Ngã tư Chợ Cồn - Đỗ Duy Ngọc

Ngã tư Chợ Cồn

Đỗ Duy Ngọc

Gia đình tui di cư vào Nam năm 1954. Ở Quảng Trị một thời gian ngắn, sau đó Ba tui vào làm Bệnh viện Trung ương Huế, cũng chỉ một thời gian ngắn, năm 1956, cả gia đình vào Đà Nẵng vì Ba tui lại nhận công việc mới ở Tổng y viện Duy Tân, một bệnh viện quân y lớn nhất miền Trung thời bấy giờ.

Vào Đà Nẵng, gia đình tui ở khu ngã tư chợ Cồn mấy chục năm, do vậy trong trí nhớ của tui, khu vực này là nơi tui nhớ nhất, đó là nơi tôi sống từ tuổi thiếu nhi cho đến tuổi trưởng thành rồi bay đi xa không về lại. Chợ Cồn được hình thành từ những năm 1940. Đầu tiên được dựng lên từ trên một cồn cát, nên chết tên luôn là chợ Cồn. Nói là cái cồn, chứ thật sự đây là nơi đổ rác của thành phố Đà Nẵng. Thời đó, khu vực chợ Cồn được xem là ngoại ô thành phố. Người ta đổ rác ở khu vực hầm bứa. Có người không lên tới hầm bứa mà đổ rác ở cồn. Lâu ngày, rác chất cao, tạo thành một cái cồn, bên tay trái đường Hùng Vương.

Dân chúng đông chợ trên cái cồn nầy, nên gọi là chợ Cồn. Lúc đầu, chợ Cồn nằm ở chỗ đống rác đó, lúc ấy chỉ là chợ nhỏ, bán buôn lèo tèo. Sau này dời về cồn cát phía đường Khải Định, lúc ấy mới đúng là chợ.

Thập niên 1940, Ba tui vừa học ra trường có đi làm việc một thời gian ở Đà Nẵng, hồi đó còn có tên là Tourane. Theo lời kể của Ba tui, lúc ấy nhà cửa còn thưa thớt lắm, chung quanh chợ chỉ có lau sậy, xương rồng và dương liễu vì gốc gác của nó là cồn cát biển. Lại có mấy lạch nước. Các gian hàng tạm bợ bằng chòi tre, mái tranh đơn giản. Lần hồi người ta xây dựng bằng các vật liệu kiên cố hơn. Khi gia đình tui đến ở khu này, chợ Cồn đã là một khu chợ sầm uất nhất Đà Nẵng, buôn bán đủ thứ trên đời.

Chợ Cồn trước 1975 (ảnh tư liệu)

Trước đó, người Pháp đã xây dựng đường sá và phố phường cũng được quy hoạch xây dựng đàng hoàng và mang nét văn minh phố thị. Chợ nằm trên trục đường quan trọng của Đà Nẵng. Đường này chạy từ bờ sông Hàn đến gần khu Bàu Thạc Gián. Thời Pháp tên là đường Rue de la Republique (nay là đường Hùng Vương). Nó nằm ngay giao lộ của đường Sabiella (nay là đường Ông Ích Khiêm). Nối đường Ông Ích Khiêm là đường Khải Định. Đường này hồi trước chạy dài cho đến biển Thanh Bình.

Những con đường đó tạo nên giao lộ là ngã tư chợ Cồn một thời khét tiếng. Sau lưng chợ có một đường rầy, đường này chạy qua một cái hầm nhỏ dưới cầu Vồng. Từ dưới chợ muốn lên cầu Vồng phải leo một con dốc đất đỏ là lên đường Thống Nhất. Đứng trên cầu Vồng ngay địa điểm đó, ta có thể nhìn thấy sân vận động Chi Lăng. Trên con đường này tui có một kỷ niệm. Thời mới lớn tui làm thơ, cũng có lần được giải của tỉnh. Trên đường đến trường đi học năm đệ tam, đệ nhị tui thường theo đuôi một cô cùng trường có nhà trên đường Thống Nhất. Theo thế thôi, chẳng nói gì và về nhà làm biết bao nhiêu là thơ. Sau đó, tui có in tập thơ Khung tình vỡ, toàn là thơ tình chưa nói được. Tui học nhảy, cuối năm đệ nhị ở trường tui đã có bằng Tú tài hai phổ thông. Trước khi bay vào Sài Gòn thi đại học, tui gởi theo đường bưu điện cho cô ấy chục tập thơ rồi biến mất. Ôi cái thuở yêu em thơ dại.

Phía đối diện chợ, bên kia đường là Trung tâm Cải huấn, nơi nhốt những kẻ theo Việt cộng, cũng là nơi giam giữ tù thường phạm cướp của, giết người. Gần đó có kho đạn và phía sau kho đạn là trại gia binh dành cho gia đình quân đội. Cạnh đó có nhà sách Ngày Mới, và một trụ xăng nhỏ, nhưng tiệm sách này buôn bán ế ẩm không bằng nhà sách Văn Hoá nằm ở đầu đường. Ngày đó đây là một trong những nhà sách lớn nhất Đà Nẵng.

Tui thường mua sách ở đây. Chủ nhà sách người Huế, trắng trẻo, nhìn rất thư sinh, có đứa con trai cũng trạc tuổi tui, cũng tên Ngọc đi tắm biển bị sóng cuốn trôi ở biển Mỹ Khê. Gần nhà sách Văn Hoá là một pharmacie khá lớn của một gia đình người Quảng Nam. Con chủ nhà thuốc này cũng là người bạn của tui mà mấy chục năm rồi không gặp nên quên mất tên, anh này có nước da đen, ngược lại với cô em gái trắng nõn. Ở khu đó bên kia chợ có một tiệm bán nước mắm có cô con gái học Bồ Đề. Cô gái dong dỏng cao, tóc để bom bê trước trán với chiếc áo dài trắng ngắn tà đã có một thời làm tui mê đắm. Sau này mới biết cô ấy là em gái của một người bạn tui. Cả gia đình giờ định cư bên Mỹ, cô ấy giờ chắc cũng đã là bà nội, bà ngoại rồi.

 
Chợ Cồn xưa trước năm 1975

Từ những năm cuối của thập niên 1950, chợ Cồn đã được xây dựng kiên cố với những ngôi nhà lồng rộng và thoáng mát. Chung quanh chợ người ta đã xây những kiốt cho thuê bán đủ mặt hàng cao cấp nên chợ Cồn trông khang trang và lịch sự. Ngay ngã tư phía bên kia góc dường Ông Ích Khiêm và Hùng Vương có một cây xăng lớn. Đi tới chút nữa là đụng đường rầy. Chỗ đó lộn xộn mấy nhà nhỏ lụp xụp vá xe, làm vỏ xe, những người thợ lúc nào cũng đen nhẻm. Phía bên kia là một dãy phố có căn nhà tui không bao giờ quên.

Đó là xưởng vẽ của người hoạ sĩ già Nguyễn Viết Hậu. Ông này chuyên vẽ chân dung truyền thần nhưng lại vẽ Phật rất đẹp, nhất là vẽ Phật Thích Ca đản sinh, bước trên những toà sen với câu nói: “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn”. Hồi còn bé trên đường đi học, bữa nào tui cũng chắp tay sau đít đứng ngó ông ấy và những người đệ tử vẽ vời. Tui mê hội hoạ cũng từ xưởng vẽ của ông và tui theo nghiệp vẽ cũng từ những nhát cọ của ông.

Xây xong cây xăng, người ta cũng xây một bến xe ngay góc Hùng Vương, xế xế với chợ Cồn. Bến xe có tên Bến xe chợ Cồn, đi hai chiều từ Đà Nẵng ra Quảng Nam, Huế cùng các tỉnh miền Trung khác và cả Tây Nguyên. Từ khi có bến xe, khu vực này nhộn nhạo hẳn lên, hàng quán mọc đầy. Nổi bật ngay góc bến xe là bánh mì Ông Tý, chỉ là xe bánh mì chả nhưng khách đông vì chả có vị lạ. Mạ tui thích ăn bánh mì Ông Tý, nhiều khi khuya rồi cũng phải chạy ra mua cho Mạ. Gần đó có bún bò bà Hưng. Bà này người Huế có chồng là thợ may Âu phục. Bà có mấy cô con gái ngang tầm tuổi tui, sau này có hai chị em lấy hai thằng bạn tui, cả đôi bây giờ định cư ở Houston.

Bún bà Hưng ngon đúng điệu bún Huế, dù chỉ là quán bình dân. Khu này hồi đó Việt cộng hay rải truyền đơn dù thật ra cũng chẳng có tác dụng gì. Khu này còn có tiệm bò Thái Ngư, bánh kẹo Quánh Hưng… cùng hàng chục cửa hiệu tạp hoá, đại lý trái cây, dụng cụ cơ khí, gạo… buôn bán sầm uất, là đại lý của nhiều hãng lớn và là nơi cung cấp hàng sỉ đi khắp miền Trung. Tui có anh bạn cùng trường nổi tiếng dân chơi nhà là một tiệm buôn lớn góc phố này. Anh tên Lâm Thành mất cũng khá lâu rồi.

Gần đó, ngay đầu đường Ông Ích Khiêm là cư xá Độc Lập, dành cho hạ sĩ quan quân đội VNCH. Khu này trước đó người ta chỉ dùng để ở, nhà nào cũng có khoảng sân trống sát đường. Phía sau là một sân cát rộng. Chiều chiều tụi nhỏ tuổi như tui thường đến đó thả diều và đá banh. Đến những năm cuối thập niên 1960 bỗng dưng người ta tận dụng sân trước để mở hàng quán. Một loạt quán bò tái ra đời. Khu gia binh mất dấu để trở thành phố chợ. Mà cũng lạ, cả dãy quán ăn, quán nhậu lại có một căn là tiệm vẽ của ông hoạ sĩ Hải Triều.

Ông này cũng chuyên vẽ chân dung, có thể thời đó có nhu cầu vẽ truyền thần. Hình như ông này trước đó ở trong quân đội, có nhờ Ba tui giúp cho giải ngũ nên có vẻ rất quý Ba tui. Thấy hay tặng quà và vé xem hát. Dãy nhà sau cũng lấn chiếm sân chơi, tui mất chỗ để thả diều và đá bóng. Thật ra, lúc đó tụi tui cũng đã đến tuổi thanh niên, chẳng còn mê diều và trái bóng mà đã bắt đầu biết chải đầu và diện áo quần đẹp để đi tán gái.

Một góc Đà Nẵng trước 1975 (ảnh tư liệu)

Từ chỗ cư xá đi xuôi xuống đường Ông Ích Khiêm, ta gặp bên kia đường một château d’eau cao lừng lững. Tháp nước này cung cấp nước thuỷ cục cho cả khu vực. Đối diện tháp nước là Bình dân Thư quán, là nơi cho thuê truyện của một ông Tàu già. Tiệm nhỏ thôi, nhưng sách nào cũng có. Nhất là truyện kiếm hiệp. Thời này, người ta mê truyện chưởng Kim Dung nên quán lúc nào cũng đông khách. Ông chủ người Tàu có trí nhớ siêu phàm. Sách của ông luôn bọc ngoài bìa là giấy bao ciment. Sau tờ bìa là ông ghi ký hiệu ngày mượn chi chít. Thế mà khi nói tựa sách là ông lấy ngay đúng phóc, không chút chần chừ. Cuốn nào đã có người thuê chưa trả ông cũng báo ngay. Hay thật. Tui là tín đồ của quán này, ngày nào cũng thuê đôi ba cuốn, đủ loại, đọc muốn lòi con mắt.

Nhắc đến chợ Cồn ngày xưa mà không nói đến cà phê Xướng là một thiếu sót. Ít ra là đối với bản thân tui. Cà phê Xướng là một kiốt nằm trước chợ Cồn, trên đường Khải Định xưa. Tiệm bán cà phê và các thức uống. Khách của tiệm là giới công chức, giáo sư, doanh nghiệp, quân nhân. Đó không phải là tiệm dành cho giới bình dân. Có một thời, sáng nào tui cũng phải ra đấy mua cà phê sáng cho Ba tui uống trước khi đi làm.

Chợ Cồn Đà Nẵng xưa 1968-1969 

Lúc nào cũng mang theo một cái chén lớn để đổ nước sôi vào để khi mang cà phê về đến nhà thì nó vẫn còn nóng. Quán trang trí như mấy quán cà phê nhỏ bên Tây. Có quầy với mấy ghế cao và những cái bàn nhỏ trải khăn kẻ ca rô. Có hai điều mà tui không bao giờ quên được tiệm cà phê này là mùi cà phê rang thơm phưng phức, mỗi tách cà phê lại bỏ thêm chút bơ Bretel beo béo thơm thơm; điều nữa mà gần hết đời, tui vẫn thấy không chỗ nào có bánh mì thịt ngon như ở cà phê Xướng.

Thịt là thịt ba chỉ, có mỡ được rim vàng với ngũ vị hương và có thể có chút hồi. Bước vào quán là nghe mùi này ngay. Mùi thịt hơi cháy vàng tươm mỡ, nước thịt màu hổ phách sậm thơm nức mũi. Ổ bánh mì dòn tan, được dồn thịt và rưới thứ nước vàng óng đó lên, rắc thêm tiêu sọ xay, chẳng cần xì dầu, hành ngò mà ối chao ôi là ngon! Sau này, lớn lên, cũng nhiều lần ăn rim thịt như thế, cũng bánh mì dòn như thế, mà miếng ăn sao lại thấy chẳng ngon như xưa nữa.

_________

Bây giờ, lúc đã đi bốn phương trời, trở về chốn cũ, đứng giữa ngã tư chợ Cồn với biết bao kỷ niệm nhưng tui lại thấy xa lạ biết chừng nào? Chẳng còn ai quen, những con phố lạ, đường xưa không dấu vết cũ. Tui làm người khách lạ tiếc nhớ những chốn xưa và ký ức của mình. Thời gian nhanh quá! Mới tuổi thanh niên giờ đã là ông lão. Những bạn bè, người thân lần lượt ra đi. Cảnh cũ chẳng còn dấu tích. Nghĩ đến chuyện bể dâu, buồn ơi là buồn!

 

Đỗ Duy Ngọc

-----------

Kim Quy st

Hình internet

Thành phố Đà Nẵng xưa bên sông Hàn

 
Chỉnh sửa lần cuối vào %PM, %09 %725 %2022 %12:%06
back to top