Thiền Sư Thích Nhất Hạnh viên tịch, hưởng đại thọ 95 tuổi

Thiền Sư Thích Nhất Hạnh viên tịch,

hưởng đại thọ 95 tuổi

THỪA THIÊN HUẾ, Việt Nam (NV) – Thiền Sư Thích Nhất Hạnh, một trong những tu sĩ Phật Giáo nổi tiếng nhất trong lịch sử Việt Nam cận đại, vừa viên tịch tại chùa Từ Hiếu, Huế, sáng Thứ Bảy, 22 Tháng Giêng (giờ địa phương), trụ thế 95 năm.

“Với hơi thở sâu và ý thức chánh niệm, chúng tôi xin thông báo, vị Thầy Yêu Kính Thích Nhất Hạnh của chúng tôi vừa viên tịch một cách an bình vào ngày 22 Tháng Giêng, 2022,” thông báo của trang web plumvillage.org cho biết.

 

Plum Village (Làng Mai) là tên một tu viện do Thiền Sư Thích Nhất Hạnh đồng sáng lập năm 1982, hiện có hàng ngàn Phật tử khắp thế giới tu tập.

Theo plumvillage.org, Thiền Sư Thích Nhất Hạnh tên thật là Nguyễn Xuân Bảo, sinh ngày 11 Tháng Mười, 1926, tại Huế, Việt Nam.

Ông theo học ở chùa Từ Hiếu, và trở thành một tu sĩ Phật Giáo vào năm 16 tuổi.

Là một tu sĩ trẻ vào đầu những năm 1950, ông đã tích cực tham gia vào phong trào phục hồi Phật Giáo Việt Nam. Ông là một trong những người đầu tiên nghiên cứu chủ đề thế tục tại một trường đại học ở Sài Gòn.

Khi cuộc chiến Việt Nam xảy ra, các nhà sư và nữ tu phải đối mặt với câu hỏi là tuân theo cuộc sống chiêm niệm và thiền định trong các tu viện hay giúp những người xung quanh họ thoát khỏi những vụ đánh bom và hỗn loạn chiến tranh.

Thiền Sư Thích Nhất Hạnh, một trong những tu sĩ Phật Giáo

nổi tiếng nhất trong lịch sử Việt Nam cận đại. (Hình: plumvillage.org)

Thiền Sư Thích Nhất Hạnh là một trong số những người chọn làm cả hai, thành lập phong trào Phật Giáo Nhập Thế, thuật ngữ này xuất hiện trong cuốn sách “Việt Nam: Hoa sen trong biển lửa.” Cuộc đời của ông từ đó được dành riêng cho công việc chuyển đổi bên trong vì lợi ích của cá nhân và xã hội.

Năm 1961 ông sang Hoa Kỳ, giảng dạy tôn giáo ở đại học Princeton University, New Jersey, và năm tiếp theo, ông tiếp tục giảng dạy và nghiên cứu Phật Giáo tại đại học Columbia University, New York.

Đầu những năm 1960, ông thành lập Trường Thanh Thiếu Niên và Dịch Vụ Xã Hội (SYSS) tại Sài Gòn, một tổ chức gồm 10,000 tình nguyện viên hoạt động dựa trên nguyên lý hòa bình và từ bi của Phật Giáo.

Thiền Sư Thích Nhất Hạnh nói chuyện với trẻ em tại Làng Mai, Pháp. (Hình: plumvillage.org)

Cũng trong thập niên 1960, ông thành lập Đại Học Phật Giáo Vạn Hạnh tại Sài Gòn và nhà xuất bản Lá Bối, một tạp chí hoạt động vì hòa bình. Năm 1966 ông thành lập dòng tu Tiếp Hiện (Order of Interbeing).

Tại Hoa Kỳ năm 1966, ông lần đầu tiên gặp Mục Sư Martin Luther King, Jr., một nhà đấu tranh dân quyền nổi tiếng của Mỹ và từng được giải Nobel Hòa Bình. Năm 1967, Mục Sư King đề cử thiền sư cho giải thưởng uy tín thế giới này.

Ngày 1 Tháng Năm, 1966, tại chùa Từ Hiếu, Thiền Sư Thích Nhất Hạnh nhận được “Ấn Khả” từ Sư Phụ Chân Thật, trở thành một vị thiền sư và nhà lãnh đạo tinh thần của chùa Từ Hiếu.

Vài tháng sau, ông trở lại Mỹ và Châu Âu, vận động chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam, vì thế cả hai chính quyền miền Bắc và miền Nam Việt Nam đều không cho ông hồi hương, bắt đầu cuộc sống lưu vong gần 40 năm.

Thiền Sư Thích Nhất Hạnh (phải) và Mục Sư Martin Luther King, Jr. tại Mỹ. (Hình: plumvillage.org)

Ông tiếp tục giảng dạy, viết sách về nghệ thuật chánh niệm và “sống hòa bình.”

Vào đầu những năm 1970, ông là giảng viên và nhà nghiên cứu Phật Giáo tại Đại Học Sorbonne, Paris.

Năm 1975 ông thành lập cộng đồng Sweet Potato gần Paris, vào năm 1982, cộng đồng này di chuyển đến một khu vực rộng lớn hơn ở phía Tây Nam nước Pháp, nơi thanh bình và tuyệt đẹp đó được gọi là Làng Mai hay Đạo Tràng Mai Thôn.

Dưới sự lãnh đạo của ông, Làng Mai phát triển từ một trang trại nông thôn nhỏ trở thành một trong những tu viện Phật Giáo lớn nhất và năng động nhất ở phương Tây, với hơn 200 tu sĩ thường trú và hơn 8,000 du khách mỗi năm, đến từ khắp nơi trên thế giới để học “nghệ thuật của cuộc sống chánh niệm.”

Trong nhiều năm qua, hơn 100,000 người đã cam kết tuân theo quy tắc hiện đại của Thiền Sư Nhất Hạnh về đạo đức toàn cầu phổ cập trong cuộc sống hàng ngày, được gọi là “Thực tập năm chánh niệm.”

Năm 2005, lần đầu tiên ông trở về thăm quê hương Việt Nam, được tăng ni, và Phật Tử tỉnh Thừa Thiên Huế đón tiếp nồng hậu.

Vào ngày 11 Tháng Mười Một, 2014, một tháng sau ngày sinh nhật thứ 88 của thiền sư, sức khoẻ ông giảm sút nhanh, và ông bị đột quỵ.

Mặc dù không thể nói được và bị tê liệt một phần, ông vẫn tiếp tục cống hiến cho sự hiện diện thanh bình của mình ở Làng Mai. Thiền sư tham gia vào các hoạt động thiền hành, đi bộ, ăn chay và các nghi lễ mà trước khi khoẻ mạnh ông vẫn thường làm.

Ngày 29 Tháng Tám, 2017, ông về Việt Nam, mặc dù vẫn chưa hồi phục được như trước, nhưng sức khỏe thiền sư tiến triển tốt đẹp.

Ngày 26 Tháng Mười, 2018, Thiền Sư Thích Nhất Hạnh quay trở lại Việt Nam, đến nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng.

Hai ngày sau, thiền sư chọn chùa Từ Hiếu, nơi ông xuất gia tu học thuở thiếu thời, để tịnh dưỡng cho đến khi viên tịch. (Đ.D.)

Thiền sư Thích Nhất Hạnh – Sư Ông Làng Mai là bậc thầy hướng dẫn tâm linh có công hạnh hoằng hóa rộng rãi và ảnh hưởng sâu dày trên khắp thế giới. Thiền sư đồng thời là một nhà văn hóa, một nhà văn, một nhà thơ, một học giả, một sử gia và một nhà hoạt động hòa bình. Thiền Sư được biết đến qua những buổi thuyết giảng công cộng cho cả hàng chục ngàn người và hơn 120 tác phẩm xuất bản giá trị. Thiền sư đã mở ra hướng đi và phát triển những pháp môn thực tập với nhiều khoá tu dành cho các nhà giáo dục, thanh thiếu niên, nghệ sĩ, doanh nhân, các nhà lãnh đạo, y bác sĩ… Bên cạnh sự nghiệp hoằng pháp Thiền sư cũng đã tổ chức nhiều Đại Giới Đàn và lễ Truyền Đăng, Việt hoá Nghi lễ và tân tu Giới bản để tiếp dẫn hậu lai.

Mục sư Martin Luther King vinh danh Thiền sư như là “một Thánh tông đồ của hòa bình và bất bạo động” khi đề cử Người cho giải Nobel Hòa bình vào năm 1967. Trong gần 40 năm sống xa quê hương, Thiền sư là một trong những người tiên phong mang đạo Bụt, đặc biệt là pháp môn chánh niệm đến xã hội phương Tây và góp phần xây dựng một cộng đồng Phật giáo Dấn thân cho thế kỷ XXI với gần 1250 đệ tử xuất gia, hàng triệu đệ tử tại gia và hàng trăm triệu độc giả trên khắp năm châu. Rất nhiều học trò của Thiền sư đã gặt hái được nhiều hoa trái trong sự thực tập và tiếp nối được sự nghiệp hoằng hoá mà Thiền sư trao truyền suốt những thập kỷ qua.



Sơ lược Tiểu sử

 Thiền sư Thích Nhất Hạnh, thế danh Nguyễn Xuân Bảo, sinh năm Bính Dần (1926) tại làng Thành Trung, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Là con kế út trong gia đình có sáu anh chị em, cha là cụ ông Nguyễn Đình Phúc, mẹ là cụ bà Trần Thị Dĩ.


. Năm 1942, xuất gia tại Tổ đình Từ Hiếu với Thiền sư Thanh Quý Chân Thật, được ban pháp danh Trừng Quang.
. Tháng 9 năm 1945, thọ giới Sa di với Bổn sư, được ban pháp tự Phùng Xuân.
. Năm 1947, theo học Phật học đường Báo Quốc, Huế.
. Năm 1949, rời Huế vào Sài Gòn tiếp tục tu học. Bắt đầu sự nghiệp sáng tác với pháp hiệu Thích . Nhất Hạnh, một trong nhiều bút hiệu của Thiền sư. Đồng sáng lập chùa Ấn Quang, làm giáo thọ Phật học đường Nam Việt.
. Tháng 10 năm 1951, thọ Giới Lớn tại chùa Ấn Quang, Sài Gòn với Hòa thượng Đường đầu Thích Đôn Hậu.
. Năm 1954: Tổng Hội Phật Giáo giao trách nhiệm cải cách giáo dục, làm Giám học Phật Học Đường Nam Việt.
. Năm 1955, làm chủ bút Nguyệt san Phật giáo Việt Nam, cơ quan ngôn luận của Tổng hội Phật Giáo Việt Nam.
. Năm 1957, thành lập Phương Bối Am, Bảo Lộc.
. Năm 1961 – 1963, tham học, nghiên cứu và giảng dạy tại đại học Princeton và Columbia, Hoa Kỳ. Sáng tác đoản văn “Bông Hồng Cài Áo”.

 


. Năm 1964, được mời trở về Việt Nam tham gia lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN), thành lập Viện Cao đẳng Phật học Sài Gòn tại chùa Pháp Hội (tiền thân của Viện đại học Vạn Hạnh) và nhà xuất bản Lá Bối. Làm chủ bút tuần san Hải Triều Âm, cơ quan ngôn luận của Viện Hóa Đạo.
. Năm 1965, thành lập trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội. Năm 1966, thành lập Dòng tu Tiếp Hiện.
. Ngày 1.5.1966, được Bổn sư phú pháp truyền đăng tại chùa Từ Hiếu và được kế thừa Trú trì Tổ đình Từ Hiếu sau khi Bổn sư viên tịch.

. Ngày 11.05.1966, rời Việt Nam kêu gọi Hòa bình, bắt đầu 39 năm lưu vong.
. Năm 1967, được mục sư Martin Luther King Jr. đề cử giải Nobel Hòa bình.
. Năm 1968 – 1973, vận động hòa bình cho Hội nghị Hòa bình Paris (1968-1973). Trong thời gian này, được mời dạy môn “Lịch sử Phật giáo Việt Nam” tại trường đại học Sorbonne, Pháp Quốc và soạn Việt Nam Phật giáo Sử luận 3 tập với bút hiệu Nguyễn Lang.
. Tháng 9 năm 1970, được GHPGVNTN chính thức đề cử làm lãnh đạo Phái đoàn Phật giáo Hòa bình tại Hội nghị Paris.
Tháng 5 năm 1970, tham gia soạn thảo Tuyên ngôn Menton về vấn đề tàn hại sinh môi, ô nhiễm môi trường và sự gia tăng dân số. Cùng các cộng sự gặp ông U Thant, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc và được ông cam kết yểm trợ.


. Năm 1972, chủ trì Hội nghị Môi trường có tên Đại Đồng với nội dung: sinh thái học bề sâu, tính tương tức và tầm quan trọng của việc bảo hộ trái đất.
. Năm 1971, thành lập Phương Vân Am, Paris.
. Năm 1976, cứu giúp thuyền nhân và thực hiện chương trình “Máu chảy ruột mềm”.
. Năm 1982, thành lập Đạo tràng Mai Thôn tại Pháp.
. Năm 1998, thành lập Tu viện Thanh Sơn, Hoa Kỳ; năm 2000, thành lập Tu viện Lộc Uyển, Hoa Kỳ.
. Năm 1999, cùng với các chủ nhân giải Nobel Hòa bình soạn thảo Tuyên ngôn 2000 về một nền hòa bình và bất bạo động cho thiên niên kỷ mới.

. Năm 2005, trở về Việt Nam lần thứ nhất. Thành lập tu viện Bát Nhã, Bảo Lộc.
. Năm 2007, trở về Việt Nam lần thứ hai, tổ chức ba Đại Trai Đàn Bình Đẳng Chẩn Tế tại ba miền.
. Năm 2008, trở về Việt Nam lần thứ ba, thuyết giảng tại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc.
. Từ năm 2008, thành lập Viện Phật học Ứng dụng Châu Âu, Đức; Tu viện Bích Nham, Tu viện Mộc Lan, Hoa Kỳ; Thiền đường Hơi Thở Nhẹ, Paris; Làng Mai Thái Lan; Viện Phật học Ứng dụng Châu Á, Hong Kong; Tu viện Nhập Lưu, Úc; Ni xá Diệu Trạm, Ni xá Trạm Tịch, Việt Nam, tiếp tục mở rộng công trình hoằng pháp và xây dựng Tăng thân trên khắp thế giới.

. Tháng 10 năm 2018, trở về an dưỡng tại Tổ đình Từ Hiếu, Việt Nam.
. 00:00 giờ ngày 22 tháng Giêng năm 2022, an nhiên thị tịch tai Thất Lắng Nghe, Tổ đình Từ Hiếu.

Thiền sư Nhất Hạnh (1926-2022) viên tịch. Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma gửi Phân ưu. Báo chí quốc tế loan tin.

New York Times ngày 22/1/2022 ghi lại một câu nói của Thiền sư Nhất Hạnh: "Đức Phật dạy rằng không có sinh, không có tử; không có tới, không có đi; không có đồng nhất, không có dị biệt; không có tự ngã thường còn, không có hư vô đoạn diệt. Chúng ta chỉ nghĩ là có." ["The Buddha taught that there is no birth; there is no death; there is no coming; there is no going; there is no same; there is no different; there is no permanent self; there is no annihilation. We only think there is." ("Thich Nhat Hanh on Life, War and Happiness" - NY Times Jan 22.2022)]

Lời chia buồn về sự viên tịch của Hòa thượng Thích Nhất Hạnh
ngày 22 tháng 1, 2022

Thekchen Chöling, Dharamsala, HP, India - Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã rất đau buồn khi biết rằng người bạn và là người anh tinh thần của Ngài - Hòa thượng Thích Nhất Hạnh đã viên tịch. Ngài gửi lời chia buồn đến các đệ tử của Ngài ấy ở Việt Nam và khắp nơi trên thế giới.

Trong bức thông điệp phân ưu của mình, Đức Ngài đã viết:

"Trong sự phản đối ôn hòa của Ngài ấy đối với cuộc chiến tranh Việt Nam, sự ủng hộ của Ngài ấy dành cho Martin Luther King; và hơn hết là sự cống hiến của Ngài ấy trong việc chia sẻ với những người khác - không những chỉ về cách mà chánh niệm và lòng từ bi đã góp phần vào sự an lạc nội tâm, mà còn cả về cách mà các cá nhân trưởng dưỡng tâm hồn đã đóng góp vào nền hòa bình thực sự của thế giới, Hoà Thượng đã sống một cuộc đời thật ý nghĩa.

"Tôi tin chắc rằng, cách tốt nhất mà chúng ta có thể tri ân Ngài ấy là tiếp tục sự nghiệp của Ngài ấy để thúc đẩy nền hòa bình trên thế giới."

Ngày 11 tháng 9/2006, tại Beverly Hills, CA. Thiền sư Thích Nhất Hạnh với Đức Đạt Lai Lạt Ma và Tiến sĩ Modi. Hình chụp bởi Alex Berliner © Berliner Studio/BEImages.

Bản Phân Ưu tiếng Anh:

Condolences in Response to the Death of Venerable Thich Nhat Hanh
January 22, 2022

Thekchen Chöling, Dharamsala, HP, India - His Holiness the Dalai Lama was saddened to learn that his friend and spiritual brother Venerable Thich Nhat Hanh had passed away. He offered his condolences to his followers in Vietnam and around the world.
In his condolence message, His Holiness wrote:
"In his peaceful opposition to the Vietnam war, his support for Martin Luther King and most of all his dedication to sharing with others not only how mindfulness and compassion contribute to inner peace, but also how individuals cultivating peace of mind contributes to genuine world peace, the Venerable lived a truly meaningful life.
"I have no doubt the best way we can pay tribute to him is to continue his work to promote peace in the world."

----------

Kim Quy sưu tầm tổng hợp

 Hình internet

Chỉnh sửa lần cuối vào %PM, %22 %154 %2022 %21:%01
back to top