Nhạc sĩ Lê Hựu Hà: Những điều chưa kể
Nhạc sĩ Lê Hựu Hà:
Những điều chưa kể
Tuấn Khanh
Lê Hựu Hà, Nguyễn Trung Cang và ban Phượng Hoàng là câu chuyện độc đáo, có một không hai trong lịch sử phát triển của nhạc trẻ Việt Nam...
Từ trái qua: nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang, nhạc sĩ Lê Hựu Hà,
tay trống Trung Vinh, ca sĩ Elvis Phương, guitar Như Khiêm
Như những nghệ sĩ đã thành danh trong nền văn hóa Việt Nam Cộng Hòa, sau năm 1975, nhạc sĩ Lê Hựu Hà cũng gặp rất nhiều khó khăn trong đời sống sáng tác bởi chính sách và định kiến của chế độ mới, đối với nền văn hóa cũ.
Để tồn tại được trong nghề nghiệp của mình, Nhạc sĩ Lê Hựu Hà đã chuyển đổi cuộc đời của mình, từ một người sáng tác với tinh thần vị nhân sinh trở thành một nhạc công đánh đàn, hòa âm, sống qua ngày với ban nhạc. Cũng có lúc ông lập nhóm tam ca để lưu diễn ở các sân khấu kiếm sống. Ông được chính quyền mới đề nghị sáng tác nhiều bài hát mới, phục vụ chế độ. “Anh cũng có thử viết như rồi tự thấy xấu hổ với chính bản thân mình. Rồi bỏ đi”, Lê Hựu Hà có lần tâm sự như vậy.
Tuy nhiên vào thời điểm tin tức và liên lạc cách biệt giữa Việt Nam và thế giới, Hình ảnh Nhạc sĩ Lê Hữu Hà xuất hiện trên các sân khấu đàn hát lọt ra ngoài, và lúc đó cũng có những người gọi ông là “đi theo Việt Cộng”. Tuy nhiên, lúc đó cũng không có Facebook hay email như bây giờ để có thể giải bày được tâm sự của mình, và giải oan cho tất cả những công việc kiếm sống và tồn tại trong đất Sài Gòn quen thuộc nhưng cuộc sống lúc đó của những nghệ sĩ có tinh thần độc lập, không phải là
Trong một lá thư mà ca sĩ Nhã Phương, người bạn đời cuối cùng của nhạc sĩ Lê Hựu Hà, gửi cho nhà báo Trần Quốc Bảo, người sáng lập Nguyệt San Thế Giới Nghệ Sĩ, có đoạn ôn lại kỷ niệm: “Mỗi khi gặp lại Bạn, lại nhớ anh Lê Hựu Hà. Trước đây, họ tẩy chay, họ coi thường và không dùng đến nhạc của ảnh, cho đến khi bạn về Sài Gòn, bạn xuất hiện đã đem lại niềm vui cho ảnh”.
Nhà báo Trần Quốc Bảo là một trong những người giải nỗi oan cho nhạc sĩ Lê Hựu Hà. Năm 1993, trong một chuyến về Việt Nam làm ký sự văn nghệ, nhà báo Trần Quốc Bảo đã kể lại câu chuyện buồn phiền và khốn khó của những người bạn cùng thời như Nguyễn Trung Cang, Lê Hựu Hà… Lúc đó, nhạc sĩ Lê Hựu Hà kiếm được một chỗ để chơi nhạc ở vũ trường Intershop tại trung tâm Sài Gòn, còn ban ngày thì cho thuê băng video phim truyện trên đường Võ Văn Tần (Trần Quý Cáp cũ). Cuộc sống chật vật khiến ông mang nhiều mặc cảm, nhưng điều ông buồn hơn, đó là một số nơi của người Việt ở hải ngoại cứ dựa vào tin tức cóp nhặt từ Việt Nam, coi như là ông đã là người của chế độ mới.
Ban Phượng Hoàng: Elvis Phương (hát), Vinh (trống),
Nguyễn Trung Cang (organ), Châu (bass), Lê Hựu Hà (guitar)
“Cũng có đoàn ca nhạc của nhà nước mời anh về làm. Bạn bè anh cũng cũng mấy người nhận lời và tương đối yên ổn. Nhưng anh thì không sao nhận lời được, có lẽ vì mình quen tự do rồi”, nhạc sĩ Lê Hựu Hà từng tâm sự. Tương tự như nhiều trường hợp về “nhạy cảm văn hóa” như bộ Ca khúc Da Vàng của Trịnh Công Sơn, album Phượng Hoàng chưa bao giờ được tái bản hay được cover trọn vẹn.
Nhưng rồi tài năng đã vực ông dậy, đem lại niềm vui và cảm hứng cho ông trong một thời gian. Những bài hát như Đừng Trách Người Ơi, Nắng Vàng Biển Xanh Và Anh, Ngỡ Đâu Tình Đã Quên Mình, Trả Hết Cho Người… lan ra đến hải ngoại, và được khán giả nồng nhiệt đón nhận, cùng với mỗi lúc tin tức về người nhạc sĩ lặng lẽ này ngày càng sáng tỏ hơn.
Một trong những câu chuyện, được coi là đề tài bàn tán sôi động một thời, đó là chuyện của năm 2002, khi bài hát Hãy Yêu Như Chưa Yêu Lần Nào trở thành bài hát top hit của cả trong lẫn ngoài nước. Nhưng có người nói đó là tác phẩm của Nguyễn Trung Cang, có người lại nhất định đó là sáng tác của Lê Hựu Hà. Hầu như đi đâu, người ta cũng nghe thấy bài hát này vang lên, cùng với lời tranh cãi: “Lê Hựu Hà và Nguyễn Trung Cang, ai là tác giả của bài hát này”?
Lời giải đáp về bài hát này cũng đã được đăng tải trên Nguyệt San Thế Giới Nghệ Sĩ của nhà báo Trần Quốc Bảo, trong loạt bài tìm hiểu về lịch sử sáng tác nhạc trẻ của nhà văn Hồ Văn Xuân Nhi và Trần Quốc Bảo. Tuy nhiên, báo giấy lúc đó không đủ sức lan tỏa để làm rõ. Do vậy, thỉnh thoảng câu hỏi đó vẫn còn vang lên ở các diễn đàn âm nhạc của thế hệ mới.
Hãy Yêu Như Chưa Yêu Lần Nào vào thời gian đó đã trở thành một hiện tượng ở hải ngoại. Nhiều ca sĩ đã hát và đã thành công với nhạc phẩm này như Khánh Hà, Ý Lan, Elvis Phương, Vũ Khanh, Như Mai, Tuấn Ngọc… Trong một ghi nhận cuối năm về những nhạc phẩm được nhiều yêu cầu hát nhất trong năm 1993 của đài Little Saigon Radio, thì Hãy Yêu Như Chưa Yêu Lần Nào đứng hàng thứ tư trong số 20 Top Hits. Nhiều băng nhạc đã bán chạy vì có bài này trong đó. Ở nhiều nơi, các ca sĩ đến trình diễn show thường được yêu cầu hát bài này. Điều đó đã là niềm hãnh diện và an ủi cho người nhạc sĩ còn ở lại quê nhà.
Nói về nhạc sĩ Lê Hựu Hà, Nguyệt san Thế Giới Nghệ Sĩ viết:
“Ở lại Sàigòn từ sau biến cố Tháng Tư 75. Nhạc của Lê Hựu Hà có một thời gian dài không được phép nhắc đến. Anh đã chịu đựng cái đau khổ của một người nhạc sĩ không được quyền sáng tác thêm nữa trong nhiều năm. Sau mười mấy năm, Sài Gòn đã tạm có nhiều đổi khác và đời sống của Anh cũng đã được trở lại. Anh đã sáng tác thêm và thành công hơn, trong số đó có Hãy Yêu Như Chưa Yêu Lần Nào, Vào Hạ… Trước 1975, Lê Hựu Hà đã thành danh với nhiều ca khúc như Tôi Muốn, Yêu Người Yêu Đời, Lời Người Điên, Hãy Ngước Mặt Nhìn Đời, Hãy Nhìn Xuống Chân…”
Nguyên do chính của sự tranh luận, là vào năm 1992, một chương trình nhạc trẻ với chủ đề Những Tình Khúc Phượng Hoàng đã được tổ chức tại San José với sự trình diễn của ban Phượng Hoàng (hải ngoại) do một nhạc sĩ của ban Phượng Hoàng ngày xưa – nhạc sĩ Lê Huy đảm trách.
Trong đêm này, đã có nhiều ca sĩ tên tuổi lần lượt trình bày nhiều bài hát đã tạo nên sự nghiệp của ban Phượng Hoàng, đã làm rực rỡ tên tuổi của những nhạc sĩ Lê Hựu Hà, Nguyễn Trung Cang… nhưng cũng từ đêm nhạc trẻ này, đã có nhiều sự thắc mắc nêu lên về hai người nhạc sĩ tài danh và cũng là hai người bạn thân thiết với nhau. Bởi vì bên cạnh bài Hãy Yêu Như Chưa Yêu Lần Nào, khán giả còn được nghe ca khúc Tình Còn Lất Phất Mưa Bay, một sáng tác của Nguyễn Trung Cang. Điều này đã gây sự ngạc nhiên, rồi đến thắc mắc, rồi dần dà đã đưa đẩy nhiều tin đồn khác nhau, bởi phần điệp khúc của hai bài hát này có sự trùng hợp nhau, tuy khác lời.
Gặp ở Sài Gòn vào cuối năm 1993, nhóm Thế Giới Nghệ Sĩ với Trần Quốc Bảo và Hồ Văn Xuân Nhi đã nêu câu chuyện này với nhạc sĩ Lê Hựu Hà những thắc mắc liên quan đến hai ca khúc nói trên.
“Điều đầu tiên, chúng tôi ghi nhận là sự ngạc nhiên có thể nhìn thấy được trên khuôn mặt của anh Lê Hựu Hà. Anh cho biết, thật sự anh chưa biết bài Tình Còn Lất Phất Mưa Bay đã phát hành tự lúc nào. Rồi anh bùi ngùi kể lại những kỷ niệm của những năm đầu thập niên 1970. Bắt đầu từ những ngày của ban Phượng Hoàng, khi cuốn băng Nhạc Trẻ Phượng Hoàng do Trung tâm băng nhạc Shotguns của nhạc sĩ Ngọc Chánh lúc đó phát hành.
Tên tuổi và những giòng nhạc Phượng Hoàng rực rỡ trong lòng thanh niên Việt Nam, những bài ca tuổi trẻ mang tính chất tình yêu, quê hương và thân phận đi vào hàng triệu trái tim sinh viên học sinh. Khi nói đến đây, Hồ Văn Xuân Nhi đã mỉm cười nói với anh rằng, trong số những trái tim đó có trái tim chúng tôi, những ngày còn áo trắng cắp sách đến trường”, báo Thế Giới Nghệ Sĩ ghi.
Lý giải về sự giống nhau trong bài Tình Còn Lất Phất Mưa Bay của Nguyễn Trung Cang và bài Hãy Yêu Như Chưa Yêu Lần Nào của mình, nhạc sĩ Lê Hựu Hà nói về những điều có thể đã là nguyên nhân của sự trùng hợp này, do vào khoảng đầu thập niên 1970, Jo Marcel có thực hiện một cuốn phim mang tên Vết Chân Hoang đã có nhã ý mời nhóm Phượng Hoàng làm một bài nhạc cho cuốn phim.
Lê Hựu Hà đã nhận lời đảm trách cho vai trò đó. Anh đã soạn thành một nhạc phẩm, với sự góp ý đôi chút về nhạc của Nguyễn Trung Cang. Lê Hựu Hà nhấn mạnh là chỉ về nhạc mà thôi. Bài nhạc đó đã được giao cho anh Jo Marcel để làm phim Vết Chân Hoang... nhưng sau đó, vấn đề giao kèo về bản quyền nhạc giữa anh và Jo Marcel đã không đạt được kết quả về giá cả. Lê Hựu Hà đã lấy lại bài nhạc nhưng không dùng đến nữa, và gần như nhạc phẩm đó đã đi vào quên lãng với chính anh.
Lê Hựu Hà & Ban Phượng Hoàng và những người bạn,
trong hình này có nhạc sĩ Nam Lộc, nhạc sĩ – nhà báo Trường Kỳ
Sau thời gian đó, Lê Hựu Hà đã sáng tác thêm nhiều ca khúc mới như Lời Người Điên, Một Đời Cây Cỏ… và rồi biến cố 30 Tháng Tư xảy đến, nhạc của Lê Hựu Hà và Phượng Hoàng được xem như loại nhạc văn hóa đồi trụy nên không được sử dụng. Vào lúc đó, chính quyền CSVN lại không thích cái tên Phượng Hoàng vì ảnh hưởng của một chiến dịch chiến tranh chính trị chống cộng của VNCH cũng mang tên là Phượng Hoàng.
Mãi cho đến vào khoảng năm 1986, 1987 tại Hải Phòng, nhờ một sự tình cờ quen biết và bởi lòng ngưỡng mộ, một viên chức cao cấp CSVN tại Hải Phòng, đã đứng bảo lãnh cho cá nhân Lê Hựu Hà để anh có thể được phép phổ biến chính thức một vài bài hát mới của mình.
Đến lúc đó thì nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang đã mất và bài Tình Còn Lất Phất Mưa Bay của Nguyễn Trung Cang viết thêm hoàn chỉnh, vẫn chưa phổ biến nên không ai biết đến. Riêng Lê Hựu Hà thì đã khởi sự sáng tác trở lại cùng lúc với bài hát Hãy Yêu Như Chưa Yêu Lần Nào được phép sử dụng.
Trên thực tế, nhạc phẩm Hãy Yêu Như Chưa Yêu Lần Nào đã được viết lại từ nhạc phẩm Vết Chân Hoang, nội dung có phần giống về nhạc nhưng lời thì được sửa chữa lại nhiều để có thể lách kiểm duyệt. Cho đến khi phát hành Hãy Yêu Như Chưa Yêu Lần Nào, Lê Hựu Hà cũng vẫn chưa bao giờ được nghe về ca khúc Tình Còn Lất Phất Mưa Bay. Sự giống nhau đó, có thể là do ảnh hưởng của lần mà Nguyễn Trung Cang đã góp ý nhạc cho bài Vết Chân Hoang ngày xưa, mà những đoạn ký âm rời còn giữ lại, về sau mỗi người hoàn thành theo một kiểu.
Nhạc sĩ Lê Hựu Hà kể rằng dù lúc đó Nguyễn Trung Cang đã khuất, nhưng với kỷ niệm hai người bạn tri kỷ từng ngồi bàn luận với nhau khi làm cho phim Vết Chân Hoang, nên vào năm 1992, khi được phép thu băng ca khúc Hãy Yêu Như Chưa Yêu Lần Nào tại Sài Gòn, Lê Hựu Hà đã yêu cầu nhà thực hiện hãy in tên anh chung với Nguyễn Trung Cang vì tình bạn, và để nhớ lại những kỷ niệm không thể quên của hai người, những năm tháng xưa ấy.(TK)
Cuộc đời và sự nghiệp của nhạc sĩ Lê Hựu Hà
Một đời tài hoa và lận đận
¸¸♬·¯·♩¸¸♪·¯·♫¸¸♬·¯·♩¸¸♪·¯·♫¸¸
Những người yêu nhạc trẻ ở Sài Gòn sẽ không bao giờ quên ban nhạc Phượng Hoàng với những tên tuổi huyền thoại của âm nhạc Việt Nam là ca sĩ Elvis Phương, nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang, và đặc biệt là nhạc sĩ Lê Hựu Hà, tác giả của những ca khúc vẫn còn được yêu thích đến ngày nay: Vào Hạ, Hãy Yêu Như Chưa Yêu Lần Nào, Yêu Em, Yêu Đời Yêu Người, Hãy Vui Lên Bạn Ơi… Lê Hựu Hà còn là một trong những người Việt hóa nhạc trẻ Âu-Mỹ đầu tiên ở Việt Nam.
Mặc dù là một nhạc sĩ tài hoa và nổi tiếng, sáng tác rất nhiều ca khúc được yêu thích cả trước lẫn sau năm 1975, nhưng nhạc sĩ Lê Hựu Hà sống cả một cuộc đời bấp bênh, thiếu thốn. Từ lúc trưởng thành cho đến khi qua đời ở tuổi còn khá trẻ, ông chỉ sống duy nhất trong 1 căn nhà cho cha mẹ để lại.
Nhạc sĩ Lê Hựu Hà sinh năm 1946 tại Biên Hòa, Đồng Nai trong một gia đình theo đạo Phật. Ông sáng tác từ năm 17 tuổi khi còn là học sinh trung học.
Lên đại học, Lê Hựu Hà theo học trường Văn Khoa Sài Gòn và bắt đầu hoạt động âm nhạc từ năm 1965 trong ban nhạc Hải Âu tại Đại hội nhạc trẻ của Trường trung học Lasan Taberd (nay là trường Trần Đại Nghĩa). Trong ban nhạc Hải Âu lúc đó có 1 giọng ca nữ mới học lớp 11, sau này trở thành danh ca nổi tiếng là Thanh Lan.
Tết Mậu Thân năm 1968, ông nhập ngũ và học tại trường Bộ Binh Thủ Đức, rồi làm việc ở Cục Quân Nhu Gò Vấp, sau đó giải ngũ vì mắt kém.
Giữa lúc nhạc trẻ Sài Gòn hầu hết là các ban nhạc nhạc hát nhạc nước ngoài, hoặc hát lời Việt của các nhạc nước ngoài nổi tiếng, thì Lê Hựu Hà và ban nhạc Hải Âu vẫn kiên định theo con đường sáng tác nhạc Việt theo phong cách pop rock của Âu Mỹ. Sau này khi ban Hải Âu tan rã, nhạc sĩ Lê Hựu Hà cùng Nguyễn Trung Cang lập ra ban Phượng Hoàng lừng danh vào năm 1971, cũng đi theo con đường này và đạt được thành công vang dội cùng tiếng hát Elvis Phương.
Lê Hựu Hà (áo cam)
Thời kỳ cực thịnh của nhạc pop-rock ở Sài Gòn là vào khoảng năm 1972-1973. Những cuộc liên hoan nhạc trẻ, đại nhạc hội nhạc trẻ liên tiếp được tổ chức ở trường Tabert, ở Sở thú, và ở cả sân vận động Hoa Lư với những buổi đông nhất lên đến 20.000 người tham dự (con số này vẫn là niềm mơ ước của các bầu sô ca nhạc ở thời điểm hiện nay).
Sau này nhóm Phượng Hoàng tan rã, một vài thành viên lập nhóm mới có tên Mây Trắng vào năm 1974 cùng với xu hướng Việt hóa pop-rock. Hoạt động không được bao lâu thì chấm dứt do biến cố vào năm 1975.
Theo nhạc sĩ Tuấn Khanh, là một người gần gũi với Lê Hựu Hà, sau thời điểm tháng 4 năm 1975, nhạc sĩ Lê Hựu Hà bị chính quyền mới nhầm tên ban nhạc Phượng Hoàng của ông với chương trình Phượng Hoàng của Quân lực VNCH nên ông phải đi học tập “cải tạo tư duy”. Ông bị bắt phải viết tự kiểm, nhận định rằng âm nhạc của ông là thứ “suy đồi và tiểu tư sản thối nát”.
Cho tới cuối thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21, nhạc của Lê Hựu Hà vẫn bị cấm ở trong nước vì lại nhầm lẫn tên ban nhạc Phượng Hoàng với tên trung tâm sản xuất và phát hành băng nhạc Phượng Hoàng nỗi tiếng ở hải ngoại, chuyên phát hành nhiều bài nhạc lính của các ca sĩ Trường Vũ, Tuấn Vũ… Bên cạnh đó, Lê Hựu Hà từng làm việc ở Cục Quân Nhu nên bị mang lý lịch là “ngụy quân” mặc dù ông chưa từng tham gia chiến đấu và đã sớm giải ngũ.
Sau khi ngưng sáng tác một thời gian khá lâu, Lê Hựu Hà lập ban nhạc mang tên là Hy Vọng, rồi sau đó là ban nhạc Phiêu Bồng từ thập niên 1980. Thời gian này ông sáng tác những ca khúc Ngỡ Đâu Tình Đã Quên Mình, Hãy Yêu Như Chưa Yêu Lần Nào, Tình Còn Lất Phất Mưa Bay…
Từ năm 1998, Lê Hựu Hà hợp tác với nhạc sĩ Tùng Châu để viết lời một số ca khúc độc quyền cho chương trình Paris By Night như: Khổ Vì Yêu Nàng, Hai Chiếc Bóng Cô Đơn, Tình Yêu Muôn Thuở, Vị Ngọt Đôi Môi… Đa phần những tác phẩm này, Tùng Châu viết nhạc còn Lê Hựu Hà đặt lời.
Lê Hựu Hà được phát hiện đã qua đời vào ngày 11/05/2003 khi mới 53 tuổi do tai biến mạch máu não. Theo biên bản khám nghiệm, Lê Hựu Hà qua đời từ ngày 5 nhưng đến ngày 11 mới được phát hiện nằm dưới sàn nhà ngay cạnh giường ngủ, trong khi đồ đạc vẫn còn ngổn ngang trong phòng và ti vi vẫn còn đang bật…
Về cuộc sống riêng, Lê Hựu Hà đã trải qua 4 cuộc hôn nhân, trong đó người cuối cùng là ca sĩ nhã Phương – em gái của Bảo Yến. Tuy nhiên Nhã Phương và Lê Hựu Hà đã ly dị trước khi ông qua đời.
Sau này Nhã Phương có lần chia sẻ thẳng thắn về cuộc hôn nhân đầy sóng gió và thiếu thốn của mình trên báo chí, xin trích 1 đoạn sau đây để bạn đọc biết rõ hơn sự lận đận của cuộc đời nhạc sĩ Lê Hựu Hà.
“Khi sống với anh Hà, đôi khi nghĩ lại, tôi thấy mình đã làm việc quá sức. Có những lúc ốm đau, tôi chẳng được nghỉ ngơi, cứ lao vào đi hát và kiếm tiền trả tiền nhà, trang trải cuộc sống. Tôi làm việc như một cái máy, tất tả chạy từ miền Trung ra Hà Nội rồi lại xuống tận Rạch Giá, Cà Mau…
Có một điều sai lầm với nhiều người làm nghệ thuật, trong đó có cả anh Hà là cứ sống trong mơ tưởng hão huyền. Họ cứ ngỡ mình là nhân vật gì đó quan trọng lắm, nổi tiếng lắm, tên tuổi lắm… Thật hoang tưởng!
Suốt thời gian sống với tôi, anh Hà thường thất nghiệp. Tôi là người lo toan mọi thứ trong gia đình.
Nói như vậy để thấy rõ hơn cuộc sống bấp bênh, nghèo nàn của nhạc sĩ, nhất là lúc ấy luật bảo vệ tác quyền chưa có. Càng lúc, gia đình tôi càng khốn đốn về kinh tế. Điều này khiến anh Hà mệt mỏi, chán chường và thường hay nổi giận vô cớ”.
Đông Kha
------------
Kim Quy sưu tầm tổng hợp