Truyện Ngắn: NHỮNG NGƯỜI XA LẠ

NHỮNG NGƯỜI XA LẠ

Truyện Ngắn củaEva Bell (Ấn Độ)

Lắm khi, cuộc đời trớ trêu đẩy ta gặp những người tưởng chừng hoàn toàn không quen biết. Để rồi đến một lúc nào đó, ta chợt nhận ra rằng, trái đất này tròn lắm. Mọi sự đều không nằm ngoài quy luật nhân quả, vạn vật đều xoay vần theo những quỹ đạo đã được sắp xếp sẵn. Mọi khổ đau tan nát, mọi hạnh phúc tận cùng, tất thảy đều bắt đầu từ các tha nhân xa lạ cùng những mối duyên cớ vô thường.

Câu chuyện dưới đây chính là một lát cắt số phận đầy bất ngờ như vậy…

***

Kavitha đi vào màn đêm, đôi mắt phủ ngập bóng tối của cô mê mải dõi theo những điều mình sắp làm. Cô chải, bện tóc mình và cài lên một đóa hoa dâm bụt, choàng vào chiếc sari đẹp nhất, trang trí hai cánh tay bằng những chiếc vòng đỏ và xanh lá, thậm chí vẽ một đốm son trên trán.

“Một lần cuối cùng,” cô nghĩ, “Lần cuối cùng điểm tô như một phụ nữ đã kết hôn.”

Trước khi rời căn chung cư hai phòng trong một khu chawl(*), cô nhìn quanh lần sau cuối để chắc chắc rằng mọi thứ đã được xếp đặt hoàn hảo. Than hồng trong lò sưởi đã được dập tắt hết, chiếc vòi nước duy nhất đã khóa và tấm đệm được xếp chồng lên gọn ghẽ trong một góc. Cô lần tìm những bức ảnh lớn của chồng và con trai. Chỉ trong sáng nay cô đã mua hai vòng hoa gỗ đàn hương để trang hoàng cho chúng. “Ta sẽ đến với cả hai người sớm thôi,” cô thì thầm, “Sẽ chẳng còn nước mắt nữa. Ta đã quyết định rồi.”

Kavitha đã cố đương đầu với tấn bi kịch xảy ra hồi ba tháng trước. Cô hồi tưởng lại cái ngày đó thực rõ ràng. Hôm ấy là sinh nhật bốn mươi tuổi của chồng cô. Cô đã gói hộp cơm trưa của anh và con trai cùng những viên kẹo đặc biệt chuẩn bị cho dịp này. Họ có một cửa hàng rau quả nhỏ trong khu chợ dành cho người bình dân. Dileep, chồng cô, là một người rất được lòng khách lẫn những người bạn hàng. “Ai mà không quý mến anh ấy chứ?” cô nghĩ, “Ta chưa bao giờ gặp một người đàn ông nào tốt hơn thế, luôn ân cần chu đáo với người khác. Con trai ta cũng được thừa hưởng tính này từ cha nó.”

Dileep chỉ có một điều day dứt rằng anh không thể cho con trai vào Đại học. Tarun đã bị gián đoạn việc học sau khi tốt trung học và theo cha đến làm việc tại cửa hàng. “Tarun, con không thể là một chủ tiệm bình thường như cha cả đời được. Con phải đến trường buổi tối và lận lưng những điều tốt đẹp hơn. Cha đã tiết kiệm đủ tiền để đóng học phí cho con. Mẹ con và cha hi vọng có điều kiện sống tốt hơn sau này. Chỉ có con mới có thể biến những giấc mơ đó thành sự thật.” Thế là Tarun đăng ký vào một trường Đại học buổi tối và sắp sửa bắt đầu việc học hành.

Đêm đó, khi tin tức về những vụ nổ trong thành phố lan đến, cô đang ở nhà một người bạn. Khi mở TV lên, cô thấy mọi người bỏ chạy tán loạn khi những vụ nổ bom bùng lên trong nhiều khu vực của thành phố, cô mê mải xem những điều đang diễn ra, không bao giờ ngờ rằng nó sẽ thay đổi cuộc đời mình mãi mãi. Gần một giờ sau đó, có ai đến hổn hển nói với cô rằng: “Cửa hàng Dileep Bhai,” anh ta hét lên, “Một quả bom đã được đặt trong cái túi trên chiếc xe đạp dựng gần đó.”

Phải mất một lúc để định thần, sau đó cô thét lên một tiếng chói tai. “Không, không… Đó không thể là sự thật.” Cô chạy hộc tốc theo cậu bé. “Chờ đã” những người bạn nói với cô, “Chúng ta sẽ đi cùng nhau. Cảnh sát đã có thể đã cách ly khu vực ấy.”

Như tiên đoán, khu vực bị đánh bom đã bị phong tỏa khỏi đám đông. Người ta tụ tập lại xung quanh than khóc và đấm vào ngực bởi chẳng biết điều gì đã xảy ra với những người thân của mình. “Điều đó không thể nào… không, nó không thể. Dileep…. Hôm nay cũng là ngày sinh nhật của anh ấy! Và Tarun đã chuẩn bị mọi thứ để đi đến trường buổi tối. Cả hai hẳn đã thoát được. Ta phải tìm họ.”

Những người bạn ngăn không cho cô làm điều gì đó ngốc nghếch. Nhiều giờ chờ đợi đầy khổ sở. Những tiếng còi cảnh sát thất thanh, những chiếc xe cứu thương rền rĩ gấp rút, những đám đông xô đẩy, chen lấn, ngã bổ nhào vào nhau. Sau đó, một giọng nói lớn phát qua loa phóng thanh.

“Những xác chết đang được đưa về bệnh viện của chính phủ. Yêu cầu mọi người đến đó và và nhận diện người thân của mình.”

Không có gì để nhận diện. Phần lớn những cái xác bị cháy đến biến dạng. Chỉ có chiếc nhẫn trên ngón tay Dileep và chiếc bùa Hanuman mà Tarun đeo quanh cổ là sống sót được qua lửa đỏ.

“Tại sao ta phải sống một mình?” Kavitha than khóc, “Tại sao Chúa không thể mang ta theo cùng?”

Suốt vài ngày đầu tiên sau khi mất người thân, những người bạn đã đến an ủi và xót thương cùng cô. Họ giúp đỡ mọi nhu cầu của cô. Và nỗi đau mất mát chỉ thực sự vây lấy cô sau khi nghi thức cuối cùng của tang lễ chấm dứt.

“Ta chỉ còn một mình” cô nghĩ. “Và ở xa nơi chôn rau cắt rốn! Dẫu không cần kíp cho lắm, ta phải sớm tìm ra một công việc để tự nuôi thân. Ta không muốn trở về với người thân. Đây là một thành phố lớn và khả năng tìm việc chắc hẳn sẽ cao hơn ở làng. Hơn nữa, sẽ có rất nhiều giới hạn ràng buộc một góa phụ. Ta phải suy nghĩ thật cẩn thận về điều mình muốn làm.”

Kavitha ghét phải rời khỏi căn nhà nơi cô đã hạnh phúc suốt nhiều năm. Cô đến đây khi mới là một cô dâu trẻ, Dileep và cô đã biến những căn phòng nhỏ này thành một thiên đường hạnh phúc và mãn nguyện. Khi Torun chào đời, Dileep đã không đưa cô về nhà cha mẹ cô như theo tục lệ, mà chăm sóc cô đầy yêu thương không như rất nhiều những người chồng khác. Họ không giàu có nhưng chẳng thiếu thốn những nhu cầu cơ bản và khá hài lòng với những điều họ có.

“Giờ đây, ta chỉ có một mình… thật đáng sợ. Làm sao ta có thể tồn tại đây?” Cô chưa thể tự mình ra ngoài và tìm một công việc ngay được.

***

Người đàn ông gõ cửa nhà cô là một người lạ. Cô chưa bao giờ thấy ông ta trước đây. “Tôi nghe nói rằng cô muốn tìm một công việc. Cô có muốn làm công việc nhà không? Tôi sẽ trả lương cao cho cô. Vợ tôi là một người tàn tật và cần chăm sóc”. “Tôi cần thêm thời gian để nguôi ngoai”, cô nói, “Tôi chưa sẵn sàng đến làm việc ngay đâu.”

Tuần sau, ông ta lại đến năn nỉ cô giúp mình. Cô vận một chiếc sari trắng tinh tươm, không đeo bất kỳ trang sức nào và giữ thái độ im lặng đầy vẻ xúc động. “Chưa đâu” cô nói, “Tôi vẫn chưa có tâm trạng để làm việc ngay. Những giọt nước mắt vẫn ướt đẫm trên gò má tôi.”

Nhưng khi ông ta quay lại lần thứ ba để xin giúp, Kavitha cảm thấy đây là một trường hợp cấp thiết và cô phải bước ra khỏi nỗi buồn thương. “Có lẽ vợ ông ta đang hấp hối,” cô nghĩ, “Tâm trí ta có thể thoát ra khỏi nỗi mất mát nếu ta bận tâm vào việc chăm sóc cho bà ấy.”

Căn nhà khá xa nơi cô sống. “Làm thế nào ông ta biết đến ta nhỉ? Có lẽ những người hàng xóm và các nhà hảo tâm đã truyền tai nhau về sự mất mát người trụ cột trong gia đình ta.”

Mặc dù cô không có kinh nghiệm chăm nom người ốm nhưng cô khá tự tin rằng mình có thể xoay xở được.

Người đàn ông sống trong một ngôi nhà độc lập. “Có lẽ ông ta là chủ của ga-ra xe kế bên”, cô nghĩ, nhìn những chiếc xe đậu tràn cả ra đường. Chỉ có vài người đàn ông sửa chữa những chiếc xe. Khi đó đang buổi trưa nên có lẽ nhiều người đã nghỉ ăn trưa. “Ồ vào đây,” ông ta nói, một nụ cười tận mang tai bừng lên trên mặt. “Xin cô thứ lỗi cho cái đống lộn xộn này. Tôi chẳng phải một quản gia tốt.”

Nơi này cứ như chẳng có ai ở cả thế kỷ. Kavitha không thích sự bừa bãi. “Ta phải giảm bớt công việc của mình mất thôi,” cô nghĩ. “Phải mất vài ngày để dọn sạch nơi này”. “Vào đi. Bà ấy trong phòng ngủ.”

Kavitha theo ông ta. Cô nhìn xung quanh tìm dấu hiệu của một người tàn tật nhưng không có gì cả. Cái giường được dọn gọn gàng và mọi thứ có vẻ đã được sắp xếp và dọn sạch sẽ. “Bà ấy đâu?” Kavitha hỏi.

Cô nhìn lên và thấy gã ta đang cười một mình. Đây là một trò bịp phải không? “Ông mang tôi tới đây để chăm sóc người vợ đau ốm của ông. Bà ấy đâu? Có một phòng ngủ khác à?”. “Vợ ta đã mất năm ngoái. Điều ta cần là một người đàn bà ưa nhìn như cô mà không cần gặp nhiều phiền toái và có thể đáp ứng mọi như cầu thể xác của ta.” “Con lợn thối tha!” Kavitha nguyền rủa khi gã sấn về phía cô và kéo cô vào trong tay gã.

Cái miệng dâm ô của gã ấn sát lại gần đôi môi cô. Kavitha hiểu rằng phải chạy trốn. “Ta sẽ bị đày xuống địa ngục nếu để gã đàn ông này chiếm đoạt.”

Cô nhớ lại cách một cô gái trẻ hạ gục thằng ác ôn trong một bộ phim. Cô siết chặt nắm đấm và dùng hết sức bình sinh giáng vào hạ sườn. Gã gập người đau đớn và cô giáng vào lưng gã thêm vài quả đấm chắc nịch. Sau đó cô chạy như ma đuổi. Cô không ngạy chạy cho đến khi về tới nhà, khóa cửa và bày những chướng ngại vật ngay cửa chính. Đoạn, cô ngồi xổm trên sàn và bật khóc nức nở.

“Chẳng lẽ định mệnh cho ta đã an bài?” Cô tự hỏi. “Một người phụ nữ góa bụa có thể được đối xử công bằng như tất cả mọi người?”

Cô đã nghe chuyện về những góa phụ đã trở thành đối tượng của mọi sự lạm dụng- thể chất, thân xác, tinh thần. Giờ đây cô là một trong số họ – những con người thiểu số không nơi nương tựa, rồi sẽ bị bọn lưu manh truy lùng, bị những gã chủ ác tâm bắt làm quần quật như những con gia súc. “Không”, cô nghĩ. “Ta sẽ không chịu đựng sự sỉ nhục như thế. Nếu ta trở về làng sẽ còn tệ hơn gấp mười lần. Tốt nhất là ta kết liễu cuộc đời.”

***

Giờ đây, cô đang trên đường hò hẹn với sự quên lãng ngọt ngào. Cô lén lút lẩn tránh theo cửa sau ra con hẻm tối đen phía sau nhà. Cô bước gấp gáp, thỉnh thoảng ù té chạy như bị những bóng ma tưởng tưởng của màn đêm săn đuổi. Cuối hẻm là một con đường đầy bùn đất chia ra đôi ngả, dẫn đến một khu rừng nhỏ rậm rạp. Phía bên kia là một cái ao làng um tùm và bẩn thỉu. Cô nghe nói nó đủ sâu để nhận chìm bất kỳ ai không thể bơi qua.

Kavitha đứng ở bờ ao. Mặc dù không có nhiều ánh sáng, cô biết cô đang đứng tại vùng nước nước sâu nhất.

“Ta chẳng thể bơi nên cái chết sẽ đến nhanh thôi. Hỡi thần Rama, ta đến đây.” Nhưng dù sắp sửa nhảy xuống cô vẫn giật mình bởi một chuyển động cách đó vài thước. Trong ánh sáng lờ mờ lọt qua kẽ lá, cô thấy một cậu trai trẻ tuổi cũng toan làm cái điều cô đang định liệu.

“Không”, cô thét lên, quên mất quyết tâm của chính mình. “Đừng làm thế.” Cô hết sức bình sinh kéo cậu bé lùi lại khỏi bờ ao khiến cậu ngồi xổm trên mặt đất. “Thánh thần ơi, cháu đang cố làm gì vậy? Tự vẫn ư?”. “Đúng thế và cô không nên kéo cháu lại”. “Tại sao?” “Vì chẳng còn ai chăm sóc cho cháu cả. Mọi người đều đã chết.” Trái tim Kavitha bỗng nhen lên nỗi đồng cảm với cậu bé. “Ôi cháu à, cả hai chúng ta đều như nhau. Cô cũng không còn ai để chăm sóc cho mình. Hãy kể cho cô nghe mọi chuyện. Cháu sẽ cảm thấy khá hơn sau khi trút nỗi buồn khổ của cháu ra.”

Cậu bé còn nhỏ, có lẽ không quá 14 tuổi. Cậu trông như chưa được ăn một bữa no nào suốt nhiều ngày. “Cháu ở một ngôi làng gần Hassan. Chúng cháu có vài cánh đồng để trồng trọt. Nhưng trời không chịu mưa cho và mùa màng thất bát. Cha cháu mượn một món tiền lớn từ một kẻ cho vay nặng lãi. Cha cháu không thể trả nợ cho hắn đúng thời hạn và hắn gây ra nỗi kinh hoàng cho cả gia đình cháu. Trong lúc cùng đường, cha mẹ và anh trai cháu đã tự tử. Gã cho vay muốn bắt cháu lại làm người ở để bảo đảm cho đến khi món nợ được trả hết. Thế là cháu chạy trốn khỏi làng và đến thành phố này. Cháu không còn nơi nào để đi cả.”

Câu chuyện khiến Kavitha xúc động. “Tên cháu là gì?”

“Navin ạ. Cháu không muốn tiếp tục xin ăn trên đường phố. Tốt hơn là cháu chết đi.” “Hãy cùng về nhà nào.” Cô nói. “Cho đến khi cháu tìm được nơi nào đó, cháu có thể ở với cô.” “Nhưng tại sao cô lại ở một mình đúng chỗ này giữa đêm tối?” cậu bé hỏi. “Bởi vì cô tuyệt vọng và cô đơn giống cháu. Cháu biết về những vụ nổ kinh hoàng cái đã xảy ra ở nhiều khu vực trong thành phố ba tháng trước chứ? Một trong số những quả bom được giấu trong một cái túi trên xe đạp đã giết chồng và con trai cô. Cô cũng muốn chết…”. “Và cô đổi ý sau khi cô thấy cháu?” “Nói cách khác, cháu đã cứu mạng cô. Cô đã quẫn trí bởi điều mình sắp làm. Giờ đây cô nhận ra chính sự hèn nhát đã khiến cô suy thật nông cạn.”

Họ đi bộ về khu chawl của cô trong im lặng, cả hai chìm trong những suy nghĩ riêng. “Ta phải làm gì để sống đây?” Kavitha tự hỏi, “Và giờ đây ta có thêm một miệng ăn nữa.”

Sau khi nằm thao thức gần cả đêm, cô nảy ra một ý. Cô là một người nấu ăn giỏi. Những món bánh patty khoai tây và bhelpuris sẽ bán đắt như tôm tươi. “Cháu sẽ đem bán chúng đâu đó trên phố,” ngày hôm sau cô nói với Navin. “Có lẽ chúng ta sẽ dựng một quầy hàng nhỏ ven đường vào các buổi tối.” “Ôi không, không, không… Cháu sẽ giúp cô mọi công việc nhà. Nhưng xin đừng bắt cháu ra khỏi nhà. Cháu nhút nhát và không thích gặp mọi người đâu.”

Thế là Kavitha đi tìm khách hàng. Có hai tiệm trà trên đường Parle đồng ý mua những món ăn của Kavitha. Nhưng cô phải mang đến giao tận cửa tiệm cho họ hai lần mỗi ngày. Điều này khiến cô luôn bận bịu đi giao hàng nhiều giờ liền. Navin giúp đỡ cô hết sức mình nhưng cô không thể thuyết phục cậu bé bước chân ra khỏi nhà. Mặc dù cậu thường xuyên quẩn quanh cô nhưng chẳng bao giờ nói chuyện trừ khi cần thiết. Thỉnh thoảng cô bắt gặp cậu bé nhìn chằm chằm vào những tấm ảnh của chồng và con cô và khuôn mặt như bị nỗi buồn che phủ. Kavitha nghĩ rằng cậu vẫn chưa vượt qua nỗi đau mất người thân của mình. Nhiều lần cô nghe thấy cậu bé thổn thức trong giấc ngủ.

Có nhiều thứ cô không thể hiểu vê cậu bé. Gánh nặng của sự mất mát trĩu nặng trên đôi vai nhỏ.

“Ta đoán cậu bé cảm thấy tội lỗi khi nó còn sống còn cả gia đình đã chết. Có lẽ cậu bé cảm thấy phẫn uất vì ta đã ngăn nó nhảy xuống ao.” Nhưng dù cậu bé không nhiều lời, sự có mặt của cậu là một niềm khuây khỏa. “Ta không còn cảm thấy cô đơn.” Với những câu hỏi tò mò của những hàng xóm, cô nói cậu bé là cháu trai từ làng người được gửi tới để bầu bạn cùng mình.

Cuộc sống luôn khó khăn. Mặc dù mọi cô gắng làm việc chăm chỉ, công việc của Kavitha chỉ đủ đắp đổi qua ngày. Một ngày mưa, cô ngã bệnh với chứng đau ngực dữ dội và nhiệt độ lên xuống thất thường. Không có tiền mua thuốc, Navin nhìn cô với trái tim quặn thắt. Khi cơn sốt lên đỉnh điểm, Kavitha rên rỉ và trở mình trên đệm. Cơn ho tra tấn cơ thể yếu ớt của cô. Thỉnh thoảng cô thở hổn hển đứt quãng.

“Chúa ơi!” Navin nghĩ. “Mình phải tìm về đây một bác sĩ. Cô ấy sắp chết rồi. Không mình sẽ không để cô ấy chết.”

Lần đầu tiên cậu bước chân ra khỏi nhà và ra ngoài. Cậu đi ba dặm đường đến nơi cần phải đến. Đó là một hiệu may nhỏ trên con đường Darji chật hẹp, bốc mùi bởi những cống rãnh lộ thiên và đầy những con chó đầy ghẻ lở. Tay thợ may luống tuổi ngẩng nhìn lên từ chiếc máy khâu của gã.

“Thưa ông, tôi đến để lấy tiền của mình.” “Tao nghĩ mày đã chết, con ạ. Làm thế nào mày còn sống trên đời này vậy?”. “Tiền của tôi. Ông đã hứa với tôi một ngàn rupee.” “Mày nên đòi món tiền từ bốn tháng trước. Giờ tao chỉ có thể đưa cho mày năm trăm.” “Một ngàn hay tôi sẽ đến gặp cảnh sát.” Navin nói, tiến sát thêm một bước. “Thôi được, cậu trẻ à. Tiền của mày đây. Giờ thì biến và thậm chí đừng bao giờ vác mặt đến cửa nhà tao thêm lần nữa. Không thì…”

Navin chạy một mạch về nhà. Cậu đã thấy một phòng mạch trên đường, cách nhà Kavitha không xa. “Ông phải đi theo cháu thưa ông. Mẹ cháu đang ốm nặng. Tình trạng rất nguy kịch. Cháu sẽ trả cho ông nhiều tiền.”

Nhận thấy sự tuyệt vọng của cậu bé, ông bác sĩ đi theo Navin. Ông khám cho Kavitha và tiêm cho cô một mũi thuốc. Ông cũng kê một toa thuốc và bảo Navin đi mua ngay lập tức.

Navin chỉ vừa mới trở về từ tiệm thuốc và cho Kavitha uống liều đầu tiên thì nghe tiếng gõ cửa. Một viên cảnh sát bước vào. “Tôi có lệnh bắt giữ Navin!”. Dù đang bệnh, Kavitha ngẩng đầu dậy và hỏi. “Sao ông muốn bắt nó?” “Chúng tôi nhận được cuộc gọi từ một người đã lần ra tung tích của cậu ta. Chúng tôi theo cậu ta đến đây?”. “Để làm gì?”

“Cháu sẽ nói với cô sự thật, cô à” Navin nói. “Và cô phải tin cháu. Cháu đã kể với cô rằng cháu chạy trốn khỏi làng. Cháu bắt một chuyến xe buýt đến thành phố. Nhiều ngày liền, cháu lang thang quanh trạm xe buýt làm đủ nghề lặt vặt để no bụng. Sau đó gã thợ may kia tiếp cận cháu và nói sẽ đưa cho cháu một ngàn rupee để mang chiếc xe đạp đến bỏ lại gần khu chợ. Cháu vô tội. Cháu đã nghĩ hắn ta là một người tốt sẵn sàng trả một món tiền hào phóng cho một công việc thật ngớ ngẩn. Sau đó một lúc cháu mới biết có một quả bom trong cái túi đen buộc vào giỏ xe. Chỉ khi vụ nổ xảy ra cháu mới hiểu rằng chính mình đã làm điều đó.”

“Đến đây, quân bất lương,” Kavitha hét lên, “Bây giờ ta sẽ bóp cổ mày bằng chính đôi tay ta”, “Cô ơi,” cậu bé chạm vào đôi chân Kavitha cô van xin. “Vụ nổ đó giết chết rất nhiều người gồm cả gia đình cô. Cháu đau khổ vô cùng. Cháu không thể thôi ám ảnh tội lỗi của bản thân và đã trốn tránh nhiều ngày. Cháu nghĩ rằng tốt hơn mình nên chết. Đó là lúc cô cứu cháu. Hãy tha thứ cho cháu, cô ơi.” Những giọt lệ chứa chan trên mắt cậu.

“Có một ít tiền đủ cho cô chữa bệnh trong chiếc túi này. Cháu sẽ đi với ông cảnh sát.”. “Chờ đã.” Kavitha ngỏ lời với viên cảnh sát. “Tại sao ông không bắt gã thợ may? Phải chăng chính hắn đã mách nước cho ông? Hãy đi tìm hắn ngay đi. Navin sẽ chỉ cho các ông cửa hiệu đó. Và đừng quên cậu bé này vô tội. Ông phải thả nó về cho tôi ngay khi có thể càng sớm càng tốt. Cậu bé là tất cả những gì tôi có.”

 

Ngọc Vân (dịch)

Chú thích:

(*) Chawl: tên gọi một loại chung cư kiểu cũ

dành cho người bình dân, người nhập cư tại Ấn Độ

-Kim Kỳ sưu tầm-

back to top