Hình ảnh “xưa và nay” của các ca sĩ nhạc vàng nổi tiếng trước 1975

Hình ảnh “xưa và nay” của các ca sĩ

nhạc vàng nổi tiếng trước 1975

¸.*¨*♫♪♪♫*¨*.¸¸

 Cùng nhìn lại những hình ảnh so sánh “xưa và nay” của các ca sĩ nổi tiếng nhất của miền Nam trước năm 1975. Đến nay, thời gian đã qua hơn nửa thế kỷ, không ai có thể tránh khỏi được quy luật của thời gian. Tuy nhiên cũng có một số ca sĩ vẫn còn mang phảng phất nét đẹp quý phái của một thời vàng son.

Thanh Lan sinh năm 1948, là ca sĩ, diễn viên của Việt Nam. Bà là một trong những nghệ sĩ hiếm hoi thành công trên cả ba lĩnh vực âm nhạc, điện ảnh và sân khấu. Ca sĩ Thanh Lan nổi tiếng với các ca khúc Pháp, là một trong những gương mặt tiêu biểu cho thời kỳ đầu của nhạc trẻ ở Sài Gòn.

Ca sĩ Phương Hồng Quế sinh năm 1953, là một trong những giọng hát tiêu biểu thuộc thế hệ sau cùng của làng nhạc Sài Gòn trước năm 1975. Cô được báo chí Sài Gòn gọi danh hiệu là “Tivi chi bảo”.

Ca sĩ Kim Loan

Ca sĩ Kim Loan sinh năm 1948, nổi tiếng khắp làng nhạc miền Nam xưa với nhan sắc khả ái với ca khúc được mến mộ nhất là Căn Nhà Ngoại Ô của nhạc sĩ Anh Bằng


Ca sĩ Trúc Mai sinh năm 1942, thuộc thế hệ đầu tiên của nhạc vàng miền Nam. Cô không chỉ có giọng hát ngọt ngào, ấm áp mà còn chinh phục khán giả với vẻ đẹp yêu kiều, quý phái. Giọng hát Trúc Mai gắn liền với bài hát “Hàn Mặc Tử” của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh.

Ca sĩ Anh Khoa sinh năm 1948, là một trong những nam ca sĩ nổi tiếng nhất của miền Nam trước 1975 ở dòng nhạc trữ tình. Giọng hát truyền cảm và nhẹ nhàng của ông đã gây ấn tượng với khán giả cho đến ngày nay.

Ca sĩ Phương Dung sinh năm 1946 (có thông tin cho rằng năm sinh thật của cô là 1942), là ca sĩ thuộc thế hệ đầu của dòng nhạc vàng, được khán giả mến mộ trong suốt 60 năm qua. Cô được đặt biệt danh là “Nhạn Trắng Gò Công”, rất thành công với những ca khúc nhạc vàng nổi tiếng như Nỗi Buồn Gác Trọ, Tạ Từ Trong Đêm, Những Đồi Hoa Sim… Cho đến nay Phương Dung vẫn còn đi hát ở Việt Nam

Ca sĩ Thiên Trang sinh năm 1951, là một trong những ca sĩ tiêu biểu nhất của dòng nhạc vàng. Cô có giọng hát ngọt ngào và gương mặt rất hiền từ, dễ gây thiện cảm với khán giả.

Ca sĩ Hương Lan sinh năm 1956, được xem là 1 trong những nữ danh ca nổi tiếng nhất của nhạc vàng trước và sau năm 1975. Giọng hát của Hương Lan nổi tiếng với sự ngọt ngào đặc trưng, đặc biệt là khi hát nhạc quê hương âm hưởng dân ca Nam Bộ. Hương Lan cũng là 1 trong những ca sĩ có nhiều bản thu âm nhất với hàng ngàn ca khúc được phát hành trong hơn 50 năm ca hát.

Ca sĩ Ngọc Đan Thanh sinh năm 1952, là nghệ sĩ thành công trong cả 3 lĩnh vực là cải lương, nhạc vàng và MC của chương trình Asia. Sau khi sang định cư tại Mỹ năm 1990, cô còn tham gia lồng tiếng một số bộ phim Hong Kong, Hàn Quốc.

Ca sĩ Thái Châu sinh năm 1951, nổi tiếng với dòng nhạc vàng, trữ tình với giọng hát ấm áp nhưng cũng rất ngọt ngào.

Ca sĩ Giáng Thu là học trò của nhóm tác giả Lê Minh Bằng (Lê Dinh – Minh Kỳ – Anh Bằng). Người bạn đồng môn của cô trong lớp nhạc Lê Minh Bằng còn có ca – nhạc sĩ Mạnh Quỳnh, người đã song ca ăn ý với Giáng Thu, đặc biệt là với bài hát Tuyết Lạnh, Hai Đứa Giận Nhau…

Danh ca Bạch Yến sinh năm 1942, là 1 trong những ca sĩ nổi tiếng nhất của làng nhạc Sài Gòn từ cuối thập niên 1950. Cô là người Việt Nam đầu tiên và duy nhất xuất hiện trên chương trình Ed Sullivan Show nổi tiếng của Mỹ năm 1965, là nghệ sĩ Việt Nam duy nhất trình diễn cùng một chương trình với những tên tuổi nổi tiếng của Mỹ như Bob Hope, Bing Crosby, Pat Boone, Frankie Avalon… và là ca sĩ Việt đầu tiên và duy nhất hát nhạc phim Hollywood The Green Berets (Mũ nồi xanh).

Ca sĩ Thanh Thúy sinh năm 1943, là một trong những nữ ca sĩ có ảnh hưởng lớn nhất đến nền Tân nhạc Việt Nam trước năm 1975, là thế hệ ca sĩ đầu tiên của dòng nhạc vàng miền nam. Tên tuổi của cô đã gắn liền với nhạc sĩ Trúc Phương và những tình khúc tiền chiến. Cô cũng là người yêu trong mộng của cả một thế hệ, được các nhạc sĩ, nhà thơ, nhà văn, đạo diễn truyền hình nổi tiếng… ca ngợi hết lòng với rất nhiều mỹ danh, trong đó nổi tiếng nhất là Tiếng hát liêu trai và Tiếng hát lúc 0 giờ.

Ca sĩ Băng Châu sinh năm 1950, ngoài sở hữu giọng hát ngọt ngào, cô còn là một trong những ca sĩ có nhan sắc khả ái nhất trong giới ca sĩ Sài Gòn trước 1975

Ca sĩ Thanh Mai sinh năm 1955. Trong làng nhạc Sài Gòn trước năm 1975, dù Thanh Mai không phải là ca sĩ thuộc hàng nổi danh nhất, nhưng tên tuổi của cô vẫn được rất nhiều người biết đến, đặc biệt trong dòng nhạc trẻ.

Ca sĩ Khánh Ngọc sinh năm 1937, là minh tinh điện ảnh Sài Gòn thuộc thế hệ đầu tiên. Trong lĩnh vực âm nhạc, bà sở hữu giọng hát nhiều nội lực, từng là thành viên của ban Thăng Long danh tiếng, và cũng là vợ cũ của nhạc sĩ Phạm Đình Chương.

Ca sĩ Lệ Thu sinh năm 1943, thường được nhắc đến như là 1 trong 3 nữ ca sĩ nổi tiếng nhất của làng nhạc Sài Gòn trước năm 1975, cùng với Khánh Ly và Thái Thanh

Ca sĩ Giao Linh sinh năm 1949, là một trong những ca sĩ nhạc vàng nổi tiếng nhất trước năm 1975. Cô thường được báo chí Việt Nam gọi là “Nữ hoàng sầu muộn” do tiếng ca và phong cách biểu diễn trầm buồn trong các ca khúc nhạc vàng.

Ca sĩ Thanh Tuyền sinh năm 1947, là một trong những nữ ca sĩ nhạc vàng nổi tiếng nhất trong suốt hơn nửa thế kỷ qua.

Ca sĩ Khánh Hà sinh năm 1952. Cô đã đi hát trước năm 1975, nhưng chủ yếu là hát nhạc trẻ. Từ sau khi sang hải ngoại, Khánh Hà được yêu mến với dòng nhạc trữ tình từ thập niên 1980 với giọng hát rất điêu luyện và được so sánh với các diva nước ngoài.

Ca sĩ Elvis Phương sinh năm 1945, là ca sĩ nổi danh với nhiều thế loại nhạc: nhạc trẻ, tiền chiến, nhạc vàng, trữ tình, rock Việt. Sự nghiệp của ông trải dài trên 50 năm và thường được nhắc đến cùng với tên tuổi của ban Phượng Hoàng trước năm 1975.

Ca sĩ Khánh Ly sinh năm 1945, được đánh giá là một trong những nữ danh ca nổi tiếng nhất của làng nhạc Sài Gòn trước năm 1975. Tên tuổi của cô thường được xếp bên cạnh 2 nữ danh ca khác là Thái Thanh và Lệ Thu.

Ca sĩ Hoàng Oanh sinh năm 1946, là một trong những ca sĩ tiên phong hát dòng nhạc vàng từ thập niên 1960. Số lượng bài hát nhạc vàng gắn liền với tên tuổi Hoàng Oanh rất nhiều, có thể liệt kê những bài nổi tiếng nhất là Ai Ra Xứ Huế (Duy Khánh), Chuyến Đò Vỹ Tuyến (Lam Phương), Tình Yêu Trả Lại Trăng Sao (Lê Dinh), Chuyện Một Chiếc Cầu Đã Gãy (Trầm Tử Thiêng), Về Đâu Mái Tóc Người Thương (Hoài Linh), Câu Chuyện Đầu Năm (Hoài An), Một Người Đi (Mai Châu), Mưa Trên Phố Huế (Minh Kỳ & Tôn Nữ Thụy Khương), Sao Chưa Thấy Hồi Âm (Châu Kỳ)… Hoàng Oanh cũng là ca sĩ hiếm hoi của dòng nhạc vàng học lên đến đại học thời đó. Cô tốt nghiệp Cử nhân (Ban Sử Địa) ở Đại Học Văn Khoa.

Ca sĩ Phương Đại được biết nhiều nhất trong ban tam ca Sao Băng. Ngoài ra ông cũng thường song ca với nữ ca sĩ Phương Hồng Quế

Ca sĩ Phương Hoài Tâm thường được gọi là “tiếng hát học trò”, được biết đến tên tuổi thật sự không phải nhờ giọng hát xuất sắc, mà là ở khuôn mặt xinh tươi khả ái với đôi má lúm đồng tiền và một mái tóc cắt úp, một thời đã được nhiều nữ sinh coi như kiểu tóc thời trang.

Ca sĩ Trung Chỉnh sinh năm 1943, là ca sĩ nhạc vàng nổi tiếng trước năm 1975 và thường song ca với Hoàng Oanh, Phương Dung. Nghề nghiệp chính của ông là bác sĩ quân y

Ca sĩ Chế Linh sinh năm 1942, là một huyền thoại của dòng nhạc vàng. Ông vừa là ca sĩ, vừa là nhạc sĩ với bút danh Tú Nhi, được công chúng xưng tụng là 1 trong tứ trụ nhạc vàng. Hiện nay ở tuổi gần 80, ông vẫn còn đi hát, là giọng hát bền bỉ nhất của nhạc Việt mọi thời đại.

Ca sĩ Mạnh Quỳnh sinh năm 1951, là học trò của nhóm Lê Minh Bằng. Ông thường song ca với ca sĩ Giáng Thu, và được biết đến với ca khúc Gõ Cửa.

Ca sĩ Mai Lệ Huyền sinh năm 1946, được xem là một ca sĩ huyền thoại của Sài Gòn trước năm 1975, trở thành hiện tượng chưa từng có trong dòng nhạc kích động khi kết hợp cùng Hùng Cường. Mai Lệ Huyền sở hữu vẻ đẹp lạ, giúp cô luôn nổi bật trong đám đông. Cô có đôi mắt to và sâu thăm thẳm, khuôn mặt tròn như búp bê. Ở thời đỉnh cao của mình, cô đã đốt cháy các sân khấu và vũ trường bằng giọng ca đầy ma lực và vẻ bề ngoài quyến rũ, trở thành cái tên có độ phủ sóng rộng rãi trong công chúng miền Nam.

 

Ca sĩ Họa Mi sinh năm 1955, là cô học trò nổi tiếng của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ. Ca sĩ Họa Mi được nhận xét có “giọng hát trong và thánh thót ở những nốt cao, ấm áp và tình cảm ở những nốt trầm”.

Sau đây là hình ảnh xưa và ảnh sau này của các ca sĩ đã về khuất núi:

Danh ca Thái Thanh sinh năm 1934 và qua đời năm 2020. Bà được mọi tầng lớp khán giả, các nghệ sĩ và giới nghiên cứu âm nhạc xưng tụng là tên tuổi lớn nhất trong số những ca sĩ của tân nhạc Việt Nam. Bà được nhà văn Mai Thảo gọi là “Tiếng hát vượt thời gian”, và danh hiệu này đã đi liền với cuộc đời và sự nghiệp của bà. Nhiều người cũng gọi Thái Thanh là “đệ nhất danh ca” của âm nhạc Việt Nam.

Ca sĩ Duy Quang sinh năm 1950, là con trai đầu của nhạc sĩ Phạm Duy và danh ca Thái Hằng. Ông được coi là một trong những ca sĩ nổi bật của tân nhạc Việt Nam thuộc thế hệ thứ hai, với chất giọng ngọt ngào, tình cảm.

Ca sĩ Hà Thanh sinh năm 1937 và đã qua đời năm 2014. Bà là giọng nữ trung thành danh ở Sài Gòn từ đầu thập niên 1960, sở trường hát nhạc thính phòng cổ điển, nhạc tiền chiến, và cả nhạc vàng.

Cố ca sĩ – nhạc sĩ Duy Khánh sinh năm 1936 và qua đời năm 2003, ông được xưng tụng là 1 trong tứ trụ nhạc vàng, và có thể xem là “cánh chim đầu đàn” của dòng nhạc vàng được khai sinh vào thập niên 1950-1960 ở miền Nam.

Ca sĩ Nhật Trường, cũng là nhạc sĩ Trần Thiện Thanh sinh năm 1942 và qua đời năm 2005. Hiếm có người nào lên đến đỉnh vinh quang với cả 2 lĩnh vực ca sĩ và nhạc sĩ như ông. Nhật Trường Trần Thiện Thanh cũng được xưng tụng là 1 trong tứ trụ nhạc vàng.

Ca sĩ Hùng Cường sinh năm 1936, qua đời năm 1996, được công chúng yêu nhạc xưng tụng là một trong tứ trụ nhạc vàng cùng với Duy Khánh, Chế Linh và Nhật Trường. Đó là 4 danh ca vừa có khả năng hát, vừa có khả năng sáng tác nhạc vàng, và là những nam danh ca nổi tiếng nhất của làng nhạc miền Nam vào thập niên 1960 – nửa đầu thập niên 1970. Nếu chỉ xét riêng trong dòng nhạc vàng thì tên tuổi của Hùng Cường có phần yếu thế nhất trong 4 cây “đại trụ” này, nhưng nếu xét về sự đa tài, mức độ tài hoa thì Hùng Cường lại nổi trội hơn cả, vì ông không chỉ nổi tiếng trong lĩnh vực âm nhạc, mà còn là tài tử điện ảnh nổi tiếng, một kép chính cải lương lừng danh và là một trong những nghệ sĩ kịch đầu tiên của miền Nam.

 

Đông Kha
  nguồn nhacxua.vn

 

Thế hệ vàng những nhạc sĩ tài ba trước năm 1975. 
 
Image may contain: 18 people
Ảnh các nhạc sĩ (theo thứ tự từ trái sang):
- Hàng đầu: Châu Kỳ - Mạnh Phát - Trúc Phương - Lam Phương - Minh Kỳ - Hoài Linh
- Hàng thứ 2: Lê Dinh - Anh Bằng - Hoàng Thi Thơ - Duy Khánh - Hoài An - Phạm Mạnh Cương
- Hàng thứ 3: Tuấn Khanh - Y Vân - Dzũng Chinh - Anh Việt Thu - Lê Trực - Phạm Thế Mỹ
Như chúng ta đã biết, sau 30 tháng 4 - 1975, chính quyền mới đã gộp tất cả các bản nhạc thời VNCH gọi chung là “Nhạc Vàng”.
Nhìn tổng quát, nhạc trước 75 có nhiều thể loại:
1. Nhạc trữ tình mang nhiều âm hưởng của nhạc Tây phương, bàng bạc nét lãng mạn của nhạc tiền chiến (nhạc của Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Hoàng Trọng, Văn Phụng, Cung Tiến…) - Ca sĩ thống lĩnh dòng nhạc nầy là cô Thái Thanh và Anh Ngọc.
2. Nhạc thính phòng, êm dịu, nhẹ nhàng, phiêu lãng (nhạc của Từ Công Phụng, Vũ Thành An, Ngô Thụy Miên…) là loại nhạc sở trường của ca sĩ Lệ Thu, Tuấn Ngọc…
3. Nhạc Trịnh Công Sơn chất chứa một chút triết lý, một chút phản chiến, rất được ưa chuộng với giọng ca của Khánh Ly.
4. Nhạc thời trang là loại nhạc đại chúng (pop music) là thể loại thông dụng nhất trong giai đoạn nầy, nó xoay quanh một số chủ đề:
- Nhạc quê hương (nhạc của Hoàng Thi Thơ, Duy Khánh, Thanh Sơn, Phạm Thế Mỹ…)
- Nhạc tình (nhạc của Lam Phương, Hoài Linh, Anh Bằng, Lê Dinh…)
- Nhạc lính (nhạc Trần Thiện Thanh, Minh Kỳ, Trúc Phương…)
Chỉ là cách chia tương đối vì mỗi nhạc sĩ có khi họ viết nhiều thể loại. Mỗi một thể loại, các nhạc sĩ viết bằng nhiều giai điệu khác nhau. Ví dụ, với nhạc thời trang, các giai điệu thường được dùng là: Slow Rock, Habanera, Boléro, Rumba Boléro… nhưng mà nhiều nhất là Boléro.
Ngoài ra, còn nhiều thể loại khác nữa, không kể ra hết được. Tôi chỉ xin thu hẹp đề tài vào nhạc Boléro để nhìn rõ hơn về dòng nhạc hiện được đại chúng ưa chuộng nhất, và cũng xin gói gọn trong thời kỳ khởi đầu của dòng nhạc Boléro ở Việt Nam để tìm hiểu những nhạc sĩ tiên phong, có công khai phá dòng nhạc Boléro Việt Nam (1954 - 1965).
Boléro là loại nhạc khiêu vũ do một vũ sư người Tây Ban Nha tên Sebastian Cerezo sáng tạo ra vào năm 1780. Dần dần điệu nhạc nầy thịnh hành ở các nước châu Âu như Anh, Pháp… Chính người Pháp đã mang điệu Boléro sang Cuba khoảng năm 1800 và trở thành điệu nhảy đường phố phổ biến ở Cuba và các xứ Nam Mỹ.
Khoảng thập niên 50, điệu Boléro bắt đầu du nhập vào Việt Nam. Boléro từ đầu là một giai điệu như những giai điệu khác: Rumba, Chachacha, Valse… về sau đã trở thành một dòng nhạc đại chúng khi vào Việt Nam: Dòng nhạc Boléro Việt Nam.
Chưa có tài liệu thật chính xác, nhưng theo một số người nghe nhạc thì bài Boléro Việt Nam đầu tiên là bài Duyên Quê của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ sáng tác năm 1955 (Em gái vườn quê, cuộc đời trong trắng…) Năm 1956, có bài Dựng Một Mùa Hoa của Hoài An và Phó Quốc Thăng (Chào bình minh hoa ban mai lả lơi…) Dẫu sao, từ giữa thập niên 50 đã manh nha thể loại Boléro ở Việt Nam. Đến đầu thập niên 60, các nhạc sĩ đồng loạt cho ra đời rất nhiều bài Boléro được người nghe đón nhận rất nồng nhiệt, nhiều bài còn được yêu thích đến tận bây giờ, không hề xưa cũ. Thế hệ nhạc sĩ tiên phong khai phá dòng nhạc Boléro Việt Nam là những tài danh mà tên tuổi còn được ngưỡng mộ không phai mờ.
Một số bài Boléro điển hình được sáng tác trong khoảng thời gian từ "giữa thập niên 50" đến "giữa thập niên 60":
Hoàng Thi Thơ:
- Trăng rụng xuống cầu (1956)
- Đường xưa lối cũ
- Ai nhớ chăng ai (1958)
Lam Phương:
- Chuyến đò vĩ tuyến (1956)
- Nắng đẹp miền Nam (1957)
- Chiều hành quân (1958)
Trúc Phương:
- Tình thắm duyên quê (1957)
- Chiều làng em (1958)
- Đò chiều (1959)
- Chiều cuối tuần (1959)
- Nửa đêm ngoài phố (1960)
- Tàu đêm năm cũ (1961-1962)
- Ai cho tôi tình yêu (1963)
Mạnh Phát:
- Bến nước tình quê (Hợp soạn với Lê Mộng Bảo)
- Hoa nở về đêm (1962)
- Đêm không trăng sao (1963)
- Vọng gác đêm sương (1963)
Châu Kỳ:
- Sao chưa thấy hồi âm (1965)
- Hồi âm (1965)
- Cánh nhạn hồi âm
Duy Khánh:
- Biết trả lời sao (1965)
- Tình ca quê hương
Minh Kỳ:
- Chỉ có một người
- Chuyến tàu hoàng hôn (Hợp soạn với Hoài Linh, 1962)
Hoài Linh:
- Sầu tím thiệp hồng (Viết chung với Minh Kỳ, 1965)
- Biệt kinh kỳ (Hợp soạn với Minh Kỳ)
- Giọt lệ vu quy (Với Tuấn Khanh, 1965)
- Nhịp cầu tri âm
- Buồn vào đêm (Viết với Thanh Sơn)
Anh Bằng:
- Lẻ bóng (1962)
- Đôi bóng (1963)
- Nửa đêm biên giới (1963)
- Đêm không ngủ (1964)
- Truyện tình Lan và Điệp (1964-1965)
- Truyện tình Trương Chi - Mỵ Nương (1965)
- Sầu lẻ bóng (1965)
Lê Dinh:
- Ngày ấy quen nhau (1959)
- Tấm ảnh ngày xưa (1961)
- Ga chiều (1962)
- Hạnh phúc đầu Xuân (Hợp soạn với Minh Kỳ)
Hoài An:
- Tình lúa duyên trăng (Lời: Hồ Đình Phương)
- Kỷ niệm nào buồn (1964)
- Tâm sự ngày Xuân (1965)
Y Vân:
- Đôi mái chèo trăng
- Cánh hoa thời loạn
- Những bước chân âm thầm
Phạm Thế Mỹ:
- Bến duyên lành
- Nắng lên xóm nghèo
- Đan áo mùa Xuân
- Những ngày xưa thân ái
- Trăng tàn trên hè phố
Anh Việt Thu:
- Hai vì sao lạc
- Như giọt Xuân rơi
Dzũng Chinh:
- Những đồi hoa sim (1964)
- Tha La xóm Đạo
Phạm Mạnh Cương:
- Loài hoa không vỡ
Lê Trực:
- Tiếng còi trong sương đêm
Tuấn Khanh:
- Quán nửa khuya (1959, hợp soạn với Hoài Linh)
Và rất nhiều bài Boléro khác được ra đời trong thời gian nầy. Nếu hiện nay là thời kỳ “bùng nổ hát nhạc Boléro” thì thập niên 60 có thể gọi là thời kỳ “bùng nổ sáng tác nhạc Boléro”. Số bài Boléro ra đời trong khoảng thời gian đầu (1954-1960) còn khiêm nhường, sang đầu thập niên 60 các nhạc sĩ hăng say sáng tác các bản nhạc theo thể điệu Boléro vì nó được quần chúng đón nhận nồng nhiệt (hợp với tâm tình tác giả và giọng ca lúc bấy giờ).
Năm 1960, thanh niên nam nữ Saigon điên đảo vì một bản Boléro ngoại quốc: “It’s Now or Never” do nam danh ca Elvis Presley trình diễn.
Sang năm 1961, lại thêm một phen “bấn loạn” vì bản “Histoire d’un amour” do nữ ca sĩ người Pháp Dalida truyền cảm hứng. Đây là hai bản nhạc Boléro thời thượng mà giới trẻ miền Nam đã thuộc nằm lòng, như thêm hương vị cho lòng yêu thích Boléro của khán giả Việt Nam.
Dân miền Nam trước 75 chưa đến 20 triệu người, số lượng nhạc sĩ ít hơn bây giờ rất nhiều. Thế mà chỉ vỏn vẹn 20 năm (1954-1975) các nhạc sĩ VNCH đã sáng tác hàng chục ngàn bản nhạc mà thể loại Boléro là chủ đạo. Ngày nay, trào lưu hát nhạc Boléro đã sáng tác từ nửa thế kỷ trước. Nó vẫn còn hợp thời, quá hợp thời, ý tình như nói thay cho lòng người hiện tại. Lịch sử đã có sự sắp xếp rất thuận lý và lý thú: Bùng nổ đặt nhạc Boléro đi trước, bùng nổ hát nhạc Boléro theo sau. Có những người vừa hát vừa cám ơn các nhạc sĩ trước kia đặt nhạc hay quá. Cám ơn! Cám ơn! Thật thán phục các nhạc sĩ ngày trước không chỉ ở nét nhạc mà còn ở lời ca.
Về nét nhạc thì từ âm giai thất cung (Do Re Mi Fa Sol La Si) của Tây Phương, thường thấy trong các bản nhạc tiền chiến, các nhạc sĩ dòng nhạc Boléro Việt Nam có khuynh hướng nghiêng về giai điệu ngũ cung (Hò Xự Xang Xê Cống) mang âm hưởng Dân ca, có một chút gì đó hơi hao hao với điệu lý, câu hò miền Nam:
“Mây trắng bay qua khi trăng dần lan
Muôn câu hò nhịp nhàng khắp thôn trang
Đoàn người say sưa vui tiếng hát vang
Lúa dâng sữa ngọt đậm tình ta với nàng…”
(Trăng Về Thôn Dã của Hoài An & Huyền Linh)
Boléro từ Nam Mỹ khi du nhập vào Việt Nam thì nhịp điệu chậm hẳn lại để thích hợp với tính cách (tâm hồn, cách hát) của người Việt Nam. Boléro ở Cuba viết theo nhịp 3/4, sang Việt Nam các nhạc sĩ đã chuyển thành nhịp 4/4, và rồi nhạc Boléro Việt Nam đã khác rất nhiều so với Boléro nguyên thủy.
Nhưng nét đặc biệt nhất của Boléro Việt Nam là phần lời ca. Lời rất đời, nghe tới đâu hiểu tới đó, nghe tới đâu thấm tới đó. Nó nói lên tâm sự của từng người, nói lên hoàn cảnh đất nước bi đát vì chiến tranh, nói luôn hoàn cảnh nghiệt ngã của tầng lớp thanh niên phải đối diện với chia ly, mất mát, chịu đựng. Nó trở thành dòng nhạc lớn của Việt Nam vì nó rất Việt Nam.
Ngày ấy ở miền Nam, giữa trưa trời nắng gắt, bác nông phu trên đồng cạn, dưới đồng sâu, làm sao có thể hát một câu nhạc cổ điển Tây Phương cho trâu đi bừa? Nhưng bác rất dễ dàng buông ra vài câu Boléro mùi mẫn:
“Đây xóm nghèo quê tôi khi nắng lên
Hương lúa ngọt tình quê thêm trìu mến…”
(Nắng Lên Xóm Nghèo của Phạm Thế Mỹ)
Còn nữa, ngày anh lên đường ra tiền tuyến, đôi tình nhân bịn rịn chia tay, xót thương cho đời nhau, còn gì ray rứt hơn:
“Xe lăn êm êm lúc ga chiều sắp lên đèn
Mưa thu bay bay vắt ngang trời ướt vai mềm
Hoàng hôn dần xuống
Người trai vì nước đi xây tình quê hương…”
(Chuyến Tàu Hoàng Hôn của Minh Kỳ & Hoài Linh)
Bất cứ lúc nào, nơi nào (ngay cả trong tiệc cưới, bên bàn nhậu…) người Việt Nam vẫn thường hát nhạc Boléro. Âm nhạc Việt Nam buồn vì lịch sử Việt Nam buồn: Do chiến tranh, và bị đô hộ của ngoại bang. Nếu chê bai nhạc Boléro tầm thường, lời lẽ không tinh tế, sâu sắc, là nhạc sến thì tội nghiệp cho dân Việt Nam. Họ có đòi hỏi gì cao siêu đâu, họ rất bình dị. Nhưng hoàn cảnh đất nước không may, đời sống họ vấp phải nhiều khốn khó. Họ cần đến âm nhạc để được xoa dịu, vỗ về, họ cần đến Boléro để bày tỏ nỗi niềm tâm sự.
Giờ đây, sau 40 năm bị “bức tử” (kể từ năm 1975), dân Việt Nam mới đòi lại được quyền hát Boléro và làm cho nó hồi sinh dù chưa hoàn toàn, có những bản nhạc lính vẫn còn bị cấm. Nhìn giới trẻ thi nhau hát Boléro (rất khó khăn, hạn chế về chọn bài, lời ca) trong các cuộc thi được tổ chức liên tục trong nước mới thấy rõ bản chất mộc mạc, hồn nhiên trong tâm hồn người Việt Nam: Có sao nói vậy. Trong trường hợp nầy, tôi suy nghĩ hoài câu “Nghệ thuật vị nhân sinh”. Nghệ thuật đã luôn ở bên cạnh để nâng đỡ tinh thần, là niềm an ủi rất lớn giúp dân Việt Nam vượt qua bao gian khổ trong chiến tranh trước 75 và đối diện với những bất cập trong hiện tại. Nghệ thuật cao quý như vậy sao gọi là sến? Các nhạc sĩ tiên phong khai phá dòng nhạc Boléro Việt Nam có cảm thấy nao lòng hay không?!
Kiva (Một khán giả yêu Nhạc Vàng)
 
Nguồn: Trang FB của ca sĩ Hoàng Oanh
 
Kim Phượng sưu tầm & tổng hợp
 

 

 

 

Chỉnh sửa lần cuối vào %AM, %12 %621 %2021 %08:%01
back to top