CHIẾC DƯƠNG CẦM CŨ
CHIẾC DƯƠNG CẦM CŨ
Truyện Ngắn: Bùi Thanh Xuân
-Tác giả lần đầu cộng tác cùng Hợp Lưu. Bùi Thanh Xuân sinh năm 1956, hiện sống tại Đà Nẵng .
Chúng tôi hân hạnh gởi đến quý độc giả và văn hữu truyện ngắn mới nhất của ông :“Chiếc Dương Cầm Cũ”.
Tạp Chí Hợp Lưu
Tôi thường hay đọc những câu chuyện của nhiều tác giả lạ quen trên các trang web văn học hoặc trên trang mạng xã hội Face Book, có những câu chuyện rất hay của nhiều người viết văn không chuyên với lối kể chuyện thật thà, đơn giản nhưng sâu sắc.
Một người phụ nữ đã lớn tuổi thường hay nói về nỗi buồn đời mình. Hình như người ấy độc thoại, viết cho mình chứ không phải cho một ai khác, tôi nhận ra điều này bởi vì không thấy người ấy trả lời hay “like” hay hỏi ai đó trong những bình luận. Trong bất cứ bài viết nào cũng vậy, một người phụ nữ lạ lùng, bí ẩn có “nickname” nguyetnga
Một hôm, tôi đọc được đoạn văn, chợt giật mình nhận ra có điều gì đó gần gũi quá, và dường như nhận ra mình trong đó
“ Khi tôi mở mắt ra, nhìn khuôn mặt bối rối của anh ấy, định bật cười, chế giễu, con trai chi mà nhát quá ! nhưng cũng kịp nén lại. Bởi trong cái giây phút thần tiên ấy, tôi nằm gối đầu lên cánh tay anh trên bãi cát mịn đêm trăng, cảm nhận hơi ấm từ đôi môi anh, khuôn mặt anh đẹp như thiên thần nhỏ, tôi muốn bật dậy, choàng cổ anh, đắm đuối trong nụ hôn cùng anh.
Nhưng tôi cũng như anh, rụt rè, nhút nhát, đôi môi ấy chỉ phơn phớt trên má đầy bụi bặm của tôi rồi dừng lại.
Trong đêm thánh thiện, ánh trăng huyễn hoặc rắc ánh vàng mờ nhạt lên những sợi tóc phất phơ trên đầu anh,vắt ngang khuôn mặt rạng ngời trẻ con của anh, nó trôi dần, trôi dần.. trôi mãi miết ba, bốn mươi năm sau.
Ôi, khoảnh khắc lung linh, huyền ảo ấy cứ ở mãi trong tim tôi bao nhiêu năm nay...”
Tôi nhận ra Nga, người em gái cũ
Tôi gặp lại em trên đường phố Saigon vào đầu tháng năm,năm bảy mươi lăm.
Nga hớt hải băng qua đường, gọi tên tôi giật ngược giữa dòngxe cộ ồn ào, em lạc mất gia đình khi chuẩn bị trở về sau biến cố tháng tư, đang lần tìm đến bến xe. Nga hỏi tôi có trở về không, rồi nhìn khuôn mặt bơ phờ, áo quần nhếch nhác, chắc cũng hiểu tôi chẳng còn đồng nào. Nga nói hay là anh đi cùng em, anh hết tiền rồi phải không ?
Chẳng cần phải giữ sĩ diện vào lúc túng quẫn, tôi gật đầu đồng ý.
Tôi và Nga là anh em hàng xóm, láng giềng cũ.
Ba mẹ Nga là chủ cây xăng, khá giàu có, sung túc, còn tôi chỉ là con nhà lao động bình thường. Hai gia đình gần nhau, Nga ở ngoài đường chính còn nhà tôi phải đi vào con hẻm vòng vèo nhưng sát vách phía sau.
Tôi hơn em ba tuổi và đang là sinh viên khoa học năm hai ở Saigon, phải sống xa gia đình. Lúc còn học cấp ba, tôi thường hay qua nhà dạy kèm cho em, cũng chỉ là tình anh em trong giới hạn quan hệ nam nữ, nhưng thực ra cả tôi với em đều hiểu chẳng có thể một tình bạn hay anh em giữa người nam và nữ để có thể thật gần gũi nhau
Chúng tôi tự dấu kín tình cảm của mình, trong hai năm học ở Saigon, những lá thứ đi, về cũng chỉ trong giới hạn vừa đủ để khỏi quên nhau.
Một người thứ ba nữa, Thanh là con trai của một công chức, hắn với tôi cũng bạn bè đồng môn. Nhà hắn sát vách nhà Nga, lên đại học, hắn theo y khoa Huế.
Hằng đêm tôi thường nghe tiếng dương cầm vang lên trên tầng hai nhà em. Nga nói với tôi rằng em muốn sau này trở thành một nghệ sỹ dương cầm. Mơ ước của em tan theo mây khói khi đất nước hòa bình, chỉ vài tháng nữa là thi tú tài.
Gia đình em bị xếp vào diện tư sán, bị kiểm kê, tịch thu tài sản và ngôi nhà rộng lớn phía trước, chỉ còn lại phần hẹp phía sau để rồi cả nhà tan tác, phiêu bạt khắp nơi.
Nga không theo gia đình mình, ở lại thành phố sống với vợ chồng anh trai, em lăn lóc lề đường buôn bán kiếm sống. Tôi và Thanh chuyên nghiệp hơn, trở thành tài xế xe ôm bất đắc dĩ.
Những ước mơ tan vỡ, tôi mau chóng thích nghi với cuộc sống mới, vất vả nhất là Nga, còn Thanh dù muốn hay không cũng phải cố làm kiếm miếng ăn chứ chẳng còn trông mong sự giúp đỡ của mẹ cha. Cơm áo gạo tiền,khốn khó quá khiến tôi và Nga ít gặp nhau hơn. Nhưng tôi với Thanh chiều nào cũng ngồi với nhau làm ly rượu gạo, ít cố cổi cho vơi buồn phiền.
Thỉnh thoảng tôi đến thăm Nga, em vẫn còn giữ chiếc dương cầm cũ, những ngón tay em lại lướt trên bàn phím, thường trước khi ra về, em vừa đàn vừa hát bài Hương Xưa cho tôi nghe.
Một chiều tôi với Thanh lững thững đạp xe chậm rãi trên con đường quen thuộc hằng ngày đi qua. Hắn dừng xe lại khi ngang ngôi trường cũ nhìn vào, cây phượng hoa đã tàn từ lúc nào, hắn tiếc nuối “Tau vẫn đứng chổ ni bất kể mưa hay nắng, ngày mô cũng rứa, mỗi ngày một lần”. Tôi hỏi để làm chi, hắn thở dài nói chẳng để làm chi.
" Xe thồ ! "
Cô gái đứng bên kia đường vẫy tay gọi, hắn nhanh hơn tôi, phóng xe vụt đi. Cô gái nói gì với hắn không rõ, hắn gọi tôi.
" Nguyên ơi ! mi chạy đi "
Tôi lắc đầu, hắn chỉ cho cô gái về hướng tôi đang đứng, cô gái bước qua đường.
" Anh cho tôi về Thanh Thủy nhé "
" Sao cậu ấy không chở cô? "
" Tôi không hiểu, anh ấy bảo rằng từ sáng tới chừ anh chưa có cuốc nào nên nhường "
" Ồ, thằng ác quỷ cao thượng, thôi được, tôi chở cô đi "
Hắn không hề cao thượng, hắn đợi một người khách khác.
Thanh đợi Nga tan buổi chợ trở về.
Chiến tranh biên giới bùng nổ, tôi tham gia quân tình nguyện Việt Nam, chiến đấu giải phóng Campuchia. Chiến trường khốc liệt, tôi trở thành người lính trinh sát, cứng cỏi, gan dạ. Để trả giá cho lòng gan dạ của mình, tôi nằm viện sáu tháng với đủ loại vết thương trong người.
Nhưng vết thương đau đớn nhất khi ngày trở về sau bốn năm chiến đấu là tôi mất Nga.
Thanh và em lấy nhau hai năm trước, sinh được một cô con gái.
Lỗi chẳng phải tại Nga hay Thanh, chính tôi đã bỏ Nga mà đi kia mà. Sau một tuần trở về, tôi đến thăm vợ chồng em trong ngôi nhà tồi tàn ba mẹ Thanh để lại. Hôm đó Thanh đi vắng từ vài ngày trước, Nga vui mừng mời tôi vào nhà, pha cốc nước đặt trên bàn rồi em lẳng lặng đến bên chiếc dương cầm.
Những ngón tay Nga lướt trên bàn phím, bài Hương Xưa của Cung Tiến tôi rất thích được em đàn cho nghe. Hết bản nhạc, Nga đứng dậy, trong đôi mắt em long lanh giọt nước mắt. Tôi không nỡ để sự ăn năn hành hạ em, vội vã ra về.
Hai tháng sau tôi trúng tuyển vào đại học bách khoa Saigon, quyết tâm làm lại cuộc đời mình.
Chúng tôi không còn gặp lại nhau nữa, cho đến tận mùa thu năm hai ngàn mười tám, ba mươi lăm năm sau.
Ra trường, tôi làm việc rồi lấy vợ cùng quê, cũng là bạn học với Nga, sống ở Saigon, một hai năm mới về thăm quê nhưng chưa lần nào gặp lại vợ chồng Nga. Tôi có cuộc sống riêng cùng với gia đình mình, Nga và Thanh có cuộc sống riêng của họ, gặp lại cũng chẳng để làm gì mặc dù trong trái tim tôi luôn có em.
Vợ chồng tôi không còn phải làm việc vất vả nữa, cùng về hưu khi con cái đã lớn, trưởng thành, lập gia đình và có sự nghiệp riêng, chúng tôi quyết định về lại nơi mình sinh ra, lớn lên để sống.
Thỉnh thoảng tôi cùng vợ lang thang trên những con đường cũ, những biệt thự xưa dần biến mất, những sân vườn thu hẹp lại, giàn hoa ti gôn cũng không còn nhìn thấy trên những con đường rộng thênh thang. Trước những ngôi nhà có tường rào bao quanh, tôi nhận ra màu hồng thay thế hoa ti gôn, hoa hồng leo.
Cuộc sống vốn bất thường, nhưng sự thay đổi lớn lao có khi khiến mình hụt hẫng.
Và trong một lần hụt hẫng đó, tôi gặp Thanh đang thẫn thờ trước tòa cao ốc, nơi trước đây là ngôi biệt thự được xây dựng từ thời Pháp thuộc. Không biết Thanh kiếm tìm thứ gì ở đó, trông thấy hắn như người mất hồn.
Gần bốn mươi năm không gặp lại nhưng với tôi, khuôn mặt Thanh không thay đổi lắm, chỉ có vài nếp nhăn nhưng trông hắn điệu đàng, sạch sẽ hơn nhiều.
Tôi đến bên cạnh gọi khẽ, Thanh quay lại sững sờ nhìn tôi.
Thanh lôi tôi vào quán cà phê, chuyện trò với nhau hơn ba tiếng đồng hồ. Tôi hỏi bây giờ vợ chồng con cái thế nào rồi, sống ở đâu. Thanh ậm ừ cho qua chuyện, không dưng tôi lại nỗi cáu với hắn, muốn biết về cuộc sống của Nga, hắn thản nhiên buông mấy tiếng lạnh lùng “Ly dị ba mươi năm rồi, tau sống ở Mỹ”.
Tôi đứng bật dậy, cố kìm chế tiếng chửi thề, hất chiếc ghế qua bên bước vội ra khỏi quán.
Về lại ngôi nhà cũ của ba mẹ mình, tôi thẫn thờ nhìn qua ngôi nhà phía trước. Không còn nghe tiếng dương cầm du dương năm nào, không còn khung cửa sổ thỉnh thoảng trông thấy bàn tay Nga chạm vào khung ngoại, nhìn xuống bên dưới mĩm cười, lòng tôi đau nhói.
Đôi lúc vợ tôi có nhắc đến Nga, muốn cùng tôi đến thăm nhà cô ấy, dù sao cũng là bạn cũ. Một tối chuyện trò với vợ, tôi hỏi em đã qua thăm Nga chưa, hôm nay anh gặp Thanh, em trả lời rằng đã đến thăm mấy hôm trước, Nga bây giờ đỡ khổ hơn vì con cái phụng dưỡng ít nhiều nhưng lúc nào cũng buồn.
Hai hôm sau tôi quyết định một mình đến thăm Nga, món quà mang theo không phải là chiếc dường cầm to lớn. Tôi tặng Nga hộp quà có chiếc đàn organ Yamaha. Tất nhiên, món quà và chuyến thăm tôi không nói cho vợ biết.
Nga nhận món quà, cám ơn rồi đến bên chiếc dương cầm cũ.
Những ngón tay không còn mềm mại như xưa nhưng cũng đủ thôi miên tôi quay về những năm tháng hai đứa gần bên nhau:
“ Người ơi, chiều nào có nắng vàng
hiền hòa sưởi ấm nơi nơi
Người ơi, chiều nào có thu về
cho tôi nhặt lá thu rơi
Tình có ghi lên đôi môi
Sầu có phai nhòa cuộc đời
Người vẫn thương yêu loài người
và yên vui sốngcuộc sống vui. “
Khi tiếng đàn kết thúc, Nga đứng dậy, bước ra nhìn tôi hồi lâu, hai mắt đỏ hoe, những giọt nước mắt chảy dài xuống má. “Anh vẫn còn thích bài Hương Xưa chứ” Tôi cầm bàn tay sần sùi của Nga, đặt lên đó một nụ hôn, và chắc chắn cũng là lần cuối cùng. “ Ừ, anh vẫn còn thích. Cám ơn em còn nhớ là anh rất thích”.
Tôi giúp Nga hạ nắp dương cầm, trước khi từ biệt, tôi nói với em rằng mình đã đọc tất cả những câu chuyện trên FB của em, xin lỗi em.
“Ba mươi lăm năm qua, ánh trăng đêm và những nụ hôn anh dành cho tôi vẫn vĩnh cửu, êm đềm.Tôi vẫn nhớ tiếng sóng vỗ vào bờ cát đêm khuya, khi anh tựa vào vai tôi ngủ vùi. Tôi đã khóc vì quá hạnh phúc và hy vọng. Chính cái hạnh phúc mong manh và niềm hy vọng ấy đã giết chết tâm hồn tôi.
Tôi mở mắt ra, nhìn khuôn mặt bối rối của anh lúc ấy, định bật cười chế giễu, con trai chi mà nhát quá! Nhưng cũng kịp nén lại. Bởi trong cái giây phút thần tiên ấy, tôi nằm gối đầu lên chân anh, cảm nhận hơi ấm từ đôi môi anh.
Từ từ mở mắt nhìn, khuôn mặt anh đẹp như một thiên thần nhỏ. Tôi muốn ngồi dậy để ôm cổ anh và đắm đuối trong nụ hôn cùng anh. Nhưng tôi cũng như anh, rụt rè, nhút nhát.
Và hơn hết, trong đêm thánh thiện trên bãi biển ấy, ánh trăng đêm huyền thoại, huyển hoặc rắc ánh vàng mờ nhạt lên những sợi tóc bay phất phơ trên đầu anh. Nó thần tiên quá. Ánh trăng vắt ngang khuôn mặt rạng ngời trẻ con của anh, nó trôi dần, trôi dần.
Ôi! một thời khắc lung linh huyền ảo ấy cứ ở mãi trong tim tôi bao nhiêu năm nay.
…
Cuộc đời không phẳng lặng, sóng gió thổi bạt tôi đi muôn hướng, chống chọi mãi rồi cuối cùng cũng đành buông xuôi cho số phận.
Mặc kệ! Muốn cuốn tôi đi về đâu cũng được.
…
Tại sao tôi cứ mãi trốn chạy thế này? Tại sao tôi lại độc ác, nhẫn tâm với chính tôi như vậy chứ? Tại sao tôi mãi hận thù để tự hủy hoại tâm hồn và thể xác tôi như thế?
Điều khiến tôi thỏa mãn là sự khao khát trả thù và tôi đã trả thù được rồi. Tôi hả dạ lắm! Bây giờ không còn phải oán hận ai nữa, nhưng cái giá tôi phải trả cho sự hận thù ấy lớn quá, phải đánh đổi cả cuộc đời mình .”
Hình như tôi vừa đi qua một cơn mê. Trong cơn mê sảng của ray rứt, giày vò mình, tôi nhận ra sự vô tâm hay cái tính nhút nhát của thằng con trai hơn bốn mươi năm trước. Có phải những dòng tâm sự trên là của Nga không ? Có phải ánh trăng trên bãi biển là của tôi và Nga trong chuyến trở về sau biến cố bảy lăm không? Cái đêm trăng ấy thật lạ lùng. Bốn mươi ba năm, tôi còn nhớ, còn giữ được gì ?
“Trăng đang lên!
Trăng rơi đầy khắp bãi biển, trải dài ngút mắt trên cát vàng. Trăng choàng trên những ngọn sóng xô dạt vào bờ. Trên mặt biển ánh trăng dập dềnh. Nhiều trăng quá! Biển đêm Nha trang đẹp lạ lùng.
Tôi nhiều lần ngồi trước biển, nghe sóng vỗ vào bờ trong những đêm trăng nhưng chưa bao giờ cảm nhận được cái đẹp của biển dưới ánh trăng như ở đây. Những hòn đảo ngoài xa nhàn nhạt dưới trăng.
Mặt biển mênh mông chập chùng được trăng rải sắc vàng giống như một tấm thảm khổng lồ nhấp nhô gợn sóng. Như mơ, như thực. Tôi và Nga đều bị mê hoặc bởi cảnh vật ở đây, tựa vai nhau trên bãi cát.
Nhiều người cũng xuống đây ngắm trăng. Họ nhẹ nhàng bước đi trong im lặng như sợ trăng vỡ, sóng tan. Người đông lắm! Có lẽ họ cũng như chúng tôi, mệt mỏi sau cuộc chiến.
Chúng tôi im lặng như vậy không biết trong bao lâu. Gió mùa hè từ xa khơi thổi về lành lạnh giữa đêm khuya. Tôi tìm bàn tay Nga giấu vào trong hai tay mình. Hơi ấm của hai chúng tôi truyền cho nhau, ôm Nga vào người, đầu em trên vai tôi. Không còn thơm mùi bồ kết, tóc Nga vẫn còn mùi khen khét của khói và gió bụi đêm qua, tôi vẫn thích thú được hôn lên mái tóc ấy.
Ánh trăng soi rõ khuôn mặt mệt mỏi, u buồn của Nga. Sự im lặng huyễn hoặc thôi miên cả hai đứa, trôi dần rồi đắm chìm trong hạnh phúc ngọt ngào, em ngước mắt nhìn tôi:
-Rồi một mai Nga đi lấy chồng, còn Nguyên có một gia đình khác. Chúng ta gặp lại nhau. Nói sao nhỉ?
Tôi nhẹ nhàng:
-Có lẽ chúng ta sẽ quên hết, phải không?
-Nga không biết, có lẽ quên hết thôi.
Trăng trôi dần về hướng tây, chúng tôi mệt mỏi nằm xoài người ra trền nền cát ấm, thật gần. Tôi nghe mùi da thịt con gái, cảm nhận hơi ấm. Hai tay đặt dưới đầu, Nga nhìn lên trời đêm, thao thức, còn tôi nằm nghiêng, nhìn cô không chớp mắt, xoa nhẹ vành môi của em. Nga không phản đối hay trách móc.
Tôi muốn ôm gọn Nga vào lòng quá, nhìn em mềm mại trên bãi cát như con mèo nằm trên ghế salon.dịu dàng, xinh đẹp lắm. Có phải tạiánh trăng phủ đầy tấm thân nhỏ nhắn của em chăng? Tôi đã nhìn thấy Nga long lanh ở đó, trong đêm huyễn hoặc nhiều trăng đó…”
Tuổi già lẩm cẩm lúc nhớ, lúc quên. Cái cần quên thì lại nhớ, điều cần nhớ để giữ cho mình thì lại hay quên, sự nghễnh ngãng có khi là tai họa
Nhà chỉ có hai vợ chồng già, tôi lại hay thức khuya, có khi ngủ gục bên cạnh máy tính chưa kịp tắt.
Vợ tôi muốn trở vào Sai gòn sống cùng con cháu, nhỡ ốm đau còn có con cháu mà gọi.Tôi không hiểu vợ tôi muốn sống gần con cháu hay chỉ là muốn cùng tôi chạy trốn quá khứ của tôi.
Phụ nữ thật kỳ diệu, có những thứ giác quan mà đàn ông không bao giờ hiểu được.
Bùi Thanh Xuân
Tháng 7/2019
(Hình minh họa-Internet)
Kim Kỳ sưu tầm