Hủ tíu gõ nét đẹp bình dị của ẩm thực Sài Gòn
Hủ tíu gõ
Hủ tíu gõ là tên gọi của một loại hình bán hủ tíu, theo đó người bán không bán cố định ở một chỗ mà dùng các phương tiện di chuyển như xe đạp, xe máy... để len lỏi vào các ngỏ hẻm, từng căn hộ để tìm thực khách. Thường thì những người bán hay có một dụng cụ để gõ vào và phát ra tiếng đặc trưng, dễ nhận biết. Âm thanh vang lên từ hai thanh gỗ hoặc kim loại đập vào nhau.
Thường thì những đứa trẻ được đưa đi gõ, rồi kiêm luôn cả việc chạy bàn, bưng bê. Tiếng gõ hủ tíu rất riêng. Thực khách khi có nhu cầu thì người bán sẽ quay về vị trí đặt xe đẩy hủ tíu để làm một tô hủ tíu và đem đến tận nhà thực khách.
Hủ tíu gõ là món ăn bình dân đã tồn tại, gắn liền với người dân đô thị, dần trở thành một phần của ẩm thực của những thành phố và nó cũng là loại ẩm thực bình dân và đại trà nhất đại diện cho ẩm thực vỉa hè trong đêm, đặc biệt là tại Sài Gòn.
Hủ tíu gõ thường được dân Sài Gòn trước 1975 thường hay gọi kèm theo chữ “xực tắc”, là món ăn hết sức bình dân chỉ bán về đêm. Chỉ đơn giản là một chiếc xe đẩy được trang bị lò bếp, một thùng nước lèo luôn bốc khói nóng hôi hổi. Trong xe có ngăn để tô, muỗng đũa, rau hành, gia vị… Thông thường sẽ có một người đẩy xe và một cậu bé đi theo cầm hai thanh tre đã lên nước đen bóng gõ vào nhau tạo ra những âm thanh liên tục như “xực tắc! xực tắc!”.
Bẵng đi một thời gian, hủ tiếu gõ “xực tắc” lại nở rộ ở Sài Gòn. Cho đến nay, chẳng ai biết vì sao đại đa số người bán món này có gốc gác Quảng Ngãi. Thắc mắc này đã được một số đồng nghiệp về đến tận nơi để tìm lời giải, song nó vẫn chưa làm những người quan tâm đến món ăn này thỏa mãn.
Riêng tôi, trong những ngày lang thang tìm hiểu, nghe nhiều giai thoại cho rằng món ăn này chỉ mới xuất hiện trở lại vào giai đoạn “hậu bao cấp” – khi mà chính sách “ngăn sông cấm chợ” bị bãi bỏ. Sau thời kì đó, Sài Gòn bắt đầu phát triển, dân từ khắp nơi đổ về “miền đất hứa” để mưu sinh. Trong dòng người ấy, có rất nhiều người con của mảnh đất Quảng Ngãi cằn khô, nghèo khó.
Một câu hỏi nữa được đặt ra là tại sao không phải là món khác mà lại là hủ tíu? Lý do có vẻ dễ chấp nhận nhất là trước hủ tíu gõ, Sài Gòn đã tồn tại rất nhiều loại hủ tíu vào hàng đặc sản như hủ tíu Mỹ Tho, hủ tíu Tàu, hủ tíu Nam Vang…, điều này đồng nghĩa với việc bánh hủ tíu có nhiều ở các chợ, dễ mua.
Hơn nữa, bánh hủ tíu được người làm ra phơi khô rất kĩ, dễ bảo quản và bảo quản được lâu… phù hợp với tinh thần tiết kiệm của người Quảng Ngãi. Điểm thú vị nữa là hủ tíu gõ chỉ xuất hiện ở Sài Gòn và một số tỉnh thành lân cận. Khu vực miền Trung, thậm chí là Quảng Ngãi – nơi được tạm gọi là “quê hương” của nó tuyệt nhiên rất hiếm, có thể là không có.