Câu chuyện đêm Giáng Sinh
Câu chuyện đêm Giáng Sinh
✧✧✧✧
Lời tác giả: Câu chuyện xảy ra lúc những người trẻ lai Mỹ được định cư ở Hoa Kỳ vào thập niên 1900 theo diện con lai. Đây là câu chuyện có tính cách hư cấu. Gửi đến bạn đọc như một nụ cười “nghiêng” trong mùa Giáng Sinh. Nếu có trùng sự hợp với một vài nhân vật nào đó, là ngoài ý muốn của tác giả. Xin cảm tạ.
Khi Nhọ nhìn lại đời mình thì chỉ thấy một khoảng trống thật lớn, và Nhọ chưa làm sao để lấp đầy được. Có thể cuộc sống của Nhọ đã không được hoàn hảo ngay từ thuở nhỏ, cái thuở người ta vui vẻ bên cha mẹ, trong khi Nhọ phải lăn xả vào đời sống tối tăm để tìm ra chút ánh sáng cho đời mình. Lớn lên một chút, Nhọ mới thấy sự khác biệt của mình với những người chung quanh. Tóc Nhọ quắn tít, da Nhọ đen thui. Và, Nhọ mới thấm thía đến cái tên người ta đã gọi Nhọ từ bao nhiêu năm nay: thằng Nhọ.
Phải! Thằng Nhọ. Nói cho nhiều cũng không thể nào diễn tả được sự mẫn cảm luôn luôn ẩn chứa trong Nhọ. Thỉnh thoảng sự mẫn cảm đó làm trào ra những giọt lệ; chảy ngọt ngào qua mắt , rồi sáng loáng trên khuôn mặt toàn một màu đen làm nền của Nhọ. Nhọ đang vẽ tranh? Nhọ muốn lắm. Nhưng Nhọ không đủ khả năng để vẽ lên chân dung và hoàn cảnh đời mình.
Ðời sống đã dạy cho Nhọ những đắng cay mà Nhọ là một hệ quả. Nhọ chấp nhận như chấp nhận trước đó cha Nhọ là một người lính viễn chinh tìm vui trên thân xác mẹ Nhọ, không phải là kết tinh của một cuộc tình thề non hẹn biển. Nhọ là một hạt giống trong lúc người ta bừa bãi làm rơi rớt trên mảnh đất vốn không thuộc về nó. Nói như thế có nghĩa là Nhọ oán trách cha Nhọ? Cũng có phần đúng. Tại sao ông không mang “áo mưa” khi đi “hành quân” để giờ này Nhọ phải ôm lấy gió rét vào mình? Nhọ thường chửi rủa ông mỗi khi Nhọ bị xã hội đẩy vào lề cuộc sống.
Nhọ biết Nhọ phải sống, phải còn hiện hữu với đời. Ít ra, Nhọ cũng không tệ. Nhọ được người ta xem như món hàng, mua bán, trao đổi để qua Mỹ cùng Nhọ theo diện con lai. Nhưng đến Mỹ rồi thì sao? Nhọ cũng bị người ta kỳ thị và bỏ rơi thôi.
Nhọ vật lộn với đời sống mới với vốn liếng Anh ngữ chắp nối vụng về. Nhọ làm bồi bếp và thu mình sau bếp ở một quán cà phê Việt Nam có bán kèm thức ăn nhẹ. Quán có nhạc sống mỗi ba đêm cuối tuần. Thành phố Nhọ sống rất ảm đạm, không có thú vui nào khác ngoài trừ bạn bè dăm ba đứa độc thân tụm đầu nhau vào những tách cà phê hoặc những ly bia cuối tuần, nghe nhạc rầm rì để quên đi một tuần cày bừa nhọc nhằn. Quán đông lắm những khi có mời ca sĩ từ bên California qua. Những lúc ấy Nhọ kiêm thêm phần rửa ly tách, chén bát. Vừa rửa chén, vừa nhẩm hát theo những ca sĩ đang trình diễn bên ngoài. Những bản nhạc mà Nhọ rất thích: “Ðời tôi cô đơn nên yêu ai cũng cô đơn…” được Nhọ thuộc nằm lòng. Cũng có những bản nhạc mới nghe câu đầu, Nhọ đã trào nước mắt như: “Thằng bé âm thầm đi vào ngõ nhỏ, tuổi ấu thơ đã mang nhiều âu lo…”
Nhọ tiếp tục công việc của mình như thế, cho đến một hôm bỗng nhiên Nhọ không còn oán trách cuộc đời. Ngọ nhớ rất rõ đó là vào mùa Giáng Sinh. Ca sĩ được mời bên California đột nhiên hủy show. Quảng cáo đã được đăng báo. Bích chương rầm rộ xuống đường, đứng không biết bao nhiêu cột trụ ở những khu có đông người Việt qua lại. Ðột nhiên giờ phút cuối lại hủy bỏ.
Bà chủ Nhọ điên tiết nói sau khi ném điện thoại xuống cái rầm:
“Ðồ khốn nạn, vé máy bay cũng đã gửi đến rồi. Thế mà cũng bỏ. Tụi ca sĩ thật là bạc bẽo. Khi nằm phơi, ế dài chờ show, thì gọi tới tấp hỏi sao lâu quá không thấy chị gọi em. Mình cũng ráng mời về. Ðến lúc có lễ lạt thì bỏ show của mình chẳng biết xót thương ai. Bệnh chó gì mà bệnh. Mẹ nó. Nó chê show mình nhỏ, đếch thèm về.”
Ban nhạc đứng xớ rớ trên sân khấu, khi không cũng bị bà chủ mắng cho:
“Dợt mẹ gì nữa mà dợt. Ngày mai khán giả họ bới cả tiệm đi. Mẹ kiếp! Không lẽ lại đóng cửa?”
Ðột nhiên, anh Lịch, người nhạc trưởng chuyên chơi Keyboard, nhảy xuống sân khấu đến trước mặt bà chủ:
“Tôi có cách này chị Thu. Thường ngày nghe thằng Nhọ hát cũng hay lắm, hôm nay dợt cho nó vài bài để tối mai nó hát.”
Nhọ trố mắt trước đề nghị táo bạo của anh Lịch. Bà chủ đang giận cũng phì cười:
“Mẹ mày! Không chó bắt mèo ăn kít hả?»
Anh Lịch nghiêm giọng:
“Tôi nói thật. Tôi thử cho chị coi.”
Bà chủ khoát tay:
“Mày muốn ăn trứng gà thối chung với nó không đó. Nhọ gì mà Nhọ. Nhọ nồi thì có. Ca sĩ Nhọ Nồi hả?”
“Cái tên muốn đổi sao lại không được? Nó có giọng hát hay. Nó còn trẻ đẹp hơn cả ca sĩ Quốc Anh nữa. Cho nó cơ hội, tức là cho chị một cơ hội luôn đó.”
Nói xong, anh Lịch kéo tay Nhọ lên sân khấu:
«Này Nhọ, lên đi. Ðừng sợ, làm một ‹bãi› cho bả coi. Tao biết mày hát bài ‘Nó’ hay lắm”.
Nhọ run run bước lên sân khấu. Thật điếc không sợ súng. Nhưng Nhọ cũng thích hát lắm. Nhọ thường ư ử hát một mình mà. Nhạc trổi. Nhọ tằng hắng giọng trước khi thử giọng:
“Thằng bé âm thầm đi vào ngõ nhỏ…”
“Ngưng. Ngưng… lạc giọng mẹ nó rồi…”
Anh Lịch bảo anh em ngưng trống đàn. Tiếng hát của Nhọ còn lại, lạc lõng trên con “ngõ nhỏ”. Bầu không khí yên lặng. Bà chủ đột nhiên phá lên cười:
“Không khéo nó đuổi hết khách của tao.”
Anh Lịch khoát tay:
“Không sao đâu, vừa rồi đánh không trúng tông của nó. Giọng thằng Nhọ còn cao hơn giọng Chế Linh nữa, hát La thứ không được, lên Ðô thứ cho nó. Nào làm lại nghe. Một, hai, ba…”
“Thằng bé âm thầm…”
Nhọ vừa hát vừa liếc mắt xem chừng bà chủ. Nhọ thấy đôi mắt bà sáng lên một chút ngạc nhiên. Nhọ yên tâm hát đến cuối bài. Nhạc dứt, điều Nhọ sung sướng nhất là bà chủ là người vỗ tay đầu tiên:
“Hay. Hay quá, chẳng thua gì Chế Linh đâu.”
Anh Lịch nhảy xuống sân khấu, đứng cạnh bà chủ:
“Sao? Tôi nói có sai không? Tôi là nhà nghề mà, chỉ nghe thoáng qua là tôi biết nó có một giọng hát để làm… ca sĩ.”
Bà chủ đổi giọng:
“Ừ nó hát hay thiệt. Nhưng ngày mai làm sao mà giải thích với khán giả về con quỷ ca sĩ kia hủy sô đây?”
“Chị muốn chơi nó thì ngày mai cứ nói toạc móng heo, con nhỏ đó cho chị leo cây. Cho chị leo cây có nghĩa là cho khán giả của thành phố này leo cây. Mai mốt con nhỏ đó đừng hòng về làm ăn ở thành phố này nữa. Chị cứ trang trọng giới thiệu thằng Nhọ là là ca sĩ mới, được trung tâm nào đó bên Cali khám phá, đang thu hàng loạt videos, hàng loạt albums… sắp phát hành nay mai là được rồi. Chị cứ phóng đại… Tôi biết đó là nghề của chị mà…”
“Ừ nhỉ! Nhưng phải đổi tên cho nó đi. Mày nghĩ ra tên gì không?”
“Gọi là Richie Nguyễn đi, cho nửa Việt nửa Mỹ. Bây giờ người ta chuộng ca sĩ Việt có màu sắc Mỹ lắm. Nhìn kỹ hắn cũng giống ca sĩ Lionel Richie đấy chứ.”
Bà chủ cãi:
“Nó đẹp hơn Lionel Richie.”
Anh Lịch vỗ tay đánh đét:
“Ðó, chị cũng thấy nó đẹp phải không?”
Bà chủ cười:
“Vậy không lo tập tiếp đi?”
Hôm đó, Nhọ được cả ban nhạc tận tình tập tới sáu bài hát để “dằn túi” như lời anh Lịch nói. Cả sáu bản nhạc Nhọ đề nghị tập, Nhọ đã thuộc nhừ như cháo. Cho nên, vấn đề còn lại là vấn đề trình diễn mà thôi. Ðến bây giờ Nhọ mới biết Nhọ là con người của… âm nhạc. Chỉ là tập dợt thôi mà Nhọ đã để được hồn vào trong bản nhạc, tay khoa, chân bước có vẻ nhà nghề lắm rồi. Bà chủ đứng dưới nhìn, thỉnh thoảng góp ý cho Nhọ vài câu. Nào đừng quơ tay như thế, trông giống Quốc Anh lắm, nào đừng luyến láy chữ kia như thế nghe giống Chế Linh lắm v.v. và v.v.
Bà chủ của Nhọ lúc xưa vốn cũng là ca sĩ phòng trà, cho nên cũng biết chút về âm nhạc, về chất giọng cũng như cách trình diễn. Nhọ nghe lời bà một cách ngoan ngoãn như một cậu học trò chăm chỉ. Thỉnh thoảng, Nhọ hát sai note lại bị anh Lịch ngưng đàn chửi vào mặt. Nhọ cũng nhe răng cười, rồi sửa lại. Tuy nhiên, việc tập 6 bài hát để chia ra hai phần trình diễn của Nhọ vào ngày mai cũng được diễn ra suôn sẻ. Nhọ nhớ mãi lời bà chủ dặn. Ðừng bắt chước giọng của ai cả, Mình phải có một chất giọng riêng mới ăn khách được. Mày có nhiều chỗ hát giống Chế Linh lắm đó, lo mà sửa đi. Ðiệu bộ nữa, cứ khoa tay theo kiểu của ca sĩ Quốc Anh là không được. Họ đã có chỗ đứng cho riêng họ rồi. Tao đã bảo mày đừng thèm giống bất cứ một ai. Hiểu không? Ngày xưa nghệ danh của tao là Hoài Thu, lại bắt chước Lệ Thu, bị giọng hát của bả đè tao đến bây giờ cũng ngóc đầu lên không nổi. Ngày xưa, đi hát ở đâu cũng nghe người ta khen tao hát giống Lệ Thu. Lúc ấy, thật sự tao hãnh diện lắm. Không ngờ, càng giống tao lại càng không phải là tao, đành làm ca sĩ cá kèo chỉ được giống… Lệ Thu. Nhọ cười thầm trong bụng. Ðược giống Lệ Thu là may cho bà lắm rồi.
Chiều hôm đó, Nhọ được bà chủ Hoài Thu ân cần chở đi cắt tóc, rồi đi shopping. Vừa ngắm Nhọ thử đồ bà vừa nói:
“Thằng quỷ. Tao đối xử với mày như vậy, khi nổi tiếng đừng có phản tao nghe không? Tao rành cái đám ca sĩ…”
Bà Hoài Thu ngưng nói, nhìn Nhọ trầm trồ:
“Mày mặc bộ đồ này, thêm mái tóc vừa cắt trông bảnh lắm nghen. Mày như lột xác.”
Nhọ nhìn giá tiền, ngần ngừ:
“Mắc quá.”
“Không sao. Coi như tiền cát sê của mày. Phải kiếm thêm một bộ nữa, không lẽ ngày mai mày xuất hiện hai lần chỉ mặc có một bộ đồ?”
Nhọ không có ý kiến, chỉ để bà chủ Hoài Thu lăng xăng tìm đồ cho Nhọ. Nhọ tin ở con mắt bà. Vì, dầu sao bà cũng là… ca sĩ đàn chị mà.
Trời vừa vào tối là khách đã nghẹt cả tiệm. Nhọ đứng sau “hậu trường” nhìn ra sân khấu nhỏ, lòng bỗng hồi hộp vô cùng. Chương trình rồi cũng phải bắt đầu. Tội nghiệp mấy cô ca sĩ «địa phương» ra hát lót mấy bài đầu đã bị khán giả la tới tấp, đòi cho bằng được ca sĩ có tiếng từ Cali về như đã quảng cáo trong bích chương. Cuối cùng bà chủ Hoài Thu phải bước ra sân khấu:
“Kính thưa quý vị. Chúng tôi thành thật xin lỗi cùng quý vị. Vì trời bão tuyết nên ca sĩ chúng tôi mời từ Cali về đã bị kẹt lại ở phi trường Boston.” Tiếng la ó phản đối bắt đầu. Bà chủ Hoài Thu giơ tay ra hiệu. Xin quý vị hãy bình tĩnh. Ðể tạ lỗi, chúng tôi sẽ tặng mỗi bàn một chai rượu mạnh đêm nay. Và, cũng may, chúng tôi có liên lạc được một ca sĩ hiện đang được ái mộ bên Cali. Ca sĩ Richie Nguyễn. Anh đến đây tuần qua, nhân dịp đoàn làm phim đang quay ngoại cảnh của anh hát tại thành phố chúng ta trong cuốn Video mới nhất. Chúng tôi còn được biết ca sĩ Richie Nguyễn đã được một trung tâm uy tín bên Cali ký hợp đồng để sản xuất ra hàng loạt Karaoke, Video, và CD sắp phát hành trong nay mai. Ca sĩ Richie Nguyễn hiện đang cộng tác với vũ trường Ritz của nhạc sĩ Ngọc Chánh ở quận Cam và vũ trường Majestic của ca sĩ Phi Khanh. Ca sĩ Richie hiện rất bận rộn, anh có mặt với chúng ta hôm nay thật là một vinh dự cho chúng tôi. Xin quý vị một tràng pháo tay để chào mừng nam ca sĩ Richie Nguyễn.”
Mấy anh trong ban nhạc nhìn nhau cười ý nhị. Phục bà chủ Hoài Thu sát đất, nghĩ ra một câu chuyện như thật. Một tràng pháo tay được nổ ra. Ðâu đó lẻ loi vài tiếng:
“Richie là ai vậy ta?”
“Chả biết.”
Nhạc dồn dập. Nhọ bước ra. Bà chủ đã khéo léo trang điểm cho Nhọ, khiến Nhọ khi không như một kẻ chăn cừu, biến thành hoàng tử tỏa sáng dưới ánh đèn sân khấu.
Nhọ cười điệu đàng. Hàm răng Nhọ trắng đều dưới ánh đèn màu. Tiếng vỗ tay một lần nữa vang lên. Nhọ xúc động thật sự. Cầm micro, nói theo bài bản:
“Kính thưa quý bà con đồng hương. Thật hân hạnh cho Richie đã được tao ngộ lần đầu tiên với quý dzị ở đây. Hy vọng quý dzị dành cho Richie những thương mến, như quý dzị đã dành cho các anh chị nghệ sĩ khác từ Cali qua. Cảm ơn quý dzị.”
Một tràng pháo tay lại nổi lên. Công nhận khán giả thành phố này thật dễ dãi. Nhọ liếc nhìn bà chủ, thấy bà đang cười trấn an mình. Nhọ tiếp:
“Ðể tiếp tục chương trình, Richie xin cống hiến đến quý dzị bài hát ‘Nó’ của nhạc sĩ Anh Bằng.”
Nhạc dạo. Khuôn mặt Nhọ tự nhiên đổi sang buồn. Nỗi buồn rất… mùi:
“Thằng bé âm thầm đi vào ngõ nhỏ…”
Cặp mắt Nhọ long lanh. Nhọ nhủ lòng điệu thêm một chút, cho nước mắt chảy ra là… ăn tiền. Nhọ nhắm mắt, để cho tâm sự của mình luồn lách trong mỗi lời hát. Bà chủ Hoài Thu nhìn Nhọ đăm đăm. Thằng nhỏ thiệt có tài. Bà nhìn quanh khán giả, bà thấy có những người len lén chùi nước mắt. Ðêm Giáng Sinh tha hương lạnh lẽo, ngồi cùng nhau nghe nhạc quê hương thật là thiên thời địa lợi cho Nhọ. Bà cũng suýt khóc. Khóc vì Nhọ là vị cứu tinh của bà. Bà Hoài Thu làm bộ rủa thầm. Mẹ, hát lần đầu tiên mà lấy được nước mắt của khán giả, chỉ có thằng Nhọ mới làm nổi. Nhọ hát say sưa. Những ngày thơ ấu như cuốn phim quay chậm trong đầu Nhọ. Những sáng nắng chiều mưa, những con đường khói bụi mịt mù. Những đống rác trong thành phố ruồi nhặng bu đầy. Nhưng nghĩ đến bữa cơm chiều là Nhọ đã không ngần ngại lao vào, cào xới. Nhọ nghẹn ngào hát, thổn thức ‘tâm sự’ cùng khán giả cho đến cuối bài. Nhọ mếu máo lặp lui lặp lại tới ba lần câu hát: “Mẹ ơi! Con yêu mong chờ. Bao giờ cho đến bao giờ.” để kết thúc bài hát.
Nhọ cúi thấp mình chào khán giả. Âm thanh tràn tuôn tiếng vỗ tay sau vài giây im lặng. Nhọ đứng lặng người. Cùng lúc đó, tiếng khán giả kêu Bis, Bis kéo dài.
Cùng cảm xúc như thế, Nhọ hát thêm hai bài nữa. Nhọ say sưa hát. Hát như ma nhập. Hát tuôn tất cả những đớn đau mà đời sống dành cho Nhọ ra ngoài. Khán giả phía dưới trầm ngâm lắng nghe. Bên ngoài tuyết rơi nặng hạt hơn. Âm thanh trong quán dường như cô đọng lại, kéo những trái tim xa xứ chợt gần lại với nhau. Bà chủ Hoài Thu cũng nghe nhói tim. Cái thằng này hát mùi thiệt. Hôm nay toàn là khách thích nghe nhạc nó hát nữa chứ. Từ bao nhiêu năm mở quán đến nay, bà Hoài Thu chưa bao giờ thấy hiện tượng như Nhọ. Thằng này không nổi cũng uổng. Trong đầu bà, nhen nhúm ý định mang Nhọ qua Cali để lăng xê Nhọ lên. Bà đã từng thấy Dalena, người Mỹ hát nhạc Việt rất thành công, rồi nào Thanh Hà, Lynn người Úc, kể cả Phi Nhung “chuyên trị” nhạc quê hương nữa. Tất cả đều thành công. Tại sao không là Nhọ? Phải. Dáng dấp nó rất nghệ sĩ. Chỉ tội cái đen, Nhưng rất có duyên, lại ăn đèn. Bằng chứng là khán giả phía dưới đang say mê nó như điếu đổ. Nhọ còn trẻ, nó mà nổi tiếng thì bà còn nhờ nó dài dài. Ðầu tư vào Nhọ bà nghĩ là lời chắc.
Kết thúc phần đầu, Nhọ trân trọng gập mình chào, rồi lui vào hậu trường sau khi hứa hẹn sẽ trở lại phần hai. Bà chủ Hoài Thu chạy vội ra sau tìm Nhọ. Bà đích thân khui một chai bia mang tới cho Nhọ:
“Uống một miếng cho thấm giọng đi mày. Mày hát hay lắm nghen mày.”
Nhọ cười tươi:
“Chị cho em xin điếu thuốc, run quá.”
Bà chủ Hoài Thu lẹ làng mồi thuốc xong cắm lên môi Nhọ:
“Mày mà run mẹ gì. Hồi nãy diễn hay quá mà.”
Nhọ thú thật:
“Hồi nãy không run, bây giờ xuống đây mới run.”
Bà chủ Hoài Thu vỗ vai Nhọ thân mật. Nhọ phà khói thuốc:
“Mà hỏi thiệt chị nghe. Hồi nãy tui hát hay không?”
Bà chủ Hoài Thu đánh vào vai Nhọ, cười thân thiện:
“Mày còn làm bộ. Mày không thấy khán giả crazy vì mày sao? Thôi uống lẹ vào còn thay bộ đồ khác nữa.”
Nhọ quay người đi. Bà chủ Hoài Thu kêu giật lại:
“À! tối nay sau khi đóng cửa tao có một vài chuyện muốn thương lượng với mày.”
Nhọ gật đầu không đáp, đi nhanh vào phòng thay quần áo.
Khách đã về hết. Ban nhạc cũng lần lượt ra về. Bàn ghế ngổn ngang. Quán nửa đêm về sáng trông tàn tạ. Nhọ thầm ví bà chủ Hoài Thu giống như… quán vắng lúc này. Bà mệt mỏi kéo ghế ngồi xuống. Bà Hoài Thu nhả khói thuốc, ra dấu cho Nhọ mang bia đến cùng uống. Xong ngụm bia đầu tiên, bà vào đề:
“Tao muốn mày ký hợp đồng với tao”
Nhọ ngơ ngác:
“Hợp đồng là gì?”
“Là ký… giao kèo…”
Nhọ cướp lời:
“Tại sao?”
“Mày có muốn nổi tiếng không?”
Nhọ sáng mắt:
“Dĩ nhiên là muốn. Nhưng làm sao?”
“Tao có quen một vài trung tâm bên Cali, tao sẽ mang mày qua đó để lăng xê mày lên…»
Nhọ nghi ngại:
“Dễ vậy sao?”
“Mày có điều kiện. Mày trẻ đẹp, lại hát hay, tao nghĩ mày sẽ thành công.”
Nhọ giãy nảy:
“Tui đen thùi lùi mà đẹp gì?
“Hoa hậu nước Mỹ có năm cũng là Mỹ đen đó. Michael Jackson cũng đen đó, mà là vua nhạc Pop thì sao? Tao sẽ biến mày thành vua nhạc… mùi. Yên chí đi, mày được đó.”
Nhọ vừa uống bia vừa suy nghĩ. Bà chủ Hoài Thu mở ra cho Nhọ một viễn ảnh thật tốt đẹp. Bà chủ Hoài Thu đột nhiên đứng lên:
“Tao cho mày một đêm để suy nghĩ. Bây giờ khuya rồi, tao đưa mày về. Giáng sinh vui vẻ”.
Nhọ đáp lại «Giáng sinh vui vẻ» mà lòng nghĩ mãi đâu đâu. Nhọ theo bà chủ ra xe. Bà rồ máy xe một hồi mới cho xe chạy. Tuyết làm trắng không gian chung quanh. Nhọ ngồi co ro trong lòng ghế. Bà chủ Hoài Thu bỗng đưa tay đặt lên đùi Nhọ, trầm giọng:
“Khuya quá rồi, lại uống bia, lái xe nguy hiểm lắm. Nhà tôi gần đây. Tôi đưa Nhọ về ngủ tạm một đêm nhé.”
Nhọ ngồi yên, không nói, cảm giác nóng ran từ từ truyền nhanh trong đùi Nhọ. Về đến nhà bà chủ Hoài Thu. Nhọ líu ríu ngồi trên ghế sô pha. Bà chủ cởi áo choàng ra, cất giọng tự nhiên:
“Chắc đói lắm rồi phải không, mình ăn chút gì chúc mừng Giáng Sinh luôn nhé.”
Không đợi Nhọ trả lời, bà Hoài Thu nhanh chân vào bếp. Nhọ không biết phải làm gì. Cảm giác phạm tội không dưng chạy qua đầu Nhọ. Bà chủ Hoài Thu góa chồng. Còn Nhọ là trai độc thân. Sợ gì? Ý nghĩ đó khiến Nhọ yên tâm phần nào. Một lúc sau bà chủ Hoài Thu đổi giọng gọi Nhọ một cách âu yếm. Bà đến kéo Nhọ vào bàn ăn. Trên bàn là ham và cheese được cắt lát cùng khoai tây nghiền, bắp hạt trộn bơ, bánh mì nướng, và chai rượu mạnh. Bà chủ Hoài Thu kéo ghế ngồi xuống:
“Không chuẩn bị gì cả, có gì ăn đó nghe.»
Nhọ riu ríu ngồi xuống. Bà Hoài Thu lấy ham và khoai tây nghiền cho Nhọ. Xong bà rót rượu vào hai ly. Cheer. Bà nâng rượu lên. Merry Christmas. Nhọ làm và nói theo một cách máy móc.
Xong bữa, bà Hoài Thu đứng dậy đến sau lưng Nhọ. Bà tì người, úp mặt vào chiếc cổ khỏe mạnh của Nhọ. Hai bàn tay bà lần mò trên vồng ngực vạm vỡ của Nhọ. Nhọ né tránh bằng cách cầm ly rượu, đứng lên. Bà chủ Hoài Thu kiên nhẫn cầm tay Nhọ kéo về phía phòng ngủ. Bà đẩy Nhọ xuống giường. Ly rượu mạnh nơi tay Nhọ rơi xuống thảm, tung tóe một góc. Bà chủ Hoài Thu ngồi lên người Nhọ, ngắm Nhọ như thôi miên. Sau đó bà nằm ấp lên mình Nhọ, bà thở vào tai Nhọ lời nói nửa mời mọc, nửa đe dọa:
“Muốn được lên sân khấu thì phải lên giường trước. Muốn nổi tiếng thì đêm nay phải tập hát bài ‘Ðừng Tha Em Ðêm Nay’ (*). Richie ạ.”
VP
(*) Đừng Xa Em Đêm Nay của Đức Huy
-----
Hồng Anh st