh thì làm sao để có thể tồn tại với bối cảnh lấn át như vậy?
Có một thực tế rõ ràng rằng thị trường âm nhạc Việt Nam trong nước luôn phát triển hơn ở hải ngoại, đơn giản vì dân số đông; nhiều người trẻ nối tiếp cần thụ hưởng cũng như xuất hiện trên sân khấu, và hơn nữa có rất nhiều công ty tài trợ. Ngay cả ở trong nước, với nhiều thứ thuận lợi, âm nhạc cũng không sống nổi nếu không có tài trợ. Mọi thứ trên thế giới đang thay đổi về cách thưởng thức cũng như về thị hiếu âm nhạc. Thế hệ mới thích những gì miễn phí, mà mọi thứ miễn phí đang có rất nhiều trên internet. Rồi khi tài trợ cho miễn phí thì hẳn nhiên sẽ bị thao túng. Trúc Hồ cũng như anh chị em cộng sự vẫn muốn giữ mình đứng vững trước những điều đó.
– Có vẻ mọi thứ đang không mấy lạc quan trong tầm mắt, nhưng còn tương lai xa hơn thì sao? Nếu phác thảo một cái nhìn về văn nghệ người Việt hải ngoại trong 20 năm nữa, anh nhìn thấy gì trong niềm hy vọng lẫn lo lắng?
Để nói thẳng suy nghĩ của mình thì tôi thấy 20 năm nữa, tương lai mờ mịt lắm, hay nói đúng là không có, với âm nhạc người Việt hải ngoại. Còn nếu nói về hy vọng, tôi chỉ nghĩ rằng mọi sự bất ngờ chỉ có thể trông mong vào thế hệ trẻ đang lớn lên, yêu âm nhạc và mở ra những con đường mới mà thôi.
– Hãy nói một chút về phần mình, nhạc sĩ Trúc Hồ với những chương trình của anh sẽ sớm quay lại với khán giả trong năm 2022 không?
Hy vọng rằng trong năm 2022, đại dịch qua đi và mọi thứ thuận lợi hơn thì Trúc Hồ hy vọng có đủ thời gian và khả năng để khôi phục lại tất cả sáng tác của mình, trong đó có khoảng 100 bài có giá trị như kỷ niệm. Với sức làm việc như hiện nay thì dự trù mỗi ba tháng sẽ quay được khoảng 16 bài music video. Đây có thể coi như là dự án cuối cùng của mình, vì khi làm được đủ số tác phẩm đó rồi thì chắc Trúc Hồ cũng về hưu. Thật ra sức khỏe của Trúc Hồ bây giờ cũng không còn tốt nữa.
– Xin phép có câu hỏi cuối với anh. Có bình luận rằng làm văn nghệ ở một không gian tự do như hải ngoại tưởng là dễ dàng nhưng thật ra rất khó khăn. Anh nghĩ sao về điều này? Và nếu điều đó đúng, anh có bí quyết gì để có thể tồn tại qua bao nhiêu đó năm?
Làm văn nghệ chưa bao giờ dễ dàng cả, đó là kinh nghiệm của Trúc Hồ. Đặc biệt là làm văn nghệ trong thời gian này lại càng khó hơn nữa. Thế giới bây giờ không phải là của những người sản xuất chương trình với khán giả hâm mộ mà thuộc về sự kiểm soát của YouTube và Facebook, hay nói rộng hơn là về thế giới digital – kỹ thuật số.
Nếu như ngày xưa khán giả sẵn sàng làm mọi thứ để tìm đến sở thích và phẩm chất của đời sống văn nghệ thì ngày nay họ lại chuộng sự tiện lợi. Thậm chí, giờ đây họ nghe nhạc dễ dãi hơn, bằng cách nghe qua internet, loa của máy điện thoại… chứ không tìm đến âm nhạc ở những dàn máy hay speaker tốt nữa. Dĩ nhiên cũng có những khán giả khó tính muốn được thưởng thức mọi thứ hay nhất, tốt nhất… nhưng họ chỉ là số ít.
Nhưng còn bao nhiêu người yêu âm nhạc thì đó vẫn là động lực để Trúc Hồ cố gắng. Hy vọng những tác phẩm ra đời sau này sẽ lại được dịp phục vụ cho những khán giả như vậy. Hiện Trúc Hồ cùng mọi người đang thực hiện chương trình phát hành các đĩa than (vinyl) để phục vụ một lớp khán giả đặc biệt này. Bản đầu tiên có chủ đề Mưa đêm tỉnh nhỏ sẽ phát hành trong năm 2022 này. Đó cũng là một lối đi khác đang được phát triển.
– Xin cảm ơn nhạc sĩ.
Tuấn Khanh thực hiện
Kim Phượng sưu tầm &tổng hợp