Hành Trình Xuyên Việt Trip # 20

Hành Trình Xuyên Việt Trip # 20

** Nam Mai **

Ban Mê Thuột - Buôn Đôn - Thác DrayNur - Chùa Khải Đoan - Nhà Thờ Thánh Tâm - Saigon: Thứ hai ngày 23 tháng 1 và Thứ ba ngày 24 tháng 1 năm 2017.

Chúng tôi vào đến trung tâm thành phố Ban Mê Thuột vào khoảng 4:30 chiều của ngày chủ nhật (22 tháng 1) và check in vào khách sạn Dakruco tại số 30 đường Nguyễn Chí Thanh. Cả ngày chủ nhật đi từ Pleiku đến Ban Mê Thuột giửa trời nắng chang chang với không khí khô khốc oi bức của miền Tây Nguyên nên khi vào đến nơi thì mọi người đều mệt nhoài, bỏ hành lý vào khách sạn, vội vàng đi ăn tối cho nhanh rồi còn về nghỉ để lấy sức nên không ai mấy chú ý đến cảnh vật chung quanh khách sạn nơi mình vừa check in vào. Sau một đêm nghỉ ngơi, sáng nay dậy thật sớm chạy xuống lobby nhìn ra thì thấy ngoài sân có mấy anh đang leo trèo đu đưa trên hai cái cây trước cửa khách sạn để trang hoàng sửa soạn đón Tết. Ô thì ra hôm nay đã là ngày 26 Âm Lịch, mọi người đang nô nức sửa soạn đón Tết Đinh Dậu quý vị ạ. Trước mặt tiền của Dakruco Hotels có 2 cái cây thật to đã được vặt hết lá và họ đang gắn hoa đào và hoa mai giả vào hai cái thân cây này. Nhìn cũng đẹp và cũng thấy có không khí Tết, chỉ mỗi tội là mình hồi hộp quá vì chỉ sợ ngộ nhỡ các anh sẫy chân té xuống thì khỗ cho vợ, con hết được ăn Tết.

Nhìn chung quanh lobby của khách sạn thì nào là đào, là mai, rồi quất, rồi lan .... nhìn ra ngoài đường thì người người đi lại tấp nập sắm Tết rộn rã làm cho mình cảm thấy lòng thật nô nức với không khí Tết đang cận kề .... Theo chương trình thì Group 4 sẽ còn 1 ngày rưỡi nửa tại Ban Mê Thuột, và chiều mai thứ ba 24 tháng 1 thì coi như chúng tôi đã hoàn tất xong chương trình 26 ngày Tour (đi từ các tỉnh của miền Bắc xuôi xuống các tỉnh miền Trung và đi vào 3 tỉnh của vùng Tây Nguyên). Chúng tôi sẽ bay về Saigon vào chiều mai để chuẩn bị hưởng một cái Tết Truyền Thống cùng với gia đình sau 42 cái Tết xa quê hương. Và ra Giêng, chúng tôi lại sẽ tiếp tục đi nốt những tỉnh của miền Nam để cho được gần đúng với cái mộng đi "Xuyên Việt" mà mình đã từng ấp ủ lâu nay.

Hôm nay thứ hai 23 tháng 1, đúng 9:00 sáng cậu Quang đến đón chúng tôi đi thăm Buôn Đôn. Khu du lịch Buôn Đôn thuộc xã Krông Na, huyện Buôn Đôn. Nằm cách trung tâm thành phố Buôn Mê Thuột khoảng 40km, Buôn Đôn từ lâu đã trở thành điểm đến hấp dẫn không thể bỏ qua khi đến với Đắk Lắk. Buôn Đôn hay Bản Đôn là nơi chung sống của các dân tộc Ê đê, M’Nông, Gia Rai, Lào, Thái… và hiện nay là một Buôn phục vụ du lịch nổi tiếng của tỉnh Đak Lắk. Trong tiếng Lào, Buôn Đôn có nghĩa là “làng đảo” vì buôn được thành lập bên cạnh con sông Serepok có nhiều đảo nhỏ nổi lên giữa dòng sông. Một bên dòng sông là buôn làng, một bên là rừng Yokdon hùng vĩ nên Buôn Đôn có địa điểm thuận lợi mà hàng trăm năm qua đã phát triển nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng. Người ta nói, đến Đak Lắk mà chưa đến Buôn Đôn thì coi như bạn chưa đặt chân đến Tây Nguyên nên hôm nay 4 bà cũng muốn đi coi thử cho biết.

Lại nghe nói, điều thú vị nhất ở Buôn Đôn chính là cưỡi voi, cho nên N và MT cũng muốn đi thử xem nó ra sao. Một con voi có thể chở 3-4 người, voi sẽ đưa các bạn đi vòng quanh buôn để "trải nghiệm hoạt động cưỡi voi" và "quan sát cuộc sống thường nhật của người dân trong buôn làng". Vì là lần đầu trong đời leo lên .... lưng voi nên 2 bà này "chicken", không dám thử nghiệm cảm giác mạnh bằng việc ngồi trên lưng voi vượt qua sông Serepok. Thôi thì đành chọn cái cách đơn giản và có vẻ an toàn là cưỡi voi trên mặt đất, ngộ nhỡ voi có dở chứng quăng mình xuống thì cũng té xuống đất, chứ quăng té ở sông thì .... tiêu đời, vì mình có biết bơi đâu mà dám thử cảm giác mạnh này. Vậy các bác ráng chờ sau khi leo xuống N sẽ chia sẽ cái cảm giác lắc lư khi ngồi trên lưng voi dạo quanh bản Đôn cho các bác nghe, chắc hẳn là sẽ để lại nhiều kỷ niệm thú vị, đúng không nào!

Khi nghe các cô muốn cưỡi voi thì Cậu Quang bảo "cô ơi, dịch vụ cưỡi voi là "phát sinh" vì nó không có đặt trước trong chương trình của Tour mình, nên các cô phải bỏ tiền ra mua vé cưỡi voi nha!" (he he he! về VN kỳ này N lại học thêm được cái danh từ "phát sinh" các bác ạ. Mới đầu nghe các cậu Tour Guide thông báo rằng cái này phát sinh, cái kia phát sinh thì mình chẳng hiểu mô tê gì cả ..... về sau mới vở lẽ ra rằng hễ cứ khi nào nghe báo là "phát sinh" thì mình lại phải "bỏ thêm tiền" ra đấy). N nhớ hình như giá vé cưỡi voi là 70 ngàn/1 người (khoảng gần 3 đô) nên thấy cũng không đến nổi nào, vậy cho nên thôi thì có "phát sinh" mình cũng nên ok, mình chịu khó phát sinh thêm chút đỉnh cho đồng hương mình có thêm công ăn việc làm vậy.

Cậu Quang mua vé xong thì dắt 2 bà đi đến 1 cái chòi cao, bảo mình leo lên chòi rồi đứng đợi chờ con voi từ từ đi đến (đằng trước con voi có anh nài đang ngồi .... lái con voi).

À, hóa ra là mình sẽ leo lên cái chòi được đóng thật cao bằng với .... lưng con voi, sau đó anh nài sẽ lái con voi đến ngay cửa chòi thì .... mình bước qua cửa rồi leo qua lưng con voi ngồi vào 1 cái ghế gỗ đã cột sẵn trên lưng nó các bác ạ. Hi hi hi, trước đó N đã thắc mắc .... chết cha, con voi cao quá làm cách nào mà mình leo lên lưng nó được, chả lẽ nắm đuôi nó mà leo lên hay sao .... thật đúng là Hai Lúa ra tỉnh!!!

Đây, Hai Lúa đang lập cập leo lên lưng voi nè!

Voi đang bắt đầu đi .... ngồi trên lưng voi cao ngất ngưỡng, cái ghế nghiêng qua nghiêng lại mỗi khi con voi đập mạnh bước chân xuống mặt đất làm cho N có cái cảm giác không mấy được an toàn lắm nha các bác. Nghe người ta nói cưỡi voi vui và thú vị lắm .... nên mình cũng bày đặt tập tành thử xem nó ra sao ....

Các bác, xin thông báo rằng N chỉ cởi voi lần này là lần đầu mà cũng là lần cuối nha! Chẳng có gì hấp dẫn đâu, chỉ có thấy hãi thôi! chời ơi cái ghế ngồi thì lật qua, lật lại mỗi lần con voi nện chân bước đi, cái ghế cứ như là buộc không được chắc lắm làm cho người mình cứ nghiêng qua rồi lại nghiêng lại, chỉ sợ bị té xuống khỏi lưng voi thôi. Mỗi lần con voi bước, nó dậm bước chân đánh ình xuống đất mạnh lắm các bác ạ, đã thế lại còn vừa đi vừa .... ị, hôi rình! Trời thì nắng chang chang, đồng khô cỏ cháy, hơi gió phảng qua mặt mình thấy nóng rang hà ...., vậy mà mình đầu trần bêu nắng giửa trời còn dân chúng trong buôn thì chẳng nhìn thấy một ai, hình như họ trốn nắng ở trong nhà cả nên mình có nhìn thấy cảnh sinh hoạt thường ngày của họ đâu! Mà cái tour này hình như nó cũng .... ăn gian mình hay sao ấy (vì có vẻ nó không cho voi đi hết cái buôn như đã quảng cáo khi mình mua vé), con voi chỉ đi tới đi lui một hai con đường khoảng chừng 5 phút thì đã thấy quay về cái chòi cho mình leo xuống rồi (cũng may chứ nó mà đi lâu hơn nửa thì .... chán lắm!). Còn đang mãi lo bị rớt xuống khỏi cái ghế thì voi đã quay về cái chòi cho mình leo xuống rồi nên N không có đủ thì giờ để quan sát xem chung quanh cái Buôn Đôn nó nhìn như thế nào, bởi thế trong đầu N bây giờ chỉ nhớ đến chốn ấy với cái quang cảnh đồng khô cỏ cháy và thời tiết nóng quá sức mà thôi. Hm! con voi chỉ đi ngắn đường như vậy mà cũng làm cho N sợ hết cả hồn, lấy cái cell phone ra gắn vào cái selfie stick định chụp 1 cái ảnh, không biết luống cuống thế nào mà kéo nhầm làm gảy luôn cả cái selfie stick các bác ạ. Ôi giời, thế này mà lại còn định mua cái tour cởi voi vượt qua sông Serepok thì chắc là chết dở luôn quá. Đúng là "kỷ niệm thú vị" thật!

Gửi các bác xem, thời đại văn minh 3,4 gờ .... anh Nài vừa nói chuyện cell phone vừa lái Voi.

Sau vụ cưỡi voi này thì cậu Quang đưa chúng tôi đi xem cái Cầu Treo bắt ngang qua sông Serepok. Cầu treo Buôn Đôn là một cây cầu có vật liệu làm bằng tre, nứa, song, mây và có gia cố thêm cáp sắt. Cầu được bắt trên một bụi Gừa cổ thụ khổng lồ hàng trăm năm tuổi mọc bên bờ sông Serepok ở đoạn chảy qua Bản Đôn và trùm qua một đảo nhỏ giữa dòng Serepok. Tán cây bao trùm một diện tích tới trên một ha đất với nhiều gốc do các đoạn rễ phụ tạo thành nên trông rất lạ mắt. Rất tiếc là chỗ N đứng không chụp được những đoạn rễ có những hình dạng lạ mắt mà mình đã nhìn được. Cầu bắt đầu được khởi công xây dựng vào cuối năm 1998 đến đầu năm 1999 thì hoàn thành, dù tuổi đời chưa đến 2 thập kỷ nhưng chiếc cầu treo này hiện nay đã trở thành một biểu tượng nổi tiếng của Buôn Đôn.

Đứng trên cầu treo Buôn Đôn - Ngắm cảnh sông Serepok.

Rời Cầu Treo, chúng tôi đi xem Nhà Dài của người Ê Đê. Rất tiếc là bây giờ xem lại hình trong file thì không thấy N chụp được cái hình Nhà Dài nào cả (mà chỉ chụp có mỗi hình cái cầu thang, thật là rỏ chán!).

N đành phải lấy từ Internet hình cái Nhà Dài dưới đây để cho các bạn xem đở vậy.

Nhà dài của người Ê Đê có cấu kết của kiểu nhà sàn thấp, thường dài từ 15m đến hơn 100m tùy theo gia đình có nhiều người hay ít người. Nó là một ngôi nhà lớn có nhiều thế hệ sống chung với nhau như một đại gia đình. Đây là nét đặc trưng của chế độ mẫu hệ của người Ê Đê. Đặc điểm chính của nhà dài Ê Đê là thường rất dài, vì đây là nơi ở chung có khi của cả một dòng họ, mỗi khi có một thành viên Nữ trong gia đình xây dựng gia thất thì nhà lại sẽ được nối dài

thêm ra (người Ê Đê theo chế độ mẫu hệ, người con trai khi lấy vợ sẽ đến ở nhà vợ và không có quyền hành gì).

Người Ê Đê có tập quán là khi đi ngủ thì đầu quay về hướng Đông và chân quay về hướng Tây. Do đó nhà dài theo hướng Bắc Nam. Chỗ ngủ được ngăn đơn giản bằng những thành tre làm nhiều ngăn. Ngăn đầu tiên là ngăn của vợ chồng chủ nhà, tiếp theo là ngăn của người con gái chưa lấy chồng, sau đó đến các ngăn của vợ chồng những người con gái đã lấy chồng, cuối cùng là ngăn dành cho khách. Mỗi đầu nhà có một sân sàn. Sân sàn ở phía cửa chính được gọi là sân khách. Muốn vào nhà phải qua sân sàn. Nhà càng khá giả thì sân khách càng rộng, khang trang.

Cầu thang nhà nơi tiếp giáp với hiên nhà dài của người Ê Đê luôn được đẽo bằng tay và thường được tạc hình mặt trăng lưỡi liềm, dưới mặt trăng là hình hai bầu vú căng tròn, tượng trưng cho nét đẹp, uy quyền và vai trò của người phụ nữ Ê Đê trong gia đình mẫu hệ. Các cột, kèo thường đẽo gọt, trang trí bằng hình ảnh các con vật như voi, ba ba, kì đà... Cũng như cầu thang, các vật trang trí này luôn được đẽo bằng tay với cây rìu truyền thống.

Cầu thang nhà dài của người Ê Đê

Phải công nhận là chúng tôi đã vô cùng thích thú khi được biết thêm về phong tục tập quán của nhóm người dân tộc Ê Đê này. Khi trước cứ nghe nói đến nhà dài thì mình tự hỏi không biết tại sao họ lại gọi tên cái nhà như vậy, nhưng thật là khá thú vị khi biết sở dĩ được gọi là Nhà Dài vì theo tục lệ là nhà sẽ được nối dài thêm ra mỗi khi có một thành viên Nữ trong gia đình xây dựng gia thất. Khi người con gái lấy chồng, căn nhà được nối dài để làm nơi ở cho đôi vợ chồng mới, rồi đến đời cháu gái, ngôi nhà lại được tiếp tục nối dài.... Nhà dài không chỉ là không gian sống mà còn là nơi gắn kết bao thế hệ dòng tộc của người Ê Đê. Cứ như thế, nhà cứ dài ra, mãi mãi che chở cho cuộc sống của nhiều thế hệ…

 

Sau khi rời Nhà Dài thì chúng tôi được đưa đến xem nhà của ông Vua Săn Voi huyền thoại Ama Kông, đây là một địa điểm tham quan cùng với loại rượu nổi tiếng mang tên của ông tại Buôn Đôn. Muốn đến thăm ngôi nhà này, cậu Quang phải gọi điện thoại hẹn trước thì họ mới cho người mở cửa tiếp mình để được vào xem. Ngôi nhà ấy được dựng theo kiến trúc Lào, bằng những loại gỗ tốt nhất của đại ngàn Yok Don, là nơi trú ngụ của huyền thoại Ama Kông và giờ đây trở thành viện bảo tàng do gia đình ông quản lý.

Ông Ama Kông (1910-2012) có tên khai sinh là Y Prông Êban, tên Lào là Khăm Proong, vì có con đầu lòng tên Kông nên theo luật tục gọi là Ama Kông có nghĩa là "cha thằng Kông". Ama Kông là người dân tộc M’Nông, sinh năm 1910 tại bản Đôn, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk, là một người săn voi và thuần dưỡng voi rừng nổi tiếng của Việt Nam. Ama Kông là người săn được nhiều voi nhất ở Việt Nam (298 con). Vào rạng sáng ngày 3/11/2012, Ama Kông mất ở tuổi 103. Ông có 21 người con, 118 cháu, chắt.

Dưới đây là căn nhà của Vua Săn Voi Ama Kông. Trong nhà họ chưng bày nhiều hình ảnh của Vua Săn Voi, những vật dụng săn voi và huấn luyện voi cùng với các bằng khen, bằng sở hửu quyền bán thuốc của gia tộc Ama Kông. Nghe nói bài thuốc Ama Kông là bảo vật gia truyền của dòng họ, người kế thừa hợp pháp bài thuốc này là thầy thuốc Khăm Phết Lào con trai thứ 7 của Vua Săn Voi Ama Kông. Nghe đâu bài thuốc này được tổng hợp từ những vị thuốc hiếm do Ama Kông tìm được giữa rừng sâu Yok Don rồi mang về tự chế. Người đi thăm Bản Đôn thường mua vài gói về làm quà lưu niệm cho người ở nhà, với ý nghĩ là chả bổ thứ này thì khỏe thứ kia, coi như uống thay trà thảo mộc, xem ra cũng chả thiệt hại gì mà lại còn có được niềm tin là mình sắp thành Ama Kông (một ông lão với tuổi thọ 103, đã sinh con ở vào tuổi ngoài tám mươi).

Rời nhà Vua Săn Voi, cậu Quang đưa chúng tôi đi ăn trưa tại 1 quán ăn ngay trong khu vực Cầu treo nằm bên giòng sông Serepok. Thực đơn lạ miệng với món Cơm Lam/Gà nướng và Canh măng chua lá giang nấu với cá.

Rời Buôn Đôn trở về trung tâm thành phố để nghỉ ngơi sau gần 1 ngày trời bêu nắng. Sau buổi ăn tối thì cậu Quang chở mọi người đi xem chợ Tết. Hai chị TA và TN theo chân cậu Quang vào khu vực chợ Tết, còn N và MT thì không đi chợ Tết mà lại nhờ cậu tài xế Lý chở đi xem tất cả những con đường trong thành phố để nhìn cho biết cảnh nhà cửa, hàng quán và cảnh sinh sống của cư dân tại đây ra sao. Vì là vào dịp Tết nên xe cộ đông như mắc cửi, người dân đi mua sắm tấp nập, thành phố cũng được treo đèn kết hoa, quang cảnh đường phố cũng được trang trí không khác gì mấy với cảnh đón Tết tại thành phố Saigon.

Thứ ba ngày 24 tháng 1 năm 2017 (27 Âm Lịch). Sáng nay chúng tôi dậy sớm ăn sáng và check out khỏi khách sạn Dakruco. Hành lý đã được thu xếp sẳn sàng từ tối hôm qua vì theo chương trình, chúng tôi sẽ bay về Saigon vào chuyến bay lúc 5:25 pm.

Trong khi chờ đợi đến giờ bay về Saigon, cậu Quang đưa chúng tôi đi thăm thêm một vài nơi nửa tại thành phố này. Vì đang ở tại Ban Mê Thuột nên mọi người đòi đi .... uống cà phê. Thế là cậu Quang đưa chúng tôi đến Làng Cafe Trung Nguyên.

Làng cà phê Trung Nguyên hay còn được gọi là Làng Cà Phê là một công trình kiến trúc có diện tích khoảng 20.000m2. Làng Cà phê Trung Nguyên nằm ở phía Tây Bắc Thành phố Ban Mê Thuột, tọa lạc tại ngã ba Lý Thái Tổ - Nguyễn Hữu Thọ. Đây là một địa điểm du lịch nổi tiếng ở Tây Nguyên với không gian kiến trúc độc đáo đậm đà bản sắc dân tộc và không gian cà phê đặc sắc.

Làng cà phê Trung Nguyên có 5 khu: Quầy cung cấp thông tin, Khu thưởng thức cafe, Khu ẩm thực, Khu siêu thị và Khu Bảo tàng. Vì không có nhiều giờ nên chúng tôi chỉ vào ăn kem và thưởng thức 1 ly cafe cho biết mùi Cafe Trung Nguyên và chụp vài tấm ảnh ngay gần cổng vào vì bây giờ là dịp Tết nên họ trang trí khu vườn rất đẹp.

Đến lúc này thì Cậu Quang đề nghị với chúng tôi là đã đến thành phố Ban Mê Thuột thì không nên bỏ qua những thác nước cao hùng vĩ bên cạnh dòng sông Serepok thơ mộng và thác Dray Nur là một trong số những thác đó. Vì thác Dray Nur cách trung tâm thành phố Ban Mê Thuột khoảng chừng 26km, nên chúng tôi vội vàng lên đường ngay cho khỏi mất giờ. Xin được nói thêm vì đây cũng là mục "phát sinh" nên chúng tôi sẽ tự móc tiền túi ra trả cho tiền vé vào cửa khi vào thăm Thác các bác ạ. N nhớ không lầm thì tiền vé vào cửa độ khoảng 30 ngàn VND (hơn 1 đô) lại còn được free 1 ly cafe Trung Nguyên nữa.

Thác Đray Nur là thác trung nguồn nằm trong hệ thống 3 thác: Gia Long - Đray Nur - Dray Sáp của sông Serepok, tỉnh Đắk Nông. Thác Đray Sáp thuộc địa phận xã Nam Hà, huyện Krong Nô, tỉnh Đak Nông, còn thác Đray Nur thuộc địa phận huyện Krong Ana, tỉnh Đak Lak. Cả 2 đều là thác của dòng sông Serepok nhưng nhiều người thường nhầm lẫn là một, hoặc mọi người chỉ biết đó đều là thác Đray Sáp. Nhưng thực tế sông Serepok đến khu vực này chia thành 2 nhánh đổ xuống nên tạo thành 2 ngọn thác hùng vĩ và khi chảy thêm 1 đoạn nữa thì lại sát nhập vào với nhau. Người dân ở đây gọi thác Đrây Sáp là thác Chồng, Đray Nur nghĩa là thác cái, vì thế thác còn có tên tục là thác Vợ. Đray Nur nằm ngay cạnh Thác Đray Sáp và chỉ cách Đray Sáp một đoạn cầu.

Cả hai đều là những thác nước đẹp và hùng vĩ. Nhìn từ xa, Thác Dray Nur như một bức tường nước khổng lồ, hàng ngàn sợi nước tung bọt trắng xóa quấn quít, đan xen lại với nhau tạo nên một cảnh đẹp lung linh, huyền ảo. Nhìn từ độ cao hơn 30m, dòng thác nghiêng mình đổ xuống tạo nên một bức tranh thiên nhiên huyền diệu và thơ mộng va vào vách đá tạo nên những âm thanh trầm bổng, dạt dào.

Đặc biệt khi đến thác Dray Nur, bạn sẽ không thể bỏ qua cơ hội được bước trên chiếc cầu treo cao chênh vênh. Cầu treo gỗ được làm bắc ngang qua sông nước, khi bước qua đó, bạn sẽ cảm nhận được sự chòng chành, đáng sợ của loại cầu gỗ quen thuộc với người dân của các vùng dân tộc. Thế nhưng chính cái cảm giác kích thích khi bước từng bước qua cầu sẽ để lại cho du khách những trải nghiệm không thể nào quên.

Hơn nữa, khi được đứng trên cầu, phóng tầm mắt ra xa, bạn sẽ được chiêm ngưỡng trọn vẹn khung cảnh hùng vĩ tuyệt đẹp của thiên nhiên sóng nước nơi đây. Đó là một khung cảnh vừa oai hùng tráng lệ nhưng cũng rất dịu dàng, nên thơ.

Rời Thác Dray Nur, chúng tôi quay về thành phố và đến thăm Chùa Sắc Tứ Khải Đoan. Đây là ngôi chùa đầu tiên của Phật Giáo có mặt tại Đắk Lắk, được xây dựng vào năm 1951. Chùa tọa lạc trên khu đất rộng hơn 7 mẫu, do Đoan Huy Hòang Thái Hậu Hòang Thị Cúc hiến cúng cho Tổng Hội Phật Giáo Trung phần. Bấy giờ, Hòa Thượng Thích Trí Thủ, Trị Sự Trưởng Tổng Hội Phật Giáo Trung Phần tiếp nhận và công cử Hòa Thượng Thích Đức Thiệu thay mặt tổng hội trông coi xây dựng. Về phía Hoàng triều, bà Từ Cung đặt cử Thứ Phi Mộng Điệp theo dõi việc tôn tạo.

Chùa hướng mặt Tây nam, nhìn xuống suối Đốc Học, lưng dựa thế của khu phố Ban Mê Thuột. Lối kiến trúc phỏng theo kiểu dáng cung đình Huế kết hợp với phong cách nhà sàn của dân tộc Tây nguyên, pha lẫn chút kiến trúc hiện đại. Kinh phí xây dựng ban đầu do bà Từ Cung hỷ cúng, thêm vào đó là công đức của bá tánh thập phương. Năm 1953, nhân ngày lễ an vị lạc thành nhà hậu tổ, chùa được sắc phong là “SẮC TỨ KHẢI ĐOAN” – đời vua Bảo Đại. Khải Đoan là 2 chữ đầu của vua Khải Định và Đoan Huy Hòang Thái Hậu, mang ý nghĩa ghi nhận công đức người sáng lập ngôi chùa này. Đây cũng chính là ngôi chùa lớn nhất và cuối cùng tại Việt Nam được phong sắc tứ của chế độ quân chủ. Chùa hiện tại đã được bổ sung rất nhiều công trình mới nhưng vẫn giữ nguyên vẹn chính điện cũ và vẫn là một nơi thờ phụng lớn nhất của Phật giáo tại Đắk Lắk và là một điểm du lịch không thể bỏ qua tại thành phố Ban Mê Thuột.

Những hình ảnh chụp tại chùa Sắc Tứ Khải Đoan,

Hôm nay là 27 Tết âm lịch nên thấy có nhiều người đến lễ chùa, nhưng nhiều nhất vẫn là đám nam thanh nữ tú diện quần áo thật đẹp mang cả thợ chụp ảnh theo để dàn dựng và chụp cho họ cảnh "ngày Xuân đi chùa" các bác ạ. Tết chưa đến nhưng khi nhìn những hình ảnh này làm mình cũng thấy lòng rộn ràng xao xuyến chợt nhớ đến những tháng ngày xưa cũ trước đây ..... "khi mình .... còn trẻ" ....

Rời chùa Sắc Tứ Khải Đoan, chúng tôi ghé thăm Nhà Thờ Giáo Xứ Dũng Lạc. Nhà thờ nằm tại số 65 đường Nguyễn Văn Cừ nhìn rất đẹp với lối kiến trúc Tây Nguyên và vị trí là cửa ngõ đi vào thành phố Buôn Ma Thuột.

Cậu Quang đưa chúng tôi đi ăn Nem Nướng Ninh Hòa vào buổi cơm trưa. Sau đó mọi người chia tay với cậu Quang tour guide và cậu Lý tài xế vào lúc 3:00 giờ để vào phi trường Ban Mê Thuột lấy chuyến bay VN#1417 bay về Saigon lúc 5:25 chiều.

Thật quá là may mắn khi chúng tôi đã an toàn về đến Saigon mà không bị chờ đợi hay bị trục trặc một tí tẹo gì vào "chuyến bay cuối cùng" của cái Hành Trình Xuyên Việt kéo dài đăng đẳng trong 26 ngày vừa qua các bác ạ.

Nhớ lại những chặng đường đã đi qua .... lúc ngồi trên xe, lúc ở dưới thuyền lớn, thuyền nhỏ, lúc đáp máy bay với những ngày nằm ngồi chờ đợi tại phi trường 8, 9 giờ đồng hồ ... lúc ngồi cáp treo cao chót vót .... lúc dang nắng, đội mưa, lúc chui vào hang động, lúc ì ạch lê bước lên tận đỉnh núi, nhớ khi ngồi xe trèo đèo vượt suối cùng những lúc hãi hùng khi vượt qua những đoạn dốc cheo leo đầy nguy hiểm, với những cung đường đèo khúc khuỷu trong màn sương mù dầy đặc .... để rồi được đứng trên những đỉnh núi cao vời vợi nhìn mây bay lơ lững ngang trời ..... để cảm thấy như mình đang lạc vào tiên cảnh, thấy như mình đang ung dung, tự tại giửa đất trời, lại thấy quá may mắn khi được chính mắt nhìn và đặt chân trên những cánh đồng dài vô tận của đất mẹ và được hít thở mùi mạ xanh ngắt của hương đồng cỏ nội để rồi cảm thấy mình yêu mến vô cùng mãnh đất quê hương bỏ lại .....

Chúng tôi về đến Saigon và lại check in vào khách sạn Lavender Boutique vào lúc 8:45 tối. Bốn bà sẽ chia tay nhau để rồi ai về nhà nấy cùng xum họp với gia đình mình vào 3 ngày Tết của mùa Xuân Đinh Dậu 2017. Cùng hẹn nhau qua Tết sẽ tiếp tục đi thăm nốt các tỉnh miền Nam vì mơ ước của mọi người là được đi .... từ Ải Nam Quan đến Mũi Cà Mau các bác ạ. Với hành trình vừa qua thì coi như chúng tôi chỉ mới hoàn thành được có 1/3 ước nguyện của mình thôi mà ....

Ngoài đường phố Saigon, tối nay Đường Hoa Nguyễn Huệ chính thức khai mạc để đón Xuân Đinh Dậu 2017 nên xe cộ tấp nập, người đông dễ sợ, không khí thật vui và sinh động, ai cũng háo hức đổ hết ra ngoài đường ..... nhưng N và MT thì bỏ cả cơm tối, thảy đống hành lý đấy rồi leo lên giường nằm ngay các bác ạ. Không biết MT thì sao chứ riêng N thì có cái cảm giác là thấy người mình tự nhiên cứ "nhũn nhùn nhùn" ra! thật tình là không thấy mệt nhưng đầu óc thì nhẹ tênh, cảm thấy không muốn đi đâu hay bước thêm một bước nào nữa, chỉ muốn leo ngay lên giường nằm để nhớ lại chuyến đi vừa qua. Bây giờ xong chuyến đi rồi N mới dám khai thật ra một chút nha .... xong 26 ngày tour rồi, an toàn về đến nhà (return in one piece) rồi, giờ đang nằm trên giường rồi ..... ôn lại hết tất cả mọi chuyện từ A đến Z thì tự nhiên N có cái cảm tưởng là coi bộ mình ..... "vừa thoát chết"! Ấy, các bác đừng có cười và lấy làm lạ nha, thử hỏi xem một bà già 70 tuổi đi liền một mạch trong 26 ngày không ngừng nghỉ, ngày nào cũng thức dậy từ 4, 5 giờ sáng ... đi đến tận đêm ..... lên xe, xuống thuyền, trèo đèo, vượt suối .... đi vào toàn những chỗ nguy hiểm không à, đã thế phương tiện giao thông, đường xá, cầu cống, ghe thuyền, máy bay gì gì tại VN thì không có gì bảo đãm an toàn cả, người tham gia giao thông thì toàn xài "luật rừng" không hà. Giờ coi lại hình ảnh và suy nghĩ lại thì sởn gai ốc luôn và tự hỏi tại sao trong 26 ngày đó mình lại có thễ can đãm và không hề biết sợ là cái gì cả, chỉ đến khi xong xuôi đi về rồi mới thấy sợ! Chắc là khi đi chơi vui và hấp dẫn quá nên ai cũng trở nên .... "điếc không sợ súng" phải không các bác? Hi hi hi .... chả thế mà sau Tết, sau khi cơn sợ lắng xuống một tí thì bà già này còn "điếc" thêm 2 chuyến đi nữa rồi mới chịu khăn gói quay về nhà đấy. Các bác chịu khó chờ, N sẽ kể chuyện thêm cho các bác nghe nhé!

 

Viết xong ngày 19 tháng 6 năm 2019 lúc 4:00 pm

Nam Mai ___

Ban do Viet Nam tren canh dong lua o Nghe An hinh anh 2

 

 

 

 

 

back to top